Hoa mai trong thơ thiền
hoa mai
Hoa mai trong thơ thiền
Thơ thiền, có thể hiểu
là các tác phẩm thơ có nội dung thiền của Phật giáo, bao gồm các bài kệ của các
thiền sư và những bài thơ có màu sắc Thiền tông. Hồi chúng tôi thọ giáo môn Văn học Phật giáo tại tu
viện Nguyên Thiều, giáo thọ sư hỏi làm thế nào để làm được thơ thiền. Chúng tôi
cứ nghĩ, chắc phải đắc đạo rồi mới có mấy bài kệ để lại như các thiền sư. Giáo
thọ sư bấy giờ là sư Giác Tri, bảo rằng, đọc khoảng một ngàn bài thơ thiền thì sẽ
làm được thơ thiền.
Ngày xuân, mời quý vị cùng chúng tôi thưởng
lãm vẻ đẹp của hoa mai trong một vài bài thơ thiền mà ai cũng biết.
Hoa mai là đại diện của mùa xuân trong tứ quý (tùng,
cúc, trúc, mai), lại cũng có mặt trong tuế hàn tam hữu, ba người bạn mùa giá
rét gồm tùng, trúc, mai. Hoa mai tượng trưng cho khí tiết và đặc tính thanh
cao, trong sáng của người quân tử.
Nguyễn Trãi có bài Vịnh cây mai già, dùng hoa mai nói lên tấm lòng trung hiếu của
mình:
Hoa
nẩy cây nên thuở đốc sương,
Chẳng
tàn chẳng cỗi hãy phong quang.
Cách
song khác ngỡ hồn Cô Dịch,
Quáng
bóng in nên mặt Thọ Dương.
Đêm
có mây, nào quyến nguyệt,
Ngày
tuy gió, chẳng bay hương.
Nhờ
ơn vũ lộ đà no hết,
Đông
đổi dầu đông, hãy một dường.
Đó là hoa mai của một bậc
trung thần. Còn hoa mai của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập dòng thiền
Trúc Lâm Yên Tử, thì lại lãng mạn đến bất ngờ:
Năm
cánh hoa tròn vàng nhị phô,
Nổi
nênh vảy cá, chìm san hô.
Đông
ba tháng trải cành khoe trắng,
Xuân
một làn thơm nhánh nhẹ đưa.
Đêm
ngỡ nước trong chim cháy cổ,
Sương
lừng hương ngát bướm tan mơ.
Hằng
Nga như biết đây hoa đẹp,
Quế
lạnh cung Thiềm há mến ưa.
(Mai sớm 1, Trần Lê Văn dịch)
Khó có thể tưởng tượng
đây là thơ của một vị vua đứng đầu đất nước, lại là một hành giả đạt đạo, vì
tính chất bay bổng xuất thần của nó. Nhưng ngẫm lại thì thấy không thể hợp lý
hơn bởi vì “bất tục phi tiên cốt, đa tình thị Phật tâm”. Bài thơ thể hiện cái
tài của đấng quân vương, đồng thời thể hiện cái tình của một vị tu sĩ - nghệ sĩ. Vẻ đẹp của
hoa mai được nhà thơ so sánh đẹp hơn cả cảnh đẹp của cõi trời nơi Hằng Nga ở. Ở
bài thứ hai thì hình ảnh hoa mai cho thấy cảnh giới nội tâm của thi nhân:
Năm
ngày ngại rét lười ra cửa,
Gốc
lẻ nào ngờ đã gió xuân.
Mặt
nước băng tan cây bóng ngả,
Đầu
cành hoa trĩu ấm chưa phân.
Trăng
chìm xóm núi lời ca bổng
Mây
ướt quan hà tiếng sáo ngân.
Lạc
tới chiêm bao hoa một nhánh,
Muốn
đem tặng bạn khó vô ngần.
(Mai sớm 2, Trần Lê Văn dịch)
Hai câu cuối mang rất
nhiều ý nghĩa. Thi kệ dòng thiền
Làng Mai có bài:
Trang
nghiêm Tịnh độ
Nơi
cõi Ta-bà
Đất
tâm thanh tịnh
Hiển
lộ ngàn hoa.
(Kệ cắm hoa)
Tại sao hoa lại lạc vào
giấc chiêm bao của nhà thơ? Hiểu theo lý,
đó chính vì nội tâm thanh tịnh cho nên hoa mới hiển lộ. Ông bà ta nói, ngày làm
sao đêm chiêm bao làm vậy. Đó cũng là sự vận hành của A-lại-da thức khi các chủng tử
chân thiện mỹ
đã được huân tập rồi sinh ra hiện hành (hoa nở trong giấc mơ). “Muốn đem tặng bạn,
khó vô ngần”, bởi vì ai tu nấy chứng, như người uống nước nóng lạnh tự biết.
Nhà thơ hạnh phúc và muốn đem chia sẻ hạnh phúc ấy cho người hữu duyên, nhưng xem
ra chỉ có thể dùng phương tiện, còn thành quả tu chứng thì làm sao mà đem tặng
được. Đó là ý nghĩa sâu xa của bài thơ.
Tiếp nối Sơ tổ Phật
hoàng Trần Nhân Tông, Tổ
thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là Thiền
sư Huyền Quang cũng viết về hoa mai với một tâm tình cảm động:
Dục
hướng thương thương vấn sở tòng,
Lẫm
nhiên cô trĩ tuyết sơn trung.
Chiết
lai bất vị già thanh nhãn,
Nguyện
tá xuân tư ủng bệnh ông.
Dịch thơ:
Ngửa
mặt trời xanh hỏi lý
do,
Hiên
ngang trong núi mọc mình hoa.
Bẻ
về không để chưng vui mắt,
Chỉ
mượn màu xuân đỡ bệnh già.
(Thiền sư Nhất Hạnh dịch)
Bên cạnh vẻ đẹp của
loài hoa mai lộng lẫy trong lẫm liệt hiên ngang cô độc, không dựa vào đâu, chỉ
dựa vào sức bình sinh của chính mình, thì người đọc còn thấy vẻ đẹp của sự
khiêm cung trong nhân cách của nhà tu hành. Mượn cành hoa mai an ủi bệnh già,
là nhà thơ tự mình thừa nhận mình còn phải học theo khí tiết kiên cường của hoa
mai cho qua cái khổ của cơn già bệnh, cũng là cái khổ của sinh tử. Hoa mai và
người tả hoa mai đều đáng ngưỡng mộ.
Từ ngài Huyền Quang, ngược dòng thời gian hơn
một trăm năm về trước nữa, ta bắt gặp cành mai tiêu biểu nhất cho dòng thơ thiền.
Ấy là nhất chi mai của Thiền sư Mãn Giác đời nhà Lý:
Xuân
khứ bách hoa lạc,
Xuân
đáo bách hoa khai.
Sự
trục nhãn tiền quá,
Lão
tòng đầu thượng lai.
Mạc
vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình
tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch thơ:
Xuân
qua, trăm hoa rụng,
Xuân
tới trăm hoa cười.
Trước
mắt, việc đi mãi,
Trên
đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm
qua sân trước một cành mai. (Ngô
Tất Tố dịch)
Đây là bài kệ thiền sư
đọc trước khi thị tịch, vốn không có nhan đề. Hai câu đầu, có thể chú ý để thấy
là thiền sư đảo ngược trật tự thời gian. Thông thường thì nói xuân đến, rồi
xuân đi. Nhưng không, ở đây thiền sư nói đến sự kiện “xuân khứ” trước. Xuân đi
hoa rụng, sau đó là xuân đến hoa nở. Chính sự đảo ngược này mang đến một niềm
tươi vui, hứng khởi đặt vào giữa khổ đau của sinh tử luân hồi. Hai câu tiếp
theo như một lời tự sự đầy chiêm nghiệm:
Trước
mắt việc đi mãi,
Trên
đầu già đến rồi.
Đây là chiêm nghiệm để
thấy vô thường. Bức tranh đời người gồm trong hai nét vẽ đó thôi, việc đi và
già đến. Cuối cùng còn lại một cành mai:
Đừng
tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm
qua sân trước một cành mai.
Có thể hiểu được rằng
cành mai ở đây chính là thành quả giác ngộ của Thiền sư Mãn Giác. Cành mai liễu thoát
sinh tử đã nở tung. Cành mai đó là tâm thức bất sinh bất diệt mà thiền sư đạt đến
sau bao công phu tu hành. Và cành mai đó sẽ mãi mãi còn hiện hữu như một tin
vui vĩnh hằng cho hậu thế.
Vào thế kỷ thứ nhất, Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận
ở Trung Hoa cũng đã chọn hoa mai làm hình ảnh tượng trưng cho pháp ngữ của
Ngài:
Trần
lao quýnh thoát sự phi thường,
Hệ
bã thằng đầu tố nhất trường,
Bất
thị nhất phiên hàn triệt cốt,
Tranh
đắc mai hoa phốc tỷ
hương.
(Vượt khỏi trần lao việc
chẳng thường,
Đầu dây nắm chặt giữ lập
trường.
Chẳng phải một phen
xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngát mùi
hương).
Cũng có ý kiến cho rằng
hoa mai trong thiền ngữ của Tổ Hoàng Bá Hy Vận hay Thiền sư Mãn Giác là loài hoa
mơ. Đó là một nghi vấn. Dù là mai hay mơ, đặc tính của cả hai loài hoa này đều
là trải qua một mùa đông giá rét, rụng hết lá rồi mới nở hoa vào mùa xuân.
Chẳng
phải một phen xương lạnh buốt,
Hoa
mai đâu dễ ngát mùi hương.
Trong cuộc sống, để thành tựu một mục tiêu,
chúng ta đều phải trải qua nỗ lực, mồ hôi, nước mắt, có khi cả máu xương và
tính mạng. Hiểu được điều đó, những khổ đau mà chúng ta đang có sẽ trở nên có ý
nghĩa và giá trị làm động lực cho chúng ta tiến lên không nản lòng. Một đời tu
cũng vậy.
“Có một
truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế
gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa
đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai
dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi,
và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy
nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế
gian lặng đi lắng nghe, và cả Thượng đế
trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể
có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... Ít ra là truyền thuyết
nói như vậy”. Đó là lời dẫn vào tiểu
thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai,
một tác phẩm văn học Úc. Người phương Đông chỉ nói hai câu “Nếu chẳng một phen xương lạnh
buốt/ Hoa mai đâu dễ ngát
mùi hương” là đủ diễn tả cùng một ý.
Nhắc đến hoa mai trong thơ thiền, không thể
không nhắc đến một tác phẩm của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Đó chính là bài
thơ Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai của Thiền sư Nhất Hạnh.
Bên
mé rừng đã nở rộ hoa mai là một bài thơ làm theo
thể thơ tự do và khá dài. Nội dung bài thơ nói về tình thầy trò trong đạo. Tình
thầy thật bao dung và đầy kiên nhẫn:
Con
đi đâu?
Cây
mộc già đã nở hoa thơm nức sáng nay,
Thầy
trò ta thật chưa bao giờ từng cách biệt.
Xuân
đã về,
Các
cội thông đã ra chồi óng biếc,
Và
bên mé rừng đã nở rộ hoa mai.
Hoa mai trong bài thơ
này là tín hiệu của mùa xuân, được chọn làm kết bài để đem lại cho toàn bộ tác
phẩm một cảm xúc trọn vẹn, tươi sáng, nói cách khác, một kết thúc có hậu.
Hoa mai trong thơ thiền vừa là hoa thực, biểu
tượng cho cái đẹp hình thức, vừa là hoa tâm, hoa lòng, phản ánh nội tâm của
hành giả, lại còn là ẩn dụ để các thiền sư nhắn gửi kinh nghiệm tu chứng cho đàn
hậu học. Một đời sống như hoa mai, kể ra cũng đủ để không hổ thẹn với đất trời.
Tuệ Anh
Tài
liệu tham khảo:
1. Chu
Minh Khôi, Cây mai trong thơ văn Lý
- Trần là cây mai gì?, Giác Ngộ online.
2. Đinh
Công Bảng, Tìm hiểu cành mai trong bài kệ
của Mãn Giác Thiền sư, Giác Ngộ online.
3. Nguyễn
Thanh Huy, Hoa mai qua góc nhìn của Thiền
sư Trần Nhân Tông, Thư viện Hoa Sen.
4. Ngô
Minh, Bốn bài thơ bất hủ về hoa mai, Báo
Công an Đà Nẵng.
5. Thích
Trung Hữu, Mai hay mơ, Thư viện Hoa Sen.
6. Trần
Thanh Tuấn, Nhành mai xuân trong thơ Lý - Trần,
Tạp chí Văn hóa Phật giáo.