Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm

thien thu thien nhan

 

THIÊN THỦ THIÊN NHÃN QUÁN ÂM

 

Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm là vị Bồ-tát có hình tướng đặc dị và ấn tượng nhất trong các đối tượng thờ tự trong tự viện Phật giáo. Chính đặc điểm này đã tạo nên một cảm nhận về công năng diệu dụng và oai lực huyền nhiệm đối với đông đảo Phật tử nên rất được tôn kính.

Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm (Quan Âm Bồ-tát nghìn tay nghìn mắt), gọi đủ: Thiên thủ thiên nhãn Quán Tự Tại (Phạn: Avalokitesvara-sahaarabhuja-locana), còn gọi: Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm/ Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm, Thiên thủ thiên tý Quán Âm/Thiên nhãn thiên tý Quan Thế Âm, Thiên thủ thiên nhãn Quán Tự Tại, Thiên thủ Thánh Quán Tự Tại (Phạn: Sahasra bhujaryavalokitesvara), Thiên tý Quán Âm (biểu thị cho hóa dụng từ bi rộng lớn của Bồ-tát Quán Âm, cho nên thường gọi Ngài là Thiên tý), Thiên quang Quán Tự Tại, Thiên nhãn thiên thủ thiên túc thiên thiệt thiên tý Quán Tự Tại (Quán Tự Tại nghìn mắt nghìn đầu nghìn chân nghìn lưỡi nghìn tay)Gọi tắt là Thiên thủ Quán Âm/Thiên thủ Quan Âm[1].

Ngài chủ yếu cứu độ những chúng sinh phải đầu sinh vào địa ngục đạo trong “lục đạo”, địa ngục nhiều đau khổ, cần phải dựa vào cái tâm thương xót chúng sinh, vì vậy mà gọi là Đại bi Quán Âm Bồ-tát. Mật hiệu: Đại bi Kim cương. Quan Âm Bồ-tát nghìn tay là một trong lục Quan Âm của Mật tông, là vị Bản tôn quan trọng của Phật giáo Tây Tạng. Lục (6) Quan Âm của Mật giáo là: Thánh Quan Âm, Thiên thủ Quan Âm, Mã đầu Quan Âm, Thập nhất diện Quan Âm, Chuẩn-đề Quan Âm và Như ý luân Quan Âm. Bên cạnh đó, Quan Âm Bồ-tát nghìn tay là một trong những hóa thân của Quan Thế Âm Bồ-tát.

Quan Âm nghìn tay có đủ lòng đại bi, trí tuệ và phương tiện vô lượng làm lợi ích chúng sinh, có thể tùy theo nguyện vọng của chúng sinh, để mãn nguyện cho những chúng sinh cầu mong trí tuệ, tiền bạc, sự nghiệp, giành được sự yêu quý, tiêu trừ tai họa… Người thích hợp để chọn vị Quan Âm này làm bản tôn mà tu hành là những người sinh năm Tý và sinh vào tháng 11[2].

1.      Công đức của Quan Âm nghìn tay

Căn cứ theo Phật thuyết Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại Đại bi tâm Đà-la-ni kinh của Gia Phạm Đạt-ma dịch vào đời Đường thì vị Quan Âm Bồ-tát này có thiên thủ thiên nhãn (ngàn mắt ngàn tay), biểu thị sự viên mãn vô ngại phổ độ nhất thiết chúng sinh. Nếu có chúng sinh phụng thờ vị Bồ-tát này, trì tụng Đại bi thần chú của Bồ-tát truyền thì Bồ-tát sẽ lấy ngàn tay hộ trì, ngàn mắt chiếu thấy, tiêu diệt tai họa, hàng phục tà ma[3].

Theo sách Thiên thủ thiên nhãn Đại bi tâm chú hành pháp: Những chúng sinh ở địa ngục đạo được cứu độ cần phải tuân theo Phật pháp, phát nguyện sám hối, sửa đổi hành vi của mình. Nếu như một lòng thành tín vào Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm, theo Phật pháp để sửa đổi và sám hối, không những có thể giải trừ tai họa có được điều phúc, kiếp sau còn có thể đầu sinh vào cõi thế giới Tây phương Cực lạc[4].

