Quan niệm nghiệp của Phật giáo & góc nhìn xã hội

QUAN NIỆM NGHIỆP CỦA  PHẬT GIÁO

QUAN NIỆM NGHIỆP CỦA  PHẬT GIÁO & GÓC NHÌN XÃ HỘI

 

Giảng viên Nguyễn Thanh Huy

Trường Đại học Khánh Hòa

 

   Hành vi hình thành thói quen, thói quen hình thành nhân cách. Đây là một quan điểm được thừa nhận khá phổ biến đối với những người nghiên cứu Phật học và Tâm lý học.

   Về khái niệm “nhân cách”, giữa các nhà nghiên cứu tâm lý vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất. Nội hàm khái niệm này rộng và khá phức tạp, do nó có mối liên quan với nhiều đối tượng, phạm vi, bình diện trong Tâm lý học. Điểm chung được các nhà tâm lý nói đến là những đặc tính của hành vi, nhận thức, cảm xúc; và mối quan hệ giữa các yếu tố này đã tạo nên nhân cách.

   Đối với tiếng Việt, “nhân cách” có nghĩa là: tư cách và phẩm chất con người[1].

   Ở ba đối tượng trong quan điểm trên, giáo lý nhà Phật để cập nhiều đến “hành vi” và “thói quen”, vì nó có mối liên quan trực tiếp đến “nghiệp”. Nghiệp là một khái niệm quan yếu trong giáo lý nhà Phật. Nó bao trùm, chi phối toàn bộ những quan niệm, tư tưởng xương sống đối với thuyết luân hồi, nhân quả.

    Vậy, nghiệp là gì?

   Nghiệp là cách gọi của từ Hán Việt, được dịch nghĩa từ chữ “kamma” trong tiếng Pāli.

   Nghiệp là những thói quen huân tập được in sâu vào tâm thức. Thói quen lặp đi lặp lại ấy bắt nguồn từ thân, khẩu, ý. Như vậy, ở đây nhà Phật nhìn nhận sâu hơn, tạo nên nghiệp không chỉ bởi các hành vi/ hành động hay lời nói mà ngay cả khởi ý đã có thể khởi nghiệp.

   Điều này được nêu rõ ở nơi hai bài kệ trong kinh Pháp cú[2]:

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo”.

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình”.

   Theo Duy thức tông, ý được nhấn mạnh hơn, nâng thành một đối tượng trung tâm, cốt lõi trong thế giới vô sắc, hữu sắc. Ý là khởi nguồn, ý sinh ra tất thảy. Vì thế, quan niệm “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (Ba cõi chỉ do tâm, vạn pháp chỉ do thức) là một chân lý chủ đạo, xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống lý luận của tông phái này.

   Nghiệp có nhân có quả. Khi một chủ thể tạo ra “nghiệp nhân” ắt sẽ thụ nhận lại “nghiệp quả” tương ứng. Sự thụ nhận này thường được gọi là “quả báo”, “báo ứng” hay “nghiệp quả báo ứng”.

   Có một sự nhầm lẫn rằng khi nói tới nghiệp người ta thường nghĩ đến điều tiêu cực, tức phải chịu quả báo với những kết quả tệ hại. Trong khi đó, nghiệp bao hàm cả nghiệp thiện và nghiệp bất thiện (ác nghiệp).

   Trong kinh sách Phật giáo có đề cập đến thần thông. Người tu thiền có thể chứng đắc thần thông. Nhưng dù thần thông có vi diệu thù thắng thì cũng không hơn được nghiệp lực. Sức mạnh của nghiệp là vô lượng, vô biên, vô ngại. Do đó, cho dù một hành giả đắc đạo cũng không thể dùng thần thông xoay chuyển nghiệp lực để tiêu trừ những quả báo mà mình phải chịu lãnh được. Họ có thể né lần này nhưng không thể tránh lần khác, vì một khi đã hội đủ nhân duyên thì nghiệp sẽ trổ quả. Điều này là bất khả tư nghị.

   Cũng từ đây, người tu Phật sẽ nhận ra rằng đạo Phật không có quyền năng ban phước giáng họa, đạo Phật không có vị Phật nào với thần thông tối thắng có thể cải số đổi mệnh đối với chúng sinh. Mặt khác, đạo Phật chỉ dẫn đường chỉ lối cho chúng sinh tìm thấy chân lý giải thoát, mà trước hết đòi hỏi phải tu tập, biết thực hành, khởi tâm lành để tạo ra những thiện nghiệp, để tránh những khổ đau đọa đày do các ác nghiệp đã gây ra. Nghĩa rằng mỗi cá nhân có thể làm chủ được hỷ - nộ, lạc - khổ, phước - họa của chính mình.

   Trong quan niệm nghiệp, đạo Phật phân ra các loại nghiệp quả báo ứng khác nhau. Xét theo thời gian trả quả, gồm có hiện nghiệp, sinh nghiệp, hậu nghiệp. Bỏ qua các yếu tố siêu hình bởi nghiệp báo trong các kiếp luân hồi, đáng chú ý, hiện nghiệp là nghiệp phải trả ngay trong kiếp sống hiện tại. Chính loại nghiệp này người trần mắt thịt có thể quan sát và dễ dàng nhận ra, nó có tính logic, khách quan và tất yếu.

   Từ cách nhìn trên, quan sát xã hội sẽ nhận thấy các diễn tiến và kết quả không có gì xa lạ, nếu không muốn nói là có thể đoán trước được. Một vài bình diện sau đây:

   Trên bình diện giáo dục, khi việc dạy học chưa thực sự hướng đến tinh thần khai phóng và có những nhìn nhận, đánh giá cởi mở, đúng sự thật ở một số vấn đề trong các môn khoa học xã hội, tức chúng ta đang tự lừa dối chính mình, và kết quả hiện tiền… rõ ràng khó mà nói hết.

 Trên bình diện truyền thông, báo chí, khi mà người cầm bút không dám nói hết những suy tư trăn trở, những nỗi đau thôi thúc thì còn mong gì chúng ta đọc được những phản biện phản ánh cấp thiết của xã hội. Cứ như thế, bản thân họ phải nói đi nói lại những điều nhàm chán và trái với lương tâm. Kết quả, họ phải thọ lãnh nhiều phiền não… và kéo theo những hệ luỵ khác đối với những người đọc mà tin theo họ. Tất nhiên, vẫn có nhà báo can trường, nhưng bài viết của họ không được duyệt, và đến một lúc nào đó họ phải bỏ nghề để giải thoát chính mình.

   Trong chính giới, các chính trị gia phải ẩn mình, đôi khi nghe, nói và làm những điều mà họ không mong muốn. Kết quả của sự huân tập ấy là họ luôn rao giảng những điều cũ rích, sáo rỗng, không thực chất mà ngay chính họ cũng thừa biết bản thân mình không tin. Còn người nghe thì cũng phải vờ tỏ ra chăm chú. Vậy nên, cũng không có gì lạ, một số quan chức ngã ngựa khi đứng trước vành móng ngựa họ vẫn không thành thực với công lý, không trung thực với chính mình. Điều đó có thể cảm thông cho họ, do họ không còn chủ ý được nhận thức, hành vi vì nghiệp lực đã điều khiển, dẫn dắt.

   Còn nhiều nữa…

   Ngoài ra, có thể thấy rõ ở những cá nhân mà lòng đầy sân hận, ngôn ngữ bất chính, luôn đảo lộn thị phi, thì nghiệp lực dẫn họ hoàn toàn bày ra trước mắt. Cho dù họ có tự dặn lòng kiểm soát lời nói, hành vi, nhưng nghiệp lực cứ như ma xui quỷ khiến, nó dẫn tâm dắt ý đi lúc nào không hay không biết, và rồi lòng sân hận mỗi lúc một dâng cao, lời cuồng nộ ngày càng dữ tợn. Đó là sự chiêu cảm giữa cái tâm bất thiện với thế giới xung quanh mà ở đó có cùng tần số. Như vậy, đấy chính là quả báo đầu tiên phải thọ nhận ngay trong đời sống này.

   Trái lại, khi một xã hội tạo ra những nghiệp thiện mà trước hết là con người ta hướng đến các giá trị thật và đạo đức, sống thành thật, trung thực… thì hiện nghiệp sẽ trả lại bằng một xã hội phát triển, tiên tiến, văn minh. Khi mỗi cá nhân biết hành thiện, chế ngự được tham sân si thì cộng nghiệp cũng làm nên một bầu không khí xã hội lành mạnh, an hòa hơn. Không còn những xung khắc ồn ào, cuồng nộ.

   Có thể nói, với cách nhìn minh triết về nghiệp, đạo Phật cho chúng ta một bài học rất hiện đại, tiến bộ và công bình, tức mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm, phải đối diện với chính mình. Không ai có thể lẩn tránh.

 

 


 

[1] Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, 2011.

[2] Kinh Pháp cú, Thích Minh Châu dịch, 1969.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle