(TƯỞNG NIỆM ÂN SƯ THÍCH TUỆ SỸ)
Thầy sinh ra và lớn lên tại thành phố Paksé, tỉnh
Champasak, Lào; năm chín tuổi được phụ mẫu gửi vào ngôi chùa làng
gần nhà (chùa Trang Nghiêm) hành điệu. Thiên bẩm thông minh, học đâu
nhớ đó, điều này khiến cho thân mẫu lo sợ, liên tưởng tới thần đồng
Hạng Thác (項槖, thần đồng cổ đại Trung Quốc, sống ở nước Cử 莒国, thời
Xuân Thu 春秋) mạng yểu mất sớm, bèn bảo người cha nên cho thầy uống
mực Tàu để “tối dạ” bớt đi. May sao thân phụ của thầy không làm. Câu
chuyện được thầy kể cho tôi nghe trong những năm thầy an cư tại Nha
Trang. Ngẫm lại, nếu nhỡ Nghiêm đường cho thầy uống mực Tàu thì phải
cần số lượng bao nhiêu để cho thầy “tối dạ”, và có thay đổi được bẩm
tính triết gia hay tư chất đại sư “Long Thọ” trong con người thầy
hay không?
“Ai biết mình tóc trắng,
Vì yêu ngọn nến tàn,
Rừng khuya bên bếp lạnh,
Ngồi đợi gió sang canh.”
Thầy làm thơ nhiều nhưng tôi thích nhất bốn câu thơ
này. Bài thơ ra đời giữa núi rừng Vạn giã vào năm 1975. Tôi hồi
tưởng, thuở ấy, một nhà tu dáng vóc gầy gò, đơn phương nặng lòng với
tình yêu dân tộc, ngồi thả hồn nơi rừng khuya cô tịch, nhìn ánh sao
mai xa xăm, tự biết: “Lúc
vị ngộ, hối tàng nơi bồng tất; hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn.”
Ba mươi chín năm sau, núi rừng Vạn giã qua bao mùa
thay lá, năm 2014, thầy lại về đây, nơi ngôi cổ tự Linh Sơn, an cư
cấm túc 3 tháng mùa Hạ. Hạ năm ấy, thầy đã giảng cho các học trò:
Tôi, Nguyên An, Đạo Luận nghe về triết học Trung quán.
Chung cục lịch sử một đời người, thầy ra đi không
lặng lẽ, thầy cống hiến gì cho dân tộc sử đã ghi, thầy đã làm gì cho
Phật giáo, tất cả đều biết. Song, để quá khứ trở thành vĩnh cửu
trong hoài niệm là điều tôi luôn cưỡng lại, nên muốn viết gì đó
trước khi mọi thứ tan biến như sương mai theo thời gian.
TRIẾT HỌC TRUNG QUÁN VÀ “BÁT BẤT’’
1. Sự ra đời của triết học Trung quán:
Triết học Trung quán là chỉ cho giáo nghĩa “Trung
đạo” nằm trong luận thư Trung luận do Long Thọ trước tác, học thuyết
này ra đời trong giai đoạn từ năm 100 đến 250 sau Tây lịch; thời kỳ
miền Đông nam Ấn-độ thuộc khu vực phát triển của Đại chúng bộ, hướng
Tây bắc là vùng thịnh hành của Thượng tọa bộ. Thượng tọa bộ câu nệ
bảo thủ, Đại chúng bộ hoạt bát, tiến thủ. Phương Nam trọng lý tính,
xem nhẹ sự tướng nhân quả Duyên khởi. Phương Bắc hoàn thành bộ luận Đại
tỳ-bà-sa, nội dung cực đoan thật Hữu. Nam
chấp Không, Bắc chấp Có. Hình thành nhiều phái đối lập gay gắt, một
thời kỳ như thiếu vận may cho Phật giáo. Đến khi Long Thọ xuất hiện,
Phật giáo chính thức rẽ sang một hướng mới, tổng hợp Nam-Bắc,
Không-Hữu, Tánh-Tướng, Đại-Tiểu, kiến lập Phật giáo Trung đạo, xây
dựng nền tảng Đại thừa tánh Không. Long Thọ viết Trung
luận gồm 27 chương (phẩm), được trích lục
từ Vô
úy luận (mười vạn bài kệ) cũng do ngài
trước tác; đề xướng Duyên khởi, Không, Trung đạo, lấy Trung đạo lìa
nhị biên làm tông yếu. [中觀今論, Y09, no. 9, p. 13a3. ]
Trong Trung
luận [中論卷1, T30, no. 1564, p. 1b14], bài
kệ đầu tiên của phẩm Quán nhân duyên nói:
Bất sinh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất dị,
Bất lai diệc bất xuất.
Năng thuyết thị Nhân duyên,
Thiện diệt chư hý luận,
Ngã khể thủ lễ Phật,
Chư thuyết trung đệ nhất.
Tám sự phủ định (bát bất) trên chính là lý Duyên khởi
(pratītya-samutpāda),
cũng là thuyết Trung đạo (madhyamā-pratipad).
Trung đạo là không rơi vào nhị biên (antadvaya), là bên tà hay quá
cực đoan. Đây là nguyên tắc chuẩn mực mà hàng đệ tử của Phật đều
phải tuân thủ hợp nhất cả tri kiến và hành động. Như trong kinh
Câu-lâu-sấu vô tránh, Phật dạy: “Đừng
nên quá đắm nhiễm dục lạc (莫求欲樂, na
kāmasukham anuyuñjeyya) là
nghiệp vô cùng hèn hạ (極下賤業, hīnaṃ
gammaṃ)… Cũng
đừng mong cầu tự thân khổ hành, rất khổ, không phải Thánh hạnh,
không liên hệ đến mục đích (無義相應, anatthasamhita). Xa
lìa hai cực đoan này thì có Trung đạo (Ete
te ubho ante anupagamma majjhimā paṭipadā).”
[中阿含經卷43, T01, no. 26, p. 701]. Nghĩa là tu tập không nên tinh tấn
quá mức mà khiến tâm loạn động; ngược lại không tinh tấn thì tâm
buông lung, giải đãi. Điều hòa cả hai thái cực chính là lý Trung
đạo.
Và vì sao Trung
luận của Long Thọ lại được gọi là triết
học Trung quán? Bởi vì tông chỉ của tác phẩm Trung
luận là y cứ kinh điển luận giải, ngoài
trọng tâm phân tích nghĩa lý sâu xa, Trung
luận còn dạy về “thực hành pháp quán”,
lấy chỉ và quán làm chủ đích. Trong 27 phẩm của Trung
luận, mỗi phẩm đều gọi là “quán”, như
phẩm Quán nhân duyên cho đến phẩm Quán tà kiến v.v… Quán tức quán
sát, quán một cách chính xác về lý Duyên khởi, Không, Trung đạo. Từ
quán xét luận chứng mà đạt đến hiện quán thể chứng. Vì thế đời sau
đều gọi học thuyết của Long Thọ là phái Trung quán, tông Trung quán
và các học giả Trung quán là tông sư Trung quán. [空之探究, p. 209a7.
中觀今論, p. 3a11.]
2. Thầy Tuệ Sỹ luận giảng “Bát bất”:
Mùa an cư năm ấy (2014), trong tịnh thất ở chùa Linh
Sơn, lần đầu tiên tôi bị lôi cuốn bởi nguồn triết học uyên áo này.
Thầy Tuệ Sỹ giảng lại bài kệ đầu tiên trong Trung
luận. Bản Trung luận hiện lưu trong tạng
Đại chánh là Trung luận (Mūlamadhyamaka-kārikā)
kệ tụng và giải thích, do Thanh mục (Piṅgalanetra)
chú giải, Hán dịch bởi Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva).
Kệ tụng đầu tiên trong bản Hán:
不生亦不滅,
不常亦不斷,
不一亦不異,
不來亦不出.
能說是因緣,
善滅諸戲論,
我稽首禮佛,
諸說中第一.
Dịch âm:
Bất sinh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất dị,
Bất lai diệc bất xuất.
Năng thuyết thị Nhân duyên,
Thiện diệt chư hý luận,
Ngã khể thủ lễ Phật,
Chư thuyết trung đệ nhất.
Tạm dịch:
Không sinh cũng không diệt,
Không thường cũng không đoạn,
Không một cũng không khác,
Không đến cũng không đi.
Đây là pháp Nhân duyên,
Diệt trừ các hý luận.
Cúi đầu lễ chư Phật,
Thuyết Nhân duyên cao nhất.
Thầy nói rằng, không hiểu sao Cưu-ma-la-thập khi dịch
sang Hán đã đảo văn, khác với nghĩa gốc bản Phạn, có thể ông cố tình
dịch vậy cho người Trung Hoa dễ hiểu, hay ông không hiểu lý Duyên
khởi của Long Thọ, đã làm đảo lộn cả nền triết học Trung quán.
Trong Phạn bản văn nghĩa như sau:
anirodham anutpādam anucchedam aśāśvataṃ | anekārtham
anānārtham anāgamam anirgamaṃ ||
yaḥ pratītyasamutpādaṃ prapañcopaśamaṃ śivaṃ | deśayāmāsa saṃbuddhas
taṃ vande vadatāṃ varaṃ ||
Việt dịch:
Kính lễ đức Chánh đẳng giác, đệ nhất trong
các vị thuyết giáo;
Ngài đã thuyết Duyên khởi, sự tịch tĩnh của hý luận, chí
phước,
Bất diệt, bất khởi, bất đoạn, bất thường,
Bất nhất (không nhất thể), bất dị (không đa thù), bất lai (không
hiện đến), bất xuất (không bỏ đi).
2.1. Đầu tiên thảo luận về vế “Bất diệt, bất khởi”
(anirodham anutpādam).
Bắt đầu câu chuyện, thầy lấy ví dụ cái vòng hào quang
sau lưng tượng Phật. Thông thường khi có dòng điện truyền dẫn, chúng
ta thấy có vô số ánh hào quang phóng ra, tạo thành một vòng tròn tỏa
sáng liên tục và khép kín. Kỳ thật, các bóng đèn được xếp theo vòng
tròn, ánh sáng của bóng đèn trước tắt, bóng sau sáng, với nguyên
tắc, ánh sáng trước “diệt”, ánh sáng sau “khởi”, tự nó đã tạo ra cái
vòng tròn không có khởi điểm, không có khởi đầu, đây chính là triết
lý một cái vòng tròn vô tận, không phải một đường thẳng. Và nên
biết, ánh sáng của bóng đèn trước tắt là tắt vĩnh viễn, không bao
giờ trở lại; ánh sáng của lần thứ hai không phải ánh sáng trước. Ánh
sáng lần thứ hai do dòng điện khác truyền vào, khiến chúng ta thấy
có ánh sáng trở lại, sinh rồi diệt cứ như vậy vô tận nhưng thật sự
cái nào diệt là diệt luôn. Bởi vì, thường một pháp có hai tính chất,
hay có hai khía cạnh là “Hữu vi” và “Vô vi”. Một tính chất đứng trên
phương diện hiện tượng, khi diệt chìm xuống rồi lại khởi lên, diệt
rồi sinh, sinh rồi lại diệt đó pháp vô thường, “Hữu vi”. Một tính
chất khác, diệt là diệt luôn, trở về bản thể Niết-bàn, thường tịch
vắng lặng là pháp “Vô vi”. Duyên khởi mà Long Thọ muốn nói chính là
Niết-bàn tịch diệt, “Không diệt, không khởi”. Bản tính của Duyên
khởi là chỉ cho hai mặt, thứ nhất nói về phương diện Thế tục là có
diệt có sinh như chúng ta thường thấy, có quan hệ duyên sinh duyên
khởi, cái này có cái kia có. Nhưng mặt khác bản chất của Duyên khởi
là Niết-bàn là “Bất diệt anirodham”.
Luận về “Bất khởi – anutpādam”.
Trong văn Hán dịch là “bất sinh 不生”. Nếu dịch sát nghĩa Phạn: anutpādam,
là bất khởi. Âm “a” phủ định, do đứng trước nguyên âm “u” nên thêm
chữ “n” sau “a”. Chữ “utpādam”,
dịch là khởi lên, hoàn toàn khác nghĩa với từ “sinh 生” trong Hán
văn. Sinh có nghĩa từ một sự vật sinh ra một cái khác đồng loại với
nó, như mẹ sinh con; còn chữ “utpādam”
là khởi, khởi là thế nào? Từ ngàn xưa, theo truyền thống tư duy
Ấn-độ, hoặc đối với giáo nghĩa Nguyên thủy, Tiểu thừa, hay hệ thống
Bát-nhã đều nhất quán: Tất cả các pháp tồn tại là “Pháp tánh như thị
法性如是”, tức trong tự tánh Niết-bàn là vắng lặng, tịch diệt như mặt hồ
tĩnh lặng không có gió. Bỗng nhiên, có ngọn gió thổi đến khiến ba
đào sóng dậy. Nhìn từ bản chất tự tính của vũ trụ là tịch tịnh
Niết-bàn, rồi do vô minh vọng động, ngọn gió của phiền não nghiệp
thổi qua gây ra làn sóng thiên hình vạn trạng. Nhưng dù ngọn sóng
nổi lên 10 thước hay 100 thước thì nước vẫn là nước, tính nước không
khởi, và cũng không thêm không bớt, thành ra sóng khởi lên chứ tính
nước không khởi. Do đó nước khởi sóng mà nước vẫn tĩnh lặng, triết
lý “bất khởi” là vậy, cho nên chữ “khởi” khác với chữ “sinh”.
Với nguyên lý triết học này, nếu Cưu-ma-la-thập dịch
“bất sinh diệc bất diệt” (không sinh cũng không diệt) tức đặt sinh
trước rồi diệt sau là có điểm khởi đầu và kết thúc, tạo thành một
đường thẳng. Nhưng nói “bất diệt” trước mới đến “bất sinh (khởi)”,
đặt cái bất diệt trước để chỉ cái vô tận, không có khởi đầu, không
có khởi điểm.
2.2. “Bất đoạn, bất thường” (anucchedam aśāśvataṃ).
Trở lại hình ảnh con sóng, lúc lên lúc xuống, diệt
rồi khởi, trên mặt hiện tượng lúc có gió khởi sóng, lúc không có gió
yên lặng, lúc có, lúc không, nghĩa là có lúc bị cắt đứt đoạn tận (śāśvata,
斷), có lúc tiếp nối thường hằng (śāśvata,
常); hay dòng nước ấy có khi thành sóng, có khi thành lũ lụt, biến
thiên nhiều thứ tác hại nhưng tính nước không thay đổi. Như vậy, về
mặt Tục đế thì có diệt, có khởi, có đoạn, có thường, nhưng về Chân
đế thì bất diệt, bất khởi, bất đoạn, bất thường. Cho nên Long Thọ
(Nāgārjuna) phát biểu trong Trung luận (4, T30n1564, p. 32c16):
“Chư Phật y trên nhị đế để thuyết pháp cho chúng
sanh; một là Thế tục đế, hai là Đệ nhất nghĩa đế (Dve
satye samupāśritya buddhānāṃ Dharma-deśanā, Lokasaṃvṛt satyam ca
satyaṃ ca paramārthataḥ). Nếu chúng ta
không biết phân biệt hai đế này thì đối với pháp Phật sâu xa không
thể biết được ý nghĩa chân thật (Ye
‘na yor navijānanti vibhāgaṃ satyayor dvayoḥ, Te tattvaṃ na
vijānanti gambhīraṃ buddhaśāsane).
Thế Tục đế là đối với các pháp đều là tính ‘Không’ mà
người thế gian điên đảo, đối với các pháp sinh khởi hư vọng cho là
thật. Các bậc Thánh nhân nhận chân các pháp là ‘Không’, không sinh
điên đảo, đó là Đệ nhất nghĩa đế.
Và ‘Pháp mà do nhiều duyên sanh ra, tôi (Long Thọ)
gọi nó là tánh Không, cũng gọi là giả danh, cũng chính là Trung
đạo.’ (Yaḥ
pratītyasamutpādaḥ śūnyatāṃ tāṃ pracakṣmahe, sā prajñaptir upādāya
pratipat saiva madhyamā).” (Trung luận 4,
p. 33b10).
2.3. “Bất nhất, bất dị” (anekārtham anānārtham)
“Nhất” và “dị”, “một” và “khác”, “đồng nhất” và “dị
biệt” (đa thù) là nguyên tắc khái niệm, nhận thức về một điều gì đó.
Ví dụ, chúng ta nhìn vào một đàn bò đứng gặm cỏ ở đồng nội, nào là
bò vàng, bò sữa, bò đốm, bò nâu v.v… Theo lý Duyên khởi, trong đàn
bò có sự dị biệt là mỗi con mỗi màu, con bò này của ông A, con bò
kia của ông B, nhưng trên nguyên tắc đồng nhất chỉ cần một con có
thể biết những con khác là bò, không phải là trâu. Hoặc một người
khi làm diễn viên có thể thủ nhiều vai diễn, có lúc làm vua, có khi
làm tướng cướp, lúc làm thường dân, nhưng chỉ có một người mà thôi.
Thêm một ví dụ khác, có câu chuyện người cha dạy đứa con viết chữ
nhất (一) trên vở, sau đó đi ra phố, người cha chỉ lên bảng hiệu của
một nhà hàng người Hoa, có chữ nhất viết rất to, ông hỏi đó là chữ
gì? “Chữ đó bố chưa dạy con”. Ông cha la, bố mới dạy con đó! Đứa con
trả lời, chữ nhất con học nhỏ xíu, còn chữ kia to vậy sao là chữ
nhất được?! Đứng về “Sự” thì chữ “nhất” trong vở và chữ “nhất” ngoài
bảng hiệu hai chữ khác nhau, có lớn có nhỏ nhưng về “Lý” thì chỉ có
một.
Do đó, muốn nhận thức được thế giới xung quanh chúng
ta là gì thì không thể thiếu tư duy đồng nhất. Đồng thời, “nhất”
(một) và dị (khác) là hai cái khung của khái niệm nhận thức, nếu
chúng ta bỏ cái nhất và dị đi thì không thể nhận thức thế giới xung
quanh hay vật trước mắt chúng ta nó là cái gì. Nói cách khác, thế
giới hiện tượng (Sự) có thiên hình vạn trạng, đa thù nhưng “phi đa
thù” (bất dị, anānārtham)
vì bản thể (Lý) chỉ là một. Và trong cái đồng nhất, lại có chủng
chủng sai biệt (nānā),
vì các pháp hữu vi không bao giờ tồn tại độc lập, phải có cái khác
nên “phi nhất thể” (bất nhất, anekārtham).
Sự mâu thuẫn biện chứng giữa “Lý” và “Sự” được lý Duyên khởi giải
quyết, quán chiếu hợp nhất vừa bản thể vừa hiện tượng, tức “Bất
nhất, bất dị”. Triết lý trong kinh Hoa nghiêm gọi là “Lý Sự vô ngại”
chính y cứ trên cơ sở của triết học Trung quán này.
2.4. “Bất lai, bất xuất” (anāgamam anirgamaṃ)
Āgama, nghĩa là đến (lai
來); nirgama dịch là xuất đi, tách rời (xuất 出). Ở trên, “Bất nhất,
bất dị” là mặt nhận thức luận về thế giới; cặp tiếp theo “Bất lai,
bất xuất (không đến, không đi)” là nói về hiện tượng luận. Long Thọ
đưa ra nguyên tắc này là phá đổ lý thuyết thế giới vũ trụ do Thượng
đế sinh ra. Trong thế giới xung quanh chúng ta không có vật nào sinh
ra vật nào. Một cái nhà xuất hiện không phải từ gỗ, hay gạch đá sinh
ra; hỏi rằng trước khi có cái nhà nó từ đâu xuất hiện. Trả lời, nó
xuất hiện từ gỗ không đúng, hay nói nó không xuất hiện từ gỗ cũng
không đúng. Nó chỉ đủ duyên xuất hiện, cái này có cái kia có, cho
nên nói nó không đến không đi. Vũ trụ vạn vật có diệt-sinh,
đoạn-thường, một-khác, đến-đi nhưng lý Duyên khởi là bất diệt-bất
khởi (sinh), bất đoạn-bất thường, không một-không khác, không
đến-không đi, hiểu như vậy là trở về với bản thể Niết-bàn. Thành ra
“Bát bất” (8 cái phủ định) trở thành “vòng tròn” hệ thống mắt xích,
không có cái nào lọt ra khỏi “vòng tròn” triết lý này được. Một vòng
tròn đi hết điểm này sẽ trở về điểm đầu, và không có điểm khởi đầu
cũng không có điểm kết thúc.
Một vòng tròn khép kín theo triết học Trung quán, thì
câu chuyện của thầy trò cũng vậy, không có hồi kết ở đây.
3. Dòng tưởng niệm chưa hồi kết:
Câu chuyện thuật lại không phải:
“Lời quê chắp nhặt dông dài;
Mua vui cũng được một vài trống canh.”
Đọc để thưởng lãm thì không có gì để luận bàn. Giáo
nghĩa trên là một thang thuốc mang hoạt tính cực mạnh và liều lượng
khá cao, cơ địa yếu ớt khó có khả năng dung nạp.
T.R.V. Murti là một nhà tư tưởng lớn thấm nhuần cả
hai nền triết học phương Tây và phương Đông, ông đã kêu gọi thế giới
quay về đời sống tâm linh phương Đông, đặc biệt là Trung quán, xem
như đó là lối thoát cuối cùng và duy nhất cho nhân loại.
Châu âu, ngày 9 tháng 10 năm 2024 (mùng 7 tháng 9,
Giáp thìn).
Tâm Nhãn
Thuvienphatviet