Xuân dưới nhiều cách nhìn

Xuân Dưới Nhiều Cách Nhìn

Thích Trí Nguyệt

Xuân về, rồi Xuân đi. Hôm nay Xuân lại về nữa. Nói đến Xuân, chúng ta liền nghĩ ngay đến mùa đổi mới, hay mùa cuối hoặc mùa đầu tiên của năm. Nhưng, dù là cuối hay đầu tiên, Xuân cũng làm cho chúng ta ý thức rằng cuộc đời đã mất đi một phần nào cái gì đáng quý nhất: đó là mạng sống của chúng ta. Sự thật chua chát ấy đã được bộc lộ trong bài thi Cảnh sách các thiền sinh của Phật giáo Nhật Bản:

Thị nhật dĩ quá,

Mạng diệc tùy giảm,

Như thiểu thủy ngư,

Tư hữu hà lạc?

(Ngày nay đã trôi qua, mạng sống cũng giảm dần, như cá cạn nước, nào có vui gì?)

Vì thế, khi Xuân về, trong lúc thiên hạ biết bao người vui chơi thỏa thích, thì ở lãnh vực suy tưởng, lại có kẻ nát lòng rỏ lệ vì Xuân. Kẻ ấy khi thấy Xuân lộng lẫy huy hoàng, nhưng giả ảo chóng tàn, mà than:

Xuân trần gian! Xuân trần gian!

Mấy độ phôi pha mấy độ tàn.

Chính vì sự chuyển dịch nhanh chóng của thời gian, vì cái kiếp ngắn ngủi của Xuân, mà khi Xuân sang lại có người rất thờ ơ lãnh đạm:

Ngoài kia Xuân đã bén duyên chưa?

Trời đất trong đây chẳng có mùa.

(Hàn Mặc Tử)

Chẳng có mùa thì không phiền lụy. Đúng vậy! Xuân về là Xuân về, còn tiếp đón hay không, vui hay buồn là việc của ta. Chế Lan Viên hình như không chịu chia sớt quan điểm này, cho nên âu sầu, khổ não, thi sĩ thốt:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,

Đem chi Xuân lại gợi thêm sầu.

Với tôi tất cả đều vô nghĩa,

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

Thế nhưng, Xuân Diệu nhìn Xuân dưới một góc độ khác:

Xuân đang tới nghĩa là Xuân đang qua,

Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già.

Mùa Xuân hết là đời ta cũng mất.

“Mùa Xuân hết là đời ta cũng mất”, rõ là câu nói vô cùng thống thiết, phát xuất từ đáy lòng của những kẻ lo âu, phập phồng cho kiếp sống. Có người đã nói rằng: “Ai cũng cho mùa Xuân là tươi đẹp, nhưng theo tôi thì trái lại, nó không vui đẹp chút nào, mà chính nó là lưỡi dao sắc bén nhất đang kề đến cổ chúng ta”. Vì một lần Xuân qua là con người mất đi một năm thay vì được một tuổi. Như thế bảo sao con người không đau khổ hay khóc lóc khi Xuân sang. Thế nhưng cũng có kẻ lại rộn lên một niềm giao cảm, vì nơi họ đã dứt hết bao nhiêu phiền não dao động:

Chầm chậm Xuân về lòng đất chuyển,

Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương.

Tâm linh một thoáng bừng giao cảm,

Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn.

(Nhất Hạnh)

Ở trường hợp khác người ta không phủ nhận Xuân, vì người ta thấy rằng ngoài mùa Xuân thông thường của thế gian, còn một mùa Xuân linh diệu vĩnh cửu:

Ai bảo lòng ta khóc cảnh Xuân,

Nhưng không, hoa đẹp, khói hương trầm.

Về trong linh diệu, trong tươi sáng,

Là cả muôn đời Xuân tượng trưng.

(Hoàng Hoa)

Không khóc cảnh Xuân không có nghĩa là phải cười với bất cứ mùa Xuân nào. Vì tất cả cảnh linh diệu tiềm tàng trong mùa Xuân lý tưởng, hoặc phô bày ra bên ngoài, nếu bị vài nét tang thương gạch một lằn đen, thì đứng trên quan niệm thông thường, tương đối, nó là một cớ để cho khóc với Xuân được:

Ai bảo lòng ta vui với Xuân.

Mưa hoa trắng quá đẹp trong ngần.

Và tang thương ấy còn ghi dấu,

Bướm trắng còn bay trên núi sông.

(Trích Ánh Xuân Vàng - Hoàng Hoa)

Trong một hoàn cảnh khác, đầy trái ngược nhưng giàu ý nghĩa sâu sắc, nhiệm mầu, thi sĩ Hoàng Hoa lại có những ý nghĩ rất là thoát trần:

Ai đã thấy ánh Xuân vàng muôn thuở?

Mà tang thương che chấp tự lâu rồi.

Không! Chỉ tại lòng người vương trọng nghiệp,

Mà chưa từng nhìn  nhận áng mây trôi.

Này lá  cỏ, cành cây, dòng suối cạn.

Này chim ca, hoa nở, bướm vàng bay.

Này tiếng súng rền vang trời quang đãng,

Vẫn là Xuân vàng thắm bấy lâu nay.

(Hoàng Hoa)

Lúc tuổi còn nhỏ chưa thấu đạt lẽ có không, ta chỉ nhìn Xuân và đắm Xuân qua trăm hoa đua nở. Nay đã thấy bản lai diện mục của chúa Xuân rồi, ta có thể an nhiên ngồi ngắm từng cánh hoa rơi rụng trước thềm, mỗi mỗi đều thể hiện chân lý tuyệt vời:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

Nhất Xuân tâm sự bách hoa trung,

Như kim khám phá Đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

(Điều Ngự Giác Hoàng)

(Tuổi nhỏ chưa từng rõ sắc không,

Ngày Xuân hoa nở rộn tơ lòng.

Chúa Xuân nay đã tìm ra mặt,

Thiền tọa an nhiên ngắm cánh hồng).

Đón Xuân như thế thì địa vị của mùa Xuân không bao giời mất trong tâm linh con người. Mùa Xuân là mùa vui tươi tịch mịch, bất khứ bất lai, không tuổi tác. Mùa Xuân là bản thể nhiệm mầu của vạn pháp:

Chư pháp tùng bản lai,

Thường tự tịch diệt tướng.

Xuân đáo bách hoa khai,

Hoàng oanh đề liễu thượng.

(Các hiện tượng xưa nay,

Bản tánh thường vắng lặng,

Xuân đến trăm hoa cười,

Oanh vàng ca liễu thắm).

Như thế thì mùa Xuân lý tưởng đã về ngự trị nơi lòng của mỗi người, và mọi người không còn tin tưởng, hy vọng một mùa Xuân nào khác. Với chúng ta, người phàm mắt thịt, có Xuân tới, có Xuân đi, nhưng đối với các vị thiền sư thì tới đi đều là biến chuyển mộng ảo, không nên bận lòng:

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,

Hoa điệp ưng tu tiện ứng kỳ,

Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,

Mạc tu hoa điệp vấn tâm trì.

(Giác Hải thiền sư)

(Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,

Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ,

Nên biết bướm hoa đều huyễn cả,

Thây hoa mặc bướm để lòng chi).

Vì biết màu sắc mùa Xuân huyễn ảo như thế, đến để rồi đi, cho nên một Thiền sư khác không luyến tiếc mà lạnh lùng ngồi xem:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc Xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thạnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Vạn Hạnh thiền sư)

(Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ Xuân tươi tốt, Thu qua rụng rời,

Sá chi suy thịnh việc đời,

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành).

Đi sâu vào cái chuyển dịch, tàn phá, là bộ áo ngoài của Xuân, một Thiền sư khác thấy trong ấy có cái không thể chuyển dịch, không thể tàn phá được, đó là bản thể thường trú của Xuân vậy:

Xuân khứ bách hoa lạc.

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục trục nhãn tiền quá.

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận.

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Mãn Giác thiền sư)

(Xuân đi lưu lại cánh hoa rơi.

Xuân đến trăm hoa nở nụ cười.

Thế sự thoáng qua rồi mất biệt.

Đầu xanh đã điểm nét sương rồi.

Có đâu Xuân lụi hoa tàn mãi.

Đêm trước sân cười một nhánh mai).

Vâng! Sự sống bất diệt, không vì sự thay đổi, tàn tạ của hiện tượng mà tiêu tan. Vì không tiêu tan, nên nhánh mai này có khô là có nhánh mai khác nở cười…

(Trích của Trầm Dương)

Tập san Pháp luân 11

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle