Nói, nghe, đọc, viết đúng pháp
noi nghe
NGUYÊN GIÁC PHAN TẤN HẢI:
NÓI, NGHE, ĐỌC, VIẾT ĐÚNG PHÁP
Thời thơ ấu, chúng ta ưa thích đọc truyện Cô Ba Cháo Gà Địa Ngục Du Ký, rồi
ưa nghe kể chuyện vong nhập, chuyện trừ tà… Bây giờ thì thôi đi, sau khi trở
thành Phật tử, nghĩa là chỉ nên học theo lời Đức Phật dạy. Điều này khó vô
cùng, vì chúng ta đã quen với những thói quen của chúng sinh. Trong hành
động nói, cũng tương ưng là hành động viết, thói quen đời thường vẫn ưa dẫn
chúng ta vào chỗ nói nhảm, và viết nhảm. Thậm chí, ngay như trong giới Phật
tử trí thức, nhiều người cũng vẫn loay hoay trong mê lộ văn tự của chúng
sinh, ưa nói và viết lời êm tai, nhưng không chắc là phù hợp với Chánh pháp;
ưa sáng tác thơ và nhạc du dương, chứ không chắc là sáng tác chỉ vì muốn
người đọc và người nghe chứng ngộ Thực tướng và để xa lìa tham sân si. Do
vậy, trong kiếp này, đã có cơ may gặp Chánh pháp, Phật tử chúng ta hãy tinh
tấn học theo Đức Phật, chớ để bỏ lỡ bất kỳ ngày nào, giờ nào.
Chúng ta bây giờ giao tiếp nhiều nhất là nơi mạng xã hội. Nơi đó, chúng ta
đọc, chúng ta viết, chúng ta nghe các vị sư thuyết pháp. Hãy nên giữ hạnh
của Đức Phật: không nói nhảm, không viết lời vô ích, không nghe các vị sư
thuyết pháp sai lầm. Thời rất xưa, khi chưa có chữ viết, giao tiếp chỉ là
nói và nghe. Bây giờ đã có thêm đọc và viết.
Đức Phật đã nhiều lần khuyến tấn rằng đừng nói những chuyện vô ích, chuyện
tầm thường, về vua quan, về xe cộ, làng xóm, về đàn bà, đàn ông, về người đã
chết (hiểu là: đừng nói về vong, về kiếp trước hay kiếp sau), và tránh nói
cả chuyện thế giới này hiện hữu hay không hiện hữu. Nghĩa là, chỉ nên nói
những gì giúp nhau nhận ra Chánh pháp và tu học giải thoát.