Giải thoát thơ

Giải thoát thơ

 

Trong sinh hoạt hàng ngày của đời sống con người, không chỉ làm việc để tạo nên của cải vật chất cung ứng cho đời sống. Cũng chưa phải ăn uống nghỉ ngơi và giải trí để giúp cho cơ thể được thoải mái, tinh thần được vui tươi mới gọi là hạnh phúc. Vì có nhiều người giàu sang tột đỉnh, quyền uy cao ngất mà họ vẫn thấy đang thiếu thốn một thứ gì không thể xác định được. Vẫn có những điều khiến cho họ cảm thấy đang thiếu vắng bóng dáng hạnh phúc. Cho nên muốn có một cuộc sống an vui, cần phải giải tỏa những nghi vấn, san bằng nghịch cảnh, dung hòa những định kiến, thì cuộc đời mới có thể dung thông. Nếu không thì cuộc sống sẽ bất an và tương lai vẫn trong vòng lẫn quẩn của tư duy mâu thuẩn không cùng. Nỗi thao thức ấy, chẳng thể đem đến cho chúng ta một nguồn sống hài hòa, vì biết tìm đâu ra suối nguồn diệu giác để tắm gội thân tâm, rửa sạch tấm thân vốn đã bị bụi hồng trần lấm lem nhơ nhuốc.

Những điều thấy biết của con người vẫn còn giới hạn, chưa thể nào có thể giải đáp được những ưu tư, nghi vấn mà mỗi lúc cứ chập chùng ẩn hiện như những đợt sống trên biển cả mênh mông, muôn trùng bờ bến. Khó lấp, khó hàn gắn những ray rứt khôn nguôi trong lòng nhân thế.

Vì vậy mà con người muốn tìm về nẽo đạo, để tạo cho mình một cuộc sống an lạc. Tìm một món ăn tinh thần để cho cuộc đời đuợc thanh lương, thoải mái. Tinh thần là chức năng dẫn đường cho cuộc đi, mong ước một chốn đến không bị ngăn ngại bởi chướng duyên. Món ăn tinh thần nầy, ngoài đạo giải thoát còn có văn thơ là một giá trị không kém đạo giáo. Vì nền văn hóa là phương tiện để hướng dẫn chúng ta bước vào nẽo đạo, đi đến mục đích mà con người muốn đạt đến.

Sự tương quan giữa văn học và tôn giáo là một điều tự nhiên, như là phương tiện để giúp cho những kẻ lữ hành trên con đường vạn dặm. Như trong một tài liệu về lịch sử Phật giáo, một đoạn sách diễn tả lại rằng: “Sở dĩ mà Phật giáo du nhập vào Việt Nam một cách thuận lợi, và nhanh chóng có rất nhiều ngưòi yêu thích, là vì tinh thần Phật pháp có nhiều điểm trùng hợp với tình tự văn học dân gian. Ví dụ như trong đạo Phật có ngày lễ Vu lan báo hiếu, thì ngoài dân gian cũng có: … Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con. Hay Phật giáo có lòng từ bi, tính hỷ xã thì ngoài dân gian cũng có: … Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” …

Hay những nghi vấn mà được giải đáp thỏa đáng, đúng với những trình độ khác nhau, nhưng cùng đồng hiểu như nhau đều là những đáp ứng thực tiển. Như một câu hỏi mà xưa nay vẫn làm theo thức của nhiều thức giả:

- Chúng ta sinh ra và sẽ đi về đâu ?

Và cũng may mắn thay câu hỏi nầy cũng đã được một vị thiền sư khai thị:- “Nếu biết rằng trong hiện tại chúng ta đang đi đâu, thì sẽ biết tương lai chúng ta sẽ về đâu” ? Lời khai thị thật thâm thúy và thực tế biết bao. Vì đường đời thì trăm hướng, nếu bây giờ chúng ta chọn hướng nào, thì mai sau sẽ đi theo hướng ấy. Như người Phật tử bây giờ siêng năng đi chùa, tinh tấn tu hành, sẵn sàng dấn thân vào việc từ thiện, thì tương lai sẽ đưa chúng ta đi theo con đường thiện lành và sẽ dẫn đến bến bờ hạnh phúc. Còn ngược lại nếu bây giờ giải đải, không chọn cho mình một hướng đi, thì dĩ nhiên sẽ nằm lì hay đi về một hướng khác, mà hướng ấy như thế nào cũng còn tùy nhân duyên của từng người. Chứ còn cứ ngồi đây mà hỏi chúng ta sẽ đi về đâu thì đố ai mà biết được ?

Trong sinh hoạt dân gian, thơ văn cũng đóng góp một vai trò rất quan trọng, được thể hiện qua ca dao, tục ngữ là con thuyền chở đời qua sông. Vì bên nầy là thực tại lối mòn, mà bên kia là chân trời mơ uớc. Như lời một bài hát nào đó: … Bên kia sông có ánh mặt trời. Bên kia đồi cỏ hoa chen lối. Bên kia suối suối reo lạnh lùng. Bên kia núi núi mơ chập chùng. Là bài thơ toàn chữ hư vô.

Văn học của Tôn giáo , thơ văn cũng đóng một vai trò rất quan trọng để chuyên chở muôn lòng trở về nhất quán. Nơi ấy chúng ta không còn mong ước sẽ đi về đâu nữa, vì là chốn tột cùng mơ ước của con người. Nơi ấy là nơi “ngã tướng bất sanh” thì còn chổ nào để cho ước mơ của chúng sinh về đậu ?

***

Nhớ một lần tu học, nghe một vị thầy kể một giai thoại văn thơ thật tuyệt vời. Giai thoại nầy đã đưa thơ ra khỏi những đối đã thị phi, không còn một ngăn cách giữa thiện ác, không còn những hoài nghi sai khác, không còn những chấp ngã đời thường. Trái lại thơ đã thăng hoa lên trăng sao vằng vặc, cho muôn đời ánh sáng mầu nhiệm kia chiếu rọi vào vô minh, xóa tan ngã chấp, giải tỏa những nghi vấn trùng trùng. Vì thơ đã cất cánh, thơ đã tung bay như muôn vàn hoa đốm hư không kết tụ. Thơ muôn đời được kết hương hoa dâng tặng. Thơ dâng tặng cho đời để làm hành trang, dùng phương tiện nầy trong việc tìm hướng đi cho cuộc đời. Là bức thông điệp truyền đi để báo hiệu cho biết một điều vô cùng huyền nhiệm. Khuyến cáo cho đời đừng đối đãi thị phi để thong dong cùng nhau bước đi về miền chân cảnh.

Chuyện kể:- Ngày xưa có hai thầy kết thành huynh đệ, cùng nhau tu tập rất tinh cần. Người sư huynh có một cuộc sống ung dung tự tại nhờ kinh kệ đã nhuần, tương chao đã thấm cho nếp sống thanh cao có cơ phát triển cả thể xác lẫn tinh thần. Chốn tu hành cũng được thanh tịnh trang nghiêm, nên thiên nhiên đã dung thông, tâm tình đã thuần nhất một sắc màu giải thoát. Cuộc sống thong dong tự tại của vị thầy nầy đã toát ra một vẻ đẹp tinh khiết, qua một trí tuệ uyên thâm Phật pháp nhiệm mầu. Vị thầy ấy vốn đã có đầy đủ những hành trạng cần thiết, để du hóa cứu độ chúng sinh, không còn vướng mắc một mảy may nào hệ lụy. Vì chí nguyện tu hành đã thành đạt (tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn) không còn hoài nghi, nên nhìn thế sự chẳng mảy may vướng bận. Lòng thanh thoát, ý chí kiên cường và cuộc đời vô ngã vô úy ấy đã thể hiện trên bước hoằng hóa của Người mong muốn cho chúng sinh được thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển.

Nhờ thâm nhập kinh tạng nên đã tạo cho Người một tâm hồn thơ rất phong phú. Nhờ kinh điển được chuyển dịch qua các thể văn vần, lối văn rất dễ dàng huân nhập vào lòng người. Như sương ngàn gió núi tưới tẩm cho cỏ cây hoa lá, cho bông hoa tô thắm thêm hương sắc.

Thỉnh thoảng thầy cũng có làm thơ, tuy ý thơ thì thanh thoát, nhưng luật thơ còn ảnh hưởng vào thuật ngữ của kinh kệ công phu. Nên đều bị các huynh đệ chê thơ chỉ in như những bài kệ, những bài sám. Do đó mà thơ chưa thoát ra khỏi những khuôn môn. Để thơ được bay bổng với trăng sao, thơ được thăng hoa với niềm rung cảm của thế nhân một cách tự nhiên mà không cần đến lý luận.

Loại thơ nầy thì thú thực thầy chưa từng làm. Tuy nhiên nếu gặp một khung cảnh nào thuận thuận duyên để cho thơ tung bay, thì lúc ấy thơ sẽ hiển hiện như bóng trăng vằng vặc. Như giọt sương long lanh đang phản chiếu. Sẽ soi đến muôn trùng, tìm thấy chân nguyên.

Nhiều lần người sư đệ thách thức sư huynh làm được một bài thơ cho nên thơ. Phải thơ mộng và quyến rũ như tình tự của thế nhân, như giấc mộng hoang đường, để làm cho nhiều người mê đắm, phải là thơ và rất thơ.

Một hôm nhân dịp ngày lễ hội nguyên tiêu, tại chùa có rất nhiều thiện nam tín nữ đến viếng cảnh. Thật là cảnh dập dìu tài tử giai nhân, đang chập chờn như hư ảnh khiến cho cảnh chùa thanh vắng chợt lung linh một cảnh tượng lạ lùng, dưới bóng trăng như ảnh hiện lên cảnh tiên giới.

  Vị thầy liền ứng khẩu đọc:

Long lanh như ánh trăng vàng

Như Lai, Điều Ngự trên làn tóc em.

Thật tuyệt vời làm sao vì chợt dưng mà thấy được bóng Như Lai, Điệu Ngự. Vì tinh thể của thơ đã được xuyên suốt qua một tâm hồn mênh mông và cái cảnh huyền diệu kia được cơ may dung hoá, để ngẩu nhiên mà ngự, vô tình mà hiện.

Long lanh

                 Như ánh

                               Trăng vàng

Thử đọc một cách chậm rãi, ngắt quảng và xuống hàng như trên, để được nhìn lâu nhìn thấu suốt cái tính chất long lanh của hiện tượng. Một hiện tượng thật có thật không trong sự chuyển hóa của muôn trùng. Cho đầy đủ mọi yếu tố của bao la vũ trụ bát ngát hư không, trong một cuộc hội ngộ đầy nỗi hân hoan. Cho cuộc tương phùng được niêm hoa vi tiếu để lại cho đời những chuổi ngọc muôn màu ảo diệu. Một cảnh giới huy hoàng tráng lệ, mà đời thường khó bề thấu suốt, ít khi thấy được. Và đọc chậm rãi để như thấy bước thiền hành của hành giả đang cảm nhận từng nguồn an lạc, đang thấm nhuần trong từng bước tỉnh thức.

Nhưng tiếc thay vừa mới nghe qua người sư đệ nầy đã thẳng thừng phản đối:

- Sao huynh lại làm thơ tình? diễn tả thế giới đời thường tục lụy? Như Lai, Điệu Ngự là những bậc để cho người đời cung kính, lễ bái sao lại ở trên làn tóc em ? Thiếu nghiêm túc, không chính xác, thật không xứng đáng cho sư đệ tôn kính ! Tuy sở học của đệ chưa bằng huynh, chưa thấu đạt được lẽ sắc không, lý vô thường, nhưng khi đọc bài thơ trên của huynh chắc chắn nếu ai phân tích bài thơ, cũng sẽ tìm ra cái tinh thần thiếu trung thực, đã xem thường chư Phật của sư huynh.

Vị sư huynh ôn tồn trả lời:

- Trên làn tóc em ? nơi ấy là chốn giải thoát trên sự giải thoát, vì như Đức Phật cũng có dạy: Con người có khả năng thành Phật, tức là có khả năng giải thoát, và như vậy có phải là Như Lai đã giải thoát trên sự giải thoát rồi chăng ? Như hoa sen, từ trong bùn nhơ nước đọng, được vươn lên khỏi tầm ô uế ấy, nên người đời đã dùng hoa sen để tượng trưng cho sự giải thoát. Đức Phật và chư vị Bồ tát được ngồi trên hoa sen là biểu tượng cho sự giải thoát.

Phàm nghi người ta dùng con mắt thường để thấy, thì cái thấy ấy vẫn còn lẫn quẩn trong nhị nguyên đối đãi, và sự ấy cũng luân chuyển trong vòng sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi.

Muốn thoát thì phải học hỏi những phương pháp để có cái nhìn, suy nghĩ, lời nói cũng như việc làm đều chân chánh. Như trong Bát Chánh Đạo mà Đức Thế Tôn đã dạy, được như vậy mới có thể đạt đến định và tuệ.

Và ở đời việc gì cũng có lý sự viên dung. Có trong có ngoài, trong thì phải thanh tịnh tâm ý, để nhìn bên ngoài không bị hoàn cảnh cuốn hút theo. Như chùa chiền ngày xưa thì phong cảnh u nhã, thanh vắng nhờ vậy mà giữ được cho đạo tràng thanh tịnh. Nên đã giúp cho thiền sinh nhiều điều kiện thuận lợi để tu hành. Mặc dù thỉnh thoảng cũng có khách thập phương đến viếng chùa ngoạn cảnh, cúng dường cũng là việc thường tình. Nhưng không vì thế mà có thể cho rằng khách thập phương đến sẽ làm cho cảnh chùa mất đi vẻ trang nghiêm, hay làm vơi bớt lòng thanh tịnh của những vị tu hành đã đạt đạo.

Cảnh thanh tịnh của đạo tràng, lòng thanh lương của vị thầy  xuyên qua những tâm hồn thành tín của khách hành hương, với những tấm lòng trong trắng, đang dâng lên Tam Bảo những lời nguyện thiết tha, như những đài hoa cúng dường. Chợt sư huynh thấy long lanh bóng Như Lai đang ngự trên tất cả và nở hào quang chiếu rọi, như áng trăng vàng soi khắp thế gian. Sự hiện hữu nầy rồi có thường hay không, hay cũng chỉ là hình ảnh của Thiền sư Hương Hải đã diễn tả:

Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy…

Còn lưu lại hay chỉ thoáng qua? Như bóng trăng vàng, làn mây xám, mọi thứ đều chuyển hoá khôn lường, bến dịch khôn tả.

Hay như cảm nhận của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, khi trẩy hội chùa Hương:

Suối biếc chuyển lời kinh vọng khắp

Bụi hồng theo ngọn gió tung hê

Bổng dưng tìm thấy con người thật

Của chính mình xưa trót lạc đề

Ngoại giới thanh tịnh giúp cho nội giới sáng suốt để chợt bừng lên cái thấy, cái biết chân thật cũng là một duyên lành vậy.

Long lanh, cái ngữ nầy cũng vô cùng ảo hóa, sự biến thiên của hiện tượng đối với con mắt trần tục làm sao mà thấy? Một giọt sương đọng trên ngọn cỏ, lung linh qua ánh trăng vàng, ngời lên muôn màu là vẻ đẹp tuyệt vời, và còn diễn tả được tính sắc không, trong dòng kinh Bát nhã. Vì vẻ đẹp ấy sẽ không thường tại, không trường tồn theo triết lý duyên khởi.

Nhưng qua ánh sáng lấp lánh còn đọng lại, vẫn thấy như những chứng tích của sự hiện hữu bóng trăng cũng diễn tả được tính bất nhị (không bất dị sắc) vì cái thấy biết của chúng ta là xuất phát từ ngủ uẩn, mà ngủ uẩn thì lại giai không. Cho nên muôn sự chỉ trùng trùng, khi cái nhận biết của con người trần tục vẫn nằm trong sự đối đãi phân biệt của nhị tướng. Và ánh trăng vàng muôn thuở vẫn còn đó hay không, hay cũng chỉ là biến thiên của tạo hoá, có rồi không? Như ánh trăng vàng hay là không như…?

  Và câu kế cũng hảy đọc tiếp một cách chậm rãi như trên:

Như Lai, Điệu Ngự…

                           Trên làn

                                       Tóc em.

Trong sự cảm xúc của tâm bình đẳng, đã bừng lên trí tuệ siêu việt để được thấy bóng Như Lai, cũng là điều bất khả tư nghị. Thì đâu thể đem ra phân tích với lý trí tầm thường. Vì hiện tượng chúng ta thấy cũng vẫn chỉ là hiện tượng của trần gian muôn trùng. Dĩ nhiên mắt thường khó bề nhìn thấy. Quan niệm cao thấp, nhơ sạch có lẽ không dính dấp chi với cái “tâm vô trụ xứ”. Hay nói như Zarathustra: “Phải là đại hải thì mới có thể đổ vào lòng mình một dòng sống nhơ bẩn mà mình không đến nỗi phải chịu phận nhơ theo”. Thật thế, lòng bao dung, tính độ lượng mới có thể dung chứa tất cả, chứ như vị kỷ hẹp hòi thì chứa đựng được những gì?

Hiện tượng Như Lai đứng trên tòa sen, tượng trưng cho sự giải thoát. Thì Như lai trên làn tóc em, lại không thể gọi sự giải thoát trên sự giải thoát được hay sao? Không thể gọi đó là con đường đáo bĩ ngạn để cho tín nữ thiết lập hạnh nguyện giải thoát của đấng Như Lai?

Vì như Ngài Quán Tự Tại, khi soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh, Ngài liền thoát khỏi mọi tai nạn khổ ách. (Trích Bát Nhã Tâm Kinh).

Hay lời dạy của Đức Thế Tôn bằng một bài kệ rằng:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã

Thị nhơn hành tà đạo

Bất năng kiến Như Lai

(Dùng sắc để thấy Phật, dùng âm thanh để cầu Phật , thì đó là tà đạo, không bao giờ thấy được Như Lai).

Hay triết lý: Không cầu mà thấy, không mong mà đạt mới là cái thấy viên dung, vô ngại.

Hai câu thơ:

Chữ bay từng cánh chim ngàn

Mỗi câu là mỗi Niết bàn hóa thân.

Chữ bay hay ý tưởng của thơ bay, hay từng cánh chim ngàn bay, để nối thành từng câu, xâu thành từng chuổi ngọc cho người đời trang sức? Và có thể trang sức được hay không, vì thơ đã hóa thân thành mỗi Niết bàn?

Cũng như chuổi ngọc nầy được xâu bằng những cảnh giới vi diệu, biến hiện thành hiện thực qua tuệ giác đạt thành. Làm quà tặng cho nhân gian, làm thắng duyên cho người đời vượt qua, vượt qua và thẳng tiến đến bến bờ diệu giác.

Long lanh như ánh trăng vàng

Như Lai, Điều Ngự trân làn tóc em

Cảnh tuyệt vời ấy mấy ai nhìn thấy, mấy ai xuyên suốt được tư tưởng phi phàm của thiền sư, hay của thi nhân đã ngẫu nhiên phát hiện. Mà có lẽ không phải là ngẫu nhiên đâu, theo thiển nghĩ. Vì có đạt được một trí tuệ siêu nhiên mới thấy được cái tự nhiên, có lên trên cao, mới thấy được toàn thể vũ trụ. Chứ cứ luôn ôm hoài thành kiến ách ngồi đáy giếng, thì biết đến bao giờ… mới đến được với cảnh giới “giải thoát thơ” ?!.

Trần Đan Hà

(Theo PSN)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle