Lý tưởng Bồ-tát trong Lục Độ tập kinh
LÝ TƯỞNG BỒ-TÁT TRONG LỤC ĐỘ TẬP
LÝ TƯỞNG BỒ-TÁT TRONG LỤC ĐỘ TẬP KINH
Tác giả, tác phẩm
Thiền sư Khương Tăng Hội (195-280)
được xem là Sơ
tổ
Thiền
học đầu tiên của Việt Nam và cũng được xem là người có đóng góp to lớn cho sự
hưng thịnh của đạo Phật trong giai đoạn
thế kỷ III.
Ông vốn
người gốc Khương Cư,
tổ tiên
mấy đời chuyển đến sống ở Ấn Độ;
đến
thời cha
ông
đã đến Giao Châu để buôn bán, lấy vợ và sinh sống tại đây
vào
khoảng
năm
195. Khi hơn 10 tuổi, song thân qua đời, ông xuất gia học Phật tại Giao Châu,
siêng năng hết mực. “Là con người rộng rãi, nhã nhặn, có tầm hiểu biết, dốc
chí hiếu học, rõ hiểu ba tạng, xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vỹ, phần lớn biết
hết, giỏi việc ăn nói, lanh việc viết văn”[1].
Ông được ba vị thầy dạy dỗ cẩn thận, khoảng năm 220 thì thọ giới Tỳ-kheo. Trong
lời tựa viết cho
An
ban thủ ý,
ông
đã thừa nhận rằng: “Tôi sinh muộn màng, mới biết vác củi, cha mẹ đều mất, ba
thầy viên tịch, ngước trông mây trời, buồn không biết hỏi ai, nghẹn lời trong
quanh, lệ rơi lã chã”.
Qua đây
chúng ta biết rằng sau khi thọ tang cha mẹ xong, Khương Tăng Hội đã xuất gia học
đạo, nhưng sách sử không nói ông là đệ tử của ai. Song Lê Mạnh Thát kết luận Mâu
Tử chính là thầy của Khương Tăng Hội[2]
và cho rằng Khương Tăng Hội đã thọ giới Tỳ-kheo ở Giao Châu trước khi hành đạo
tại Kiến Nghiệp vì những lý do sau: Thứ nhất, trước khi Khương Tăng Hội đến Kiến
Nghiệp thì nơi này “Phật giáo chưa lưu hành”, “mới thấy Sa-môn, trông
dáng mà chưa kịp hiểu đạo, nên nghi lập dị”. Thứ hai, biệt truyện của An Thế
Cao do Huệ Hạo dẫn trong Cao tăng truyện 1 (ĐTK 2059 tờ 324a11-18)
có nói đến việc một “An Hầu đạo nhân” để lại một lời tiên tri rằng: “Tôn đạo
ta là cư sĩ, Trần Huệ, người truyền thiền kinh là Tỳ-kheo Tăng Hội”. Điều
này chứng tỏ trước khi qua Trung Quốc, Khương Tăng Hội đã thọ giới Tỳ-kheo tại
Giao Châu rồi. Thứ ba, chính tiểu sử của Khương Tăng Hội có nói đến việc Tôn Hạo
đòi xem “giới luật của Sa-môn”, nhưng Khương Tăng Hội không thể cho Tôn Hạo xem
nên đã lấy 135 điều của kinh Bản nghiệp chế thành 250 giới Tỳ-kheo rồi
đem cho Tôn Hạo xem. Như vậy, vào thời Khương Tăng Hội đã biết rõ giới luật của
Tỳ-kheo nên mới biết đến việc giới Tỳ-kheo không thể cho hàng cư sĩ xem. Vì vậy,
rõ ràng Khương Tăng Hội đã thọ giới Tỳ-kheo ở nước ta, và “ba thầy” chính là một
phần trong cụm từ “tam sư thất chứng” được sử dụng trong giới đàn Tỳ-kheo.[3]
Vấn đề đáng nói, Khương Tăng Hội rất am tường Nho, Phật, Lão: “Hiểu rõ ba
tạng, xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vỹ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói,
lanh việc viết văn”[4].
Ba tạng ở đây là Kinh, Luật, Luận của Phật giáo; sáu kinh bao gồm Thi, Thư, Lễ,
Nhạc, Dịch, Xuân Thu của Nho giáo. Hẳn nhiên, Khương Tăng Hội rất giỏi Phạn ngữ,
Hán ngữ và cả tiếng Việt nữa.
Về sự nghiệp phiên dịch kinh điển, Khương Tăng Hội đã tiến hành dịch
kinh văn tại Giao Chỉ trước khi sang Kiến Nghiệp truyền giáo vào năm 247,
và
được Tôn Quyền xây chùa mời ông làm trú trì. Đây là ngôi chùa đầu tiên ở Giang
Đông nên có tên gọi là Kiến Sơ,
và nơi Khương Tăng Hội ở gọi là làng Phật Đà.
Những tác phẩm được cho
do Khương
Tăng Hội dịch tại nước ta
gồm:
An ban thủ ý kinh chú giải, Đạo thọ kinh chú giải,
Pháp kính kinh giải tử chú,
và một phần nào Cựu tạp thí dụ kinh.[5]
Điều này cũng được Nguyễn Lang nhận định: “Nhiều người cho rằng ông đã trước
tác và dịch thuật tại đây, nhưng kỳ thực một phần quan trọng của công việc này
đã được ông làm từ Giao Chỉ”[6].
Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Khương Tăng Hội đã thành lập trung tâm
thực hành thiền ở Giao Chỉ và dịch kinh, trước tác tại chùa Diên Ứng, còn gọi là
chùa Dâu, hay chùa Pháp Vân, ở thủ phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh ngày nay[7].
Hẳn nhiên vào lúc ấy, chư Tăng người Việt đã được học thiền cũng như hoằng pháp
dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Khương Tăng Hội.
Lại một điều đáng chú ý nữa là trong quá trình phiên dịch và trước
tác tại nước ta, Khương Tăng Hội đã nhận được sự cộng tác của ba vị cư sĩ từ Lạc
Dương đến Giao Châu. Trong lời tựa bản chú giải An ban thủ ý kinh, sau
khi ghi lại việc mất cha mẹ và “ba thầy” khá sớm trong cuộc đời, Khương Tăng Hội
đã nói: “Song phước xưa chưa hết, may gặp Hàn Lâm từ Nam Dương, Bì Nghiệp từ
Dĩnh Xuyên, Trần Tuệ từ Cối Kê, ba vị hiền này, tin đạo dốc lòng, giữ đức rộng
thẳng, chăm chăm khăng khắng, chí đạo không mỏi. Tôi xin theo hỏi, tròn giống
vuông hợp, nghĩa không sai khác. Trần Tuệ chú nghĩa, tôi giúp châm chước, chẳng
phải (lời) thầy không truyền, không dám tự do”[8].
Bên cạnh An ban thủ ý kinh, Khương Tăng Hội còn dịch một số
bản kinh khác để đặt nền tảng thiền học ở Giao Châu vào thế kỷ III; quan trong
hơn cả Ngài là người đưa các giới thuyết về thiền học vào trong đời sống của
cộng đồng Tăng sĩ và Phật tử người Việt thời đó. Ngài chắc hẳn cũng đã truyền
dạy những tư tưởng này khi sang hành đạo tại Kiến Nghiệp. Theo HT.Thích Nhất
Hạnh, những kinh sách mà Khương Tăng Hội dịch và chú sớ bao gồm:
1.
An ban thủ ý kinh,
An Thế Cao dịch, Tăng Hội và Trần Tuệ chú sơ, Tăng Hội đề tựa.
2.
Pháp cảnh kinh,
An Huyền dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa.
3.
Đạo thọ kinh,
Chi Khiêm dịch, Tăng Hội chú sớ và đề tựa.
4.
Lục độ yếu mục,
Tăng Hội biên tập (không còn).
5.
Nê-hoàn phạm bối,
Tăng Hội biên tập (không còn).
6.
Ngô phẩm
(Đạo hành Bát-nhã), Tăng Hội dịch (không còn).
7.
Lục độ tập kinh,
Tăng Hội dich và biên tập.[9]
8.
Kinh Bát thiên tụng
Bát-nhã,
Khương Tăng Hội dịch.
9.
Cựu tạp thí dụ kinh,
Khương Tăng Hội dịch.
Cao tăng truyện
cho
biết
rằng
những tác phẩm được Khương Tăng Hội phiên dịch
và trước tác bao gồm:
“Lục
độ tập kinh; Đạo phẩm; Tạp thí dụ kinh; An ban thủ ý kinh chú; Pháp kính kinh
chú; Đạo thọ kinh chú; An ban thủ ý kinh chú; Pháp kính kinh tự; Đạo thọ kinh tự”[10].
“Ông
mất vào năm 280, niên hiệu Thái Khương nguyên niên đời nhà Tấn. Như vậy ông đã ở
trên đất Trung Hoa 25 năm. Nhiều người cho rằng ông đã trước tác và dịch thuật
tại đây, nhưng kỳ thực một phần quan trọng của công việc này đã được ông làm tại
Giao Chỉ”[11].
Tác phẩm
Lục
độ tập kinh
Lục độ tập kinh
được Khương Tăng Hội dịch vào năm Thái Nguyên thứ nhất (251) đời Tôn Quyền từ
một bản kinh tiếng Việt mang tên Lục độ tập kinh. Đây là tác phẩm văn học
quan trọng nói về mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc và lịch sử văn học tư tưởng
Phật giáo Việt Nam. Đây là“một tác phẩm sưu khảo biên tập trong đó có nhiều
đoạn lược dịch từ nhiều kinh điển và có những đoạn hoàn toàn do Tăng Hội viết”[12].
Nội dung của tác phẩm này nói về sáu độ, thực thi lý tưởng tu tập của Bồ-tát
hạnh. Có cả thảy 8 quyển, 6 chương, 91 truyện trình bày về sáu độ:
- Quyển 1-3 (từ truyện 1-26): Chương Bố thí độ.
- Quyển 4 (từ truyện 27-41): Chương Trì giới độ.
- Quyển 5 (từ truyện 42-54): Chương Nhẫn nhục độ.
- Quyển 6 (từ truyện 55-73): Chương Tinh tấn độ.
- Quyển 7 (từ truyện 74-82): Chương Thiền định độ.
- Quyển 8 (từ truyện 83-91): Chương Minh độ (Trí tuệ độ).
Lục độ tập kinh
còn là một bản trước tác rất đặc biệt, “là
văn bản đầu tiên và xưa nhất ghi lại tình tiết 100 trứng của truyền thuyết khởi
nguyên dân tộc ta.
Lục độ tập kinh cũng là tác phẩm
đầu tiên và xưa nhất ngoài bài Việt ca…
Lục độ tập kinh là tác phẩm tập thành những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc
như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước, mất nước… làm cột sống cho chủ nghĩa nhân
đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam”[13].
Lục độ tập kinh là một đóng góp to lớn về lịch sử cấu trúc tiếng Việt cổ,
đây là nền tảng cho việc khôi phục lại diện mạo của dân tộc cách đây hai nghìn
năm.
Lý tưởng Bồ-tát
trong Lục độ tập kinh
Bồ-tát được dịch âm từ tiếng Phạn “Bodhisattva”, bao gồm hai thành tố là Bodhi
và Sattva.
Bodhi là sự chứng ngộ hay giác ngộ; Sattva là hữu tình, nghĩa là chúng sinh.
Chúng sinh là chúng duyên hòa hợp mà sinh, cũng có nghĩa là nhiều sinh mạng.
Bồ-tát làm cơ sở cứu cánh tâm linh cho mỗi cá nhân, đồng thời lấy mọi hữu thể
làm đối tượng cho việc tu tập theo phương pháp Lục độ. Lục độ chính là sáu
phương pháp tu tập giúp hành giả thăng tiến trên lộ trình tu tập, rốt ráo thành
tựu Phật quả, gồm: “Bố thí để thành tựu công đức, Trì giới để thành tựu phạm
hạnh, Nhẫn nhục để thành tựu vô sân, Tinh tấn để thành tựu ý chí, Thiền định để
thành tựu đại định, Trí tuệ để thành tựu Phật quả”[14].
Sáu phương pháp tu tập này được thuật lại qua những câu chuyện tiền thân của Đức
Phật khi thực hành Bồ-tát hạnh và được trích dẫn lại trong Lục độ tập kinh.
-
Bố thí độ
Bố thí tiếng Phạn là dāna, nghĩa là chia sẻ, ban bố, cung cấp, trao tặng
mọi sự cần thiết cho người khác. Bố thí độ theo Lục độ tập kinh là: “Yêu
nuôi người vật, thương xót lũ tà, vui hiền, giúp người thành đạt, cứu giúp chúng
sinh, vượt cả đất trời, thấm khắp biển sông, bố thí chúng sinh, người đói cho
ăn, kẻ khát cho uống, lạnh cho mặc, nóng cho mát, người bệnh cho thuốc, xe ngựa
thuyền bè, các vật trân báu, vợ con, đất nước... ai xin liền cho”[15].
Có đến 26 câu chuyện được
Khương Tăng Hội đưa
ra để
nói về vấn đề này, trong đó bài kinh số 4
thuật lại truyện tiền thân của Bồ-tát lúc làm Thệ
tâm (Phạm chí) thường ở
nơi núi đầm, chuyên cần giữ đạo, ăn trái rừng uống nước suối,
không giữ lấy vật gì, luôn nghĩ thương chúng sinh ngu si tự khốn, thấy kẻ nguy
ách thì xả thân cứu giúp. Trước cảnh tượng
vì thiếu ăn mà hổ mẹ lại muốn ăn thịt con,
Bồ-tát
động lòng thương xót,
nghẹn ngào rơi nước mắt
tự
đưa đầu mình vào miệng hổ để muốn
mình mau chết khỏi cảm thấy đau đớn,
bảo toàn mạng sống cho hổ mẹ và hổ con.
Khi đề cập đến vấn đề bố thí, Đức Phật dạy: Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố
thí. Thế nào là hai? Bố thí tài vật và bố thí pháp”[16].
Tài thí gồm có nội tài và ngoại tài. Bố thí ngoại tài như tiền bạc, xe
cộ, nhà cửa, ruộng vườn, đồ đạc, quần áo, đồ ăn, thức uống... Còn bố thí nội tài
là bố thí những thứ trên thân thể như mắt, tai, tim, gan... cho đến mạng sống
của mình; đây quả thực là điều khó thực hiện,
chỉ người có từ tâm rộng lớn mới làm được, nếu còn xem thân mạng mình là quý thì
không thể thực hiện được loại bố thí này.
Ngoài chuyện tiền thân Bồ-tát cứu hổ, còn có những câu chuyện như thái tử Tu Đại
Noa bố thí tất cả trân báu, vợ con, đất nước; chuyện vua cắt thịt mình cho chim
ăn, cá ăn, nhường ngôi, nhường nước cho người, thậm chí nhường cả vợ, cho kẻ thù
voi chiến, đem của cải ban phát để chữa bệnh cứu người… Vì thế, “Bố thí vô
cực là bố thí ‘tài thí’ không giới hạn kể từ tính mạng đến tài sản, từ ngôi vua
đến hoàng hậu, từ voi chiến đến quốc thổ… Hễ có người cần thì ban phát vô tư dù
người đó là kẻ thù. Bố thí như vậy quả là vô cực!”[17].
Để làm được như vậy, đòi hỏi người bố thí phải luôn không xem những hành động,
việc
làm là ta, là của ta; phải trở nên vô ngã trong chính tư duy và hành động thì
việc làm ấy mới trọn vẹn. Cho nên để thực hành trọn vẹn ý nghĩa bố thí không
phải ai cũng có thể làm được. “Muốn thực hiện bố thí, hành giả phải tiêu trừ
những tư tưởng vị kỷ và phát triển những tư tưởng vị tha mở lòng từ bi quảng
đại. Bố thí là một niềm hân hoan cho cả người trao tặng lẫn người được nhận
lãnh, vì vậy bố thí cần phải ngậm miệng và mở rộng lòng thương”[18].
Trong Lục độ tập kinh, khi nhấn mạnh hạnh bố thí, Khương Tăng Hội muốn
nói rằng: Nếu giới cầm quyền thực hành Bồ-tát hạnh thì điều đó không chỉ đem lại
lợi ích cho bản thân, vợ con, mà còn khiến dân giàu, nước mạnh, bình đẳng… Họ
cần phải có lòng thương rộng lớn, không kỳ thị đàn áp, bóc lột. Nếu giới cầm
quyền đàn áp, không thương dân thì đất nước không được trường tồn, người dân
không ủng hộ. Tất cả những tư tưởng nhân đạo, yêu nước, chống ngoại xâm… đều
được lồng ghép vào Lục độ.
-
Trì giới độ
Độ thứ hai là trì giới, được định nghĩa trong Lục độ tập kinh như
sau:
“Cuồng
ngu, hung ngược,
thích giết sinh mạng, tham ăn trộm cướp, dâm dục nhơ bẩn, nói hai lưỡi,
nói dữ, nói dối, nói thêu dệt, lòng giận ghét ngu si, hủy hoại cha mẹ, giết bậc
thánh hiền, báng Phật, quấy rối người hiền, lấy vật ở đền miếu, ôm lòng hung
nghịch, hủy báng ba ngôi báu... bốn ân cứu khắp”[19].
Để hiểu rõ hơn điều này, chúng ta cần xem bài kinh số 27, quyển thứ 4, thuật lại
chuyện tiền thân của Bồ-tát lúc làm vị cư sĩ thanh tín. Bấy giờ nhà vua lấy Phật
pháp để giáo hóa lòng dân, khuyến khích người dân giữ giới không sát sinh, ăn
chay được miễn thuế khiến không ít kẻ giả lòng lương thiện mà làm việc tà vạy.
Vua bèn dùng giới luật của Phật mà xem xét tiết tháo nơi dân, dùng phương tiện
vờ ra lệnh ai theo đạo Phật sẽ bị tội chết bêu chợ, nên những kẻ giả theo Phật
giáo đã từ bỏ đạo. Bấy giờ Bồ-tát giữ tâm chân chánh, ý chí kiên quyết không lay
chuyển, một lòng phụng thờ Tam bảo nên bị vua bắt đem giết. Khi đem ra chợ chém,
Bồ-tát lòng không thối chuyển còn dạy con rằng: chúng sinh ở đời bị sáu tình
loạn hành, cuồng say quá lắm, ít được gặp Tam bảo dẫn dắt giáo hóa để trở thành
sáng suốt, trong sạch. Con nay may mắn biết được đạo pháp, hãy thận trọng không
nên bỏ. Ta thà bỏ thân mạng này chớ không hề bỏ nẻo chân chánh. Vua biết Bồ-tát
là bậc tu chân chính, phong làm tướng quốc, giao việc trị nước. Còn bọn người bỏ
giáo pháp của Phật thì lại phải đóng thuế, sưu dịch. Từ đó trong nước không ai
là không ham chuộng điều thiện.
Ngoài câu chuyện về sự trì giới của Bồ-tát, còn có những câu chuyện tiền thân
khác, như lúc làm voi chúa, khi làm thái tử tên Pháp Thí, lúc làm người phàm
phu, không tham ăn, không mặc đẹp, không bị sắc dục quyến rũ dù bị hãm hại... Đó
là những tấm gương sáng ngời, là kim chỉ nam cho người sơ học về việc gìn giữ
giới pháp của Như Lai, góp phần làm cho ngôi nhà Chánh pháp trụ thế lâu dài tại
thế gian.
Tác phẩm còn nói rõ Giới vô cực, ở đây chỉ nêu ra giới tham, giới sát, giới dâm
mà không đề cập đến giới vọng ngữ và giới uống rượu. Tựu trung tất cả nghiệp báo
đều do lòng tham muốn mà gây ra, diệt dục thì an lạc, giải thoát. Như vậy, ngoài
việc dứt trừ ba nghiệp thân, khẩu, ý thì người trì giới cần phải thanh tịnh hóa
tâm hồn, tức là có đức hạnh với đời và tự rèn luyện bản thân. “Trì giới chỉ
cho tâm giới. Khi tâm đã không còn sát đạo dâm vọng mà tâm cũng không nghĩ tưởng
đến các điều đó, cho đến cả cái biết mình đã đoạn trừ được những điều đó cũng
không còn nữa lúc đó gọi là trì giới ba-la-mật”[20].
Người học Phật cần phải “một
lòng trì giới nên
được sinh ở chỗ lành, sinh chỗ lành nên được gặp thiện nhân, gặp thiện nhân nên
sinh thiện trí…”[21].
-
Nhẫn nhục độ
Nhẫn nhục tiếng Phạn là kṣānti, là đức tính chịu đựng được những nghịch
cảnh não lòng và gánh lấy những phiền muộn do người khác gây ra cho mình mà
không cảm thấy khó chịu, cũng không thốt ra một lời oán trách kêu ca.
Nhẫn nhục là “chịu đựng mọi đau khổ mà không oán hận”[22].
Chương này kể các ví dụ Bồ-tát bị mọi người mắng nhiếc là quỷ, bị bắn nhầm, bị
chặt tay, bị người khác âm mưu giết hại nhiều lần, bị nghi ngờ phản bội, cứu
người lại bị người hại, bị bắt làm xiếc kiếm tiền cho chủ, cứu hổ mà bị hổ dọa
ăn thịt, bị nhục mà không báo thù. Trong đó ở bài
kinh số 49, quyển thứ 5 thuật lại chuyện tiền thân của Bồ-tát lúc làm vua nước
Ma Thiên La học thông thần minh, không chỗ tối nào là không thấy. Biết rõ cõi
đời là vô thường nên Bồ-tát từ bỏ vinh hoa dục lạc, mặc pháp phục của bậc Đại
sĩ, một bát ăn là đủ, thọ giữ giới luật của Sa-môn, lấy núi rừng làm chỗ ở trong
ba mươi năm. Vì lòng thương xót, Ngài đã cứu giúp người thợ săn, rắn cùng quạ
đều được toàn mạng. Sau khi cứu giúp người và vật thoát nạn, nghe người thợ săn
và các con vật nói
sẽ trả ơn, Ngài nói rõ thân phận của mình, từ chối nhận sự trả ơn, chỉ vì muốn
cầu đạo vô thượng nên mới bỏ đất nước để làm Sa-môn. Ngài bảo họ khi trở về gặp
người thân của mình thì hãy khuyên người thân quy y ba ngôi báu, không làm trái
điều Phật dạy.
Nhưng không ngờ, thợ săn keo kiệt, thọ ơn nhưng chẳng muốn trả, ngay cả bữa cơm
cũng không muốn cúng dường đạo sĩ. Con quạ biết Ngài đói liền bay vào cung vua
lấy hạt châu minh nguyệt của hoàng hậu đem về dâng đạo sĩ. Đạo sĩ lại mang chuỗi
ngọc cho người thợ săn liền bị hắn bắt đem tâu vua. Ngài nhẫn nhục chịu sự đánh
đập để bảo toàn mạng sống cho quạ cũng như không oán trách người thợ săn kia.
Lúc đạo sĩ bị đem đi chôn sống bèn gọi tên rắn. Rắn vì cảm kính ơn cứu mạng của
đạo sĩ mà vào cung cắn chết thái tử sau đó dâng thuốc thần cho đạo sĩ cứu thái
tử sống lại. Sau khi cứu sống thái tử, được vua chia nước cho cai trị nhưng đạo
sĩ một mực từ chối. Vua hỏi nguyên do, và sau khi nghe đạo sĩ thuật rõ hết đầu
đuôi mọi việc, ông vô cùng cảm thương, bèn đem thợ săn và tất cả quyến thuộc
trừng trị theo phép nước. Từ đó đạo sĩ vào núi học đạo, tinh tấn không mỏi, khi
chết sinh lên cõi trời.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy rằng, Bồ-tát tuy hiện thân là con người bình
thường nhưng mang chí nguyện của bậc Đại sĩ thực hành lục độ. Biết rõ đời là giả
tạm, bố thí ngôi báu, tất cả vinh hoa nguyện sống đời phạm hạnh, giữ giới thanh
tịnh của Phật mà cầu chánh giác. Dù bị vu oan có thể mất mạng sống, nhưng với
lòng thương tưởng đến chúng sinh nên thà chịu hình phạt cũng không oán trách,
nhẫn nhục việc mà người khác khó thực hiện được. Vốn là vua một nước, vì lòng
tha thiết cầu đạo giải thoát mà từ bỏ ngôi vua; khi được quốc vương chia nước để
cai trị thì Bồ-tát chối từ, trở lại chốn sơn lâm, ngày đêm nỗ lực thiền định,
tinh tấn tu hành hướng đến quả vị vô thượng. Vì thế thực hành Bồ-tát muốn trọn
vẹn không thể không nhẫn nhục, bởi nhẫn nhục là nền tảng vững chắc để vượt qua
mọi khó khăn trên con đường cầu đạo. “Nhẫn nhục đạo thứ nhất”[23],
là bước đầu tiên cần phải có của một vị Bồ-tát, bởi
“thiếu tâm đại từ bi thì Bồ-tát
hạnh không còn. Thiếu nhu hòa nhẫn nhục thì
Bồ-tát hạnh khó thực hiện”[24].
Có thể nói rộng ra là Bồ-tát ngộ tánh “không” của vạn pháp, không còn tâm phân
biệt đối đãi tầm thường thế gian nên Ngài ở nơi không ai dám ở, ăn uống những
thứ không ai dám nhìn, Ngài không còn bị các pháp trần làm chướng ngại trên con
đường đạo. Thực hành hạnh nhẫn nhục giúp tiêu trừ tánh sân hận từ đó
phiền não cũng tự sạch trong. Như vậy, “Nhẫn nhục độ vô cực là khắc phục sân”[25].
-
Tinh tấn độ
Tinh tấn tiếng Phạn là viriya. Tinh là chuyên giữ đạo thâm diệu, tấn là
không chút biếng trễ.
“Tinh
tấn là luôn luôn tiến lên không lùi bước trên con đường tu tập”[26].
Chương này đưa ra các ví dụ về Bồ-tát khi làm vua nai, vua cá, vua rùa, hy sinh
thân mình để bảo vệ đồng loại, bị phản bội vẫn kiên trì làm việc thiện, làm vua
anh vũ thì bỏ đi đến chốn rừng sâu yên tĩnh tu tập, làm bồ câu thì nhịn đói cho
gầy khỏi bị giết, làm đồ đệ Phật thì tinh tấn, giúp bạn chống lại buồn ngủ để
học tập… Trong đó điển hình là bài kinh số 55, quyển thứ 6 thuật lại chuyện tiền
thân của Bồ-tát lúc làm người phàm nghe được danh hiệu, tướng tốt và đạo lực của
Phật.
Nhưng bấy giờ Phật đã nhập diệt, chúng đệ tử cũng không còn nên chẳng thể nghe
nhận. Khi nghe
có
người hàng xóm biết pháp của Phật, Bồ-tát lòng mừng vô hạn, cúi đầu đảnh lễ nơi
chân, quỳ xuống xin nghe pháp.
Người kia nói với Bồ-tát rằng muốn nghe thì
lấy một cây kim đâm vào lỗ
chân lông
mà lòng không hối hận thì mới có thể nghe được. Bồ-tát trả lời: “Nghe Phật mà
chết, tôi cũng vui làm”[27].
Rồi
Ngài đi
chợ
mua kim tự đâm vào mình, máu chảy lênh láng nhưng lòng vẫn vui vẻ
vì được nghe pháp.
Đế Thích đem
lòng
thương xót nên hóa mỗi lỗ chân lông trên thân Ngài đều
có một cây kim. Bồ-tát nghe pháp, hoan
hỷ
cúi đầu, ngoái nhìn thì kim châm trên thân bỗng biến mất hết. Bóng dáng Ngài
sừng sững, khí lực hơn trước rất nhiều. Trời, người, quỷ, rồng không ai là không
khen ngợi.
Hình ảnh Bồ-tát dùng kim đâm vào
mình
để được nghe bài kệ của Phật thể hiện tinh thần cần cầu, gìn giữ giới pháp.
Câu chuyện này cũng tương tự như câu chuyện trong Tiên nhân cầu đạo (kinh
Pháp hoa), hay Chích thân cầu pháp (Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư).
Cho nên một khi điều thiện đã sinh
thì tinh tấn làm cho nó ngày càng tăng trưởng, những thiện pháp chưa sinh thì
tinh tấn làm cho sinh khởi, siêng năng tu tập có vậy mới đem lại kết quả tốt đẹp
đúng như lời Phật dạy:
“Này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn không phóng dật, sống an trú chánh niệm và hộ trì
giới luật, tự nhiếp thúc ý chí, khéo bảo hộ tự tâm. Những ai tinh tấn trong Pháp
Luật của Ta sẽ diệt trừ sinh tử, chấm dứt khổ đau”[28].
-
Thiền định độ
Trong Tăng chi bộ, Đức Phật dạy rằng: “Tỷ- kheo với tâm không bị khuấy
đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được
lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng
đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy có xảy ra. Vì sao? Vì rằng tâm không bị
khuấy đục, này các Tỷ-kheo”[29].
Chỉ khi tâm chúng ta không bị khuấy đục thì lúc đó mới nhận chân rõ sự vô
thường, không còn tham tiếc sự giả tạm của thế gian; nhờ quán các pháp đều do
nhân duyên hòa hợp mà thành, không thật nên không chấp giữ hay tham muốn mong
cầu.
Lục độ tập kinh
nói về thiền như sau: “Nghĩa là thẳng lòng, chuyên ý gom thâu các lành,
mang lấy trong lòng, ý khởi các dơ ác, lấy thiện tiêu diệt”[30].
Theo Lục độ tập kinh thì thiền có nhất thiền, nhị thiền, tam thiền và
tứ thiền.
Thiền thứ nhất chính là hành giả từ bỏ năm sự ngăn che và từ bỏ năm chướng ngại
mà ta hay gọi là mười điều ác, bấy giờ thành tựu được năm thiền chi (tầm, tư,
hỷ, lạc và nhất tâm).
Khi hành giả đạt thiền thứ nhất thì tiếp tục tiến thẳng đến thiền thứ hai. Ở
thiền thứ hai này, hành giả không còn ý niệm phân biệt, chọn lựa hay lấy cái này
áp chế cái kia. Điều này cho thấy rằng việc thực tập thiền định rốt ráo có thể
nuôi dưỡng sự tĩnh lặng trong tâm.
Ở thiền thứ ba, hành giả không còn tâm phân biệt, đối đãi tầm thường thế gian;
các cặp phạm trù đối lập như thiện - ác, Thánh - phàm, trên - dưới được phá vỡ,
cũng tức muốn nói hành giả đã đập vỡ khái niệm, phá vỡ lưỡng nguyên. Hành
giả ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh
gọi là xả niệm lạc trú.
Ở thiền thứ tư, hành giả xả lạc, xả khổ, diệc hỷ ưu đã cảm thọ trước; thiện ác
đều bỏ hết, lòng không nghĩ thiện, cũng chẳng nhớ ác, trong lòng sáng sạch như
ngọc lưu ly.
Chứng được bốn thiền thì tự do bay nhảy nhẹ nhàng, bước trên nước mà đi, phân
tán thân thể, biến hóa muôn điều ra vào không gián đoạn. Tới đây chúng ta thấy
được sự trùng hợp trong tư tưởng thiền của Khương Tăng Hội với Mâu Tử trong tác
phẩm Lý hoặc luận:
“Phật
nghĩa là Giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể,
hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn được, tròn được vuông được, già được trẻ được,
ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi dạo không đâu, ở dơ không bẩn, gặp họa
không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật”[31].
Để làm rõ về thiền, bài kinh số 75, quyển thứ 7 thuật lại chuyện tiền
thân của Bồ-tát lúc làm vị Tỳ-kheo ẩn sâu nơi núi rừng,
vì muốn điều phục chúng sinh, khiến chúng sinh xa lìa khổ não cho nên tu tập
thiền định. Muốn đoạn trừ phiền não mà không thiền định thì trí tuệ chẳng hiển
bày; trí tuệ xuất phát từ sự tu tập thiền định mới có thể đoạn trừ các kiết sử.
Cho nên, “Thiền định được xem là pháp vô lậu thứ hai, đưa đến trí tuệ và giải
thoát”[32].
Người tu tập thiền định rốt ráo thì ví như “kẻ nghèo vay nợ làm ăn, được lời
trả nợ, của thừa sửa nhà, ngày có lời vào, kẻ ấy lòng vui. Lại như nô tỳ, thoát
làm dân lành, bệnh nặng được hết, họ hàng ngày đông như tội nặng lao ngục, được
xá thoát ra, lại như tìm báu qua biển, trải bao hiểm nguy, về nhà thấy lại cha
mẹ, vui mừng vô lượng”[33].
Ngoài mẫu chuyện trên, một số chuyện tiền thân của Đức Phật cũng nêu lên vấn đề
thiền định khi tu tập Bồ-tát hạnh, như Bồ-tát ngồi thiền, thái tử ngồi thiền,
Phật nhập thiền, Bồ-tát Thương Bi học thiền, Phạm chí Na Lại học thiền...
Đức Phật nương nơi thiền định mà chứng thành đạo quả, những vị Thánh đệ tử cũng
tu tập thiền quán để đạt đến vô sinh. Chính vì thế, chúng ta nên cố gắng thực
tập thiền quán để tâm tư lắng đọng, diệt trừ vọng niệm, an trú nơi tự tâm thanh
tịnh để có được sự an lạc.
-
Trí tuệ độ
Trí tuệ là cái thấy biết sáng suốt, không sai khác, không còn tâm phân biệt,
lòng thanh sạch, không còn cấu nhiễm hay bị nhiễm bụi trần. Bồ-tát có trí tuệ
siêu việt, thấu triệt lý không, vô thường, vô ngã của các pháp. Trong bài kinh
số 85, kinh Bồ-tát dùng trí tuệ xa vợ quỷ, quyển thứ 8, thuật lại chuyện
tiền thân của Bồ-tát khi làm người phàm. Khi vừa 16 tuổi, với bản tính thông
minh, Ngài học nhiều thấy rộng, không kinh nào là không hiểu. Vì nghĩ đến cái
họa của sắc đẹp nên khi cha mẹ muốn cưới vợ cho, Bồ-tát đã trốn sang nước khác,
làm thuê để nuôi thân. Được ông chủ điền gả cho người con gái nuôi những rồi sau
đó Ngài bỏ đi, năm năm sống với cô gái thứ hai ở đình trống, mười năm sống trong
cung điện châu báu với người phụ nữ thứ ba. Dù biết được sự nguy hại của sắc dục
nên trốn chạy, nhưng trốn được người thứ nhất lại bị mê hoặc bởi người phụ nữ
thứ hai. Cứ thế trải qua ba lần bị mê hoặc bởi sắc dục, Bồ-tát liền quán vô
thường, khổ, không, vô ngã, nhờ đó diệt trừ các thứ bất tịnh trong ba cõi. Khởi
bốn niệm này thì vợ quỷ liền diệt, trong lòng rực sáng, liền thấy chư Phật đứng
ở trước mặt mình, giải rõ về định không, bất nguyện, vô tưởng, trao giới Sa-môn,
làm bậc thầy tối thượng.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy rằng, dù Bồ-tát biết được cái họa của sắc dục,
bỏ nhà trốn đi khi cha mẹ bắt cưới vợ, nhưng cuối cùng vì duyên nợ mà phải trải
qua ba lần gặp và chung sống với những người phụ nữ khác. Ngoài kinh Bồ-tát
dùng trí tuệ xa vợ quỷ, một số chuyện tiền thân kể về nhưng việc như vua
không giết người, khiến quân thù phải sợ, nhận biết được sinh tử nên làm cho
quốc gia hạnh phúc, hay biết được sinh tử nên nhà giàu bố thí tài sản đi làm
Sa-môn…, tất cả đều thể hiện trí tuệ sáng suốt khi tu tập Bồ-tát hạnh. Phải biết
rõ ái dục là họa của người tu đạo, là rào cản lớn của người tu hạnh thanh tịnh.
Muốn đoạn dục không chỉ bên ngoài thân mà cả bên trong tâm. Trí làm chủ, quyết
định tất cả, nếu thương mà còn phân biệt thì cũng là ái dục.
Kết luận
Lục độ tập kinh
là văn bản đầu tiên và xưa nhất ghi lại những chủ đề tư tưởng lớn như nhân
nghĩa, hiếu đạo, đất nước... Đây không chỉ là tác phẩm văn học đề cao các giá
trị tinh thần dân tộc mà còn bảo lưu các truyền thống văn hóa lâu đời của người
Việt, qua đó khẳng định sự tồn tại của một nền văn hóa Việt cổ vẫn luôn chảy và
bám rễ sâu trong đời sống của người dân Việt hơn hai nghìn năm. Ngoài ra, Lục
độ tập kinh còn có chức năng truyền giáo, giải thích và làm rõ những thắc
mắc cho các Nho sĩ Trung Quốc đang sống tại Giao Châu thời bấy giờ về giáo lý
Phật giáo. Những điều này như luồng gió mới mà Phật giáo đã thổi vào đời sống
của người dân Việt, góp phần khơi dậy những giá trị cao đẹp của dân tộc.
Lục độ tập kinh
giảng dạy lý tưởng của Bồ-tát, người thực hành Lục độ với mục đích độ mình độ
người. Mỗi một độ trong Lục độ luôn chứa đựng ý nghĩa của năm độ còn lại. Không
một độ nào tồn tại độc lập mà không có sự hỗ tương của năm độ còn lại. Cho nên
khi thực hành bất cứ độ nào trong Lục độ thì cũng có nghĩa là ta đang thực hành
các độ còn lại, hỗ trợ để phát huy sức mạnh cho một độ mà ta đang muốn thực
hành. Dù tu tập bất kỳ pháp môn nào đi nữa thì mục đích duy nhất là đạt được trí
tuệ, thiền định, giác ngộ viên mãn. Muốn thành tựu điều đó đòi hỏi mỗi hành giả
phải nỗ lực, siêng năng tinh tấn theo đuổi mục đích mà mình đã đề ra.
Tài liệu tham khảo
1.
HT.Thích Minh Châu (1998), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Viện
Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh.
2.
HT.Thích Minh Châu (2003), Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật,
NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
3.
HT.Thích Minh Châu
dịch (2015),
Kinh Tăng chi bộ - Tập I,
NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
4.
HT.Thích Minh Châu dịch (2015),
Kinh Tiểu
bộ
- Tập I,
NXB.Tôn
Giáo, Hà Nội.
5.
Thích Nhất Hạnh (2019), Thiền sư Khương Tăng Hội Sơ tổ của Thiền
tông Việt Nam và Trung Hoa,
NXB.Lao Động, Hà
Nội.
6.
Nguyễn Duy Hinh - Lê Đức Hạnh
(2011),
Phật giáo trong văn hóa Việt Nam, NXB.Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa,
Hà Nội.
7.
Thích Thiên Hòa dịch
(2019),
Tỳ-kheo giới kinh, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
8.
Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Phương Đông,
Hồ Chí Minh.
9.
Minh Đức - Thanh Lương (1999), Bồ-tát đạo hay con đường lý tưởng,
tập 1, NXB.TP.Hồ
Chí Minh.
10.
Tỷ-kheo Thích Quang Nhuận
(2004),
Phật học khái lược 2,
NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.
11.
Thích Thiện Siêu
(1997),
Luận Đại trí độ 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh.
12.
Lê Mạnh Thát
(1999),
Lịch sử Phật
giáo
Việt Nam
1,
NXB.TP.Hồ Chí Minh.
13.
Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam
1-
2,
NXB.TP.Hồ Chí Minh.
14.
HT.Thích Chơn Thiện
(2013),
Tư tưởng kinh Pháp hoa, NXB.Phương Đông, TP.Hồ
Chí Minh.