Quán tưởng cái chết
Quán tưởng cái chết
Quán tưởng cái chết
Ajahn Lee Dhammadaro
Tác giả: Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961)
là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng.
Dịch giả (từ tiếng Thái sang tiếng Anh): Tỳ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff)
là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sư
là một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của Sư có thể được
tìm thấy trên mạng :
www.accesstoinsight.org
***
Tất cả chúng sanh đều có những điều kiện giống nhau. Ban đầu được sinh ra, sau
đó thay đổi, và cuối cùng là hư hoại và chết. Cái chết là điều không ai muốn,
nhưng không ai có thể thoát khỏi. Cái chết chờ đợi tất cả chúng ta ở cuối con
đường.
Suy nghĩ về cái chết có lợi mà cũng có hại. Đối với người thiển cận, nó có hại,
bởi vì nó làm cho họ chán nản và thất vọng đến nỗi họ không muốn làm bất cứ điều
gì tốt đẹp trên thế gian. Nói cách khác, tất cả những gì họ thấy là phần chết.
Họ không nhìn thấy phần sống. Thực ra, mỗi người có hai phần: phần có thể chết
và phần không chết. Thí dụ, bản chất của cơ thể là tiếp tục thay đổi cho đến khi
nó rã rời. Bạn có thể nói rằng nó chết, và bạn có thể nói rằng nó không. Từ
"chết" áp dụng khi thực tế là người đó biến mất khỏi bạn bè và người thân của
mình, nhưng các yếu tố của thân chỉ đơn giản là trở lại hình thể ban đầu của
chúng. Đất trở lại là đất, nước trở thành nước, lửa thành lửa và gió trở lại
gió. Giống như một viên nước đá: nếu bạn giữ nó trong tay đủ lâu, nó sẽ trở lại
tình trạng ban đầu là nước. Vì vậy, bạn có thể nói rằng cơ thể chết, và bạn cũng
có thể nói rằng nó không chết - đơn giản là nó không duy trì được hình dạng ban
đầu của nó. Theo quy ước của thế gian, điều này được gọi là cái chết, nhưng
người trí không thấy cái chết là điều gì kỳ lạ hoặc khác thường. Câu hỏi duy
nhất là liệu cái chết có mang theo công đức hay không?
Điều này khiến ta nghĩ đến tâm, từng luôn ở lại với thân. Tâm là phần quan trọng
vì nó không chết. Nhân quả thiện và ác sắp xếp mọi thứ cho nó; nó chỉ thay đổi
cho phù hợp với điều đó. Nói cách khác, nhân quả sắp xếp trạng thái tâm, và nơi
cần được tái sinh. Nếu bạn đã làm tốt, bạn sẽ đi đến nơi chốn tốt. Nếu bạn làm
điều ác, bạn sẽ phải đi đến một nơi xấu. Nếu bạn phát triển điều tốt đến tột
cùng, như khi bạn có thể buông bỏ thiện và ác, tâm sẽ không thay đổi, hay là bất
tử. Nhưng hầu hết chúng ta không thể nhận thức được sự thật đó. Chúng ta có xu
hướng bỏ qua điều đó, nên ta không bao giờ đạt được sự bất tử. Đó là do vô minh
và sự thiếu trí tuệ của chính chúng ta. Vô minh che giấu chúng ta sự thật đó.
Bản chất của tâm rất vi tế. Ta không thể nhìn thấy nó bằng mắt. Có người cho
rằng nó không tồn tại, đó là lý do họ cho rằng chết là hết. Chúng ta có thể so
sánh tâm với yếu tố lửa trong không khí. Tâm giống như yếu tố lửa. Thân giống
như một ngọn nến được thắp sáng. Khi ngọn nến hết sáp và bấc, ngọn lửa phải tắt.
Nhưng khi ngọn lửa tắt, điều đó không có nghĩa là không còn lửa trên thế gian.
Chúng ta có thể thắp một ngọn nến khác vì yếu tố lửa vẫn còn đó trong không khí.
Đối với chúng ta cũng thế: khi cơ thể tan rã, tâm phát sinh đến một cấp độ mới
khi nó vẫn còn nhiên liệu của vô minh, tham ái và bám chấp.
Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài đừng vô tâm, phải phát
triển càng nhiều càng tốt công đức và sự thiện xảo, vì công đức và thiện xảo là
những gì mang lại hạnh phúc cả trong kiếp sống này và mai sau. Giống như câu
nói:
Sukho puññassa uccayo;
puññam sukham jivita-sankhamhi; puññani para-lokasmim patittha honti
paninam:
Sự tích lũy công đức mang lại an lạc; công đức mang lại an lạc vào cuối đời;
công đức là thứ thiết lập chúng sinh trong kiếp sau.
Thuật ngữ công đức ở đây có nghĩa là sự an lạc hay hạnh phúc, kết quả từ
những việc thiện. Điều tốt chúng ta làm có nhiều hình thức, nhưng tóm lại có hai
loại: 1. Công đức đóng vai trò là nhân, tức là điều tốt chúng ta phải làm; 2.
Công đức đóng vai trò là quả, tức là an lạc do các điều thiện ta đã làm.
Công đức tác động như nhân có ba loại: Danamaya, công đức của việc bố
thí; Silamaya, công đức của việc tuân giữ giới luật; và Bhavanamaya,
công đức của thiền định. Theo Vi diệu pháp, ba loại này được chia thành
mười hoạt động công đức. Bố thí được mở rộng để bao gồm pattidanamaya,
công đức của việc hồi hướng công đức đến cho người khác, và
pattanumodanamaya, công đức của việc hoan hỷ với công đức của người khác. Ba
điều này đi cùng nhau để đối kháng lại sự ganh tỵ và keo kiệt.
Công đức của việc tuân giữ giới luật được mở rộng để bao gồm apacayanamaya,
công đức của việc thể hiện sự tôn trọng đối với các bậc đáng được tôn trọng,
chẳng hạn như người lớn tuổi hơn, người mà chúng ta nên biết ơn;
veyyavaccamaya, công đức trong việc giúp đỡ người khác trong các hoạt động
thiện lành, chia sẻ sức mạnh, tài sản và trí thông minh. Ba điều này đều đi với
nhau vì cùng tương quan trong giao tiếp.
Công đức thiền định được mở rộng để bao gồm dhammassavanamaya, công đức
của việc lắng nghe Pháp; dhamma-desanamaya, công đức của việc giảng dạy
Pháp; và ditth'ujukamma, trình bày quan điểm rõ ràng. Bốn công đức này đi
với nhau vì tất cả đều là nguồn gốc của trí tuệ.
Các hình thức công đức này chỉ có thể phát sinh khi chúng bắt nguồn từ những
trạng thái tinh thần không có tham lam, sân hận và si mê. Như trong tiếng Pāli
nói, alobho dana-hetu, ít tham là cơ sở cho sự hào phóng; adoso
sila-hetu, ít sân là nền tảng cho đức hạnh; và amoho bhavana-hetu, ít
si là cơ sở để phát triển tâm trong thiền định.
Công đức bạn làm mang lại an lạc cho thân tâm bạn. Khi nào bạn nghĩ về những
điều tốt đẹp đã làm, chúng sẽ luôn khiến bạn hạnh phúc. Đó là kho báu cao quý sẽ
đi theo bạn, giống như bóng theo hình. Ngay cả khi bạn chết, công đức đó cũng
theo bạn và quyết định nơi bạn sẽ tái sinh. Điều này được gọi là
puññabhisankhara, công đức như một yếu tố nhân quả.
Khi sắp chết, người ta chuẩn bị như du khách sắp ra nước ngoài. Trước khi đi, họ
phải tự chuẩn bị mới mong chuyến đi được thoải mái. Thí dụ, họ phải gửi tiền vào
ngân hàng, đổi tiền địa phương của họ lấy ngoại tệ để có thể sử dụng khi ở nước
ngoài. Nếu chỉ mang theo tiền địa phương họ sẽ không thể sử dụng chúng để mua
thứ gì. Tương tự, khi chết con người rời khỏi thế gian này, họ không thể mang
theo của cải hoặc tài sản của mình để sử dụng ở thế giới tiếp theo. Thay vào đó,
khi vẫn còn sống ở thế gian, họ phải gửi tiền làm Phật sự, để đổi lấy kho báu
cao quý, hay tài sản nội tại. Thí dụ như họ cúng dường Tam bảo. Như thế, họ sẽ
có thể sử dụng tài sản của mình ở thế giới tiếp theo. Nếu họ chỉ có tiền giả -
tức là, nếu họ không làm gì ngoài những điều xấu xa, bất thiện - họ sẽ không thể
đi đến bất cứ nơi nào thoải mái hoặc sung túc, vì họ thiếu số tiền cần thiết để
đưa mình đến đó. Họ cũng sẽ không thể trở về thế giới loài người vì họ thiếu vốn
- những giá trị nhân văn - cần thiết để đưa mình đến đó. Vì vậy, họ sẽ phải biến
thành những con ma đói, lang thang khắp nơi, lạc đường, ám ảnh mọi người, chiếm
hữu họ, và chịu đựng đủ mọi khó khăn. Vì lý do này, bố thí giống như gửi tiền
của bạn vào ngân hàng để bạn có thể sử dụng nó khi bạn ra nước ngoài. Đó là bước
đầu tiên.
Bước thứ hai là lấy hộ chiếu làm bằng chứng về quốc tịch của mình. Điều này có
nghĩa là bạn nương trú vào các hạnh lành của Phật, Pháp và Tăng, tuân giữ giới
luật để loại bỏ những ô nhiễm thô thiển trong lời nói và hành động, như là bằng
chứng về vai trò của bạn là một Phật tử.
Bước thứ ba là học ngoại ngữ. Nói cách khác, bạn phải thực hành thiền tĩnh lặng
và thiền tuệ để loại bỏ những ô nhiễm thô và tinh tế - những chướng ngại - trong
tâm, thanh lọc tâm để bạn có thể phát sinh ba hình thức hiểu biết:
pubbenivasanussati-ñana, khả năng nhớ kiếp trước; cutupapata-ñana,
hiểu biết sự sinh diệt của chúng sinh, thấy tại sao họ được sinh ra ở cõi thấp
hoặc cao, với khổ đau hay an lạc; và asavakkhaya-ñana, trí cho phép đoạn
trừ các lậu hoặc.
Ba dạng tri thức này được xem là ngoại ngữ bạn sẽ cần cho hành trình của mình.
Chuyến đi của bạn sẽ dễ dàng và vui vẻ, sáng rực, với rất nhiều kho báu trên
đường đi. Bạn sẽ thấy những cảnh tượng chưa từng thấy trước đây, chẳng hạn như
cõi trời và thế giới chư thiên. Đây là ý nghĩa của việc "ra đi tốt đẹp". Ngay cả
khi bạn còn ở đây, bạn cũng sẽ ở lại trong sự tốt lành. Nếu bạn muốn quay lại,
bạn sẽ có thể làm điều đó. Nếu không, bạn có thể tiếp tục tu tập để đến
Niết-bàn, thoát khỏi việc phải bơi lội trong vòng xoáy của luân hồi. Bạn sẽ đạt
được sự an toàn, vui vẻ và không gặp nguy hiểm dưới mọi hình thức.
Do đó, việc bố thí, trì giới và tu thiền dẫn đến ba loại kho báu - kho báu của
cõi người, kho báu của chư thiên và kho báu của Niết-bàn - tùy vào khả năng thực
hành của bạn. Những người hoàn thiện cả ba hình thức thiện xảo này được cho là
đi tốt, đến tốt và ở tốt, bởi vì ý nghĩ, lời nói và hành động của họ đã được rèn
luyện tốt. Bất cứ họ đi đến nơi nào, họ đều thoát khỏi sự thù hận và nguy hiểm,
vì họ được yêu thương và tôn trọng bởi tất cả chúng sinh, con người và chư
thiên.
Vì vậy, mỗi chúng ta nên xét tình trạng của mình, nhận ra rằng chúng ta đang
từng ngày, từng phút đi trên một cuộc hành trình đến cái chết. Không thể thoát
khỏi điều này. Vì lý do này, chúng ta nên phát triển ba hình thức thiện lành và
công đức - bố thí, trì giới và thiền định - để hạnh phúc và an lành do lòng tốt
sẽ phát sinh cho chúng ta, đưa chúng ta vượt qua cái chết, phù hợp với công đức
của chúng ta.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ từ Thinking About Death, trong
Starting Out Small-Portfolio 2: A Collection of Talks for Beginning Meditators)