So sánh, luận giải hai bài kệ thiền: nguyên tác của Bố Đại Hòa thượng và dị bản phóng tác
so sanh
So
sánh, luận giải hai bài kệ thiền:
nguyên
tác của Bố Đại Hòa thượng và dị bản phóng tác
Nguyễn Thanh Huy
Tóm tắt
Trong lịch
sử văn học, kế thừa và phóng tác lại một tác phẩm là hiện tượng phổ biến. Tác
phẩm phóng tác phải xuất phát từ những mục đích tích cực với mong muốn tạo ra một
sáng tạo phù hợp trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Điều đặc biệt là, nhiều khi một
tác phẩm phóng tác có thể sánh ngang, thậm chí vượt xa giá trị của nguyên tác,
như Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa
với Tam quốc chí, hay Đoạn trường tân thanh với Kim Vân Kiều truyện. Tuy nhiên, đối với
kệ thiền, phóng tác có lẽ rất hiếm, vì đặc trưng của kệ là truyền lại những yếu
chí của từng pháp môn. Do vậy, từ một bài kệ của Bố Đại Hòa thượng, rồi được phóng
tác thành một dị bản là câu chuyện hy hữu.
Bài viết
này dựa trên cơ sở ngữ nghĩa chữ Hán và một số
giáo lý nhà Phật để đối chiếu, phân tích, lý giải sự khác nhau, cái hay cái đẹp
giữa hai bài kệ. Theo đó, làm rõ các thủ pháp nghệ thuật, phương thức biểu
đạt, ngôn từ; đặc biệt, những quan điểm cốt yếu của pháp môn và trường phái Phật
giáo trong hai tác phẩm này.
Từ khóa:
Phật
giáo, khoa học, chấp trước, phiền não, tâm linh.
I. Mở đầu
Trong kinh
Đức Phật dạy, Sa-môn phải rời bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình, dùng
ba y một bát, đi khất thực và chỉ thọ dụng thức ăn một bữa trước ngọ… Nếp sống
này được truyền thừa từ thời Đức Phật cho đến hôm nay. Hình ảnh những vị khất
sĩ khiến ta nhớ về một đời sống phạm hạnh, một
lối sống thiểu dục tri túc,
trong sạch, thanh tịnh và minh triết. Họ cũng khiến ta nhớ về bóng dáng Tăng
đoàn của Đức Phật một thời du hóa muôn nơi.
Có thể nói
cái đẹp của người tu sĩ không gì hơn ở chính đời sống thực hành của họ. Chỉ có
thực hành họ mới cảm nghiệm được cuộc sống, chỉ có thực hành mới đoạn diệt được
tham, sân, si; chỉ có thực hành mới làm nên giới hạnh. Bởi thế, người tu được gọi
“hành giả” là vậy. Và nét đẹp ấy được tái hiện qua bài kệ -
ghi trong Cảnh Đức truyền đăng lục -
của Bố Đại Hòa thượng, một Đại sư sống vào triều Lương thời Ngũ Đại.
II. Nội dung
1. Vài nét về Bố Đại
Hòa thượng
Bố Đại
Hòa thượng (布袋和尚), tự xưng là Khế Thử (契 此), người ở Phụng Hóa Minh Châu. Người ta không
rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông là một thiền sư, sống vào triều Lương thời
Ngũ Đại (Trung Hoa), khoảng thế kỷ X.
Tương truyền,
cuộc đời ông gắn với nhiều giai thoại rất hay và kỳ lạ. Ông có dáng người lùn,
mập, nói năng tự nhiên, ăn ngủ tùy nghi, thoải mái bất cứ chỗ nào. Ông thường
mang trên vai một cái túi vải bố, có nhiều phép màu và hay có những hành động lạ
lùng. Nhưng ông lại được bá tánh yêu quý, kính phục; vì vui vẻ, gần gũi, có tài
tiên tri, biết trước thời tiết mưa nắng.
Đặc biệt,
trước lúc viên tịch, ông mới tiết lộ rằng mình chính là một hóa thân của Di Lặc
- vị Phật xuất hiện ở tương lai để nhận y bát từ Ca Diếp - được nhắc tới trong kinh điển.
Người đời
sau lấy hình tướng của Bố Đại Hòa thượng (mập tròn vui vẻ, mang túi gạo, có trẻ
con vây quanh) làm hình tượng Bồ-tát Di Lặc. Ở Việt Nam, vì ảnh hưởng Phật giáo
Đại thừa Trung Hoa nên người ta cũng thờ phụng hình tượng này.
2. Về bài kệ nguyên
tác
Hán
văn:
|
Phiên
âm:
|
一 鉢 千 家 飯,
孤 身 萬 里 遊。
青 目 覩人 少,
問 路 白 雲 頭。
|
Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
Thanh mục đổ nhân thiểu,
Vấn lộ bạch vân đầu.
|
Dịch
thơ:
|
Dịch
nghĩa:
|
Một bát
cơm ngàn nhà,
Một thân
vạn dặm xa.
Mắt xanh
vài người thấy,
Hỏi đường
mây trắng qua.
|
Một bát
cơm đi xin ngàn nhà,
Một
thân cô độc đi vạn dặm xa.
Mắt
xanh, chỉ vài người nhìn thấy,
Hỏi đường
đi, mây trắng bay trên đầu.
|
Bài thơ được viết theo thể
Ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật. Do vậy, bài viết sẽ tiếp cận dựa trên cấu trúc
khai - thừa - triển - hợp. Tuy nhiên, hai câu đầu là một phép đối, nên ở đây sẽ
phân tích chúng đồng thời trong mối tương quan. Ngoài ra, còn chú ý trên mạch cảm
xúc, ý tứ, và chỉnh thể nội dung mà tác giả đã chuyển tải.
3. Hành trạng, phong
thái vị khất sĩ trong nguyên tác
Hai câu đầu
“Nhất bát thiên gia phạn, Cô thân vạn lý
du/ 一 鉢 千 家 飯, 孤 身 萬 里 遊” tả thực hành trạng của
một nhà sư khất sĩ. Trên tay với một bình bát khất thực, du hóa gieo duyên khắp
muôn nơi. Hình ảnh “cô thân/孤身” vân du “vạn lý/萬里”
gợi lên những bước chân thầm lặng, người tu độc hành truy cầu chân lý giải
thoát; người tu không màng đến những danh lợi thế gian, không cần những lời
xưng tôn, tán thán. Người cứ lặng lẽ đi giữa nhân gian mà như đã ly trần xuất
thế. Đi để chứng nghiệm khổ, để kham nhẫn, để tìm ra nguyên nhân khổ, và dần chế
ngự tâm, cho đến khi khổ tự chấm dứt. Đó là con đường gian truân nhưng cũng là
cách khả dĩ nhất để ly dục ly ác pháp.
Cách sử dụng
phép đối ở hai câu thơ này thật đặc sắc. Đối ngay trong cấu trúc tiểu đối của từng
câu “nhất bát/一鉢” >< “thiên gia/千家”, “cô
thân/孤身”
>< “vạn lý/萬里”; đồng thời đối chỉnh giữa hai câu - một
và hai: “Nhất bát thiên gia phạn/ 一鉢千家飯” >< “Cô thân vạn lý du/ 孤身萬 里遊”.
Thủ pháp này càng khiến tô đậm thêm dấu chân của hành giả trên bước đường tu,
thật nhỏ bé mà lớn lao, lặng thầm mà hùng tâm, đơn độc mà tráng trí.
Hình ảnh lẻ
loi thầm lặng ấy, thêm một lần nữa, được khẳng định qua câu thơ thứ ba “Thanh mục đổ nhân thiểu/青目覩人少” (Mắt xanh vài người thấy). Rõ ràng,
hành giả vân du không phải là chuyện quan tâm của người đời. Mỗi người đến thế
gian này có một sứ mệnh, và mỗi người phải cố gắng hoàn thành sứ mệnh ấy một
cách tốt nhất. Hành giả cứ bước đi, cứ khất thực trăm nhà, vạn nhà nơi trần thế,
người đời cứ lo toan cho cuộc sống của riêng mình. Đạo và đời vừa độc lập vừa
song hành. Vậy nên, có gì lạ đâu khi chỉ vài ánh mắt dõi theo bước chân, hành
trạng của nhà sư. Khi nói ra điều này, không phải nhà sư mưu cầu sự chú ý, quan
tâm của thế nhân, và cũng không phải lời bộc bạch tâm tư về sự lạc lõng, trống
trải của nội tâm; mà đó là tái hiện hiện thực và nêu bật lên tâm thái vững vàng
trước hoàn cảnh, trực diện trước khó khăn mà bất cứ phận khất sĩ nào cũng phải
trải qua.
Ý nguyện,
tâm thái của hành giả được làm sáng rõ hơn ở câu thơ tiếp theo (câu cuối) - “Vấn lộ bạch vân đầu/問路白雲頭”
(Hỏi đường, mây trắng trên đầu). Đó là một tâm thái vô ưu, an nhiên, tự tại; nó
khơi nguồn từ nội tâm hỷ lạc mà qua quá trình tu tập hành giả đã sở đắc. Người
khất sĩ phải dãi dầu mưa nắng với đầu trần chân đất, nếu tâm không trụ, ý không
an thì làm sao có thể tiếp bước trên con đường vạn dặm đầy thử thách này. Không
chỉ có thế, câu thơ này còn khiến cho người đọc đi đến nhiều trường liên tưởng
khác. Ở đó không chỉ là cảnh cơ cực kham nhẫn mà là một không gian rất thơ, rất
lãng mạn. Hình ảnh “bạch vân/白雲” (mây trắng) khiến lòng người nhẹ nhõm,
khiến ánh mắt đưa theo từng khoảnh khắc vân du, lúc tụ lúc tán, lúc ly lúc hợp.
Thật là nhiều cảm xúc! Rõ ràng, mây che trên đầu đâu phải để tắt nắng, mà mây
che trên đầu sẽ khiến con người ta bớt nhọc nhằn và cảm thấy thiên nhiên đẹp biết
bao!
Viết như
câu thơ cuối, phải nói rằng siêu việt, tuyệt bút! Và chính nó đã khiến cho cả
bài thơ như bừng sáng lên giữa khoảng trời quang đãng mênh mông, vô tận.
Từ bài kệ
này người đời sau đã mượn ý, phóng tác thành một dị bản
khác để nói lên chí nguyện giải thoát và hành trình tu tập đầy nhọc nhằn, gian
khó của một hành giả.
Đối với dị
bản này, ở Việt Nam, thường được nhắc tới và gắn nó với Tổ sư Minh Đăng Quang. Hơn
thế, người ta còn nhầm tưởng ông chính là tác giả của dị bản phóng tác. Có lẽ
do cuộc đời tu hành hạnh khất sĩ của ông rất giống với hình ảnh vị khất sĩ
trong bài kệ, và chính ông thường hay dùng nó trong khoảng thời gian du hóa hoằng
pháp, cũng như đã chép lại trong một tác phẩm Phật học của mình. Mặt khác, đây
là những văn bản cổ và có xuất xứ ở Trung Hoa nên về phần nguồn gốc dễ bị mai một
khi được lưu truyền ở Việt Nam. Hiện tượng này cũng không hiếm trong lịch sử
nghiên cứu văn bản học ở các nước.
4. Về bài kệ dị bản thời
nhà Thanh
Ở đây tác
giả (khuyết danh) vẫn giữ nguyên hai câu đầu bài kệ (của Bố Đại Hòa thượng) và
sáng tạo mới hoàn toàn - đối với hai câu thơ cuối. Bài kệ như sau:
Hán
văn:
|
Phiên
âm:
|
一 鉢 千 家 飯,
孤 身 萬 里 遊。
欲 窮 生 死 路,
乞 化 度 春 秋。
|
Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
Dục cùng sinh tử lộ,
Khất hóa độ xuân thu.
|
Dịch
thơ:
|
Dịch
nghĩa:
|
Một bát
cơm ngàn nhà,
Một thân
vạn dặm xa.
Muốn tận
đường sinh tử,
Hóa độ mấy
xuân qua.
|
Một bát
cơm đi xin ngàn nhà,
Một
thân cô độc đi vạn dặm xa,
Muốn đến
tận cùng đường sinh tử.
Hóa độ
đã được mấy xuân qua.
|
5. Chí nguyện giải
thoát của bậc hành giả trong bài kệ dị bản
Như vậy,
xét về nghĩa, hai câu đầu (tả thực hành trạng của một nhà sư khất sĩ) trong tình
huống này không cần phải luận giải gì thêm (đã nói ở trước). Ở đây chúng ta sẽ
tiếp tục bàn luận hai câu còn lại trong dị bản này.
Nếu như
tinh thần chủ đạo trong câu ba của bài thơ gốc là sự tái hiện hiện thực về hình
ảnh lẻ loi thầm lặng của vị hành giả trên bước đường tu, thì ở câu ba này - “Dục cùng sinh tử lộ/欲 窮 生 死 路” - lại là một lời bộc lộ cảm xúc. Ở đây
người hành giả đã nói rõ chí nguyện, lòng quyết tâm đến tận cùng trên con đường
tu tập với mục tiêu tối hậu - vượt qua con đường sinh tử luân hồi để đến được bờ
giải thoát. Trong cách dùng chữ “dục cùng/欲窮” (muốn đến cùng) và “sinh tử lộ/生死路” (đường sinh tử) đã gợi lên cho người đọc
hình ảnh một thiền sư đầy cương nghị, một thái độ thật dứt khoát. Rõ ràng, ở
ông, không còn một chút bận tâm với đời sống thế tục, tất cả đã xả ly; và lựa
chọn con đường này là duy nhất, mục đích này là không lay chuyển. Đó chính là
con đường cao cả của những bậc đại dũng. Một cái dũng không phô trương, không
hùng hồn, mà ẩn tảng sâu thẳm bên trong một tâm thái tự tại, an nhiên, vô uý.
Cũng cần
minh xác rằng “Dục cùng sinh tử lộ/欲 窮 生 死 路” - muốn đi đến cùng con đường sinh tử,
nghĩa là gì?
Có thể thấy
ở đây người hành giả muốn thoát khỏi 6 nẻo luân hồi, đạt đến trạng thái vô sinh
bất diệt, tức đắc quả vị cao nhất - Thánh quả A-la-hán.
Theo kinh
tạng Pāli của Phật giáo Nguyên thủy, trên con đường tu tập có Tứ Thánh quả mà
hành giả có thể chứng đắc được, và khi ấy sẽ ở địa vị của bậc Thánh, tức đã vượt
qua sự tầm thường của con người.
Quả vị của
các bậc Thánh dựa trên mức độ tu tập, tăng trưởng giới hạnh, trí tuệ trong quá
trình đoạn trừ các kiết sử (samyojana).
Các kiết sử được phân thành hai nhóm: Ngũ hạ phần kiết sử (orambhāgiya-samyojana: thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân)
và Ngũ thượng phần kiết sử (uddhambhāgiya-samyojana:
hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh). Theo đó, hành giả, trong tu tập,
hành trì Tam vô lậu học (giới, định, tuệ) sẽ dần phá trừ từng phần các kiết sử
và chứng đắc ở các quả vị tương ứng.
Thứ lớp của Tứ Thánh quả như sau:
1. Thánh quả Dự lưu -
Tu-đà-hoàn (Sotāpanna)
Là bậc Thánh
đầu tiên trong bốn Thánh quả, còn gọi là Thất lai. Đắc quả này là mở được pháp
nhãn, tức nhìn thấy vạn vật có sinh ắt có diệt (vô thường). Khi ấy vị Thánh này
đã đoạn trừ ba kiết sử đầu là: thân kiến (sakkāyadiṭṭhi),
nghi (vicikicchā), và giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa).
Kinh Tăng chi bộ mô tả vị hành giả dần dần đoạn
trừ các kiết sử trong hành trì Tam vô lâu học như
sau:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các
giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ,
hành trì một phần; vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt, nhỏ nhiệm nào, vị ấy được
xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng
làm cho vị ấy không có khả năng [xứng đáng]. Phàm có những học pháp nào là căn
bản phạm hạnh, tương xứng phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới
ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là
bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến chánh giác”. [1,
tr.210]
2. Thánh quả Nhất lai -
Tư-đà-hàm (Sakadāgāmi)
Là quả vị Thánh
thứ hai trong Tứ Thánh quả. Đạt quả vị này cũng đoạn trừ được ba kiết sử như quả
Thất lai, đồng thời đã muội lược được hai kiết sử tiếp theo - dục (kāmacchando) và sân (byāpāda). Bậc Thánh này sẽ còn luân hồi
một lần nữa và tu tiếp sẽ đắc quả A-la-hán.
Kinh Tăng chi bộ ghi:
“Ở đây, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần; đối với định, hành
trì toàn phần; đối với tuệ, hành trì một phần; vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt,
nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp
nào là căn bản phạm hạnh, tương xứng phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy,
kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận
ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, chỉ trở về thế giới
này một lần, rồi đoạn tận khổ đau”. [1, tr.210]
3. Thánh quả Bất lai -
A-na-hàm (Anāgami)
Là Thánh
quả thứ ba, khi ấy vị Thánh đã đoạn trừ hoàn toàn năm hạ phần kiết sử (orambhagiya saṃyojana). Khi thân hoại mạng
chung sẽ được tái sinh cõi Phạm thiên, và không bao giờ tái sinh lại một lần
nào nữa.
Kinh Tăng chi bộ viết như sau:
“Ở đây, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần; đối với định, hành
trì toàn phần; đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt,
nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo…
chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử,
được hóa sanh, tại đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lui đời này nữa”.
[1, tr.211]
4. Thánh quả A-la-hán
(Arahant)
Là Thánh
quả cuối cùng, khi vị Thánh đã đoạn diệt thêm Ngũ thượng phần kiết sử (hữu ái,
vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh). Khi ấy đạo đức đã thành viên mãn, không thể
tìm thấy bất cứ lỗi lầm nào.
Với Tam vô
lậu học, vị A-la-hán đã hành trì đầy đủ về giới, trọn vẹn định và toàn phần về tuệ.
Kinh tạng
định nghĩa một vị A-la-hán như sau: “Thông
qua sự đoạn tận tất cả các lậu hoặc (āsavakkhaya), vị ấy đã đạt đến trạng thái
của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đắc lậu tận, tự mình hiểu và nhận ra”.
[4, tr.145]
Kinh Trung bộ ghi: “Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo các lậu hoặc đã đoạn tận, tu hành thành
mãn, những việc phải làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt mục đích,
đã đoạn trừ hữu kiết sử và đã được giải thoát nhờ chánh tri”. [2, tr.869]
Kinh Tăng chi bộ ghi rõ hơn:
“Ở đây, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần; đối với định, hành
trì toàn phần; đối với tuệ, hành trì toàn phần; vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ
nhặt; nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp
nào là căn bản phạm hạnh, là tương xứng phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy,
kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy do đoạn tận
các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt
và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát”. [1, tr.211]
Như vậy, ở
câu thơ thứ ba, vị hành giả cho thấy rõ chí nguyện, lòng quyết tâm đến tận cùng
để chứng đắc quả vị A-la-hán.
Đó là Thánh quả duy nhất có thể mang lại sự giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi,
đoạn tận mọi khổ đau trong kiếp nhân sinh.
Câu thơ cuối,
“Khất hóa độ xuân thu/乞 化 度 春 秋” là lời tự sự về hành trình khất thực
du hóa. Ở đây có sự khác biệt hoàn toàn với câu thơ nguyên tác - “Vấn lộ bạch vân đầu/問 路 白 雲 頭”.
Nếu như
câu thơ gốc trọng vào phương thức tái hiện không gian, để đặc tả thiên nhiên đẹp
nên thơ bởi hình ảnh mây trắng bay; thì câu thơ này lại sử dụng phương thức tự
sự (kể/trình bày) để trần thuật thời gian, đó là những tháng năm kham nhẫn mà
hành giả phải kinh qua để chứng nghiệm khổ trên bước đường tu.
Nếu như
trong câu thơ gốc cho thấy một tâm thái an nhiên, tự tại; thì ở câu thơ này biểu
hiện một tâm trạng khác, nhẫn mà không lụy, trầm mà vô uý. Tất thảy hiện lên một
phong thái bất phàm bởi tấm lòng cao thượng và lập trường kiên định.
Đặc biệt,
câu thơ sử dụng một chuỗi động từ “khất -
hoá - độ/乞 - 化 - 度” với những thanh trắc xuất hiện liên tục
khiến tạo nên một cảm xúc mạnh, dồn dập đối với người đọc, đồng thời cũng gợi
ra việc thực hành của người khất sĩ không phải nhẹ nhàng, đơn điệu; họ chẳng
khác gì những nông phu đang dãi dầu cày cấy, gieo hạt trên thửa ruộng khô cằn của
mình.
Ngoài ra, cách
sử dụng từ “độ/度” cũng tạo ra sự đa nghĩa cho câu thơ.
“Độ/度” với nghĩa “qua, trải qua”, khi kết hợp với “xuân thu/春秋” (độ + xuân
thu) tạo nên một logic ngữ nghĩa - chỉ thời gian mà hành giả đã kinh qua
dài hơn, và việc làm có tính kiên trì miệt mài.
Bên cạnh
đó, “độ/度” nếu đặt trong nghĩa của nhà Phật là
“vượt qua bể khổ”, thì trong tình huống này - “độ + xuân thu” (度
+ 春 秋) còn cho thấy nhiệm vụ, sứ mệnh của người hành giả
là thiêng liêng cao quý. Họ không chỉ đi để xin ăn nuôi thân ngũ uẩn, mà là
gieo duyên tạo phước, hoằng pháp độ sinh, xiển dương Chánh pháp.
Có thể nói,
câu thơ gốc (Vấn lộ bạch vân đầu/問 路 白 雲 頭)
cho ta một hình ảnh ước lệ, thi vị, lãng mạn thì trái lại, sáng tạo “Khất hóa độ xuân thu/乞 化 度 春 秋” lại
cho ta một hình ảnh mộc mạc, rõ nét, hiện thực. Khác nhau là vậy, nhưng điểm
chung giữa hai cách nói này đều khiến cho cả bài thơ trở nên đẹp đẽ, đặc sắc
hơn. Nói không ngoa, cả hai, thành tuyệt tác bởi chính nó.
III. Kết luận
Tựu trung,
qua hai bài thơ, ta thấy rõ được cuộc đời, hành trạng của những người tu theo hạnh
khất sĩ. Pháp môn này chính là con đường nguyên thủy mà Đức Phật đã trải qua.
Đó là đời sống phạm hạnh, là lối sống thiểu dục tri túc giúp hành giả dần đoạn
diệt tham sân si, tiến tới trạng thái tịch tĩnh Niết-bàn. Như vậy, thực hành hạnh
khất thực tức đang hành trì đúng Chánh pháp Như Lai.
Qua so
sánh hai bài thơ, bài viết đã chỉ ra được sự khác nhau trong các thủ pháp hình
thức và nội dung chuyển tải ở mỗi tác phẩm.
Nếu như ở
câu ba, một bài dùng phương thức tự sự để tái hiện hiện thực thầm lặng lẻ loi của
người hành khất; thì một bài dùng phương thức biểu cảm để bộc lộ chí nguyện,
lòng cương nghị trên con đường tu đã lựa chọn. Từ đây, người đọc cũng có thể
minh xác được tông phái và đích đến của người tu hạnh khất thực là như thế nào,
hay giữa Nguyên thủy và Đại thừa khác nhau ra sao.
Cuối cùng,
sự khác nhau còn ở chỗ biểu hiện không gian, thời gian nghệ thuật. Một bài thì
tái hiện không gian để đặc tả thiên nhiên tươi đẹp, đậm chất thơ, đầy lãng mạn;
một bài thì tự sự thời gian để kể lại hiện thực với những nhọc nhằn, vất vả mà
một hành giả phải trải nghiệm. Ngoài ra, cách sử dụng ngôn từ cũng hoàn toàn
khác nhau, tùy theo ngữ cảnh với những mục đích biểu đạt riêng ở mỗi tác giả.
Tài liệu tham khảo
1. Thích Minh Châu, (2020), Kinh Tăng chi bộ - Tam tạng Thượng tọa bộ 4, NXB.Hồng Đức, Hà Nội,
tr.210.
2. Thích Minh Châu, (2023), Kinh Trung bộ - Tam tạng Thượng tọa bộ 2, NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, tr.869.
3. Thích
Giác Toàn, (2002), “Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện nối truyền Thích Ca Chánh
pháp”, Hội thảo khoa học 300 năm Phật
giáo Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, tr.42-48.
4. Maurice
Walshe, (2020) (trans.), Dīgha nikāya -
The Long Discourses of the Buddha, Wisdom Publications, Boston, p.145.
Trong Cảnh Đức
truyền đăng lục (景 德 傳 燈 錄), thuộc Đại chánh
tạng (大正藏),
tập 51, số 2076, được chép ở trang 434, tờ b, dòng
20 và 21.
Một số tài liệu khác thì dùng chữ đổ (睹) này. Ở đây tôn trọng tinh thần nguyên tác và tính cổ
xưa của văn bản nên dùng đúng tự dạng đổ
(覩) - có
bộ kiến (見).
Dị bản này (tác giả khuyết danh), được ghi lại trong “Tỳ-ni nhật dụng hương nhũ ký” (毗 尼 日 用 切 要香 乳 記 ) - Thư Ngọc Tiên (書 玉 箋), soạn vào đời
Thanh, nằm trong “Vạn tục tạng” (卍 續 藏),
Tập 60, quyển số 1116, trang 186b, dòng 11-12.
一 鉢 千 家 飯,
孤 身 萬 里 遊。
欲 窮 生 死 路,
乞 化 度 春 秋。
Tổ sư Minh Đăng Quang (sinh ngày 4-11-1923 - mất tích
năm 1954), thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn; quê ở làng Phú Hậu, tổng
Bình Phú, quận Tam Bình (nay thuộc huyện Tam Bình) tỉnh Vĩnh Long. Ông là người
sáng lập hệ phái Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. [3, tr.42-48]
Năm 15 tuổi, ông xin phép cha qua Nam
Vang để học đạo. Ông thụ giáo với một vị thầy (người Việt lai Khmer) nổi tiếng
đạo hạnh cao sâu. Tại đây, ông nghiên cứu Kinh tạng và thực hành theo lối y bát
chân truyền của Phật tăng xưa. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thấy thỏa mãn. Sau ba
năm, sư xin phép thầy để trở lại cố hương. Cuối năm 1941 sư về Sài Gòn. Sang
năm 1942, vì chữ hiếu, vâng lời cha, ông đã lập gia đình với người vợ tên Kim
Huệ. Nhưng một năm sau, vợ và con nhỏ của ông lâm bệnh và lần lượt qua đời. Trước
hoàn cảnh đó, thấy đời vô thường, nên quyết chí đi tu. Đầu tiên ông đến Hà
Tiên, định lần sang Phú Quốc, rồi từ đó sẽ đi nước ngoài học đạo. Nhưng khi vừa
đến nơi thì đã trễ tàu, ông ra đầu gành bãi biển Mũi Nai (Hà Tiên) ngồi tham
thiền suốt 7 ngày đêm. Tại đây ông ngộ được lý vô thường, vô ngã… Khi ấy sư mới
22 tuổi. Sau
đó, sư lên vùng Thất Sơn (An Giang) để tiếp tục tu tập. Nhưng chiến tranh lan tới,
phá tan cảnh yên bình nơi đây. Ngay lúc ấy sư gặp một tín đồ và cùng người này
theo về trú ở Linh Bửu tự, thuộc làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Suốt ba năm (1944-1947)
ở đây, buổi sáng sư đi khất thực, đến trưa thọ trai, buổi chiều giáo hóa, tối
thì tham thiền nhập định. Sư thực hành lối sống phạm hạnh thanh tịnh, y
theo truyền thống của Phật Tăng thời chính pháp. [3, tr.42-48]
Đầu năm 1947, Sư rời chùa để đi giáo hóa,
ông đến khắp Nam Bộ, và các vùng miền khác như Tây Ninh, Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình
Dương... Sau 8 năm hoằng dương Chánh pháp, vào ngày mùng một tháng Hai năm Giáp
Ngọ (1954), sư rời tịnh xá Ngọc Quang, cùng đi có một vị sư già và một chú tiểu,
họ đến tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), rồi qua tiếp Cần Thơ. Nhưng khi đến Cái Vồn
(Bình Minh, Vĩnh Long) thì sư bị một số kẻ lạ mặt bắt đi, cho đến nay không ai
hay biết tung tích.