VIẾNG MỘ CUỐI NĂM
VIẾNG MỘ CUỐI NĂM
HOÀNG CÔNG DANH
Cứ mỗi khi trời trở chứng, gió phơn phớt thổi làm phảng phất ít khói hương là tôi lại nhớ đến những ngày giáp tết, cái mùi khói ấy cứ thắc thỏm về buổi chiều cuối năm ở bên bãi tha ma làng. Năm nào cũng vậy, tôi đợi đến chiều tất niên để được đi viếng mộ tổ tiên họ hàng chú bác đã khuất. Thế nhưng năm nay thì đành lỗi hẹn, sự xa cách làm cho con người ta cảm thấy nhớ quê nhà da diết.
Tôi sinh ra lớn lên ở một làng quê nghèo Quảng Trị, nghèo đến nỗi không có một dòng sông để tuổi thơ đứa bé tôi ngày ấy bơi lội. Tháng hai giáp hạt, tháng ba túng quẩn, bồ thóc vơi cơi nới những hạt cuối cùng rồi cũng sắn khoai biết độn. Những ngày xưa ấy qua rồi, làng giờ khá giả lên nhiều nhưng hễ cứ có mùi khói là tôi lại thương thuở ấu thơ. Chính vì nghèo mà người ta biết sống với nhau bằng thứ tình cảm chân thật như đất, người quê tôi hiền lành như củ khoai, trắng trong như củ sắn, tâm hồn thơm vị nước chè gừng và đối xử với nhau mặn mà như muối tháng tám. Ông nội hay dạy những câu ca dao tục ngữ cho đàn cháu nhỏ, chiều tất niên bao giờ ông cũng nói “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” và ông đưa miếng trầu vào miệng nhai nhõm nhẽm sau khi đã quệt lên đó ít vôi trắng. Ông dạy, đầu năm đi chợ mua muối để mặn mà tình nghĩa cả năm, còn vôi trong ngày ba mươi thì ý nghĩa ngược lại, tức xua đi những thứ bạc bẽo. Tôi lớn lên như thế! Những lời dạy của ông nội cứ thấm sâu vào máu thịt nên tâm hồn sớm biết yêu quê hương làng nước.
Năm ấy còn rất nhỏ, sau bữa cơm cúng tất niên, ông nội dắt tôi xuống bãi tha ma làng tục gọi Cồn Mai để thắp hương. Ông dẫn tôi đi từ đầu cồn đến cuối, tay cầm bó nhang đã thắp sẵn, cứ đến một ngôi mộ là ông lại kể lai lịch của người quá cố và nhủ tôi thắp lên đó một nén nhang. Tôi hỏi sao lại thắp mấy ngôi mộ không phải của nhà mình? Ông cười dạy rằng “người sống có bà con làng xóm thì người chết cũng có láng giềng, mình phải thắp cho người xung quanh mới ấm tình làng nghĩa xóm”. Thế sao không đi thắp cho tất cả các ngôi mộ? Ông xoa đầu “nhiều thế thắp sao xuể, với lại cuối năm ai cũng đi thắp nhang nên ngôi nào cũng có một nén rồi”. Trời xập xệ tối thì hai ông cháu mới thắp xong. Khi đi về, nhìn thấy những ngôi mộ không có bia ghi tên và lạnh toát không một nén nhang, tự dưng tôi chảy nước mắt. Vậy là năm sau cầm đi thật nhiều hương để thắp cho những ngôi mộ vô chủ.
Nhà tôi theo đạo Phật nên bàn thờ luôn có hương thắp đỏ suốt những ngày tết. Ông dạy “Phật ba ma một”, nghĩa là thắp lên bàn thờ Phật thì phải ba cây còn các bàn thờ linh thì chỉ một, tôi không hiểu vì sao lại như thế nhưng cứ nghe ông nội nói thì làm theo. Ông nội là người đức độ và có vốn văn hoá dân tộc sâu rộng nên những gì ông dạy thì tôi không bao giờ dám làm khác.
Đi thắp nhang với ông nội nhiều, thành ra tôi thuộc hết địa điểm của những ngôi mộ tổ tiên họ hàng thân thuộc. Những năm sau ông để tôi đi một mình. Tôi lại thử làm một “ông cụ non” nên dắt thêm mấy đứa em nhỏ, rồi lại chỉ trỏ như những năm trước ông nội từng chỉ cho mình. Mấy đứa em nhỏ cứ tranh nhau thắp nhang rồi cũng lại nhẩm thầm những cái tên khắc trên bia đá. Nhớ là chỉ nhẩm thầm thôi chứ không nên đọc thẳng ra vì người quê kiêng kị nhất là nhắc lại tên người đã chết.
Làn khói hương cuối năm là làn khói đưa ta về với cội nguồn dân tộc, nhắc nhủ ta nhớ về những người đã khuất. Nén nhang ấy còn gọi là nén tri ân công đức tiên tổ mà cái lễ nghĩa ngàn đời của người Việt ta luôn luôn được coi trọng. Nếp nhà có vững một phần cũng nhờ vào điều đó. Đi giữa những bông cỏ may chiều cuối năm, trong cái se se trở mùa chợt văng vẳng đâu đây lời khấn nguyện của người làng đi viếng mộ, mình cũng muốn ước một điều gì đó. Cỏ may vương lấm lết bũng quần đứa trẻ lên chín tôi ngày ấy. Khói thì quyện vào mắt làm xao xuyến và trên bờ mi như ươn ướt – cái xúc động đầu đời của tôi có từ khi đó chứ không phải như người ta vẫn nói là đến lúc biết yêu.
Chú tôi mất, tết năm ấy cả nhà buồn vì chú ra đi vào những ngày cuối năm, cỏ trên mộ vẫn còn xanh những màu non. Khi nén nhang xông lên thì những ngọn cỏ non ấy trông buồn lắm! Và tôi thấy thương cho thím, thương cho những đứa em đang còn thơ dại như ngọn cỏ, nước mắt tôi cứ chực trào. Còn nhớ những ngày sau khi chôn cất chú, mệ nội tôi cứ xuống cồn mà ngồi suốt cả ngày, chạng vạng hoàng hôn mới trở về nhà.
Từ dạo đó, trong tôi bỗng thèm được đi viếng hương, để mà được nhìn những nấm mồ, được se lên chút ấm áp cho người đã khuất. Tôi có những đứa bạn ở làng chết bất đắc kì tử vì tai nạn... Chúng nằm dưới ba thước đất, bãi tha ma làng ngày xưa bọn trẻ con hay cùng nhau thả diều hái quả dại ăn giờ là nơi bạn tôi yên nghỉ mãi mãi. Nhiều khi đứng trước mộ bạn, lâu lâu như nghe được nó đang hiện lên tâm sự. Rồi nó kéo mình ở lại thêm tí nữa, vậy là tôi ngồi xuống đất, bứt ngọn cỏ nghĩ vẩn vơ và hoài niệm về một thuở ấu thơ.
Hoàng hôn buông xuống, những tia nắng cuối cùng của năm đã khéo tắt, tôi trở về nhà chuẩn bị đón giao thừa, quanh đây nghe còn âm điệu những bước chân người đi viếng vừa về, cả những làn khói thơm đang lặng lẽ xông lên mùi thơm cổ kính. Ấy là buổi chiều thiêng liêng nhất trong năm.
Xa làng rồi, năm nay không thể về quê ăn tết, những đứa em tôi đã lớn khôn chắc đủ nhận thức để làm tiếp cái việc mà anh chúng đã nhắc nhở từ tất niên năm trước. Tôi chợt thấy se se lòng, rưng rức mắt vì làn khói hương ngày xưa.