Hiểu về phân kinh Thạch đài của Nguyễn Du

hieu ve phan kinh

HIỂU VỀ PHÂN KINH THẠCH ĐÀI CỦA NGUYỄN DU

 Nền văn học nước nhà ghi danh Nguyễn Du (1766-1820) như một tác gia lớn của chủ nghĩa nhân đạo. Thế giới tôn vinh nhà thơ là danh nhân văn hóa. Tên tuổi của ông gắn liền với Truyện Kiều. Một thông tin ít được biết hơn, đó là Tố Như từng có lúc xuất gia làm tu sĩ và chuyên thọ trì kinh Kim cương, một kinh tiêu biểu cho trí tuệ của đạo Phật. Bài thơ Phân kinh Thạch đài là một trong những tác phẩm có thể giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về đại thi hào dân tộc, rằng ông không đơn giản chỉ là một nhà thơ mang trái tim thương yêu rộng lớn, mà bên cạnh đó còn là một nhân vật bí ẩn với trí tuệ siêu việt; và rằng không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện tên gọi “Thi Thánh Nguyễn Du”.

 Phân kinh Thạch đài có tên đầy đủ là Lương Chiêu Minh thái t Phân kinh Thạch đài, nằm trong tập Bắc hành tạp lục, tức những bài thơ được Nguyễn Du sáng tác vào thời gian đi sứ ở Trung Quốc. Qua khảo cứu trên mạng, chúng tôi thấy hiện có hai bài viết về Phân kinh Thạch đài. Thứ nhất là bài Nguyễn Du và Phân kinh Thạch đài của tác giả Đại Lãn (tức Hòa thượng Thích Đức Thắng) đăng trên Giác ngộ Online, bài thứ hai của cư sĩ Huỳnh Kim Quang nhan đề Hai trăm năm Nguyễn Du qua đời, đọc Phân kinh Thạch đài đăng trên Thư viện Hoa sen. Cả hai bài viết trên đều tiếp cận bài thơ trên lập trường Phật giáo, chủ yếu thông qua so sánh, đối chiếu tác phẩm với kinh Kim cương cũng như một vài giáo lý và điển tích Phật giáo khác. Dù sở học còn vô cùng yếu kém nhưng chúng tôi xin mạnh dạn đưa thêm một vài lý giải sau khi đọc bài thơ này. Mặt khác, đây là một tác phẩm thơ ca nên sẽ có những cảm nhận mang tính cá nhân. Nếu có thiếu sót hay chủ quan, cúi xin độc giả lượng thứ.

1.      Vấn đề văn bản và chú giải

Nguyên tác chữ Hán:

梁朝昭明太子分經處,

石臺猶記分經字。

臺基蕪沒雨花中,

百草驚寒盡枯死。

不見遺經在何所,

往事空傳梁太子。

太子年少溺菸文,

強作解事徒紛紛。

佛本是空不著物,

何有乎經安用分。

靈文不在言語科,

孰為金剛為法華。

色空境界茫不悟,

癡心歸佛佛生魔。

一門父子多膠蔽,

一念之中魔自至。

山陵不涌蓮花臺,

白馬朝渡長江水。

楚林禍木池殃魚,

經卷燒灰臺亦圯。

空留無益萬千言,

後世愚僧徒聒耳。

吾聞世尊在靈山,

說法渡人如恆河沙數。

人了此心人自渡,

靈山只在汝心頭。

明鏡亦臺,

菩提本無樹。

我讀金剛千遍零,

其中奧旨多不明。

及到分經石臺下,

終知無字是眞經。

Phiên âm:

 Lương Chiêu Minh thái tử Phân kinh Thạch đài

Lương triều Chiêu Minh thái tử phân kinh xứ,

Thạch đài do ký “Phân kinh” tự.

Đài cơ vu một vũ hoa trung,

Bách thảo kinh hàn tận khô tử.

Bất kiến di kinh tại hà sở?

Vãng sự không truyền Lương Thái tử.

Thái tử niên thiếu nịch ư văn,

Cưỡng tác giải sự đồ phân phân.

Phật bản thị không bất trước vật,

Hà hữu hồ kinh an dụng phân?

Linh văn bất tại ngôn ngữ khoa,

Thục vi Kim cương vi Pháp hoa?

Sắc không cảnh giới mang bất ngộ,

Si tâm quy Phật Phật sinh ma.

Nhất môn phụ tử đa giao tế,

Nhất niệm chi trung ma tự chí.

Sơn lăng bất dũng liên hoa đài.

Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy,

Sở lâm họa mộc trì ương ngư,

Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ.

Không lưu vô ích vạn thiên ngôn,

Hậu thế ngu tăng đồ quát nhĩ.

Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn,

Thuyết pháp độ nhân như hằng hà sa số.

Nhân liễu thử tâm nhân tự độ,

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.

Minh kính diệc phi đài,

Bồ-đề bản vô thụ.

Ngã độc Kim cương thiên biến linh,

Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,

Chung tri vô tự thị chân kinh.                

Dịch thơ:

Đài đá phân kinh của thái t Lương Chiêu Minh

Nơi thái tử Chiêu Minh phân kinh,

Đài đá còn ghi chữ “phân kinh”.

Hoa dại trong mưa phủ nền hoang,

Trăm cây sợ lạnh mà chết khô.

Không thấy kinh xưa ở đâu cả?

Chỉ nghe huyền thoại thái tử Lương.

Thiếu thời thái tử thích văn chương,

Miễn cưỡng giải kinh cho lộn xộn.

Phật vốn là không chẳng vướng vật,

Còn có kinh gì để phân chia?

Văn thiêng không ở nơi ngôn ngữ,

Đâu là Kim cương, là Pháp hoa?

Cảnh giới sắc không mà chưa ngộ,

Tâm mê theo Phật Phật thành ma.

Một nhà cha con đều mù cả,

Ở trong một niệm ma tự đến.

Trong núi hoa sen không thể mọc,

Một sớm ngựa trắng vượt sông dài.

Rừng Sở cháy thiêu cá dưới ao,

Kinh đốt ra tro đài cũng sập.

Còn giữ làm chi muôn vạn lời,

Ngu tăng đời sau tụng lải nhải.

Ta nghe Thế Tôn ở Linh Sơn,

Nói pháp độ người vô số kể.

Ai rõ tâm này thì tự độ,

Linh Sơn ngay tại nơi tâm mình.

Gương sáng không có đài,

Bồ-đề vốn không cây.

Ta đọc Kim cương cả ngàn lần,

Trong chỗ uyên áo vẫn chưa hiểu.

Nay đến dưới đài đá phân kinh,

Mới biết chân kinh là vô tự.

                  Huỳnh Kim Quang dịch

Bài thơ ít nhất có ba câu cần được làm rõ về chữ nghĩa cũng như ý nghĩa. Đó là ba câu:

  .

Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy

Sở lâm họa mộc trì ương ngư

Kinh quyển thiêu hôi đài diệc dĩ.

Câu thứ nhất, hai chữ “Trường Giang” nếu viết hoa là chỉ cho sông Trường Giang, đây là một địa danh. Vì vậy nếu dịch “Trường Giang” thành “sông dài” e chưa hợp lý. Thứ hai, cả hai câu thơ “Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy/ Sở lâm họa mộc trì ương ngư” cùng liên quan đến một điển tích. Theo chú giải của trang thivien.net thì đây là điển tích Hầu Cảnh người Đông Ngụy hàng Lương, sau phản Lương, cỡi ngựa trắng vượt sông Trường Giang đánh Lương Vũ Đế. Lúc Hầu Cảnh hàng Lương, nước Đông Ngụy gửi cho Lương tờ hịch có hai câu: “Sợ nước Sở mất vượn họa lây đến cây rừng, cửa thành cháy vạ lây đến cá dưới ao”. Có thể thấy “Sở lâm họa mộc trì ương ngư” thật là một câu thơ rất khó dịch để vừa xuôi vần vừa rõ nghĩa.

Câu thứ ba, với cái biết còn hạn hẹp của chúng tôi, chữ trong câu  được phiên âm là “dĩ” e là một sai lầm. Theo từ điển chữ Hán, chữ chỉ có một âm là “di”, và nghĩa là cây cầu. Nếu đọc là “dĩ” thì chỉ có trong chữ Nôm, trong khi đây là một bài thơ chữ Hán của một tập thơ được viết hoàn toàn bằng chữ Hán. dịch là “Kinh đốt ra tro đài cũng sập”, vậy thì phải chăng thay vì chữ thì chữ “bĩ” (bộ Thổ và bộ K) mới là một chữ đúng, vì chữ “bĩ” trong chữ Hán mới có nghĩa là đổ nát, hủy hoại. (“Đài cơ tuy tại dĩ khuynh bĩ” - Đồng Tước đài, Nguyễn Du).

2.      Hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng của Phân kinh Thạch đài

 Về hình thức, Phân kinh Thạch đài được làm theo lối cổ phong, một thể thơ có trước thơ Đường luật. Trong Bắc hành tạp lục có nhiều bài được viết theo thể thơ này như Phản chiêu hồn, Sở kiến hành, Long Thành cầm giả ca… Thơ cổ phong khá tự do mà không bị hạn chế bởi nhiều quy tắc như thơ Đường luật, do đó tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc và tư tưởng của mình hơn.

Bài thơ được mở đầu với một không gian đầy hoài niệm:

Nơi thái tử Chiêu Minh phân kinh,

Đài đá còn ghi chữ “phân kinh”.

Hoa dại trong mưa phủ nền hoang,

Trăm cây sợ lạnh mà chết khô.

Không thấy kinh xưa ở đâu cả?

Đài đá phân kinh là chỉ cho nơi ngày trước thái tử Lương Chiêu Minh con vua Lương Vũ Đế đã phân chia kinh Kim cương ra thành ba mươi hai phần. Đọc những câu thơ này, chúng ta dễ mường tượng đến Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, hay thậm chí Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du.

  (Hoàng Hạc lâu)

Tiền bất kiến cổ nhân

Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du

Độc thương nhiên nhi lệ hạ.

  (Đăng U Châu đài ca)

Tất cả những câu thơ trên đều có chung một trường liên tưởng từ hiện tại về quá khứ như ở Phân kinh Thạch đài, từ quá khứ đến hiện tại, đến tương lai như Hoàng Hạc lâuĐăng U Châu đài ca. Thời gian vô cùng, không gian vô tận. Cảm thức vô thường cũng bộc lộ rất rõ. Tuy nhiên, Phân kinh Thạch đài không phải là một bài thơ đơn thuần nhằm thỏa mãn thú vui nghệ thuật. Cao hơn, nó là nơi nhà thơ bày tỏ những tri kiến của mình về Phật pháp.

Về tư tưởng, Phân kinh Thạch đài xoay quanh yếu chỉ của Thiền tông: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Đồng thời, xiển dương giáo nghĩa Không của kinh Kim cương.

Chỉ nghe huyền thoại thái tử Lương.

Thiếu thời thái tử thích văn chương,

Miễn cưỡng giải kinh cho lộn xộn.

Phật vốn là không chẳng vướng vật,

Còn có kinh gì để phân chia?

Văn thiêng không ở nơi ngôn ngữ,

Đâu là Kim cương, là Pháp hoa?

Nguyễn Du thẳng thắn phê bình việc phân chia kinh điển của thái tử Lương Chiêu Minh là “Miễn cưỡng giải kinh cho lộn xộn”. Ông đứng trên lập trường Không để phản đối:

Phật vốn là không chẳng vướng vật,

Còn có kinh gì để phân chia?

“Không” không có nghĩa là không có gì, mà nghĩa là vạn pháp không có tự tánh, không có thực thể, vì vạn pháp là do duyên sinh. Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không; cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Đó là nội dung để thâm nhập tính Không của vạn hữu. Qua đó nhà thơ chỉ ra rằng chia kinh là một việc vô ích, do không có trí tuệ thấy biết như thật, chấp nơi hình tướng và văn tự. Tôn chỉ “bất lập văn tự” của Thiền tông được thể hiện rất rõ trong câu thơ “Văn thiêng không ở nơi ngôn ngữ”. Vì không ở nơi ngôn ngữ nên Kim cương, Pháp hoa cũng chỉ là những cái tên gọi mà không nên chấp đó là chân lý.

Cảnh giới sắc không mà chưa ngộ,

Tâm mê theo Phật Phật thành ma.

Một nhà cha con đều mù cả,

Ở trong một niệm ma tự đến.

“Cảnh giới sắc không mà chưa ngộ” nhắc chúng ta nhớ đến Tâm kinh Bát-nhã: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Ngộ được cảnh giới sắc không là qua hết mọi khổ ách như ngài Quán Tự Tại. Khi sắc không chưa ngộ thì “Tâm mê theo Phật Phật thành ma”. Câu này có khẩu khí như câu “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” của Tổ sư thiền. Ý nói nếu vọng tưởng chấp trước thì Phật cũng chỉ là một khái niệm mà thôi. Phật là khả năng tỉnh thức ở mỗi người. Cho nên mọi pháp môn của Phật đều nhằm hướng hành giả quay vào bên trong để phát huy năng lực tỉnh thức ấy. Xưa kia Trần Thái Tông Trần Cảnh bất mãn bỏ vương triều vào núi tu, quốc sư Phù Vân bảo: Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta, nếu tâm lắng lặng thì trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật, không cần đi tìm cực khổ bên ngoài”.

 Không phải ngẫu nhiên mà công án “Vô” được Tổ sư Huệ Khai đặt ở vị trí đầu tiên trong bốn mươi tám công án của tập Vô môn quan. Và công án này cũng được Tổ bình khá dài so với những công án khác:

 “Để ngộ thiền ta phải vượt qua rào cản của chư Tổ. Giác ngộ luôn đến sau khi lối suy nghĩ bị chắn.

Nếu ngươi không vượt qua rào cản của chư Tổ, hoặc lối suy nghĩ không bị chắn, thì bất cứ điều gì ngươi nghĩ, điều gì ngươi làm đều giống như bóng ma vướng mắc. Ngươi có thể hỏi: Rào cản của Tổ là gì? Một chữ thôi, KHÔNG, là nó.

Đó là rào cản của Thiền. Nếu ngươi vượt qua được, ngươi có thể diện kiến Triệu Châu. Ngươi có thể tay nắm tay cùng với chư Tổ. Có thú vị không?

Nếu ngươi muốn vượt qua rào cản này, ngươi phải vận dụng tất cả xương cốt trong thân ngươi, tất cả lỗ chân lông của da ngươi, ngẫm nghĩ câu hỏi này: KHÔNG là cái gì? Và mang nó theo ngày và đêm. Chớ nên cho nó là biểu tượng tiêu cực thông thường có nghĩa là không có gì. Nó không phải là trống không, đối lại với hiện hữu. Nếu ngươi thực muốn vượt qua rào cản này, ngươi phải có cảm giác như ngậm một viên sắt nóng mà ngươi không thể nuốt vào hay khạc ra.

Rồi sự thiển cận trước kia của ngươi biến mất. Và như trái cây chín mùa, cái nhìn chủ quan và khách quan của ngươi trở thành một. Nó như kẻ câm nằm mộng, hắn biết đấy nhưng không thể nói ra được.

Khi thiền sinh vào được trạng thái này thì cái vỏ tự-ngã của y bị đập vỡ và y có thể lay trời và dời đất được. Y sẽ như là một chiến sĩ vô địch với lưỡi gươm bén. Nếu Phật đứng chắn lối, y sẽ chém nhào; nếu tổ gây trở ngại, y sẽ giết ngay; và y sẽ được tự do ra vào cõi sinh tử. Y có thể nhập bất cứ cảnh giới nào cứ như là vào sân chơi nhà mình. Ta sẽ nói cho ngươi biết cách làm được như thế với công án này:

Hãy tập trung tất cả năng lực của ngươi vào chữ KHÔNG này, và không bao giờ ngưng nghỉ. Khi ngươi vào được KHÔNG này và chẳng hề ngưng nghỉ, sự liễu ngộ của ngươi sẽ như ngọn đèn cháy và chiếu sáng toàn thể vũ trụ.

Con chó có Phật tánh không?

Đây là câu hỏi nghiêm trọng nhất

Nếu ngươi nói Có hay Không

Ngươi đánh mất Phật tánh của chính ngươi.

           (Vô môn quan)

   Công án “Vô” là một trong những cách hướng dẫn hành giả thể nhập tính Không của vạn pháp thông qua nỗ lực thực hành chứ không phải lặp lại lý thuyết suông.

Khi Nguyễn Du nói “Tâm mê theo Phật Phật thành ma” chính là chỉ cái tâm hướng ra bên ngoài, xem Phật là một đối tượng tìm cầu mà không chịu quay về với ông Phật bên trong là khả năng tỉnh thức xưa nay ai cũng có. Lục Tổ Huệ Năng dạy:

Mê thì Phật là chúng sanh

Ngộ thì chúng sanh là Phật

Ngu si, Phật là chúng sanh

Trí tuệ, chúng sanh là Phật

Hiểm hóc, Phật là chúng sanh

Bình đẳng, chúng sanh là Phật

Một niệm hiểm hóc phát sanh

Thì Phật khuất trong chúng sanh

Một niệm bình được ngô ngã

Thì chúng sanh tức là Phật

Tâm ta tự có Đức Phật

Phật ấy là Đức Phật thật

Tự ta không có tâm Phật

Thì tìm Phật ở chỗ nào?

           (Kinh Pháp bảo đàn)

Kinh Pháp hoa có ví dụ người nghèo có châu báu mà cứ lang thang đi kiếm ăn, lại cũng có ví dụ người cùng tử vốn dĩ rất giàu có mà không hề tự biết. “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền” (Trần Nhân Tông). Chính vì vậy mà Ni sư Diệu Nhân dạy “Thiền, Phật bất cầu”. Cũng chính từ đây Nguyễn Du viết:

Một nhà cha con đều mù cả

Ở trong một niệm ma tự đến.

Nguyễn Du trực diện và quyết liệt phê phán cả Lương Vũ Đế lẫn Lương thái tử, không quan tâm đến địa vị hoàng tộc của họ, thật đúng như trong kinh Kim cương dạy: “Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề”. Ở đây nhà thơ nhắc đến tích vua Lương Vũ Đế hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, độ Tăng, chép kinh không biết bao nhiêu mà kể, vậy có công đức gì không?”, Tổ đáp: “Không có công đức gì cả”. Tương truyền sau cuộc nói chuyện này thì Tổ đến Thiếu Lâm chín năm quay lưng vào vách không nói gì, vì biết huyền cơ chưa truyền cho ai được. Còn Lương Vũ Đế thì cho thấy còn đang bị kẹt vào tướng. Mà Đức Phật dạy: “Nhược Bồ-tát tâm trụ ư pháp nhi hành bố thí, như nhơn nhập ám, tức vô sở kiến” (kinh Kim cương). Đây là lý do Nguyễn Du nhận xét cả Lương Vũ Đế và thái tử Chiêu Minh đều mù. Cả hai cha con đều chưa thoát khỏi sự phân biệt, chấp trước, nhị nguyên đối đãi của thế giới hiện tượng. Ở trong một niệm ma tự đến cũng là nói yếu chỉ của Thiền: không khởi niệm. Khởi niệm tức là vọng tưởng, tức là ma.

Trong núi hoa sen không thể mọc

Một sớm ngựa trắng vượt sông dài.

Như đã giải thích ở mục 1, Bạch mã triêu độ Trường Giang thủy là câu thơ liên quan đến câu chuyện Hầu Cảnh hàng Lương sau phản Lương, cưỡi ngựa trắng vượt Trường Giang đánh Lương Vũ Đế. Tương truyền vua Lương Vũ Đế cuối đời bị đói mà chết. Trong núi hoa sen không thể mọc phải chăng muốn dụ cho Hầu Cảnh không có lòng trung thành, trước phản bội Đông Ngụy, sau phản bội Lương. Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có rất nhiều ẩn ngữ mà đôi khi các nhà nghiên cứu cũng phải bó tay. Độc Tiểu Thanh ký là một bài như thế:

Tây hồ hoa uyển tận thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Có thể nói đây là một trong những tuyệt tác thơ chữ Hán của Nguyễn Du mà đến nay vẫn còn để lại cho hậu thế nhiều câu hỏi. Nỗi hận cổ kim là gì? Tại sao tác giả lại có “phong vận kỳ oan”? Con số ba trăm năm lẻ nói về khoảng thời gian nào? Người ta chỉ có thể đọc, chiêm nghiệm, cảm nhận được vẻ đẹp bí ẩn của nó mà không giải thích được. Bí ẩn, đôi khi cũng làm nên sức hấp dẫn của một tác phẩm nghệ thuật, ví dụ như nụ cười của nàng Mona Lisa.

Hai câu thơ tiếp theo giúp người đọc quán chiếu về vô thường:

Rừng Sở cháy thiêu cá dưới ao

Kinh đốt ra tro đài cũng sập.

Toàn bộ phần còn lại của bài thơ là quan điểm của tác giả về đạo. Không chấp tướng, không chấp văn tự, quay về với tự tánh:

Còn giữ làm chi muôn vạn lời,

Ngu tăng đời sau tụng lải nhải.

Ta nghe Thế Tôn ở Linh Sơn,

Nói pháp độ người vô số kể.

Ai rõ tâm này thì tự độ,

Linh Sơn ngay tại nơi tâm mình.

Gương sáng không có đài,

Bồ-đề vốn không cây.

Ta đọc Kim cương cả ngàn lần,

Trong chỗ uyên áo vẫn chưa hiểu.

Nay đến dưới đài đá phân kinh,

Mới biết chân kinh là vô tự.

Theo thầy Thích Đức Thắng trong bài Nguyễn Du và Phân kinh Thạch đài, kinh Kim cương là một kinh không dễ đọc. Không ai đọc kinh Kim cương cả ngàn lần như tác giả chỉ để chơi hay để nghiên cứu. Thọ trì Kim cương ngàn lần như vậy hẳn phải là một hành giả Thiền tông. Dễ dàng thấy được đoạn thơ trên cũng như toàn bộ bài thơ mang khẩu khí của Thiền, từ chỗ gọi những người tụng kinh mà không chịu hiểu, không chịu tu theo kinh chẳng qua là bọn “ngu Tăng”, cho đến nhắc đến bài kệ nổi tiếng của Tổ Huệ Năng:

Bồ-đề bổn vô thọ

Minh kính diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai?

Tổ Huệ Năng nghe kinh Kim cương mà khai ngộ, làm bài kệ trên, rồi cũng được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giảng kinh Kim cương đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà “đại ngộ hết thảy vạn pháp không rời tự tánh” (kinh Pháp bảo đàn). Một điều đặc biệt là Tổ Huệ Năng không biết chữ. Nên giác ngộ không liên quan gì đến chữ nghĩa, chữ nghĩa chỉ là phương tiện. Đức Thế Tôn từng dạy bốn mươi lăm năm thuyết pháp Ngài không hề nói một lời, chính là để phá chấp cho chúng sanh không kẹt vào lời nói, chữ nghĩa, văn tự. Theo lời cổ nhân, đọc một cuốn sách ngàn lần thì có thể hiểu được ý nghĩa của nó. Một người đã đọc kinh Kim cương ngàn lần như Nguyễn Du vẫn khiêm tốn tự nhận: “Kỳ trung áo chỉ đa bất minh”. Để rồi cuối cùng tiên sinh quay về đúng với ý chỉ của Bậc Đạo sư: “Chung tri vô tự thị chân kinh”. Cuối cùng biết bài kinh chân thật là không có chữ. Hẳn độc giả vẫn không quên trong phim Tây du ký, Đường Tăng thỉnh được chân kinh trở về, qua sông làm rớt, khi phơi kinh mới phát hiện ra toàn bộ số kinh thỉnh được là giấy trắng. Đó là một chi tiết thú vị có thể liên tưởng đến câu “Chung tri vô tự thị chân kinh” của Nguyễn Du.

 Như vậy, có thể nói nội dung tư tưởng của bài Phân kinh Thạch đài chính là tư tưởng của Thiền tông. Tông chỉ: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” đã được tác giả diễn xướng một cách rốt ráo. Đồng thời, để hiểu được bài thơ, người đọc cần có kiến thức nhất định về những giáo lý căn bản của Phật giáo, đặc biệt là tánh Không. Đức Phật giảng tánh Không nhiều người hiểu lầm cho rằng Đức Phật chủ trương thuyết hư vô, đoạn diệt. Tánh Không trong Phật giáo được giải thích trên lập trường duyên khởi. Các pháp nương vào nhau mà biểu hiện, do nhân duyên sinh khởi, do nhân duyên hoại diệt, không có tự tánh, không có thực thể, nên gọi là Không. Không nên ngộ nhận Không là không có gì, không hiện hữu để rồi đi đến phủ nhận nhân quả, rơi vào tà kiến. Hơn hết, như tất cả các giáo lý khác, tánh Không là một phương pháp để hành trì, không phải để hý luận.

3.      Kết luận

 Sách chép lại rằng khi lâm chung, Nguyễn Du hỏi lạnh tới đâu rồi, người nhà bảo, tay chân lạnh cả rồi, thi hào chỉ đáp: “Tốt”. Rồi đi. Một sự từ giã có thể nói là khá an nhiên và tự tại. Phân kinh Thạch đài không chỉ là một tác phẩm thú vị và độc đáo mà còn là một phần tư liệu hiếm hoi tiết lộ về hành trạng của nhà thơ lúc sinh thời. Ông đã thực chứng đến đâu, thật khó mà quả quyết. Và người viết cũng không dám tự cho đã hiểu đúng và đủ về tác phẩm này. Chỉ có thể nói rằng, bài thơ Phân kinh Thạch đài đã hợp nhất giữa văn chương và đạo lý của một truyền thống tôn giáo xưa nay tồn tại cùng với sự tồn tại của dân tộc. Bài tựa Kiều năm 1820, Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân viết: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy?”. Cùng với Truyện Kiều, Phân kinh Thạch đài hoàn toàn xứng đáng để minh chứng cho nhận định ấy. Ngòi bút phàm phu của chúng tôi xin phép mượn câu cuối của Truyện Kiều để khép lại bài viết này: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”.

            Chơn Định

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác