Trong ta có sự bình an và đẹp lòng
trong ta
Trong ta có sự
bình an và đẹp lòng
Cây Hồng Táo
Trong kinh có kể câu chuyện về một hạnh phúc đơn giản mà ai trong chúng ta cũng
đều có sẵn. Trên con đường tìm đạo, Phật đã trải qua những thời gian tu theo con
đường khổ hạnh. Ngài nhịn ăn, nhịn uống, không ngủ, thân Ngài chỉ còn da bọc
xương. Khi đó, Phật tự hỏi: “Nếu những bậc tu sĩ khác cũng tu tập khổ hạnh, liệu
họ cũng chỉ đạt đến mức này. Tại sao mình vẫn chưa có được giác ngộ, hay cảm
nhận được một sự giải thoát nào?”.
Lúc bấy giờ, Phật bỗng nhớ lại khi còn nhỏ, một lần được theo Vua cha ra
ngoài thành, đến một vùng quê thanh bình. Trong khi Vua cha bận rộn với công
việc, Ngài đến dưới gốc cây hồng táo và ngồi yên lặng. Đột nhiên, tâm Ngài trở
nên bình yên và cảm nhận một niềm hạnh phúc tự nhiên trong lòng, rất sâu sắc.
Niềm an vui ấy không phải là kết quả từ một sự thành đạt hay tìm kiếm xa xôi
nào, mà là một trạng thái nội tâm được phát sinh từ sự buông xả tự nhiên. Nó
không hề xuất phát từ bất cứ một nguyên nhân nào ở bên ngoài, vì thật ra đó cũng
chính là tự thân của chúng ta.
Sau khi Phật nhớ lại niềm an lạc ấy, bỗng dưng trong tâm Ngài chợt hiện lên
một cảm giác sợ hãi. Ngài tự hỏi: “Tại sao ta lại cảm thấy sợ hãi đối với niềm
vui ấy, một hạnh phúc không dựa vào bất cứ thứ gì?” và Phật nhận ra rằng, sự sợ
hãi bắt nguồn từ niềm an vui đó không phụ thuộc vào bất cứ sự thỏa mãn hay đạt
được bất kỳ mong muốn nào của mình.
Vì vậy, một hạnh phúc chân thật không đòi hỏi ta cần phải đạt được một việc
gì, trở thành một người nào, hoặc né tránh một điều gì đó. Những yếu tố bên
ngoài có thể mang đến một
niềm hạnh phúc tạm thời, nhưng chúng không thể là chân thật. Chân hạnh
phúc không hề phụ thuộc vào những gì ta có, hay đòi hỏi ta phải trải qua một sự
rèn luyện khổ công nào, mà chỉ cần một thái độ tĩnh lặng và buông xả.
Câu chuyện ấy cho ta biết rằng, hạnh phúc không phải đến từ việc
tìm kiếm bên ngoài, mà nó đã có sẵn trong chúng ta. Cũng như Đức Phật ngồi yên
dưới gốc cây hồng táo đó, và hạnh phúc bình yên có mặt tự nhiên. Chúng ta vẫn có
thể cảm nhận được một sự an ổn và niềm vui bên trong, giữa cuộc sống đầy biến
đổi và khó khăn.
Trong ta có sự
bình an và đẹp lòng
Trong chúng ta, luôn tồn tại những điều tốt lành. Dù trong hoàn cảnh nào, ta vẫn
có cơ hội trải nghiệm những điều hay đẹp, ngay cả khi đối diện với những thử
thách và đau khổ trong cuộc sống.
Ví dụ, khi ta làm những việc thiện, có thể không ai biết, nhưng trong lòng
vẫn cảm thấy vui vẻ và hân hoan. Đối diện với những hoàn cảnh bất hạnh của người
khác, trái tim ta rung động và đầy lòng thương xót. Lắng nghe những câu chuyện
đau buồn, ta muốn tìm cách giúp đỡ và chia sẻ yêu thương. Ngược lại, những khi
làm việc gì bất thiện, ta cảm thấy bứt rứt, khó chịu mỗi khi nghĩ về chúng.
Ta thích được nhìn những buổi bình minh hay trời hoàng hôn, chúng mang lại
cho ta một cảm xúc rộng mở và trầm lắng. Chúng ta ưa thích và cảm nhận được
những vẻ đẹp trong cuộc sống vì bản chất của ta là vậy, ai ai cũng mang trong
mình những hạt giống đẹp và tốt lành.
Minh Tánh Nguyễn Duy
Nhiên