Về bài thơ xuân xưa nhất trong văn học Việt Nam

ve bai tho xuan

VỀ BÀI THƠ XUÂN XƯA NHẤT TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ

GVCC Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM

 

Những ai có duyên nợ với văn chương chắc hẳn không thể không biết đến, đọc đến dù chỉ một lần bài kệ - thơ của Mãn Giác Thiền sư đời Lý:

Nguyên tác: 告疾示眾 

春去百花落,

春到百花開。

事逐眼前過,

老從頭上來。

莫謂春殘花落盡,

庭前昨夜一枝梅。

Phiên âm: Cáo tật thị chúng

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai,

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch thơ: Có bệnh bảo đồ đệ

Xuân qua, trăm hoa rụng,

Xuân đến, trăm hoa tươi.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước nở cành mai.

(Bản dịch của Vân Trình Bùi Văn Nguyên trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2, thế kỷ X - đầu thế kỷ XVIII, NXB.Văn Học, tái bản, 1976).

Bài thi kệ vốn không có nhan đề. Nhan đề này là do người đời sau (có thể là Lê Quý Đôn?) khi làm thi tuyển đã căn cứ vào tiểu truyện chép về thiền sư trong sách Thiền uyển tập anh rồi đặt tên.

Mãn Giác (1051-1096) một thiền sư danh tiếng đời Lý, tên thật là Lý Trường, Mãn Giác là pháp hiệu, ông là con của Trung thư viên Ngoại lang Lý Hoài Tổ, thuộc dòng dõi vương triều đương thời. Thuở nhỏ, ông vào hầu thái tử Kiền Đức, được thái tử quý trọng. Khi Kiền Đức lên ngôi (vua Lý Nhân Tông, 1072-1127), ông được ban tên Hoài Tín Trưởng lão và được mời vào trụ trì chùa Giao Nguyên trong cung, gần điện Cảnh Hưng. Bài thi kệ ở trên là tác phẩm duy nhất còn lại của ông.

Thiên nhiên và sự sống luôn là đề tài, là cội nguồn cảm hứng chủ yếu của các nhà thơ từ xưa đến nay. Do quan niệm khác nhau về vũ trụ, về cuộc sống nên mỗi tác giả phản ánh thiên nhiên mỗi khác. Hình ảnh thiên nhiên trong thơ đời Lý (thế kỷ XI - XII) chỉ là phương tiện để nói lên nội dung tư tưởng triết lý nhà Phật. Sang đời Trần (thế kỷ XIII - XIV), thiên nhiên mới trở thành đối tượng miêu tả. Nhưng nhìn chung, những bài thơ tả cảnh thiên nhiên trong thơ đời Lý thường nói lên lòng yêu cuộc sống tràn trề qua một nội dung trữ tình tinh tế, hàm ngụ tư tưởng triết lý sâu sắc. Triết lý ở đây chính là tư tưởng triết lý Phật giáo Thiền tông, vì hầu hết thơ đời Lý là thơ của các thiền sư. Bài thơ của Mãn Giác mang đặc tính chung này.

Đa số các thiền sư Việt Nam nói chung, thiền sư đời Lý nói riêng thường không bàn suông nói góp về cuộc đời, mà chính là họ đã hành đạo, sống đạo trọn đời rồi mới thể hiện sự chứng nghiệm, thụ đắc chân lý của mình. Do đó, họ không nhắc lại giáo lý tư tưởng nhà Phật một cách khô khan, máy móc. Chân lý vi diệu trước khi được diễn tả ra lời thơ, câu văn là đã được họ chắt lọc kỹ càng sau những năm tháng dài dằng dặc “quán bích tọa thiền”, hay sau những chuỗi ngày khắc khoải tư duy, đến lúc tai đã mệt nghe vạn âm, mắt đã chán nhìn muôn sắc, lưỡi đã tê mùi tục lụy và lúc này họ chỉ còn thấy có con đường duy nhất là trở về với chân tâm tự tại, bản thể chân như  của mình.

Hình ảnh hoa nở lúc xuân tới, hoa tàn khi xuân qua là một quy luật của tự nhiên, nói theo ngôn ngữ nhà Phật, nó tượng trưng cho sự sinh hóa của chư pháp, của vạn vật, thế giới khách quan. Còn cành mai kỳ diệu vẫn nở hoa trước sân  đêm qua trong buổi xuân tàn hoa rụng, tượng trưng cho bản thể trường tồn. Đây là một hình ảnh rất sống động được cấu tạo bằng sự kết hợp hài hòa giáo lý đã thụ lĩnh cùng với sự chứng nghiệm của bản thân. Đó cũng là bài học về chân lý được đúc kết và trao truyền lại cho môn đệ sau những năm tháng quan sát vạn vật và nghiền ngẫm trong nội tâm, đến khi tóc đã đổi màu và giai đoạn “bệnh, tử” đã tới, thiền sư mới chứng ngộ và thốt lên.

Trước đây, có vài nhà văn học sử cho rằng bài thơ trên “đối lập với triết lý Thiền tông Phật giáo” và “vượt ra ngoài khuôn khổ đạo Thiền” như trong sách “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam”, tập 1, NXB.Văn Sử Địa, 1959 và trong “Lịch sử văn học Việt Nam” tủ sách ĐHSP, tập 2, NXB.Giáo Dục, 1962. Có phải như vậy không? Ngày xưa, Đức Phật Thích Ca khi giảng thuyết cho đệ tử đã từng nói rằng “Tất cả các pháp tướng hiện hữu đều như chiêm bao, bóng nổi trên mặt nước, như hạt sương mai đọng trên ngọn cỏ, như bóng chớp mà thôi…” và “Phàm vật gì có sắc tướng đều là hư ảo cả”. (Nguyên văn: “Nhất thiết hữu vi pháp/ Như mộng huyễn bào ảnh/ Như lộ diệc như điện…” và “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. - Kinh Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật). Trên cơ sở đó, thiết nghĩ, bài thơ không có gì trái với giáo lý đạo Phật và vượt ra ngoài khuôn khổ đạo Thiền. Yếu lĩnh của triết lý Thiền tông là phủ nhận thực tại hiện hữu, cho rằng tất cả các pháp hữu vi đều là hư ảo, tạm bợ. Thiền tông với tư tưởng đốn ngộ mạnh bạo của mình, cho phép thiền sư có cái tinh thần không sợ (Nhậm vận thịnh suy vô bố úy - Vạn Hạnh), cái tinh thần rất mực phóng khoáng, yêu đời, yêu cuộc sống, mà tinh thần này không phải của Nho gia hay Đạo gia. Vì lẽ đó, các thiền sư thi sĩ bấy giờ mới có một tâm hồn rung động tràn trề trước cảnh vật thiên nhiên, làm thơ tức thông qua cảnh vật, cuộc sống để nói lên lòng mình và cũng để nói hộ lòng người. Không riêng gì bài thi kệ của Mãn Giác mà rất nhiều tác phẩm khác của các thiền sư thi sĩ đời Lý đời Trần cũng mang cái chất này.

Bốn câu đầu: Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai. Thiền sư Mãn Giác đã phát biểu một chân lý hiển nhiên của cuộc sống, một quy luật tuần hoàn của tự nhiên, của vạn pháp. Thế giới khách quan luôn luôn biến động, chuyển dời và phát triển không ngừng. Đó là cái lẽ sinh sinh hóa hóa vô thường của cuộc đời.

Hai câu cuối: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Hoa mai (tức hoa mơ màu trắng, hương thơm) vẫn được coi là “bách hoa khôi” (hoa đứng đầu trăm hoa); nói đến hoa mai, người ta nghĩ ngay đến những ngày cuối đông đầu xuân - mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, dạt dào sức sống, khoe sắc tỏa hương.

Thiền sư một khi đã chứng ngộ chân lý thì có thể vượt khỏi cái vòng luẩn quẩn luân hồi, thoát ra được cái quy luật sinh hóa của thế giới khách quan nêu trên, chẳng khác nào cành mai kỳ diệu kia vẫn cứ nở hoa trong lúc xuân tàn hoa rụng. Tư tưởng triết lý đạo Thiền kết tinh ở chỗ này. Bài học mà Mãn Giác muốn dạy các đồ đệ là đừng tưởng nhà sư mất đi mà dòng Thiền bị tiêu diệt. Thiền sư có thể viên tịch nhưng nhờ sự giác ngộ chân lý mà chân thân của ông đã vượt khỏi cái vòng sinh tử luân hồi để đến chỗ tự tại, rốt ráo, “đáo bỉ ngạn” (đến bờ bên kia). Đó là ý chủ đạo của bài thơ. Về mặt chủ quan, dù Mãn Giác muốn phát biểu một quan niệm triết lý đi chăng nữa thì về mặt khách quan, bài thơ vẫn tỏa ra và ánh lên đến rạng ngời một sức sống mãnh liệt, một sự nhạy cảm tinh tế trước thiên nhiên tươi mát sinh động đang vươn lên, biểu hiện một tư tưởng yêu đời, yêu cuộc sống thật lạc quan và tích cực: Trong cái tàn lụi vẫn nảy sinh cái mầm của sự sống, của tương lai, của mùa xuân bất tận. Hai ý nghĩa trên là sự thống nhất trong mâu thuẫn, một tư tưởng triết lý khá sâu sắc của Phật giáo Thiền tông.

Quan niệm “Vạn vật nhất thể” này của Mãn Giác đã tạo nên một sự hài hòa tuyệt diệu của bài thi kệ, sự hài hòa giữa thiền sư thi sĩ và thiên nhiên đã làm cho thiền sư nhận thức thiên nhiên một cách sâu sắc, rung động với sự gắn bó chân thành.

Ngày nay, mỗi dịp xuân về tết đến, tôi thường nhớ và đọc lại cùng suy ngẫm về bài thi kệ của Mãn Giác, bài thơ xuân xưa nhất còn lại; có lẽ đây là bài thơ xuân đầu tiên trong văn học Việt Nam. Tôi vẫn cảm thấy cái tư tưởng lạc quan yêu đời kỳ lạ ấy còn quyện mãi trong lòng mình. Nó như là một âm hưởng thôi thúc mình tiến bước, vượt qua mọi thử thách gian lao, để vươn tới một ngày mai tươi sáng đầy niềm tin và khát vọng mới.

                                              

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác