Tìm về nguồn cội của tín niệm thờ Bạch mã thái giám
tim ve coi nguon
TÌM VỀ NGUỒN
CỘI CỦA TÍN NIỆM THỜ BẠCH MÃ THÁI GIÁM
Bài viết nhằm mục
đích cung cấp những dữ liệu cần thiết từ văn hóa tâm linh Ấn Độ để từ đó truy
nguyên về nguồn cội, tập tục tôn thờ thần Bạch mã, thần Bạch mã Thái giám vốn
lưu truyền từ xa xưa và phổ biến từ Bắc chí Nam còn tồn tại đến nay.
I. Bạch mã trong dòng chảy lịch sử -
văn hóa Việt Nam
Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn của
kinh thành Thăng Long xưa, trong đó đền Bạch Mã trấn giữ phía đông
kinh thành. Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ IX để thờ thần Long
Đỗ. Thăng Long cổ tích khảo có chép truyền thuyết về con
ngựa trắng đã giúp Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long như sau: Lý Thái Tổ đắp thành mấy tháng không xong. Một
đêm nằm mộng thấy một con ngựa trắng nói tiếng người: “Mạch đất Long Biên
rất thiêng, nay đắp thành, mạch sẽ tắc...
nên cho đào một
cái cừ thông sang sông Thiên Phù và Tô Lịch để mạch lưu thông, nếu không chỉ
phí công”. Tỉnh
giấc, vua bèn làm như lời ngựa trắng. Thành xây được. Khi hoàn tất có con ngựa
trắng hiện cạnh thành. Quân sĩ đuổi đi, ngựa chạy đến đền Long Đỗ thì mất dấu.
Vua cho đó là hiện thân của thần Long Đỗ và phong là Bạch Mã đại vương[1]. Và theo Đại Việt sử ký toàn thư lại có con “Bạch Long thần mã” biết trước lúc nào
vua ra đi. Dấu
ấn Bạch mã trở nên rất sâu sắc đối với văn hóa Đại Việt đời Lý, thậm chí ông vua
Phật tử này đặt tên con trai mình là Lý Phật Mã (tức Lý Thái Tông
sau đó).
Bên cạnh đó có truyền thuyết về cái
chết của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, còn gọi là đức thánh Mượu. Ngài được thờ
tự chính ở đền Quả (núi Quả Sơn, Đô Lương, Nghệ An) và thần tích được chép
trong sách Việt Điện u linh (biên soạn
vào thế kỷ XIV)[2].
Truyền thuyết kể rằng: Hồi ấy, quân
nước Lão Qua thường xua quân cướp phá vùng biên giới phía Tây, Nghệ An. Vương từng
nhiều lần thân chinh đánh dẹp. Trong lần hành quân cuối cùng, gặp thế giặc mạnh,
quân ta thất trận. Vương bị tướng giặc chém ngang cổ. Nhưng lạ thay đầu không
rơi, người vẫn trên ngựa, men theo tả ngạn sông Lam, phi nước đại về đến xã Bạch
Đường thì dừng ngựa, ghé vào quán nước sát bờ sông thì được cô hàng nước bảo:
“Ngài bị tử thương khó qua khỏi. Trời đã dành ngôi âm phần tại chân núi Quả… Đó
là đất huyết thực ngàn thu”. Ngựa chở Vương đến đó thì trời vừa sụp tối: Người
và ngựa liền quỵ xuống bãi cỏ bằng phẳng dưới chân núi Quả. Kỳ diệu thay, trong
phút chốc, hằng hà sa số con mối xúm nhau đùn đất, lấp kín thi thể Vương thành
ngôi mộ to. Dân chúng sau đó dựng đền thờ Vương trên núi Quả này, do đó có tên
là đền Quả, một trong bốn ngôi đền thiêng nhất của xứ Nghệ: Đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng.
Ngoài ra, vị thần Phan Đà thờ ở đền Bạch
Mã của xứ Nghệ, như tên gọi của nó, gắn bó sinh mệnh của mình với con ngựa trắng
- một biểu tượng thiêng trong lịch sử văn hóa và cũng đã hiển hiện trong việc
giúp minh chủ Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Truyện kể rằng, cuối năm 1424 đầu năm
1425, sau khi hạ thành Trà Lân, thắng trận Khả Lưu, Lê Lợi đưa nghĩa quân xuống
đóng đại bản doanh tại núi Động Chủ thuộc dãy Thiên Nhân. Cùng với người dân
Nghệ An nô nức ứng nghĩa, Phan Đà, quê ở thôn Chi Long (nay thuộc xã Võ Liệt) mới
18 tuổi, cỡi ngựa trắng vào thành Lục Niên ra mắt Lê Lợi. Sau một thời gian
xông pha trận mạc, tỏ là người can đảm, giỏi mưu cơ, Lê Lợi cử ông ra trấn
thành Bình Ngô, bên hữu ngạn sông Lam. Quân Minh cũng dựng một thành ở chợ Đồn
bên tả ngạn sông Lam, đối diện với thành Bình Ngô. Phan Đà vừa công vừa thủ làm
cho giặc nhiều phen khốn đốn. Song giặc biết Phan Đà rất thích hát tuồng nên
chúng bày cuộc hát trên bãi sông rộng kéo dài hết đêm này sang đêm khác. Phan
Đà kìm lòng không được, một đêm cải trang thành người dân thường cỡi ngựa sang
sông xem hát. Bọn giặc phục kích sẵn, chờ có thế đổ ra đâm chém tới tấp. Không
kịp đối phó, Phan Đà bị một nhát gươm chém vào giữa cổ. Con ngựa bèn quay đầu
chở Phan Đà trở về. Đến thôn Chi Linh, Phan Đà hộc ra một vũng máu và đến thôn
Gia Hy, Phan Đà ngã ngựa. Hai địa điểm này đều có mộ của ông: mộ ở Cồn Cả/Gia
Hy là mộ thật, còn mộ ở cồn Ông/Chi Linh là mộ giả; cả hai đều thuộc xã Võ Liệt
(Thanh Chương, Nghệ An). Về sau, trong một trận đánh lớn, con ngựa của Phan Đà
hiện hình bằng đám mây trắng dẫn đường cho nghĩa quân Lê Lợi tiến công giặc. Trận
đánh ấy thắng lớn. Khi lên ngôi, Bình Định vương truy phong Phan Đà là Bạch Mã
thần, lập đền thờ ở Võ Liệt, cấp 18 mẫu tự điền và 18 miếu phu để lo việc cúng
tế [3]
.
Nói chung, như truyền thuyết kể trên,
người anh hùng tử trận đều gắn với con chiến mã của mình; ở đó chiến mã là con
ngựa thiêng - thậm chí uy linh trội bật hơn chủ tướng của nó[4].
Vị thần Bạch mã này tuồng như một hồi quang của thần Bạch mã ở kinh đô Thăng
Long thời Lý.
Con ngựa
trắng được tôn thờ khắp nơi với mỹ hiệu “Thái giám Bạch mã lợi vật tôn thần”
(Khánh Hòa) hay gọi tắt là “Bạch mã Thái giám” ở phần lớn các đình làng Nam Bộ.
Cụm từ “Thái giám” từ lâu nay đã là vấn đề làm đau đầu các nhà nghiên cứu. Phải
chăng khái niệm “Thái giám” là một biện sự thế tục của quý tướng “mã âm tàng”.
Theo kinh Bảo
nữ vấn, 4: Mã âm tàng tướng của Như Lai là tướng bậc đại nhân. Vì nghiêm
cẩn bản thân, xa lìa sắc dục mà có được tướng này; và kinh Vãng sinh yếu tập
(trung, đại 84, 54 hạ) ghi rằng: “Âm tàng của Như Lai giống như trăng tròn,
có ánh sáng sắc vàng giống như ánh mặt trời”. Một trong 36 quý tướng của
Phật là “Mã âm tàng tướng” (Phạn: Kóso pagata-vasti-guhya): Nam căn ẩn
kín không lộ ra bên ngoài. Vì tướng này giống với dương căn của loài ngựa nên
gọi là “mã âm tàng”[5]. Nói
chung, các biện giải về quý tướng này đã chỉ ra ngữ nghĩa biểu trưng siêu việt
của cụm từ thế tục “Thái giám” - vốn có nghĩa quan hoạn hay lưỡng tính bẩm
sinh.
Mặc khác,
khái niệm “Thái giám” cũng còn được hiểu là biểu trưng của người lưỡng tính.
Người lưỡng tính (androgyne) khởi
nguyên chỉ là một dạng thức hình người của một quả trứng vũ trụ (hay một bọc
trứng/ bọc trứng trăm con như truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ; hay quả bầu
v.v...). Ở đó hàm chứa ý nghĩa của sự khởi sinh hay kết cục của mọi thuyết hậu
thế (eschatologie), đó là cái nhất
thể sinh thù (một đẻ ra hai và n). Do người lưỡng tính là thực thể mang cả
những dấu hiệu của hai giới, nhưng còn ở thể hợp nhất chưa phân khai thành hai
có thuộc tính đối lập. Đó là đặc điểm của các thần linh được thể hiện bằng hình
tượng tính giao. Ví dụ như Siva và Shakti của thần (hiểu là vợ/nguyên lý âm của
nam thần) ngồi trên đùi. Nói chung, người lưỡng tính mang dấu hiệu của sự toàn
vẹn, sự toàn vẹn tinh thần, bất phân tự nguồn cội. Đó là những cặp đôi lưỡng
tính nguyên thủy “xuất thế gian”: phượng-hoàng, kỳ-lân hay uyên-ương... Nói
chung, Bạch mã - Thái giám có thể là mỹ hiệu được tạo thành từ tâm thức lưỡng
tính cổ sơ, biểu thị sự vẹn toàn[6].
Trong thực
tế, Bạch mã Thái giám được thờ ở đình làng và được dân gian hiểu như là con vật
cỡi của thần Thành Hoàng (Bạch mã) và là thuộc hạ hầu cận (Thái giám/hoạn
quan). Đó là biện sự thế tục còn trong truyền thống Phật giáo, ngựa trắng/bạch
mã được coi là Bồ-tát hay chính là Phật. Điều đó cắt nghĩa tại sao nhà Nguyễn
phong Bạch mã Thái giám làm Thượng đẳng thần (Dương Uy Ngự Vũ Bảo chướng Kiện thuận Hòa nhu Hàm quang Thượng đẳng
thần), trong khi đó thần Thành Hoàng đa phần chỉ là Hạ đẳng thần.
Phức nghĩa
về Bạch mã Thái giám có thể hiểu được một cách thấu đáo hơn khi chúng ta đối
chiếu với những thần thoại Ấn Độ và các kinh văn thuộc các tôn giáo của xứ sở
này. Đến đây, chúng ta có một khảo hướng có phần gần gũi hơn
đó là mối tương đồng của Bạch mã và con Kiền-trắc mã/Kanthaka, con ngựa đã đưa Đức
Phật Thích Ca rời kinh thành.
II. Ngựa trắng trong văn hóa - tôn
giáo Ấn Độ
Kiền-trắc mã
[7] là
một con ngựa trắng/bạch mã mà bạch mã một mặt là con ngựa Balaha - một tiền
thân của Phật Thích Ca (Jataka/Bổn sinh
kinh) và ở kiếp cuối cùng, là con Kiền-trắc mã, vật cỡi của Thái
tử Tất-đạt-đa trong chuyến ra đi vĩ đại. Họ ra đi lúc nửa đêm và đến rạng
sáng thì tới
cụm rừng cách thành Ca-tỳ-la-vệ rất xa. Truyền thuyết kể rằng, họ đã vượt qua nhiều vương quốc nhưng không một ai
hay biết bởi bốn vó ngựa đã được chư thiên nâng đỡ nên không phát ra tiếng
động. Ngài xuống ngựa, khuyên dỗ Xa-nặc (Channa/người giữ ngựa)
đem ngựa trở về hoàng cung[8].
Con ngựa trắng không có người cỡi đã trở thành biểu tượng của chính Đức Phật
Thích Ca Mâu Ni. Motif này cũng thấy trong tranh Đông Hồ: Con
ngựa không có người cỡi mà lại có lọng che rất trang nghiêm. Chính “khoảng
trống” dưới mái lọng che (theo Phật thoại: trời Đế thích cầm lọng che cho Thái
tử Sakyamuni trên đường xuất gia) ấy là Đức Phật (hay một đối tượng
tôn kính thiêng liêng - đối với các tín ngưỡng khác)[9].
Việc không khắc họa hình tướng Đức Phật dưới lọng nói trên thể hiện việc tôn
kính tính siêu phàm của Đức Phật được xác định suốt thời “vô tượng kỳ” trong
lịch sử mỹ thuật Phật giáo Ấn Độ.
Ngoài ra, Uchchaihshravas là một con ngựa trắng được coi là tổ của loài ngựa và nổi
bật trong các truyền thuyết, kinh điển Hindu. Ngựa Uchchaihshravas được miêu tả là con ngựa bay, bảy đầu, có hai cánh, màu trắng tuyết. Uchchaihshravas là con ngựa đầu tiên
hiện ra từ sâu thẳm đại dương trong thần thoại khuấy biển sữa. Nó là con ngựa tốt nhất trong những con ngựa,
con ngựa đầu tiên/nguyên mẫu và là vua của loài ngựa. Thần Indra, vị chúa tể cõi trời, vua của các chư thần/deva, đã mang
con ngựa thần thoại về cung trời của mình (cõi svarga). Sau đó,
thần Indra đã cất đi cặp cánh của Uchchaihshravas và cho nó xuống cõi người. Cặp cánh bị lấy đi nhằm đảm bảo
con ngựa ở lại nơi mặt đất (prithvi)
và không bay trở lại nơi cõi trời của thần Indra[10].
Uchchaihshravas trước tiên là vật cưỡi (vahana) của thần Indra, vị vua cõi trời. Nhưng nó
cũng được ghi chép là con ngựa của Bali; vị vua của cõi âm ty (patala) đã sử dụng nó để giành được những thứ mà trước kia không
thể có được. Ngoài ra, Vishnu
Purana cũng ghi chép rằng
khi Prithu nhận ngôi vị là vị vua đầu tiên của cõi đất thì vật được ban cho ngôi vị chịu trách
nhiệm vương quyền này là con ngựa
Uchchaihshravas và sau đó nó đã trở thành vua của loài ngựa[11]. Như vậy, chúng ta thấy con ngựa Uchchaihshravas phần nào tương đồng với ngựa Kanthaka. Chúng đều là những con bạch mã thượng thủ, uy nghi, vật cưỡi
của bậc chủ tể, ở đây là bậc chủ tể về mặt tâm linh, tín ngưỡng.
Hình tượng
con ngựa cũng có mối quan hệ mật thiết đến các
vị thần thiên tượng của Hindu như: Cỗ xe của thần mặt trời Surya được kéo bởi một hay bảy con ngựa được ghi trong Rigveda
mà theo một số nguồn tư liệu những con ngựa này có màu trắng hay màu cầu vồng[12].
Thêm nữa, cỗ xe thần gió Vayu cũng được kéo bởi
hàng nghìn con ngựa. Hay thần Kalki/Kalkin, vị thần biểu trưng cho tương lai, hóa thân thứ 10 của thần
Vishnu là con ngựa trắng[13]. Lại nữa, đó là các thần Ashvin đầu ngựa liên quan với
sự luân phiên đêm-ngày, là con trai của Saranya - vị nữ thần của những đám mây, vợ của thần mặt trời Surya. Họ biểu trưng cho ánh sáng chói lọi, sáng ngời
của bình minh và hoàng hôn, hiện ra trên bầu trời trước rạng đông trong cỗ xe
ngựa bằng vàng, mang châu báu đến cho con người, ngăn ngừa rủi ro, bất hạnh và
bệnh tật. Cả hai đều là biểu tượng của mặt trời và hiện thân cho Dharma (Pháp) và cho tri thức[14].
Như vậy, chúng ta thấy phần nào
con ngựa cũng biểu trưng cho chu kỳ chuyển động của mặt trời, tức sự chiếu sáng, nguồn ánh sáng mang lại sự sống cho vạn
vật, tiêu trừ những tai chứng, bệnh dịch. Chu kỳ của mặt trời như bánh xe Pháp chuyển động soi rọi tâm thức vạn vật để rồi mang đến
tri thức, thức tỉnh sự mê mù, lạc
lối. Ánh sáng mặt trời cũng như ánh sáng của sự hiểu biết, thông tuệ đưa con người đi đến
giác ngộ. Hình tượng con ngựa ở đây dường như cũng bao hàm cả ý nghĩa
lớn lao này.
III. Kết luận: Mối tương quan giữa bạch mã và ngựa trắng
Như vậy, con ngựa màu trắng/bạch mã,
con thiên mã màu trắng biểu thị cho bản năng đã được kiểm soát, được làm chủ,
được thăng hoa. Con thiên mã màu trắng là của mặt trời, kéo cỗ xe thiên thể, nó
trở thành biểu tượng của cái đẹp toàn bích. Trắng, nhưng trắng một cách xán lạn,
bạch mã biểu trưng cho sự uy nghi, là vật cỡi của các anh hùng, thánh nhân, những
người lập nên các kỳ công, những đấng cứu thế trong các tôn giáo độc thần và là
vật cỡi của Đức Phật trong Cuộc ra đi vĩ
đại[15].
Ngoài ra, bạch mã tự bản thân nó là con vật thiêng, một linh vật cho nên mới được
triều Nguyễn phong làm Thượng đẳng thần. Phải chăng đây là những dấu tích cho
thấy mối liên hệ tín niệm về con ngựa nói chung và ngựa trắng/bạch mã nói riêng
của văn hóa Ấn Độ cổ đại trong đời sống tâm linh và văn hóa người Việt. Ở đây,
chúng tôi muốn lưu tâm đến những cội nguồn xa xưa của những biểu tượng văn hóa
tâm linh của dân tộc ta khi chúng ta tìm hiểu đến cái chung nhất với cái nhìn
truy nguyên.
HUỲNH THANH BÌNH
Chú thích hình:
T1: Con ngựa
Uchchaihshravas
T2: Kiền-trắc-mã/Kanthaka trong Cuộc
ra đi vĩ đại, tranh tường chùa Âng, TP. Trà Vinh
T3: Kiền-trắc-mã/Kanthaka trong Cuộc
ra đi vĩ đại, tranh tường chùa Giồng Lức, Trà Vinh
T4: Ngựa trắng thờ trong đền Bạch Mã
T5: Hai bàn thờ Bạch mã và Thái giám ở đình Tân Lân (Biên Hòa, Đồng Nai)
T6: Miếu thờ Bạch mã Thái giám đình Tăng Phú (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9. TP.HCM)
Chú thích:
[1] Nguyễn Vinh
Phúc (2010), 1000 năm Thăng Long-Hà Nội,
NXB.Trẻ, tr.134.
[2] Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Bản dịch của Trịnh
Đình Rư, NXB.Văn Học, H., 1972, tr.136-138.
[3] Ninh Viết
Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An,
NXB.Nghệ An, 2000, tr.612-617; Về văn hóa
xứ Nghệ, NXB.Nghệ An, 2003, tr.304-306.
[4] Xem thêm:
- Theo Cao Huy Đỉnh (1969), Người anh hùng làng Dóng, NXB.KH-XH, H., tr.30-52 thì truyền thuyết
làng Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang được kể như sau: Xưa có một vị tướng đi đánh giặc
bị địch chém đầu lủng lẳng trên vai không chịu chết cứ để đầu như vậy, phi ngựa
về làng. Đến cổng làng gặp một bà lão, vị tướng nhấc đầu lên gắn lại và nói:
“Thưa bà đầu tôi chưa rơi xuống đất”. Bà lão bảo: “Đầu rơi thì chết”. Vị tướng
không giữ đầu được nữa liền ngã ngựa chết, máu chảy ra khắp cả miền. Nơi nào có
máu chảy đến là nơi đó dân lập đền thờ. Truyền thuyết làng Chũ trên về sau được
gán cho Vũ Thành, một nhân vật đời Trần.
- Theo Lý Tế Xuyên, Việt
điện u linh, bản dịch của Trịnh Đình Rư, NXB.Văn học, H., 1972, tr. 136-138:
Truyền thuyết về vị thánh Lưỡng Đoàn Thượng thờ ở phía Nam huyện Tĩnh Gia. Đây
là sự lan truyền sau này bởi Đoàn Thượng gốc tận Hải Dương, sinh thời vào khoảng
cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, làm tướng đời nhà Lý. Năm 1225, Trần Thủ Độ bắt
ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vị cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), Đoàn Thượng tức
giận, chiếm giữ vùng đất của mình, tự xưng Đông Hải Vương chiêu tập lực lượng
mưu việc khôi phục cơ nghiệp nhà Lý. Sau bị Trần Thủ Độ lập mưu đánh bại. Ông bị
một nhát đao chém từ phía sau vào cổ, đầu gần rơi, liền cởi thắt lưng quấn lấy
cổ, phóng ngựa về phía Đông. Đến làng An Nhân (huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương,
nay là Hải Hưng) gặp một cụ già áo mũ nghiêm chỉnh đứng bên đường, chắp tay vái
hỏi: “Đức Thượng đế biết tướng quân là người trung liệt nghĩa khí, đã chọn cho
tướng quân cái gò đất bên kia là chỗ đất ngàn năm hương lửa, xin tướng quân đừng
bỏ qua”. Đoàn Thượng đến chỗ gò ấy xuống ngựa, nằm gối trên đầu ngọn giáo. Các
thứ côn trùng đùn đất phủ kín thi thể thành ngôi mộ lớn. Dân làng lập miếu tạc
tượng thờ.
-
Theo Triều Ân (2009), Truyện cổ dân tộc
Tày (bản thảo). Dẫn từ Tổng tập văn học
dân gian các dân tộc thiểu số, tập 16, NXB.KH-XH, H., 2009, tr.926-932 thì
đến thế kỷ XI, truyền thuyết kể về người anh hùng ở đất Cao Bằng, giúp triều
đình nhà Lý đánh Tống là Nông Trí. Ở đây, con ngựa của Nông Trí Cao là một chiến
mã thần kỳ: lúc mới sinh ra trắng bốp, trụi lông, nhưng ba ngày sau mọc dày
lông đỏ “đẹp không gì bằng” và vượt lên hết thảy đó là con tuấn mã “bay như
gió”. Truyện kể rằng: Nông Trí Cao đã đẩy lùi quân Tống về xứ và truy kích giặc
đến tận Ung Châu… Thế nhưng về sau, Nông Trí Cao bị Địch Thanh đánh bại ở Tống Quỷ
và bị Địch Thanh chặt đầu, nhưng đầu không rớt được. Nông Trí Cao phi ngựa bay
về quê. Chàng đã hỏi hai bà góa, họ đều bảo: Người đầu bị chặt “còn nên người”;
song khi hỏi mẹ: “Mẹ nhỉ, cây gãy ngọn
còn mọc lại lộc non, đầu người bị chặt còn nên người không, mẹ nhỉ?”. Mẹ
đáp: “Con hỡi, cây gãy ngọn còn mọc lại lộc
non, đầu người bị chặt không nên người nữa đâu con ạ!”. Lời nói thật của
người mẹ như một phán quyết: Nông Trí Cao ngã ra chết ngay chân cầu thang, dưới
sân nhà của gia đình.
-
Theo Nguyễn Tú (2010), Văn hóa dân gian
Quảng Bình, tập III, NXB.Đại học Quốc gia, H., 2010, tr.74-76: Truyền thuyết
thần Thành Hoàng của thôn Thọ Linh Thượng (Quảng Trạnh, Quảng Bình) là một vị
tướng trẻ họ Trần bị chém ngang đầu trong trận so gươm với tình địch là tướng
trẻ Trung Lang. Ông tướng họ Trần này ôm đầu phóng ngựa về bản doanh đóng ở Xóm
Dinh (làng Thọ Linh Thượng), gặp một bà lão hỏi: “Đứt đầu như thế này có thể sống không?”. Bà lão đáp: “Không”. Vị tướng vất đầu xuống sông Nam,
chết.
-
Cũng theo Nguyễn Tú, sđd, tr.85 thì một
ví dụ khác, cũng ở Quảng Bình là thần Võ Quý Công, làng An Xá, là vị “tướng đánh giặc bị bại trận, bị thương, cỡi
ngựa chạy về giữa làng thì mất nên dân lập miếu thờ. Về sau, đưa vào thờ ở đình
làng bên cạnh Thành Hoàng khai canh Ngô Quý Công”.
-
Theo Tạ Chí Đại Trường (2000), Thần, người,
và đất Việt, Tạp chí Văn Học xb,
USA, tr.244-245: Ở đất Bình Thuận, hồi “đầu trung hưng” trong Đại Nam nhất thống chí, câu chuyện về
Tài Nhị Lan ứng nghĩa ở Trà Bang, bị tử trận được chiến mã mang về quê (gần
tháp Phố Hài), mới ngã xuống chết.
-
Hay truyền thuyết kể về ông Trùm Cả Đặng Văn Trước - vị tiền hiền được tôn làm
thần Thành Hoàng của làng Gia Lộc (Trảng Bàng, Tây Ninh): Vào đầu thế kỷ XIX,
dưới thời Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn thành Gia Định (đời vua Gia Long), ông và
một số người đến làng Bình Tịnh (Trảng Bàng) xin nhượng một phần đất hoang để
khai khẩn lập nên thôn Phước Lộc (sau đổi là Gia Lộc). Ông cùng dân làng làm ruộng,
đào kênh, cất chợ, mở mang đường sá nên Phước Lộc trở nên một tụ điểm phát đạt,
thạnh mậu. Ông được bầu làm Trùm Cả.
Do
dân tứ xứ tụ về đông đúc, ông lại đứng ra giúp họ khai phá rừng hoang để canh
tác. Trong số đó, một ít người đã xâm phạm đến các phần đất đai đã có chủ. Các
chủ đất này đã kiện đến cửa quan và do là Trùm Cả nên Đặng Văn Trước phải đứng
ra chịu tội: phạt đòn 80 trượng. Bị tổn thương vì trận đòn, trên đường về, ông
bị những kẻ ganh ghét rắp tâm làm hại: giả vờ mời cơm nước rồi đầu độc. Khi biết
mình đã bị trúng độc, ông lên ngựa thúc ngựa chạy về. Đến đầu chợ Trảng Bàng
(nay gọi là chợ Cũ), con ngựa hất ông xuống đất thì ông tắt thở. Con ngựa bỏ ăn
mà chết. Dân chúng lập miếu thờ ông ngay chỗ đó, gọi là “Miếu Cả” hay “Miếu Ông
Chủ chợ”. Tương truyền ông rất linh hiển, bọn tà vạy trong xứ đều sợ, kẻ buôn
bán cân lường gian lận đều bị ông… bẻ gãy đòn cân. Năm 1933, ông được sắc phong
“Dực Bảo Trung hưng linh phù chi thần”
và được thờ làm thần Thành Hoàng đình Gia Lộc.
[5] Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, tập III, tr.4026.
[6] J. Chevalier
và A. Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, bản dịch của các tác giả/ NXB.Đà
Nẵng - Trường viết văn Nguyễn Du, tr.672-674.
[7] Kiền Trắc Mã,
Phạn: Kanthaka, còn gọi: Kiền-đức, Càn-trắc,
Khiên-đặc, Ca-tha-ca; được cho rằng tồn tại vào thế kỷ VI trước CN, ở Bihar và Uttar Pradesh, Ấn
Độ. Đó là con ngựa trắng dài 18 cubits (đơn vị đo chiều dài ngày xưa bằng 45,72
cm). Kanthaka là con ngựa hay nhất trong hoàng cung của đức vua Suddhodana và
cũng là con ngựa yêu thích của Thái tử Siddhartha, khi Thái tử dạo chơi nơi bên ngoài
hoàng cung.
Khi Thái tử vừa chào đời, nhà tu hành khổ hạnh Asita
đã tiên đoán rằng Thái tử Siddhartha sẽ từ bỏ ngai vàng để trở thành một vị Phật
khi chàng chứng kiến và suy ngẫm về những khổ đau trong cuộc sống con người. Do đó, đức
vua Suddhodana đã cho xây dựng một chuỗi cung điện rộng lớn, nguy nga, lộng lẫy
để ngăn không cho Thái tử ngao du bên ngoài thành, nhưng
mọi việc không diễn ra như vậy.
Kanthaka
được sử dụng trong tất cả những sự kiện trọng đại. Trước tiên, nó được mô tả
trong các sự kiện chuẩn bị cho lễ cưới của Thái tử với Yasodhara, nàng công
chúa xinh đẹp của người Sakya. Do tục lệ của thị tộc Kshatriya Sakya, Thái tử
buộc phải chứng tỏ có những kỹ năng xứng đáng của một chiến binh như cưỡi ngựa,
cưỡi ngựa bắn cung và đấu kiếm trong các cuộc thi. Trên lưng Kanthaka, Thái tử
đã đánh bại người anh em họ Devadatta trong cuộc thi bắn cung, Anuruddha trong
cuộc thi cưỡi ngựa và người anh em cùng cha khác mẹ Nanda khi thi đấu kiếm.
Sau
đám cưới, Kanthaka là con ngựa kéo xe do Channa, người hầu cận đứng đầu hoàng
gia điều khiển hộ tống Thái tử Siddhartha đây đó vùng Kapilavastu. Trong suốt
những cuộc hành trình trên xe ngựa Kanthaka, Channa đã giải thích cho Thái tử cảnh
tượng của một người già, lớn tuổi; một người đau đớn vì bệnh tật; đám tang của
một người chết; và cuối cùng là nhà tu hành khổ hạnh, người đã từ bỏ cuộc sống
trần tục để trở thành một tu sĩ... Sau khi trở về cung điện,
Thái tử đã suy ngẫm không thôi về các cảnh tượng đó. Cuối cùng, Ngài đã đi đến quyết định xuất gia và dùng Kanthaka cùng trốn khỏi cung điện
khi người lính canh cuối cùng ngủ thiếp đi. Ban đầu người hầu cận Channa đã phản
kháng và cự tuyệt chấp nhận quyết định bỏ trốn của Thái tử, nhưng rồi Channa thắng
yên Kanthaka chở Thái tử, dẫn lối ra khỏi kinh thành đến khu rừng bên bờ sông
Anoma. Cưỡi Kanthaka, Channa đã trở về cung điện trao cho đức vua Suddhodana
trang phục, quần áo, vũ khí và lọn tóc của Thái tử. Một dị bản phổ biến khác:
Thái tử cắt tóc, rồi tung lọn tóc lên trời, Đế thiên (Indra) đã hứng lấy lọn tóc đem cất giữ.
Cái
chết của Kanthaka được mô tả khác nhau theo từng văn bản: hoặc tìm thấy tại bờ sông
Anoma hay trên đường trở về Kapilavastu…
Theo
các kinh văn Phật giáo, Kanthaka được tái sinh làm một người Bà-la-môn và đều đặn
đến chú tâm nghe Đức Phật Gautama giảng pháp và đi đến giác ngộ. Cụ thể, Phật bản hạnh tập kinh 20 ghi rõ, sau
khi đưa Thái tử xuất gia, Kiền-trắc trở về thành buồn bã không ăn, chẳng bao
lâu mạng chung, sinh lên cõi trời thứ 33. Về sau, biết Thái tử thành đạo, Kiền-trắc
(bấy giờ là chư thiên), hạ sinh xuống thành Na-ba, Trung Thiên Trúc, là con của
một vị Bà-la-môn, lớn lên vị này đến chỗ Đức Thế Tôn nghe pháp, được giải thoát
và nhập Niết-bàn.
Trong
kinh Vimanavatthu có chép: Ngựa Càn-trắc
sinh ra một ngày với Thái tử Thích-ca, tại thành Ca-tỳ-la-vệ. Khi Thái tử định
xuất gia, Ngài đến vỗ về con ngựa và bảo nó đưa Ngài lên rừng, ngựa Càn-trắc lấy
làm hân hoan. Đưa Ngài lên rừng rồi, lúc trở về, nó chẳng còn muốn sống nữa. Nhịn
ăn, nó bèn thác và sinh lên cõi trời Đạo-lợi. Ở cõi trời ấy, có đủ cung điện
nguy nga và mọi sự sung sướng, vị thiên ấy cũng lấy tên là Càn-trắc (Kantaka).
Một
hôm, Mục-kiền-liên, đại đệ tử của Phật có hiện lên cõi trời Đao-lợi, có gặp vị
thiên Càn-trắc. Vị thiên ấy có đến chào Mục-kiền-liên và có thuật lại đời mình
khi làm con ngựa Càn-trắc ở cung vua Tịnh Phạn. Vị thiên ấy
có bạch rằng nhờ đưa Đức Thích Tôn đi xuất gia mà người đắc thêm rất nhiều phước
trí. Và vị thiên ấy có bạch với Mục-kiền-liên, mượn ông thay mặt mình mà đảnh lễ
Đức Phật.
[8] Đoàn Trung
Còn (2011), Phật học từ điển, NXB.Tổng
Hợp TP.HCM.
[9] Huỳnh Ngọc Trảng,
Từ ngựa sắt Thánh Gióng đến Bạch mã Thái
giám & Kiền-trắc mã, Nguyệt san Giác
Ngộ, số 135, tháng 6-2007, tr.46-53.
[10] Anna L. Dallapiccola (2002), Dictionary of Hindu lore and legend,
Thames and Hudson xb.
[11] Horace Hayman Wilson, Vishnu Purana: cuốn I, chương IX, 1840,
tái bản 2010.
[12] Anna L. Dallapiccola (2002), Dictionary of Hindu lore and legend,
Thames and Hudson xb.
[13] John Dowson (2004), Classical dictionary of Hindu mythology and religion, geography,
history, and literature; M.R.A.S; Rupa.Co.
[14] Anna L. Dallapiccola (2002), Dictionary of Hindu lore and legend,
Thames and Hudson xb.
[15] J. Chevalier
& A Gheerbrant (1997), Từ điển biểu
tượng văn hóa thế giới. Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư và các dịch giả. NXB.Đà Nẵng,
tr.654-664.