Câu chuyện về các ước mơ không thực hiện được
cau chuyen
Câu chuyện về các ước mơ
không thực hiện được
Hoang Phong
Trong
cuộc sống chúng ta thường lẫn lộn giữa thực tế và ước mơ, thế nhưng ước
mơ cũng có thể giúp chúng ta nhìn vào thực tế một cách thực tế hơn,
hoặc ngược lại thì thực tế đôi khi cũng có thể khơi động và làm sống
lại các ước mơ của mình trong quá khứ. Câu chuyện mà tôi sắp thuật lại
dưới đây nêu lên các ước mơ của một người mẹ hiện lên với mình như một
sự thực, và các ước mơ của một người con mãi mãi vẫn là ước mơ.
Mẹ
tôi rời làng quê nơi miền Bắc, khăn gói theo chồng vào Nam từ tiền bán
thế kỷ hai mươi, cha mẹ tôi sinh ra tôi trong một tỉnh lỵ nhỏ bé, một
nơi tận cùng của sông nước miền Nam. Sau này theo lời kể chuyện lại của
mẹ thì khi mới vào Nam mẹ mặc áo tứ thân, quấn khăn lươn quanh đầu, mọi
người nhìn mẹ chăm chăm. Rất sớm sau đó thì mẹ bỏ chiếc áo tứ thân, mặc
áo bà-ba, quần lãnh đen, quấn tóc thành một búi sau gáy. Thế nhưng mỗi
khi mẹ nói chuyện với giọng Bắc kỳ, hở hai hàm răng đen, thì mọi người
nhìn mẹ một cách thích thú, trẻ con thì quây quanh với vẻ tò mò. Khi
lớn thêm và lúc bắt đầu biết nhận xét thì tôi nhận thấy quả đúng là như
thế, mẹ tôi trông giống hệt một phụ nữ Nam Bộ, tóc trên đỉnh đầu rẽ
sang hai bên tạo thành một đường ngôi từ trán lên đỉnh đầu, búi tóc sau
gáy bọc trong một tấm lưới mỏng màu đen, thỉnh thoảng mẹ tôi còn bôi
lên tóc một tí dầu dừa khiến tóc bóng mượt. Giọng nói và hai hàm răng
đen hạt huyền của mẹ tôi không còn mấy ai để ý đến nữa.
Đối
với riêng tôi thì tôi vẫn nhận thấy nơi mẹ tôi có một chút gì đó
khang khác với những người phụ nữ chung quanh. Mẹ thường nói : ‘Mẹ
cố gắng làm giống như mọi người, thế nhưng cái giọng Bắc kỳ và hai hàm
răng đen thì mẹ chịu, không làm khác hơn được’. Thế nhưng những gì
khang khác mà tôi muốn nói không phải là giọng nói Bắc kỳ và hai hàm
răng đen của mẹ, mà là một chút gì đó bên trong tâm hồn của mẹ. Mẹ tôi
đến với cái xứ Nam kỳ này từ một góc quê hương thật xa, nghèo nàn và cổ
kính, ảnh hưởng nặng nề bởi nền tư tưởng Khổng giáo. Vào những đêm nhớ
nhà, mẹ thường thuật lại cho tôi nghe gốc gác của cha tôi và quãng đời
con gái của mẹ nơi làng quê bên ông ngoại và bà ngoại tôi.
Cha
mẹ tôi cả hai cùng sinh ra đời vào thập niên đầu thế kỷ hai mươi, tức
là cách nay đã hơn một thế kỷ. Mẹ tôi lớn hơn cha tôi ba tuổi. Vào thời
bấy giờ việc gả bán là chuyện của cha mẹ và những người mai mối. Trong
gia đình khi có một đứa con trai sắp lớn thì cha mẹ tìm vợ cho con
mình, nhưng phải tìm một người con gái xốc vác, đảm đang để quán xuyến
việc nhà và việc đồng áng. Vì vậy vợ lớn hơn chồng từ năm đến sáu tuổi,
hoặc hơn thế nữa, là chuyện thường tình và cũng là thói tục vào thời
bấy giờ. Ngoài bổn phận làm dâu, mẹ tôi còn phải gánh hai thúng hàng
xén buôn bán ở các chợ làng để nuôi cha tôi ăn học ở Hà Nội. Mẹ tôi
thuật lại là đời sống nơi thôn quê cực khổ lắm, cơm độn ngô, độn sắn,
mỗi năm chỉ được ăn thịt một lần vào ngày Tết, họa hoằn lắm là vào
những ngày giỗ lớn trong họ. Thế nhưng chỉ có người đàn ông chủ gia
đình là được mời, mỗi người cầm theo một cái que. Bữa ăn chia ra thành
nhiều mâm, mỗi mâm bốn người, rau canh thì chia nhau ăn và húp, đĩa xôi
thì nắm lại thành bốn nắm, đĩa thịt cũng chia ra làm bốn, mỗi người cắm
xôi và thịt vào chiếc que của mình mang về nhà cho vợ con.
Mẹ
tôi lớn lên trong một gia đình nho giáo. Ông ngoại tôi là thầy đồ, thế
nhưng là con gái mẹ tôi không được học. Chữ nghĩa là của nam giới, con
gái học ngôn hạnh, gánh vác việc nhà. Sau này, khi vào Nam, cha tôi có
mua cho mẹ tôi một quyển sách tập đọc. Tự học mẹ tôi biết đọc và cả
biết viết. Thế nhưng những gì mà tôi muốn nói là sau đó mẹ tôi thuộc
lòng cả ba tập thơ, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm và Đoạn Trường
Tân Thanh. Có những đêm mẹ tôi hát lên những vần thơ trong các tập thơ
ấy. Thỉnh thoảng mẹ tôi bất chợt hỏi tôi thích đoạn nào trong truyện
Kiều thì mẹ tôi sẽ ngâm lên đoạn ấy. Cả câu chuyện tôi cũng không hiểu,
huống hồ là từng đoạn một. Tôi nghĩ rằng mẹ hỏi tôi, thế nhưng thật ra
thì đấy chỉ là cách mà mẹ tôi tự hỏi chính mình, đồng hóa mình với các
nỗi niềm khắc khoải và đau thương, và cả các ước mơ của các nhân vật
trong truyện. Mỗi khi nhận thấy nơi mẹ thoang thoáng một chút lo âu nào
đó thì tôi cũng thấy mẹ mang tập truyện Kiều ra để bói.
Ngoài
những gì khang khác trên đây, tôi còn nhận thấy các sự khang khác sâu
kín hơn trong lòng của mẹ. Mẹ thường nói lên với tôi những ước mơ của
mẹ, mẹ mong ước một ngày nào đó được trở về làng quê, cắm một nén hương
lên mộ của ông ngoại và bà ngoại tôi. Ước mơ đó tuy bình dị và nhỏ nhoi
thế nhưng lại là cả một giấc mơ to lớn bên trong lòng mẹ, ngủ yên đã từ
bao năm trong tâm hồn của mẹ. Ước mơ đó sẽ không bao giờ thức dậy để
trở thành sự thực với mẹ tôi trong thế giới này. Chiến tranh chưa bao
giờ chấm dứt trên quê hương tôi, trong suốt kiếp sống của mẹ và của cả
cha tôi.
Thế
nhưng trong cuộc sống hằng ngày, mẹ tôi cũng có những ước mơ thật nhỏ
nhoi, bình dị và rất con người, những ước mơ mà mẹ thừa hưởng từ nền
giáo dục gia đình và xã hội từ thuở ngày còn bé, một nền giáo dục đặt
nặng sự nhẫn nhục, sự hy sinh, sức chịu đựng và quên đi chính mình.
Những gì còn lại trong lòng mẹ phải chăng cũng chỉ là các ước mơ mà
thôi. Các ước mơ ấy là các ước mơ mà tôi muốn nói đến trong câu chuyện
này. Các ước mơ ấy đã ngủ yên từ lâu trong lòng mẹ, thế nhưng lại cựa
mình thức dậy, ray rứt và xao xuyến trong lòng tôi khi tôi viết các
dòng này.
Tuy
vậy cũng có những lúc mẹ tôi rất vui, không ngâm thơ, không bói Kiều,
mà hát lên những bài hát thuở ngày con gái nơi làng quê của mẹ, các bài
hát trống quân, quan họ, hát đối, hát chèo… mà trai gái trong làng
thường hát với nhau nơi sân đình vào những đêm trăng sáng. Qua các
tiếng hát đó, tôi thấy hiện lên trong tâm hồn mẹ cả một khung trời tuổi
trẻ bên ông ngoại và bà ngoại tôi, tận làng quê nơi miền Bắc xa xôi.
Phải chăng đấy là những lúc mà mẹ tôi sống lại với những ước mơ say
giấc trong lòng mẹ từ lâu, vụt thức dậy và trở thành sự thực. Tôi hình
dung mẹ vừa cắm xong một nén hương trên mộ của ông ngoại và bà ngoại
tôi, hoặc đang nôn nóng tối hôm nay trăng rằm sẽ ra sân đình cùng hát
với trai gái trong làng. Các giây phút vui sướng đó thật ra chỉ là các
ảo giác trong ký ức của mẹ, hiện lên từ các ước mơ của mẹ, những ước mơ
mà mẹ sẽ không bao giờ có thể biến chúng trở thành sự thực được. Ảo
giác hiện lên từ ước mơ, thực tế biến ảo giác trở thành ước mơ là như
vậy.
Thế
nhưng trong cuộc sống thường nhật mẹ cũng có những ước mơ nhỏ nhoi và
bình dị hơn nhiều, nhất là có thể thực hiện được. Thật vậy, ước mơ phải
chăng cũng chỉ bắt đầu bằng một chút gì đó thật nhỏ nhoi, chẳng hạn như
một ước muốn thoáng qua, trước khi trở thành một ước mơ. Mẹ tôi là một
con người tương tự như tất cả mọi người, có những lúc mẹ ước được ăn
một món ngon nào đó. Các ước muốn nhỏ nhoi, tự nhiên và bình thường đó
của mẹ thường bất chợt hiện lên trong tôi mỗi khi tôi nghĩ đến kiếp
người của mẹ, một kiếp người chỉ biết hy sinh vì chồng con và quên cả
chính mình.
Mẹ
tôi thường nói với tôi một câu mà tôi không giờ quên : ‘Đi chợ,
lắm khi mẹ muốn ăn quà, thế nhưng mẹ không thể nào ăn một mình, không
có cha và các con cùng ăn’. Mẹ tôi thường nói câu ấy với tôi trong
những lúc thật bất ngờ, không liên hệ gì đến việc ăn uống cả. Một hôm
sau khi đi chợ về, mẹ thuật lại với tôi một câu chuyện khiến tôi rất
xúc động, rưng rưng nước mắt : ‘Con
biết không, ở chợ có đủ các gánh hàng ăn, nào là bánh cuốn, bún riêu,
cháo lòng, bánh xèo…, thế nhưng chưa bao giờ mẹ ngồi ăn một mình ở chợ.
Hôm nay bụng đói, đi ngang hàng bánh canh, gạch cua nổi váng trong nồi
bánh canh của bà bán hàng, khiến mẹ thèm. Suýt tí nữa là mẹ ngồi xuống
ăn, thế nhưng mẹ cưỡng lại được, mẹ nhìn đi nơi khác. Về đến nhà trông
thấy mặt con mẹ rất mừng, mẹ hiểu rằng mẹ không phải là người tham
ăn’.
Không
cần mẹ nói tôi cũng biết mẹ là người không tham ăn. Trên mâm cơm, trong
tộ canh chua nếu có cặp trứng cá lóc, thì đấy là phần của cha, nếu cha
không ăn thì mẹ lấy đũa xắn ra chia cho các con. Miếng ngon trên mâm,
không bao giờ mẹ gắp. Nhường nhịn miếng ăn trên mâm phải chăng là cách
thể hiện kín đáo tình thương yêu của mẹ đối với chồng con ? Ước mơ
trong lòng của một người mẹ thường rất âm thầm và yên lặng, khiến chúng
ta không mấy khi nhận thấy, thế nhưng thật ra thì đấy là cả một sự hy
sinh.
Sau
mười-lăm-năm dạy học, tôi rời xa quê hương. Thế nhưng thật ra thì quê
hương vẫn còn đó, vẫn còn nguyên, ít nhất là trong ký ức và tâm khảm
tôi. Những gì mà tôi bỏ lại phía sau là một bầu không gian giả dối, một
khung trời tư tưởng chật hẹp, tham lam và hung bạo. Sau vài năm học lại
nơi xứ người, tôi tìm được công ăn việc làm trong một công ty dầu khí
mang tầm vóc quốc tế. Ngoài công việc khảo cứu tôi còn được giao phó
theo dõi các giếng khoan tầm khảo khắp nơi trên thế giới, từ trên vòng
đai bắc cực đến các vùng sa mạc hoang vu, từ vùng vịnh Ba-tư giàu có
đến các vùng rừng rậm Phi châu và cả các nước Á châu đa dạng và phức
tạp, trong số đó kể cả quê hương tôi. Công việc rày đây mai đó tạo dịp
cho tôi tiếp xúc với thiên nhiên và các dân tộc khác nhau, mở ra cho
tôi một tầm nhìn bao quát hơn về thế giới này. Tầm nhìn đó không khỏi
khiến tôi đôi lúc hồi tưởng lại quê hương tôi, dân tộc tôi và cả những
kỷ niệm của riêng tôi vào những ngày thơ ấu.
Khung
cảnh của cái tỉnh lỵ nhỏ bé nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, những khoảng
thời gian êm ấm bên cạnh cha mẹ tôi và cả những giấc mơ ám ảnh tôi
trong quá khứ vẫn còn in đậm trong ký ức. Tôi xin thuật lại câu chuyện
về một ước mơ vụt hiện lên với tôi trong một bối cảnh thật bất ngờ, câu
chuyện xảy ra cách nay đã gần bốn-mươi năm. Tôi được công ty giao phó
theo dõi một giếng khoan trong eo biển Macassar thuộc lãnh thổ của xứ
Indonesia. Tôi lấy máy bay từ Paris đến Singapore, sáng hôm sau lại lấy
máy bay đi Jakarta, tại đây tôi phải đến trụ sở của công ty để tham
khảo thêm tài liệu và thảo luận với các chuyên gia khác. Sáng hôm sau
lấy máy bay đến tỉnh lỵ Palikpapan trên đảo Borneo, và sau đó lại
chuyển sang trực thăng đưa tôi lên giàn khoan trên biển. Trong những
lúc bận rộn vì công việc và căng thẳng vì trách nhiệm, tôi thường đánh
mất hết các điểm tựa xúc cảm riêng tư nơi con người mình. Tuy nhiên
trong những lúc thư giãn hơn, dù chỉ là ngắn ngủi, tôi vẫn cố gắng tìm
lại những gì sâu kín trong lòng, hầu mang lại cho tôi một chút thăng
bằng và yên lặng hơn trong tâm hồn mình.
Trong
chuyến công tác đó, khi đến Singapore thì chi nhánh của công ty đã đặt
phòng trước cho tôi tại một trong các khách sạn sang trọng nhất. Tối
hôm đó tôi ngồi ăn trong nhà hàng ăn nơi tầng cao nhất của khách sạn.
Khách đông, các cô hầu bàn ăn mặc đồng phục cũng đông. Trong số các
người khách đang ăn thì duy nhất chỉ có tôi là ngồi lẻ loi, trước mặt
là thức ăn và một lọ hoa. Một cô hầu bàn tiến đến bàn của tôi gợi
chuyện, giải thích về các món ăn của Singapore, mô tả các sự sinh hoạt
nơi thành phố này. Một cô hầu bàn thứ hai dường như trông thấy tình
trạng khá tế nhị đó của cô thứ nhất, bèn tiến đến bên cạnh tôi, gợi
chuyện và gắp thức ăn cho tôi. Hai cô hầu bàn giúp cho một khách ăn bớt
lẻ loi là một hình thức lịch sự, một trách nhiệm đối với nghề nghiệp
của mình, thế nhưng lại khiến tôi cảm thấy khá lúng túng. Vào đúng lúc
đó vụt hiện lên trong tâm trí tôi hình ảnh của mẹ tôi đang đi ngang
gánh hàng bánh canh trong khu chợ chồm hỗm.
Bỗng nhiên tôi ước mong được đưa mẹ vào một khách sạn thật sang trọng
tại Singapore, Bangkok hay Jakarta, để mẹ nghỉ ngơi một đêm trong cuộc
đời mẹ, và cũng để mẹ thưởng thức một vài món ăn thật ngon. Tôi hình
dung mẹ tôi với búi tóc sau gáy, mặc áo the đen, mang dép nhung thêu
cườm, cùng với tôi bước vào cửa một khách sạn to lớn. Hai nhân viên gác
cửa khẽ nghiêng người chào, kéo hai cánh cửa thật lớn đón rước mẹ con
tôi.
Hình
ảnh tưởng tượng bất ngờ đó khiến tôi rơm rớm nước mắt. Tôi vội cúi
xuống cầm chiếc khăn ăn giả vờ lau miệng, thế nhưng thật ra là để chậm
những giọt nước mắt lăn dài trên má. Một cô hầu bàn thấy tôi yên lặng
cúi xuống, vội chúc tôi ăn ngon và rút lui, cô thứ hai cũng rút lui.
Tôi ngồi thẫn thờ và đơn độc… Mẹ tôi mỗi năm cũng chỉ mặc áo dài một
lần để lên chùa lễ Phật vào đêm giao thừa, và thật ra thì mẹ tôi cũng
chỉ có một chiếc áo dài duy nhất bằng the đen, trước khi đi thì kéo đôi
dép nhung đen thêu cườm dưới gầm chiếc tủ đứng, mỗi tay cầm một chiếc,
đập đập vào nhau vài cái trước khi mang vào chân. Mẹ tôi là một phụ nữ
quê mùa, bước chân vào một khách sạn sang trọng có thể không mang một ý
nghĩa nào cả. Phải chăng cử chỉ không nhìn vào nồi bánh canh trong khu
chợ chồm hỗm mới thật sự mang nhiều ý nghĩa hơn chăng, ít nhất là
đối với mẹ ?
Mẹ
tôi và tôi cùng sống trong những giấc mơ. Sự khác biệt trước nhất là
các ước mơ nhỏ bé của mẹ từ những ngày xa xưa nay đã hóa thành to lớn
và thiết tha trong tôi. Sự khác biệt sau đó là mẹ đã biến các ước mơ
nhỏ bé của mẹ trở thành sự thực bên trong lòng mẹ, trái lại các ước mơ
to lớn và thiết tha của tôi sẽ mãi mãi chỉ là ước mơ.
Bures-Sur-Yvette, 04.02.25
Hoang Phong
Chiều về chênh chếch đồi xa,
Nghiêng nghiêng giọt nắng hiên nhà nắng phai.
Chiều sa tím dãy đồi dài,
Tím màu mắt mẹ những ngày xa xưa.
Trước sân cành lá đong đưa,
Như ru nhịp võng mẹ đưa ngày nào.
Chiều buông nhớ mẹ nao nao,
Buông vào quá khứ chìm vào tuổi thơ.
Thời gian ngày bé hững hờ,
Trôi nhanh cuốn cả giấc mơ thật thà.
Mơ rằng khi lớn làm ra,
Xây nhà mẹ ở mua quà mẹ ăn.
Paris, 10.08.92