Mark Epstein, là một nhà phân tâm học, psychotherapist, và cũng là tác giả của quyển Thoughts without a Thinker có chia sẻ một kinh nghiệm tu học của ông như sau.
Trong hơn 30 năm qua, mỗi năm ông đều cố gắng đi tham dự một
khóa tu nhiều ngày. Và ông cũng giữ một quyển nhật ký, ghi
lại những trải nghiệm và khám phá của mình có được trong mỗi khóa
tu. Gần đây, ông có dịp đọc lại những gì mình đã ghi chép
trong quyển nhật ký ấy. Ông
ngạc nhiên và khám phá ra một điều này, là tuy mỗi khóa tu ông ghi lại
những trải nghiệm khác nhau, nhưng thật ra chúng chỉ trình bày một sự
thật duy nhất mà thôi, đó là “Những gì ta kinh nghiệm, hoàn cảnh nào ta
đối diện, chúng không là quan trọng. Nhưng điều quan trọng là cách ta
phản ứng, và thái độ của ta tiếp nhận chúng như thế nào.”
Tôi
thấy, ngày nay dường như sự tu tập của chúng ta chú trọng nhiều về vấn
đề chuyển hóa bằng cách tìm cách thay đổi hay chọn một phương pháp thực
tập, để giúp mình trở thành một cái gì đó khác hơn. Thật ra
bạn biết không, đó cũng là một điều tốt, nhưng chúng ta cũng có thể vô
tình chỉ làm mới và đẹp hơn thêm một cái tôi xưa cũ của mình, thay vì là nhìn thấy rõ được bản chất trung thực của chính nó.
Thấy rõ chứ không phải để muốn thay đổi
Trong
những khóa tu chúng ta thường nghe nói nhiều về việc an trú trong giờ
phút hiện tại. Nhưng tôi thấy ta cũng có thể dễ hiểu lầm về
thế nào là “an trú”.
Ta có thể ngồi yên nơi đây, hoặc đặt những bước chân thảnh thơi
trên một con đường đất đẹp bên hồ nước trong, có hoa vàng và nắng ấm.
Nhưng liệu mình có thể ngồi yên trong phòng bệnh chờ nghe tin của người
thân không? Hay ta có thể mỉm cười an lạc khi nghe tiếng
chuông điện thoại reo giữa đêm khuya?
Và giả sử như giờ phút này không có gì là đau khổ cả, chỉ là một
thực tại bình thường thôi, liệu ta có khả năng an trú trong hiện tại
được không? Hay ta cũng sống theo thói quen của mình, quẩn quanh theo
những tập khí xưa, và rồi trách cho hoàn cảnh chung quanh? Thật ra, vấn
đề đâu phải là hiện tại này đang như thế nào, mà vấn đề là ta tiếp nhận
chúng ra sao.
An
trú chỉ có nghĩa là ta biết trở về có mặt với những gì đang xảy ra, và
thấy được thực tại này bao giờ cũng đang đầy đủ và tự nhiên.
Là hài lòng với nơi này
Tôi nhớ một bài thơ của bà Mary Oliver, một thi sĩ nổi tiếng từng được trúng giải thưởng Pulitzer Prize về văn chương, Tự tánh của đá
Là hài lòng với nơi này
Tự tánh của nước
Là đi về một nơi khác
Bất cứ nơi nào ta nhìn
Tiếng róc rách ngọt ngào nhưng trầm lắng
Của nước nhào lộn tuôn chảy về nơi xa
Bất cứ nơi nào ta nhìn
Đá tảng, nằm yên dưới nắng mới
Hoặc dâng mình cho những cành dây leo óng lá vàng
Nhưng bản chất của ta lại không thấy được rằng
Cuộc sống này rất đẹp.
Ta chọn đứng trong bóng tối,
Dưới một bầu trời vụn vỡ đầy trăng sao
Hay trong một ngày trưa, giữa ngàn tia nắng muôn màu
Và bức xúc tự hỏi rằng
Nó có nghĩa gì, khi bảo rằng cuộc sống này là đẹp?
Nó có nghĩa gì?
Mà
thật ra tôi không nghĩ bản chất của chúng ta là chọn đứng trong bóng
tối, và không thấy được ngàn tia nắng đẹp muôn màu. Nhưng vì
chúng ta có tập quán, thói quen hay mong cầu và phản ứng theo cái tôi
của mình, nên ta đánh mất thực tại và cứ lang thang đi tìm một cái gì
đó khác xa xôi.
Bạn biết không, tôi nghĩ nhờ có thái độ thấy ra ấy mà ta không
đánh mất đi thực tại này. Trên hành trình của sự sống, dầu con đường ta
đi là ở đoạn nào, khúc quanh nào, mỗi bước chân đều có thể buông thả và
tròn đầy như nhau. Và bạn đừng nghĩ rằng tôi muốn nói là ta cứ buông
xuôi và không cần phải làm gì hết, nhưng như ông Epstein chia sẻ “kinh
nghiệm của ta, hoàn cảnh nào ta đối diện, chúng không là quan trọng.
Nhưng điều quan trọng là cách phản ứng, và thái độ của ta tiếp xử chúng
như thế nào”…
Tự tánh của đá là hài lòng với nơi này, và tự tánh của nước là
đi về một nơi khác. Và tự tánh của ta là thấy được bầu trời đêm thênh
thang vụn vỡ muôn trăng sao, hay sáng hôm nay, với ngàn tia nắng ấm
muôn màu…
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên