Đạo Sinh dịch: Sự độ lượng
su do luong
Đạo Sinh dịch: Sự độ lượng
Sự độ lượng, dana, là một trong sáu paramita, hay hành động siêu việt. Par nghĩa đen là “bờ bên kia”. Thật vậy, từ này vẫn rất thông dụng ở Ấn; par – có nghĩa bờ sông bên kia. Mita là người đã đến đó. Vì thế paramita có
nghĩa là người đã đến bờ bên kia. Một số học giả xem các paramita như
sáu pháp viên mãn (perfections). Chính xác đó là những hành động viên
mãn, nhưng từ perfection cũng còn những hàm nghĩa không phù hợp khác.
Mục đích của các paramita không phải là nỗ lực thành tựu sự viên mãn;
vì thế tốt nhất là nên hiểu các pháp này như là sự siêu việt, tức là
vượt lên, vươn xa.
Sáu hành động siêu việt này là những hành động của một bodhisattva (bồ-tát). Bodhi là trạng thái giác ngộ của tâm (awakened state of mind), và sattva là
người trên đường đi đến trạng thái giác ngộ đó. Vì thế từ bodhisattva
chỉ cho những ai đã thành tựu và những ai có khuynh hướng đi theo con
đường của từ bi, con đường của tình thương. Con đường Hinayana, hay “Cỗ
xe nhỏ” – được biết đến như là con đường sơ đẳng, con đường căn bản,
hay con đường hẹp – đặt nền tảng trên sự rèn luyện kỷ luật hay sự kiểm
soát thân tâm, là đòi hỏi đầu tiên trong việc phát triển sự tự do. Con
đường này không chỉ rèn luyện tâm ý dựa vào thiền hành mà còn rèn luyện
cả sự nói năng và cách hành xử. Cách rèn luyện này khác hẳn việc định
đặt các giới luật đạo đức để rèn luyện theo nghĩa “tội” và “phước”. Ý
nghĩa chân chính của cách rèn luyện này là hành động đúng đắn, hành
động chân thật, hành động thấu đáo, hành động theo quy luật của cái
đang là. Vì thế ta phải hiểu quan niệm về kỷ luật này, hay sila
paramita (giới ba-la-mật),
thật rõ ràng. Nó trở thành nền tảng của mọi thứ. Ta có thể nói đó là
con đường hẹp, vì tự thân nó là sự giản dị. Chẳng hạn, nếu chỉ có một
lối đi nhỏ băng qua đèo và phần đất còn lại mọc đầy cây lớn, cây bụi,
vân vân, thì lúc đó ta chẳng có khó khăn nào cả khi quyết định phải đi
lối nào. Nếu chỉ có một lối đi thì hoặc ta đi tiếp hoặc ta trở về. Toàn
bộ sự việc được đơn giản hóa thành một sự kiện, hay một sự tương tục.
Vì thế rèn luyện kỷ luật không đóng khung các hoạt động của ta bằng
việc tuyên bố rằng những điều như thế như thế thì trái với thánh giới
hay phi đạo đức. Điều chính yếu là chỉ có một con đường thật sự giản dị
phía trước chúng ta. Tự nền tảng rèn luyện kỷ luật chính là sự thực
hành shamatha (thiền chỉ)
để phát triển tỉnh giác, qua đó ta chỉ thấy cái đang là. Mọi thời khắc
đều là bây giờ, và ta hành động qua kinh nghiệm của phút giây hiện tại.
Đến đây ta đã nói xong về con đường hẹp.
Từ
đó chúng ta đến với Mahayana, “Cỗ xe lớn”; đó là con đường mở rộng, con
đường của bồ-tát. Con đường hẹp không những giản dị và thẳng tắp mà còn
có tính cách vĩ đại. Dựa trên nền tảng đó chúng ta phát triển từ bi.
Trong thực tế từ bi chẳng liên quan gì đến việc thông cảm với đau khổ
của người khác – theo nghĩa giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn,
hoặc tử tế với hàng xóm, hoặc đóng góp tặng phẩm đều đặn cho dân tỵ
nạn, hoặc ghi danh vào nhiều tổ thức từ thiện khác nhau; mặc dù từ bi
cũng có thể bao gồm tất cả những việc đó. Làm từ thiện là cái căn bản;
nó phát triển sự nhiệt tình trong tự thân chúng ta. Xuất phát từ sự
giản dị và tỉnh giác, các bồ-tát phát triển sự nhiệt tình không phải
của chính mình. Thậm chí cả sự lợi lạc về tâm lý của chính họ, họ cũng
không nghĩ đến. Họ không nghĩ, “Ta muốn nhìn thấy chúng sinh không bị khổ đau.” Chủ ngữ “Ta” không
còn trong suy nghĩ của họ. Họ nói năng, suy nghĩ, và hành động một cách
tự nhiên, ngay cả những khái niệm “giúp đỡ”, “thành tựu bất kỳ mục đích
đặc biệt nào”, họ cũng không còn nghĩ đến. Họ chẳng hành động vì những
lý do “tôn giáo” hay “từ thiện” nào cả. Họ chỉ hành động theo cái giây
phút chơn chất ở hiện tại, trong đó họ phát triển một loại tình cảm
nồng nàn. Và có một sự nhiệt tình vĩ đại trong sự tỉnh giác này, và
đồng thời có cả sự sáng tạo vĩ đại. Không gì có thể giới hạn được hành
động của họ; và tất cả các loại xung lực sáng tạo thật sự sinh khởi
trong họ và bằng cách nào đó chúng hoàn toàn đúng đắn ở vào giây phút
đặc biệt đó. Mọi thứ xảy ra và họ chỉ vượt qua tất cả, vì thế có một sự
sáng tạo liên tục và siêu đẳng trong họ. Đó là hành động karuna thật sự
– một từ Sanskrit có nghĩa “trái tim cao thượng” hay “trái tim từ bi”.
Vì thế trong trường hợp này từ bi không chỉ có nghĩa là sự tử tế, mà là
lòng từ bi căn bản, lòng từ bi vô ngã. Họ thật sự không còn ý thức về bản thân họ,
vì thế từ bi có phạm vi lớn hơn để mở rộng và phát triển; bởi vì ở đây
chỉ có sự tỏa nhiệt mà không có thiết bị tỏa nhiệt. Và khi chỉ có sự
tỏa nhiệt này hiện hữu mà không có một thiết bị tỏa nhiệt thì sự tỏa
nhiệt này có thể tiếp tục mãi mãi và năng lượng không bao giờ bị cạn
kiệt. Nó luôn luôn được chuyển hóa và khi nó lan tỏa càng ngày càng
rộng hơn thì nó luôn luôn chuyển đổi thành một cái khác, thành một hoạt
động sáng tạo mới; vì thế nó diễn tiến liên tục không ngừng nghỉ. Sự
chuyển hóa sáng tạo này không chỉ là một khái niệm lý thuyết hay triết
học, mà nó thật sự xảy ra theo một nghĩa thực tế, đôi khi theo cách rất
đơn giản.
Bây
giờ ta có thể quay sang sự độ lượng. Sự độ lượng sinh khởi khi bồ-tát
say sưa với lòng từ bi và không còn ý thức về bản thân mình. Tâm họ
không chỉ chứa đầy từ bi mà đã trở thành từ bi. Tâm và từ bi trở thành
một. Có sáu hoạt động kết hợp với tâm từ bi: sự độ lượng, đạo đức hay
kỷ luật (kỷ luật tự nhiên, hành động theo chánh pháp), sự kiên nhẫn, có
năng lượng, và sự trong sáng (cũng gọi là trí huệ hay biết rõ hoàn
cảnh). Những hoạt động này gọi là paramita, tức các hành động siêu
việt, như ta đã biết. Cho tôi được nhắc lại rằng bồ-tát không hành động
để trở thành đạo đức hay để khắc phục tội lỗi hay tà hạnh; tâm họ không
vướng bận bên tà hay bên chánh, bên thiện hay ác. Nói cách khác, hoạt
động của họ không có giới hạn, không bị ràng buộc hay quy định bởi
thiện và ác. Vì thế nó siêu việt, nó là cái vượt lên trên. Có thể điều
này nghe hơi trừu tượng, hơi khó nắm bắt, và ta có thể hỏi, “Làm thế
nào một hành động độ lượng có thể là siêu việt? Đây không chỉ là một
định nghĩa triết học sao?” Không phải, trong trường hợp này nó không
phải, bởi vì nó không chỉ chỉ cho hành động của họ. Tâm của họ không
đơn giản vận hành như thế. Khi họ hành động, họ hoàn toàn tự nhiên, tự
do, và hiện-hữu-trong-hiện-tại. Vì thế họ hoàn toàn mở rộng, và về tâm
của họ thì nó bất động. Hoạt động sinh khởi chỉ khi hoàn cảnh tự trình
hiện. Có thể họ không liên tục ở trong trạng thái tỉnh giác vô ngã,
nhưng ít ra họ hành động tự nhiên, họ hành động khế hợp với Pháp. Và
định nghĩa Pháp ở phương diện này chính là quy luật chân chính, quy
luật của vũ trụ. Sự không thiên vị là Pháp. Có nghĩa rằng Pháp không
liên quan đến bất cứ hình thái mong muốn thành tựu nào, vì thế hành
động độ lượng được thực hiện mà không liên hệ đến bất kỳ phần thưởng
đặc biệt nào. Vì thế độ lượng có nghĩa là không sở hữu.
Nếu
có tiền của, người ta có thể nói rằng, “À, bây giờ ta đã có cơ hội thực
hành sự độ lượng bởi vì ta đã có cái để thực hành.” Nhưng đối với
bồ-tát, vấn đề này chẳng hề xuất hiện; đó không phải là vấn đề sở hữu
cái gì đó. Độ lượng chỉ là một thái độ của tâm, trong đó ta không muốn
sở hữu để rồi phân phát cho mọi người. Hơn nữa, độ lượng không những
chỉ cho sự thực hành thiền, trong đó ta có thể cảm nhận tính cách vô
ngã không giữ lại bất cứ gì, mà độ lượng còn là cái rất tích cực. Trong
kinh đức Phật nói về sự thực hành độ lượng bằng cách duỗi cánh tay ra
và co cánh tay vào. Có một câu chuyện vào thời đức Phật, kể về một lão
bà ăn xin. Bà lão là một trong những người ăn xin nghèo nhất Ấn-độ; vì
bà không chỉ nghèo của cải mà cái tâm của bà cũng nghèo nữa. Bà ta muốn
có thật nhiều, và điều này làm bà cảm thấy càng nghèo hơn. Một hôm bà
nghe tin đức Phật được mời đến nhà của Cấp Cô Độc ở Kỳ viên. Cấp Cô Độc
là một phú gia và là một thí chủ vĩ đại. Thế là bà quyết định đi theo
đức Phật vì biết rằng Ngài sẽ cho bà bất cứ thức ăn gì còn thừa lại. Bà
tham dự lễ cúng dường thực phẩm cho tăng-già, cho đức Phật, và rồi ngồi
chờ cho đến khi đức Phật trông thấy bà. Đức Phật quay sang hỏi bà muốn
gì. Dĩ nhiên Ngài biết, nhưng phần bà buộc phải thừa nhận và nói ra. Vì
thế bà nói, “Con muốn thức ăn, con muốn Ngài cho con những thứ còn
thừa.” Đức Phật bảo, “Nếu thế, trước tiên bà phải nói không.
Bà phải từ chối khi ta đưa thức ăn cho bà.” Ngài đưa thức ăn cho bà,
nhưng bà thấy rất khó nói “không”. Bất cứ lúc nào ai đó có cái gì đó
hoặc cho bà cái gì đó, bà luôn nói, “Vâng, tôi muốn cái đó.” Vì thế bà
thấy rất khó để nói “không” vì bà không quen với từ ngữ đó. Sau cùng,
cố gắng mãi bà cũng nói được chữ “không”, và rồi đức Phật đưa thức ăn
cho bà. Và rồi qua đó bà ý thức được rằng cơn đói thật sự ở trong người
bà chính là sự ham muốn sở hữu, nắm bắt, tư hữu, sở đắc. Đây là ví dụ
về cách ta có thể thực hành lòng độ lượng. Và từ cái nhìn này ta có thể
thực hành sự độ lượng đối với bản thân ta. Vì điều quan trọng ở đây là
giải thoát mình khỏi tính sở hữu, khỏi cảm giác luôn luôn thiếu thốn
này.
Thế
rồi bước kế tiếp dĩ nhiên là cho đi những vật sở hữu của ta. Nhưng điều
này không nhất thiết phải liên quan đến sự khắc khổ. Nó không có nghĩa
rằng ta không nên sở hữu bất cứ cái gì cả, hay ta nên cho đi những gì
ta có ngay tức khắc. Ta có thể có rất nhiều tiền của và ngay cả còn
thích thú về điều đó, và có lẽ ta có mối quan tâm riêng tư về điều đó –
giống như trẻ con hay cả người lớn thích món đồ chơi của mình. Đây
không phải là vấn đề không thấy được giá trị các vật sở hữu. Điểm đáng
nói là chúng ta dễ dàng cho đi cũng giống như dễ dàng sở hữu. Nếu có
người hỏi xin ta một vật đặc biệt mà lúc nào ta cũng muốn có nó bên
mình thì ta không nên chần chừ gì cả, mà hãy cho đi. Vấn đề thật sự là
hãy từ bỏ khái niệm sở hữu này. Bởi vì có một sự thèm khát đang vận
hành trong ta.
Có
một câu chuyện ở Tây tạng kể về hai anh em nọ. Một người sở hữu chín
mươi chín con bò trong khi người kia chỉ có một con. Người anh em nghèo
túng rất hài lòng với con bò của mình. Anh ta rất hạnh phúc và nghĩ
mình có rất nhiều của cải. Anh ta có một con bò và đó thật sự là tất cả
những gì anh ta cần. Như thế là rất đủ, nhất là anh ta không sợ mất nó.
Thật vậy, sự thích thú có được con bò của anh ta thì lớn hơn nỗi sợ bị
mất nó; trong khi người anh em kia luôn luôn lo sợ bị mất những con bò
của mình. Anh ta luôn phải trông nom chúng; và như ta biết, ở vùng cao
nguyên Tây tạng có rất nhiều chó sói và loài báo núi Himalaya; và bò
thường rất dễ chết trong mùa đông khắc nghiệt. So với những nơi khác, ở
Tây tạng việc trông coi bò gặp rất nhiều trở ngại. Vì thế một hôm người
anh em giàu có nghĩ, “À, ta nghĩ ta sẽ xin người anh của ta giúp đỡ.”
Như ta biết, anh ta không những sợ mất bò mà còn thích có nhiều thêm.
Rồi anh ta đến gặp anh mình và nói, “À, em biết anh chỉ có một con bò.
Việc này cũng chẳng làm anh khác đi bao nhiêu. Vì thế nếu anh chẳng có
con nào cả thì thật sự cũng chẳng hề hấn gì. Nhưng nếu anh cho em con
bò của anh thì em sẽ có một trăm con; điều này rất có ý nghĩa đối với
em. Ý em muốn nói có một trăm con bò thật sự không phải là chuyện đùa.
Nếu em được như thế, em sẽ thật sự giàu có và tiếng tăm.” Thế là anh ta
hỏi xin, và người anh cho anh ta thật dễ dàng. Anh không chần chừ; anh
chỉ việc cho nó. Câu chuyện này đã trở nên rất phổ biến ở Tây tạng, chỉ
rõ rằng khi ta có nhiều thì ta lại muốn nhiều hơn nữa, và khi ta có ít
thì lại sẵn lòng cho đi.
Vì
thế có tính sở hữu này, có sự đói khát về mặt tâm lý này. Và điều này
không chỉ liên quan đến tiền bạc của cải mà còn cả cảm giác sâu xa muốn
sở hữu, muốn đeo bám, khao khát những thứ rõ ràng đã thuộc về ta. Ví dụ
ta đang đi mua sắm. Có thể ta sẽ thấy bất hạnh trong suốt thời gian đó.
Và khi nhìn thấy những thứ ta thích, điều này luôn tạo một sự thống khổ
trong tâm ta vì ta nghĩ, “Nếu ta mà có tiền thì ta có thể mua cái đó
rồi.” Vì thế suốt thời gian ta rảo bộ qua các cửa tiệm, sự đói khát này
tạo ra sự đau đớn lớn lao. Trong khi một người khác có thể lại thích
thú việc chỉ nhìn ngắm. Vì thế cái muốn làm chủ, muốn sở hữu và không
sẵn sàng cho đi thì thật sự không phải là sự yếu đuối đối với bất cứ sự
vật đặc biệt nào. Thông thường ta muốn bận rộn với cái gì đó, và nếu ta
đánh mất sự quan tâm đến cái đặc biệt đó thì ta luôn muốn thế chỗ nó
bằng một cái khác. Không phải ta không xoay xở được nếu như không có
một chiếc xe hơi hay một hệ thống sưởi trung tâm, hay bất cứ cái gì đó.
Luôn luôn có cái nằm sau nó, cái gì đó căn bản, một sự ham muốn sở hữu,
ham muốn làm chủ, đang luôn thay đổi và phát triển và thay thế cái này
bằng cái khác. Vì thế đó là sự yếu đuối đích thực – mặc dù không hẳn là
sự yếu đuối nhưng là một thói quen mà ta có khuynh hướng hình thành
trong một tiến trình suy tưởng có tính loạn thần. Toàn bộ vấn đề chỉ
còn là sự chồng chất các ý tưởng diễn ra không ngừng nghỉ trong đầu
chúng ta. Ta không bao giờ để cho bất cứ điều gì thật sự xảy ra hay
chiếm chỗ trong tâm chúng ta. Một ý tưởng khởi lên, và trước khi biến
mất thì hầu như một ý tưởng khác đã chồng lên, và rồi lại một ý tưởng
khác. Vì thế không bao giờ có một khoảng hở nào cho phép ta được tự do
và thật sự tiêu hóa các thứ. Vì thế nó trở thành một đòi hỏi liên tục,
một tiến trình tạo tác và mong muốn sở hữu liên tục. Và đó là lý do tại
sao ta phải phát triển tính độ lượng này để thật sự mở rộng chính mình.
Giai
đoạn kế tiếp có lẽ là sự biểu hiện sâu sắc hơn của lòng độ lượng: sẵn
sàng chia sẻ kinh nghiệm với người khác. Đây là điều khá gay cấn; bởi
vì cũng có nguy cơ là ta sẽ cố dạy người khác những điều ta đã học. Vấn
đề này khá tế nhị. Có lẽ ta sẽ trình bày một phần điều ta muốn nói; có
thể nội dung khá lôi cuốn. Và có lẽ ta biết nhiều về đề tài này hơn
người khác và muốn phô trương. Điều này hơi gay cấn. Tuy nhiên, tìm
cách diễn đạt thành lời – bất cứ cái gì ta đã thành tựu – và truyền đạt
cho người khác, là cách duy nhất để phát triển chính ta. Điều này đặc
biệt ứng dụng cho những người đi giảng dạy. Và đối với những người thầy
cao cấp – thật ra thì đối với bất cứ người thầy nào – điều cần thiết là
không chỉ học và giữ lại mọi điều, mà là ứng dụng có hiệu quả bằng cách
hoằng truyền, cho dù không có ý tưởng trông mong được hoàn báo. Đó gọi
là bố thí Pháp, trong đó ta cho đi mọi lúc. Dĩ nhiên ta phải rất cẩn
trọng, đừng tặng món quà không phù hợp cho người không phù hợp. Ví dụ,
nếu có người không hăng hái lắm để lắng nghe các kinh nghiệm của ta,
nhất là có liên quan đến thiền, vân vân, thì ta đừng nói tiếp về điều
đó; bởi vì lúc đó chẳng có gì thật sự là bố thí cả. Và có lẽ đối với
những người như thế, ta nên cho cái gì đó không phải là Pháp thì thích
hợp hơn. Và ta phải nhìn thấy điều đó bằng sự thông minh, sự trong
sáng, bằng trí huệ. Prajna paramita (bát-nhã ba-la-mật)
sẽ phải giải quyết điều đó. Thế nhưng nhìn chung ta phải cho đi nếu ta
muốn nhận vào. Một tiến trình chuyển hóa liên tục xảy ra.
Theo
truyền thống Tây tạng, nếu muốn nhận được sự giáo hóa, người ta thường
tặng quà cho vị thầy của mình. Tiện đây tôi xin nói rằng điều này không
có nghĩa là tôi muốn quyên tiền của thính chúng. Nhưng khái niệm nằm
sau sự vụ này là khi ta muốn điều gì – “tôi muốn nhận được sự giáo hóa;
tôi muốn hiểu biết một số điều” – thì ta cũng phải cho ra cái gì đó.
Điều này cũng làm rõ sự vụ là ta không hẳn là người hoàn toàn nghèo khó
phụ thuộc người khác hay hèn mọn vì chỉ mong muốn sự giúp đỡ, mà ta vẫn
có cái giá trị để cho đi. Trong truyền thống Phật giáo Tây tạng, khi
một người có ý định đi đến Ấn-độ để phiên dịch kinh điển và tiếp thọ
giáo huấn từ các vị thầy Ấn-độ, thì trước tiên phải bỏ ra hai năm để
gom góp vàng bạc từ khắp nơi Tây tạng. Người ta luôn luôn cho đi cái gì
đó trước khi tiếp nhận giáo huấn. Vì thế toàn bộ vấn đề ở đây là ta
phải ý thức được giá trị của giáo pháp, cho dù thật sự ta không thể
định giá giáo pháp bằng của cải vật chất, mà ta phải sẵn sàng cho ra
cái gì đó. Và dĩ nhiên, một trong những điều quan trọng nhất là cho đi
tự ngã, một trong những vật sở hữu quí nhất và có giá nhất của ta. Ta
phải cho cái đó đi. Có một số thực hành trong truyền thống Tây tạng,
như lễ bái. Theo đó, trước khi tu tập bất cứ tầng thiền định nào cao
hơn, ta phải lễ lạy một trăm ngàn lần – điều này kết hợp với sự thực
hành du-già của Phật giáo. Và ý nghĩa lễ bái là cho đi, tuân phục, rộng
mở – một tiến trình làm rỗng, hay sự chuẩn bị cái bình chứa để tiếp
nhận. Ta phải mở ra và làm rỗng một cái cốc lành lặn. Đó là những gì ta
phải dâng tặng, và rồi ta có thể nhận được mọi thứ nguyên vẹn với đầy
đủ giá trị, đầy đủ phẩm chất.
Trong
trường hợp của người thầy dĩ nhiên điều đó cũng rất quan trọng. Và tôi
đoan chắc rằng tất cả chúng ta đều là thầy dạy theo cách riêng của mỗi
người chúng ta; tôi đoan chắc rằng chúng ta luôn có thể giảng dạy người
khác theo mức độ riêng của mỗi người chúng ta. Và người thầy phải sẵn
sàng học hỏi từ người học; điều này rất quan trọng. Nếu không, chẳng có
tiến bộ nào thật sự về phía người học. Vì theo nghĩa nào đó ta sẽ quá
hăng hái và lưu tâm đến tiến trình làm cho người học tiếp nhận sự mở
rộng tự ngã của chúng ta và mong muốn tạo ra cho người học một “cái ta”
mới, hơn là giúp họ phát triển khả năng của chính họ. Vì thế người dạy
phải sẵn sàng học hỏi từ người học; và rồi sẽ có một quan hệ thân cận
liên tục. Sự trao đổi xảy ra liên tục; lúc đó khi ta dạy, người học sẽ
không thấy ta buồn tẻ, vì bản thân ta cũng có sự phát triển. Luôn luôn
có cái gì đó khác đi, cái gì đó mới mẻ từng giây phút, vì thế nguyên
liệu không bao giờ cạn kiệt. Ta có thể ứng dụng ngay cả điều này vào
các môn học kỹ thuật và phương pháp giảng dạy các sự vật. Đó có thể là
toán học hay khoa học hay bất cứ môn học nào khác. Nếu người dạy sẵn
sàng học hỏi từ người học, lúc đó người học cũng trở nên háo hức để
cho, vì thế có tình thương đích thực, và sự nối kết đích thực xảy ra.
Đó là sự bố thí vĩ đại nhất. Trong cuộc đời đức Phật, ta có thể nhìn
thấy Ngài không bao giờ giáo hóa chỉ với loại thẩm quyền trịch thượng.
Ngài không bao giờ sử dụng thẩm quyền như một vị Phật, như một con
người giác ngộ. Ngài không bao giờ giáo huấn bằng cách nói rằng “Các
ông sai, và ta đúng.” Mặc dù có khi Ngài chỉ ra rằng đây là con đường
chính và kia là con đường tà, sử dụng trí phân biệt. Thế nhưng, bằng
cách này hay cách khác Ngài luôn luôn khuyến khích những cuộc bàn luận
giữa các đệ tử của Ngài. Và đệ tử của Ngài thì luôn luôn góp phần vào
sự giáo hóa của Ngài, và Ngài luôn luôn truyền đạt theo một cách nào đó
và hỏi các câu hỏi như, “Điều đó có phải như thế không, hay nó không
phải như thế sao?” Rồi việc phán đoán được dành lại cho người học. Và
rồi Ngài nói, “Đúng” hoặc “Không”, nhưng dù câu trả lời là gì đi nữa
thì Ngài đều hình thành từ đó. Vì thế một tiến trình cho-và-nhận liên
tục xảy ra; và tôi đoan chắc ta cũng có thể làm như thế theo cách tương
tợ. Dĩ nhiên, khi có điều gì đó cần nói, ta thường muốn tìm hiểu thật
kỹ trước khi nhận được sự phê phán hay bất cứ phản ứng nào từ người
khác. Tất cả điều này thật sự đặt nền tảng trên một nỗi sợ hãi sâu kín,
không tự tin vào bản thân mình, vì ta sợ để lộ ra cái khờ khạo của tự
ngã. Vì thế ta thường trình bày điều đó như một sự kiện đơn thuần và để
yên như thế. Lúc đó, khi người học không thể tham gia vào vấn đề đó, nó
sẽ trở nên trang trọng, rất khó khăn và nghiêm trọng, và họ không còn
thích học hỏi nữa. Họ bắt đầu ý thức về việc được giáo hóa, được dạy
điều này điều kia; và rồi bằng cách nào đó vấn đề không còn tính sáng
tạo và nó không còn thật sự ngấm vào nhân cách của họ và có thể giúp họ
phát triển khả năng và kiến thức của chính họ.
Và
rồi dĩ nhiên, như chúng ta đã nói, sự bố thí của cải vật chất không chỉ
là vấn đề cho đi tiền của, mà là thái độ nằm sau sự cho đó. Ta thường
thấy ở phương Đông – và tôi không nói rằng phương cách hành xử của
phương Đông lúc nào cũng đúng, tôi không sử dụng điều này như một thẩm
quyền để cho đó là phương cách xác thực và độc nhất giải quyết mọi
chuyện, mà tôi chỉ sử dụng nó như một lời đề nghị – người phương Đông
thường cho đi một vật vì đó là thứ họ thích nhất; và họ cho đi vì vật
đó biểu trưng tấm lòng của họ. Họ cho đi đủ các thứ, như khăn trùm, các
đồ trang sức, tạp dề, giày dép và vòng xuyến, vân vân, của phụ nữ.
Không phải họ nghĩ người ta thật sự cần đến những thứ này, mà vì đó là
đồ vật quý giá của họ, những thứ thật sự tượng trưng cho chính bản thân
họ. Họ có trong họ ước muốn sở hữu này và đó là lý do họ biếu tặng theo
cách này. Sự cho và quan niệm về punya (công đức)
không chỉ là vấn đề bố thí vật chất và tiêu mất một số tiền lớn; nó còn
là vấn đề dự phần vào việc làm đó về mặt vật chất và dấn thân trọn vẹn
vào tiến trình trao tặng. Giống như với bất cứ điều gì khác thuộc cùng
việc làm này, như tập thiền chẳng hạn, ta phải dấn thân trọn vẹn, phải
trở thành một với cái ta đang làm. Vì thế, cùng với việc cho đi các
thứ, dù vật đó có ít giá trị đi nữa, ta cũng phải dấn thân trọn vẹn vào
việc cho để một phần tự ngã của ta cũng được cho đi. Qua việc làm đó ta
đạt được paramita, hành động siêu việt, cái gì đó vươn xa, cái gì đó
vượt lên trên. Lúc đó ta không ý thức về “đạo đức” và không ý thức về
việc cho đi với nỗ lực trở thành “tôn giáo”, và ta không nghĩ đến sự
tiếp nhận bất cứ phần thưởng công đức đặc biệt nào. Nếu ta cho chỉ để
thu hoạch công đức thì điều đó thường có khuynh hướng thành hình tự ngã
của ta hơn là cho đi thật sự. Vì thế nếu ta có thể cho đi tự ngã, một
phần của tính sở hữu và mê muội đó, thì ta đang thật sự thực hành Pháp,
vốn là sự không mê muội. Và công đức tự động trở thành một phó phẩm, và
sẽ chẳng có giây phút nào ta cố gắng tựu thành bằng được công đức.
[ trích Thiền trong hành động | Nguyên tác: Meditation in Action | Chögyam Trungpa Rinpoche ]