Đi tìm trái tim đã vỡ

di tim coi

Kính lạy Thầy!

Kính lạy Thầy, bậc Thầy lớn của Phật Giáo Việt Nam, là nơi nương tựa của hàng tứ chúng.

Kính lạy Thầy, Pháp thân thường trụ, hoá thân Người khắp cõi hư không.

Kính lạy Thầy, Người đã cho con thêm một lần nữa được sinh ra trong Pháp.

Kính lạy Thầy, nhục thân Người tan biến bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không, nhưng đời sống Người đã là một phần máu thịt trong con.

Thầy ơi! Tây nguyên se se lạnh, tiếng côn trùng rả rích đầu đông. Trong quãng im lặng của núi rừng tịch liêu là sự đong đầy của mênh mông nỗi nhớ. Con nhớ những giờ trà bên Thầy; nhớ những lúc chỉ biết lặng im bên Thầy khi Thầy bệnh; nhớ sự im lặng cũng là bài Pháp vô ngôn mà Thầy trao cho con; nhớ căn phòng nhỏ nơi Thầy an cư, dịch kinh và viết sách mà ngày ngày hai cô trò con được lui tới pha trà dâng Thầy. Với con, Thị Ngạn Am nơi Thầy ở hai năm cuối đời ở Long Thành cũng chính là trượng thất Duy-Ma nơi chư Hiền Thánh Tăng Bồ-tát đồng cư và cũng là nơi Thầy tiếp mười phương khách. Thầy viết cho mình, hay cho những ai có duyên được bước vào trong đó khi đề bốn chữ “Huyễn Thân Mộng Trạch” (Thân này huyễn; chỗ ở này như mộng)?

Như huyễn. Như mộng. Từ khi Thầy nhập diệt, con đã kinh nghiệm sự mộng huyễn ấy trong từng sát-na sinh diệt của thân tâm, của ngoại cảnh. Một năm qua đi. Đây là tri giác về thời gian? Tri giác về khoảng cách? Hay tri giác về siêu nghiệm? Cái gọi là nỗi nhớ đong đầy trong con lúc này là gì, khi mà theo quan điểm của A-tì-đàm, không một cái gì tồn tại qua hai sát-na? Như vậy, cái gì có tác dụng, cái đó phải ở trong thời điểm hiện tại. Nhưng ký ức về Thầy trong con không cùng xuất hiện đồng thời. Khi con nghĩ về Thầy lúc dịch kinh viết sách thì Thầy lúc an nhiên tĩnh toạ thuộc vị lai, chưa xuất hiện. Khi con nghĩ về Thầy lúc an nhiên tĩnh toạ, thì Thầy lúc dịch kinh viết sách đã biến mất vào quá khứ, Thầy lúc uống trà chưa có mặt. Vậy, hiện tại con nghĩ về Thầy là gì? Theo Tâm lý học hiện đại, thì đó chính là hiện tại giả tướng, hay hiện tại mạo tợ. Bằng nội quan, hay tri giác của người tu định, thì đó là chuỗi liên tục của nhiều sát-na con nghĩ về Thầy; sát-na đi vào trong quá khứ vẫn tồn tại và được nắm giữ bởi yếu tố niệm, định và huệ.

Viết về Thầy thì nên viết từ góc độ nào: Chân lý quy ước với những cặp phạm trù đối đãi: đến-đi, sanh-tử…? Hay trong Pháp thân Pháp thể thường hằng? Con cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng ý thức thời gian trong con là sự tiếp nối tương tục của nhân và quả; của nỗi nhớ tinh tuyền như giọt nước đầu non. Nó là bóng nắng huyễn hoá rọi xuống dòng sinh tử vô tận. Vậy thì một năm qua đi cũng chỉ như một cái chớp mắt của giấc mộng đầu hôm; giấc mộng tử-sinh nối dài qua bao kiếp sống của những chúng sanh vốn cưu mang trong mình Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành, phải không Thầy?

Thầy ơi! Hằng ngày con vẫn dâng trà lên Thầy như trước đây khi con còn được ở gần bên Thầy. Con biết Thầy chưa từng bỏ con ra đi, vì Pháp thân Thầy vốn bất sanh bất diệt. Nhưng điều mà con cảm nhận rõ ràng trong từng nhịp đập của trái tim mình đó là sự cô liêu của cánh hạc lẻ loi đi về trên đỉnh đồi tịch lặng.

Từ ngày Thầy mất, con vốn đã lặng lẽ nay lại càng lặng lẽ hơn. Ngày ngày trong thư phòng nhỏ chất đầy kinh sách, rồi con cũng hiểu ra: Thân giáo của Thầy, những trang sách Thầy để lại, ký ức về Thầy trong tâm con là Pháp thân thanh tịnh của Thầy. Thầy luôn ở đó, bên con, trong con, mỗi khi con nghĩ về Thầy.

“Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt
Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân
Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ
Tha nhật như hà cử tợ nhân.”

(Tiếng suối reo là tiếng thuyết Pháp
Màu núi là Pháp thân thanh tịnh
Đêm đó tám vạn bốn nghìn kệ
Ngày sau nói lại làm sao đây?)

Thầy ơi! Có phải Thầy dạy con những lúc nhớ Thầy hãy lắng nghe tiếng suối róc rách trước hiên thất để nghe ra lời dạy của Thầy? Hay vì con lắng nghe con, lắng nghe mọi sự bằng xúc cảm của chính con, nên đâu đâu cũng là tiếng thuyết pháp của Thầy, của mười phương cõi Phật?!

Thầy ơi! Có phải trong cõi “bặt tiếng lời” của tự tâm, trong quãng im lặng của núi rừng tịch liêu để lắng nghe, thì màu núi cũng chính là Pháp thân thanh tịnh? Thầy ơi! Đất trời vô ngôn mà dòng pháp âm bất tuyệt luân lưu, thì biết nói làm sao?!

Thầy ơi! Nhớ có lần con thưa Thầy: ‘Bài thơ Mộng Ngày của Thầy chỉ cần nhớ bốn câu thôi.’ Thầy hỏi: ‘Bốn câu gì?’ Con đọc lên, “Từ tiếng gọi màu đen đất khổ/ Thắp tâm tư thay ánh mặt trời”, đến câu “Ta đi tìm trái tim đã vỡ” thì tâm con nghẹn lại. Những giọt nước mắt nóng như chực sẵn để tuôn rơi, để hoà chung trong Đại Bi Tâm mênh mông của Bồ-tát hạnh nguyện. Con im lặng, không đọc tiếp. Thầy biết người đệ tử nhỏ của mình đã bắt đầu bước đi trên lộ trình miên viễn này, đã kinh nghiệm sự vụn vỡ trong chính hình hài bằng xương bằng thịt này, nên Thầy đã đọc tiếp: “Đói thời gian ta gặm hư vô.” Và Thầy trò lại tiếp tục uống trà…

Thầy ơi! Con lại tiếp tục hành trình đi tìm trái tim đã vỡ. Bất thối chuyển.

Đệ tử kính lạy Giác Linh Thầy và lạy tạ ân đức giáo dưỡng của Thầy.

Con,
Thích Nữ Khánh Năng | Hạnh Thân

Chia sẻ: facebooktwittergoogle