Như Ý Luân Quán Âm – Một hóa thân đặc thù của Bồ-tát Quán Thế Âm
nhu y luan
NHƯ
Ý LUÂN QUÁN ÂM -
MỘT
HÓA THÂN ĐẶC THÙ CỦA BỒ-TÁT QUÁN THẾ ÂM
Như chúng ta biết, Bồ-tát
Quán Thế Âm có nhiều hóa thân. Ở bài viết này, chúng ta tập trung tìm hiểu về
Như ý luân Quán Âm.
Như ý luân Quán Âm, gọi
đủ: Như ý luân Quán Thế Âm Bồ-tát, Phạn: Cintamani-cakra,
dịch âm hay phiên âm tiếng Phạn gọi là Chấn-đa-ma-ni,
dịch nghĩa là Như ý châu luân. Trong
Lục Quán Âm hoặc Thất Quán Âm đều có bản tôn này, chính là Quán Âm độ hóa chúng
sinh ở cõi trời trong sáu cõi[1],
có khả năng giải trừ ba loại nghiệp chướng của chúng sinh cõi trời[2].
Căn cứ theo ý nghĩa gốc
của tiếng Phạn, “Như ý luân” do ba loại
hàm nghĩa là Tư duy, Sở vọng, Nguyện vọng, Bảo châu tròn hoặc như bánh xe hợp
thành. Vì vậy có thể địch thành “Nguyện vọng
bảo châu luân” hoặc “Như ý châu luân”,
theo tập quán truyền thống dịch là Như ý
luân, Như ý luân vương. Cho nên còn gọi
Như ý luân Quán Thế Âm Bồ-tát là Như ý
luân Bồ-tát, Như ý bảo châu luân, Như
ý luân vương Bồ-tát, Đại phạn thâm viễn Quán Âm[3].
Ngoài ra, Như ý luân
Quán Âm một tay cầm ngọc như ý/bảo châu/châu báu tức chỉ cho trân bảo thế gian
và của báu thật tướng xuất thế gian (hai thứ của báu này có khả năng làm cho
chúng sinh sinh ra phước đức); tượng trưng cho khả năng có thể sinh ra hai loại
tiền bạc châu báu, trân bảo ở thế gian và xuất thế gian, để bố thí chúng sinh;
một tay cầm bảo luân/pháp luân/vòng vàng (bánh xe pháp) hay hoa sen[4],
nghĩa là chuyển pháp luân, có năng lực làm cho chúng sinh sinh ra trí đức, tượng
trưng cho khả năng có thể chuyển động diệu pháp vô thượng để cứu độ chúng sinh[5].
Vì hai tay Ngài đều giữ ngọc như ý và luân bảo nên Ngài mới có danh hiệu Như ý luân. Vị Bồ-tát này tay cầm bảo
châu Như ý và pháp luân để cứu vớt tất cả chúng sinh khổ não, thành tựu nguyện
vọng của chúng sinh[6].
Quan Âm là bản tôn tu
luyện trong Như ý luân pháp của Mật
tông, mật hiệu là Trì bảo kim cang[7].
1.
Kinh
tạng
Hóa thân này được đề cập
trong một số bản kinh. Trước hết là kinh Như
ý luân Đà-la-ni, 1 quyển, do ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch vào năm 709, đời Đường,
Trung Quốc; là một trong các kinh dùng để tiêu tai, cầu phước của Mật giáo, được
xếp vào Đại Chánh tạng tập 20.
Kinh này gồm có 10 phẩm,
nội dung ghi lại việc Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Bồ-tát Quán Tự Tại mà nói
về Đà-la-ni căn bản, Đà-la-ni đại tâm, Đà-la-ni tiểu tâm và còn nói về công đức
tụng trì các Đà-la-ni này cùng với phương pháp thọ trì.
Kinh này có 3 bản dịch
khác:
1. Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát bí mật tạng Như ý luân Đà-la-ni
thần chú do ngài Thật-xoa-nan-đà dịch.
2. Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Như ý Ma-ni Đà-la-ni do
ngài Bảo Tư Duy dịch.
3. Kinh Quán tự tại Bồ-tát Như ý tâm Đà-la-ni chú
do ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Ba kinh vừa nêu đều được
dịch vào đời Đường, nhưng bản của ngài Bồ-đề-lưu-chi là hoàn bị hơn hết. [8]
Kế đó là, Như ý luân liên hoa tâm Như Lai tu hành quán môn
kinh, còn gọi: Như ý luân liên hoa
tâm quán môn nghi. Nghi quỹ, 1 quyển, do ngài Từ Hiền dịch vào đời Tống,
Trung Quốc, được xếp vào Đại Chánh tạng
tập 20. Nội dung kinh này thuật lại việc Đức Thích Tôn ở trên đỉnh núi Tu-di
nói cho các loài hữu tình nghe về pháp tu Như ý luân Quán Âm và thứ tự niệm tụng.
Thứ tự niệm tụng được ghi trong Nghi quỹ này chính là hình thái nguyên thủy của
thứ tự pháp Như ý luân. Trọn bộ Nghi quỹ này đều viết theo thể ngũ ngôn.[9]
Ngoài ra là kinh Như ý luân Bồ-tát niệm tụng pháp, còn gọi:
Quán tự tại Bồ-tát Như ý luân niệm tung
nghi quỹ, Quán tự tại Như ý luân Bồ-tát niệm tụng pháp, Như ý luân niệm tụng
nghi quỹ, Như ý luân niệm tụng pháp. Nghi
quỹ, 1 quyển, do ngài Bất Không (705-774) dịch vào đời Đường, Trung Quốc,
được xếp vào Đại Chánh tạng tập 20.
Kinh này là phương pháp niệm tụng của Như ý luân Quán Âm, là nguyên bản thứ tự
pháp Như ý luân của Tứ độ gia hạnh. Nhưng thứ tự tác pháp mà kinh này trình bày
là tác pháp tiêu chuẩn của pháp tu Mật giáo[10].
Chúng ta cũng thấy đề cập
trong Như ý luân Du-già, còn gọi: Quán tự tại Bồ-tát Như ý luân Du-già, Quán tự
tại Bồ-tát Như ý luân Du-già niệm tụng pháp, Như ý luân Du-già niệm tụng pháp. Nghi
quỹ, 1 quyển, do ngài Bất Không dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp
vào Đại Chánh tạng tập 20. Mục đích của
Nghi quỹ này nói về tiêu chuẩn chọn lựa đệ tử cho vào đạo tràng để thọ nhận Mật
pháp, đồng thời giải thích rõ về ý nghĩa Như ý luân Quán Âm sáu tay và tư tưởng
ngay hiện đời thành Phật. Nghi quỹ này bổ sung cho Quán tự tại Bồ-tát Như ý luân niệm tụng nghi quỹ cũng do ngài Bất
Không dịch[11].
2.
Uy
lực của Như ý luân Quán Âm
Như ý luân Quán Âm một
tay cầm ngọc như ý, tượng trưng cho việc Ngài có tất cả tài bảo, sẵn sàng ban
cho chúng sinh, khiến cho chúng sinh có được phúc đức; một tay cầm kim luân, tượng
trưng cho việc chuyển động tất cả diệu pháp, cứu độ chúng sinh[12].
Theo ghi chép của Như ý luân Đà-la-ni kinh, lúc còn ở thời
quá khứ thế, Quán Thế Âm Bồ-tát từng được sự gia trì của Thế Tôn (ở đây là chỉ Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni) cho nên tuyên thuyết Như
ý luân Đà-la-ni. Uy lực của Như ý
luân Đà-la-ni chia ra làm hai phương diện là Hữu thế gian và Xuất thế gian[13].
Đà-la-ni này có thần lực rất lớn, có thể làm thỏa mãn mọi tâm nguyện của chúng
sinh hữu tình[14]. Dựa
theo sự ghi chép trong kinh, tu trì theo pháp yếu Như ý luân Quán Âm, tất cả
phú quý, giàu sang, tiền của, thế lực, uy đức theo sở nguyện sẽ được thực hiện,
hơn nữa còn có thể thỏa mãn được phúc đức tuệ giải, đạt được tư lương, từ đó được
chúng sinh trọng vọng, ngưỡng mộ[15].
Như ý luân Quán Âm xưa
này rất được sùng kính. Từ cổ chí kim, ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á cũng có
không ít người sùng bái Ngài[16].
Bộ kinh thư này nói, uy
lực của Như ý luân Đà-la-ni trong Hữu
thế gian là khi tụng niệm kinh pháp có thể thắng nguyện thành tựu, nhiếp hóa hữu
tình, tài sản giàu sang, gây trồng uy đức; uy lực ở trong Xuất thế gian có thể
đều có đủ Phúc Đức Tuệ Giả, tư lương trang nghiêm, tăng trưởng lòng từ bi, tế độ
hữu tình, mọi người kính trọng ái mộ. Có nghĩa là trong Hữu thế gian và Xuất thế
gian, Như ý luân Đà-la-ni đều có thể
đem lại giàu có cho chúng sinh, làm thỏa mãn những ý nguyện của chúng sinh; còn
ở trong hai loại thế gian thì Ngài có thể khiến cho chúng sinh đạt được sự tế độ,
kêu gọi lòng ái tâm, lấy được chính quả[17].
Do vậy mà Như ý luân Đà-la-ni có hai công năng hết
sức thù thắng, nên vị Bản tôn của chân ngôn này - Như ý luân Quán Âm - từ xưa đến
nay rất được sùng kính, là một trong những vị thần tài được Phật giáo phụng thờ.
Lấy Như ý luân Quán Âm làm bản tôn tài bảo để tu trì, gọi là Như ý luân Quán Âm pháp, pháp này có thể
cầu xin phúc đức tăng trưởng, viên mãn nguyện vọng, ý nguyện vẹn toàn, tiêu trừ
tội nghiệp, động cơ của phép tu này là giải thoát khỏi những sự đau khổ. Ngoài
ra, còn có giáo pháp tu luyện coi viên ngọc như ý trên tay Như ý luân Quán Âm
làm Bản tôn, đây là một pháp môn hết sức uyên thâm và thần bí của Mật tông Tây
Tạng[18].
Ngoài những công lực
như cứu độ lục đạo chúng sinh, làm thỏa mãn các nguyện vọng của chúng sinh,
tăng thêm phúc đức ra, Như ý luân Quán Âm còn có pháp lực làm lui binh. Trong Thất tinh như ý luân bí mật yếu kinh có
chép: lúc Phật còn tại thế, nước Câu-thi-la dấy binh vây hãm thành Ca-di, vua
Ba-tư-nặc bèn cầu cứu Đức Phật. Phật bèn dạy cho ông xây dựng hỏa đàn Thất tinh
đạo tràng Như ý bảo luân Bát-đa-la, theo phép mà tu hành trì giới thì quân giặc
tự nhiên sẽ thoái lui. Bởi vậy, từ đó về sau có nhiều nơi làm theo phép này để
đẩy lui nghịch tặc[19].
3.
Hình
tượng của Như ý luân Quán Âm
Mặc dầu uy lực của vị Bồ-tát
này được xác định như trên song việc biểu hiện ra hình tướng có ít nhiều sai biệt
như Như ý luân Quán Âm hai cánh tay, bốn cánh tay, tám cánh tay, mười cánh tay,
mười hai cánh tay… Trong đó, tượng Như ý luân Quán Âm có hai tay là tượng Phật
có trước Mật giáo[20],
thường gặp là loại Như ý luân Quán Âm có sáu tay; còn tay cầm bảo vật và ấn tướng
là dựa theo kinh mà có sự khác biệt[21].
Như ý luân Quán Âm hai
cánh tay được tạo hình trong Mật tông Tây Tạng có bảy mặt, mặt trên cùng là Phật
A Di Đà, mặt chính giữa màu trắng, mặt bên trái màu đỏ, mặt bên phải màu vàng.
Trên đỉnh đầu có búi tóc châu báu, đội mũ trang nghiêm, trên mũ có hình Phật A
Di Đà với hình tướng thuyết pháp tại thiên giới, tóc dài rũ xuống vai, cổ đeo
ba tràng ngọc báu, mặc áo trời, thân màu vàng kim, phần trên cơ thể để trần, cánh
tay, cổ tay đeo vòng xuyến; tay trái đặt ngang hông, cầm bánh xe pháp bằng
vàng, tay phải giơ nghiêng lên, cầm gậy bảo châu hay thỏi ngọc báu, hai chân đứng
trên nguyệt luân hoa sen[22].
Tranh màu trên nền vải
theo nghệ thuật biểu hiện Thangka, vẽ ở thế kỷ XVIII, lưu giữ ở Tây Tạng thể hiện
Như ý luân Quán Âm bốn tay: Quán Âm có sắc thân màu trắng, một mặt bốn tay, vẻ
mặt hiền từ đoan trang, đầu đội bảo quan, khỏa thân nửa người, hai tay mười
ngón cầm viên ngọc ma-ni đặt trước ngực[23].
Quán
tự tại Bồ-tát Như ý luân Du-già/Quán tự tại Như ý luân Du-già pháp yếu/Như ý luân Du-già niệm tụng pháp
có chép, hình tượng của Như ý luân Quán Âm sáu tay là: “Sáu cánh tay, toàn thân vàng kim, búi tóc, đội mũ báu trang nghiêm,
trên mũ là Tự tại vương (Di Đà), ngồi
tự tại như vua, tập trung ở tướng thuyết pháp. Tay thứ nhất bên phải bắt Tư duy
tướng, niệm về tình cảm chân thật, lo nghĩ về cớ hữu tình, thương xót cho chúng
hữu tình. Tay thứ hai cầm Như ý bảo, có thể viên mãn tất cả ước nguyện. Tay thứ
ba cầm Niệm châu, để cứu độ chúng sinh khỏi bể khổ. Tay trái thứ nhất ấn Quang minh
sơn/đỡ núi quang minh, ý là làm cho lòng tin của chúng sinh không dao động, khiến
nó trở nên không còn nghiêng không còn động nữa, thành tựu không lay động/thành
tựu tâm tĩnh lặng. Tay thứ hai cầm hoa sen, có thể làm thanh tịnh những điều
trái Phật pháp. Tay thứ ba cầm bảo luân (bánh xe báu), biểu thị hoằng dương Phật
pháp (lại gọi là chuyển pháp luân), có thể chuyển đổi phép vô thượng. Sáu cánh
tay mở rộng khắp, có thể với tới khắp ‘Lục Đạo’, dùng lòng đại bi để đoạn trừ tất
cả khổ não của chúng sinh hữu tình”. Ngoài ra, hình tượng này vẫn còn rất
nhiều thân tướng, có khi tay thứ hai bên phải không cầm bảo châu như ý. Hoặc
còn có tay bắt ấn thuyết pháp hoặc cầm trượng các loại[24].
Căn cứ theo những miêu
tả như thế này thì hình tượng của Như ý luân Quán Âm là: toàn thân lóng lánh sắc
vàng kim, trên đầu có búi tóc, đội mũ Bảo quan có hình tượng Phật A Di Đà, ngồi
theo kiểu bán kiết-già trên tòa sen, đầu gối chân phải hướng lên trời, chân
trái khoanh lại nằm ngang. Hình tượng có sáu tay lần lượt là:
- Tay thứ nhất
bên phải là Tư duy thủ, tay chống lên má bên phải, thể hiện trạng thái đang suy
ngẫm, đây chính là “tướng tư duy” đặc trưng riêng của Như ý luân Quán Âm, tượng
trưng cho sự thương xót/khẩn niệm chúng sinh, cứu độ cõi địa ngục.
- Tay thứ nhất
bên trái là nắm Quang minh sơn thủ. Lòng bàn tay ấn lên trên một vật có hình
trái núi nhỏ. Theo kinh Hoa nghiêm
thì đạo tràng của Quán Âm (tức nơi cư trú) là núi Bổ-đà-lạc. “Bổ-đà-lạc” là dịch âm, ý nghĩa của nó là
cây Quang minh, cho nên trái núi này mới gọi là Quang minh sơn. Đây là tay đè
“Quang minh sơn”. Ngụ ý thành tựu cho niềm tin bền vững của chúng sinh, nghĩa
là lòng tin của chúng sinh không dao động, cứu độ cõi A-tu-la.
- Tay thứ hai
bên phải là tay cầm ngọc Như ý, biểu thị việc làm thỏa mãn tất cả những cầu
nguyện, ước vọng của chúng sinh, cứu độ cõi quỷ đói.
- Tay thứ hai
bên trái là tay cầm hoa sen, tượng trưng cho sự thanh khiết, biểu thị việc trừ
khử tất cả những tạp niệm không phù hợp với Phật pháp, cứu độ cõi người.
- Tay thứ ba bên
phải là tay cầm Niệm châu, biểu thị cho sự giải thoát mọi nỗi khổ não của chúng
sinh, cứu độ cõi súc sinh.
- Tay thứ ba bên
trái là tay cầm Pháp luân, tượng trưng cho sự hoằng dương Phật pháp (là làm
sáng cái tính bản nhiên sáng láng của con người, trong đó có đầy đủ cả những đức
tính: thanh tịnh, từ bi, hỷ xả và vị tha), thuận chuyển vô thượng pháp luân,
khiến Phật pháp mãi thường hằng ở thế gian, cứu độ cõi trời[25].
Ngoài ra còn có một
cách giải thích khác đối với sáu cánh tay nói trên, từ xưa đến nay thường phối
hợp sáu tay của vị Bồ-tát này với sáu Quán Âm và sáu đường sinh tử (lục đạo)[26]:
- Tay thứ nhất bên phải
là Tư duy thủ, có liên hệ với Quán Âm nghìn tay nghìn mắt, cứu tế chúng sinh chịu
khổ trong Địa ngục đạo; tay thứ hai là cầm ngọc Như ý, có liên hệ với Thánh
Quán Âm cứu khổ đói khát cho Ngạ quỷ đạo; tay thứ ba cầm Niệm châu, có liên hệ
với Quán Âm đầu ngựa, cứu khổ đòn roi cho Súc sinh đạo. Tài liệu khác lại cho rằng:
Bên phải thứ nhất là tay tư duy phối với Thánh Quán Âm và địa ngục; thứ hai là
tay Như ý bảo châu phối với Quán Âm nghìn tay và ngạ quỷ…[27].
- Tay thứ nhất bên trái
là Quang minh sơn thủ, có liên hệ với Quán Âm 11 mặt, cứu khổ nạn tranh đấu cho
A-tu-la đạo; tay thứ hai là Liên hoa thủ, có liên hệ với Chuẩn-đề Quán Âm, giáo
hóa chúng sinh trong Nhân đạo; tay thứ ba là Pháp luân thủ, có liên hệ với Như ý
luân Quán Âm, phá trừ cái “Hữu” trong các cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới của
Thiên đạo.
Như ý luân Quán Âm sáu
tay còn có những hình tượng khác như ngồi kiết-già trên tòa sen, trên đầu đội
mũ Bảo quan có nạm hình tượng Phật A Di Đà, cánh tay thứ nhất bên trái mở bông
hoa báu (Bảo Hoa), tay thứ hai Kim sắc bàn, tay thứ ba mở hoa sen hồng. Tay thứ
nhất bên phải cầm chày Kim cương, tay thứ hai làm Giáng ma ấn, tay thứ ba hướng
xuống dưới rốn. Loại hình tượng này thường ít gặp[28].
Ngoài ra, hình tượng vị
Bồ-tát này cũng được đặt trong viện Quán Âm thuộc hiện đồ Mạn-đà-la Thai tạng
giới của Mật giáo. Như ý luân Mạn-đà-la
được kiến lập do lấy Như ý luân Quán Âm làm trung tôn. Có nhiều thuyết:
1. Theo phẩm Đàn pháp, kinh Như ý luân Đà-la-ni, Mạn-đà-la này chia làm hai viện trong và
ngoài. Ở chính giữa của nội viện vẽ hoa sen nở 32 cánh, trên tòa sen đặt tượng
Bồ-tát Như ý luân Thánh Quán tự tại hai tay. Bốn phương là tượng Minh vương
Viên mãn ý nguyện, Bồ-tát Đại Thế Chí, Minh vương Mã đầu Quán Âm, Minh vương Tứ
diện Quán Âm. Bốn góc là tượng Bồ-tát Bạch y Quán Thế Âm mẫu, Bồ-tát Da-la, Nhất
Kế La-sát nữ, Bồ-tát Tỳ-câu-chi. Bốn phương của ngoại viện là tượng thần Hỏa
Thiên, vua La-sát, thần Phong thiên, vua trời Đại Tự tại. trong đó còn có tượng
Nhật Thiên tử, Nguyệt Thiên tử, thần Địa Thiên, vua trời Đại Phạm, vua A-tố-la,
Minh vương Thỉ-phược-ba-ca.
2. Theo Biệt tôn tạp ký 18, nội viện có đại luân
viên (vòng tròn như cái bánh xe lớn), ở giữa vòng tròn là tượng Như ý luân Quán
Âm hai tay, bốn phương và bốn góc an trí các tượng tám vị Đại Quán Âm như Minh vương
viên mãn ý nguyện… (đã dẫn ở trên). Bốn góc ngoài đại luân viên vẽ tượng bốn vị
Bồ-tát Nội cúng dường: Hý, Man, Ca, Vũ. Bốn phương của ngoại viện là tượng bốn
vị Nhiếp Bồ-tát: Câu, Sách, Tỏa, Linh. Bốn góc là tượng bốn vị Bồ-tát Ngoại
cúng dường: Hương, Hoa, Đăng, Đồ.
Mặt phía Đông của ngoại
viện là Nguyệt thiên, Đa văn thiên; mặt phía Nam là trời Tự tại, Phạm thiên, Đế
Thích thiên, Hỏa thiên; mặt phía Tây là Địa thiên, Diệm-ma; mặt phía Bắc là
La-sát thiên, Nhật thiên, Thủy thiên, Phong thiên.
Ngoài ra, theo kinh Thất tinh như ý luân bí mật yếu thì ở giữa
Mạn-đà-la Thất tinh Như ý luân cũng lấy
Như ý luân Quán Âm làm trung tôn, nhưng chung quanh thì an trí bảy ngôi sao Bắc
Đẩu và thần Quỷ tử mẫu. [29]
Xưa này, vị Bồ-tát này
thường được các nước vùng biển phía Nam (Nam Hải) sùng bái. Trong động Thiên Phật
ở Đôn Hoàng, Trung Quốc có bức tượng vẽ Như ý luân Quán Âm sáu tay. Các nước
Tích Lan, Java, Nhật Bản… cũng vẫn còn các hình tượng về vị Bồ-tát này[30].
4.
Tu trì
Pháp tu lấy Như ý luân
Quán Âm làm bản tôn để có được tiền tài của cải, thế lực, cầu phước đức tăng
trưởng, trí tuệ, trang nghiêm, được chúng sinh mến mộ kính yêu, ý nguyện đầy đủ,
tội chướng tiêu trừ, các khổ chấm dứt… được biết đến như Như ý luân pháp, còn gọi: Như
ý luân Quán Âm pháp, Như ý luân Bảo châu pháp[31].
Bản tôn quán tu: Trong
tính không, trên hoa sen và nguyệt luân, trong ý niệm của người tu hành hóa hiện
một chữ “xá” chuyển hóa thành Thánh tôn Quán Thế Âm. Mặt chính là màu trắng,
trên đó có một gương mặt màu xanh, biểu hiện tướng phẫn nộ, trên nữa là gương mặt
Phật A Di Đà màu đỏ. Tay phải của Bồ-tát cầm ngọc như ý, tay trái cầm pháp luân
ở trước ngực, đứng khép hai chân, khoác áo tơ của người trời và đeo trang sức
có vô vàng châu báu. Ở giữa tim của Ngài có một vòng nguyệt luân, trên nguyệt
luân có chữ “xá”[32].
Hình tam-muội-da là Như
ý bảo châu. Chủng tử là hrih[33].
Phương thức truyền thụ:
Chú ngữ truyền miệng[34].
Chân ngôn: Om padma cintamani jvala hum[35].
Câu chú chính:
Phiên Âm: Ông, thứ na tháp ma ni, sát khái nhật a oa
nhật đế ma ni, ba đát, ma, a, xá, hồng, phi, thoa cáp[36].
Dịch nghĩa: Quy mệnh liên hoa Như ý bảo châu quang minh
hông (nghĩa là phá vỡ).
Tâm chú: “Ông, ba đát ma, ti cáp nhật a tháp khái, a,
xá, hồng, phi, thoa cáp”[37].
Chú nhỏ 1: Quy mệnh dữ nguyện liên hoa hông (nghĩa
là phá vỡ).
Chú nhỏ 2: Quy mệnh bảo châu liên hoa hông (nghĩa
là phá vỡ)[38].
Ngoài ra, nếu pháp tu lấy
viên bảo châu Như ý của Bồ-tát Như ý luân Quán Âm cầm làm bản tôn thì gọi là Như ý bảo châu pháp, gọi tắt: Bảo châu pháp. Đây là pháp rất sâu kín
trong Mật giáo, là bí pháp quán tưởng xá-lợi của Đức Thích Ca tức là Như ý bảo
châu. Lúc tu pháp này, đặt tháp vào chính giữa đạo tràng, trong tháp để một cái
bình bằng vàng đựng xá-lợi Phật (Như ý bảo châu). Chủng tử là (trah) biểu thị nghe chân lý của Pháp
thân như như mà phát tâm Bồ-đề. Y theo tịch tịnh như như tu hành mà chứng được
quả “Phiền não tức Bồ-đề”, nhập vào nghĩa Đại bát Niết-bàn tam đức bí mật tạng
hải[39].
Nói chung, việc nhận diện
các hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm như trên là để hiểu rõ tín niệm, công năng,
hình tướng giúp cho việc tu trì và thờ phụng nghiêm cẩn. Hẳn đó là một việc cần
thiết của người Phật tử.
HUỲNH
THANH BÌNH
Chú thích hình:
N1, N2: Như ý luân Quán Âm. Nguồn: Nguyễn Kim
Dân biên dịch (2011). Thần tài & hình
tượng về của cải, NXB.Văn hóa Thông tin, tr.99.
N3: Như ý luân Quán Âm. Nguồn: Nghiệp Lộ
Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung
Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết. NXB.TP.HCM, tr.105.
N4: Như ý luân Quán Âm. Nguồn: Đại đức Thích
Minh Tông (2010). Phương pháp thờ thần
Tài Mật tông. NXB.Tôn Giáo, tr.177.
N5: Cintamanicakra, thời kỳ Kamakura, Bảo
tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản.
N6: Cintamanicakra, thời kỳ Edo, thế kỷ XVIII-XIX,
Nhật Bản.
Chú thích:
[1] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). 1000 vấn
đề về Mật tông. NXB.Thời Đại, tr.395-396.
[2] Đại đức Thích
Minh Tông (2010). Phương pháp thờ thần
Tài Mật tông. NXB.Tôn Giáo, tr.176-177.
[3] Mạc Chấn Lương
(2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc
chùa. NXB.Mỹ Thuật, tr.145-151.
[4] Nguyễn Kim Dân
biên dịch (2011). Thần tài & hình tượng
về của cải, NXB.Văn hóa Thông tin, tr.97-100.
[5] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd,
tr.395-396.
[6] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang,
Tập 6: NGH, NH, O, PH, tr.5192-5193.
[7] Nghiệp Lộ Hoa,
Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung
Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết. NXB.TP.HCM, tr. 103-105.
[8] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5190-5191.
[9] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5191.
[10] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5190.
[11] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5190.
[12] Đại đức Thích
Minh Nghiêm (2010). Thần Tài Mật tông,
NXB.Thời Đại, tr.101-103.
[13] Mạc Chấn Lương
(2009). Sđd.
[14] Nguyễn Kim Dân
biên dịch (2011). Sđd.
[15] Đại đức Thích
Minh Nghiêm (2010). Sđd, tr.101-103.
[16] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd,
tr.395-396.
[17] Mạc Chấn Lương
(2009). Sđd.
[18] Theo:
-
Đại đức Thích Minh Tông (2010). Sđd,
tr.176-177.
-
Đại đức Thích Minh Nghiêm (2010). Sđd,
tr.101-103.
[19] Mạc Chấn Lương
(2009). Sđd.
[20] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5192-5193.
[21] Nghiệp Lộ Hoa,
Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.
[22] Theo:
-
Nguyễn
Kim Dân biên dịch (2011). Sđd.
-
Đại
đức Thích Minh Tông (2010). Sđd, tr.176-177.
[23] Đại đức Thích
Minh Nghiêm (2010). Sđd, tr.101-103.
[24] Theo:
-
Mạc
Chấn Lương (2009). Sđd.
-
Nguyễn
Kim Dân biên dịch (2011). Sđd.
-
Nghiệp
Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.
-
Vũ
Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd, tr.395-396.
-
Thích
Minh Cảnh chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH,
NH, O, PH; tr.5192-5193.
[25] Theo:
-
Mạc
Chấn Lương (2009). Sđd.
-
Đại
đức Thích Minh Tông (2010). Sđd, tr.176-177.
-
Đại
đức Thích Minh Nghiêm (2010). Sđd,
tr.101-103.
[26] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5192-5193.
[27] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5192-5193.
[28] Mạc Chấn Lương
(2009). Sđd.
[29] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5191.
[30] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5192-5193.
[31] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5192.
[32] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). 1.000
vấn đề về Mật tông. NXB.Thời Đại, tr.330.
[33] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5192-5193.
[34] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd,
tr.330.
[35] Đại đức Thích
Minh Tông (2010). Sđd, tr.176-177.
[36] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd,
tr.330.
[37] Vũ Thỏa. Nguyên
Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd,
tr.330.
[38] Nguyễn Kim Dân
biên dịch (2011). Sđd.
[39] Thích Minh Cảnh
chủ biên. Sđd; Tập 6: NGH, NH, O, PH;
tr.5192.