Sự bình đẳng về quả vị trong Phật giáo

su binh dang

SỰ BÌNH ĐẲNG VỀ QUẢ VỊ TRONG PHẬT GIÁO

 

Đức Phật phủ nhận và loại bỏ vị trí lãnh đạo tối thượng; Ngài chỉ xác nhận là người chỉ đường:[2] “Ayaṃ cevettha attho puriso amaggakusalo’ti kho, Tissa, puthujjanassetaṃ adhivacanaṃ. Puriso maggakusalo’ti kho, Tissa, Tathāgatassetaṃ adhivacanaṃ Arahato Sammāsambuddhassa”[3]. Nghĩa là: “Người không giỏi về đường sá, này Tissa, là ví cho kẻ phàm phu. Người giỏi về đường sá, này Tissa, là ví cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác”[4]

Việc xác lập vị trí tối thượng tức là chấp nhận một cái ngã trường tồn. Đạo Phật chủ trương vô ngã, vạn pháp do duyên sanh. Phật giáo khẳng định mọi người đều bình đẳng trên con đường giải thoát. Đức Phật chỉ là người đã khám phá ra con đường cổ xưa, đã đi trên con đường ấy và đã giác ngộ. Vì muốn cho chúng sanh đạt được sự an lạc như bản thân Ngài đã đạt được, nên Ngài làm người dẫn đường, chỉ lối, vạch rõ hướng đi đến hạnh phúc, chỉ cho họ thấy những chỗ chông gai khó khăn trên con đường ấy, hướng dẫn cho họ cần mang hành lý gì và cần chuẩn bị ra sao. Ngài hoàn toàn không xác chứng hay nhận mình là đấng tối cao và có mọi quyền uy. “Phật giáo loại trừ cái khả năng đối với bất cứ thực tại siêu hình nào được xem là một cơ sở tuyệt đối cho mọi hiện hữu, bất kể danh xưng của nó là gì: linh hồn phổ quát, nguyên nhân đầu tiên, hay cái siêu ngã”[5]. Đức Phật nói rõ với chúng đệ tử rằng Ngài không phải là người lãnh đạo, dẫn đầu chúng Tỳ-kheo, hay chúng Tỳ-kheo chịu sự giáo huấn của Ngài[6].

Tinh thn bình đẳng được Đức Phật thể hiện ngay trong đời sống hàng ngày. Như khi trở về kinh thành thăm vua cha, Ngài không ngồi kiệu đưa đón mà vẫn cùng chúng đệ tử ôm bát khất thực từng nhà[7]. Hành động ấy đủ nói lên tất cả. Đức Phật muốn sự bình đẳng toàn diện trong Tăng đoàn của Ngài. Bất cứ sự hiện hữu nào của cái tôi, sự trịch thượng, bề trên, hay đề cao cá nhân Ngài đều bị loại bỏ. Quả vị tu chứng cũng vậy, nó không dành riêng cho một ai, mà dành cho tất cả mọi người: những ai có tâm tu học, nếu thực hành theo lời Ngài dạy thì đều có được an lạc, cao nhất là đạt được giác ngộ giải thoát như Ngài.

Hội chúng của Đức Phật đều có khả năng chứng đắc quả vị A-la-hán

Du sĩ ngoại đạo Vaccha đã tán thán rằng: “Seyyathāpi, bho Gotama, gaṅgā nadī- samuddaninnā samuddapoṇā samuddapabbhārā samuddhaṃ āhacca tiṭṭhati, evamevāyaṃ bhoto Gotamassa parisā sagahaṭṭhapabbajitā nibbānaninnā nibbānapoṇā nibbānapabbhārā nibbānaṃ āhacca tiṭṭhati.[8] Nghĩa là: “Ví như con sông Hằng hướng về biển cả, chảy về biển cả, xuôi dòng về biển cả, liền đứng lại khi xúc chạm với biển cả. Cũng vậy hội chúng này của Tôn giả Gotama, gồm có cư sĩ và xuất gia, hướng về Niết-bàn, chảy về Niết-bàn, xuôi dòng về Niết-bàn, đứng lại khi xúc chạm với Niết-bàn”[9].

Đức Phật khẳng định rằng những người thuộc bốn giai cấp sau khi xuất gia, sống trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, đều có thể chứng ngộ vô thượng giải thoát[10]. Ngài đưa ra ví dụ về một hồ nước trong lành, mát mẻ. Nếu có một người đến từ bất cứ nơi nào bị thời tiết nóng nực làm khát nước, thì đều có thể đến hồ uống nước để giải trừ cơn khát. Cũng vậy, nếu bất cứ người nào từ các giai cấp, sau khi được gặp Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, ngưới ấy phát triển tâm từ, bi, hỷ và xả, thì đều có thể đạt được nội tâm an tịnh[11].

Trong kinh Sa-môn quả[12], Đức Phật giảng giải về quả của hạnh Sa-môn là cao quý và thiết thực hiện tại. Một người nô lệ xuất gia vào Tăng đoàn thì vị ấy không còn là nô bộc cho nhà vua mà là một vị Tỳ-kheo được vua chúa và mọi người cung kính, tôn trọng. Cao quý nhất đó là tự vị ấy tu tập đạt giác ngộ viên mãn thành bậc A-la-hán.

Có rất nhiều đệ tử, gồm cả hàng xuất gia và tại gia, đã chứng được giác ngộ. Đức Phật xác chứng rằng không phải chỉ 100, 200, 300, 400, 500, mà còn rất nhiều những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí, tự mình chứng ngộ và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát[13].

Tiṭṭhatu bhavaṃ Gotamo, tiṭṭhantu bhikkhū. Atthi pana bhoto Gotamassa ekā bhikkhunīpi sāvikā yā āsavānaṃ khayā anāsavaṃ cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharatī’ti? Na kho, Vaccha, ekaṃyeva sataṃ na dve satāni na tīṇi satāni na cattāri satāni na pañca satāni, atha kho bhiyyova yā bhikkhuniyo mama sāvikā āsavānaṃ khayā anāsavaṃ cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharantī’ti[14].

Và còn rất nhiều những nam nữ cư sĩ sống theo phạm hạnh, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa. Nhiều cư sĩ nam, cư sĩ nữ dù sống đời tại gia, nhưng xây dựng thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã đoạn hoặc, chứng vô sở úy, sống trong giáo pháp của Bậc Đạo sư[15]. Giáo pháp của Thế Tôn dành cho mọi giai cấp, trình độ, già trẻ, sang hèn. Tất cả đều có thể học pháp và hành pháp. Kẻ điên cuồng giết người như Aṅgulimala khi bỏ tâm ác xuất gia tu học cũng chứng quả A-la-hán[16]. Không khi nào Đức Phật nói rằng chỉ có Ngài là người duy nhất chứng tối thượng giác ngộ, cũng không bao giờ Ngài cho mình là bề trên, trưởng thượng hay tối cao. Ai muốn thoát khỏi khổ đau sanh tử thì bản thân người ấy phải tự nỗ lực, cố gắng chứ không phải quỳ lụy, van xin, hay phục tùng để rồi phải lệ thuộc và làm tay sai cho thần linh.

Vấn đề phân biệt thứ tự trong Tăng đoàn

Sự phân biệt thứ tự trong Tăng đoàn là căn cứ vào tuổi an cư kiết hạ và căn cứ vào quả vị chứng đắc. “Ðáng tôn kính là những ai đã chứng đắc sâu xa các quả vị giải thoát, dù còn trẻ tuổi”[17]. Vị Trưởng lão dù 100 tuổi đời mà nói phi thời, phi pháp, phi luật thì vị ấy chỉ được gọi là vị Trưởng lão thiếu trí tuệ. Nếu là một vị tuổi trẻ nói đúng thời, đúng pháp, đúng luật thì vị ấy được gọi là Trưởng lão hiền trí[18].

Đức Phật khẳng định không có sự sai khác giữa các vị A-la-hán; sự giải thoát là như nhau[19]. Sự khác nhau giữa Đức Phật và vị A-la-hán là ở chỗ: Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, làm cho khởi lên con đường trước kia chưa khởi, bậc đem lại con đường trước kia chưa được đem lại, bậc tuyên thuyết con đường trước kia chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo, bậc toàn giác, không thầy chỉ dạy. Còn các vị A-la-hán là đệ tử của Đức Phật, các vị sống theo pháp mà Đức Phật dạy, tiếp tục thành tựu khi đi theo con đường ấy[20].

Không chỉ thời Đức Phật tại thế mới có chúng đệ tử thành tựu A-la-hán quả, mà sau Đức Phật nhập diệt hơn hai trăm năm, vẫn có quả vị ấy hiện hữu trên thế gian. “Phần lớn các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều có sáu thắng trí. Các vị Tỳ-kheo đã tự làm bằng phẳng mặt đất nhờ vào năng lực thần thông”[21]. Hay “Năm trăm cung nữ tùy tùng hoàng hậu Alulā đã xuất gia, và khi ấy tất cả các cô ấy đều dứt bỏ tham ái. Tất cả đều thành tựu A-la-hán quả”[22].

Có lẽ do vậy mà H. W. Schumann đã khẳng định: “Thật hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như Đức Phật Siddhatta Gotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm trên toàn châu Á như Ngài. Đạo giáo do Ngài lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tế nhị”[23].

 

 


 

[3] S. III. 84.

[4] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch: Kinh Tương ưng bộ, tập I, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.733.

[5] Hương Vân dịch, Chuỗi ngọc trai, NXB.Phương Đông, Hồ Chí Minh, năm 2011, tr.74.

[7] Trưởng lão Thiền sư Pháp Minh dịch, Chú giải kinh Pháp cú, quyển 3, NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, 2013, tr.137-138.

[8] M. II. 197.

[9] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ, tập I, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.603.

[11] Kinh Trung bộ, tập I, Tiểu kinh xóm ngựa, sđd, tr.349.

[12] Kinh Trường bộ, kinh Sa-môn quả, sđd, tr.67ff.

[14] M. II. 195.

[15] Kinh Trung bộ, tập I, sđd, tr.600-601.

[16] Kinh Trung bộ, tập II, sđd, tr.125.

[17] Thích Chơn Thiện: Phật học khái luận, NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, 2018, tr.451-453.

[18] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch: Kinh Tăng chi bộ, tập I, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.356.

[19] Kinh Tăng chi bộ, tập I, sđd, tr.632.

[20] Kinh Tương ưng bộ, tập I, sđd, tr.693-694.

[21] Theravāda, Tỳ-khưu Indacanda biên dịch: Sử liệu về đảo Laṅkā (Dīpavaṃsa), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.109.

[22] Sử liệu về đảo Laṅkā (Dīpavaṃsa), sđd, tr.226.

[23] H. W. Schumann, Trần Phương Lan dịch: Đức Phật lịch sử, NXB.TP.Hồ Chí Minh, 1997, tr.11.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác