Sự tương quan giữa khái niệm Phật tính trong kinh Đại Bát-niết-bàn
su tuong quan
Sự tương quan giữa khái
niệm Phật tính trong kinh Đại Bát-niết-bàn
và khái niệm Pháp trong
Kinh tạng Nikāya
Thích Đồng Thuận
Điểm đặc biệt tạo nên giá trị
đặc sắc cho Phật giáo đó là triết thuyết về tinh thần bình đẳng tuyệt đối. Đức
Phật luôn nhấn mạnh đến tinh thần tự lực để giải thoát và đạt được những gì mình
mong muốn. Ngài thấy rõ nguyên nhân luân hồi và cách thức cắt đứt sợi dây sinh
tử là đến từ bên trong mỗi chúng sinh chứ không đến từ các yếu tố bên ngoài. Đạo
Phật đề cao tính nhân bản, tức khả năng tự lực của mọi chúng sinh.
Chỉ vì bị vô minh,
vọng tưởng mà con
người phải chịu nỗi khổ trầm luân trong biển sinh tử. Để
có thể thoát khỏi khổ cảnh ấy, chúng ta
phải đánh thức hạt giống thiện lành bên trong tâm của chính mình. Hạt giống ấy
gọi theo thuật ngữ Phật giáo Đại thừa là Phật tính, tức bản thể thanh tịnh của
hết thảy chúng sinh. Chỉ cần chúng ta trở về với bản tâm của chính mình thì ngay
khi ấy chúng ta liền trở thành Phật.
Tìm hiểu
về
khái niệm Phật tính
Phật tính (S. Buddhatā,
Buddha-svabhāva) là một thuật từ được sử dụng khá nhiều trong các kinh luận
Đại thừa. Theo Phật giáo Đại thừa thì Phật tính là một phạm trù thuộc về tâm,
khó nắm bắt, khó hình dung, khó nghĩ bàn. Nó vốn là thứ thường hằng bất biến và
tồn tại vô thỉ vô chung trong tâm mỗi chúng sinh. Phật tính là thứ không thể
diễn tả hết bằng lời, chỉ có thể tự tu tập và chứng đạt lấy.
Theo kinh Đại Bát-biết-bàn
thì Phật tính được hiểu theo sáu nghĩa: “Bồ-tát nên biết, Phật tính có sáu
nghĩa là thường, tịnh, thật, thiện, đương kiến, chân”.
Thường tức không bị biến đổi,
cái không bị biến đổi ở đây không giống cái yếu tố vĩnh hằng mà trong các tôn
giáo khác quan niệm. Vì Phật tính vốn là Không tính, là rỗng rang, là không
hình, không tướng thì làm sao có thể bị biến đổi. Cái gì có hình tướng, có vọng
động thì cái đó mới dễ dàng bị biến đổi, nên kinh mới nói phàm cái gì có tướng
đều là hư vọng. Phật tính là không hình tướng, không sinh diệt nên nó là thường.
Tịnh tức sự trong sạch, vì Phật tính là Không tính nên nó như hư không, mà đặc
tính của hư không là vô trụ, vô chấp nên không có gì
có thể bám víu vào để
mà bị ô nhiễm nên mới nói Phật tính nghĩa là tịnh. Thật tức không hư vọng, không
giả dối. Lạc nghĩa là vui, cái vui không theo pháp thế gian, mà niềm vui của sự
thanh lương, giải thoát, vô nhiễm. Thiện tức sự tốt đẹp, vô ưu, vô não. Đương
kiến nghĩa là thấy đúng như thật, như
thị, không rơi vào tà
chấp, vọng kiến. Chân nghĩa là không điên đảo, không si mê. Đó là sáu nghĩa căn
bản của Phật tính.
Tiếp nữa, Đức Thế Tôn lại
giải thích một cách cụ thể hơn: “Phật tính không sinh, không diệt, không đến,
không đi, không thuộc quá khứ, không thuộc vị lai, không thuộc hiện tại, không
được hình thành từ các nhân, không tạo ra các nhân, không tạo tác cũng không có
người tạo tác. Phật tính là pháp vô vi, cho nên gọi là thường. Hư không chính là
Phật tính”.
Chính vì những yếu tố này mà Phật tính hội đủ sáu tính thường, tịnh, thật,
thiện, đương kiến, chân.
Và ở một định nghĩa khác vô
cùng đặc biệt mà Đức Thế Tôn đã giải thích cho Sư Tử Hống Bồ-tát: “Này thiện
nam! Phật tính gọi là Đệ nhất nghĩa không, Đệ nhất nghĩa không gọi là trí tuệ.
Nói không tức là không thấy không và bất không. Trí tuệ là thấy không và bất
không, thường cùng vô thường, khổ với lạc, ngã với vô ngã. Không là tất cả sinh
tử, bất không là Đại Niết-bàn, cho đến vô ngã tức là sinh tử; ngã tức là Đại
Niết-bàn, thấy tất cả không mà không thấy bất không thì không gọi là trung đạo
cho đến thấy tất cả vô ngã mà không thấy ngã thì không gọi là trung đạo. Trung
đạo gọi là Phật tính”.
Đây là một định nghĩa
mang tính triết học cụ thể, diễn giải Phật tính theo tinh thần Nguyên thủy,
không mơ hồ, không trừu tượng.
Theo Phật tính luận
(Uttara Tantra), một tác phẩm vô cùng nổi tiếng tương truyền là của Bồ-tát
Di Lặc và Vô Trước tạo nên, đã trình bày một cách khúc chiết và đầy đủ về Phật
tính. Trong đó có đoạn giải thích về Phật tính như sau: “Thế nào là Phật
tính? Phật tính luôn hiện diện nơi tất cả chúng sinh, pháp thân Phật toàn hảo
thấm nhuần khắp tất cả, chân như không phân biệt và họ có tiềm năng. Nói tất cả
chúng sinh đều sở hữu Phật tính, tuệ giác Phật bao giờ cũng hiện diện nơi họ,
bản tính không tỳ vết nên nó là bất nhị và tiềm năng Phật được gọi tên theo kết
quả”.
Phật tính ở đây được hiểu là
lý thể tuyệt đối hay chơn tâm vô nhiễm của mỗi chúng sinh. Nó là thứ không sinh
diệt, không tăng giảm,
luôn luôn tròn đầy
và có sẵn ở tất cả.
Theo Phật Quang đại từ
điển, có
nhiều cách giải thích
liên quan đến Phật tính:
1. Phật tâm: Tâm Phật có 3
nghĩa. (1) Tâm Như Lai tròn đầy. (2) Tâm không dính mắc vào bất cứ sự lý gì. (3)
Tâm chơn như thanh tịnh xưa nay vốn có sẵn trong mọi người.
2. Phật chủng: Hạt giống
thành Phật, tức là Phật tính, là nhân để được quả Phật. Có 4 loại nhân (1) Phật
tính mà xưa nay chúng sinh vốn có; (2) Phiền não; (3) Bồ-đề tâm; (4) Xưng danh
hoặc nghe danh.
3. Phật tính: Cũng gọi là
Như Lai tính, Giác tính. Chỉ cho bản tính của Phật, hoặc chỉ cho khả năng tính
thành Phật, nhân tính, chủng tử, là tính chất bồ-đề sẵn có, tên khác của Như Lai
tạng.
Quan điểm của Eihei Dogen về
Phật tính: “Phật tính không phải là cái gì mà chúng ta có, mà đó là những gì
chúng ta đang có. Và cái gì đó là một hoạt động hay quá trình liên quan đến tất
cả chúng sinh”.
Như vậy, tổng hợp các luận
giải trên tựu trung ta có thể hiểu Phật tính là trạng thái thanh tịnh của tâm,
tức bản chất sáng suốt
vốn có sẵn bên trong
của tất cả chúng sinh. Và đây là chánh nhân để hết thảy chúng sinh có thể đạt
đến quả vị giác ngộ cứu cánh.
Nguồn
gốc và
các loại Phật tính
Khái
niệm Phật tính
xuất hiện rất nhiều trong các kinh điển Phật giáo Đại thừa. Đây được xem như là
tư tưởng cốt lõi và nổi bật nhất, mang lại giá trị đặc biệt và đồng thời cũng là
nền tảng cơ sở cho toàn bộ hệ thống giáo nghĩa Đại thừa phát triển về sau. Chúng
ta dễ dàng tìm thấy trong các bài kinh với các nội dung ghi chép về Phật tính
bên trong mỗi chúng sinh.
Kinh Phạm võng
chép: “一切眾生皆有佛性。一切意識色心是情是心皆入佛性戒中”.
(Nhất thiết chúng sinh
giai hữu Phật tính. Nhất thiết ý thức sắc tâm thị tình thị tâm giai nhập Phật
tính giới trung).
Kinh Phạm võng bao gồm
hai quyển thượng và hạ. Quyển thượng với nội dung trình bày về pháp môn quán
“Tâm địa” của Đức Phật Tỳ-lô-xá-na nơi thế giới Liên hoa đài tạng của Ngài.
Phương pháp quán tâm địa này lấy giới làm nền tảng cở sở. Chúng sinh nào hành
trì nghiêm mật về giới luật, đạt được tam-ma-địa thì sẽ thấy được tâm địa bên
trong của chính mình. Quyển hạ trình bày về những vấn đề xoay quanh cuộc đời Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni, vị giáo chủ cõi Ta-bà.
Câu “Tất cả chúng sinh đều có
Phật tính, tất cả ý thức, sắc tâm là tình, là tâm đều vào trong phạm vi giới
pháp Phật tính” là do Đức Phật Thích Ca nói ra trong phần mở đầu trước khi tuyên
thuyết các giới điều cho hội chúng đệ tử của Ngài.
Kinh Đại Bát-niết-bàn,
phẩm Sư Tử Hống Bồ-tát thứ 23: “師子吼者名決定說。一
切眾生悉有佛性。如來常住
無有變易”.
(Sư Tử Hống giả danh quyết định thuyết: Nhất thiết chúng sinh tất hữu Phật tính.
Như Lai thường trụ vô hữu biến dị).
Đây là bản kinh rất nổi tiếng
và được nhiều học giả chọn làm cơ sở cứ liệu cho vấn đề nghiên cứu về Phật tính.
Bản kinh ghi chép lại những lời dạy của Đức Thế Tôn trước khi nhập Niết-bàn. Đặc
biệt, bản kinh này đã triển khai một cách cụ thể các vấn đề liên quan đến Phật
tính, giúp chúng sinh phá vỡ các nhận thức sai lầm về phẩm tính Như Lai và bản
tính của chúng sinh. Đồng thời, bản kinh cũng triển khai các yếu tính Thường -
Lạc - Ngã - Tịnh của hết thảy vạn vật, để từ đó thấy được yếu tính giải thoát
vốn đã nằm sẵn bên trong mỗi loài. Do vậy, Đức Như Lai nói rằng sư tử rống gọi
là quyết định thuyết: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Như Lai thường trụ
không có biến đổi.
Kinh Đại Phương quảng Phật
hoa nghiêm viết: “一
切眾生皆有佛性皆堪作佛”.
(Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính, giai kham tác Phật). Bản kinh này chủ
trương mọi sự vật hiện tượng đều từ tâm mà ra. Tâm làm chủ, từ tâm mà sum la vạn
tượng ảnh hiện trong thế giới trùng trùng duyên khởi này. Bản kinh cũng trình
bày về tính Phật dựa trên nền tảng của tịnh
tâm duyên sinh. Điểm
đặc biệt của kinh Hoa nghiêm là triển khai giáo nghĩa nhất niệm tam
thiên. Theo đó, một niệm thanh tịnh liền dung thông cả ba ngàn cõi Phật, mà cõi
Phật đó lại nằm bên trong tâm mỗi chúng sinh, tâm tịnh thì Phật độ liền đươc
hiện tiền, Phật quả liền thành tựu. Vì thế kinh mới nói hết thảy chúng sinh đều
có Phật tính, đều có thể thành Phật. Như Lai là Phật đã thành, chúng sinh là
Phật sẽ thành.
Ngoài ra, chúng ta cũng có
thể tìm thấy tinh thần này trong các bản kinh luận khác như kinh Viên giác,
Đại Bát-nhã, Kim cang, Lăng-già, Đại Bảo Tích, Duy Ma Cật sở thuyết, Quán Vô
lượng thọ, Phật thuyết Như Lai hưng hiển kinh, Pháp bảo đàn, luận Khởi
tín, Duy thức, luận Phật tính, Đại trí độ luận..., ở đó
chỉ khác nhau ở việc
dùng từ nhưng ý nghĩa đều chỉ cho Phật tính, như các thuật từ tri kiến Phật,
tính Không, tâm viên giác, tâm chơn như, bản thể, tự tánh Di Đà, Phật tâm, Như
Lai tạng, Bồ-đề tâm...
Về
phân loại Phật tính,
theo Phật điển phổ
thông - Dẫn vào tuệ giác Phật: “Phật tính có hai loại: đã tỉnh
giác và chưa tỉnh giác. Đã tỉnh giác là đã thành tựu Phật quả viên mãn, dấu hiệu
có thể thấy. Chưa tỉnh giác là chưa thành tựu Phật quả viên mãn, dấu hiệu không
thể nhìn thấy”.
Tông Pháp tướng cũng đề xuất
hai loại Phật tính là: “Lý Phật tính chỉ cho lý chân như bản thể của muôn
vật. Hành Phật tính là chủng tử vô lậu, là nhân thành Phật hàm chứa trong thức
A-lại-da của mọi người”.
Sự tương quan
giữa khái niệm Phật tính
trong kinh Đại Bát-niết-bàn
và khái niệm Pháp trong
Kinh
tạng
Nikāya
Trong kinh Đại
Bát-niết-bàn, Đức Phật đã giải thích nghĩa của Phật tính như sau “Này
thiện nam tử, Phật tính đó gọi là đệ nhất nghĩa không, đệ nhất nghĩa không gọi
là trí tuệ...
Nhẫn đến vô ngã chính
là sinh tử. Ngã đó chính là Đại Niết-bàn. Thấy tất cả không mà chẳng thấy bất
không thời chẳng gọi là Trung đạo. Nhẫn đến thấy tất cả vô ngã mà chẳng thấy ngã
thời chẳng gọi là Trung đạo. Trung đạo đó gọi là Phật tính, mười hai nhân duyên
gọi là Phật tính”.
Theo cách giải thích này thì
Phật tánh mang ý nghĩa triết học rất thực
tiễn. Phật tính là lý
Trung đạo (madhyamā-pratipad), là
pháp Duyên khởi (pratītyasamutpāda).
Vì sao gọi Phật tính
là Trung đạo, là Duyên khởi? Như trước đã trình bày, hết thảy các pháp đều là do
các duyên nhóm hợp tạo thành. Vì do duyên sinh nên các pháp là vô ngã (anātman)
vì thế cho nên tự tính nó cũng là không. Tính Không (śūnyatā) là bản chất
của các pháp, tính Không đó chính là Phật tính, là vô tự tính duyên khởi.
Người đã thấu được lý Duyên
khởi và Trung đạo thì người đó sẽ không còn các trạng thái bám chấp vào bất cứ
một sự vật sự việc gì nữa. Chính sự không chấp thủ, không bám víu này sẽ mở ra
một cánh cửa giải thoát cho chúng sinh. Từ đó không còn những khổ đau, thấy rõ
được tính chất của vạn pháp và đạt được sự an lạc, giải thoát hoàn toàn. Cho nên
kinh nói rằng ai thấy được lý Trung đạo, pháp Duyên khởi là thấy được Như Lai.
Như Lai ở đây mang
hàm nghĩa chỉ cho sự
giác ngộ, và sự giác ngộ ấy không đến từ bên ngoài mà xuất phát từ chính bên
trong tâm chúng sinh. Đó cũng là tính Phật hiển bày vậy.
Xét thấy, ngay tại đây, chúng
ta thấy cách giải thích này rất đặc biệt và có sự liên kết về mặt ý nghĩa với
câu nói rất nổi tiếng trong kinh Tương ưng: “Này Vakkali, ai thấy
Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy
Pháp, là thấy Ta. Ðang thấy Ta, là thấy Pháp”.
Không chỉ riêng trong kinh Tương ưng, mà trong Trung bộ kinh I,
Tiểu bộ I và Trung A-hàm chúng ta cũng bắt gặp câu nói này với
nội dung tương tự: “Ai thấy được lý Duyên khởi người ấy thấy được Pháp, ai
thấy được Pháp, người ấy thấy lý Duyên khởi”.
Trong Phật tạng kinh
cũng trình bày về vấn đề này: “Nếu người nào thấy được Pháp, người ấy thấy
Phật”.
Như vậy, Pháp ở đây được hiểu là lý Duyên khởi, là con đường Trung đạo tránh xa
các cực đoạn. Đức Phật nhấn mạnh rằng, nếu muốn đạt được giác ngộ tối thượng thì
hành giả phải thấy rõ được hai yếu tính trên: “Chớ có hành trì dục lạc, hạ
liệt, đê tiện, phàm phu không xứng bậc Thánh, không liên hệ mục đích. Và cũng
không nên hành trì tự kỷ khổ hạnh, đau khổ, không xứng bậc Thánh, không liên hệ
mục đích. Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác
ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ,
Niết-bàn”.
Pháp theo Phật Quang đại
từ điển là: “Nói một cách tổng quát thì Pháp có hai định nghĩa là nhậm
trì tự tính, quỹ sinh vật giải. 1. Nhậm trì tự tính: Tất cả sự vật hiện tượng
luôn giữ gìn bản tính riêng của chúng không thay đổi. 2. Quỹ sinh vật giải: Tất
cả sự vật đều duy trì tự tính riêng biệt của chúng, như những khuôn mẫu khiến
người ta dựa vào đó làm căn cứ mà hiểu một hiện tượng nhất định. Nói theo định
nghĩa nhậm trì tự tính thì Pháp chỉ cho tất cả cái tồn tại có đầy đủ tự tính,
bản chất riêng biệt; nói theo nghĩa quỹ sinh vật giải thì Pháp chỉ cho những
tiêu chuẩn của sự nhận thức, như quy phạm, pháp tắc, đạo lý, giáo lý, giáo
thuyết, chân lý, thiện hành”.
Pháp theo truyền thống Nguyên
thủy, đặc biệt trong Vô tỷ pháp tập yếu: “Pháp chỉ cho tất cả các
trạng thái. Vấn: Pháp là chi? Đáp: Chi cũng là pháp. Vấn: Tại sao gọi là Pháp?
Đáp: Tại có trạng thái nên gọi là Pháp. Vấn: Trạng thái ra sao? Đáp: Ra sao cũng
là trạng thái”.
Trong cuốn Thắng
pháp tập yếu luận, Hòa thượng Thích Minh Châu có dẫn thích về Pháp “là sự
hiểu biết về những nguyên nhân của sự vật”.
Căn cứ vào các cách giải
thích trên, chúng ta thấy nghĩa từ Pháp là chỉ cho trạng thái, tính chất hay
nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng. Các trạng thái hay các nguyên tắc
vận hành ấy vừa có thể là các yếu tố bên trong mà cũng có thể là các hiện tượng
bên ngoài ở nơi các sự vật và con người.
Tùy trong từng trường hợp mà
Pháp được hiểu một cách cụ thể như khuôn phép, tiêu chuẩn, quy định, điều lệ,
lời dạy, nguyên lý, tính chất, bản thể... Như vậy, ở đây Đức Thế Tôn đã có lời
khuyến dụ đến Tỷ-kheo Vakkali cũng như toàn thể chúng đệ tử của Ngài hãy cố gắng
tu tập để thấy rõ được các trạng thái hay bản chất của chính bản thân mình và
các yếu tố xung quanh. Pháp trong trường hợp này được hiểu là các nguyên tắc của
sự vận hành nơi tự nhiên và con người. Hay nói một cách cụ thể, đó chính là các
nguyên lý về
duyên
sinh,
vô thường, vô ngã...
Vậy Pháp theo tinh thần
Nguyên thủy và Phật tính trong kinh Đại Bát-niết-bàn rất giống nhau. Một
bên tuyên bố Phật tính là Duyên khởi, Trung đạo và bên kia nói rằng ai thấy lý
Duyên khởi là thấy Như Lai. Và Như Lai ở đây cũng có thể được hiểu đó là Pháp
thân của Phật. Chính yếu tố Pháp thân này đã làm tiền đề cho Phật giáo Đại thừa
phát triển thành Phật tính về sau.
Tiếp nữa, trong Tăng chi
bộ
có một đoạn kinh với nội dung
như sau: “Tâm này là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài
vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm
kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập. Tâm này là sáng chói. Và tâm này bị ô
nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết
tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, có được tu tập”.
Căn cứ vào đoạn kinh này,
chúng ta thấy Đức Phật đã chỉ rõ rằng tâm này vốn sáng chói, mọi cấu nhiễm là do
các nguyên nhân từ bên ngoài, kẻ phàm phu không như thật rõ biết về tâm
cho nên bị luân hồi xoay chuyển.
Vậy tâm sáng chói vốn sẵn có ấy liệu có phải là Phật tính mà
trong các kinh điển
Đại thừa thường nhắc tới hay không? Ngoài ra, một đoạn trong kinh Chuyển Pháp
luân viết rằng: “Ánh sáng phát sinh đến Như Lai, rọi rõ những việc trước
kia chưa từng được nghe đến. Và lúc ấy tri kiến và tuệ giác phát sinh đến Như
Lai (nanadassana). Tâm của Như Lai đã hoàn toàn giải thoát một cách vững chắc,
không còn lay chuyển, và đây là kiếp sống cuối cùng, không còn sinh tồn nào khác
nữa”.
Đây là bài kinh đầu tiên mà
Đức Thế Tôn đã thuyết giảng cho nhóm năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Nai sau
khi Ngài thành đạo. Bài pháp đã trình bày về lý Duyên khởi, Trung đạo. Và Đức
Thế Tôn đã tuyên bố nhờ vào sự quán chiếu về Trung đạo, Duyên khởi mà ánh sáng
trí tuệ đã phát sinh đến Ngài, nhờ đó mà Ngài đạt được sự giải thoát hoàn toàn.
Ngoài ra, còn có rất nhiều những chi tiết trong các bản kinh thuộc hệ Nam truyền
cũng có nội dung tương tự với ý nghĩa ai thấy Pháp là thấy Phật và tất cả mọi sự
giải thoát ấy đều bắt nguồn từ chính trong thân này.
Kinh Dhammadāyāda: “Này
các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài
vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: Làm sao những đệ tử của Ta là
những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?”.
Tương ưng kiến:
“Đối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản”.
Kinh Rohitassa:
“Trong
chính tấm thân dài một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng, Như Lai tuyên
bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến
sự chấm dứt thế gian”.
Nói tóm lại, nếu như ở kinh
điển hệ Nam truyền xác chứng việc thấy rõ lý Trung đạo, Duyên sanh sẽ được giải
thoát, thì ở hệ kinh điển Bắc truyền lại chủ trương thấy tính thành Phật để giải
thoát. Vấn đề này đã được phân tích ở trước, từ đó thấy được sự liên hệ trực
tiếp giữa hai nguồn tư tưởng Nguyên thủy và Đại thừa. Tuy có sự khác nhau về mặt
ngôn ngữ, nhưng về nội dung, ý nghĩa vẫn giống nhau. Có thể nói, Phật giáo Đại
thừa đã lấy hệ giáo lý Nguyên thủy làm cơ sở tư tưởng để phát triển toàn bộ hệ
thống giáo nghĩa của mình.
“Nhất thiết chúng sinh giai
hữu Phật tính” là một tuyên ngôn có giá trị đặc biệt trong lịch sử nhận thức
nhân loại.
Dường như chưa có một tôn giáo, tín ngưỡng hay một học thuyết nào có thể nâng
tầm giá trị của con người lên đến mức tuyệt đối như thế. Câu nói ấy chính là
tiền đề để mở ra một cánh cửa nhận thức mới, đặc biệt là nhân sinh quan và giải
thoát quan cho loài người nói riêng và hết thảy vạn vật nói chung.
Thiền sư D.T. Suzuki đã viết
trong Thiền luận:
“Với quan niệm
Phật tính, Đức Phật lịch sử trở thành một Đức Phật siêu việt. Ngài hết còn là ẩn
sĩ của dòng họ Śākya, giờ đây Ngài là sự biểu lộ của Đức Phật vĩnh cửu, một hóa
thân của Phật tính, và như thế Ngài không còn là một nhân cách cá biệt giới hạn
trong không gian và thời gian. Bản thể tâm linh của Ngài vượt ra khỏi Ngài, và
mọi năng lực của nó đều ảnh hưởng đến đồng loại của Ngài trong sự tiến bộ hay
tiến triển của chúng hướng tới Phật quả. Ảnh hưởng này sẽ xảy ra cân xứng với
cường độ khát vọng và thành tín nỗ lực mà chúng thúc đẩy để đạt tới mục đích.
Mục đích đó là tẩy sạch tội lỗi, và tội lỗi là do tin có thực tại bản ngã
(svabhāva), do chấp nhận những đòi hỏi của nó là cùng đích, và không ý thức về
sự tiềm ẩn của Phật tính trong chính mình”.
Chính nhờ vào tinh thần này
mà Đức Phật đã trở thành bậc siêu việt. Ngài không còn là của riêng đối với đạo
Phật mà đã trở thành nhân tố tiềm ẩn trong tất cả chúng sinh. Điều này đã gợi mở
ra một cánh cửa giải thoát lớn cho nhân loại, đã đưa sự giác ngộ tới gần hơn với
tất cả mọi người. Ánh sáng của chân lý đã không bị đóng khung trong một chiếc
rương vàng và cất giữ bên trong một tòa lâu đài nguy nga để mọi người hướng về
trầm trồ, xuýt xoa, ca ngợi, mà ánh sáng ấy đã lan ra và tỏa rộng bên trong tâm
hồn của mỗi chúng sinh. Thế nhưng, yếu tố Phật tính này cũng dễ khiến chúng sinh
rơi vào cái thường kiến, chấp vào một cái ngã siêu thực nào đó.
Theo cách giải thích của
Thiền sư Suzuki thì chúng ta tin có thực tại ngã. Nhưng cái bản ngã hay đại ngã
này không giống như đại ngã của ngoại đạo. Đại ngã (Brahma) của ngoại đạo
đặt trên nền tảng của ngã (Atmam), còn đại ngã của Phật giáo Đại thừa lại
đặt trên nền tảng của vô ngã, tính Không. Chính vì vậy mà đại ngã của ngoại đạo
chỉ có một là Brahma (Đại Phạm thiên) và con người phải tu tập để thể nhập cái
tiểu ngã của mình vào trong đại ngã, tức
hướng ngoại. Còn đại
ngã của Phật giáo mang yếu tố hướng nội: con người không phải thể nhập vào một
cái gì khác bên ngoài mình,
mà việc cần làm của họ
là trở lại bên trong chính mình. Do thế, Phật giáo chủ trương hồi quang phản
chiếu, phản quang tự kỷ.
Như vậy, mục đích sau cùng
của Phật giáo Đại thừa đặt ra đó là sự tiến đắc Phật quả trên nền tảng cơ sở
Phật tính bên trong mỗi chúng sinh. Mỗi khi hành giả đánh thức hạt giống hay lau
sạch lớp bụi bao phủ chánh nhân đó thì hành giả sẽ thấy được bản lai diện mục
của chính mình. Từ đó có thể cắt đứt sợi dây sinh tử, giải thoát cho mình và cứu
giúp hết thảy chúng sinh.