Những món quà ngài để lại: Di sản giáo pháp của Ajaan Dune Atulo

Những món quà ngài để lại

Những món quà ngài để lại: Di sản giáo pháp của Ajaan Dune Atulo

 

Phra Bodhinandamuni ghi lại

Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh

Nguyên Giác dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt

Ajaan Dune Atulo (1888-1983) sinh ngày 4-10-1888 tại làng Praasaat, huyện Muang, tỉnh Surin. Năm 22 tuổi, ngài xuất gia ở tỉnh lỵ. Sáu năm sau, thất vọng với nếp sống của một Tăng sĩ thất học, ngài rời đi để học ở Ubon Ratchathani, nơi ngài kết bạn với Ajaan Singh Khantiyagamo và tái xuất gia vào tông phái Dharmayut. Không lâu sau đó, ngài và Ajaan Singh gặp Ajaan Mun, người vừa trở về vùng Đông Bắc Thái Lan sau nhiều năm lang thang. Ấn tượng với những lời dạy và pháp thực hành của Ajaan Mun, cả hai tu sĩ đều từ bỏ việc học và bắt đầu cuộc sống thiền định lang thang dưới sự hướng dẫn của ngài Ajaan Mun. Vì vậy họ là hai đệ tử đầu tiên của Ajaan Mun. Sau khi lang thang 19 năm qua rừng núi Thái Lan và Campuchia, ngài đảm nhận chức vụ trụ trì của Wat Burapha, ở giữa thị trấn từ năm 1934. Ngài ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1983. Và sau đây là những lời dạy của ngài, với cách xưng hô tôn kính là Luang Pu.

Kỳ 5

Đừng nhắm sai hướng

Ngoài trí tuệ xuất phát từ trái tim, Luang Pu còn trích dẫn những đoạn văn mà ngài đã đọc trong kinh điển. Bất kỳ đoạn văn nào mà ngài thấy quan trọng, như một bài học ngắn gọn và trực tiếp trong việc thực hành, ngài sẽ đọc lại cho chúng tôi. Chẳng hạn, một trong những lời dạy của Đức Phật mà ngài thích trích dẫn là: “Các sư, đời sống phạm hạnh này không được thực hành để lừa gạt quần chúng, cũng không để được tôn kính, cũng không vì kiếm lợi, cúng dường và nổi tiếng; cũng không nhằm đánh bại các tông phái khác. Đời sống thánh thiện này được sống nhằm thu thúc, buông bỏ, ly tham và đoạn tận khổ đau”.

Luang Pu sau đó nói thêm, “Những người xuất gia và những người thực hành phải nhắm theo hướng này. Bất kỳ hướng nào khác ngoài hướng này đều sai lầm”.

Trong lời Phật nói

Luang Pu đã từng nói: "Con người, khi họ là người đời thường, đều có tự hào và ý kiến riêng. Chừng nào họ còn có tự hào, họ khó có thể nhìn thấy sự tương hợp với nhau. Khi các điểm nhìn của họ không tương ưng với nhau, họ cứ tiếp tục cãi nhau và tranh chấp. Còn đối với một bậc Thánh đã đạt đến Pháp, không có gì có thể lôi kéo vị này vào cuộc tranh cãi với bất kỳ ai khác. Bất kể người khác nhìn mọi chuyện thế nào, vị này đều buông bỏ như là chuyện của người khác. Như một trong những câu nói của Đức Phật, ‘Này các Tỷ-kheo, điều gì các bậc trí giả ở thế gian nói là có hiện hữu, ta cũng nói là có hiện hữu. Và bất cứ điều gì các bậc trí giả ở thế gian nói là không hiện hữu, ta cũng nói rằng nó không hiện hữu. Ta không tranh cãi với thế gian; nhưng thế giới tranh cãi với ta’".

Những người không có lỗi trong cách nói

Vào ngày 21-2-1983, khi Luang Pu lâm bệnh nặng và đang nằm tại bệnh viện Chulalongkorn ở Bangkok, Luang Pu Saam Akiñcano đã đến thăm ngài tại phòng bệnh. Lúc đó, Luang Pu đang nghỉ ngơi. Luang Pu Saam ngồi xuống gần ngài và giơ tay tỏ lòng tôn kính. Luang Pu đáp lại bằng cách giơ tay chào kính trọng. Rồi hai người ngồi đó, hoàn toàn bất động, một lúc lâu. Cuối cùng, sau một thời gian rất dài, Luang Pu Saam lại giơ tay kính cẩn một lần nữa và nói: “Tôi sẽ rời đi ngay bây giờ”.

“Được”, Luang Pu trả lời.

Trong suốt hai tiếng đồng hồ, đó là những lời duy nhất tôi nghe họ nói. Sau khi Luang Pu Saam rời đi, tôi đã hỏi Luang Pu: “Luang Pu Saam đến và ngồi đây đã lâu. Tại sao ngài không nói gì với ngài Luang Pu Saam?”

Luang Pu đáp: “Việc làm đã xong rồi, không cần phải nói thêm gì nữa”.

Kham nhẫn hoàn hảo

Trong suốt nhiều năm sống gần Luang Pu, tôi chưa bao giờ thấy ngài hành động theo cách nào cho thấy ngài bị phiền lòng bởi bất cứ điều gì đến mức ngài không thể chịu đựng được, và tôi chưa bao giờ nghe ngài phàn nàn về bất kỳ khó khăn nào cả. Ví dụ, khi là vị sư trưởng tại một buổi lễ, ngài không bao giờ làm ầm ĩ hay đòi hỏi các vị chủ thay đổi mọi thứ cho vừa ý ngài. Mỗi khi ngài được mời đến bất cứ nơi nào, nơi ngài phải ngồi lâu hoặc nơi thời tiết nóng và ẩm, ngài không bao giờ phàn nàn. Khi ngài bệnh và thấy đau đớn, hay khi thức ăn của ngài đến trễ, dù đói thế nào ngài cũng không bao giờ càu nhàu. Nếu thức ăn nhạt nhẽo và vô vị, ngài không bao giờ đòi thêm bất cứ thứ gì để thêm món ăn ngon hơn. Mặt khác, nếu ngài thấy bất kỳ vị sư Trưởng lão nào khác làm ầm lên để được người khác đối xử đặc biệt, ngài sẽ nhận định: “Ngay cả điều nhỏ nhặt này bạn cũng không thể chịu đựng được. Nếu bạn không thể chịu đựng được điều này, làm sao bạn có thể chiến thắng phiền não và tham ái?”

Không gây rối qua lời nói

Luang Pu thanh tịnh trong lời nói của ngài, vì ngài chỉ nói những điều có mục đích. Ngài không bao giờ gây ra bất kỳ rắc rối nào cho ngài hay cho người khác qua lời nói của ngài. Ngay cả khi có ai gài bẫy ngài để họ có thể nghe ngài chỉ trích người khác, ngài sẽ không dính bẫy đó.

Nhiều lần người ta đến nói với ngài rằng: “Luang Pu, tại sao một số vị thuyết pháp nổi tiếng trên toàn quốc của chúng ta lại ưa tấn công người khác, hay lên án xã hội hay chỉ trích các vị sư cao cấp khác? Ngay cả khi ngài cho con tiền, con cũng không thể tôn kính các vị sư như thế”.

Lúc đó, Luang Pu trả lời, "Đó là trình độ kiến thức và hiểu biết của họ. Họ nói những lời dễ dàng phù hợp với trình độ kiến thức của họ. Không ai trả tiền cho quý vị để tôn kính họ. Nếu quý vị không muốn tôn kính họ, thì chỉ đừng tôn kính họ. Họ có lẽ sẽ không bận tâm đâu".

Các vị sư làm hại giới phi nhân

Nói chung, Luang Pu ưa thích khuyến khích các Tỷ-kheo và Sa-di đặc biệt quan tâm đến pháp tu lang thang trong rừng để thiền định và thực hành khổ hạnh. Một lần, khi nhiều đệ tử của Ngài - cả các sư cấp cao và sơ cơ - đến dự một buổi họp, ngài khuyến khích họ tìm nơi ẩn dật ở nơi hoang dã, sống trên núi hoặc trong hang động nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hành. Bằng cách đó, họ có thể tự giải thoát ra khỏi các trạng thái tâm thấp kém. Một vị sư nói một cách thiếu suy nghĩ: “Thưa ngài, con không dám tới những nơi đó. Con sợ rằng giới phi nhân sẽ làm hại con”. (LND: để dễ hiểu, chữ “spirits” có thể dịch kiểu dân gian là hồn ma. Trong mạch văn, có nói về những người đã chết).

Luang Pu trả lời ngay, "Ở đâu mà đã từng có chuyện giới phi nhân nào làm hại các nhà sư? Chỉ có các nhà sư mới làm hại các hồn ma - và các sư đã sản xuất rất nhiều những chuyện đó. Hãy suy nghĩ về điều đó. Gần như tất cả những thứ vật chất mà cư sĩ mang đến cúng dường là nhằm mục đích hồi hướng công đức cho hương linh của tổ tiên và thân nhân quá cố của họ: cha mẹ, ông bà, anh chị em của họ. Và các nhà sư chúng ta có cư xử một cách thích hợp hay không? Chúng ta có những phẩm chất tinh thần nào để hồi hướng công đức cho những hương linh đó? Hãy cẩn thận, đừng để các hương linh đó trở thành nạn nhân của các sư".

Cũng tốt đẹp, nhưng…

Hiện nay có rất nhiều thiền sinh biểu lộ hào hứng với những vị thầy mới hay với các trung tâm thiền mới. Cũng giống như những người mê xổ số hào hứng về các nhà sư tiên đoán về các con số sẽ xổ ra, hay những người say mê về các bùa hộ mệnh hào hứng về các nhà sư tạo ra những tấm bùa có sức mạnh, cũng giống như vậy, những người say mê thiền Vipassana cũng hào hứng với các vị thầy Vipassana. Rất nhiều người trong số này, khi gắn bó với một vị thầy cụ thể, sẽ ca ngợi các vị thầy đó với người khác và cố gắng thuyết phục họ chia sẻ ý kiến của họ và sự tôn kính cho vị thầy đó. Và đặc biệt là hiện nay, có những giảng sư nổi tiếng thu âm các bài pháp thoại của họ và bán chúng khắp cả nước. Một phụ nữ từng mang nhiều băng ghi âm các bài pháp thoại của một giảng sư nổi tiếng cho Luang Pu nghe, nhưng ngài không nghe. Một lý do là ngài chưa bao giờ có một đài hay máy nghe băng nào kể từ ngày ra đời. Hoặc giả sử nếu ngài có một cái, ngài cũng không biết cách bật máy lên. Sau đó, có người mang một máy nghe băng tới và bật lên nhiều băng pháp thoại cho Luang Pu nghe. Sau đó, cô hỏi ngài suy nghĩ gì. Ngài nói, "Cũng tốt đẹp. Vị này có cách diễn đạt hay và ngôn từ phong phú, nhưng tôi không tìm thấy nội dung nào trong đó. Mỗi lần cô nghe, cô nên có thể cảm nhận được hương vị của sự học, sự thực hành và sự thành tựu. Đó là khi có chất trong nội dung”.

Nhiều người tập thiền hoang mang

Hiện nay, nhiều người quan tâm đến thiền tập đang vô cùng bối rối và nghi ngờ về cách tu tập đúng đắn. Điều này đặc biệt đúng với những người mới bắt đầu quan tâm, bởi vì các thiền sư thường đưa ra những lời dạy trái ngược nhau về cách thực hành. Điều tệ hơn, là thay vì giải thích mọi việc một cách công bằng và khách quan, các vị thầy này dường như miễn cưỡng nhìn nhận rằng các vị thầy hay các phương pháp thực hành khác cũng có thể là đúng. Có nhiều vị thầy lại bày tỏ thái độ coi thường các phương pháp khác.

Bởi vì nhiều người có kiểu ngờ vực này thường đến xin lời khuyên của Luang Pu, nên tôi thường nghe ngài giải thích mọi việc theo cách này: “Khi bắt đầu thực hành thiền, bạn có thể bắt đầu bằng bất kỳ phương pháp nào, bởi vì tất cả chúng đều dẫn đến kết quả như nhau. Lý do có rất nhiều phương pháp là vì mỗi người có những khuynh hướng khác nhau. Đó là lý do tại sao phải có những hình ảnh khác nhau để chú tâm vào, hay là các chữ cần lặp lại lặp lại - như chữ “buddho” hay chữ “arahang” - như là phương tiện cho tâm trụ vào một điểm và bình lặng ở bước đầu tiên. Khi tâm đã tập trung và tĩnh lặng được, các chữ để dùng hành thiền tự nó sẽ rơi mất, và đó là nơi tất cả các phương pháp sẽ vào cùng một con đường, với cùng một hương vị. Nói cách khác, nó có trí tuệ nhận biết là trạng thái siêu vượt của nó, và có giải thoát là bản tánh của nó”.

Khi an trú tâm, phải ở phía trên

Mọi người đến đảnh lễ Luang Pu đều nói cùng một điều: Mặc dù ngài đã gần 100 tuổi nhưng nước da của ngài vẫn sáng và sức khỏe vẫn mạnh. Ngay cả những người trong chúng tôi sống gần ngài cũng hiếm khi thấy mặt ngài tối sầm lại, hay trông như kiệt sức hay nhăn nhó vì mất vui hay đau đớn. Trạng thái bình thường của ngài là trầm lặng và vui vẻ trong mọi thời. Ngài ít bệnh và luôn vui vẻ, không bao giờ hào hứng vì các sự kiện hay bị ảnh hưởng bởi lời khen hay chê.

Có một lần, giữa một buổi tụ họp của các thiền sư cao niên đang thảo luận về trạng thái tâm bình thường của những người sống phía trên khổ đau, Luang Pu nói: “Không lo lắng, không dính mắc: Đó là nơi an trú tâm của các hành giả".

Tìm thầy mới

Những người thực hành Pháp hiện nay có hai loại. Loại đầu là những người, khi học các nguyên tắc thực hành hoặc nhận lời dạy từ một vị thầy và bước vào con đường, có ý định cố gắng đi theo con đường đó với khả năng tối đa của họ. Loại thứ nhì là những người - mặc dù họ đã nhận được lời dạy tốt từ vị thầy và đã học những nguyên tắc thực hành đúng đắn - nhưng ý định lại không chân thành. Nỗ lực của họ thì lơ là. Đồng thời, họ ưa thích ra ngoài để tìm các thầy khác ở các thiền viện khác. Bất cứ nơi nào họ nghe nói có một trung tâm tốt, họ sẽ tới đó. Những thiền giả loại này thì rất nhiều.

Luang Pu từng khuyên học trò của mình rằng: “Khi quý vị tới nhiều trung tâm và học với nhiều vị thầy, việc thực hành của quý vị sẽ không có kết quả, vì khi quý vị đến nhiều trung tâm, dường như rằng quý vị khởi đầu trở lại một lần nữa, và rồi một lần nữa. Quý vị không đạt được bất kỳ nguyên tắc chắc chắn nào trong tu tập của mình. Đôi khi quý vị thấy bất định và hoang mang. Tâm quý vị không vững vàng. Sự thực hành của quý vị suy thoái và không tiến bộ".

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle