Bản chất công đức
ban chat cong duc
Bản chất công đức
Ajahn Lee Dhammadharo
Công đức là ý hướng phát sinh trong tâm bạn, bắt đầu từ
ý nghĩ đầu tiên khi bạn muốn làm điều gì đó tốt đẹp. Ví dụ bạn quyết định đi
chùa ngày hôm nay. Chính ý nghĩ đó là công đức phát khởi trong tâm. Rồi bạn đến
chùa, thọ giới và nghe thuyết pháp theo ý nguyện ban đầu của mình. Như thế, ý nguyện ban đầu của bạn đã thành
công trong việc tạo ra nhiều công đức hơn mục tiêu đã định. Tuy nhiên, nếu ban
đầu bạn muốn đến chùa để thọ giới và nghe pháp, nhưng ai đó cản trở hoặc chỉ
trích, khiến bạn không còn hứng thú, thì công đức trong tâm bạn - ý hướng ban đầu
- biến mất. Sau đó, dù có ai mời bạn đi
chùa, bạn sẽ miễn cưỡng đi, rồi ngồi như tảng đá, thì không có công đức gì phát
sinh trong tâm. Đó là vì bản chất công đức
trong tâm bạn đã không còn.
Những điều thiện
lành mà bạn làm không phải là bản chất của công đức. Ví dụ, cúng dường, giữ giới,
nghe thuyết pháp, hoặc ngồi thiền không phải là bản chất của công đức. Tuy
nhiên, chúng ta phải tiếp tục làm những điều này để công đức trước đây của
chúng ta có thể phát triển thêm, thay vì tàn lụi. Vì lý do này, khi bạn quyết
tâm làm điều tốt, hãy nhanh chóng thực hiện nó. Khi bạn muốn cúng dường, hãy
cúng dường. Khi bạn muốn giữ giới, hãy tuân giữ giới luật. Khi bạn muốn nghe pháp,
hãy lắng nghe pháp. Khi bạn muốn hành thiền, hãy thiền. Được thế, kết quả hành
động của bạn sẽ phát triển mỹ mãn, trọn vẹn, trong cả ba khoảng thời gian. Nói
cách khác, tâm trí của bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ và hài lòng về công đức
của mình khi bạn đầu tiên nghĩ đến việc làm điều thiện, trong khi bạn đang làm
điều thiện và sau khi bạn hoàn thành việc thiện…
Ý định làm điều
tốt - giai đoạn đầu trong việc làm thiện - là bản chất của công đức. Giống như
khi ta trồng cây. Khi bạn cúng dường, giống như bón phân xung quanh cây. Khi bạn
giữ giới, giống như bắt sâu không cho ăn hoa lá. Khi bạn hành thiền, giống như
tưới cây bằng nước mát, sạch trong. Như thế, cây của bạn chắc chắn sẽ tiếp tục
phát triển cho đến khi nó ra hoa, ra quả mà bạn có thể thưởng thức đúng theo mục
tiêu ban đầu của bạn. Nếu đó là cây hoa, những bông hoa sẽ đầy màu sắc rực rỡ,
và mùi hương thơm ngát. Nếu đó là cây ăn quả, cây sẽ sai quả, trái to và ngọt.
Như thế, sự bố thí, trì giới và thiền định là những phương tiện để phát triển
công đức từ ý nghĩ ban đầu của bạn.
Nhưng nếu bạn
đang ở trong tâm trạng bất mãn, thì bạn sẽ không nhận được nhiều kết quả từ việc
tạo công đức hoặc cúng dường. Giống như khi ta cung cấp phân bón cho cây đã chết.
Ngay cả khi bạn chỉ muốn một quả duy nhất từ cây đó, bạn cũng sẽ không thể có
được điều bạn muốn, vì phân bạn bón cho cây chỉ nuôi dưỡng cỏ dại mọc dưới chân
cây, chứ không ảnh hưởng gì đến thứ quả bạn mong muốn. Tương tự, nếu bạn chỉ lướt
qua các giai đoạn tạo công đức, mục tiêu ban đầu của bạn - từ bỏ tham, sân và
si - sẽ không mang lại kết quả gì. Hành động bố thí chỉ đơn giản là phân bón
cho công đức. Khi bản chất của công đức đã chết, nó không thể nào hấp thụ phân
bón, vì nó không có gì ngoài sự bẩn thỉu - phân bò và phân gà. Làm thế nào bạn
có thể mong những thứ bẩn thỉu như thế đến để giúp bạn bằng bất kỳ cách nào?
Tuy nhiên, bạn vẫn tốt hơn những người không bón phân cho bất cứ thứ gì - tức
là những người chưa phát triển giới, định hoặc trí tuệ - vì ít nhất bạn có thể
thu gom các loại rau và thảo mộc đã hấp thụ phân bón của bạn, để nấu súp hoặc
trộn xà-lách.
Vì vậy, mỗi khi
bạn làm điều gì, hãy kiểm tra xem liệu bản chất của công đức có ở trong tâm bạn
hay không. Một số người làm công đức nhưng lòng họ xấu xa. Họ giống như một loại
gạo nếp nướng trong ống tre, cơm ở phía trên chín mềm, nhưng cơm ở phía dưới
thì sống hoặc cháy. Trong trường hợp này, không có cách nào bạn có cơm ăn, vì
nó sai trong suốt quá trình. Nói chung, con người hành động theo những cách
không phù hợp với tâm của họ. Có người cúng dường nhưng tâm họ vẫn tham lam, họ
bố thí với ước mong được trở thành triệu phú. Có người cho ra một đô-la nhưng
mong muốn nhận lại mười nghìn hoặc một trăm nghìn. Lại có người giữ giới nhưng
lòng họ vẫn còn giận dữ, ganh tỵ hoặc thù hận người này hay người kia. Một số
người hành thiền để họ có thể xinh đẹp khi tái sinh, hoặc vì họ muốn trở thành
chư thiên trên thiên giới. Số khác muốn trở thành thế này hay thế kia - họ luôn
tìm kiếm thứ gì đó để đổi lại. Loại công đức này không tốt.
Đức Phật dạy
chúng ta phải bố thí để loại bỏ tánh tham, phải giữ giới luật để loại bỏ sân hận,
và thiền định để loại bỏ ảo tưởng, chứ không phải vì mục đích nuôi dưỡng những
ô nhiễm này. Có người đến đây để thiền định trong sự tĩnh lặng hoàn toàn -
mắt họ nhắm nghiền, lưng thẳng, bất động, mọi thứ ở bên ngoài bình thường -
nhưng tâm trí của họ đang chạy khắp nơi: đến vườn cây ăn quả, vườn nhà của họ;
một số người còn phóng tâm ra nước ngoài để tìm kiếm con cái hoặc bạn bè, suy
nghĩ về tất cả mọi thứ. Tâm họ không ngồi cùng với thân. Điều này được gọi là
tâm và thân không phù hợp với nhau - giống như xôi nếp được nấu chín trên bề mặt,
nhưng dưới đáy vẫn còn sống.
Nếu bạn cẩn thận
giữ bản chất của công đức trong tâm, thì hãy tiếp tục làm bất cứ điều thiện
lành nào bạn muốn. Đừng đến chùa đằng sau xác chết công đức của bạn. Nói
cách khác, nếu ban đầu bạn muốn đến chùa nhưng người khác chỉ trích, khiến bạn
đến đây với tâm trạng bất ổn, trái với ý muốn ban đầu của bạn, thì loại công đức
này không giúp ích gì nhiều cho bạn.
Lý do chúng ta cần
rèn luyện tâm trí vững chắc và mạnh mẽ trong giáo pháp là vì chúng ta chắc chắn
sẽ đối mặt với ba mối nguy hiểm của thế gian: (1) đau khổ, bệnh tật và nghèo
đói; (2) tử vong; và (3) kẻ thù và bạn xấu. Chúng ta phải tự chuẩn bị để khi bất
cứ điều nào trong số những điều này xảy đến với chúng ta, thì tâm ta sẽ đủ mạnh
để chiến đấu với chúng một cách dũng cảm kiên cường. Bất kể chúng tấn công từ
phía nào, ta luôn có chiến lược để chống lại bằng mọi cách. Đây là lý do tại
sao kinh tụng hàng ngày nói, "Icchitam patthitam tumham khippameva
samijjhatu", có nghĩa là, "Bất cứ điều gì ta muốn và mong ước, có
thể nhanh chóng thành công". Nói cách khác, khi tâm trí mạnh mẽ, đầy năng
lực, bất cứ điều gì bạn muốn làm đều nhất định sẽ thành công.
Nếu
bạn để những ý nghĩ công đức ban đầu của bạn chết hoặc biến mất khỏi tâm trước
khi bạn cúng dường, tuân giữ giới luật hoặc thiền định, kết quả của ý định ban
đầu sẽ không phát triển, nhưng ít nhất bạn tốt hơn những người không nghĩ đến
chút nào. Ý nghĩ ban đầu về công đức giống như trồng cây. Nếu cây của bạn không
chết, thì bạn càng bón phân, nó sẽ càng phát triển lớn hơn và sẽ càng phân
nhánh. Nói cách khác, hành động của bạn sẽ đáng quý và bình an. Bất cứ thứ gì bàn tay bạn chạm vào cũng là
công đức. Bất cứ nơi nào bước chân bạn đặt đến sẽ là công đức. Bất cứ điều gì
miệng bạn nói sẽ là công đức. Bất cứ điều gì tâm trí của bạn nghĩ tới sẽ là
công đức. Toàn bộ thân hành của bạn sẽ là công đức. Trong trường hợp này, bạn sẽ
luôn được hạnh phúc.
Giới,
về mặt từ ngữ, bao gồm việc thực hiện năm, tám, mười hoặc 227 giới. Về ý nghĩa,
nó bao gồm suy nghĩ, nói năng và hành động theo những cách không gây hại cho
ai. Khi bạn suy nghĩ, bạn làm điều đó với một tâm đầy thiện chí. Khi nói, bạn
làm điều đó với một tâm thiện chí. Khi hành động, bạn làm điều đó với một tâm
thiện chí. Xét về hương vị, giới là sự mát mẻ. Vì lý do này, hành động thực hiện
giới luật không phải là bản chất của công đức; nó chỉ đơn giản là một cách bón
phân cho công đức - ý định ban đầu của
chúng ta - để nó phát triển dồi dào, mạnh mẽ.
Giới
trong tiếng Pāli là sīla - xuất phát từ sela, hoặc đá, vì vậy khi
bạn phát triển giới hạnh, bạn phải làm cho trái tim của bạn to lớn như một tảng
đá khổng lồ. Tảng đá thì như thế nào? Nó chắc chắn, vững chãi và thanh khiết.
Cho dù mặt trời có thể đốt cháy nó cả ngày, hoặc mưa có thể dội xuống nó cả
đêm, nó không lung lay hay run rẩy. Ngoài ra, nó giữ sự thanh khiết của nó bên
trong. Sự thanh khiết đó là gì? Đó là sự thanh khiết của lòng dũng cảm, của phản
xạ nhanh nhạy và thận trọng. Loại thanh khiết này là giới hạnh - không phải là
sự thanh khiết của người chậm chạp và thiếu thận trọng. Nếu bạn thanh khiết,
thì bạn phải tươi mát từ giới hạnh bên trong bạn. Có giới hạnh bên trong bạn,
giống như có một hồ nước trong nhà của bạn. Khi nhà bạn có hồ nước, làm thế nào
lửa có thể đốt cháy nó? Khi bạn có loại tươi mát này chăm sóc tâm bạn, thì làm
thế nào sự tức giận, thù hận hoặc bệnh tật có thể chế ngự nó?
Ngoài
ra, tảng đá giới hạnh thanh khiết này giữ lửa bên trong nó - nhưng không phải
là ngọn lửa của ô nhiễm. Đó là một ngọn lửa tiện ích mà bạn có thể sử dụng cho
nhiều mục đích. Khi bạn đập hai cục đá vào nhau, tia lửa xẹt có thể bắt thành
ngọn lửa lớn để bạn dùng nấu ăn hoặc thắp sáng ngôi nhà của mình. Đây là một số
lợi ích của giới hạnh.
Khi
hành thiền với tâm không thiết lập vững chắc trong công đức chân chánh, Ma vương
sẽ đến tìm bạn với nụ cười rạng rỡ trên môi. Có nghĩa là Ma vương của các uẩn
có mặt: bạn sẽ cảm giác đau đớn khắp thân, nhận thức của bạn sẽ xáo trộn, các cấu
trúc tư tưởng của bạn sẽ nghĩ về 108.000 thứ khác nhau, ý thức của bạn sẽ đi khắp
nơi. Khi điều này xảy ra, tâm bạn sẽ bị nghiền nát và công đức bị dập tắt. Giống
như gạo nếp không được nấu chín hoàn toàn: nếu bạn ăn thứ đó, bạn sẽ bị khó tiêu.
Khi
hành thiền, bạn phải cẩn thận không dồn ép hoặc áp lực tâm quá nhiều, nhưng đồng
thời bạn cũng không thể để nó chạy rông. Có khi phải buộc nó lại; có khi phải
buông nó ra; hãy để nó đi khi cần. Quan trọng là luôn để cho sự tác ý và đánh
giá có mặt. Như thế, tâm trí sẽ đạt được phẩm chất: nó sẽ không lang thang hoặc
đi lạc khỏi con đường tốt lành. Bản chất của lòng tốt là luôn có những điều xấu
lẻn vào, giống như khi có người giàu, chắc chắn sẽ có những tên trộm nằm chờ để
cướp. Khi bạn tạo ra công đức, Ma vương bằng nhiều cách khác nhau chắc chắn sẽ
cản trở. Vì vậy, khi bạn hành thiền, hãy cẩn thận để không rơi vào tà niệm hoặc
tà định.
Tà
niệm xảy ra khi nhận thức của bạn rời khỏi bốn lĩnh vực: sắc, thọ, tưởng và
hành. Ở đây, sắc là hơi thở, thọ là cảm giác thoải mái hay khó chịu, tưởng là
nhận thức về thân, và hành là các tâm hành trong hiện tại.
Tà
định là khi bạn quên hay không ý thức, như khi bạn không ý thức được thân đang
ngồi như thế nào, tâm trí đang lang thang đến đâu, làm thế nào kéo nó quay trở
lại. Tâm trí lúc ấy thiếu cả chánh niệm và sự tỉnh thức.
Nhưng
khi bạn thiết lập được định, tâm sẽ phát triển cao hơn. Và khi tâm ở trên cao,
không gì có thể vươn lên để phá hủy sự thiện lành của nó. Giống như các ngôi
sao, mặt trăng hoặc mặt trời chiếu sáng trên bầu trời: mặc dù thỉnh thoảng mây
có thể đi qua trước mặt chúng, nhưng mây không thể lẻn vào hoặc thấm lên để làm
cho độ sáng của các ngôi sao, mặt trăng hoặc mặt trời trở nên âm u hoặc tối.
Công
đức là báu vật cao quý. Đó là nguồn gốc của tất cả tài sản nội tại của ta. Khi
nó phát sinh trong tâm, đừng để bất cứ ai khác chạm vào nó. Khi bạn có một nguồn
tài sản như thế, giống như bạn có một viên kim cương thô, tốt hơn gấp trăm lần
so với tài sản như nhà cửa, gia súc hoặc công nhân, vì những thứ đó ở xa và khó
kiểm soát. Trong khi, nếu bạn có một viên kim cương thô, bạn chỉ cần bọc nó
trong bông gòn và nó sẽ tiếp tục phát triển. Chỉ cần chắc chắn là bạn không cắt
hoặc đánh bóng nó. Nếu bạn biến nó thành một viên kim cương bị cắt xẻ, thì ngay
cả khi bạn giữ nó trong 100 năm, nó cũng sẽ không phát triển thêm nữa.
Tương
tự, khi thiền định phát sinh trong tâm, bạn phải chăm sóc nó. Đừng để bất kỳ
nhãn hiệu hoặc khái niệm nào chạm vào nó. Như thế, định của bạn sẽ phát triển từng
bước. Tâm của bạn sẽ phát triển ngày càng cao hơn. Hạnh phúc và sự thanh khiết
sẽ đến theo hướng của bạn. Tất cả mọi thứ bạn khao khát sẽ thành công, và cuối
cùng bạn sẽ đạt được đạo, quả dẫn đến Niết-bàn.
Ajahn Thanissaro (Geoffrey DeGraff) dịch từ tiếng
Thái sang tiếng Anh
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch từ tiếng Anh sang
tiếng Việt