Thổi tan mây mù
thoi tan may mu
thổi tan mây mù
Nhiều năm trước, tôi có dịch một quyển sách viết về thiền tập của bà Sylvia Boorstein. Quyển sách có một tựa đề rất thú vị là “Don’t just do something, sit there”, đừng chỉ làm một cái gì đó, hãy ngồi yên.
Trong một buổi ra mắt sách của bà Boorstein, người phỏng vấn đặt
câu hỏi, “Tôi thì bao giờ cũng nói với thính giả của tôi rằng, nếu như
chúng ta muốn có một sự đổi thay nào đó cho chính mình, hay cho xả hội,
thì mình phải tích cực làm một cái gì đó. Còn bà thì lại nói rằng "đừng chỉ làm một cái gì đó, hãy ngồi yên". Bà nói vậy nghĩa là sao?”
Bà Boorstein đáp, “Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Đúng vậy, mỗi chúng ta
đều có bổn phận phải sửa đổi và hành động, khi ta thấy có việc gì đó
cần phải làm. Tôi chỉ muốn nói là ta cũng cần có một sự yên tĩnh, với
thời gian, để thấy rõ được những gì mình thật sự cần phải làm. Và điều ấy có một giá trị rất lớn.”
Chỉ cần ta đừng đóng góp thêm nữa.
Tôi nghĩ, vấn đề không phải là ta làm hay không nên làm gì
hết, mà là ta phải thấy rõ mình đang làm gì. Làm với một cái thấy trong
sáng và bao dung, hay làm theo sự thúc đẩy của những ưa thích, ghét bỏ
của tập quán và thói quen.
Và nhiều khi tuy bên ngoài người ta có vẽ như ngồi yên, nhưng
trong tâm mình thì đang “làm” đủ thứ chuyện hết: phiền muộn, lo toan,
buồn giận, mong cầu… Bạn biết không, theo luật nhân quả, karma,
thì cái tác ý đứng sau hành động mới là yếu tố chánh quyết định cho sự
tốt, xấu của hạt giống ta gieo trồng trong hành động ấy.
Thật ra, ngồi yên không phải là một hình tướng ở bên ngoài, mà là một thái độ bên trong,
một sự tĩnh lặng và trong sáng, thấy rõ được những gì đang thật sự xảy
ra. Và vì đó là một thái độ trong tâm, nên có khi tuy ta đang làm mọi
chuyện mà mình vẫn có thể “ngồi yên”. Ta vẫn có thể ngồi yên được trong
khi mình đang bước đi, trong khi ta hành xử và tiếp xúc với cuộc đời.
Có lần tôi đọc được câu này, Sometimes, the easiest way to solve a problem is to stop participating in the problem. Đôi
khi, cách hay nhất để giải quyết một vấn đề là thôi đừng tiếp tục đóng
góp vào vấn đề ấy nữa. Câu ấy cũng hay phải không bạn, trong cuộc đời
có nhiều lúc vấn đề có mặt cũng một phần là do sự đóng góp vô ý thức
của mình.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta cứ buông xuôi, tránh né hoặc không
làm gì hết, mà nó chỉ có nghĩa là ta đừng tiếp tục đóng góp, tạo thêm
năng lượng cho vấn đề ấy nữa thôi. Cũng như với một chảo dầu đang sôi,
nếu như ta muốn cho nó bớt sôi thì cách hay nhất, và trước tiên hết, là
bớt bỏ thêm củi lữa vào. Nhiều khi, nhờ không làm gì hết mà vấn đề tự
nó lại được chuyển hóa.
Thổi tan mây mù
Thật
ra, ta cũng không cần phải làm gì mới có thể có được cái bản chất thanh
tịnh ấy - vì nó là bản tánh tự nhiên của ta. Dẫu ta có thể không hề
biết đến nó, nhưng chân tánh ấy vẫn không bao giờ bị mất đi hay lu mờ
một chút nào hết.
Mà nhiều khi nhờ có những khổ đau, những khó khăn, sóng gió trong cuộc
sống, chúng giúp ta buông bỏ đi những nỗ lực, cố gắng của bản ngã muốn “làm một cái gì đó”, và biết thật sự “ngồi yên” lại để thấy được sự trong sáng ấy trong ta,
Cánh đồng trời
Nếu không có gió
Thổi tan mây mù
Thì trăng đâu thể
Vượt triền núi cao
Kikigakishu, Nhật Chiêu dịch
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên