Đọc Kinh Luận cần đối chiếu
doc kinh
Nguyên Giác
Bài này được viết để mời gọi Phật tử siêng năng đọc Kinh, đọc Luận, đọc các bài
viết về Phật học, kể cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đối chiếu Kinh Luận để làm sáng
tỏ lời Đức Phật và để tu học. Chúng ta có thể để ý, nhiều bài viết về Phật học hiện
nay trên mạng phần lớn dựa vào các sách đã ấn hành nửa thế kỷ trước tại Việt
Nam, trong khi đã có nhiều nghiên cứu mới xuất hiện gần đây trên thế giới chiếu
rọi thêm nhiều vấn đề mới. Thêm nữa, trong khi đọc, nên tìm nhiều nguồn để đối
chiếu, để gạn lọc những thông tin khả vấn, và để tìm những hướng dẫn khả dụng
cho đường tu học của mình. Bài viết này sẽ nêu vài đề tài ít được nói tới, chủ yếu
chỉ để giúp nhau thông tin trên đường tu học. Nếu trong bài có điểm sai, người
viết xin chân thành sám hối và hoan hỷ đón nhận các lời chỉ giáo.
Gần đây, có bạn thắc mắc rằng tại sao những bài viết tiếng Việt, và cả tiếng Anh,
trong những thập niên gần đây không đề cập tới 40 đề mục thiền tập, như một số
luận thư cổ điển từng nói tới. Để trả lời ngắn gọn, rằng người viết (tu học chẳng
bao nhiêu, nên) không có thẩm quyền để đưa ra câu trả lời chính xác, nơi đây chỉ
là góp vài ý kiến, sau khi tìm đọc về câu hỏi này, và một số câu hỏi khác. Độc
giả được mời gọi để đọc trực tiếp lời Đức Phật dạy trong Kinh, trong khi nên xem
lời dạy trong các Luận thư, kể cả A-tỳ-đàm, chỉ là để tham khảo như lời diễn
giải và chỉ nên ghi nhớ những gì phù hợp với lời Đức Phật dạy trong Kinh.
Nhóm 40 đề mục thiền tập nằm trong phần tập Định của một luận thư nổi tiếng - Bộ Thanh
tịnh đạo luận (Visuddhi-magga, tiếng Anh: The Path of Purification)
gồm 3 quyển, do ngài Phật Âm (Buddhaghosa) soạn vào khoảng giữa thế kỷ V,
và được đưa vào Đại tạng kinh thuộc Nam truyền, quyển 62-64. Theo ngài
Thanissaro, một nhà sư theo truyền thống Phật giáo Nam truyền Thái Lan đã từng
dịch phần lớn Kinh tạng Pāli sang tiếng Anh, luận thư vừa nói có nhiều điểm
không thấy trong kinh Phật, đặc biệt khi nói về các pháp định thì luận thư này “chỉ
giống chút xíu với mô tả trong Kinh Phật” (that bear little resemblance to
the canonical description).
Nhà sư Thanissaro viết trong tác phẩm “Wings to Awakening” nơi chương F. Định và
Tuệ, ghi rằng luận thư “The Path of Purification” dạy phương pháp vào định bằng
nhìn chăm chú vào các kasina, trích dịch như sau:
“…thực tế là các luận thư chú giải định nghĩa về định (jhana) theo những thuật
ngữ chỉ giống chút xíu với lời Đức Phật dạy trong Kinh. Sách Thanh
tịnh đạo - nền tảng của hệ thống luận thư - lấy một phương pháp tiêu chuẩn cho thiền
định gọi là kasina, nơi đây học nhân nhìn chăm chú vào một vật ngoại thân cho
tới khi hình ảnh của vật đó in sâu vào tâm của học nhân. Hình ảnh đó sẽ khởi lên
một tướng đối trọng (countersign) mà tướng này là biểu thị đạt tới ngưỡng định,
một bước đầu cần thiết vào định (jhana).
Sau đó, sách này cố gắng đưa tất cả các phương pháp thiền khác vào khuôn mẫu
này, để chúng cũng tạo ra các tướng đối trọng, nhưng ngay cả luận thư đó cũng
nhìn nhận, thiền hơi thở không phù hợp lắm với khuôn mẫu. Với các phương
pháp khác, sự tập trung của học nhân càng mạnh, vật được nhìn càng sinh động và
càng gần với việc tạo ra một tướng đối trọng; nhưng với hơi thở, sức tập trung
càng mạnh, hơi thở càng vi tế và càng khó dò ra hơi thở. Kết quả là, bản văn nói
rằng chỉ có chư Phật và những người con của chư Phật mới thấy hơi thở là một
điểm tập trung an lạc thích hợp để đắc định.
Không có khẳng định nào trong các điểm vừa dẫn được ghi trong kinh Phật.
Mặc dù một pháp thực hành gọi là kasina được nhắc tới chỉ chút xíu trong vài
kinh, nơi duy nhất được mô tả chi tiết [trong kinh MN 121] lại chẳng nói gì về
chuyện nhìn chăm chú vào một vật thể, hay là chuyện đạt tới một tướng đối trọng.
Nếu thiền hơi thở chỉ phù hợp với Đức Phật và những người con của Đức Phật, thì
dường như không có lý do gì để Đức Phật dạy thiền hơi thở thường xuyên và cho
nhiều người như vậy.
Nếu sự khởi lên của một tướng đối trọng là cần thiết để đắc định, học
nhân sẽ mong đợi nó được [Đức Phật kể lại] trong các bước về thiền hơi thở và
trong các phân tích sinh động được dùng để mô tả định, nhưng thực
tế không như thế. Một số người Theravada nói rằng chất vấn các luận thư là một
dấu hiệu bất kính đối với truyền thống, nhưng nó như dường là một dấu
hiệu của sự bất kính lớn hơn đối với Đức Phật - hay đối với những vị sư kết tập
kinh điển - khi cho rằng Đức Phật hoặc họ [các nhà sư kết tập kinh điển] đã bỏ
sót những gì rất cốt tủy trong phương pháp vào định.” (1)
Khi Kinh và Luận trái nghịch nhau, chúng ta nên tin vào Kinh, vì Kinh là lời Đức
Phật dạy, còn Luận là hậu tác, do quý ngài đời sau viết để chú giải lời Phật
dạy. Nơi đây, xin nói rõ rằng, người viết đã đọc, và tự thân đã học rất nhiều từ
luận thư “Thanh tịnh đạo” - đặc biệt là các pháp quán vô thường. Do vậy, những
thắc mắc nên được độc giả tìm đọc, nghiên cứu, đối chiếu, và thậm chí nên thử
nghiệm qua thực hành để xem thân tâm mình thích nghi với pháp nào. Độc giả có
thể đọc bản dịch “Thanh tịnh đạo” của Ni trưởng Trí Hải ở đây (2).
Người viết xin đề nghị thêm, bạn có thể đọc song song Thanh tịnh đạo
(luận thư của Nam truyền) cùng lúc với Trung luận (tác phẩm của ngài Long
Thọ, luận thư của Bắc truyền) và rồi đối chiếu với Kinh tạng Nikāya và
tạng A-hàm. Điều may mắn là, Hòa thượng Thích Thiện Siêu đã dịch Trung luận
xong, và bằng ngôn phong dễ hiểu, đơn giản, có thể tu tập được. Nên ghi
nhận rằng Trung luận còn được gọi là nền tảng cho Đốn giáo Thiền tông, để
rồi từ Trung luận xuất hiện ngài Huệ Năng (638-713) ở Trung Hoa với Thiền
pháp “không tác ý, dù là tác ý thiện hay ác, dù là tác ý lành hay dữ” và rồi gần
đây là Ni trưởng Trí Hải (1938 - 2003) ở Việt Nam với Thiền pháp Người Gỗ. (3)
Bạn có thể tu cùng lúc nhiều pháp mà không ngăn ngại gì, để rồi sẽ thấy
mình thích nghi với pháp nào. Thí dụ, hôm nay bạn ngồi tập thở, ngày mai bạn
ngồi quán thọ, ngày mốt tập thiền đi bộ, ngày kia nữa tập quán vô thường, ngày
kia kia nữa thì quán vô ngã, và vân vân. Bạn cũng sẽ hạnh phúc khi thực tập pháp
quán vô thường như dạy trong Thanh tịnh đạo và cũng sẽ hạnh phúc khi nhập
lý được Trung luận để hồn nhiên đi đứng nằm ngồi trong cái thấy thường
trực là không có ai đang đi đứng nằm ngồi.
Thực ra, không chỉ các luận thư cổ xưa mới có chỗ không tương thích với kinh
Phật. Ngay trong vài sách của các vị danh tăng cận đại, chúng ta cũng thấy có
một số dị biệt với kinh Phật. Thí dụ, như trong sách “The Jhanas in Theravada
Buddhist Meditation” (Các tầng thiền trong Thiền pháp Phật giáo Theravada)
của cao tăng Henepola Gunaratana, cũng có một số chỗ khả vấn, (xin dè dặt nói
rằng) có vẻ như không tương thích với lời Đức Phật dạy.
Nơi đây, xin trích từ (Chương "The Good Friend and the Subject of Meditation")
trong sách vừa dẫn để phân tích về các điểm khả vấn: “The ten kasinas and
mindfulness of breathing, owing to their simplicity and freedom from thought
construction, can lead to all four jhanas. The ten kinds of foulness and
mindfulness of the body lead only to the first jhana, being limited
because the mind can only hold onto them with the aid of applied thought
(vitakka) which is absent in the second and higher jhanas. The first three
divine abidings can induce the lower three jhanas but not the fourth, since they
arise in association with pleasant feeling, while the divine abiding of
equanimity occurs only at the level of the fourth jhana, where neutral feeling
gains ascendency.” (4)
Chúng ta dịch như sau: “Mười pháp định kasiṇa và pháp thiền hơi thở, nhờ
tính đơn giản và không có cấu trúc tư tưởng, có thể dẫn đến cả bốn tầng thiền.
Mười pháp niệm về bất tịnh và pháp thân hành niệm chỉ đưa tới sơ thiền,
bị giới hạn bởi vì tâm chỉ có thể trụ vào chúng với sự trợ giúp của tầm
(vitakka: applied thought, placing the mind, đặt tâm vào), vốn vắng mặt trong
tầng nhị thiền và cao hơn. Ba pháp thiên trú đầu tiên (tức là 3 phần đầu của Tứ
vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ) có thể dẫn tới ba tầng thiền thấp hơn (tức là: sơ
thiền, nhị thiền, tam thiền) nhưng không phải là tứ thiền, bởi vì chúng
khởi dậy cùng với thọ hỷ, trong khi pháp thiên trú về Xả (tức là: phần cuối
của Tứ vô lượng tâm) chỉ xảy ra ở tầng tứ thiền, nơi thọ trung tính đạt được ưu
thế.”
Từ đoạn văn trên, chúng ta có thể có vài thắc mắc. Vì ngài Gunaratana viết rằng:
- Thiền pháp Thân hành niệm chỉ đưa tới tối đa là sơ thiền;
- Thiền pháp niệm bất tịnh chỉ đưa tới tối đa là sơ thiền;
- Ba phần đầu của Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ) không thể đưa tới tứ thiền.
Đọc kinh kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy không phải như thế. Trong khi ngài
Gunaratana viết rằng Thân hành niệm chỉ đưa tới tối đa là sơ thiền (theo dẫn
trên), kinh MN 119 ghi lời Đức Phật rằng Thân hành niệm có thể dẫn tới tứ
thiền và từ đó đoạn trừ lậu hoặc để giải thoát. Trích bản dịch kinh Thân hành
niệm (MN 119) của Thầy Minh Châu như sau:
“Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư
duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an
trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu
tập thân hành niệm. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt
hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không
lạc, xả niệm thanh tịnh...
...Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, vị ấy
chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không
có lậu hoặc”. (5)
Tương tự, kinh AN 1.576-615 ghi lời Đức Phật dạy rằng Thân hành niệm dẫn
tới ít nhất là nhị thiền (tầm, tứ được tịnh chỉ), chỉ một pháp Thân hành niệm có
thể đưa tới chứng ngộ quả A-la-hán, theo bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi được tu tập, được làm cho sung mãn, thân
được khinh an, tâm được khinh an, tầm tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp
thuộc về minh phần đi đến tu tập, làm cho viên mãn. Một pháp ấy là gì? Chính là thân
hành niệm. Khi tu tập, làm cho sung mãn một pháp này, thân được khinh an,
tâm được khinh an, tầm và tứ được tịnh chỉ, toàn bộ các pháp thuộc về minh phần
đi đến tu tập, làm cho viên mãn...[] ...Có một pháp, này các Tỷ-kheo, khi
được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự chứng ngộ quả Dự lưu, đưa đến
sự chứng ngộ quả Nhất lai, đưa đến sự chứng ngộ quả Bất lai, đưa đến sự chứng
ngộ quả A-la-hán. Một pháp ấy là gì? Chính là thân hành niệm.” (6)
Tới thắc mắc thứ nhì, trong khi ngài Gunaratana viết rằng quán bất tịnh chỉ đưa
tới tối đa là sơ thiền vì học nhân chỉ đứng lại với tầm (như dẫn trên), Đức
Phật dạy trong kinh AN 5.121 rằng quán bất tịnh không bị kẹt với tầm, và
rằng khi quán bất tịnh câu hữu với quán vô thường sẽ có thể giải thoát ngay
trong hiện tại. Trích bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống quán bất tịnh trên thân, với
tưởng ghê tởm đối với các món ăn, với tưởng không thích thú đối với tất cả thế
giới, quán vô thường trong tất cả hành, và nội tâm khéo an trú trong
tưởng về chết. Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm
yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn
diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng
đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. (7)
Trong Trưởng lão Ni kệ (Thig 5.4), Ni trưởng Nandā kể rằng vâng lời Phật
dạy, ngài quán bất tịnh rồi thấy thực tướng (trong và ngoài thân), vào định
(trạng thái an tịnh) và chứng Niết-bàn, theo bản dịch của ngài Bhikkhu
Indacanda:
“‘Này Nandā, cô hãy nhìn thấy xác thân là bệnh hoạn, không trong sạch, hôi
thối, hãy tu tập tâm được chuyên nhất, khéo được định tĩnh, về (đề mục) tử thi.
Thân này như thế nào thì xác kia như vậy, xác kia như thế nào thì thân này như
vậy. Nó bốc mùi khó chịu, hôi thối, lại được hứng thú đối với những kẻ ngu.
Trong khi xem xét xác thân này như thế, không biếng nhác, cả ngày lẫn đêm, từ
đó, với trí tuệ của mình, sau khi đã phân tích thấu đáo, cô sẽ nhìn thấy.’
Tôi đây, không bị xao lãng, trong lúc đang suy xét theo đúng đường lối, đã nhìn
thấy thân này đúng theo bản thể, cả bên trong lẫn bên ngoài. Rồi tôi đã nhàm
chán xác thân, và tôi đã không còn luyến ái ở nội phần. Không bị xao lãng, không
còn bị ràng buộc, tôi có được trạng thái an tịnh, chứng được Niết-bàn”.(8)
Bây giờ tới thắc mắc thứ ba, trong khi ngài Gunaratana viết rằng ba phần đầu
của Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ) không thể dẫn tới tứ thiền (hàm ý, thiếu tâm
Xả, không thể giải thoát), Đức Phật dạy trong kinh SN 42.8 rằng, học
nhân khởi tâm lìa tham sân si, giữ chánh niệm câu hữu với Tâm từ rải khắp
tất cả các phương hướng, sẽ xóa được vô lượng nghiệp, và sẽ giải thoát không còn
dư tàn. Bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau:
“Này Thôn trưởng, vị Thánh đệ tử ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, chánh
niệm, tỉnh giác, với tâm câu hữu với từ, sống biến mãn một phương. Như vậy,
phương thứ hai. Như vậy, phương thứ ba. Như vậy, phương thứ tư. Như vậy, cùng
khắp thế giới, trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới,
vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không
hận, không sân. Ví như, này Thôn trưởng, một người lực sĩ thổi tù và (bằng con
ốc), với ít mệt nhọc làm cho bốn phương được biết. Cũng vậy, này Thôn trưởng, tu
tập từ tâm giải thoát như vậy, làm cho tăng trưởng như vậy, phàm nghiệp làm có
hạn lượng, ở đây, sẽ không còn dư tàn; ở đây, sẽ không còn tồn tại”. (Và tương
tự với Bi, Hỷ, Xả). (9)
Mặt khác, trong kinh MN 52, Đức Phật dạy rằng, học nhân an trú trong Từ
tâm vô lượng, bấy giờ mới suy nghĩ (tức là, còn tầm) rằng phải nhận ra các
pháp vô thường, từ đây đoạn trừ lậu hoặc để giải thoát, nếu chưa giải thoát được
thì cũng hóa sanh (tức là vào cõi trời của các bậc thánh Bất lai) và từ
cõi này sẽ vào Niết-bàn tuyệt đối. Bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau:
“Này Gia chủ, Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng
vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng
khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới,
vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận,
không sân. Vị ấy suy tư và được biết: “Từ tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do
suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự
vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy do vững trú ở đây, đoạn trừ được
các lậu hoặc. Và nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này,
do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh,
nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy, khỏi phải trở lui đời này.” (Tương tự với
Bi, Gỷ, Xả). (10)
Cần ghi nhận rằng, ngài Gunaratana có công đã làm sáng tỏ nhiều lời dạy của Đức
Phật trong kinh điển. Thí dụ, cũng trong sách đã dẫn ở (4), ngài Gunaratana ghi
về trường hợp kinh Susima (SN 12.70) rằng “Textual evidence that there
can be arahats lacking mundane jhana is provided by the Susima Sutta...”
(Chứng cứ trong văn bản cho thấy có thể có các vị A-la-hán chưa từng đắc
định thế tục nào được ghi trong kinh Susima). Trường hợp này là giải
thoát bằng huệ khô (càn huệ) vì chưa có định, chưa có thần thông, hoàn toàn chưa
đắc gì hết chỉ trừ một cái thấy vô ngã thường trực.
Kinh SN 12.70 không dạy thở, không dạy quán bất tịnh, không dạy quán bốn
tâm vô lượng, không dạy niệm thân thọ tâm pháp, mà chỉ dạy thường trực quán
pháp ấn vô ngã, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:
"Cái gì thuộc sắc [thọ, tưởng, hành, thức] quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội
hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc [thọ, tưởng, hành,
thức] cần phải quán như chơn với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải
của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Này
Susīma, thấy như vậy, vị Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối
với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với
thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải
thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã
tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng
thái này nữa”. (11)
Chúng ta cũng thường xuyên gặp trong nhiều bài viết, và trong nhiều video trên
Youtube, một ngộ nhận rằng Tứ niệm xứ là pháp duy nhất để giải thoát. Nếu
bạn đọc kinh kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy không phải như thế. Chiến binh Mỹ được
dạy thiền pháp tỉnh thức (mindfulness meditation) để khi ra chiến trường
sẽ tỉnh thức đối phó với tất cả những nguy hiểm có thể gặp từ bốn hướng nơi mặt
trận, nguy hiểm từ các bãi mìn dưới chân, nguy hiểm từ trên cao với các phi cơ
từ xa và với các tay bắn tỉa mai phục nơi cao điểm. Hãy suy nghĩ rằng, một người
lính bắn tỉa thường trực tỉnh thức như thế, có thể giải thoát hay không? Hẳn
nhiên là không. Bởi vì mục tiêu là sẽ phạm giới sát sinh. Do vậy, Tứ niệm
xứ không phải là pháp duy nhất để giải thoát.
Chúng ta thấy trong kinh MN 52 đã dẫn trên, Đức Phật dạy 11 pháp giải
thoát nơi link (10) trong đó, pháp giải thoát đầu tiên là chỉ cần vào sơ
thiền rồi quán vô thường là vào Niết-bàn, nếu còn lậu hoặc thì sẽ vào cõi
bậc thánh Bất lai trước rồi sẽ vào Niết-bàn tuyệt đối sau, và 11 pháp không nói
gì về Tứ niệm xứ, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:
“...Này Gia chủ, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ
nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy suy tư và được
biết: “Sơ thiền này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì
là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự
đoạn diệt”. Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc. Và nếu các lậu
hoặc chưa được đoạn trừ, do tham luyến pháp này, do hoan hỷ pháp này, vị ấy đoạn
trừ được năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại cảnh giới ấy,
khỏi phải trở lui đời này”. (10)
Trong khi đó, nơi kinh SN 22.80, Đức Phật nói rõ rằng hoặc là tu
pháp Tứ niệm xứ, hoặc là tu pháp Thiền vô tướng đều có thể giải thoát. Trích
bản dịch của Thầy Minh Châu:
“Này các Tỷ-kheo, có ba bất thiện tầm này: dục tầm, sân tầm, hại tầm. Và này
các Tỷ-kheo, ba bất thiện tầm này được đoạn diệt không có dư tàn, đối với vị nào
tâm đã khéo an trú vào bốn Niệm xứ hay tu tập vô tướng Thiền định. Này
các Tỷ-kheo, hãy khéo tu tập vô tướng Thiền định.” (12)
Tại sao có ngộ nhận rằng Tứ niệm xứ là pháp duy nhất để giải thoát? Ngộ nhận này
nguy hiểm tới mức, có những học nhân sơ cơ đã chỉ trích các bậc tôn túc vì quý
ngài đã không chịu nói như thế, vì quý ngài đã nói rằng Bát chánh đạo là con
đường duy nhất để giải thoát. Kinh đầy đủ về Tứ niệm xứ là kinh MN 10.
Khi dịch kinh này sang tiếng Anh, hai ngài Nyanasatta và Soma dịch rằng Tứ niệm
xứ là con đường duy nhất (This is the only way) nhưng nhiều học giả khác
nói rằng dịch như thế là sai, trích ghi chú 1 của ngài Thanissaro:
"1. Ekāyana-magga. Trong nhiều thập niên, cụm chữ này được dịch là “con
đường duy nhất”, nhưng gần đây hơn - bắt đầu với Ven. Ñāṇamoli - các dịch
giả đã nhận thấy rằng cụm từ ekāyana magga xuất hiện trong một loạt ví dụ ở kinh
MN 12 khi nó biểu hiện ý nghĩa thành ngữ của nó... Để những ví dụ có tác dụng,
ekāyana magga đòi hỏi ý nghĩa, không phải là một con đường duy nhất, mà là một con
đường chỉ đi đến một điểm đến duy nhất. Nói cách khác, một ekāyana magga là
một con đường không có ngã rẽ - con đường mà, miễn là bạn đi theo nó, sẽ đưa bạn
đến một mục tiêu đơn độc tất yếu (a single, inevitable goal)". (13)
- Ngài Thanissaro (dhammatalks.org) dịch là: This is the direct path (Đây
là con đường trực tiếp).
- Quý ngài Ñanamoli và Bodhi (obo.genaud.net) dịch là: This is the direct
path (như trên).
- Ngài Suddhāso (suttacentral.net) dịch là: This is the one-way path (đây
là con đường một chiều).
- Ngài Horner (nt) dịch là: There is this one way (nt)
- Ngài Sujato (nt) dịch là: The path to convergence (con đường hợp nhất
[định-tuệ]).
Có một kỳ thư đã biến mất. Trong một cuộc thảo luận giữa các học giả trên mạng
SuttaCentral, có nói về một cổ thư Tích Lan, liệt kê các kinh mà người đương
cơ tức khắc đắc quả A-la-hán, và cổ thư này đã lạc mất. Theo nhà học Phật
Sarana: “Có một cổ thư nhan đề là “Suttasangaha,” trước đây được bao
gồm trong Khuddaka Nikaya (của Suttapitaka) trong Tam tạng kinh điển Sri Lanka,
hoặc ít nhất đây là những gì tôi đã nghe ở đâu đó… Tôi cố gắng tìm quyển
Suttasangaha này nhưng không tìm thấy... Lời giới thiệu của bộ chú
giải Suttasangaha nói rằng đây là những bài kinh mà Đức Phật đã dạy cho mọi
người mà nhờ đó mọi người đã giác ngộ ngay tại chỗ”. (14)
Giác ngộ ngay sau khi nghe lời Phật dạy? Chắc chắn là phải có kinh Bahiya
Sutta và nhiều kinh tương tự. Chúng ta thấy trong Kinh Tập, có 32
kinh thuộc dạng này, nghĩa là, ngay sau khi đối thoại xong với Đức Phật, 32
chàng trai Bà-la-môn chứng quả A-la-hán. Và nhóm 32 kinh này trở thành kinh nhật
tụng cho Tăng đoàn trong những năm đầu Đức Phật hoằng pháp. (15)
Pháp đốn ngộ của Thiền tông đã được Đức Phật nói minh bạch trong kinh DN 25,
trích bản dịch của ngài Minh Châu: “Này Nigrodha, đâu cần phải bảy năm! Nếu
vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay
trong hiện tại phạm hạnh và mục tiêu vô thượng mà vì lý tưởng này các Thiện
nam tử từ bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, chỉ cần có sáu năm, năm năm, bốn năm, ba
năm, hai năm, một năm… chỉ cần bảy tháng, một tháng, nửa tháng. Này Nigrodha,
đâu cần có nửa tháng! Người có trí hãy đến đây, trung thực, không lừa đảo, chơn
trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã
dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại, phạm hạnh và mục
tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các thiện nam tử từ bỏ gia đình, xuất
gia tu đạo, vị ấy chỉ cần có bảy ngày”. (16)
Đề tài này có nói cũng sẽ bất tận, vì kinh Phật rất mực mênh mông và rất mực cao
siêu. Nơi đây, chúng ta bàn về một trường hợp trong Thiền sử Việt Nam. Ngài Vô
Ngôn Thông (759(?)-826) là một trường hợp độc đáo tại Việt Nam. Ngài từ Trung
Quốc sang Việt Nam năm 820, ở tại chùa Kiến Sơ, ngày nay thuộc Hà Nội, thành
lập phái thiền Vô Ngôn Thông. Ngài mất năm 826, và phái thiền của ngài kéo dài
được 17 thế hệ. Theo truyền thuyết, khi tới chùa Kiến Sơ, suốt mấy năm liền ngài
chỉ quay mặt vào vách tọa thiền và không ai biết tông tích của ngài. Vị trụ
trì nơi đây là Cảm Thành thầm biết ngài là cao tăng đắc đạo nên hết sức kính
trọng. Sắp sửa tịch, ngài gọi Cảm Thành đến nói kệ… Câu hỏi của chúng ta là,
trong gần 6 năm hầu hết là ngồi tịch lặng tại Việt Nam, làm sao ngài truyền
dạy Thiền tông, và làm sao dòng thiền này có đạo lực kéo dài tới 17 thế hệ?
Dĩ nhiên là phải có đạo lực rất mạnh mới có thể truyền thừa tới 17 thế hệ. Nơi
đây, chúng ta mời gọi nhau thực tập pháp vô ngôn. Đây là một phương
diện của Thiền đốn ngộ, và ai cũng có thể tập được sau khi giữ giới nghiêm ngặt
một thời gian. Thiền pháp này không cần ngồi. Thiền pháp này thực tập được ở đi
đứng nằm ngồi. Trước tiên là ly dục, bạn đừng ham muốn gì hết, khởi tâm lìa
tham, lìa sân. Đừng nghĩ gì hết trong tâm, đừng nghĩ gì tới thiện ác lành dữ,
đừng nghĩ gì tới mọi chuyện khác, chỉ thấy hơi thở nhẹ nhàng, lặng lẽ nhìn tâm
và thấy sự tịch lặng, không lời. Vô ngôn, có nghĩa là vẫn tỉnh thức, vẫn biết
đang đi đứng nằm ngồi, nhưng vẫn tịch lặng, trong tâm lìa ngôn ngữ, lìa tiếng
nói, lìa hình ảnh, lìa tất cả ký hiệu... Không có nghĩa là không làm gì hết. Dễ
nhất là mỗi sáng dậy sớm, khoảng 3 hay 4 giờ sáng, chung quanh thế gian còn lặng
lẽ, bạn pha trà, không cần ngồi thiền, bạn chỉ ngồi uống trà và nhìn ra
sân... Vô ngôn, không có nghĩa là không đọc, không viết. Chỉ có nghĩa là,
bạn thường trực nhìn vào tâm và không thấy chữ gì trong tâm (dù là đang đọc
sách), không thấy hình ảnh nào trong tâm (dù đang nhìn cây lá ngoài sân), không
thấy trong tâm ký hiệu nào hay biểu tượng nào (lìa tất cả những ngón tay chỉ
trăng). Nghĩa là nhìn vào tâm chỉ thấy rỗng lặng. Nghĩa là không mơ gì tương
lai, không tiếc gì quá khứ, và không dính gì nơi hiện tại. Ban đầu bạn còn dựa
vào tầm (hướng tâm nhìn vào cái vô ngôn trong tâm), còn tứ (dán tâm vào cái vô
ngôn trong tâm), từ từ sẽ tới chỗ sơ thiền (tâm ly dục, có hỷ, có lạc, có tầm và
tứ) và sau một thời gian sẽ tới nhị thiền khi thanh tịnh nhất tâm, có hỷ và lạc,
trong khi tầm và tứ vắng bặt (còn gọi là im lặng bậc thánh, hay vô niệm)… Bạn sẽ
thấy thân tâm mình chỉ là cái bình rỗng, cái bình tỉnh thức nhưng vô niệm, cái
bình của danh sắc, cái bình của sắc thọ tưởng hình thức nhưng không chứa gì hết.
Trong kinh nói, từ sơ thiền (hay từ nhị thiền), nếu quán vô thường, vô ngã… sẽ
lìa lậu hoặc, chứng Niết-bàn. Đó là Vô Ngôn Thông, là thấy mình như người gỗ,
thấy mình như trâu bùn qua sông, là thường trực thấy trong tâm trống không và
tịch lặng, trong tâm không có gì lưu giữ, trong tâm lìa tất cả lời nói, hình
ảnh, ký hiệu, biểu tượng… Ai cũng có thể làm được như thế. Đó là hạnh phúc vô
cùng tận.
GHI CHÚ:
(1) Thanissaro. Wings to Awakening. https://www.dhammatalks.org/books/Wings/Section0021.html
(2) Trí Hải, Thanh tịnh đạo: https://thuvienhoasen.org/a2859/thanh-tinh-dao-thich-nu-tri-hai
(3) Thiện Siêu, Trung luận: https://thuvienhoasen.org/a15695/trung-luan-madhyamaka-sastra
Trí Hải, Thiền pháp Người Gỗ: https://thuvienhoasen.org/a36855/ni-truong-tri-hai-thien-phap-nguoi-go
(4) Gunaratana, The Jhanas in Theravada Buddhist Meditation. https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/gunaratana/wheel351.html
(5) Kinh Thân hành niệm MN 119: https://suttacentral.net/mn119/vi/minh_chau
(6) Kinh AN 1.576-615: https://suttacentral.net/an1.575-615/vi/minh_chau
(7) Kinh AN 5.121: https://suttacentral.net/an5.121/vi/minh_chau
(8) Thig 5.4, bản dịch Indacanda: https://suttacentral.net/thig5.4/vi/indacanda
(9) Kinh SN 42.8: https://suttacentral.net/sn42.8/vi/minh_chau
(10) Kinh MN 52: https://suttacentral.net/mn52/vi/minh_chau
(11) Kinh Susima: https://suttacentral.net/sn12.70/vi/minh_chau
(12) Kinh SN 22.80: https://suttacentral.net/sn22.80/vi/minh_chau
(13) Thanissaro, kinh MN 10: https://www.dhammatalks.org/suttas/MN/MN10.html
(14) Thảo luận. https://discourse.suttacentral.net/t/suttasangaha-the-lost-book-of-khuddaka-nikaya/16500
(15) Kinh Nhật tụng sơ thời: https://thuvienhoasen.org/a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi
(16) Kinh DN 25: https://suttacentral.net/dn25/vi/minh_chau