Ngày nắng đầu mùa
Ngày nắng đầu mùa
Ninh Hạ - Nguyễn Đức Tâm
1.
Nhìn trên tờ lịch treo, xuân về đã hơn tháng qua. Thời tiết vùng Trung Tây vẫn thất thường. Ngày mưa. Ngày nắng. Ngày tuyết rơi. Cái lạnh kéo dài hơn sáu tháng và còn dài dài. Bà con lớn tuổi kêu trời. Ðau xương. Nhức bắp thịt. Gân cốt đau tê hành hạ. Thuốc thang, trong uống ngoài thoa, chỉ cầm cự qua cơn. Nhìn ra ngoài, bầu trời xám đục. Suốt ngày quanh quanh quẩn quẩn trong nhà. Thiếu vận động. Trầm uất. Có người khuyên về vùng nắng ấm mà ở. Nói thì dễ. Con cái cháu chắt dây mơ rễ má níu chân. Dễ gì. Có người về Việt Nam. Vừa thăm quê vừatrốn lạnh. Có kẻ may mắn (!) trốn vợ. Một hai tháng chịu không được, lại nôn nóng quay trở về nhà. Việt nam bây giờ chỉ là “Quê”. Nơi mình sinh ra và trải dài kỷ niệm. Ðâu còn là “Nhà”, nơi mái ấm của gia đình, vợ chồng con cháu. Về Việt Nam có chăng để vọng nhớ kỷ niệm mập mờ ảo giác và níu kéo những ngày qua .
Sáng nay trời chợt nắng. Ngày nắng đầu mùa. Và. “ Ôi trời! Nóng quá. Thời tiết cà chớn. Mùa đông đột ngột chuyển sang mùa hè !” Nguyên nói lớn và bước ra vườn sau. Thấy mà ngao ngán. Vườn hoa cây kiển. Cá lội đủ màu tung tăng trong hồ hoa súng và thác nước róc rách... Tất cả xơ xác, rác bẩn. Mười mấy con cá Nhật, nuôi công phu, năm ngoái sống nhăn, bây giờ chết cứng trong hồ đóng băng. Tiếc cá cũng có, nhưng thấy tội nghiệp pha lẫn ít ray rức vì mình bất cẩn.
Cuối thu năm ngoái, Nguyên đã bỏ cả mấy ngày dọn sạch vườn không còn một chiếc lá khô, chuẩn bị cho mùa đông. Thế mà bây giờ lá mục ướt khắp nơi. “Lá bay hàng xóm, lá bay sang”. Vườn hàng xóm là của vợ chồng người Do Thái trung niên, trí thức và lịch sự. Hai đứa con, nhất là cậu con đẹp trai và rất ngây thơ. Gặp mặt chào hỏi niềm nở, dễ thương Chỉ có một diều rất phiền là làm quá làm biếng. Anh chồng to lớn khỏe mạnh, nhưng chẳng bao giờ thấy động tay chân. Ngày thứ bảy là ngày Sabat, theo tín ngưỡng Do Thái, tuyệt đối không làm gì thì đã đành. Ngày thường đi làm về ở riết trong nhà, cho dù ngày xuân hè nắng đẹp. Anh chơi đàn ghi ta và mê đánh golf. Thỉnh thoảng đôi lần theo vợ ra vườn sau ngồi xích đu cười đùa cũng chỉ chốc lát. Laura, tên chị vợ, bao thầu mọi việc. Ðưa đón con cái. Thỉnh thoảng cắt cỏ làm vườn. Leo lên mái nhà quét sửa máng xối. Ðúng là chồng chúa vợ tôi còn hơn mấy cụ nhà mình. Nhiều lần thấy tội nghiệp, Nguyên sang phụ quét lá. Có khi làm xong sân vườn nhà, tiện tay Nguyên tự nguyện qua thổi lá và làm sạch sân nhà họ. Hôm đó, đi làm về thấy cả hai vợ chồng cùng đứa con trai khoảng mười ba tuổi cùng ra đón. Chấp tay theo người Á đông, ríu rít cám ơn. Lại còn biếu chai rượu chát. Nguyên không nhận. Hai hôm sau, nhận được một tấm thiếp cám ơn trong thùng thư với lời lẽ chân tình. Thật ra việc làm của Nguyên không chỉ giúp họ mà còn đỡ việc cho mình. Nếu không, gió cuốn hết lá khô qua bên này, vừa tốn công lại vừa bực mình. Cuối mùa thu lá rơi quá nhiều, Laura dọn không xuể. Vun thành đống trong sân trước vườn sau. Mấy trận gió lớn quét giùm, đưa hết qua vườn nhà Nguyên. Qua mùa đông tuyết, lá mục bẩn.
Gần một ngày trời dọn dẹp, tuy còn lắm việc phải làm, nhìn quanh vườn đã thấy sạch sẽ. “ Một tháng nữa nếu trời nắng ấm, cây cỏ xanh tươi và hoa nở rộ. Vườn sẽ đẹp”. thấm mệt nhưng khoan khoái yêu đời. “Lâu lắm mới có một ngày thư giãn thân tâm. Ðúng thật. Vào chùa muốn tu thiền thì trước hết phải quét lá!”
Trời chiều còn vương nắng nhẹ. Mát dễ chịu. Hơn nửa năm mới có ngày hôm nay. Vào ga ra, khệ nệ lấy bộ bàn ghế xếp ra sân. Nguyên có nói vợ cho một đĩa đồ nhậu. Ngày hôm qua vợ chồng đứa con đi chợ mua cho ông già một hộp hạnh nhân “Smoked Salted Almonds”. Khoe. “ Con mới khám phá. Ba uống rượu rất ngon”. Tình cờ Nguyên cũng mới khám phá ra một hiệu rượu chát đỏ nguyên chất nhập từ Tây Ban Nha. Giá không đắc nhưng tuyệt ngon. “Chỉ vài năm sau nhãn hiệu này sẽ nổi tiếng và lúc đó chắc khó mua”. Nói thế cho vui. Rượu là hợp vị với mình. Ðâu có phải nhiều tiền là ngon đâu. Người yêu là hợp nhãn. Ðâu cần chim sa cá lặn. “Ta sẽ khai rượu mở mùa nắng ấm”. Cười vui rạng rỡ Nguyên hát lớn lõm bõm mấy câu nhạc Trịnh Công Sơn chợt nhớ. “ Tạ ơn người, tạ ơn đời. Tạ ơn ai đã cho ta hạnh phúc này”. Nguyên “ngộ” được điều đơn giản từ những người bạn Mỹ lớn tuổi yêu đời trong club thể thao . “No complaint!” Ðời cho ta thế này là đủ. Chẳng có gì phiền trách.
Vui vẻ trong lòng, Nguyên ngồi bậc ngửa trên ghế, hát vu vơ mấy câu nhạc sến.
2.
Mây mở cửa gọi lớn.
“ Anh ơi. Có chú Ðồng ghé chơi”.
Mây ra sân. Ðồng theo sau, tay xách thùng bia tay cầm bao giấy đưa cao.
“Lạc rang húng lìu đặc biệt Bắc kỳ. Em mang tới nhậu với anh”.
Cười.
“ Em xin lỗi không gọi anh trước. Nhưng biết anh có nhà. Nhậu đột xuất!”.
Nguyên chưa kịp trả lời Ðông, Mây nhìn quanh hài lòng.”
Giỏi quá vậy! Sạch và gọn. Ðâu ra đó”.
Ðông cười hì cầu tài
“ Hên thật. Ðúng lúc anh dọn sạch sân vườn. Em là người đến mở mùa thịt nướng cho vườn anh chị đó nghe!”
Hai anh em vui vẻ nói chuyện trên trời dưới đất. Ðồng chỉ thích bia. Uống nhiều. Nguyên cầm chừng. Không còn ham vui, chìu bạn uống liên tu bất tận như những năm trước. Bây giờ uống rượu chát đỏ điều độ hàng ngày. Sức khỏe trên hết. Chân lý đơn giản ai cũng biết nhưng giữ được hay không mới là vấn đề. Nguyên khuyên. “ Ðồng nên bớt bia, thịt bò, lòng lợn, lòng bò. Những thứ này gây bệnh thống phong (Gout) đau nhức khủng khiếp. Các khớp ngón chân, mắt cá, đầu gối, xương vai, bắp thịt... cứ nửa đem về sáng là đau còn hơn dao cắt”. Ðồng nói liều. “Em biết thế nhưng lỡ ghiền rồi. Ðời bao lăm. Chết no hơn sống thèm”. “Chết không sợ, chỉ sợ đau đớn tấm thân”.
“Tìm đến anh đột xuất là có chuyện nhức đầu. Ðúng không?” Lâu nay mỗi khi có chuyện Ðồng tìm tới Nguyên. Người bạn lớn tuổi, trở thành người anh, người quân sư gỡ mối tơ lòng cho cậu ta về mọi việc. Việc sở làm, việc nhà. Cả những chuyên văn chương chữ nghĩa trên trời dưới đất. Khi nói chuyện với người quen chung, hắn thân gọi Nguyên là sư phụ. Nguyên thuộc loại khôn chợ dại nhà. Chuyện người thì sáng. Chuyện của mình thì tối um.
“Em vừa gây lộn với vợ. Giận quá bỏ tới anh tị nạn.”
“Lại chuyện gì nữa? Chưa đầy một tuần lại tái diễn .”
“Tuần gì anh. Hàng ngày. Tụi em vợ chồng khắc tuổi, khắc khẩu. Nói chưa hết mấy câu đã thấy lộn ruột muốn gây. Nhịn không được.”
“Khắc khẩu là bệnh của những cặp vợ chồng sống với nhau bình đẳng thương yêu.”
“Sư phụ nói gì em không hiểu tới.”
“Nếu chồng chúa vợ tôi, chồng nói trật trúng vợ đâu dám cải. Còn nếu gặp vợ thuộc loại sư tử cái, ông nội thằng chồng cũng chẳng dám hó hé. ”
Ðồng cười lớn.
“Khẩu phục tâm phục. Ðúng là sư phụ.”
“Khắc khẩu chuyện gì?”
“ Chuyện gạo, chuyện dầu.”
“Gạo đang là một khủng khoảng toàn cầu, mắt mớ gì tụi bây mà gây nhau. Ði tìm ông tổng thư ký Liên Hiệp quốc mà gây”.
Ðồng phân bua. Ði làm về đến chưa kịp thở, Liên hốt hoảng đón ngay tại cửa bảo chở đi mua gạo. Em không than một câu, ngoan ngoãn quay ra xe chở vợ đi chợ Việt Nam. Liên cho biết bạn bè quen thân báo động là gạo sẽ khan hiếm và tăng giá nay mai.
“Chị Hồng đã mua 20 bao. Anh Trứ đã trữ sẵn 30 bao. Ông... chị..., bà... bao... bao ”.
Em muốn nói nhưng dằn lòng chẳng có ý kiến. Liên đã nói.
“ Việc nội trợ, bếp núc để em lo.”
Quả thật Liên định mua 10 bao, chỉ còn 3 bao.
“Anh lái tiếp lên chợ Ðại Hàn.”
“ Ðây lên đó khá xa. Em ạ, mình về ăn tối xong ngày mai mua tiếp.”
Liên phán.
“ Ngày mai thì nói gì. Ði ngay kẻo gạo không hết thì cũng lên giá.”
Ðồng hết chịu nổi.
“ Mình sống ở Mỹ chứ đâu ở Việt Nam mà sợ đói. Ở Mỹ làm sao thiếu gạo mà em cuống lên vậy.”
“Ðói thì không đói. Chuyên con nít ai không hiểu. Ðâu cần anh lên lớp. Gạo không thiếu nhưng toàn gạo dở. Gạo Mỹ hạt tròn hạt dài lúc trong nước trước 1975 còn chê huống hồ bây giờ. Ðã ăn quen gạo Jasmine Thái lan.”
Liên bắt đầu to tiếng cự nự.
“Mua là để cho cha con anh ăn. Em ăn bao nhiêu. Chỉ có việc chở đi mua mà cũng thành vấn đề.”
Kiên nhẫn, em dịu giọng giải thích.
“Báo chí loan tin các nước Á châu sản xuất lúa gạo và nhất là đồng bằng Cửu long năm nay được mùa bội thu. Gạo không thiếu. Chỉ vì nghe đồn, hùa nhau đi mua thành khan hiếm giả tạo. Lo bò trắng răng.”
“Ở đó mà nghe theo báo chí. Anh biết không? Ở Việt Nam mấy ngày nay giá gạo lên từng giờ đến chóng mặt. Giá tăng gấp đôi gấp ba. Chạy mua sắp hàng một giờ là hết gạo bán ra. Mấy chủ sạp gạo ở Saigon nói, cả một đời buôn gạo kể cả trước 75, chưa bao giờ có tình trạng này.”
Ðồng chống đỡ.
“Không có gạo Jasmine Thái lan thì mình ăn gạo Ấn Ðộ, Ðại hàn. Căm pu chia... Hết gạo thì ăn bánh mì, mì gói, pizza... Bao nhiêu năm tích trữ tiếp tay cho gian thương đầu cơ nâng giá ở Việt Nam chưa tởn. Chạy qua tới Mỹ vẫn chứng nào tật đó”.
Liên hét lớn và chiến tranh bùng nổ.
“Ði về. Không đi nữa.”
Hậm hực, em cố nhịn vợ, thẳng đường lái xe đến chợ Ðại Hàn. Liên nhận ra. Nói lẫy. “Ðã bảo là không gạo cơm chi nữa. Ði về. Có tới đó thì ông vào mà mua, tôi không vào đâu.”
Hết phương cứu chữa. Từ anh em qua đến ông tôi. Chỉ còn chuyển qua mày tao nữa là cạn tào ráo mán.
“Ông khó với tôi. Có con mẹ nào nhờ một tiếng thì mưa gió bão bùng cũng lặn lội. Ðồ thứ đàn ông vô tích sự.”
Trận chiến đổi mục tiêu và lần lượt cứ thế đi xa không còn dây dưa gì đến chuyện gạo ban đầu mà qua chuyện ghen bóng ghen gió. Và. Bắt bẻ lời ăn tiếng nói của địch thủ lúc nóng giận, cay độc nói hạ nhau.
3.
Nguyên kiên nhẫn nghe Ðồng vừa thở, vừa giận, kể lể.
“Có vậy thôi à?”
Ðồng bực mình.
“Thế anh muốn gì nữa?”
“Chuyện nhỏ. Vậy là khởi đầu chuyện gạo và kết thúc dang dở ăn nói cay cú chọc tức nhau. Ðúng không? Chuyện mọi lúc mọi nơi.”
Nguyên nâng ly uống với Ðồng để hắn hạ hỏa.
“Ở lâu với vợ câu chẳng học được bài căn bản về đàn bà. Không bao giờ vợ chồng gây nhau trước sau chỉ vì nguyên nhân ban đầu. Cũng giống như các bà có khi nào đi shopping chỉ để mua món đồ định sẵn ở nhà. Ðịnh mua đôi giày thi tha về cái áo, cái quần, cái son, cái nồi... Những thứ ở nhà chẳng hề tính tới “Mấy thứ nầy em thích lâu lắm. Hên quá. Hôm nay tìm được mà lại đang xeo (on sale ).”
Ðồng hỏi sư phụ.
“Anh bảo em phải làm sao?”
“Im lặng là vàng.”
“Tưởng anh cao kiến té ra dỏm!!!”
Ðồng kể. Có lần Liên nói gì thì nói em nghĩ một chuyện khác chẳng thèm trả lời trả lỗ. Em áp dụng bài giảng của Thiền sư Nhất Hạnh đọc được trên website Thư viện Hoa Sen, về trấn áp cơn giận bằng thiền định. Kiểm soát thở ra thở vào. Liên lên giọng xuống giọng. Em ngồi mở mắt, không dám nhắm mắt, lộ tẩy. Thở vào nhè nhẹ, nhớ lại nét mặt ngây thơ và mái tóc thề phất phơ theo gió của Liên lúc đón em tan trường. Thở ra, em nhớ lại gói thịt chà bông Liên vừa khóc vừa đưa khi thăm em trong trại cải tạo. Tuyệt diệu. Lòng em thanh thản. Từ giai đọan anh em, Liên đang đi vào giai đoạn hai ông tôi hồi nào em không biết. Bỗng giật mình vì tiếng ré của Liên. Ðây không phải tiếng hét hay roi đánh của thiền sư như tia sét giúp thiền sinh đốn ngộ công án thiền, mà là tiếng rống của sư tử. Sư tử hống. Cũng không phải của Kim Mao sư vương Tạ Tốn mà của Kim Hoa Bà Bà. Trước mặt em, một tay chống nạnh, một ngón tay chỉ thẳng vào mặt em theo thế Nhất Dương Chỉ, Liên la lớn xỉa xói.
“Bộ khinh tui không thèm nói há. Tui đang nói với ông chứ đâu đang nói với cục gỗ, cục sõi, cục đá, cục...”
Cục cuối cùng thối hoắc sắp bắn ra, may mắn thì Liên dừng miệng. Em cứng họng á khẩu.
“Anh thấy chưa. Nói cũng chết, không nói cũng tiêu tùng. Khắc khẩu hay á khẩu, anh chọn các nào? Im lặng là vàng hay đất sét!”
4.
Ðồng nhìn đồng hồ muốn về. Cậu ta đang hồi hộp diện kiến với “người yêu khắc khẩu”. Nguyên cười vui nói đùa.
“Chú về nhắnvới Liên. Dầu xăng cũng đang lên giá vùn vụt và chưa có hy vọng nào kềm giá. Cũng nên tích trữ vài thùng để khỏi đi xe buýt.”
Nguyên sực nhớ.
“ Em đem thùng bia còn nguyên về. Anh không quen uống thứ đó.”
“Em biết anh chỉ uống bia Stella Artois. Trước khi đến em lùng khắp mấy chợ nhưng tìm không ra. Anh mua đâu ra hay quá vậy.”
“Hà! Ha. Thứ bia nhập từ Bỉ, có khi khan hiếm. Anh luôn trữ sẵn mấy thùng. Nhiều thì không nói, chỉ mấy đứa em cùng anh uống đến hết mùa Thu cũng còn. Khỏi lo.”
Ðồng trợn mắt.
“Trời! Ðồ rượu chè độc hại mà anh còn lo tích trữ. Gạo cơm là vấn đề bao tử Liên ngược xuôi lo cho cả nhà. Ðúng quá. Em nóng bậy. Trật. Trật.”
Chưa kịp từ giã Mây, Ðồng chạy vội ra xe lái nhanh về nhà. “Lái cẩn thận”. Tiếng Nguyên nhắn theo tan loãng trong khu vườn, cuối một ngày nắng đầu mùa.
(nguồn: PSN)