Theo kinh Thiên thủ thiên nhãn Đại bi tâm Đà-la-ni, nếu tụng trì Đà-la-ni của tôn vị này thì tránh khỏi 15 loại ác tử như chết đói, chết vì bị ác thú tàn hại, chết vì té cây té núi và được 15 loại thiện sinh như quyến thuộc hòa thuận, tài sản vật thực đầy đủ, đạo tâm thuần thục; hoặc cũng có những loại pháp lực chữa trị các loại bệnh tật, trùng độc, sanh khó, thai chết lưu, lúc sanh bị chết, diên mạng, diệt tội…[5].

Nguồn gốc của Quán Âm nghìn tay nghìn mắt, theo Đại bi tâm Đà-la-ni kinh: Vào vô lượng ức kiếp về trước, có một vị Như Lai tên gọi là Thiên Quang Vương Tĩnh Trú/Phật Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ, bởi vì thương xót và tư niệm tất cả chúng sinh, cho nên đã tuyên thuyết cuốn Quảng đại viên mãn vô ngại Đại bi tâm Đà-la-ni kinh. Quán Âm Bồ-tát nghe được lời thần chú này, lòng đầy hoan hỷ, phát thệ nguyện rằng muốn có nghìn tay nghìn mắt mọc lên trên thân thể của mình để làm lợi cho chúng sinh, khiến cho chúng sinh có được an lạc. Từ đó, trên thân thể của Quán Âm có đủ nghìn tay nghìn mắt.

Chữ “thiên (nghìn) ở đây có nghĩa là viên mãn, vô lượng. “Thiên thủ” (nghìn tay) tượng trưng cho Quán Âm Bồ-tát đại từ đại bi, có pháp lực vô lượng quảng đại giúp đỡ chúng sinh thoát ly khỏi biển khổ, có thể phù hộ tất cả chúng sinh. “Thiên nhãn” (nghìn mắt) tượng trưng cho Quán Âm Bồ-tát nhìn khắp thế gian, tượng trưng cho trí tuệ viên mãn vô lượng của Ngài có thể tùy theo những tình huống luôn biến hóa và những đối tượng được cứu độ khác nhau, quan sát thời cơ, phán đoán nhu cầu của chúng sinh, không có bất kỳ trở ngại nào có thể ngăn cản được Quán Âm[6]. Nghìn tay nghìn mắt của Quan Âm tượng trưng cho lòng đại bi đại trí của Bồ-tát, có thể giúp chúng sinh đạt được những thành tựu như tức tai, tăng ích, kính ái, hàng phục, thu hút. Quan Âm Bồ-tát nghìn tay tựa như cha mẹ của chúng sinh trên khắp thế gian, có thể đáp ứng mọi nguyện vọng của tất cả chúng sinh.

2.      Ý nghĩa biểu tượng của hình tướng

Về nghi quỹ và đồ tượng của tôn vị này, đến đời Đường mới truyền vào Trung Quốc. Sau đời Đường, Mật tông phát triển mạnh, tượng Đại bi Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn trong các chùa, viện, hang động trở thành tượng chính để thờ phụng[7]. Theo bài tựa kinh Thiên nhãn thiên tý Quán Thế Âm Bồ-tát Đà-la-ni thần chú, khoảng năm 618 - 626, vị Tăng người Trung Thiên Trúc là Cù-đa-đề-bà mang hình tướng tôn vị này và các bản kinh kiết đàn thủ ấn đến Trung Quốc. Khoảng năm 627 - 649, vị Tăng người Bắc Thiên Trúc dâng bản Phạn Thiên tý thiên nhãn Đà-la-ni, sau được ngài Trí Thông dịch thành Hán văn. Cho nên tín ngưỡng về tôn vị này vào thế kỷ VII đã dần dần hình thành.

Các học giả cận đại khi khảo sát việc hình thành tín ngưỡng tôn vị này ở Ấn Độ đã tìm thấy trong thần thoại Ấn Độ có những vị được thần cách hóa tương tự với tôn vị này như: Nhân-đà-la (Phạn: Indra), Nguyên nhân (Phạn: Purusa), Thấp-bà (Phạn: Siva), Tỳ-nữu (Phạn: Visnu); các vị thần này đều có thiên nhãn. Kinh Đại giáo vương 9 cũng có nói về thuyết Đại Tự Tại Thiên có ngàn tay ngàn mặt. Các học giả cận đại khi thám hiểm các vùng ở Tây Vực có tìm thấy nhiều mảnh rời về tượng vẽ Thiên thủ Quán Âm và mạn-đà-la…[8].

Còn hình tượng của Quán Âm nghìn tay nghìn mắt rất nhiều, không thể nói rõ được con số cụ thể. Lấy những đặc điểm chung ra mà nói, thông thường đều là tư thế ngồi trên tòa sen, có tượng ngồi kiết-già, cũng có nhưng bức tượng lại ngồi bán kiết-già (giống như ngồi khoanh chân trên mặt đất vậy), lại có những tượng trong tư thế đứng[9]. Hình tượng của Quan Thế Âm nghìn tay không nhất định phải có đủ cả nghìn cánh tay; thông thường Quan Thế Âm nghìn tay có 1 mặt, 11 mặt hoặc 27 mặt. Trên mỗi khuôn mặt có ba con mắt. Trên đầu đội mũ châu báu/bảo quan, dưới mũ có tóc màu đen đỏ buông xuống, trong mũ có hóa Phật ngồi kiết-già trên đài sen; thân mặc áo dài, mang các trang sức như khuyên tai, xuyến ở cánh tay, vòng tay, châu báu và chuỗi ngọc quanh ngực.

Các kinh minh họa hình tượng vị Bồ-tát này đều khác nhau. Có kinh thì nói vị Bồ-tát này thân màu vàng Diêm-phù-đàn, ngồi bán già trên hoa sen đỏ, một mặt ngàn tay; có kinh nói thân màu vàng ròng, có 11 mặt 40 tay, 3 mặt trước là mặt Bồ-tát, mặt chính có 3 mắt, 3 mặt bên phải có răng trắng chỉa lên trên, 3 mặt bên trái hiện tướng giận dữ, 1 mặt phía sau hiện tướng cười dữ tợn, một mặt trên đảnh hiện tướng Như Lai; có kinh nói Đức Quán Âm này có 500 mặt, thân màu vàng kim, ngàn tay ngàn mắt.

Trong hiện đồ mạn-đà-la Thai tạng giới của Mật giáo là 27 mặt 100 tay, ngồi kiết-già trên hoa sen báu, trong 1.000 tay có 40 tay (hoặc 42 tay) cầm khí trượng.

Do pháp thành tựu công đức mà mỗi mặt, mỗi tay biểu thị và ấn khế chân ngôn cũng tùy theo bản thệ bất đồng của các tôn vị mà có khác nhau[10].

-          Hình tượng đầu

Phần đầu của tượng Quán Âm nghìn tay nghìn mắt chủ yếu gồm có các loại: 11 mặt, 27 mặt, 500 mặt.

Kinh Thiên quang nhãn Quán Tự Tại bí mật pháp cho thấy: Quán Âm nghìn mắt nghìn tay có 11 khuôn mặt, trong đó 3 khuôn mặt phía trước hiện tướng từ bi, đại diện cho Bảo bộ, ngụ ý hóa độ loài hữu tình thiện; 3 khuôn mặt bên trái hiện tướng phẫn nộ, đại diện cho Kim cương bộ, ngụ ý hóa độ loài hữu tình ác; 3 khuôn mặt bên phải hiện tướng Bồ-tát từ bi, đại diện cho Liên hoa bộ, ngụ ý giáo hóa tịnh nghiệp xuất thế. Phía trên 9 khuôn mặt này là hình tướng kim cương, hiện tướng phẫn nộ, đại diện cho Ma-yết bộ, ý nói sự nghiệp giáo hóa cần phải có uy nghiêm cực đại và hoan hỷ cực đại mới có thể tinh tiến thành tựu. Khuôn mặt trên cùng là Phật A Di Đà, hiện tướng tịch tĩnh, đại diện cho Phật bộ[11].

Nguồn gốc của Quán Âm nghìn tay nghìn mắt có 27 khuôn mặt thì trong kinh Phật không nói đến nhiều, thế nhưng trong những tượng được đắp nặn lên thì thấy tương đối nhiều. Về ý nghĩa của nó thì có hai thuyết. Thứ nhất, cho rằng có 25 khuôn mặt trong số 27 khuôn mặt biểu thị sự cứu độ chúng sinh trong số chúng sinh của “Nhị thập ngũ hữu”, thêm vào đó là khuôn mặt chính và phụ của Phật A Di Đà, cộng lại là 27. Thuyết thứ hai cho rằng: trong “Thập Ba-la-mật” (tức là mười phương pháp hoặc đường lối để đến được bến bờ bên kia của cõi Cực lạc) thì sáu khuôn mặt đầu tiên để cứu độ cho ba loại tu tập, bốn khuôn mặt sau để cứu độ hai loại tu tập, tính gộp lại là 26 khuôn mặt ([6 x 3] + [4 x 2] = 26), thêm vào nữa là khuôn mặt chính của Quán Âm, gộp thành là 27 khuôn mặt.

Trong sách Nhiếp vô ngại kinh có nói, Quán Âm nghìn tay nghìn mắt có 500 khuôn mặt. Loại hình tượng như thế này không thấy nhiều lắm. “Năm trăm khuôn mặt” ở đây là do đối ứng với nghìn tay nghìn mắt mà ra. Lại có những kinh thư nói rằng: vị Quán Âm này có tướng là nghìn mắt, nghìn đầu, nghìn chân, nghìn lưỡi, nghìn tay. Loại hình tượng này thì càng ít thấy[12].

 

-          Hình tượng tay và mắt

Hình tượng “nghìn tay và nghìn mắt” trong thực tế đắp nặn có hai hình thức là đủ một nghìn cánh tay và chỉ có bốn mươi cánh tay.

Loại thứ nhất, đắp nặn đủ một nghìn cánh tay, một nghìn con mắt (đây không phải là con số chính xác tuyệt đối, có thể là nhiều hơn một nghìn một chút, hoặc có thể là ít hơn một nghìn một chút). Loại tạo hình như thế này là hàng thứ nhất đằng trước có 8 cánh tay lớn, hàng thứ hai có 40 cánh tay, những cánh tay còn lại được sắp xếp ở hàng thứ ba.

Tám tay pháp thân, lớn nhất, trong đó hai tay chắp trước ngực, sáu cánh tay còn lại cầm pháp khí hoặc lần lượt là: 1. Hai cánh tay ở trước ngực chắp lại thể hiện tư thế “Bát diệp ấn”, ý nghĩa là hoa sen nở ra; 2. Hai cánh tay ở trên chân, lòng bàn tay hướng lên trên, ngón tay cái và ngón tay trỏ chạm vào nhau, hai tay chồng lên nhau, thể hiện tư thế tay “Di Đà định ấn”, còn gọi là “Di Đà thượng phẩm thượng sinh ấn”; 3. Hai cánh tay để ở hai bên, một tay đỡ tịnh bình, một tay cầm nhành hoa sen; 4. Hai cánh tay ở hai bên tả hữu, lòng bàn tay hướng ra phía trước, mũi ngón tay hướng xuống dưới, cùng là tư thế “Dữ nguyện ấn”.

40 tay báo thân ở hàng thứ hai nhỏ hơn một chút, trong đó hai cánh tay chắp lại, 38 cánh tay còn lại mỗi một cánh tay cầm một thứ pháp khí. 952 tay hóa thân còn lại, nhỏ nhất, đều cầm theo pháp khí. Trong mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt. Hầu hết các cánh tay xòe ra như nan quạt, lòng bàn tay hướng ra ngoài, chia làm năm tầng hoặc mười tầng, tạo nên một vành tròn giống như chim công xòe đuôi, vô cùng tráng lệ.

Đếm rõ ràng chính xác số lượng tay của Quán Âm nghìn tay nghìn mắt còn có một câu chuyện thú vị như sau: tương truyền các học giả khảo cứu đời Thanh quyết tâm đếm rõ ràng số lượng tay thực tế của tượng Thiên thủ Quán Âm trong điện Quan Âm tại vịnh Bảo Đỉnh Đại Nhật ở Đại Túc, Tứ Xuyên. Họ lựa chọn phương pháp dùng một ngàn mảnh giấy để dán lên một ngàn cánh tay của Quán Âm, dán hết thì cho rằng nhất định sẽ đếm được số lượng rõ ràng. Thế nhưng khi thao tác thực tế thì hoàn toàn không giống như họ đã nghĩ. Hóa ra nghìn cánh tay của Quán Âm trên dưới giao nhau, trước sau trùng điệp, ngắn dài chằng chịt, trên cánh tay này lại có cánh tay khác, dưới cánh tay này lại giấu cánh tay khác. Trong phút chốc, những người có nhiệm vụ dán giấy đã bị hoa mắt, nếu không dán sót thì lại dán trùng, họ dán đi dán lại nhiều lần như vậy, đều không thể có được con số chính xác. Cuối cùng, lại là những người thợ sơn son thiếp vàng cho tượng Phật giải được câu đố này. Những cánh tay được thiếp vàng và những cánh tay không được thiếp vàng có sự khác nhau rõ rệt. Những người thợ sơn sau khi thiếp vàng xong cho một cánh tay thì ghi lại con số, sau khi họ lấy vàng lá thiếp lên toàn bộ những cánh tay thì có được con số là 1007 cánh tay.

Loại thứ hai, thực sự chỉ tô đắp 40 cánh tay. Kinh Thiên quang nhãn quang Tự Tại Bồ-tát bí mật pháp có nói: “Nghìn tay” là khái niệm để biểu thị 40 cánh tay, mỗi cánh tay đều tế độ cho 25 loại chúng sinh vẫn đang còn khốn trong vòng “hữu tình”, hợp lại là nghìn tay nghìn mắt (40 x 25 = 1.000). Ý nghĩa là Quán Âm nghìn tay ở mỗi bên phải, trái có 20 cánh tay; trong mỗi lòng bàn tay đều có một con mắt, cộng lại có 40 tay, 40 mắt; mỗi cánh tay kèm con mắt như vậy đều hàm chứa “Nhị thập ngũ hữu”, như vậy là 25 x 40 = 1.000, cho nên coi như là “nghìn tay nghìn mắt”. Trên thực tế các pho tượng 40 cánh tay, mỗi cánh tay lại cầm một loại pháp khí khác nhau.

“Nhị thập ngũ hữu” là chỉ 25 loại cảnh giới tồn tại trong vòng sinh tử luân hồi của chúng sinh hữu tình ở ba giới là “Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới’. Dục giới có 14 “hữu”, Sắc giới có 7 “hữu”, Vô sắc giới có 4 “hữu”[13].

Thực tế, số lượng cánh tay thường là 40, 41 hoặc 42, để tượng trưng cho nghìn cánh tay. Trong đó, hình tượng 42 cánh tay, trừ 2 tay ở giữa chắp lại, ở mỗi bên có 20 cánh tay, lần lượt cầm pháp khí hoặc kết thủ ấn, mỗi tay có mang một con mắt, nghe nói mỗi cánh tay có 25 loại công dụng (do đó gọi là ngàn mắt ngàn tay). 40 cánh tay của Quan Âm nghìn tay căn cứ vào công dụng của chúng có thể phân làm 5 loại.[14]

- Tức tai pháp:

1. Tay cầm hóa Phật: để chúng sinh đang sinh sống không xa rời Phật.

2. Tay cầm thòng lọng: để cầu yên ổn cho tất cả chúng sinh bất an.

3. Tay kết ấn Thí vô úy: để trừ bỏ tất cả sự sợ hãi, bất an.

4. Tay cầm phất trần màu trắng: để trừ mọi chướng nạn trên thân thể.

5. Tay cầm thẻ: để tránh khỏi tất cả các loại ác thú như hổ, báo.

6. Tay cầm rìu cong: để tránh xa tai nạn do quan lại kiện tụng.

7. Tay cầm kích: để trừ bỏ giặc cướp từ nơi khác.

8. Tay cầm cành dương liễu: để trừ mọi bệnh tật trên cơ thể.

- Điều phục pháp:

9. Tay cầm kim cương: để hàng phục tất cả thần ma.

10. Tay cầm chùy kim cương: để phá vỡ và hàng phục tất cả kẻ địch.

11. Tay cầm bảo kiếm: để hàng phục tất cả các yêu ma quỷ quái.

12. Tay cầm hóa cung điện: để chúng sinh đời đời kiếp kiếp ở trong cung Phật không phải thụ thân trong thai tạng.

13. Tay cầm kim luân không thoái chuyển: để tâm Bồ-đề từ thân này đến thân Phật không bao giờ thoái chuyển.

14. Tay cầm bát bảo: để trừ các loại bệnh tật trong bụng.

15. Tay cầm Ma-ni nhật tinh: để trừ bỏ sự tăm tối, vô minh của mắt.

16. Tay cầm Ma-ni nguyệt tinh: để cầu sự mát mẻ cho bệnh độc nóng.

- Tăng ích pháp:

17. Tay cầm ngọc như ý: làm dồi dào của cải châu ngọc. Có thể phò trợ tín đồ trở nên giàu sang viên mãn, hạnh phúc ấm êm, là cánh tay ban phúc.

18. Tay cầm cung báu: có lợi cho việc thăng quan tiến chức. Mãn nguyện cho chúng sinh cầu thăng quan tiến chức.

19. Tay cầm kinh báu: để nghe nhiều hiểu rộng.

20. Tay cầm hoa sen trắng: vì các loại công đức.

21: Tay cầm hoa sen xanh: để được sinh vào cõi Phật.

22. Tay cầm chuông/khánh báu: để thành tựu tất cả những âm thanh thượng diệu thanh tịnh.

23. Tay cầm hoa sen tím: để có thể nhìn thấy chư Phật ở mười phương.

24. Tay cầm nho: để các loại ngũ cốc đơm hạt.

- Kính ái pháp:

25. Tay kết ấn Liên hoa hợp chưởng: để tất cả chúng sinh luôn cung kính, ái niệm.

26. Tay cầm gương báu: vì trí tuệ lớn.

27. Tay kết bảo ấn: vì tất cả những lời biện luận khéo léo.

28. Tay cầm vòng ngọc: để sai khiến tất cả nam nữ.

29. Tay cầm bình: để tất cả người thân được thuận hòa.

30. Tay cầm bình Kindi/tịnh bình: để sinh ra tại cõi Phạm thiên. Có thể gia tăng phúc đức trí tuệ, trừ bỏ phiền não cho chúng sinh mong được tái sinh vào cõi Phạm thiên.

31. Tay cầm hoa sen đỏ: để sinh vào các cung trời.

32. Tay cầm tích trượng: để dùng từ bi phù hộ tất cả chúng sinh.

- Câu triệu pháp:

33. Tay cầm móc câu sắt có xác người: để thiện thần long vương thường đến bảo vệ.

34. Tay cầm hóa Phật: để chư Phật thập phương nhanh chóng đến làm lễ thụ ký.

35. Tay cầm tràng hạt: để chư Phật thập phương nhanh chóng đến cứu giúp. Giúp tín đồ nhận được sự tiếp dẫn gia trì của chư Phật, Bồ-tát.

36. Tay cầm ốc quý: để hiệu triệu tất cả chư thiên, thiện thần.

37. Tay cầm bảo kiếm: để các bạn tốt nhanh chóng được gặp nhau.

38. Tay cầm tráp báu: kinh điển phục tạng trong lòng đất.

39. Tay cầm đầu lâu: để sai khiến tất cả quỷ thần.

40. Tay cầm mây ngũ sắc: vì đạo tiên.

40 tay là 40 loại ấn tướng khác nhau, lần lượt đại diện cho 40 loại pháp tu, mỗi loại pháp tu đều có chân ngôn Quan Âm tương ứng[15].

3. Chủng tử tự, chân ngôn và ấn quyết

Trong các tôn vị của Liên hoa bộ thì đây là tôn vị thù thắng nhất, nên gọi là Liên hoa vương. Chủng tử là chữ (hrih) hoặc (sa), là chữ được hợp thành bởi 4 chữ (ha, ra, i, ah); biểu thị ý nghĩa tam độc tham (ra), sân (i), si (ha) chuyển nhập Niết-bàn (ah). Hình Tam-muội-da là hoa sen mới nở.

Theo Thiên thủ nghi quỹ thì ấn căn bản của tôn vị này là 2 tay chắp lại thành Kim cang hiệp chưởng, lưng bàn tay hơi cong và rời nhau, 2 ngón giữa hợp nhau, 2 ngón cái và 2 ngón út tách ra và dựng đứng. Ấn này còn gọi là Liên hoa ngũ cổ ấn, Cửu sơn bát hải ấn, Bổ Đà Lạc Cửu phong ấn. Các kinh quỹ khác lại có thuyết 24 ấn, 25 ấn. Khi kiết căn bản ấn thì tụng căn bản Đà-la-ni, được 4 thứ thành tựu như sau: Tức tai, Tăng ích, Hàng phục và Kính ái câu triệu. Nhưng vì Đà-la-ni tương đối dài nên thông thường đều tụng niệm tiểu thần chú như sau: Án (om, quy mạng) phạ nhật la (vajra, kim cang) đạt ma (dharma, pháp) hột lý (hrih, chủng tử)[16].

Ngoài ra, Đại bi chú Đà-la-ni thể hiện lòng đại bi công đức viên mãn của Quan Thế Âm nghìn tay còn gọi là Đại bi chú, là lòng từ bi lớn, tâm Bồ-đề vô thượng và tế thế độ nhân của Quan Thế Âm Bồ-tát, là khẩu quyết quan trọng để tu đạo thành Phật, mỗi chữ mỗi câu trong lời chú này đều hàm chứa công phu chân thực chánh đẳng chánh giác, không hề có một chút giả tạo. Trì tụng lời chú này, có thể giành được sự yên vui, trừ tất cả bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, đạt được phúc đức, diệt trừ tất cả những tội lỗi, tránh xa chướng nạn, tăng thêm tất cả công đức, thành tựu tất cả thiện căn, tránh xa mọi nỗi sợ hãi, trước khi chết, có thể tùy theo nguyện vọng mà vãng sinh ở bất cứ cõi Phật nào[17].

4. Thiên thủ kinh

Thiên thủ kinh chỉ cho những kinh điển ghi chép về Thiên thủ Quán Âm, gồm có 4 bản:

1. Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại Đại bi tâm Đà-la-ni (gọi tắt: Thiên thủ thiên nhãn Đại bi tâm kinh, kinh Thiên thủ Đà-la-ni, kinh Thiên thủ Quán Âm Bi tâm kinh Đà-la-ni, kinh Đại bi tổng trì, kinh Thiên thủ): Gồm 1 quyển, do ngài Già-phạm-đạt-ma dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chánh tạng tập 20. Nội dung kinh này nói về nguyên nhân, phát nguyện, 15 thứ thiện sanh, công đức thọ trì không bị 15 thứ chết dữ, Thiên thủ Đà-la-ni, công đức thọ trì, pháp chú trớ, công đức của mỗi tay trong 42 tay, chú ủng hộ của Bồ-tát Nhật Quang và Bồ-tát Nguyệt Quang… Ở đầu quyển có phụ thêm bài tựa do vua soạn. Thông thường, khi gọi kinh Thiên thủ là chỉ cho kinh này.

2. Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát Đại bi tâm Đà-la-ni (gọi tắt: Thiên thủ Quán Âm Đại bi tâm Đà-la-ni, kinh Đại bi tâm Đà-la-ni): Gồm 1 quyển, do ngài Bất Không dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chánh tạng tập 20. Nội dung kinh này trích lấy tinh hoa kinh Thiên thủ do ngài Già-phạm-đạt-ma dịch, Đà-la-ni từ phần phát nguyện trở xuống, công đức mỗi tay trong 42 tay…, ngoài ra còn có thêm đồ hình 42 tay và chân ngôn. Kinh này là bản dịch khác của kinh Thiên thủ nói trên.

3. Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát mẫu Đà-la-ni thân (gọi tắt: Kinh Thiên thủ Quán Âm mẫu Đà-la-ni thân, kinh Thiên thủ): Gồm 1 quyển, do ngài Bồ-đề-lưu-chí dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chánh tạng tập 20. Nội dung kinh này trước hết nói về Mẫu Đà-la-ni và công đức, kế là nói về 12 ấn minh (ấn khế và chân ngôn) như Tổng nhiếp thân, Tổng trì Đà-la-ni, chư Phật Tam-muội, lại nói về Thiên thủ Quán Âm họa đàn pháp và Chú trớ pháp, cuối cùng nói về 13 ấn minh như Biện tài, Thành đẳng chánh giác, Thần biến tự tại, Thỉnh thiên nhãn quán vương tâm ấn chú…

4. Kinh Thiên nhãn thiên tý Quán Thế Âm Bồ-tát Đà-la-ni thần chú (gọi tắt: Kinh Thiên nhãn Quán Âm Đà-la-ni thần chú): Gồm 2 quyển, do ngài Trí Thông dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chánh tạng tập 20. Nội dung kinh này nói về pháp ấn chú của Thiên thủ Quán Âm và cách lập đàn. Kinh này là bản dịch khác của bản dịch ngài Bồ-đề-lưu-chí nói ở trước. 25 pháp ấn chú nói trong 2 bản dịch này về phần tổng quát thì giống nhau, nhưng về chi tiết đại thần chú và Mạn-đồ-la đàn pháp thì có khác nhau. Bản Phạn kinh này do vị Tăng ở Bắc Ấn Độ đem dâng cho vua Đường vào niên hiệu Trinh Quán (627-649)[18].

5. Phép cầu phú quý từ cánh tay cầm ngọc như ý

Trong các trì vật, đặc biệt quan trọng là ngọc như ý. Theo đó, có một pháp tu gọi là phép cầu phú quý từ cánh tay cầm ngọc như ý.

Dâng cúng một pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt đại từ đại bi.

Quy y thượng sư, sau khi tiếp nhận nghi thức quán đỉnh, mỗi ngày đều phải tu luyện đều đặn vào hai buổi sáng, tối hoặc ba buổi sáng, trưa, tối.

Khi tụng niệm đủ một vạn đến ba vạn lượt thần chú Đại bi sẽ thành tựu được các phép tức diệt, tăng ích, điều phục, câu nhiếp. Nếu tụng niệm đủ mười vạn đến hai mốt vạn lượt, sẽ thành tựu được ngay trong kiếp này.

Khi niệm xong thần chú Đại bi, cần phải tụng niệm câu chân ngôn cầu cánh tay cầm ngọc như ý ban của cải: “Om Vajara Vajkala Hum Phat Tsha”. Sau khi tụng niệm đủ 108 lần, quán tưởng viên ngọc như ý sinh ra những tiền tài châu báu mà bản thân đang mong ước, chồng chất đầy nhà. Sau đó thực hiện nốt những bước còn lại trong nghi quỹ tu hành[19].

Nói chung, Bồ-tát Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm theo giáo pháp là vị Bồ-tát chuyên trách cứu độ chúng sinh địa ngục đạo, song trong thực tế, đại đa số Phật tử ở xứ ta thường coi đây là vị Bồ-tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh nói chung mà không khu biệt rõ ràng. Như trên đã nói, chính số lượng nghìn tay nghìn mắt, trong chừng mực nào đó đã xác lập oai lực và quyền năng diệu dụng làm tăng trưởng lòng sùng tín đối với đông đảo Phật tử ở xứ ta.

HUỲNH THANH BÌNH

 

Chú thích hình:

T1: Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, Bali, Indonesia.

T2: Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, Nepal.

T3: Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, Phổ Đà sơn, Chiết Giang, Trung Quốc.

T4: Thiên thủ Quán Âm, thế kỷ XVII-XVIII, Tây Tạng.

T5: Quan Âm nghìn tay nghìn mắt.

T6: Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, tranh Thangka Tây Tạng.

T7: Quan Âm nghìn tay nghìn mắt. Nguồn: Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa. NXB.Mỹ Thuật, tr.132-139.

T8, T9: Thiên thủ Quán Âm. Nguồn: Nguyễn Kim Dân (2011). Thần Tài & hình tượng về của cải, NXB. Văn hóa Thông tin, tr.103.

Chú thích:


 

[1] Theo:

-       Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập 9: (Th), tr.8236-8238.

-       Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết. NXB.TP.HCM, tr.108-109.

-       Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa. NXB.Mỹ Thuật, tr.132-139.

[2] Thích Minh Tuệ (2012). Thần bản tôn, NXB.Hồng Đức, tr.186-191.

[3] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.

[4] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

[5] Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.8236-8238.

[6] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

[7] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.

[8] Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.8236-8238.

[9] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

[10] Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.8236-8238.

[11] Theo:

-       Thích Minh Nghiêm (2010). Thần Tài Mật tông, NXB.Thời Đại, tr.104-107.

-       Thích Minh Tông (2010). Phương pháp thờ Thần Tài Mật tông, NXB.Tôn Giáo, tr.178-179.

[12] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

[13] Theo:

-       Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

-       Thích Minh Tông (2010). Sđd.

[14] Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

[15] Theo:

-       Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

-       Thích Minh Tông (2010). Sđd.

-       Thích Minh Nghiêm (2010). Sđd.

[16] Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.8236-8238.

[17] Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

[18] Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.8235-8236.

[19] Thích Minh Tông (2010). Sđd.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle