Tìm được năm viên tịch của Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc

timduoc

Tìm được năm viên tịch của Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc

 Hậu Học Đồng Dưỡng

Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 35. Ngài là vị cao tăng của Phật giáo Gia Định, là người xiển dương hưng thịnh Thiền phái Lâm Tế dòng Nguyên Thiều Thọ Tông. Ngài xuất thân tu học tại chùa Phổ Bảo với Hòa thượng Thành Đẳng Nguyệt Ân. Sau này theo đoàn di dân vào Nam, Ngài đến thôn Hòa Hưng sáng lập chùa Từ Ân làm nơi hành đạo. Đây là tổ đình chính của dòng Quốc Ân tại Nam Bộ. Tiếc thay, quân Pháp đánh thành Gia Định thì chùa Từ Ân bị phá bỏ. Sau này, chùa di dời đến vị trí hiện nay, tọa lạc tại số 23 đường Tân Hóa, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Tháp của Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc sau đó được cải táng về tổ đình Giác Lâm, ngôi tháp nằm sát bờ rào chùa, bên phía đường Lạc Long Quân.

Trước đây, có một số nhà nghiên cứu khảo về hành trạng Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc cũng như chùa sắc tứ Từ Ân. Nguyễn Hiền Đức trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong tập II có nghiên cứu về Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc (1725-1821) với chùa sắc tứ Từ Ân và chùa Quốc Ân Khải Tường. Tác giả dựa vào “Tài liệu ở chùa Đại Giác có cho biết: Thiền sư Phật Ý tịch năm Tân Tỵ (1821), thọ 97 tuổi, như vậy là sinh năm Ất Tỵ (1725)[1]. Ý kiến này được nhiều người đồng tình, và cho niên đại về Hòa thượng Phật Ý là có căn cứ. Thực tế khi khảo sát về chùa Đại Giác, kiểm tra long vị chư Tổ, nhận ra chùa có lập long vị thờ Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc với lòng văn như sau: “Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế thượng Linh hạ Nhạc húy Phật Ý Hòa thượng…”. Long vị vừa mới sơn thếp, không thấy ghi năm viên tịch cùng tuổi thọ của Hòa thượng Phật Ý. Có thể do sơn che lấp phần lạc khoản chăng? Hay tác giả Nguyễn Hiền Đức tiếp cận từ một nguồn tư liệu khác. Ông không nói mình căn cứ vào tư liệu nào.

Chùa Sắc tứ Từ Ân nơi Hòa thượng sáng lập, long vị chỉ khắc: “Sáng tạo Từ Ân tự Lâm Tế chính tông tam thập ngũ thế húy Phật Ý thượng Linh hạ Nhạc lão Hòa thượng giác linh nghê tọa”. Long vị cho biết, Hòa thượng Phật Ý chính là người sáng tạo chùa Từ Ân (創造慈恩寺), tức là vị Tổ khai lập hoặc khai sơn ngôi chùa. Từ vùng Nam Trung Bộ trở vào Nam, các chùa thường sử dụng từ “sáng tạo” hoặc “sáng kiến”, “kiến lập” thay từ “khai sơn”. Long vị không có lạc khoản niên đại năm sinh, năm tịch cùng thọ thế (tuổi thọ).

Chùa Giác Lâm có lập bài vị nhỏ, bằng bài vị của Hòa thượng Thành Đẳng Nguyệt Ân và Minh Khiêm Hoằng Ân. Lòng bài vị ghi “Tế Thượng chính tông tam thập ngũ thế thượng Phật hạ Ý húy Nhạc công Hòa thượng”. Thường long vị các Tổ đều đề Lâm Tế chính tông; chưa rõ lý do tại sao chùa Giác Lâm lập bia và bài vị cho Hòa thượng Linh Nhạc lại ghi Tế Thượng chính tông. Tế Thượng chính tông mà đầu thế kỷ XIX Phật giáo Nam Bộ cho là dòng thiền Liễu Quán, là dòng Tế Thượng.

Mới đây, đoàn chúng tôi đến sưu tầm tư liệu tại các ngôi chùa ở huyện Hóc Môn[2]. Được Đại đức Thích Trung Tín hướng dẫn, chúng tôi tiếp cận được tư liệu chùa Thiền Lâm. Tư liệu Hán Nôm của chùa gồm các liễu đối hoành phi, long vị cùng văn chung. Phía trước chánh điện còn treo một quả chuông niên đại đúc năm Cảnh Hưng thứ 23, do Đại sư Trí Đăng thực hiện, là một cổ vật quý của Phật giáo Nam Bộ. Phía nhà sau còn có bức hoành “Từ Ân Thiền Lâm tự” niên đại Giáp Ngọ, lại có câu đối do Đại sư Quảng Thông (?-1859) chùa Từ Ân cẩn tạo. Điều đó cho thấy chùa Thiền Lâm và chùa Sắc tứ Từ Ân có quan hệ.

Trên bàn Tổ phụng thờ nhiều long vị, bài vị chư Tổ. Có hai khung thờ, ghép ba hoặc nhiều khung trong của lòng long vị[3], khắc danh hiệu nhiều vị Tổ nổi tiếng. Đáng chú ý là khung thờ nằm phía phải, với ba lòng văn khắc tôn hiệu, đời pháp cùng thời gian viên tịch của ba vị Tổ. Bài vị giữa thờ Hòa thượng Thành Đẳng Nguyệt Ân, lão tổ Hòa thượng. Bài vị bên trái thờ Hòa thượng Phật Khoan Đức Sơn. Bài vị bên phải chính là bài vị thờ Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc. Cả ba bài vị đều khắc thời gian viên tịch của ba vị Tổ. Kiểm chứng thời gian viên tịch của Hòa thượng Thành Đẳng Nguyệt Ân, so sánh với bài vị thờ tại chùa Thập Tháp thì thấy như nhau. Điều đó cho biết, việc khắc thêm thời gian viên tịch có độ chuẩn xác, có căn cứ rõ ràng.

Bài vị Hòa thượng Phật Ý có đường viền ngoài, bên trong khắc hoa văn chữ T liên hồi. Phần trên và dưới của hàng chữ Hán có khắc hoa văn trang trí. Bài vị sơn son thếp vàng, dòng giữa khắc chữ Hán lớn, hai bên có ghi thời gian viên tịch, chữ Hán nhỏ. Chữ khắc theo lối Khải thư, dòng giữa các chữ khắc gần sát nhau. Xin cung lục như sau:

嗣臨濟正宗三十五世上靈下岳諱佛意老祖和尚覺靈。

寂於辛酉年十一月十二日戌時去。

Tạm dịch:

Giác linh lão tổ Hòa thượng húy Phật Ý [hiệu] Linh Nhạc nối đời 35 dòng Lâm Tế chính tông.

Viên tịch giờ Tuất ngày 12 tháng 11 năm Tân Dậu.

Lạc khoản hai bên nối kết lại thì đó là thời gian viên tịch của Hòa thượng Phật Ý. Chúng tôi xem khá kỹ can chi, sợ đọc nhầm. Đúng là năm Tân Dậu, chứ không phải năm Tân Tỵ như Nguyễn Hiền Đức trích dẫn từ tư liệu chùa Đại Giác (Biên Hòa). Có thể đọc nhầm chữ Dậu sang chữ Tỵ chăng? Chúng ta biết Hòa thượng bổn sư của ngài Phật Ý Linh Nhạc là Tổ sư Thành Đẳng Nguyệt Ân niên đại 1680-1769, thì ngài tịch năm Tân Dậu phải là năm 1801. Ngày 12 tháng 11 thì vẫn còn nằm trong năm 1801.

Để kiểm chứng việc đổi sang năm dương lịch cho có cơ sở, chúng tôi xin đưa ra năm tịch của các vị đệ tử của ngài. Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng tịch năm Ất Dậu (1825)[4], Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang tịch năm Đinh Hợi (1827). Như vậy, ngài tịch năm Tân Dậu (1801) là tương ứng.

Khi chúng ta biết rõ năm viên tịch của Hòa thượng Phật Ý, từ đó phải xem lại việc sáng tạo chùa Từ Ân. Ngài tịch năm 1801 thì chùa Từ Ân phải có trước đó khá lâu. Sách Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Gia Định cho biết: “Chùa Từ Ân ở thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương, quy chế rộng đẹp, cảnh trí u nhã, dựng từ năm Gia Long thứ nhất, tên là chùa Từ Ân. Hiếu Khương hoàng hậu cho chữ son làm chùa công; năm Minh Mệnh thứ hai cho tên là “chùa Sắc tứ Từ Ân” và cấp cho tự phu[5]. Sách cho chùa xây năm 1802 và được hoàng hậu Hiếu Khương xin làm chùa công. Ta ngờ đó là năm trùng tu chùa, chứ không phải là năm lập chùa. Ngài Phật Ý viên tịch, đệ tử Thiệt Thành Liễu Đạt kế thừa trụ trì. Theo Sự tích tiết yếu, quyển trung: “Thái mẫu hoàng triều, hoàng cô và cung nhân quy y đạo Phật, lễ Hòa thượng Tổ Thành chùa Từ Ân làm bổn sư, hiệu là Hòa thượng Liên Hoa[6]. Thái mẫu đây chính là mẹ vua Gia Long, tức hoàng hậu Hiếu Khương, hoàng cô là công chúa Long Thành. Khi ngài Thiệt Thành Liễu Đạt trụ trì, các vị trên ủng hộ cho ngài xây dựng lại chùa Từ Ân. Mãi đến năm Minh Mạng thứ hai (1821) chùa Từ Ân mới được ban biển sắc tứ[7].

Khác với những thế hệ đi trước, cho Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc xuất gia tu học tại chùa Đại Giác với Hòa thượng Thành Đẳng Nguyệt Ân. Chúng tôi lập luận rằng, Hòa thượng Thành Đẳng Nguyệt Ân hành đạo tại chùa Phổ Bảo thuộc tỉnh Bình Định[8]. Chùa Đại Giác do Hòa thượng Thiệt Truyền Giác Liễu trụ trì và có thể là vị Tổ khai sáng chùa. Nay vẫn còn tháp và long vị phụng thờ tại chùa Đại Giác (Biên Hòa). Sau khi Hòa thượng Thiệt Truyền Giác Liễu viên tịch, Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng mới được bổ vào trụ trì. Nhiều người thấy chùa Đại Giác thờ Hòa thượng Thành Đẳng Nguyệt Ân thì cho chùa do ngài khai sơn hoặc trụ trì. Điều này cần nghiên cứu tiếp.

 Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc xuất gia tu học tại Phổ Bảo tự. Ngài vào Gia Định khi nào hiện vẫn không thấy tư liệu nào ghi chép, các tư liệu sau này cho ngài vào Gia Định khá sớm. Theo chúng tôi, có hai mốc thời gian mà các thiền sư cùng thế hệ với Hòa thượng Phật Ý vào hành đạo tại Gia Định. Đó là khoảng giữa thế kỷ XVIII, qua các ấn bản kinh sách. Chư Tăng phủ Gia Định khá đông nên việc tụng đọc và học tập kinh sách được chú trọng. Các vị Hòa thượng ở các chùa lớn đã đứng khắc in các kinh như Tam thiên Phật danh khắc in năm Nhâm Ngọ (1762), bởi Đại sư Thiệt Tĩnh chùa Sắc tứ Hoa Nghiêm ở xã Tân Phú Lâm; Pháp Hoa khoa chú khắc bản năm Nhâm Ngọ (1763) Cảnh Hưng 23 bởi Hòa thượng Tế Chơn Đạt Bản; Long Thư tịnh độ văn khắc bản năm Mậu Tý (1768) Cảnh Hưng 29 bởi Đại sư Phật Nghĩa Chiếu Nguyệt ở Bảo Thọ đường (Tân Bình), Tì-ni nhật dụng thiết yếu khắc in năm Tân Mão  (1771) bởi Thích Phật Trí chùa Chúc Thọ (phủ Gia Định). Những vị sư trên, một xuất thân tu học tại Gia Định, hai từ miền Trung vào hành đạo như Hòa thượng Tế Chơn Đạt Bổn từ phủ Quy Nhơn. Nếu như ngài Phật Ý vào Gia Định sớm, theo chúng tôi cũng sau năm Mậu Dần (1758), năm Hòa thượng Đạt Bổn vào Nam du hóa[9]. Đệ tử của ngài là Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng, theo Đại Nam nhất thống chí, người Phù Cát, Bình Định. Điều đó cho thấy, thầy trò họ gốc từ xứ Nẫu vào Nam.

Thứ hai, khi phong trào Tây Sơn nổ ra tại Bình Định, rồi lan rộng ra các địa phương, chiến tranh ly loạn, nhiều chùa tại miền Trung bị tàn phá nặng. Nhiều vị thiền sư đã lánh nạn vào Nam để tiếp tục hành đạo. Phủ Gia Định, sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại và ổn định thì các chùa mới được kiến lập. Do vậy, hai mốc thời gian trên cũng không xa, nên có thể Hòa thượng Phật Ý đi vào Nam du hóa cũng nằm theo trục thời gian đã đề cập, chứ không sớm hơn. Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Gia Định, mục Tự quán ghi chép một số chùa ở Gia Định, trong đó có ghi về chùa Hưng Long do Hòa thượng Phước An lập năm 1794, thì chùa Từ Ân cũng được lập khoảng thời gian trên hoặc có thể sớm hơn.

Sinh tiền, Hòa thượng Linh Nhạc được cung thỉnh chứng minh cho việc đúc chuông chùa Sắc tứ Tập Phước[10]. Minh chung chùa Sắc tứ Tập Phước có khắc 6 hàng chữ Hán, nét chữ mỏng, hơi mờ. Hàng đầu và hàng thứ năm viết đài lên một chữ. Xin cung lục:

正營內院芳葹司隊長官阮宗法名先知,室中黎氏兩法名先直願鑄大洪鐘,供在勅賜集福寺。天長本師,靈岳和尚証明。

Tạm dịch: Chính dinh nội viện Phương Thí ty, đội trưởng quan Nguyễn Tông pháp danh Tiên Tri, vợ Lê Thị Lưỡng pháp danh Tiên Trực mong đúc chuông đại hồng cúng tại chùa Sắc tứ Tập Phước. Bổn sư Thiên Trường, Hòa thượng Linh Nhạc chứng minh.

Kiểm tra các ô thì không thấy chuông khắc niên đại. Đây là một điều đáng tiếc khi khảo về quả chuông cũng như nhân vật xuất hiện trên thân chuông. Nhờ phát hiện năm viên tịch của Hòa thượng Linh Nhạc mà biết chuông đúc trước năm 1801. Thiên Trường bổn sư tức vị thầy của hai vị cư sĩ. Long vị chùa Sắc tứ Tập Phước ghi, Thiên Trường là đạo hiệu của Hòa thượng Tổ Nhân, thuộc Thiền phái Lâm Tế đời 36. Quan hệ giữa Linh Nhạc và Thiên Trường như thế nào mà sư cung thỉnh Hòa thượng chứng minh? Thiên Trường là đệ tử đắc pháp của Hòa thượng Linh Nhạc mà nhiều người tán đồng. Thiên Trường còn có thêm pháp danh nữa là Pháp Nhân, thuộc kệ phái Chúc Thánh. Long vị ghi ngài tịch ngày 11 tháng 5 mà không đề năm[11].

Sử liệu về Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc chỉ mới biết đến một vài thông tin. Căn cứ các pháp quyển truyền thừa, ngài có nhiều đệ tử nổi tiếng như Tổ Ấn Mật Hoằng trụ trì chùa Thiên Mụ, Tổ Tông Viên Quang trụ trì chùa Giác Lâm, Tổ Thành Trí Ấn (còn gọi là Thiệt Thành Liễu Đạt) kế thừa trụ trì chùa Từ Ân, Tổ Chứng Phước Quả[12], Tổ Đạt Trí Tâm trụ trì chùa Long Thạnh, Tổ Nhân Thiên Trường trụ trì chùa Sắc tứ Tập Phước. Hiện nay, chùa Giác Lâm được xem là tổ đình chính của dòng Nguyên Thiều Thọ Tông tại miền Nam, với nhiều chi nhánh phát triển khắp Nam Kỳ lục tỉnh, mà vị Tổ đặt nền mỏng cho tông giáo tại Gia Định không ai khác chính là Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc.

                                                          Hoài cổ lâu, 6 tháng 11 năm 2023.


 

[1] Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập 2, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, tr.267.

[2] Đoàn gồm có Đại đức Thích Đồng Dưỡng, Thích Trung Tín, Thích Minh Trí, cư sĩ Huyền đến khảo sát, chụp hình các chùa cổ ở huyện Hóc Môn. Nhờ Đại đức Trung Tín, chùa Long Quang đưa đoàn đến nhiều địa điểm. Nhân đây, xin tri ân Thượng ta Thích Chơn Trí, Đại đức Thích Trung Tín.

[3] Có thể long vị bi hư nên xưa chỉ lấy khung giữa khắc lòng văn của long vị. Các khung đó được ghép với nhau bởi một đế khung hình. Một kiểu lạ mà đầu tiên chúng tôi tiếp cận.

[4] Căn cứ theo long vị thờ Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng tại chùa Bửu Lâm, Tiền Giang.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập V (bản dịch của Viện Sử học), NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.227.

[6] Sự tích tiết yếu, quyển trung, tờ 3a.

[7] Hiện nay, chùa Từ Ân còn biển sắc tứ, được lập năm Minh mạng thứ 3 (1824), do hoàng đệ Thường Tín Công chế tạo hiến cúng cho chùa.

[8] Tham khảo bài Sử liệu về Hòa thượng Minh Lượng Nguyệt Ân (1680-1769) của chúng tôi chưa công bố.

[9] Theo lời kể của Hòa thượng Đạt Bổn trong bài tựa Pháp hoa khoa chú do chính ngài soạn. Nói chung, theo đà Nam tiến, chư sư gốc Bình Định vào Gia Định khá đông. Trong đó có Hòa Thượng Phật Ý Linh Nhạc, Phật Tĩnh Từ Nghiêm…

[10] Chùa Sắc tứ Tập Phước tọa lạc 233 Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thành, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là ngôi chùa được ban biển sắc tứ khá sớm tại Gia Định, là tổ đình của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh với các vị Hòa thượng trụ trì nổi tiếng như Tổ Nhân Thiên Trường, Toàn Tánh Chánh Đắc, Chương Tâm Phước Thường, Ấn Thập Huệ Thành…

[11] Lòng long vị ghi: “Sắc tứ Tập Phước đường thượng, tam thập lục thế húy Tổ Nhân thượng Thiên hạ Trường Đại lão Hòa thượng tọa vị. Ngũ nguyệt thập nhất nhật khứ”.

[12] Lần đầu phát hiện long vị Hòa thượng Tổ Chứng Phước Quả mà long vị ghi “Long Thạnh đường thượng” tức vị trụ trì chùa Long Thạnh. Long vị thờ tại chùa Thiền Lâm, Hóc Môn. Chùa Thiền Lâm thờ long vị nhiều vị tổ của chùa sắc tứ Từ Ân, Giác Lâm và Long Thạnh. Điều đó cho thấy, xưa chùa Thiền Lâm có quan hệ tông môn với các tổ đình trên.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác