Phật dạy về bốn đạo hành

Phật dạy về bốn đạo hành

Phật dạy về bốn đạo hành

HT.Thích Giác Toàn

 

Trong kinh Tăng chi bộ, chương Bốn pháp, phẩm Đạo hành, Đức Phật dạy rằng:

Này các Tỳ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn? Đạo hành không kham nhẫn, đạo hành kham nhẫn, đạo hành nhiếp phục, đạo hành an tịnh.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là đạo hành không kham nhẫn? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người chửi mắng lại kẻ đã chửi mắng, sân hận lại với kẻ đã sân hận, gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là đạo hành không kham nhẫn.

Trong thực tế, có nhiều vị mặc dù vẫn đến chùa tu tập, nhưng tính tình bộc trực, gặp điều gì không vừa ý là nói thẳng ra, không hề nhẫn nhịn. Họ nói vui rằng, mặc dù họ tu nhưng gặp hiền thì tu, gặp quỷ thì diệt, không kham nhẫn gì cả. Rồi từ thái độ đó mà có những lời nói, hành động thiếu chuẩn mực, chửi mắng thô tháo. Là người đang tu tập, chúng ta phải kiểm soát bản thân trước những điều sân hận, gây gổ xung quanh, không nên có những phản ứng khó coi, trái với tâm hạnh của người tu.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào gọi là đạo hành kham nhẫn? Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại kẻ đã gây lộn. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn.

Muốn được an lạc, phải thực tập theo đạo hành kham nhẫn. Nhìn thấy người sân hận, nóng nảy, mình phải biết thương họ, vì khi sân hận, chính họ là người khổ đau đầu tiên. Khi đến chùa, nhìn thấy huynh đệ, bạn đồng tu của mình có biểu hiện sân hận, ta phải quán chiếu rằng họ thật đáng thương, đã gác lại bao việc để tranh thủ về chùa tu tập mà lại không được an lạc. Phát khởi niệm từ bi như vậy, ta sẽ không đáp trả lại những gì mà bạn đồng tu của mình gây ra nữa. Một phương pháp khác để tránh phản ứng tiêu cực là: Hãy xem người nam như cha ta, người nữ như mẹ ta, muôn đời ta từ đó sinh ra”. Khi biết được nhân duyên trùng trùng muôn kiếp luân hồi, ai cũng đã từng là cha mẹ ta, ta sẽ không phản ứng tiêu cực, mà còn cầu nguyện cho họ được an lành. Như vậy, đạo hành không kham nhẫn là điều nên tránh và hãy thực tập đạo hành kham nhẫn.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là đạo hành nhiếp phục? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với nhãn căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu bi, các ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, sống với sự chế ngự nhãn căn. Khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý biết pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Phàm do nhân duyên gì với ý căn này không được chế ngự, khiến cho tham ái, ưu, bi, các pháp ác bất thiện khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, thọ trì ý căn, sống với sự chế ngự ý căn. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là đạo hành nhiếp phục.

Khi nhìn hình tướng một người, nhìn ánh mắt, nụ cười… mình không nắm giữ tướng chung, tướng riêng của người đó. Vì chúng ta biết con người vốn do tứ đại (đất, nước, lửa, gió) hội tụ mà tạo thành thân thể da, thịt, gân, xương này. Do vậy, khi các duyên hết thì thân tứ đại kia liền tan rã. Chính vì không hiểu được bản chất không thật của thân người (hình sắc) nên người ta luôn chấp giữ, phân biệt, rồi nảy sinh cảm giác thương, ghét. Khi chấp giữ, bỏ thêm cảm xúc của mình vào thì rất dễ sanh đau khổ vì không vừa ý. Từ mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, cho đến ý biết các pháp, chúng ta đều không khởi tâm phân biệt, chấp thủ, không để các bất thiện pháp sinh khởi. Khi biết nhiếp phục các căn thì các pháp bất thiện sẽ không khởi lên nữa.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào gọi là đạo hành an tịnh?

Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo không có chấp nhận dục tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, làm cho an tịnh, chấm dứt, khiến đi đến không sanh hữu, không có chấp nhận sân tầm khởi lên… không có chấp nhận hại tầm khởi lên… không có chấp nhận các ác bất thiện pháp khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, làm cho an tịnh, chấm dứt, đưa đến không sanh hữu. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là đạo hành an tịnh.

Việc tu tập đòi hỏi mỗi chúng ta phải bỏ công sức và quyết tâm. Hành trình chuyển ác thành thiện, chuyển khổ đau thành hạnh phúc không hề dễ dàng và đơn giản tí nào cả. Chúng ta phải tự thấy biết và chế ngự bản thân, quyết liệt từ bỏ, tẩy sạch các pháp bất thiện. Việc tu tập cũng như tẩy trắng các vết bẩn cứng đầu trên quần áo, cần phải nỗ lực dụng công rất nhiều thì mới thanh lọc được những cấu uế nơi tâm hành của chúng ta. Tâm thanh tịnh thì phiền não rơi rụng, con đường chấm dứt sanh hữu là điều có thể xảy ra đối với những ai quyết lòng cầu đạo chánh chơn, hướng đến đạo hành an tịnh của vị Tỳ-kheo giải thoát.

Trích, Pháp Phật trong cuộc sống, tập 2. NXB.Tổng Hợp, TP.HCM, 2024, tr.55-58.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle