Hoàng đế Trần Nhân Tông với những sách lược ứng phó với đế chế Nguyên - Mông để bảo vệ và phát triển đất nước
Hoàng đế Trần Nhân Tông với nhữn
Hoàng đế Trần Nhân Tông với những sách lược ứng phó với
đế chế Nguyên - Mông để bảo vệ và phát triển đất nước
PGS.TS. Nguyễn Công Lý
Nguyên GVCC
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG HCM
Email:
nguyencongly54@yahoo.com.vn
ĐT: 0905156830
Giới thiệu chung
Hoàng đế Trần Nhân Tông (1258-1308) lên ngôi ngày 22 tháng 10
năm Mậu Dần (1278), nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái Thượng
hoàng vào tháng 3 năm Quý Tỵ (1293) và sau đó xuất gia, thành lập Thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử, viên tịch ngày mùng 3 tháng 11 năm Mậu
Thân (1308). Trong khoảng vài chục năm gắn bó với chính sự, Trần Nhân Tông đã để
lại dấu ấn sâu đậm trong chính sách đối ngoại với các lân bang, thể hiện trên ba
nội dung lớn mà sử sách đã đúc kết:
Một là, kiên quyết tập trung toàn
lực đối phó với đế chế Nguyên - Mông
ở phía Bắc để bảo vệ đến cùng nền độc lập chủ quyền của
dân tộc.
Hai là, nỗ lực kết giao với Champa
nhằm sáp nhập và mở rộng lãnh thổ về phía Nam để phát
triển lâu dài.
Ba là, tăng cường quan hệ với Ai
Lao để ổn định bền vững ranh giới, bờ cõi phía Tây.
Bài viết này
chỉ
tập trung
bàn
về sách lược của hoàng đế Trần Nhân Tông
ứng phó
với phía Bắc là đế quốc Nguyên - Mông, từ đó khằng định đây là một sách lược
đúng đắn, mang tính bền vững, có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp phát triển đất
nước mà
các thế hệ
cháu con hôm nay cần phải học tập noi gương.
Từ nhỏ vua Trần Nhân Tông đã quan tâm đến Phật giáo, nhưng khi lên nắm chính
quyền, vấn đề đầu tiên là phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Tổ
quốc. Vì thế, nhà vua phải tập trung suy nghĩ về những vấn đề chính trị, kinh
tế, ngoại giao và quân sự của đất nước, phải có một sách lược tổng quát để có
thể chiến thắng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, đặc biệt là sách lược văn hóa
tư tưởng để củng cố sức mạnh của đất nước nhằm chống lại Trung Quốc xâm lược.
Sách lược văn hóa tư tưởng của vua Trần Nhân Tông chính là cần huy động mọi tiềm
lực dân tộc cho cuộc chiến đấu, chống lại quân xâm lược.
Tiềm lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của mọi người dân không phân biệt
thành phần xã hội, tuổi tác, tôn giáo, nguồn gốc tộc người và thành phần xuất
thân. Chính thông qua chủ trương này mà ta thấy trong các đội quân của Đại Việt
có những người thuộc dòng dõi thân vương hoàng tộc như Trần Quang Khải, Trần
Hưng Đạo, Trần Tung, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản...; có những người xuất phát
từ bình dân như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái...; cũng có những người là nô tỳ như
Yết Kiêu, Dã Tượng; có những người còn rất trẻ như Trần Quốc Toản, và cũng có
những người rất già như các vị bô lão tham gia hội nghị Diên Hồng với tiếng hô
“quyết chiến”, cùng “những người lính già đầu bạc, thường mãi kể chuyện về
đời Nguyên Phong”;
có những người thuộc dân tộc thiểu số, như Hà Đặc, Hà Chương; có những đạo sĩ
ngoại quốc như Hứa Tông Đạo, thậm chí có những người từng là tướng tá bên đối
phương đã quy thuận ta như Trương Hiển... Có được một sự tập hợp rộng rãi các
thành phần dân tộc khác nhau như thế phải xuất phát từ một chính sách đại đoàn
kết rộng lớn.
Nhưng chính sách đoàn kết này chỉ có thể thực hiện được, khi người dân và người
lãnh đạo đất nước có cùng chung một quyền lợi để bảo vệ và một đối tượng để
chiến đấu. Bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn, Trần Hưng Đạo khuyên bảo các
tướng tá dưới quyền đã nói rõ điều này. Ở đây, Trần Hưng Đạo đã vạch ra sự thống
nhất quyền lợi giữa những người lãnh đạo đất nước và những người dân bình
thường, thể hiện quan điểm của hoàng đế Trần Nhân Tông khi thống nhất quyền lợi
và nghĩa vụ của toàn dân gắn liền với vận mệnh của đất nước. Đây chính là cơ sở
của sự đoàn kết toàn dân. Mọi người đều thấy mình có cùng chung một quyền lợi để
sẻ chia và do thế phải cùng nhau bảo vệ. Sự tồn tại của quyền lợi người này là
điều kiện và tiền đề để cho quyền lợi người khác được tồn tại.
Quan hệ biện chứng về quyền lợi này đã xây dựng nên ý thức về sự cùng chung một
đất nước, một cộng đồng để mến yêu. Và thực tế, yêu nước chính là yêu gia đình,
yêu cha mẹ, yêu vợ con mình; là yêu phần mộ tổ tiên mình, là yêu không gian sông
núi đất trời nơi mình đang sống.
Dù kháng chiến đã thắng lợi, nhưng sau cuộc chiến tranh, vua Trần Nhân Tông vẫn
có những sách lược nhằm cố gắng làm dịu bớt sự thù hận vì bị thua trận của nhà
Nguyên.
Kết quả vào tháng 10 năm Ất Dậu (1285), Hốt Tất Liệt cử Hợp Tán Nhi Hải Kha đến
Thăng Long thăm dò tình hình và bàn tính việc trả tù binh. Tháng Giêng năm Bính
Tuất (1286), vua Trần Nhân Tông cho thả tù binh Nguyên về nước.
Dù đã hai lần bại trận vào các năm 1258 và 1285, nhưng nhà Nguyên vẫn không
nguôi mộng xâm lăng Đại Việt. Để chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba,
tháng 3 năm Bính Tuất (1286), nhà Nguyên lại sai A Lỗ Xích, Ô Mã Nhi cùng đại
tướng Trương Văn Hổ điều 50 vạn quân, 300 chiến thuyền âm mưu đưa Trần Ích Tắc
về nước lập làm An Nam quốc vương. Sứ bộ Nguyễn Nghĩa Toàn của Đại Việt đến kinh
đô nhà Nguyên vào tháng 5 năm Bính Tuất (1286) đã bị họ bắt giữ. Ngày mùng 3
tháng 9 năm Đinh Hợi (11-10-1287), nhà Nguyên tiến công xâm lược Đại Việt lần
thứ ba. Nhưng cũng như hai lần trước, nhân dân Đại Việt tuy trải qua nhiều gian
khổ vẫn bảo vệ thành công nền độc lập chủ quyền dân tộc. Ngày 27 tháng 3 năm Mậu
Tý (28-4-1288), vua Trần Nhân Tông và triều đình đại thắng quay trở lại kinh đô
Thăng Long, ban lệnh đại xá thiên hạ.
Ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông, vua tôi nhà Trần vẫn không hề tự mãn và chủ
quan, trái lại vẫn tìm mọi phương cách để chấm dứt dã tâm xâm lược của quân
giặc, việc làm này mở đầu bằng chuyến đi sứ của Đỗ Thiên Hứ sang nước Nguyên vào
tháng 10 năm Mậu Tý (1288) để tỏ tình giao hảo. Trong khi đó, dù thua trận liên
tục, nhưng nhà Nguyên không từ bỏ thói kẻ cả, vẫn ngông nghênh đòi Đại Việt phải
thần phục họ.
Tháng 11 năm Mậu Tý (1288), Hốt Tất Liệt cử sứ bộ Lưu Đình Trực sang Đại Việt,
đưa theo 24 người trong đó có các sứ bộ bị bắt giữ từ trước, đòi thả hết tù binh
và đòi vua Trần Nhân Tông sang chầu vua Nguyên. Trần Nhân Tông luôn nhún nhường
trước nước "lớn", nhưng không hề hèn nhát trước yêu cầu ngang ngược của bọn
giặc. Vào tháng 2 năm Kỷ Sửu (1289), vua Trần Nhân Tông sai Nội thư gia là Hoàng
Tá Thốn đưa Ô Mã Nhi và các tướng nhà Nguyên bị ta bắt giữ về lại nước, song ban
đêm dùng kế dùi thuyền để cho chúng chết đuối.
Khi Thượng hoàng Trần Thánh Tông băng, vua Trần Nhân Tông vẫn cử sứ bộ Ngô Đình
Giới sang cáo phó với nhà Nguyên vào tháng 8 năm Canh Dần (1290).
Tháng 2 năm Tân Mão (1291), Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ Thượng thư Trương Lập Đạo
sang dụ vua Trần Nhân Tông đi chầu, vua lấy cớ đang có tang không tiếp, rồi cử
sứ bộ Nguyễn Đại Phạp đi cùng sứ nhà Nguyên sang đáp lễ. Tháng 9 năm Quý tỵ
(1293), sứ Nguyên là Binh bộ Thượng thư Lương Tăng lại sang đòi vua Trần đi
chầu. Lúc này vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con làm Thái Thượng hoàng,
lấy cớ đang có bệnh để từ chối yêu cầu của triều đình nhà Nguyên, rồi sai Đào Tử
Kỳ đem sản vật địa phương đi cùng sứ Nguyên sang biếu. Nhà Nguyên giận giữ giam
Đào Tử Kỳ, đến đầu năm sau mới cho về. Tháng 2 năm Ất Mùi (1295), sứ Nguyên là
Lý Khản và Tiêu Thái Đăng lại sang, vua Trần cử Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo đi
cùng sứ Nguyên sang trả lễ....
Qua các cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Nguyên, Trần Nhân Tông nổi bật vai trò
một vị nguyên thủ
quốc
gia, một chính khách ngoại giao tài ba đầy quả cảm, có lập trường cứng rắn trong
việc bảo vệ đến cùng độc lập tự do của dân tộc, nhưng luôn mềm dẻo và vô cùng
nhạy bén, linh hoạt trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, hạn chế tối đa
những mối nguy hại cho đất nước. Chính sự kiên quyết nhưng mềm dẻo của Trần Nhân
Tông đã góp phần đánh bại các âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Nguyên, và quan
trọng hơn là dập tắt luôn ý đồ phục hận của bọn chúng kể từ sau cái chết của Hốt
Tất Liệt.
Chính xuất phát từ lập trường, quan điểm và nhận thức như thế, trong việc chuẩn
bị cho hai cuộc chiến tranh cũng như sau khi hòa bình lập lại, vua Trần Nhân
Tông, thông qua các chính sách hành chính cũng như qua bản thân cuộc sống của
mình, nhà vua đã cho thực hiện hàng loạt các biện pháp chính trị, kinh tế, xã
hội và văn hóa nhằm xây dựng khối đoàn kết toàn dân.
Đường lối chủ trương đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp giữ nước chính là kim chỉ
nam cho con đường đấu tranh chống lại ý đồ xâm lược của “thiên
triều” Trung Quốc.
Lúc Trần Nhân Tông còn ở ngôi hoàng
đế, dân tộc ta phải đương đầu với một kẻ thù hung
hãn nhất của thời đại là giặc Nguyên - Mông. Trong
vòng chưa đầy nửa thế kỷ, bộ tộc Mông Thát của Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc
Chân, rồi Hốt Tất Liệt lãnh đạo đã mở rộng chiến
tranh xâm lược và làm chủ nhiều vùng đất đai
rộng lớn ở hai lục địa Á - Âu, lập nên một đế chế kéo dài từ bờ Hắc Hải đến Thái
Bình Dương. Thế nhưng cả ba lần sang xâm lược Đại
Việt, đội quân "bách chiến bách thắng" đó đều bị đánh bại, trong đó có hai lần
diễn ra dưới đời vua Trần Nhân Tông (1285, 1287-1288).
Những chiến công hiển hách của nhà Trần đã đi vào lịch sử nước nhà, trở thành
những mốc son chói sáng muôn đời. Đối địch với những đạo quân được xem là thiện
chiến nhất thế giới vào thời bấy giờ, quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo tối cao
của vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Thánh Tông, đã phát huy được tối đa sức
mạnh đại đoàn kết trong tinh thần dân chủ, với quyết tâm đồng lòng chống giặc
ngoại xâm, đã gây tổn thất không ngờ cho đại quân xâm lược với sức mạnh vượt
trội so với quân ta. Đặc biệt, có nhiều trận đánh tự phát của dân quân không nằm
trong dự kiến của triều đình cũng đã góp phần đẩy lui quân giặc.
Để nhìn lại chính sách quân sự của vua Trần Nhân Tông trong các cuộc kháng chiến
chống quân Nguyên - Mông, có thể điểm lại các mốc thời gian đã được sử sách ghi
chép như sau:
-
Tháng 8 năm 1282, có tin quân Nguyên chuẩn bị xâm lược.
- Tháng 10 năm 1282, vua Trần Nhân Tông tổ chức Hội nghị Bình Than.
- Tháng 7 năm 1283, quân Nguyên hội quân 50 vạn, chuẩn bị sang xâm lược nước ta.
- Tháng 10 năm 1283, vua thân hành điều quân thủy bộ tập trận, phong Hưng Đạo
Vương làm Quốc công Tiết chế, thống lãnh quân đội.
- Tháng 8 năm 1284, Hưng Đạo Vương bố trí quân đội phòng thủ những nơi hiểm yếu.
- Tháng 12 năm 1284, quân Nguyên viện cớ mượn đường đánh Chiêm Thành, bắt đầu
động binh sang nước ta. Vua cùng Thượng hoàng Thánh Tông triệu tập Hội nghị bô
lão ở điện Diên Hồng, đồng lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm.
- Ngày 26 tháng 12 năm 1984, quân Nguyên tấn công Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết
Lược, Chi Lăng. Quân ta rút về giữ Vạn Kiếp. Hưng Đạo Vương tiếp tục hội quân
tại đây.
- Mùng
6 tháng giêng năm 1285, Ô Mã Nhi tấn công vào Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quân ta
rút lui.
- Ngày 12 tháng Giêng năm 1285, quân Nguyên đánh tiếp đến Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông
Ngàn (thuộc tỉnh Bắc Ninh), quân ta rút tiếp. Vua sai Đỗ Khắc Chung đi sứ cầu
hòa để dò xét tình hình quân địch.
- Ngày 28 tháng giêng năm 1285, Hưng Đạo Vương bàn tính mang quân chặn đánh
Nguyên soái Toa Đô ở Nghệ An, lúc đó đang từ hướng Chiêm Thành đánh sang phía
Nam
nước ta, nhằm tạo thế gọng kềm với quân của Thoát Hoan để tiêu diệt quân ta.
- Tháng 4 năm 1285, quân ta giao chiến ở Hàm Tử Quan, quân Nguyên thua chạy.
- Mùng
3 tháng 5 năm 1285, vua và Thượng hoàng Thánh Tông đích thân chỉ huy đánh giặc ở
Trường Yên, thắng lớn.
- Mùng
7 có tin báo Toa Đô từ Thanh Hóa mang quân đến.
- Ngày mùng
10 lại có tin Thượng tướng Trần Quang Khải tấn công Chương Dương; Hoài Văn Hầu
Trần Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng em là Nguyễn Truyền tự động
mang dân binh các lộ chặn đánh giặc ở các xứ ven
kinh
thành. Quân giặc tan hàng, Thoát Hoan và Bình Chương A Lạt tháo chạy ra sông Lô.
- Ngày 17 tháng 5 năm 1285, Toa Đô và Ô Mã Nhi lại từ ngoài biển đánh vào sông
Thiên Mạc, dự tính hội quân ở Kinh sư để làm thế chi viện cho nhau. Quân binh
huyện Phù Ninh cố thủ, sau đó đẩy lùi được giặc.
- Ngày 20 tháng 5 năm 1285, vua và Thượng hoàng tiến quân đóng ở Đại Mang Bộ ven
sông Hồng, Tổng quản giặc Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Cùng ngày, quân ta
chặn đánh giặc ở Tây Kết, chém đầu nguyên soái Toa Đô. Ô Mã Nhi hoảng sợ nửa đêm
bỏ trốn qua cửa sông Thanh Hóa, vua và Thượng hoàng mang quân đuổi theo, bắt
được tàn binh của giặc hơn 50.000 tên. Ô Mã Nhi dùng thuyền vượt biển trốn
thoát.
- Hưng Đạo Vương tiếp tục đánh bại Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp. Lý Hằng dẫn
quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh. Quân ta dùng tên độc bắn chết Lý Hằng. Tỳ
tướng của giặc là Lý Quán thu gom được 50.000 tàn quân, giấu Thoát Hoan trong
ống đồng rồi chạy trốn về phương
Bắc.
Chạy đến Tư Minh thì bị quân của Hưng Vũ Vương đuổi kịp, dùng tên độc bắn chết
Lý Quán, quân Nguyên lại tan vỡ. Quân ta thu được thủ cấp Toa Đô dâng lên vua.
Vua cởi áo ngự phủ lên, sai người mang chôn cất.
- Ngày mùng
6 tháng 6 năm 1285, vua và Thượng hoàng trở lại Kinh sư, hát khúc khải hoàn, kết
thúc cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
- Tháng giêng năm 1286, vua ra lệnh cho thả tù binh quân Nguyên về nước.
- Tháng 3 năm 1286, vua Nguyên cho chuẩn bị quân lực, lệnh đóng 300 chiến thuyền
sẵn sàng cho việc tái xâm lược.
- Tháng 6 năm 1286, vua ban lệnh cho các vương hầu, tôn thất đều phải lo việc
chiêu mộ binh lính, chuẩn bị thuộc hạ. Vua cũng lệnh cho Hưng Đạo Vương điều
động tất cả quân binh, lo việc chế tạo vũ khí, thuyền bè. Đến tháng 10 thì cho
duyệt binh, diễn tập.
- Tháng 2 năm 1287, có tin quân Nguyên bắt đầu điều động binh lực chia ra nhiều
ngã để tấn công nước ta, chuẩn bị binh lương đến 70 vạn thạch do Trương Văn Hổ
dùng đường biển chuyển sang.
- Ngày 14 tháng 11 năm 1287, Trịnh Xiển tâu lên vua việc quân Nguyên bắt đầu xâm
phạm ải Phú Lương. Ngày 24, vua lệnh cho Cấm quân đóng giữ ải Lãnh kinh.
- Hưng Đức Hầu mang quân chặn đánh giặc, dùng tên độc bắn chết rất nhiều. Giặc
lui về ải Vũ Cao.
- Ngày 28 tháng 11 năm 1287, thủy quân đánh giặc ở vụng Đa Mỗ, giết chết rất
nhiều, bắt sống 40 tên, thu được thuyền giặc và khí giới.
- Ngày 26 tháng 12 năm 1287, quân ta thắng lớn một trận nữa.
- Ngày 30 tháng 12 năm 1287, thái
tử Thoát Hoan và Ô Mã Nhi dẫn 30 vạn quân đánh vào Vạn Kiếp, tiếp tục tiến về
hướng
Đông.
Trần Khánh Dư dùng mưu đợi giặc đi qua, chặn phía sau đánh vào đoàn thuyền quân
lương, thu được lương thực và khí giới của giặc rất nhiều. Vua sai thả những tên
giặc bị bắt ra để chúng chạy về báo tin. Quả nhiên, quân Nguyên biết lương thực
đã bị mất liền ra lệnh rút lui.
- Tháng
Giêng
năm 1288, Ô Mã Nhi quay lại đánh vào phủ Long Hưng. Ngày mùng
8 giao chiến ngoài biển Đại Bàng, ta bắt được 300 thuyền giặc, quân Nguyên chết
đuối rất nhiều.
- Ngày 29 tháng 2 năm 1288, Ô Mã Nhi đánh vào trại Yên Hưng.
- Ngày 8 tháng 3 năm 1288, quân Nguyên tụ hội về sông Bạch Đằng để đón thuyền
lương của Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Hưng Đạo Vương dùng chiến thuật đóng
cọc dưới lòng sông, đánh tan quân giặc, bắt được 400 thuyền giặc. Ô Mã Nhi và
Tích Lệ Cơ Ngọc đều bị bắt. Thoát Hoan và A Thai dẫn quân chạy trốn về Tư Minh,
bị thổ quan là Hoàng Nghệ bắt sống dâng lên vua.
- Ngày 27 tháng 3 năm 1288, vua và Thượng hoàng trở lại Kinh sư, kết thúc thành
công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lần thứ ba trong lịch sử đời Trần.
Quân địch một lần nữa bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.
Có thể thấy, việc giành chiến thắng trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên
- Mông, triều đình đều biết dựa vào toàn dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp mà
tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc. Để chuẩn bị cho chiến tranh, vua
Trần Nhân Tông đã có
ý thức rất sâu sắc về
“thế
trận lòng dân”,
đây là hạt nhân để làm nên chiến thắng. Trần Nhân Tông đã
tổ chức hội nghị Bình Than năm 1282, gồm hoàng
tộc và các tướng sĩ để bàn kế giữ nước. Đặc biệt,
năm 1285, Trần Nhân Tông đã tổ chức hội
nghị Diên Hồng, triệu tập các bô lão đại diện
cho thần dân khắp cả nước, để rồi từ điện Diên Hồng vang lên tinh
thần quyết chiến. Rõ ràng là mỗi
khi toàn thể nhân dân vào trận thì tạo nên sức
mạnh tổng hợp, không một thế lực nào có thể cản
trở được. Với cách nhận thức như vậy, chúng ta hôm
nay mới thấy được tầm nhìn chiến lược cao vời vợi của vua
Trần Nhân Tông trong việc huy động sức dân vào
hai cuộc chiến tranh giữ nước 1285 và 1288.
Chính vua Trần Nhân Tông, năm 1283, đã phong Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết
chế thống lĩnh thiên hạ chư quân. Và cũng chính nhà vua cùng Thái Thượng hoàng
và triều đình trên cương vị quản lý quốc gia đã lo chuẩn bị cho cả nước đánh
giặc, toàn dân đánh giặc, lo phát triển kinh tế, củng cố an ninh chính trị xã
hội, lo xây dựng lực lượng quân sự, tạo nên sức mạnh chiến thắng mà sau này Trần
Quốc Tuấn đã tổng kết là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung
sức”. Trong một số trường hợp cần thiết, để động viên quân sĩ và góp sức vào
cuộc chiến, nhà vua cũng trực tiếp cầm quân đánh giặc như tiếp ứng cho trận Vạn
Kiếp, chặn địch vượt sông Nhị, cùng Thượng hoàng đánh trận Trường Yên, Tây Kết
trong kháng chiến năm 1285, hay nhà vua cùng Thượng hoàng đem quân tiếp ứng cho
trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc,
Thượng hoàng Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông quả thật là những vị vua anh hùng.
Khi chiến tranh diễn ra, Trần Nhân Tông có mặt hầu như khắp mọi mặt trận để cùng
với các tướng lĩnh có những quyết sách tối ưu trước những tình thế hiểm nghèo,
nổi bật nhất là những quyết định lui quân hoặc phản công chiến lược. Trong cuộc
kháng chiến năm 1285, khi nghe tin Nội Bàng thất thủ, quân ta phải rút lui trong
thế bất lợi, Trần Nhân Tông bỏ ăn sáng, đi thuyền suốt ngày ra Hải Đông để gặp
Hưng Đạo Vương để bàn cách giải quyết. Việc quyết định lui quân ở Hải Đông sau
khi Nội Bàng thất thủ, việc rời bỏ Thăng Long, thực hiện chủ trương
“vườn
không nhà trống”...,
tất
cả đã nói lên sự sáng suốt của Trần Nhân Tông trong việc nắm bắt tình hình và
đánh giá tương quan lực lượng. Trong trận thủy chiến (14-2-1285) ở Bình Than,
các trận Trường Yên, Hàm Tử tiêu diệt đạo quân của Toa Đô, đặc biệt là trận
quyết chiến chiến lược Bạch Đằng (1288) chôn vùi ý chí xâm lược của Hốt Tất Liệt...,
Trần Nhân Tông chính là người vừa hoạch định kế sách lại vừa là vị chỉ huy đốc
binh ngoài mặt trận.
Vai trò tối
cao của Trần Nhân Tông còn thể
hiện trong chính sách dùng người. Việc Trần
Nhân Tông giao cho Hưng Đạo vương chỉ huy trực
tiếp toàn quân, hoặc trọng dụng các tướng lĩnh tài
năng dù họ có lỗi lầm trong quá
khứ như Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được giao làm Phó tướng, phụ
trách toàn bộ thủy quân; hoặc như Chiêu Văn
vương Trần Nhật Duật tuổi đời còn rất trẻ vẫn được cử trông
coi cả một vùng Tây Bắc rộng lớn. Phật hoàng Trần Nhân Tông dùng người là
căn cứ trên tài năng của họ. Nhờ có chính sách dùng người chính xác, Phật hoàng
Trần Nhân Tông đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp, đem lại cho đất nước sự yên
bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
3. Sách lược ngoại giao
Trong việc đối ngoại, vua Trần Nhân Tông ứng xử vừa khéo léo mềm
dẻo, vừa kiên quyết cứng rắn với nhà Nguyên.
Trần Nhân Tông lên ngôi trong bối cảnh
nền độc lập của Đại Việt bị đe dọa trầm trọng. Ở phương Bắc, năm 1279, nhà
Nguyên - Mông đã tiêu diệt triều đình Nam Tống, từ đó bắt đầu dòm ngó Đại Việt.
Ngay sau khi Nhân Tông đăng quang, hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt cử Thượng
thư Bộ Lễ là Sài Thung sang Đại Việt, lấy cớ Nhân Tông "không xin mệnh mà tự
lập" (nghĩa là tự xưng làm vua mà không chịu xin phép "thiên triều" nhà Nguyên)
để ép vua Trần sang triều kiến. Nhân Tông đã đối đãi tử tế với Sài Thung, nhưng
kiên quyết không đi trình diện vua Nguyên. Sài Thung đành phải đi tay không về
nước.
Sau đó, vì đại cuộc quốc gia, tránh sự gây hấn với quân Nguyên
là nước lớn thế mạnh, nên vua cử Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế đi sứ để làm dịu
bớt sự căng thẳng giữa hai nước. Tháng 12 năm
1279, Hốt Tất Liệt giam cầm Đình Toản ở thành Đại Đô, rồi ép Quốc Kế đi cùng một
phái bộ mới của Sài Thung tới Đại Việt với mục đích tương tự lần trước. Vua Trần
Nhân Tông vẫn không nhân nhượng, mặc dù Sài Thung đã dọa nạt rằng nếu vua Trần
không sang chầu, "thì hãy sửa sang thành trì của ngươi, để đợi sự phán xét".
Sau khi tiếp đón Sài Thung lần 3 vào năm 1280, thì năm sau 1281,
vua Trần Nhân Tông phái Trần Di Ái cùng Lê Mục, Lê Tuấn thay ông sang chầu vua
Nguyên, nhưng Hốt Tất Liệt vẫn quyết tâm xâm lược phương Nam. Nhà Nguyên cử một
số quan lại sang giám sát các châu huyện của Đại Việt, nhưng Nhân Tông đã kiên
quyết trục xuất những tên quan giám sát này về lại Trung Quốc. Không bỏ cuộc,
khoảng năm 1281, 1282, hoàng đế nhà Nguyên lập Trần Di Ái làm "An Nam Quốc
vương", Lê Mục làm "Hàn lâm học sĩ" và Lê Tuấn làm "Thượng thư", rồi lại sai Sài
Thung đem một nghìn quân hộ tống nhóm Di Ái về bản quốc. Vua Nhân Tông và Thái
Thượng hoàng Thánh Tông đã huy động lực lượng chặn đánh ở ải Nam Quan và bắt giữ
nhóm Di Ái, song vẫn nghênh đón Sài Thung về Thăng Long. Thất bại của việc lập
Di Ái làm vua bù nhìn Đại Việt đã khiến Sài Thung tức giận đến mức khi "vua
sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân [cách gọi khác của Sài Thung] nằm
khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp”.
Phải đến khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đóng giả
làm một Tăng sĩ Trung Hoa đi vào sứ quán, Thung mới chịu
ngồi dậy tiếp đón.
Khoảng tháng 9 đến tháng 11 năm 1282, nhà Nguyên một mặt cử
tướng Toa Đô từ Quảng Châu tấn công Chiêm Thành, mặt khác sai Trấn Nam vương
Thoát Hoan tập trung 50 vạn quân chuẩn bị "mượn đường đánh Chiêm" (mà thực chất
là xâm lược Đại Việt). Vào tháng 11, Vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than để
thảo luận với bá quan về phương án tổ chức kháng chiến. Hai tháng sau, Thượng
hoàng và nhà vua phong Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế, tức giao nhiệm vụ
tổng chỉ huy toàn quân Đại Việt, đồng thời “chọn các quân hiệu có tài chỉ
huy, chia đi nắm giữ các đơn vị”. Cùng với Quốc Tuấn, vua Trần Nhân Tông đã
trực tiếp chỉ đạo các hoạt động huấn luyện, diễn tập của lục quân và thủy quân.
Tháng 10 năm 1284, triều đình chia quân trấn giữ các địa bàn quan trọng trong cả
nước. Bên cạnh đó, Nhân Tông vẫn cử một số sứ giả mang lễ vật sang xin Thoát
Hoan “hoãn binh” trong năm 1284.
Tháng 4 Nhâm Ngọ (1282), trước âm mưu
và thái độ ngang ngược của giặc, vua Trần Nhân Tông không chịu nhân nhượng, cho
quân đón đánh Bốc Nhan Thiết Mộc Nhi ở biên giới, khiến chúng phải trốn chạy
hoặc trở về nước, Trần Di Ái bị bắt đem về trị tội.
Có thể thấy, trong nội bộ thì vua Trần Nhân Tông ráo riết thực
hiện các biện pháp trong nước nhằm an lòng dân, tạo sức mạnh đoàn kết từ dân
nhằm chống lại quân xâm lược, cón đối ngoại thì nhà vua thực hiện chiến lược
ngoại giao lúc cứng lúc mềm để xoa dịu giặc, nhằm tìm kiếm thêm thời gian để
củng cố sức mạnh đất nước. Điều này thể hiện sách lược ngoại giao vô cùng khôn
khéo và mềm dẻo linh hoạt của vua Trần Nhân Tông đối với quân Nguyên xâm lược.
4.
Sách lược ứng xử được thể hiện qua thơ văn
Đó là những bài thơ được vua Trần Nhân Tông viết ra lúc còn ở ngôi để tặng, tiễn
sứ giả nhà Nguyên Mông, hiện còn lại năm bài: Quỹ Trương Hiển Khanh xuân
bính; Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai; Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn; Họa
Kiều Nguyên Lãng vận; Tống Bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng.
Bài Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính (Tặng bánh ngày xuân cho Trương
Hiển Khanh):
Giá chi vũ bãi thí xuân sam,
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,
Tòng lai phong tục cựu An Nam.
(Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,
Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mùng ba tháng ba.
Bánh rau mùa xuân như ngọc hồng bày đầy mâm,
Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay).
Ngày cuối xuân trong tiết hàn thực mùng ba tháng ba,
sau khi thưởng thức các điệu múa cùng với sứ giả phương Bắc, nhà vua tặng bánh
trôi, bánh chay, bánh rau cho sứ giả và bảo rằng đây là phong tục riêng của nước
Nam. Lời thơ nói ít mà ý nhiều, thể hiện bản lĩnh vị hoàng đế nước Nam, cùng bộc
lộ niềm tự hào về bản sắc văn hóa, văn hiến phương Nam trước sứ thần phương Bắc.
Năm 1293, Hốt Tất Liệt nhà Nguyên lấy cớ vua Trần không sang chầu, chuẩn bị đem
quân xâm lược nước ta lần thứ tư, nhưng năm sau 1294, Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất
Liệt
-
Qu’bilai) mất, cháu là Thiết Mộc Nhi (Nguyên Thành Tông) lên nối ngôi, liền
xuống chiếu bãi binh. Nhà Nguyên cử Lý Trọng Tân và Tiêu Phương Nhai đi sứ sang
nước Đại Việt để tuyên bố tờ chiếu đó. Khi đoàn sứ giả ra về, Hoàng đế Trần Nhân
Tông viết bài thơ Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương
Nhai
để tiễn sứ giả về lại đất Bắc. Do
đây là bài thơ thù tạc, nên lời lẽ mang tính ngoại giao để “đẹp lòng nhau”,
nhưng ít nhiều cũng thể hiện niềm tự hào dân tộc, bên cạnh tình hòa hiếu lân
bang:
Khảm khảm Linh Trì noãn tiễn diên,
Xuân phong vô kế trụ quy tiên.
Bất tri lưỡng điểm thiều tinh phúc,
Kỷ dạ quang mang chiếu Việt thiên.
(Ao Linh Trì thăm thẳm, bữa tiệc tiễn đưa ấm áp,
Gió xuân không cách nào giữ lại ngọn roi trên đường về.
Chẳng hay phúc lành của hai ngôi sao sứ thần,
Còn vằng vặc soi trời Việt được mấy đêm nữa!).
Đặc biệt bài thơ Tống Bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng
(Tiễn sứ phương Bắc là Ma Hợp và Kiều Nguyên Lãng) được viết để tiễn đưa
sứ giả khi các vị về lại Trung Hoa, ở hai câu kết, vua Trần Nhân Tông có ý nhắc
nhở triều đình phương Bắc “đã nói thì hãy nhớ giữ lời”, bằng cách nhắc lại lời
nói “chuông vạc” trong tờ chiếu năm Trung Thống thứ 2 (1261):
Đỉnh ngữ nguyện ôn Trung Thống chiếu,
Miễn giao ưu quốc mỗi như đàm.
(Xin hãy ôn lại lời nói “chuông vạc” trong tờ chiếu năm Trung Thống,
Để tránh cho nhau khỏi mối phiền “lo nước” luôn luôn nung đốt trong lòng).
Trung Thống là niên hiệu của vua Hốt Tất Liệt (Qu’bilai) nhà Nguyên từ năm 1260
đến năm 1263. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư cho biết tháng 6 năm Trung Thống
thứ 2 (1261),
vua nhà Nguyên sai sứ mang thư sang nước ta, đại ý rằng: Các phong tục và quy
chế về mũ áo cho các quan lại, Đại Việt được theo lệ cũ của mình mà dùng. Trong
tờ thư, vua nhà Nguyên còn răn bảo các viên tướng ở Vân Nam không được đem binh
đến lấn cướp vùng biên giới và quấy nhiễu nhân dân ta. Trong bài thơ tặng tiễn
trên, đức vua Trần Nhân Tông đã nói lại nội dung tờ chiếu đó cho sứ thần với ý
nhắc nhở các vị sứ thần phương Bắc hãy nhớ giữ lời. Đặc biệt, lời thơ còn nhắc
đến chuyện “đỉnh ngữ” (lời nói ghi trên cái vạc lớn), mà theo truyền thuyết thời
cổ đại Trung Hoa, vua Vũ nhà Hạ đã lấy kim loại chín châu đúc thành chín cái vạc
lớn. Về sau, đỉnh trở thành vật biểu tượng cho văn hóa của quốc gia phong kiến.
Lời nói được khắc ghi trên đỉnh vạc là lời hệ trọng của quốc gia, đáng được tôn
trọng và cần phải tuân theo.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là, về mặt tư tưởng và văn hóa, đỉnh vạc của Việt Nam
có khác với đỉnh vạc của Trung Quốc. Chính người Trung Quốc từ xa xưa có nói:
“Chu chi đỉnh, Thần khí dã; Việt chi đỉnh, Phật khí dã. Ô! Thần dị biến, Phật
thường lạc” (Đỉnh vạc nhà Chu là đồ của Thần; đỉnh vạc của người Việt là đồ
của Phật. Than ôi! Thần dễ đổi thay, Phật thường vui vẻ). Cho nên, trong câu thơ
trên, bên cạnh nhắc khéo các sứ giả phương Bắc hãy nhớ giữ lời giao ước, nhà vua
nước Đại Việt còn ngầm ý tự hào về văn hóa văn hiến của dân tộc ta, mà đỉnh vạc
Việt Nam là biểu tượng, là một trong “An Nam tứ đại khí” của thời Lý - Trần mà
sử sách Trung Hoa đã ghi chép và tán dương, đó là:
tháp
Báo Thiên ở Thăng Long;
tượng
Phật chùa Quỳnh Lâm ở Yên Tử, Quảng Ninh;
chuông
Quy điền ở Thăng Long;
đỉnh
vạc chùa Phổ Minh ở Nam Định.
Về Thư từ ngoại giao, trong tình hình tư liệu hiện nay, có thể nói văn thư ngoại
giao hiện còn lại tương đối nhiều trong thư tịch đời Trần, nhất là thời Thịnh
Trần. Đây là những bức thư của các vua nhà Trần gửi
đến các vua nhà Nguyên trong thế kỷ XIII, mà nhiều nhất là của Trần Thánh Tông
và Trần Nhân Tông. Qua những bức thư này, người đời sau mới thấy rõ tư tưởng
cùng sách lược của
tổ
tiên ta ngày trước đối với nước lớn thật mềm dẻo linh hoạt và uyển chuyển, khéo
léo nhưng cũng rất kiên quyết cứng cỏi, thể hiện rõ lập trường cùng ý chí độc
lập, tự chủ của dân tộc.
Những văn thư ngoại giao này hiện trong sử sách của nước nhà không được ghi chép
đầy đủ, mà chúng được bảo tồn trong sử của Trung Quốc, cụ thể là trong bộ sử của
nhà Nguyên, phần chép về nước ta trong Nguyên sử mục An Nam truyện.
Về thể loại này, chỉ tính riêng dưới triều vua Trần Nhân Tông thì
ngài
đã viết đến 22 bức thư gửi
đến triều đình nhà Nguyên.
Xin được nêu ra đây một vài dẫn chứng lấy từ văn thư ngoại giao trên để thấy rõ
hơn tư tưởng và sách lược của triều đình nhà Trần đối với đế quốc Nguyên Mông.
Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Dần (tức
ngày
8 tháng 11 năm 1278),
Trần Nhân Tông vừa lên ngôi thì khoảng hai tháng sau, tức tháng 11 nhuận, vua
nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt “mượn cớ vua không xin mệnh mà tự lập, dựng lời bảo
vua khiến vào chầu”
nên chỉ đạo Thượng thư bộ Lễ là Sài Thung (Sài Trang Khanh) dẫn đoàn sứ bộ theo
đường Giang Lăng đến Ung Châu, Quảng Tây để vào nước ta. Trước đó, đoàn sứ bộ
nước ta do Lê Khắc Phục, Trịnh Đình Toản, Đỗ Quốc Kế sang báo tin vua lên ngôi,
nhà Nguyên đã cho Khắc Phục và Quốc Kế về, còn Trịnh Đình Toản thì bị họ giữ
lại, vài tháng sau mới cho về. Khi nghe tin này, Trần Nhân Tông đã gửi
thư phản đối, yêu cầu đoàn sứ bộ nhà Nguyên phải đi theo con đường cũ mà họ
thường đi là con đường Thiện Xiển, Vân Nam với lời lẽ ôn tồn, nhún nhường mà
kiên quyết. Sự kiện này trong An Nam truyện của Nguyên sử, 209 tờ
4a4-5 ghi lại như sau: “Nay nghe Quốc công khó nhọc đến tệ quốc, dân biên
giới không ai là không kinh hãi, không biết sứ người nước nào mà đến ở đây. Xin
đem quân về đường cũ để mà đến”.
Đây có thể là bức thư ngoại giao đầu tiên của Trần Nhân Tông viết cho vua Hốt
Tất Liệt và đoàn sứ bộ nhà Nguyên. Sài Thung đã không đáp ứng yêu cầu này mà còn
gửi
thư đòi triều đình ta phải đón hắn từ biên giới xa: “Thượng thư bộ Lễ và các
quan vâng lệnh trên cùng bọn Lê Khắc Phục của bản quốc do Giang Lăng đến Ung
Châu để vào An Nam. Nếu có quân binh dẫn đường hộ tống thì nên theo ngựa trạm
đến đầu biên giới xa đón”.
Cũng theo An Nam truyện của Nguyên sử thì vua Trần Nhân Tông đã
sai Ngự sử trung tán kiêm Tri
thẩm
hình viện sự là Đỗ Quốc Kế đến trước, rồi sai Thái úy Thượng tướng Trần Quang
Khải đem một số quan lại đón chúng từ bờ sông Hồng đưa vào dịch quán. Đến ngày
mùng 2 tháng Chạp năm Mậu Dần (1278), vua Trần Nhân Tông đến dịch quán thăm bọn
Sài Thung. Ngày mùng 4 vua nhận chiếu. Lúc này Sài Thung mới đọc lại lời chiếu
của Hốt Tất Liệt: “Nước ngươi nội phụ đã hơn 20 năm. Sáu việc vừa rồi còn
chưa thấy theo. Ngươi nếu không đến chầu thì hãy sửa thành trì của ngươi, chỉnh
đốn quân đội ngươi để đợi quân ta (…).
Cha ngươi đã nhận lệnh ta làm vua. Ngươi không xin lệnh mà tự lập, nay lại không
chầu. Ngày sau triều đình gia tội thì lấy gì mà trốn?”.
Trước những lời lẽ xấc xược, ngạo mạn đó của sứ giặc, mà trong bài hịch Trần
Quốc Tuấn có lên án bọn chúng “uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem
thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”, nhưng vua Trần Nhân Tông không hề nao núng
và không bị khuất phục. Nhà vua đã theo lệ cũ mà đãi yến bọn Sài Thung ở hành
lang. Hắn không chịu ngồi dự tiệc, bỏ về dịch quán. Nhà vua sai Phạm Minh Tự đem
thư mời dự yến tại điện Tập Hiền thì hắn mới chịu đến dự. Trong buổi tiệc, hắn
nhắc lại việc vua nhà Nguyên buộc vua nhà Trần sang chầu, nhà vua thoái thác
không sang, lấy cớ không biết cưỡi ngựa, không quen thủy thổ, sợ chết dọc đường.
Đến khi bọn Sài Thung về, vua Trần Nhân Tông đã sai Phạm Minh Tự, Trịnh Đình
Toản, Đỗ Quốc Kế đem thư cùng cống vật biếu nhà Nguyên, và từ chối việc sang
chầu với lời lẽ nhún nhường. Bức thư viết: “Cô thần bẩm khí yếu đuối. Vả lại
đường xá khó khăn, chỉ luống phơi xương trắng làm cho bệ hạ phải xót thương mà
không ích lợi gì cho triều đình trong muôn một. Cúi mong bệ hạ xót thương tiểu
quốc xa xôi, khiến cho thần cùng những kẻ quan quả cô độc giữ được tính mạng, để
suốt đời phụng sự bệ hạ. Đó là điều may lớn cho cô thần và cũng là phước lớn cho
sinh linh”.
Và dĩ nhiên, việc vua nhà Trần từ chối không sang chầu đã làm cho vua Nguyên
Mông tức giận, sai bọn Sài Thung gồm 4 người sang nước ta đưa thư nêu điều kiện
và đe dọa. Chúng cùng đi với đoàn sứ bộ nước ta, Trịnh Đình Toản bị giữ lại ở
Đại Đô, còn Đỗ Quốc Kế và Phạm Minh Tự thì được cho về. Bức thư của bọn giặc như
sau: “Nếu quả không thể đến chầu được thì hãy dồn vàng thay cho thân mình,
dùng hai ngọc trai thay cho mắt mình cùng với hiền sĩ, phương kỹ tử đệ hai người
và hai loại thợ mỗi thứ hai người để thay cho thổ dân. Nếu không thế, thì hãy
sửa sang thành trì của ngươi, để đợi sự phán xét”.
Và còn nhiều văn thư ngoại giao khác nữa, mà vài bức thư trên chỉ là tiêu biểu.
Đứng trước những nguy cơ dẫn đến chiến tranh tất yếu sẽ nổ ra, vua Trần Nhân
Tông đã khẩn trương tiến hành một loạt biện pháp nhằm nâng cao tiềm lực về mọi
phương diện của đất nước; đối với bọn Nguyên - Mông thì cố gắng nhún nhường hòa
hoãn kéo dài để ta có thêm thời gian mà chuẩn bị đối đầu với chúng. Nhờ thế mà
trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần 2 (1285) quân và dân ta đã đại thắng hoàn
toàn. Và lần 3 (1287-1288) cũng vậy. Có được chiến thắng vang dội ấy là nhờ nhà
vua có những quyết sách đúng đắn, biết dựa vào dân để phát động chiến tranh nhân
dân, cũng là để tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc, làm nên sức mạnh tổng hợp để
chiến thắng kẻ thù xâm lược.
***
Tóm lại, trong ba thập kỷ trị vì đất nước, qua cuộc đời và các trước tác để lại,
có thể nói Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc nội
trị và ngoại giao. Nếu việc nội trị, Ngài đã áp dụng những
chính sách như khoan thư sức dân; tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân; thực hành
thập thiện,
xóa
bỏ mê tín dị đoan, thì ở lĩnh vực ngoại giao,
ngài
đã linh hoạt, mềm dẻo nhưng rất kiên quyết với đế chế Nguyên - Mông, biết tập
hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân để tiến hành các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ
đại, chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh và hung hãn nhất thế giới lúc bấy
giờ. Sử sách đã khẳng định
ngài
là vị
hoàng
đế anh minh, sáng giá, lỗi lạc nhất trong lịch sử quốc gia dân tộc Việt Nam thời
phong kiến.
Việc nghiên cứu những sách lược của hoàng đế Trần Nhân Tông đối với phong kiến
Nguyên - Mông,
Trung Quốc như đã trình bày, cũng là một trong những cách để chúng ta hôm nay
“học cũ biết mới” (ôn cố tri tân). Những gì được trình bày có thể giúp cho
các thế hệ
cháu con rút ra nhiều bài học trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước trong thời
đại hội nhập như hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Tam Tổ thực lục, bản chữ Hán, A.786.
2. Ngô Thì Nhậm, Tam Tổ hành trạng trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên
thanh, bản chữ Hán, A.460.
3. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, NXB.TP.
Hồ Chí Minh, tái bản, 1992.
4. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, 2006.
5. Ngô Sĩ Liên và Quốc Sử quán triều Lê, Viện Sử học dịch, Đại Việt sử ký
toàn thư. Kỷ nhà Trần. HN:
NXB.KHXH,
tái bản, 1998.
6. Nhiều tác giả, Thiền học đời Trần, Viện
Nghiên
cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995.
7. Nguyễn Công Lý, Bản sắc dân tộc trong văn học Thiền tông thời Lý - Trần,
NXB.Văn
hóa - Thông tin, HN, 1997.
8. Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm,
NXB.ĐHQG
TP.HCM, 2002; tái bản lần 5 có bổ sung tư liệu mới, 2016.
9. Nguyễn Công Lý, Văn học Việt Nam thời Lý - Trần: những vấn đề về khuynh
hướng cảm hứng, thể loại, tác gia tiêu biểu, NXB.ĐHQG
TP.HCM, 2018.
10. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, NXB.Văn
Học,
HN, tái bản, 1994.
11. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch Viện Sử học,
tập 1, mục Nhân vật chí; tập 4, mục Văn tịch chí, NXB.Sử
Học,
HN, 1961.
12. Thích Thanh Từ, Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải,
thiền
viện Thường Chiếu ấn hành, PL 2541, DL 1997.
13. Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB.KHXH,
HN, 1988.
Trong bài Xuân nhật yết Chiêu Lăng,
Trần Nhân Tông có viết: Bạch đầu quân sĩ tại/
Vãng
vãng thuyết Nguyên Phong.
Nguyên Phong là niên hiệu lần thứ ba (từ 1251 đến 1258) của vua Trần
Thái Tông (trị vì 1225-1258), mà năm 1258 là cái mốc quân dân Đại Việt
đã đánh bại cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà
Nguyên.
Ngô Sĩ Liên và Quốc Sử quán triều Lê, Viện Sử học dịch 1998: Đại Việt
sử ký toàn thư. Kỷ nhà Trần. HN: NXB.KHXH,
tái bản,
tr.143.