Đức Phật phải làm gì?: KHÁT VỌNG ĐỜI SỐNG (C.IV)

KHÁT VỌNG ĐỜI SỐNG

           

 

 

 

            Ồ, đây mới đúng là mật ngọt chết ruồi đây! Những khát vọng trần tục, những cuồng si, những khoái lạc như tiền bạc, địa vị, quyền lực, sắc đẹp, nhục dục, v.v.  cả một đời người chúng ta ngụp lặn trong đó.  Chúng ta reo cười, hớn hở đón chào những khoái lạc đó; chúng ta vỗ tay tưng bừng mở tiệc, uống ăn hả hê hay nhào lộn tan biến trong những lạc thú mà chúng ta cho đó là mục tiêu cuộc sống đời người của chúng ta.  Tất cả những cái mà con người hứng thú, tranh dành chụp giựt đó nghe qua có vẻ thật hấp dẫn, thật quyến rũ xiết bao, nhưng nào ai có biết đâu, ngay trong cái ảo giác cuồng si đó, đã ẩn chứa biết bao là đau khổ, tuyệt vọng.  Chúng ta đã và đang gây đau khổ cho chính chúng ta bởi những khát vọng đam mê si cuồng trần tục.  Tại sao thế?

            Hơn ai hết, Đức Phật đã cảnh giác chúng ta về sự ảo giác cuồng vọng này, bởi vì càng mê say dục lạc thì càng lún sâu vào khát ái tham vọng.  Và sự khát ái tham vọng đó sẽ và chỉ đem đến cho chúng ta đau khổ, thất vọng mà thôi.  Chúng ta không biết đau khổ sẽ đến với chúng ta lúc nào nhưng chắc chắn nó sẽ tới.  Đôi khi đau đớn khổ sở sẽ đến tức thì, chẳng hạn như khi chúng ta ngấu nghiến vội vàng những món ngon thì sau đó bụng sẽ lình sình khó tiêu, bao tử sẽ quặn thắt từng cơn; nếu chúng ta vụng trộm che dấu cái gì thì chúng ta luôn cảm thấy sợ hãi, ngay cái bóng cây lay động cũng khiến chúng ta giật mình thon thót hoặc có khi chúng ta phó mặc, phế hủy cuộc đời chúng ta tàn tạ tiêu mòn đi trong ma túy, rượu nồng.

 

            Thế thì có bao giờ chúng ta tự hỏi, làm sao chúng ta có thể vui hưởng cái thế giới và cái thân xác vật chất này mà không bị tiêu mòn, hủy diệt không? Ý tưởng này có vẻ cường điệu, lố bịch quá chăng?  Có thể đấy, nhưng thực tế thì đấy chính là một cuộc chiến mà chúng ta phải chiến đấu từng ngày. 

            Tham vọng của chúng ta thật vô tận.  Nó như một ngọn lửa rực cháy khó dập tắt, và cuộc đời chúng ta thì ngắn ngủi, vô thường, mong manh, giả tạm.  Đức Phật có thể giúp chúng ta giải quyết sự mâu thuẫn đối kháng này.  Những lời dạy của Ngài trong chương bốn này sẽ hướng dẫn chúng ta trực chỉ tiến thẳng tới cốt tủy giáo lý của Phật, và chắc chắn trí tuệ do tu tập theo lời Phật dạy sẽ chuyển hóa được khát vọng cuồng si của chúng ta.

             

            Đức Phật phải làm gì khi bị say xỉn?

 

            Có sáu hậu quả khi bị say xỉn:  thất thoát tiền bạc, tăng trưởng lòng sân hận thích gây sự, nguy hiểm bệnh tật, tà ma quấy nhiễu, hành vi lố lăng đê tiện, và trí tuệ bị giảm sút.

                                                                                          Kinh Trường A Hàm 31

 

            Đức Phật không bao giờ thấy mệt mỏi ngán ngẫm khi phải luôn miệng răn đe nhắc nhở chúng ta rằng mỗi một hành động, dù thiện hay ác, phải hay trái, đều mang sẵn hậu quả của nó. 

            Uống rượu có thể cho chúng ta một khoảnh khắc thời gian nào đó sảng khoái, nhưng say sưa be bét luôn dẫn chúng ta tới sáu trường hợp tệ hại nói trên.

            Như thế có phải là Đức Phật chống đối, ngăn cấm việc uống rượu không?  Lẽ dĩ nhiên, nhưng đó chỉ dành cho các vị tu   đệ tử xuất gia của Ngài mà thôi.  Riêng phần đông chúng ta, những người thế tục, giới luật để tuân thủ là ‘không nên lạm dụng các chất men say’.

            Thế nào là lạm dụng?  Có nghĩa là chúng ta phải biết tự kềm chế lấy chúng ta, phải biết dừng lại đúng lúc; nếu không là chúng ta đang lợi dụng, đang lạm dụng và tự biện hộ cho hành vi sai trái của mình.

Chúng ta đều biết rượu vang bồi bổ cho tim mạch.  Một ly rượu vang thôi không có nghĩa là lạm dụng mà trái lại có thể sẽ tạo hiệu quả tốt cho cơ thể như chất thuốc vậy.  Tuy nhiên mỗi người chúng ta cũng phải nên tự hỏi: “Rượu vang này có tác dụng gì trên sự tỉnh giác của tôi?  Tôi có thể nào uống ly rượu này mà vẫn giữ được tỉnh táo, chừng mực hay không?”

            Nếu câu trả lời của chúng ta là ‘không’ thì chúng ta phải dừng, bắt buộc phải dừng lại ngay sự thèm khát uống rượu của chúng ta.  Và thực sự thì ‘không uống, không lạm dụng các chất men say’ là giới luật cần phải tuân thủ cho tất cả mọi người.

                       

            Đức Phật phải làm gì nếu không muốn bị ghiền cà phê?

 

            Đất nước chúng ta đầy dẫy những người như ho hen, bệnh hoạn, yếu ớt.  Tại sao vậy? Tại vì những người đó không chịu uống trà.  Vì thế bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy mệt mỏi, bần thần hay ốm đau, chúng ta nên và cần phải uống trà.

                                                                                                     Kissa Yojoki

 

            Thật xin lỗi khi chạm đến cái thú, hay có thể nói là cơn ghiền cà phê của qúi vị, nhưng thực ra thì dù là ghiền cà phê hay ghiền bất cứ cái gì khác, không phải là điều mà Đức Phật tán đồng hay ủng hộ. 

            Vâng, vâng, có thể như lời qúi vị nói, cà phê có tác dụng giúp qúi vị tỉnh táo, giúp qúi vị năng động hơn, linh hoạt hơn.  Cũng có thể (như lời qúi vị cho rằng) một tách cà phê buổi sáng cũng linh nghiệm như một thông lệ cầu kinh, qúi vị không thể thiếu nó được, tuy nhiên cái ‘thông lệ đặc biệt’ đó không thể nào được xem là một thành quả thiền định được, mặc dù qúi vị có thể phải mất cả 15 hay 20 phút đồng hồ mỗi ngày để pha chế một tách cà phê rất ngon, rồi nhâm nhi nó, hưởng dụng nó và không thể thiếu nó được. Mỗi ngày phải có ít nhất một tách cà phê trong người.  Cà phê đã trở thành một chất liệu nuôi dưỡng, một chất ‘máu ngọt màu đen’ trong cơ thể qúi vị, không có không được.

            Câu nói của Kissa Yojoki ở trên khuyên chúng ta nên uống trà, đặc biệt là trà xanh thay vì uống cà phê.  Trà là một loại thức uống thông dụng, nổi tiếng khắp hoàn cầu, và bổ dưỡng hơn hẳn cả nước, nhưng trà cũng có thể khiến chúng ta bị ghiền nếu chúng ta bị lệ thuộc vào nó.  Một khi chúng ta bị lệ thuộc vào một cái gì, cà phê hay trà hoặc bất cứ một thứ gì, chúng ta đã trở thành nô lệ cho đồ vật đó.  Hãy tự hỏi ai là chủ nhân, chính chúng ta hay những thứ mà chúng ta cho là chúng ta ‘cần.’  Nếu là chúng ta thì có cái gì đó đã sai rồi trong cuộc đời của chúng ta vậy.

            Nếu thế, có phải chúng ta cần nên bỏ ngay cái thú nhâm nhi cà phê chăng? Bỏ luôn cả trà nữa?  Có cà phê hay không có cà phê cũng không quan trọng, có trà hay không có trà cũng không tác động được gì với chúng ta cả, có nghĩa là chúng ta không nên và không được biến mình thành nô lệ cho ngũ dục, dù chỉ là một tách cà phê hay chỉ một tách trà.

 

               Đức Phật phải làm gì để đạt được sắc đẹp, hạnh phúc,

sức khỏe, địa vị, thiên đường?

            Một người chân thiện không nên cầu nguyện để có được hạnh phúc, mà thay thế vào sự cầu nguyện tha lực đó, người ấy cần phải bước trên con đường tu tập dẫn tới hạnh phúc thực sự.

                                                                                             Kinh Tăng Chi Bộ 5. 43

 

            Đức Phật cứ nhắc đi nhắc lại câu nói trên cho những ai mơ ước sở hữu được tài sản, hạnh phúc, sắc đẹp, địa vị, và ngay cả thiên đường.  Chúng ta không thể nào có được những thứ ấy qua sự cầu nguyện, hay ít nhất là chúng ta cũng không nên tìm cách đạt được những ước mơ ấy qua những lời cầu nguyện. 

            Lẽ dĩ nhiên, có một cái gì đó trong chúng ta ham muốn thèm thuồng được nắm trọn hạnh phúc, tài sản hay sắc đẹp trong lòng bàn tay.  Chúng ta mong muốn được chiếm hữu chúng một cách thật dễ dàng.  Phật có thể cũng tin vào năng lực cầu nguyện, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi kết quả đều luôn luôn như ý.  Đó chính là một trong những triết thuyết nội tâm vi diệu của Phật.  Những gì chúng ta sở hữu được một cách không khó khăn, khổ nhọc đều vô vị, đều khác xa với những thành tích mà chúng ta phải trãi qua nhiều gian khổ mới đạt được. 

            Không có một trái dâu tươi nào ngon ngọt bằng trái dâu chính tay chúng ta trồng và hái ăn.  Không có một triết thuyết nội tâm nào thay đổi được chúng ta bằng sự khám phá lấy chính mình.  Năng lực của sự cầu nguyện có thể giúp đỡ chúng ta, nhưng chính những bước chân vững chắc của chúng ta trên con đường tu tập mới là phần thưởng duy nhất và xứng đáng nhất.  Đôi khi chính con đường thôi đã đủ là phần thưởng rồi.

 

            Đức Phật phải làm gì khi cứ phải chọn một nơi nào đó                                                                                                                   

để dùng cơm tối?

            Dù món ăn đó bình dân hay vương giả, dù món ăn đó được nấu nướng thiện nghệ tinh xảo hay vụng về vội vàng, dù món ăn đó được bày dọn lên trên mâm vàng đĩa bạc hay trên khay gỗ thô kệch, thì món ăn đó vẫn là món ăn tuyệt vời nhất đối với người thưởng thức nếu nó được nấu với cả tấm chân tình.

                                                                                                     Kinh Bản Sanh 346

 

            Có thể đây không phải là một câu hỏi lớn cho phần đông chúng ta.  Cũng có thể thực phẩm không phải là một phần quan trọng trong đời sống của qúi vị. Ồ, nhưng xin hãy để tôi nhắc nhở qúi vị một điều rằng, trong tất cả những khoái lạc ở đời thì thực phẩm lại là trung tâm điểm quan trọng nhất, cần thiết nhất, được sử dụng nhiều nhất, được nói đến nhiều nhất, và giúp con người tương quan liên hệ với nhau nhiều nhất.  Hơn thế nữa, thực phẩm lại giúp chúng ta có cơ may lớn nhất, thiện duyên tốt nhất trong sự thực tập tâm linh.  Hãy vui vẻ, tươi mát, an nhiên hưởng thụ các món ăn và thực tập theo lời Phật dạy để biết thưởng thức các món ăn như thế nào.

            Ở đây, Phật cho chúng ta một công thức cơ bản để nấu ăn và an hưởng các niềm vui khác: đó là sự hưởng thụ những niềm vui với gia đình, với thân tộc của chúng ta cũng như với mọi người khác trong bầu không khí tràn ngập yêu thương và chia sẻ cho nhau.  Niềm vui thực sự chỉ được tìm thấy qua tình thương chân thật và sự chan hòa chia sẻ cùng nhau mà thôi.  Đối với tôi, dù món ăn thật đơn giản tầm thường, không cầu kỳ, cũng chẳng cần phải đi tới những nhà hàng sang trọng, đắt tiền nhưng đó lại là món ăn tuyệt hảo nhất nếu nó được nấu bằng cả tấm lòng chân thật và nhất là khi tôi được chia sẻ cùng ăn với người vợ yêu qúi của tôi.

                                   

            Đức Phật phải làm gì nếu tiêu xài quá mức?                                                                                                                                                  

            Một khi tất cả những đất đai bên này bờ đại dương đã bị thôn tính, các vị hoàng đế đều muốn xua quân chinh phạt những lãnh thổ bờ bên kia.  Như dòng sông không bao giờ lấp đầy biển cả, người ta không bao giờ biết thỏa mãn, vừa lòng.

                                                                     Huyền thoại Cuộc Đời Đức Phật 11. 12

 

            Sau khi chinh phục toàn thế giới, Đại Đế Alexandre đã phàn nàn rằng không còn một lãnh thổ nào để ông ta chinh phạt nữa.  Tuy nhiên mỉa mai thay, ông ta cũng chẳng sống lâu để cai trị những vùng đất mà ông ta đã chiếm hữu.

            Thật là điên rồ nhưng chúng ta lại giống như vị hoàng đế Hy Lạp đã chinh phục toàn thế giới đó.  Chúng ta cũng không bao giờ biết thỏa mãn, vừa lòng, và biết đủ cả.  Những kẻ đầy tham vọng không bao giờ hài lòng với những gì họ đang sở hữu, vì lòng tham đắm, lòng khát vọng muốn chiếm hữu của họ luôn thúc giục, luôn xô đẩy họ lao tới trước để mưu mô tìm phương kế chiếm đoạt, sở hữu càng nhiều càng tốt.  Còn những kẻ lười biếng thì tạm thỏa mãn với những gì có được trong tay, nhưng chắc chắn trong lòng những người này đôi khi cũng dấy lên những ao ước, những mong cầu được sở hữu nhiều thứ hơn, nhất là một khi những thứ họ đang nắm trong tay đã hết sạch không còn nữa.

            Giáo lý nhà Phật dạy rằng chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn cả nếu chúng ta không biết tự dừng lại những tham cầu. Chúng ta phải bẻ gẫy cái ảo tưởng cho rằng có một cái tôi riêng rẽ đứng biệt lập một cách vui vẻ hạnh phúc ngoài cái thế giới mênh mông đang vây bọc lấy chúng ta. Chúng ta nên suy nghĩ rằng chúng ta giống như đại dương kia đang hớp trọn hết tất cả những giòng thác suối trên quả địa cầu này vào trong cái họng bao la vô tận của nó mà không bao giờ đầy cả.  Chỉ khi nào chúng ta quán triệt được rằng chúng ta là tổng thể khối cầu sự sống, không đơn lẻ biệt lập, thì lúc đó chúng ta mới thực sự an lạc hạnh phúc.  Chúng ta là đại dương khát bỏng nhưng chúng ta cũng là những ngọn suối ngọt mát, hiền hòa êm đềm trôi chảy kia.  Trong chuỗi nhân duyên chằng chịt pháp giới chúng sinh, không một ai là một đơn vị riêng lẻ, biệt lập cả.  Tất cả đều tương quan, tương tức, sinh sinh, diệt diệt cùng nhau, vì nhau.

 

               Đức Phật phải làm gì để cưỡng chống lại 

sự thèm muốn ăn món tráng miệng?

 

             Chúng ta luôn luôn nuông chìu, cưng dưỡng chính bản thân chúng ta.  Đức Phật rất hiểu tâm lý đó.  Vì thế, một  khi chúng ta đã đáp ứng được hay thỏa mãn những sở thích, khát vọng của chúng ta rồi, chúng ta cần phải giữ mình đừng để bị ô uế vì chúng.  Chúng ta đừng để các dục vọng, thèm muốn đó sai khiến chúng ta. Chúng ta cần phải biết sử dụng chính cái năng lực khát vọng đó hướng về sự giác ngộ.  Bằng cách nào?  Bằng cách giữ vững chánh niệm, cảnh giác tầm hoạt động mãnh liệt của những khát vọng trong nội tâm chúng ta qua thân, khẩu, ý để hoàn chỉnh chúng.  Đừng tìm cách sở hữu bất cứ một cái gì, mà trái lại nên tương thông, hài hòa cùng nhau.  Đừng ngấu nghiến ngay thỏi kẹo súc cù là mà trái lại hãy nghĩ đến sự lao động khó nhọc, cần cù của những người đã tạo ra cây kẹo súc cù là đó hay các món vật dụng, thực phẩm khác cho chúng ta như thóc gạo, hoa quả, vải vóc, nhà cửa, xe cộ, v.v.  Một khi chúng ta thực sự thẩm thấu và kinh nghiệm thực tiễn được những sở thích hay nhu cầu của chính bản thân mình một cách chính đáng, chúng ta sẽ liễu tri được Một là Tất Cả, Tất Cả là Một dưới lăng kính Phật giáo.

                                     

                Đức Phật phải làm gì về những tư hữu vật chất?

 

                Hãy nhìn chúng sinh đang bì bõm loạng choạng trong cái gọi là tài sản qúi báu của họ, như những con cá giẫy đành đạch trong con suối khô cạn nước.

                                                                                                       Kinh Tiểu Bộ 777

 

            Đức Phật so sánh chúng ta giống như những con cá bi thảm kia đang thoi thóp ngáp ngáp trong bầu không khí tàn độc mà còn ráng ngóc đầu lên nhìn xem trên trời xanh kia còn có cái gì hấp dẫn hay không?  Chúng ta đang lao đầu xuống tìm vực nước sâu hơn hay chúng ta đang hết sức tranh dành để vơ chụp lấy mẩu thức ăn cuối cùng?  Phần đông chúng ta thực đáng tội nghiệp!  Có phải chăng chúng ta đang bặm môi lên gân, cố công ra sức vét hay dành giựt lại những tài sản phù du giả tạm kia, ngay cả khi chúng ta đang đối diện với cái chết?

            Những hình ảnh trên chính là hình ảnh của chúng sinh, và tôi cũng là một trong những hình ảnh đó.  Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về cái máy vi tính của tôi, và sẽ chờ đợi các bạn hỏi thêm để kể cho các bạn nghe về căn nhà của tôi, cái xe của tôi.  Ngay cả khi tuổi già sồng sộc đến, và cái chết cũng theo sau chạy tới, tôi vẫn cứ hoài công vô ích tiếp tục giãy giụa trong cái gọi là ‘của tôi, cái của tôi’ đó.  Chúng ta nên nhớ rằng, tài sản đích thực chính là cuộc đời, chính là dòng sinh mệnh, nhưng ngay cả dòng sống đó cũng chỉ là một món nợ đời mà thôi.

            Đức Phật không nói chúng ta là chúng ta không được phép hưởng thụ những cái ngon hay những cái đẹp mà chúng ta được may mắn sở hữu.  Phật chỉ khuyên chúng ta đừng nên để mình bị say đắm, chết chìm trong vật dục đến nỗi quên mất công cuộc, mục tiêu chính của chúng ta: đó là tỉnh giác về cái Sống và cái Chết.

 

             Đức Phật phải làm gì để điều phục khát vọng?

 

            Hãy nhìn những đôi tình nhân chênh lệch kia: nam thì già mà nữ lại trẻ.  Họ có cái gì giống nhau chăng?  Tuy tuổi tác chênh lệch nhưng tất cả bọn họ đều nắm chặt những sợi dây khát vọng giống như nhau.  Bọn họ đều quay cuồng trong đam mê, khát khao, thèm muốn như nhau.  Chi tiết của sự khát vọng không quan trọng, nhưng cái quan trọng nhất chính là chúng ta vương lụy nhiều đau khổ ngay lúc chúng ta vướng mắc vào đam mê, khát vọng.  Chúng ta sẽ phiền muộn nếu chúng ta mất đi hay không thỏa mãn được những khát khao đam mê, và ngay cả khi chúng ta đang tận hưởng những lạc thú, chúng ta cũng đau khổ vì chúng ta sợ mất đi những lạc thú đó.  Chúng ta khư khư ôm chặt lấy dục lạc; chúng ta không muốn mất nó, mặc dù chúng ta phải vật lộn, phải tranh dành, phải đấu tranh, có khi phải mất thân, táng mạng mới chiếm được và để giữ cho bằng được cái gọi là lạc thú vật dục đời người.

            Ai không sống như vậy?  Tôi đang đánh máy những dòng chữ này trên bàn phím của cái máy vi tính mới mua của tôi.  Tôi đã chi trả nhiều tiền để mua cho bằng được cái máy vi tính đời mới này.  Tôi rất cẩn trọng nó.  Tôi đã trả tiền bảo hiểm cái máy để phòng ngừa những vấn đề rắc rối, trục trặc khi sử dụng máy.  Tôi cũng đã không tự ngăn nổi cái ý nghĩ cứ xoay vần trong đầu là có nên sử dụng ngay cái máy ngày hôm nay hay là cố đợi thêm một ít lâu nữa? Có nên kè kè mang nó theo mình không mỗi khi đi đâu hay là để nó an toàn ở nhà? v.v.  v.v.  Giời ơi, đó là cái máy vi tính xách tay (laptop) đời mới mắc tiền mà!  Tôi có giống như cái tên đàn ông già khọm lại còn mê gái trẻ kia không?  Tôi có lo ngay ngáy suốt ngày đêm làm sao giữ cho kỹ, ôm cho chặt cái máy vi tính, không để cho nó bị hư, bị trầy trụa, cũng như cái tên đàn ông già kia lo suy tính trăm phương ngàn kế làm sao chiếm được cảm tình, làm sao nắm giữ được, làm sao qua đêm với người tình nhân trẻ . . .?

            Đúng vậy, niềm đam mê khát vọng nắm giữ chặt được cái máy vi tính của tôi có thể dẫn tôi đến đau khổ và thất bại.  Rốt cuộc, cái khát khao nắm giữ cái máy và khát vọng tình dục cũng chẳng khác gì nhau.  Bản chất khát vọng đều giống nhau, chỉ khác là thích cái gì mà thôi.  Ngưòi thích tiền bạc, người thích xe hơi, người thích nhà cửa, người thích hột xoàn châu báu, người thích học vấn danh tiếng, người thích làm chủ nhân ông, v.v. nhưng tựu trung lại cũng chỉ là đam mê và khát vọng.

            Đức Phật  khuyên chúng ta nên sống với những gì chúng ta đang có và hãy chấp nhận sự đến đi, đi đến của vạn sự vạn vật.  Qui luật vô thường chi phối vạn hữu.  Có trẻ ắt có già, có giàu ắt có nghèo, có sanh ắt có chết, có vui ắt có buồn, có được ắt có mất, có khát vọng ắt có lo sợ, đau khổ . . . Vì thế, nếu chúng ta giữ vững được chánh niệm khi may mắn được một cái gì thì sẽ giữ được chánh niệm nếu bị mất đi.  Nếu không có khát vọng đam mê thì sẽ không có đau khổ, thất vọng.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle