Mẹ tôi
Mẹ tôi
Nguyên Minh
Vào khoảng năm mười ba tuổi, tôi đã có một giấc mơ tuyệt đẹp mà ấn tượng mãi đến giờ vẫn chưa phai nhạt.
Thuở ấy, tuy còn nhỏ nhưng tôi vẫn thường theo mẹ lên chùa tụng kinh Phổ môn[1] vào mỗi buổi tối. Tuy chưa hiểu gì nhiều về ý nghĩa của những câu kinh, nhưng tôi đã có một sự kính ngưỡng rất sâu sắc về hình tượng của vị Bồ Tát Quán Thế Âm với lòng đại từ đại bi, luôn sẵn sàng cứu khổ cứu nạn cho hết thảy những ai xưng danh hiệu ngài.
Trong những lần theo mẹ lên chùa như thế, có nhiều khi tôi đứng lặng rất lâu trước pho tượng của ngài để chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp từ hòa trong màu áo trắng ngần tinh khiết. Trong đầu óc non nớt của tôi ngày ấy, nhành dương liễu mà ngài cầm trên tay hẳn phải vô cùng mầu nhiệm mới có thể ngày đêm tuôn xuống những giọt nước mát cam lộ làm vơi đi vô vàn những khổ đau của người trần thế.
Rồi một đêm kia, tôi đã có một giấc mơ thật đẹp. Trong mơ tôi gặp rất nhiều điều kỳ thú, nhưng kỳ diệu nhất là tôi đã nhìn thấy Bồ Tát Quán Thế Âm với tất cả vẻ sinh động tuyệt vời mà từ lâu tôi hằng kính ngưỡng. Từ xa, tôi nhìn thấy rất rõ ngài đứng trên một tòa sen trắng, giữa một đám mây trên cao cũng trắng ngần như màu áo của ngài, tay cầm nhành dương liễu với tịnh bình và đôi mắt nhìn xuống tôi đầy vẻ từ hòa, trìu mến. Lạ thay, tôi bỗng thấy thân thể mình chợt như nhẹ bỗng đi, rồi bồng bềnh bay lên cao dần, cao dần, đến gần sát dưới chân ngài. Tôi cúi đầu quỳ dưới chân ngài một lát, rồi từ từ ngẩng lên để nhìn cho rõ mặt ngài. Ô hay, tôi nhận ra khuôn mặt ngài sao mà quen thuộc quá, quen thuộc quá... Rồi tôi chợt cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa sung sướng đến tột độ khi nhìn rõ khuôn mặt Bồ Tát: Ngài chính là mẹ tôi chứ không phải ai khác!
Kể từ sau giấc mơ ấy, tôi ngày càng cảm thấy rằng mẹ tôi đúng là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Thật vậy, đối với tôi thì không ai có thể dịu hiền hơn mẹ, không ai có thể bao dung hơn mẹ, càng không ai có thể thương yêu tôi hơn mẹ! Vậy thì mẹ đúng là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Trong kinh chẳng đã nói rất rõ đó sao, vì muốn cứu độ chúng sinh nên Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hóa thân ở khắp mọi nơi, với mọi hình dáng khác nhau. Hơn nữa, trong suy luận của một đứa trẻ như tôi khi ấy, tôi nghĩ nếu người không hóa thân làm mẹ tôi thì sao tôi lại có thể mơ thấy như thế kia chứ? Từ đó tôi càng thương yêu và kính trọng mẹ, càng thấy mẹ rất tuyệt vời đến nỗi không một ai khác có thể so sánh được!
Nhưng có một lần, tôi sang chơi với hai đứa trẻ con của cô Tư bên hàng xóm. Sau một hồi đùa nghịch dưới ánh nắng trên sân, mặt mũi bọn tôi đứa nào cũng nhễ nhại mồ hôi và dính đầy bụi đất. Vừa lúc cô Tư đi chợ về, hai đứa bạn tôi chạy a tới, giành nhau cái giỏ để xem cô mua gì cho chúng. Cô Tư đứng nhìn chúng tranh nhau cái giỏ với ánh mắt hiền hòa, rồi cô lặng lẽ vào nhà lấy ra một cái khăn thấm nước, vắt ráo và dịu dàng lau mặt sạch sẽ cho từng đứa.
Đứng nhìn cảnh ấy, bất chợt tôi cảm thấy cô Tư cũng giống hệt như mẹ tôi, cũng dịu hiền, cũng bao dung và hết lòng thương yêu con cái. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: Phải chăng cô Tư cũng là Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân?
Sau lần ấy tôi mới nghĩ rằng, có lẽ đối với con cái thì hết thảy những người mẹ đều là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Bởi không có người con nào lại không thấy là mẹ mình rất dịu hiền, rất bao dung và luôn thương yêu che chở cho mình.
Rồi tuổi thơ dần qua đi. Bước vào tuổi trưởng thành, những hiểu biết thực tiễn khiến cho tôi không còn giữ được những ý nghĩ thơ mộng như xưa. Thật ra, với tôi thì mẹ vẫn là tuyệt vời, nhưng không phải cái tuyệt vời trong ánh hào quang mầu nhiệm như thuở nhỏ, mà là cái tuyệt vời rất thật của một người mẹ buôn tảo bán tần khó nhọc nuôi con. Anh chị em tôi cả thảy bảy người đều do một tay mẹ khổ cực chăm sóc từ thuở nhỏ cho đến lớn khôn, chẳng phải đã là tuyệt vời lắm sao?
Nhưng ý nghĩa sâu sắc của giấc mơ ngày ấy thì mãi về sau tôi mới đủ sức hiểu được. Ngày nay, tôi đã hiểu biết nhiều hơn về Bồ Tát Quán Thế Âm và những hạnh nguyện của ngài. Những ý nghĩa sâu xa của phẩm kinh Phổ môn cũng đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của tôi, giúp tôi vững vàng vượt qua biết bao nhiêu sóng gió của cuộc đời. Nhưng có một điều thú vị nhất mà chính tôi cũng không ngờ đến. Đó là, sau rất nhiều sự nghiền ngẫm và trải nghiệm tôi mới hiểu ra được rằng ý nghĩa sâu xa nhất của phẩm kinh này lại nằm ngay trong giấc mơ của tôi từ thuở nhỏ!
Sự thật là, bằng vào trực giác mà tôi đã có được một giấc mơ nói lên những ý nghĩa sâu xa nhất về sự hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đây có thể nói là một trong những kinh nghiệm quý giá nhất mà bản thân tôi đã từng có được. Trong khi việc bằng vào tri thức để đạt đến ý nghĩa sâu xa nhất về sự hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đòi hỏi phải đọc hiểu rất nhiều kinh luận, thì sự cảm nhận ý nghĩa đó bằng trực giác đã có thể xuất hiện ngay nơi một đứa trẻ chỉ mới tuổi mười ba!
Toàn phẩm kinh Phổ môn mô tả Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát hiện thân của lòng thương yêu. Với nguyện lực vô biên, ngài trải lòng thương yêu hết thảy chúng sinh mà không đòi hỏi phải có bất cứ một điều kiện gì. Khi có sự đau khổ, dù là ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có người xưng niệm đến danh hiệu của ngài là sẽ được chở che, cứu độ. Và vì muốn cứu độ chúng sinh, ngài đã dùng nguyện lực để hóa thân trong vô số những hình thức khác nhau, từ thân Phật, Bồ Tát cho đến Phạm vương, Đế thích, cho đến cả các loài rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la... Chỉ cần có thể sử dụng một hình tướng nào đó để cứu thoát khổ nạn cho chúng sinh, ngài liền lập tức hóa hiện trong hình tướng đó.
Một anh bạn tôi vốn cũng thuộc hạng người “học nhiều biết rộng”, có một hôm đã tâm sự cùng tôi: “Quả thật, tuy là người tin Phật nhưng tôi chỉ có thể lấy đức tin để tin nhận kinh Phổ môn chứ không thể hiểu nổi những ý nghĩa trong đó. Lẽ nào những điều trong kinh nói lại có thể là có thật?”
Tôi rất cảm thông với suy nghĩ của bạn, và biết chắc là còn có rất nhiều trí thức trẻ hiện nay cũng không tránh khỏi sự băn khoăn như thế. Cách đây hơn 35 năm, học giả Đoàn Trung Còn khi dịch phẩm kinh Phổ môn này đến câu “bỉ sở chấp đao trượng tầm đoạn đoạn hoại – 彼所執刀杖尋段段壞” (những dao gậy của kẻ kia liền tự gãy lìa hư hoại) đã tham khảo bản tiếng Pháp để sửa câu này lại là “liền giật lấy đao trượng của bọn ấy, đánh đuổi được chúng nó”, bởi vì ông cho là như vậy mới “hợp lý” hơn.[2]
Thật ra, khi đọc hiểu kinh Phổ môn theo cách phân tích ngữ nghĩa như thế, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu thấu được ý nghĩa của kinh. Toàn bộ phẩm kinh không nhằm mục đch nào khác hơn là chỉ rõ lòng thương yêu hay tâm đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm. Và nếu như chúng ta chỉ có thể cảm nhận chứ chưa bao giờ có thể “sờ mó” được lòng thương yêu, thì cũng không thể đòi hỏi những điều mô tả trong kinh phải là những chi tiết có thể “sờ mó” được.
Khi hiểu được như thế, chúng ta mới có thể thấy rằng tất cả những gì được mô tả trong phẩm kinh đều là những biểu tượng vô cùng sinh động và cụ thể nhằm nêu rõ được lòng thương yêu vô bờ bến của Bồ Tát đối với tất cả chúng sinh, một lòng thương yêu chân thật luôn cứu khổ, ban vui cho mọi chúng sinh và cũng luôn thể hiện sự sáng suốt, bình đẳng không phân biệt.
Nếu nhớ lại tất cả những gì đã biết về một lòng thương yêu chân thật, chúng ta sẽ có thể thấy rõ rằng mỗi câu kinh, mỗi hình tượng trong phẩm kinh Phổ môn đều là những phương thức miêu tả rất tuyệt vời, có thể giúp chúng ta cảm nhận được ý nghĩa thực sự của lòng thương yêu mà không cần phải trải qua những sự phân tích, suy luận phức tạp. Chính ý nghĩa trực nhận này là những gì mà tôi đã có được ngay từ khi còn là một đứa trẻ mười ba tuổi, chỉ có thể tiếp cận với kinh Phổ môn qua những hình tượng mà không phải là sự phân tích ngữ nghĩa.
Bằng vào sự cảm nhận của trực giác, trong tiềm thức của tôi khi ấy đã hình thành một sự tương đồng giữa lòng thương yêu của vị Bồ Tát trong kinh với lòng thương yêu của người mẹ. Và vì thế, trong giấc mơ của tôi Bồ Tát Quán Thế Âm đã có khuôn mặt của chính mẹ tôi chứ không phải là ai khác.
Thật ra, ý nghĩa của giấc mơ này là phổ quát đối với mọi chúng ta. Nếu đã hiểu được rằng Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của lòng thương yêu, chúng ta cũng sẽ hiểu được rằng ngài không chỉ hóa thân thành những người mẹ dịu hiền, mà còn có thể là những người cha, người anh, người chị, người thầy... cho đến tất cả những ai có thể mở lòng thương yêu trong cuộc sống.
Lần đầu tiên khi tôi đọc những bài giảng bằng Anh ngữ của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 cũng là lần đầu tiên tôi được biết rằng, theo truyền thống Tây Tạng ngài chính là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara). Hơn thế nữa, tôi còn được biết rằng cả 14 vị Đạt-lai Lạt-ma nối tiếp nhau đều là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm.[3] Rất nhiều người phương Tây cảm thấy khó chấp nhận niềm tin truyền thống này, nhưng bản thân tôi khi đọc thấy điều này lại cảm thấy như tìm gặp được một điểm tương đồng với những gì mình đã hiểu. Không chỉ là đức Đạt-lai Lạt-ma, trong cuộc sống này tôi đã rất nhiều lần được nhìn thấy những hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Và những lần như thế bao giờ cũng giúp tôi có thêm niềm tin và nghị lực.
Một hôm, trong khi chờ đến lượt mình, tôi ngồi nhìn một nữ bác sĩ khám bệnh cho một em bé gái. Trước khi mang ống nghe vào, cô dịu dàng vuốt mái tóc rối bời của em, nhẹ nhàng gỡ từng sợi tóc rối, rồi lấy một sợi dây nhỏ buộc lại cho gọn gàng. Sau đó, cô mới bắt đầu khám bệnh cho bé. Ngồi nhìn sự chăm sóc dịu dàng với ánh mắt hiền hòa của cô, tôi bất chợt nhận ra sự hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm!
Mỗi người chúng ta đều có thể thương xuyên bắt gặp những hiện thân khác nhau của Bồ Tát Quán Thế Âm trong cuộc sống. Vì ngài là hiện thân của lòng thương yêu, nên bất cứ ở đâu có sự thương yêu chân thật là ở đó nhất định có sự hiện thân của ngài. Chính vì ngài có thể hóa hiện ở khắp mọi nơi, nên phẩm kinh dạy về lòng thương yêu của ngài mới có tên là Phổ môn – 普門 (khắp cả mọi nhà). Chỉ cần hiểu được ý nghĩa này, chúng ta sẽ thấy rằng chính bản thân ta cũng có những lúc trở thành hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đó là những lúc ta thật lòng thương yêu người khác.
Khi được nghe danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm là lúc ta được tiếp cận với lòng thương yêu. Khi tin nhận danh hiệu của ngài là lúc ta mở lòng đón nhận sự thương yêu. Và khi thành tâm xưng niệm danh hiệu ngài chính là khi ta mở lòng ra thương yêu người khác. Lòng thương yêu đó không có giới hạn, nên khi thường xuyên xưng niệm danh hiệu của ngài, chúng ta sẽ có thể mở rộng lòng thương yêu đến khắp cả muôn loài. Đây chính là lý do giải thích vì sao trong suốt phẩm kinh này đức Phật luôn khen ngợi và khuyến khích tất cả mọi người nên thường xuyên xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Bởi vì việc nghe biết, tin nhận và xưng niệm danh hiệu ngài có ý nghĩa là thực hành lòng thương yêu chân thật. Và điều đó tất yếu sẽ mang đến những lợi lạc tinh thần to lớn, hay nói theo văn kinh thì đó chính là “vô lượng vô biên phước đức chi lợi – 無量無邊福徳之利。” Vì thế, tu tập và hành trì kinh Phổ môn chính là phải thực hành lòng thương yêu. Khi chúng ta xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm bằng cách thực hành lòng thương yêu, chúng ta chắc chắn sẽ có thể bình an vững chãi trước mọi biến cố hay nạn khổ trong đời sống. Ngay cả khi rơi vào những hoàn cảnh bi đát, khốn cùng nhất, người thực hành lòng thương yêu cũng sẽ có đủ niềm tin và nghị lực để đứng vững và vượt qua mà không bao giờ gục ngã. Đây chính là lý do giải thích vì sao chư Tổ xưa kia đã chọn phẩm kinh này để sử dụng trong nghi thức Cầu an.[4]