Sơ lược về cuộc đời Tôn giả Cūḷapanthaka

so luoc

 

Sơ lược về cuộc đời Tôn giả Cūḷapanthaka

 

Trong suốt cuộc đời hành đạo của mình, Đức Phật có nhiều vị đệ tử ưu tú, chứng Thánh quả A-la-hán. Tuy nhiên, mỗi vị lại có những sở đắc khác nhau. Trong số những vị Thánh đệ tử xuất gia, Tôn giả Cūḷapanthaka là người được Đức Thế Tôn nói trước đại chúng là có thần thông hóa thân đệ nhất.

Theo Tiểu bộ III, cuộc đời của Tôn giả Cūḷapanthaka được thuật như sau: Anh trai của Cūḷapanthaka là Mahāpanthaka (đại lữ khách). Mẹ ông là con gái của một gia đình Bà-la-môn giàu có. Cha ông là người giúp việc trong nhà, rất siêng năng. Hai người đem lòng yêu nhau. Nhưng do chế độ đẳng cấp nặng nề, không môn đăng hộ đối nên hai người phải trốn đến một xứ khác mà không ai biết tới. Khi bà mang thai đứa con đầu tiên, theo phong tục, bà yêu cầu chồng đưa về nhà cha mẹ mình, nhưng vì sợ nên người chồng cứ hẹn hết ngày này qua ngày khác, cho đến khi sắp tới ngày sinh hai người mới lên đường. Đi được nửa đường, bà sinh đứa con đầu, theo đó đặt tên là Panthaka (lữ khách); vì đã sinh nên hai người quay về lại nhà. Đến khi bà mang thai đứa con thứ hai, tình huống cũng lặp lại như vậy, và đứa con thứ hai được đặt tên là Cūḷapanthaka (tiểu lữ khách).

Cuộc sống diễn ra bình thường cho đến khi mất mùa, đói kém, thiên tai ập đến. Hai vợ chồng nghèo túng, không còn đủ sức để nuôi hai con. Do đó họ dẫn hai con về nhà ngoại, gửi lại hai đứa con cho ông ngoại nuôi còn hai người đi đâu không còn ai biết. Ông ngoại rất giận con mình, nhưng vì thương cháu nên dành hết tình yêu thương cho hai đứa cháu nhỏ. Người anh thường được ông ngoại dẫn đi nghe pháp, và ông đã chấp nhận cho Mahāpanthaka xuất gia khi cậu xin phép ông. “Này cháu thân, cháu nói gì vậy? Ôi! Ta sẽ vô cùng vui sướng được thấy cháu xuất gia, còn hơn là thấy toàn thế giới xuất gia! Này cháu thân, nếu có thể được, hãy xuất gia.”[1] Người anh tu tập rất tinh tấn và thành tựu quả vị A-la-hán. Nhân duyên đưa đến việc xuất gia của Tôn giả Cūḷapanthaka cũng nhờ người anh của mình. Từ kinh nghiệm bản thân, Tôn giả Mahāpanthaka nghĩ rằng sẽ tốt hơn cho em mình nếu được an trú trong đời sống giải thoát.

“Rồi người anh đi đến gọi ông ngoại triệu phú và nói: - Nếu ông ngoại chấp thuận, con sẽ làm lễ xuất gia cho Cūḷapanthaka.

- Thưa Tôn giả, hãy làm lễ xuất gia cho nó.

Trưởng lão làm lễ xuất gia cho Cūḷapanthaka và cho thọ mười giới”[2].

Tuy nhiên, người em không lanh lẹ, thông minh như anh mình, nguyên nhân do ông trong quá khứ đã chê cười một vị Tỷ-kheo đọc kinh: “Trong thời Ðức Phật Kassapa, Cūḷapanthaka xuất gia, có trí tuệ, đã cười khinh bỉ một Tỷ-kheo ám độn đang học thuộc lòng một đoạn kinh. Tỷ-kheo ấy hổ thẹn vì bị khinh bỉ đến nổi không thể nhớ và đọc lên đoạn kinh ấy. Do kết quả nghiệp ấy, Cūḷapanthaka trở thành ám độn, những câu vị ấy mới học làm vị ấy quên đi những câu đã học trước”[3]. Do vì nghiệp đời này mà ông trở nên ám độn, ngay cả tụng một bài kệ trong bốn tháng cũng không thuộc. Bại kệ ấy là:

“Như bông sen thơm dịu,

Vào rạng đông buổi sáng,

Hoa được nở toàn diện

Với mùi hương bát ngát.

Nhìn Ðức Phật chói sáng

Với hào quang chiếu diện,

Như mặt trời rực sáng

Trên bầu trời quang đãng”.[4]

Trong khi người anh tu hành rất tốt nên được giao nhiệm vụ phát thẻ để nhận sự cúng dường của thí chủ, thì Cūḷapanthaka ám độn, học mãi không thuộc. Một hôm Mahāpanthaka nói với em: “Này Panthaka, em không có khả năng trong Giáo pháp này. Bốn tháng trôi qua, em không thể học thuộc lòng một câu kệ, làm sao em có thể đạt được sự nghiệp tối thượng của người xuất gia? Hãy đi ra khỏi tinh xá”.[5] Mặc dù bị người anh đuổi về nhiều lần, các Tỷ-kheo đồng môn ai ai cũng chê cười, thậm chí ngay cả anh mình cũng không phát thẻ cho, Cūḷapanthaka vẫn tha thiết với giáo lý Phật-đà, không muốn quay về.

Một hôm, y sĩ Jivaka thỉnh chư Tăng thọ thực, nhưng ông vẫn không được người anh phát thẻ. “Này cư sĩ, Cūḷapanthaka là kẻ ám độn, không thể lớn mạnh trong Giáo pháp. Tôi chấp nhận lời mời tất cả, trừ nó ra. Nghe vậy, Cūḷapanthaka suy nghĩ: Vị Trưởng lão nhận lời mời tất cả Tỷ-kheo và loại ta ra ngoài. Không nghi ngờ gì nữa, tình cảm của anh ta đối với ta đã bị đỗ vỡ. Nay ta còn ở trong Giáo pháp này làm gì nữa? Vậy ta sẽ làm người cư sĩ, sống làm các công đức như bố thí,...”[6] Thế rồi ông quyết định rời khỏi Tăng đoàn. Nhưng khi ra đến cổng, ông gặp Đức Phật. Thế Tôn hỏi sự tình và dắt ông vào tăng xá, đưa cho ông một chiếc khăn trắng để lau mặt với lời dạy: “Này Cūḷapanthaka, hãy hướng mặt về phía Đông, dùng miếng vải này lau qua lau lại và nói: Đồ vật lau bụi, đồ vật lau bụi”[7]. Từ một miếng vải trắng sạch, nhưng sau khi sử dụng nhiều lần đã trở nên dơ bẩn. Sự việc này đã khiến Tôn giả suy nghĩ: “Vừa rồi, tấm vải này rất là sạch sẽ. Nhưng này vì bản thân ta, nó đã bỏ nguyên trạng của nó, và trở thành dơ bẩn. Thật sự các hành là vô thường”. Ngay khi ấy Cūḷapanthaka liễu tri tính đoạn diệt, thiền quán được tăng trưởng[8]. Ông đi giặt khăn trả lại cho Đức Phật, quyết định không quay về nữa. Điều này cho thấy Đức Thế Tôn đã khéo léo hướng dẫn Tôn giả, từ nhận thức về sự dơ bẩn của mảnh vải đến chân lý của thực tại là: tham, sân và si mới là bụi bẩn, cần phải loại trừ, được Ngài khái quát qua bài kệ.

“Tham-sân-si mới gọi là bụi,

Chứ không phải bụi này;

Tham-sân-si mới thật đồng nghĩa

Với chữ bụi thường dùng

Hỡi này các Tỷ-kheo,

Hãy từ bỏ bụi này,

Hãy sống trong giáo pháp

Của vị không bụi bẩn.”[9]

Nghe xong bài kệ, Tôn giả Cūḷapanthaka liền chứng Thánh quả A-la-hán. Việc này có tương quan với quá khứ, lúc ấy Cūḷapanthaka là một vị vua. Khi đi tham quan quanh thành, mồ hôi tươm ướt trán, ông lau trán với một chiếc khăn sạch, và khăn trở nên lem luốc. Vị vua nhận ra thân thể nhơ bẩn của mình đã khiến chiếc khăn trước sạch sau dơ, và sau đó thấy được tính vô thường trong đời sống. Nhờ có phước trí hiểu rõ tính vô thường này, trong kiếp hiện tại, việc quán chiếu xuyên suốt về đề mục tẩy sạch ô nhiễm đã giúp ông giác ngộ. Điều này cho thấy, tuy ông không thuộc nội dung, không rõ câu cú, nhưng nhờ nhớ đề tài thiền quán, thiền định nên đến lúc chín muồi ông đã chứng Thánh quả. Từ trường hợp của Tôn giả Cūḷapanthaka, cho thấy rằng khả tính giác ngộ luôn tiềm ẩn bên trong mỗi người, đồng thời cho thấy tính ưu thắng từ pháp hành mà Đức Phật đã tùy cơ chỉ dạy.

Trong Trưởng lão Tăng kệ (557-562)[10] có ghi lại các dòng kệ cảm hứng của Tôn giả Cūḷapanthaka từ lúc bị anh trai đuổi cho đến khi đắc Thánh quả giải thoát. Phẩm hạnh cao quý của Tôn giả còn thể hiện rõ qua việc ngày nào khất thực có thì ông ăn, không có ông ngồi thiền duyệt thực; sức thiền định của ông vượt qua cơn đói.

Một lần, Jivaka dâng cúng lên Thế Tôn, nhưng Thế Tôn đã lấy tay che bình bát vì Ngài biết còn thiếu Tôn giả Cūḷapanthaka chưa được cúng dường. Ngài Moggallana thấy vậy mới dùng thần thông quán sát thì thấy thiếu một người nữa mới đủ năm trăm vị, bèn nói với vua cho người về tinh xá thỉnh. Lúc ấy, Tôn giả Cūḷapanthaka vì muốn chứng tỏ cho người anh thấy rằng còn có nhiều Tỷ-kheo ở trong tịnh xá liền làm cho toàn rừng xoài đầy những Tỷ-kheo, khiến người kia không biết nên thỉnh vị nào.

“Pan-tha-ka hóa hiện,

 Dưới hàng ngàn hình thức,

Ngồi vườn xoài xinh đẹp,

 Chờ đợi thời phát hiện.”[11]

Theo lời Moggallana, người đàn ông đi đến tinh xá và hỏi:“Ai là Trưởng lão Cūḷapanthaka?” “Cūḷapanthaka là ta! Cūḷapanthaka là ta!” Một ngàn vị Tỷ-kheo đều trả lời như vậy”[12]. Không tìm được Tôn giả, người kia bèn trở về. Lần thứ hai sự việc cũng lập lại tương tự. Đến lần thứ ba, nghe theo lời Tôn giả Moggallana, người ấy sau khi hỏi tên Cūḷapanthaka bèn lập tức nắm cánh tay của người dơ lên đầu tiên, lúc ấy cả ngàn vị Tỷ-kheo khác đều biến mất. Sau khi Tôn giả Cūḷapanthaka đi đến vườn xoài của Jivaka thì lúc này Đức Phật mới chịu mở bát.

“Bậc nhận đồ tế vật,

Cả toàn thể thế giới,

Là phước điền loài Người,

 Ngài chấp nhận cúng dường.”[13]

Sau khi dùng bữa ăn xong, bậc Ðạo sư nói với Jivaka:

Này Jivaka, hãy lấy cái bát của Cūḷapanthaka. Vị này sẽ nói lời cám ơn ông. Jivaka làm như lời bậc Ðạo sư đã nói. Vị Trưởng lão rống tiếng rống của sư tử, làm cho sống động tất cả các Tạng Kinh điển trong lời nói cám ơn của mình[14]. Một lần nữa Đức Phật muốn khẳng định sự chứng ngộ của Tôn giả, nên mới Cūḷapanthaka thay Thế Tôn ban lời đạo từ. Tôn giả Cūḷapanthaka kể từ đây đã thoát khỏi hình ảnh con người ám độn, học bài kệ mãi không thuộc, trở thành vị A-la-hán đáng kính trọng rống lên tiếng rống của sư tử làm sống động tất cả kinh điển trong lời cảm ơn của mình trước hội chúng.

Trong một bản kinh khác, Đức Thế Tôn đã khen ngợi sự thiền định chín muồi khi trông thấy sự tĩnh tọa kiết-già của Tôn giả Cūḷapanthaka:

“Với thân, tâm an trú/ Đứng, ngồi hay nằm xuống/ Tỷ-kheo an trú niệm/ Trước sau được thù thắng/ Trước sau được thù thắng/ Vượt tầm mắt ác ma.”[15] Bên cạnh việc nhận được di sản từ Đức Phật không chỉ đời này và quá khứ, Tôn giả còn nhận được sự kính phục của Tỷ-kheo-ni. Một hôm, đến phiên Tôn giả Cūḷapanthaka giáo giới các Tỷ-kheo-ni, ông đã giáo giới bằng bài cảm hứng: “Đối với bậc hiền trí có tâm hướng thượng, không bị xao lãng, rèn luyện trong các đạo lộ trí tuệ, các sự buồn rầu không hiện hữu ở vị như thế ấy, là vị an tịnh, luôn luôn có niệm”[16]. Các Tỷ-kheo-ni không tin tưởng ông, nên không lắng tâm chú ý nghe. Vì thế, họ không thông hiểu, và sinh tâm chán nản. Tôn giả liền khởi thần thông khiến họ kinh ngạc, thán phục, phát tâm chú ý lắng nghe lời giảng và lãnh hội rất nhanh. Việc giảng dạy các Tỷ-kheo-ni ấy kéo dài đến khi trời tối, rồi mới giải tán. Khi biết việc này, Đức Phật khiển trách Tôn giả đã không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, khi họ đã phàn nàn, phê phán, chê bai rằng các Tỷ-kheo-ni này không còn phạm hạnh, các Tỷ-kheo-ni này đã ở lại qua đêm với các Tỷ-kheo trong tu viện. Nhân đó Ngài dạy điều học như sau: "Dầu đã được chỉ định, nếu vị Tỷ-kheo giáo giới Tỷ-kheo-ni khi mặt trời đã lặn thì phạm tội pācittiya."[17]

Một thời gian sau, khi đang ngồi trên pháp tọa, chung quanh là các Tỷ-kheo, Đức Phật nói lời tán dương Trưởng lão Cūḷapanthaka như sau: “Trong các vị Tỷ-kheo của Ta có thể dùng ý hóa thân, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Cūḷapanthaka; Trong các vị đệ tử... thiện xảo về tâm thắng tiến, tối thắng là Cūḷapanthaka”.[18] Như vậy, Đức Phật đã ban hai danh hiệu tối thắng cho Tôn giả Cūḷapanthaka. Ở đây khi các Tỷ-kheo khác do tâm tạo ra nhiều thân qua các năng lực thần thông, họ chỉ có khả năng tạo ra một ít thôi, tức ba hoặc bốn thân, v.v... Họ không thể tạo ra nhiều thân như vậy. Tuy nhiên, Tôn giả Cūḷapanthaka đã tạo ra một ngàn hình tướng chỉ trong nháy mắt tại vườn xoài khi Jivaka thỉnh Tôn giả đến cúng dường. “Sự tạo ra các hình tướng bằng tâm như vậy mà hình tướng này khác hình tướng kia, và đó là lý do vị ấy đạt được danh hiệu tối thắng (etadagga) trong việc tạo ra các thân do tâm tạo”.[19]

Kinh Tăng chi, kinh Phật tự thuyết, Chú giảng kinh Pháp cú, Trưởng lão Tăng kệ, Truyện tiền thân... đều không nhắc đến thời gian nhập Niết-bàn của Tôn giả Cūḷapanthaka. Vì thế không xác định được Tôn giả viên tịch ở đâu, trước hay sau Đức Thế Tôn.

Kinh tạng Nikāya đã khắc họa một cách sống động cuộc đời Tôn giả Cūḷapanthaka. Qua đó chúng ta thấy được những phẩm hạnh cao quý từ lúc mới xuất gia đến khi nhập dòng Thánh của ông. Tôn giả Cūḷapanthaka là tấm gương sáng về ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn trong tu tập. Lấy thiền định làm thức ăn xóa tan cơn đói, ngộ lý vô thường và công phu tẩy sạch tham, sân, si khi quan sát tấm khăn trắng lau thân mình. Đức Phật tùy căn cơ mà đưa ra những đề tài thiền quán từ những sự việc thông thường trong đời sống, không cần phải tìm kiếm xa xôi. Chúng ta ngày nay không nên có thái độ xem thường, chê bai những người có đầu óc chậm lụt, thiếu trí tuệ. Có thể đó là quả báo do nghiệp bất thiện họ tạo ra trong các kiếp trước. Với sự nổ lực tinh tấn tu tập, khi phước duyên tròn đủ các vị ấy vẫn có thể đạt được quả vị giải thoát. Chúng ta phải tùy duyên, tùy thời khéo léo vận dụng nhiều phương pháp để tu tập cho mình và giúp đỡ mọi người xung quanh. Cho nên, cuộc đời Tôn giả Cūḷapanthaka đã làm sống lại những bài học quý giá về sự kham nhẫn trên con đường học Phật giải thoát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tiểu bộ, tập I, II, III, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

2. Thích Minh Châu dịch (2018), Kinh Tăng chi, tập I, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

3. Tỳ khưu Indacanda dịch (2014), Phân tích giới Tỳ-kheo, tập II, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

4. Tỳ khưu Minh Huệ dịch (2019), Đại Phật sử (Maha Buddhavamsa), tập 6A, NXB.Hồng Đức, Hà Nội.

5.Trưởng lão Pháp Minh dịch (2013), Chú giải Kinh pháp cú, quyển I, NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh.



[1] Kinh Tiểu bộ III, Chuyện Tiền thân, chương Một, phẩm Apaṇṇaka, tr.42.

[2] Sđd, tr.42.

[3] Kinh Tiểu bộ III, Chuyện Tiền thân, chương Một, phẩm Apaṇṇaka, tr.42-43.

[4] Sđd, tr.42.

[5] Sđd, tr.43

[6] Sđd, tr.43

[7] Sđd, tr.44.

[8] Sđd, tr.44.

[9] Kinh Tiểu bộ III, Chuyện Tiền thân, chương Một, phẩm Apaṇṇaka, tr.44.

[10] Kinh Tiểu bộ II, Trưởng lão Tăng kệ, chương Mười, phẩm Mười kệ, tr.389-390.

[11]Kinh Tiểu bộ II, Trưởng lão Tăng kệ, chương Mười, phẩm Mười kệ, tr.390.

[12] Đại Phật sử - 6A, tr.154.

[13] Kinh Tiểu bộ II, Trưởng lão Tăng kệ, chương Mười, phẩm Mười kệ, tr.390.

[14] Kinh Tiểu bộ III, Chuyện Tiền thân, chương Một, phẩm Apaṇṇaka, tr.46.

[15] Kinh Tiểu bộ I, kinh Phật tự thuyết hay "Lời cảm hứng”, chương Năm, phẩm Trưởng Lão Sona, tr.174

[16] Phân tích giới Tỳ-kheo, tập 2, tr.125-126.

[17] Sđd, tr.127.

[18] Kinh Tăng chi bộ tập I, chương I: Một pháp, XIV, phẩm Người tối thắng, tr.58- 59.

[19] Đại Phật sử - 6A, tr.159.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác