Quan niệm của Đức Phật về tài sản

quan niem cua duc phat

QUAN NIỆM CỦA ĐỨC PHẬT VỀ TÀI SẢN


Quảng Luận

 Cơn bão Yagi vừa qua là cơn bão khiến các chuyên gia thời tiết đầy kinh nghiệm cũng phải run sợ vì dự báo được sức tàn phá của nó. Diễn ra theo kịch bản xấu nhất khi càn quét nặng nề Hải Phòng và Quảng Ninh, Yagi không chỉ đã đánh trực tiếp vào vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc mà giờ đây hầu hết các tỉnh miền Bắc còn tiếp tục phải chịu những hệ lụy khác sau bão. Mưa, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, vỡ đê… đã đưa đến những thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Là Phật tử, chúng ta không khỏi xót xa và đồng cảm với những nỗi đau thương và mất mát của đồng bào. Nhưng giữ gìn sự bình an nội tâm trước những biến động bên ngoài là một trong những cách mà người tu, xuất gia cũng như tại gia, có thể làm để cống hiến cho xã hội. Thiết nghĩ, giữa thời đại vật chất lên ngôi, lũng đoạn đời sống đạo đức tinh thần của phần lớn các tầng lớp xã hội như hiện nay, chúng ta càng phải nên xác định một thái độ đúng đắn và phù hợp với đạo Phật về vấn đề tài sản mới mong tìm được sự bình an đó mà không bị cơn bão của vật dục cuốn đi quá xa.

Lời dạy của Đức Phật về tài sản đối với Phật tử tại gia

 Trong Tăng chi bộ, chương Một pháp, phẩm Làm bạn với thiện, Đức Thế Tôn dạy: Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những mất mát này, như mất mát tài sản. Cái này là khốn cùng giữa các mất mát, này các Tỷ-kheo, tức là mất mát trí tuệ. Ít có giá trị, này các Tỷ-kheo, là những tăng trưởng này, như tăng trưởng tài sản. Cái này là tối thượng giữa các tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ”. Cũng trong Tăng chi bộ, chương Năm pháp, phẩm Du hành dài, Đức Phật dạy thêm: “Tiền bạc, của cải là tài sản của năm nhà: lửa, nước, vua quan, trộm cướp, vợ con phá tán­. Điều đó cho thấy rằng tiền của không đồng nghĩa với uy lực thực sự hay bình an thực sự như người đời vẫn tưởng.

 Tuy nhiên, không dễ để người thế gian nhận ra chân lý trong lời dạy của Đức Phật. Thực tế họ làm ngược lại. Tài sản với họ không bao giờ là đủ. Tích chứa cho tôi, cho con tôi, cho về sau và đời sau… Người thế gian coi đồng tiền là máu thịt, “đồng tiền liền khúc ruột”, nên khi mất mát họ khóc than đau đớn, có người bị phá sản tuyệt vọng đến tự vẫn…

 Đức Phật không phủ nhận giá trị của tài sản đối với người đời. Dẫn theo tác giả Thích nữ Quảng Hiền trong bài viết “Vấn đề tài sản của người tại gia”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học thì: “Tài sản có giá trị vô cùng to lớn, nó không những giúp bản thân, gia đình có đời sống ấm no mà còn là phương tiện thuận lợi để làm phước thiện, tạo phước đức cho kiếp sau. Khi tài sản làm ra đúng pháp sẽ luôn được khả lạc, khả hỷ, khả ý, tiếng tốt về bản thân được vang xa và người thân được thơm lây. Vị ấy sẽ được sống lâu, thọ mạng kéo dài, sau khi thân hoại mạng chung được sinh lên cõi thiện. Có bốn loại an lạc mà người tại gia thọ hưởng khi tài sản làm ra đúng pháp là: Vị ấy được giữ nó, đây gọi là lạc sở hữu. Gia chủ thọ hưởng và làm việc phước hoan hỷ đây gọi là lạc thọ dụng tài sản. Không mắc nợ ai nên gọi là lạc không mắc nợ. Tài sản làm ra đúng pháp nên vị ấy được lạc không sợ phạm tội”.

 Đồng thời, Đức Phật dạy người Phật tử cách sử dụng tài sản sao cho hợp lý nhất. Trong Trường bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Thế Tôn dạy:

Người tích trữ tài sản,
Như cử chỉ con ong.
Tài sản được chồng chất,
Như ụ mối đùn cao,
Người cư xử như vậy,
Chất chứa các tài sản,
Vừa đủ để lợi ích
Cho chính gia đình mình.
Tài sản cần chia bốn
Ðể kết hợp bạn bè:
Một phần mình an hưởng,
Hai phần dành công việc,
Phần tư, phần để dành,
Phòng khó khăn hoạn nạn.

Với nội dung có khác một chút nhưng ý nghĩa vẫn tương đồng, kinh số 1283, kinh Tạp A-hàm chép:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Người tạo tác thế nào

Trí tuệ để cầu tài

Cùng nhiếp thọ tài sản

Hoặc hơn, hoặc lại kém?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Mới học nghề nghiệp khéo

Tìm cách gom tài vật

Được tài vật kia rồi

Phải nên phân làm bốn.

Một phần tự nuôi thân

Hai phần cho doanh nghiệp

Phần còn lại để dành

Nghĩ đến người thiếu thốn.

Người kinh doanh sự nghiệp

Làm ruộng hay buôn bán

Chăn trâu, dê phồn thịnh

Nhà cửa dùng cầu lợi

Tạo phòng ốc giường nằm

Sáu thứ đồ nuôi sống

Phương tiện tạo mọi thứ

An lạc sống suốt đời.

Khéo tu nghiệp như vậy

Trí tuệ dùng cầu tài

Của báu theo đó sinh

Như các dòng về biển.

Tài sản nhiều như vậy

Như ong gom vị ngọt

Ngày đêm của tăng dần

Như kiến dồn đống mồi.

Không giao của người già

Không gửi người bên cạnh

Không tin người gian xảo

Cùng những người keo lẫn (…). 

 Qua những bản kinh trên, có thể thấy được cách sử dụng tài sản đúng đắn cho người tại gia là chia tài sản kiếm được làm bốn phần: một phần cho cuộc sống hàng ngày của bản thân, hai phần để tiếp tục công việc làm ăn, phần còn lại để dành khi hoạn nạn và nghĩ đến người thiếu thốn.

 Người có trí tuệ biết nhìn mọi thứ với tuệ quán vô thường mới mong tránh được khổ đau khi mất mát những gì mình trân quý và những người mình thương yêu. Bởi vì:

Con ta, tài sản ta

Kẻ ngu mãi lo xa

Chính ta còn không có

Tài sản, con đâu ra?

              (Pháp cú 62, phẩm Ngu si)

Bảy tài sản của bậc Thánh

  Khi đã trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật, tài sản của người tu chỉ là ba y và một cái bình bát. Xuất gia thì phải “tâm hình dị tục”, lẽ nào chúng ta dễ dàng để cho đồng tiền hay các thứ của cải vật chất khác chi phối rồi trở thành một “hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp”? Giới luật vốn dĩ không cho phép người tu nắm giữ tài vật. Ngày nay phần nhiều gọi là “phương tiện”, thậm chí “phương tiện trong phương tiện”, đôi khi không tránh khỏi chất chứa tiền của. Đó là một trong những lý do khiến người tu bớt đẹp trong mắt tín đồ, cũng không còn đẹp trong mắt các đồng tu phạm hạnh: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ưa muốn lợi dưỡng, ưa muốn tôn kính, ưa muốn được tán thán, không xấu hổ, không sợ hãi, ác dục và tà kiến. Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, không được khả ý, không được kính trọng, không được bắt chước tu tập theo”. (Tăng chi bộ, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản).

 Đức Phật dạy rõ có bảy tài sản của vị Thánh đệ tử:

Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản này. Thế nào là bảy?

Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín tài?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán… Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giới tài?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh…, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm tài?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tàm tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý tài?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là quý tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là văn tài?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là văn tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả, với bàn tay rộng mở, ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thí tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ tài?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sinh diệt, thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch) đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ tài.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bảy tài sản.

Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ, tài thứ bảy.
Ai có những tài này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Ðược gọi không nghèo khổ,
Mạng sống không trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.

(Tăng chi bộ, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản)

Đây mới là những tài sản đích thực của người tu Phật. Bảy tài sản này không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Ai có bảy tài sản này, người đó chân chính được gọi không nghèo khổ.

Thừa tự pháp, không thừa tự tài vật

Đức Phật mong muốn các đệ tử sẽ là những người thừa tự pháp của Ngài mà không phải là người thừa tự tài vật: “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các người và Ta nghĩ: ‘Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật’”. (Trung bộ, kinh Thừa tự pháp thứ ba).

Nếu như khoa học hướng ra bên ngoài để khám phá, thì đạo Phật dạy con người hướng vào bên trong. Nếu không xác định được thái độ và mục đích đúng đắn trong tu học thì người xuất gia rất dễ rơi vào cạm bẫy của ngũ dục thế gian, trong đó có tiền của vật chất. Ăn, ngủ, sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, tất cả chỉ là “khúc xương trần, là miếng thịt sống, là bó đuốc rơm bay ngược gió, là hố than hồng, là con rắn độc, là một giấc mộng, là cây sai trái” (kinh Người bắt rắn). Ngày nay mạng xã hội với cuộc sống ảo là địa ngục, là cạm bẫy mà người tu có thể rơi vào bất cứ lúc nào. Đủ cô gái đẹp ăn mặc hở hang làm loạn thị giác, đủ loại thực phẩm và những trò mukbang lôi kéo vị giác, đủ loại nhạc từ du dương đến gào thét lay động tâm thức người nghe, đủ loại tin tức phần nhiều là giật gân tiêu cực mà chỉ cần “online” thôi là hồn xiêu phách tán, những phim ma truyện ma gieo rắc nỗi sợ hãi, chưa kể những thông tin và hình ảnh đồi trụy lúc nào cũng sẵn sàng xuất hiện khơi gợi sự tò mò và dục vọng bản năng của con người. Kể cả khi đã có lý tưởng mà thiếu quyết tâm, thiếu ý chí, thiếu tỉnh táo thì người tu luôn có nguy cơ trở thành một phiên bản lỗi của chính mình, chạy theo trần cảnh lúc nào không hay.

Chỉ cần sống theo giới luật và uy nghi thì người xuất gia không bao giờ phải lo lắng về việc nuôi thân mạng, vì phước và trí của Đức Như Lai để lại là rất lớn. Do đó, hãy là người thừa tự pháp mà đừng là người thừa tự tài vật của Đấng Cha lành. “Thỉ ư xuất gia thọ giới, tận kỳ chung thân thọ mạng, thường đương thời khắc hệ ức Tam bảo”, “hằng tồn tàm quý, khởi tri túc niệm” là những tâm niệm luôn bảo hộ cho người tu trên con đường tu học. Bên cạnh đó, còn có mười điều mà Đức Thế Tôn dạy người xuất gia phải luôn quán sát:

Này các Tỷ-kheo, có mười pháp này, người xuất gia phải luôn luôn quán sát. Thế nào là muời?

1.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Ta nay đi đến tình trạng là người không giai cấp”.

2.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Đời sống của ta tùy thuộc vào người khác”.

3.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Nay cử chỉ oai nghi của ta cần phải thay đổi”.

4.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Không biết tự ngã có chỉ trích ta về giới hạnh không?”.

5.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Không biết các đồng Phạm hạnh có trí, sau khi tìm hiểu, có chỉ trích ta về giới hạnh không?”.

6.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Mọi vật khả ái, khả ý của ta bị đổi khác, bị biến hoại”.

7.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là thai tạng của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ quy hướng của nghiệp; phàm nghiệp gì ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.

8.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Thời gia trôi qua bên ta và nay ta đã là người như thế nào?”.

9.      Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Ta có hoan hỷ trong ngôi nhà trống hay không?”.

10.   Người xuất gia phải luôn luôn quán sát: “Ta có chứng được các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng Bậc Thánh không, để đến những ngày cuối cùng, các đồng Phạm hạnh có hỏi, ta sẽ không có xấu hổ?”.

 Này các Tỷ-kheo, mười pháp này, người xuất gia phải luôn luôn quán sát.

(Tăng chi bộ, chương Mười pháp, phẩm Mắng nhiếc)

Kết luận

Kinh Pháp hoa nói “Tam giới bất an do như hỏa trạch”. Thiền sư Nhất Hạnh đã diễn tả lại lời Đức Phật bằng một cách khác: “Này các vị khất sĩ, tất cả vạn pháp đều đang bốc cháy. Cái gì đang cháy? Sáu loại giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đang bốc cháy. Sáu loại đối tượng của giác quan là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp đang bốc cháy. Sáu loại nhận thức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm và cái suy tư cũng đang bốc cháy. Bốc cháy bằng thứ lửa nào? Bốc cháy bằng lửa tham dục, lửa hận thù, lửa ảo vọng. Tất cả đang bốc cháy theo với những cái khổ của sinh, già, bệnh chết, với đau thương, phiền muộn, lo lắng, sợ hãi, và thất vọng”. (Đường xưa mây trắng)

Nhưng dù là giữa cảnh lửa cháy, đại hồng thủy hay cuồng phong, thì tìm về với những lời dạy của Đức Phật luôn là cách để chúng ta sống bình an và mang bình an đến cho mọi người.

                                                                    

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle