Phối thờ thánh thánh tại tổ đình Phước Lâm
phoi tho
Phối thờ thánh thánh tại tổ đình Phước Lâm
Từ sau giai
đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước Đại Việt bị chia cắt làm hai, lấy sông Gianh làm ranh giới, từ sông Gianh
trở vào là Đàng
Trong (chúa Nguyễn), trở ra là Đàng Ngoài (chúa Trịnh). Sau
chiến tranh, các chúa nhà Nguyễn ở Đàng Trong như Nguyễn Phúc Lan (1635-1648),
Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), v.v. rất chú trọng việc khai hoang nên cho quan lại
đứng ra chiêu mộ dân chúng, quân đội đồn trú đi khai khẩn, xây dựng xóm làng,
canh tác ruộng vườn. Ngoài ra, với chính sách mở cửa ngoại giao, các chúa Nguyễn
đã tạo điều kiện để các thương gia nước ngoài thuận lợi ra vào giao lưu, buôn
bán, và thương cảng Hội An là một trong những trung tâm kinh tế thương mại phồn
thịnh bậc nhất bấy giờ. Cảng Hội An thuộc Quảng Nam là nơi kết nối nước ta với
các nước trong khu vực và những nước khác (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, v.v.). Chính
sự cởi mở của chúa Nguyễn đã giúp người dân tiếp cận được các luồng văn hóa
khác nhau của các quốc gia lân cận và các nước phương Tây. Qua đó người Trung
Hoa đã thuận lợi trong việc nhập cư và thành lập làng xã tại Hội An, vì thế mới
có làng Minh Hương ngày nay.
Các
chúa Nguyễn trong giai đoạn này đã khéo léo vận dụng tư tưởng Phật giáo để cai trị
đất nước, mặt khác họ cũng thực sự là những người sùng mộ Phật giáo, tôn kính
chư tăng nên tích cực trùng tu, xây dựng chùa chiền, tạo tượng, đúc chuông,
v.v. Và đây cũng chính là cơ hội thuận lợi để các thiền sư Trung Hoa đến hoằng
hóa tại Đàng Trong, đặc biệt là tại Hội An (Quảng Nam).
Trong các đoàn truyền giáo, phải kể đến Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo, nối pháp đời
34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của ngài Vạn Phong - Thời Ủy. Ngài vào Hội An
khai sơn chùa Chúc Thánh và cũng là vị Tổ đầu tiên khai sinh ra dòng thiền Lâm
Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam vào thế kỷ XVII.
Hội An bấy giờ
là một trong những thương cảng lớn ở Đàng Trong nên người ngoại quốc đến cư trú
rất đông, trong đó người Trung Hoa chiếm đa số, thế nên Thiền sư Minh Hải thu nạp
cả người Hoa lẫn người Việt. Đệ tử người Hoa của ngài gồm có ngài Thiệt Diệu,
Thiệt Thọ, Thiệt Mẫn... trú tại chùa Chúc Thánh, và họ đã đáp ứng được nhu cầu
tín ngưỡng của người Hoa; còn các vị đệ tử người Việt ở tại chùa Phước Lâm thì
đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng người Việt. Nhờ dung hòa được hai dòng Phật tử người
Hoa và Việt nên chùa Phước Lâm và Chúc Thánh trở thành hai trung tâm hoằng pháp
đầu tiên của Thiền phái Chúc Thánh, không chỉ ở Quảng Nam mà còn ảnh hưởng đến
các tỉnh thành trong nước và lan rộng ra nước ngoài.
Như đã nói ở trên, Hội An
là một thương cảng trù phú, những thương nhân đến buôn bán hay tỵ nạn chủ yếu
là người Hoa và một số người trong đó đã ở lại an cư lạc nghiệp tại đây. Người
Trung Hoa có tín ngưỡng rất cao, họ đi đến đâu cũng dựng miếu, xây đền, thế nên các ngôi chùa ở Hội An bị
ảnh hưởng tín ngưỡng của họ khá nhiều.
Phật
giáo là tôn giáo của sự hòa bình, bình đẳng, nên dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào,
Phật giáo cũng dung hòa để phù hợp với nơi đó. Thế nên các vị Tổ sư đã phương
tiện cho dựng miếu tại trong chùa để dung hòa tín ngưỡng và tập quán của họ, vì
vậy phần lớn những ngôi chùa ở Hội An đều lập miếu thờ thần thánh của Trung
Hoa.
Chùa
Phước Lâm
là ngôi chùa thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, có tuổi đời gần 300 năm, được
tổ Thiệt Dinh - Chánh Hiển - Ân Triêm khai sáng vào thế kỷ XVIII[3]. Tổ Ân Triêm là người Quảng Nam
nhưng là đệ tử nối pháp của Tổ sư Minh Hải - Pháp Bảo người Trung Hoa, do đó
chùa Phước Lâm có sự dung hòa giữa Hoa - Việt, từ phong cách kiến trúc lẫn hệ
thống bài trí tượng thờ.
Tại chùa Phước Lâm, ngoài cách bài trí các tôn tượng phổ
biến như Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Văn Thù, Phổ Hiền, A Nan, A
Diếp, 18 vị A La Hán…, thì tại nhà Hậu tẩm có tôn trí tượng các vị thần thánh
như: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu có nguồn gốc truyền thuyết từ miền Bắc Việt
Nam; Thập điện Diêm Vương ở Hậu tẩm và miếu ngũ hành dựng ngoài khuôn viên chùa
mang màu sắc tín ngưỡng thờ tự của Trung Hoa. Sau đây là một số tượng thần đang
được bài trí tại tổ đình Phước Lâm:
- Tượng Ngọc
Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu
“Nhóm các Thần
gồm Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các Thần là quan phò trợ chốn Thiên đình là Phán
Quan, Bắc Đẩu, Nam Tào. Đây là vị thần tối cao và các quan phò trợ cai quản tất
cả các cõi trong trời đất đã ăn sâu vào trong tiềm thức tín ngưỡng dân gian
Việt Nam, và việc thờ Ngọc Hoàng cùng các quan thần phụ tá đã rất phổ biến
trong các ngôi chùa ở các địa phương khác”.
Theo như truyền thuyết dân gian thì Nam Tào và Bắc Đẩu
vốn là những người phàm trần và cũng là hai anh em sinh đôi trong một gia đình
nghèo. Bấy giờ người mẹ đã già và mang thai 69 tháng rồi sinh ra hai cục thịt
không có đầu và tay chân. Bà hoảng sợ định bỏ đi nhưng do tình mẫu tử thiêng
liêng nên đã đem chúng cất ở xó nhà. Bỗng nhiên sau 100 ngày, hai cục thịt này
biến thành hai chàng trai cao to, khoẻ mạnh và thông minh. Do có khả năng ghi
nhớ được tất cả mọi việc xảy ra ở trên đời nên được Ngọc Hoàng gọi lên thiên
đình để ghi chép lại thiên mệnh của từng người dưới trần gian từ khi sinh ra
cho tới khi qua đời; đồng thời còn có thể quy định về số kiếp giàu sang, nghèo
hèn, lành dữ, của con người và kiếp đầu thai của người và loài vật.
Nam Tào, Bắc Đẩu làm việc cho Ngọc Hoàng
nên thường đứng hai bên trái phải, là cánh tay đắc lực của Ngọc Hoàng, do đó
khi khắc tượng thì Nam Tào được đặt ở bên trái ghi sổ sinh (phía Nam) còn Bắc
Đẩu đặt ở bên phải ghi sổ tử (phía Bắc), và hiển nhiên Ngọc Hoàng sẽ đặt ở giữa
hai vị này. Dân gian rất chú trọng về sự sinh và tử, nên hai vị ghi chép sinh
tử này giống như vị thần sinh mạng của con người, thế nên rất được người dân
tôn thờ, kính trọng, nhất là ở miền Bắc. Khi người dân di cư vào vùng đất nào
thì sẽ mang theo tín ngưỡng của mình theo, nên việc thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào,
Bắc Đẩu cũng được các nhà sư tùy duyên đưa vào thờ tại chùa để phù hợp với tín
ngưỡng của vùng miền đó. Đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, tổ đình Phước
Lâm cũng thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào-Bắc Đẩu tại nhà Hậu tẩm sau chính điện.
- Tượng Thập
điện Diêm Vương
Tên gọi Diêm La vốn là thần Dạ-ma mang ý
nghĩa là tử thần hoặc vị vua cai quản cõi âm phủ ở thời Vệ-đà Ấn Độ. Về sau, hình tượng
Diêm La dung hợp với tư tưởng Tam đồ của Phật giáo, và khi truyền vào Trung
Quốc đã kết hợp với tín ngưỡng Đạo giáo, sản sinh ra thuyết Thập điện Diêm Vương.
Từ đó, nguồn gốc và hình thức của Thập điện Diêm Vương đã thay đổi theo quan
niệm của người Trung Quốc cổ đại
Theo quan niệm của người Trung Quốc, “Âm phủ có 10 điện, đứng đầu mỗi điện là một
vị Minh vương đảm nhận việc xét công định tội theo từng tội danh và thưởng phạt
theo trách vụ được xác định có phần cụ thể và rành mạch”.
Quan niệm về việc phán xét tội phước, trừng trị kẻ gian ác phù hợp với tư tưởng
dân gian “gieo gió gặt bão”, “ở hiền gặp lành” hay thuyết “nhân quả” trong đạo Phật. Mặc dù “Tín ngưỡng Diêm La Thập điện tuy là sự hỗn
hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Trung quốc, nhưng từ xưa
đến nay nó đã bắt rễ sâu trong dân gian, và ngoài đạo lý nhân quả luân hồi,
thiện ác báo ứng của Phật giáo ra, tín ngưỡng này cũng có công dụng giúp phát
huy thêm việc cảnh tỉnh người đời bỏ ác làm thiện”.
Với mong muốn khuyên răn người đời lấy
đó làm gương, sống hướng thiện, có đạo đức hơn, nên chư Tổ đã phương tiện thờ Thập
điện Diêm Vương tại chùa và tổ đình Phước Lâm cũng không ngoài mục đích đó. Thập
điện Diêm Vương được tôn trí tại Hậu tẩm phía sau chính điện của chùa.
-
Miếu Ngũ hành tiên nương
Ngũ hành tiên nương là một
trong những tín ngưỡng dân gian Việt
Nam nhưng lại có nguồn gốc từ Trung Hoa, là năm vị thần tượng trưng cho
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Người Hoa cho rằng âm dương hòa hợp từ không gian vũ
trụ, từ cuộc sống và trong cơ thể mỗi con người; chúng vận hành tương sinh theo
thứ tự cố định, nếu không hòa hợp thì sinh ra mọi trở ngại trong cuộc sống như
thiên tai, bệnh tật…. Vì vậy, thờ âm dương ngũ hành là mong cầu quân bình về tự
nhiên như mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an, thân tâm an lạc. Do đó các ngôi
chùa ở Hội An dựng miếu Ngũ hành là để đáp ứng tính ngưỡng của người dân. Các ngôi miếu Ngũ hành tại tổ
đình Phước Lâm được xây dựng với quy mô nhỏ, thường là một gian, mái lợp ngói
âm dương, hướng mặt tiền quay theo hướng chùa. “Việc thờ Ngũ hành, Lục vị (gồm các vị Ngũ hành tiên nương và Thiên Y A
Na) tại các chùa đều có miếu riêng trong khuôn viên chùa. Điều này tạo nên suy
nghĩ rằng ở Hội An mặc dù có sự du nhập, kết hợp Tam giáo đồng nguyên nhưng vẫn
có một sự phân biệt rõ và yếu tố Phật giáo vẫn là chính, chủ đạo trong các cổ
tự”.
Miếu
Ngũ hành cũng có thể được xem là nét đặc trưng văn hóa của miền Trung và niềm
Nam Việt Nam, đặc biệt tại Hội An dường như phổ biến, bởi lẽ nơi có sự giao
thoa với tín ngưỡng Việt - Chăm mạnh mẽ, vì người Chăm theo chế độ mẫu hệ, việc
thờ Bà Chúa Tiên rất được họ coi trọng.
Ðể chính
thống hóa tục thờ Bà Ngũ hành trong nhân gian, “năm Duy Tân thứ 5 (tức năm 1911), triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong
chung cho năm Bà là Ðức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Ðẳng
Thần. Ðồng thời phân ra: Thổ Ðức Thánh Phi Tặng Hoằng Ðại Hậu Trung Ðẳng Thần,
Hỏa Ðức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung Ðẳng Thần, Kim Ðức Thánh
Phi Tặng Chiếu Hiền Hậu Ứng Trung Ðẳng Thần, Thủy Ðức Thánh Phi Tôn Thần Gia
Tặng Ôn Hậu Quang Trung và Mộc Ðức Thánh Phi Tặng Thanh Tú Khởi Trực Trung Ðẳng
Thần”.
Phật giáo với tính chất dung hòa nên đã nhanh chóng tiếp
thu những giá trị văn hóa dân tộc cũng như những tín ngưỡng tôn giáo khác. Tuy
nhiên, Phật giáo chỉ phương tiện để hòa nhập chứ không bị hòa tan nên không làm
mất đi nét đặc trưng vốn có của mình.
Chùa Phước Lâm ở Hội An có sự kết hợp hài hòa giữa Phật
giáo với tư tưởng văn hóa phương Đông và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Việc
phối thờ thần thánh trong tự việc nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhiều
tầng lớp dân cư khác nhau. Tại Hội An, dựng miếu thờ Mẫu, thờ thần là hình thức
khá phổ biến, và tổ đình Phước Lâm cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, việc phối
thờ thần thánh tại tổ đình Phước Lâm được tách biệt rõ ràng: việc thờ Phật vẫn
phải là trung tâm chủ đạo, còn thờ thần thánh được giới hạn nơi một không gian nhỏ
trong chùa.
Thư mục tham
khảo
1.
Thích Đồng Bổn - PGS.TS. Chu Văn Tuấn đồng chủ biên (2021), Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh - Lịch sử hình thành
và phát triển, NXB.Hồng Đức, TP.HCM.
2. Nguyễn Hạnh (2019), Văn hóa tín ngưỡng
Việt Nam, NXB Trẻ.
Chùa Phước
Lâm, tọa lạc tại phường Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chùa được triều Nguyễn sắc tứ vào năm
Duy Tân thứ 4 (1912) và được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia năm
1991.