Ba nguyên tắc 

Ba nguyên tắc

Ba nguyên tắc 

 

Ajahn Lee Dhammadaro

 

Phra Ajaan Lee Dhammadharo (1907-1961) là một trong những vị thiền sư theo truyền thống tu khổ hạnh trong rừng.

* * *

Tóm lại, có ba nguyên tắc thực sự cơ bản trong thiền định:

1. Ý hướng đúng đắn: Bạn phải quyết tâm rằng mình sẽ buông bỏ mọi suy nghĩ và những mối bận tâm về thế sự. Bạn sẽ không giữ chúng trong tâm tưởng. Mọi tư tưởng và khái niệm liên quan đến quá khứ hay tương lai là vấn đề của thế gian, chứ không phải của Pháp. Hãy khẳng định rằng bạn sẽ làm ngay điều này: lo cho công việc của tâm linh, và không có gì khác hơn. Nói cách khác, bạn sẽ lo cho hiện tại ngay trước mắt. Đây được gọi là tác ý đúng đắn.

2. Đối tượng phù hợp: Nghĩa là đúng chủ đề hoặc đối tượng cho tâm trí. Chủ đề ở đây là dhatuvavatthana,  phân tích các đặc tính.  Một trong những chủ đề này lấy thân làm khung tham chiếu (kayanupassana-satipatthana). Tóm lại, chúng ta sẽ quán sát bốn yếu tố tạo nên thân: tính chất của đất, nước, gió và lửa. Tính chất đất bao gồm các bộ phận cứng của cơ thể, chẳng hạn như xương. Tính chất nước bao gồm các phần chất lỏng, chẳng hạn như nước tiểu, nước bọt, máu, mủ. Tính chất lửa bao gồm nhiệt và sự ấm áp trong cơ thể. Tính chất gió bao gồm cảm giác năng lượng chảy trong cơ thể, chẳng hạn như hơi thở. Trong tất cả các tính chất này, tính chất quan trọng nhất là tính chất gió, hoặc hơi thở. Nếu các bộ phận khác của cơ thể bị tổn thương - giả sử, nếu mắt chúng ta bị mù, tai bị điếc, tay chân bị gãy - thân vẫn có thể tồn tại. Nhưng nếu thân không còn có hơi thở, nó không thể kéo dài. Nó sẽ phải chết. Vì vậy, hơi thở là một đối tượng quan trọng bởi vì nó tạo thành nền tảng cho nhận thức của chúng ta.

3. Chất lượng phù hợp: Ý nói đến các cảm giác thoải mái hoặc khó chịu phát sinh trong cơ thể. Khi bạn quan tâm đến hơi thở vào và ra để nó chảy tự do qua các bộ phận khác nhau của cơ thể, nó sẽ tạo ra kết quả. Hãy để ý kỹ xem kết quả mà thân và tâm gặt hái được từ hơi thở là tốt hay xấu. Thân có cảm thấy tự tại và thoải mái, hay nó cảm thấy căng thẳng và gồng cứng? Tâm có cảm thấy bình an, tĩnh lặng, dễ chịu, hay nó cáu kỉnh, mất tập trung và hỗn loạn? Nếu thân tâm trí cảm thấy thoải mái, coi như ta đã có được kết quả tốt. Nếu điều ngược lại là đúng, thì coi như ta gặp kết quả xấu. Vì vậy, bạn phải nắm được cách điều chỉnh hơi thở để nó trở nên thoải mái.

Những phẩm chất đúng của tâm, là chánh niệm và tỉnh thức.

Hãy cố gắng tuân theo ba nguyên tắc cơ bản này mỗi khi bạn thực hành thiền định. Chỉ khi đó bạn mới nhận được kết quả đầy đủ và chính xác.

Có rất nhiều kết quả trong thiền định.  Chúng phát sinh tùy theo tâm lực của người hành thiền.

Ba sợi dây thừng

Nếu bạn chưa bao giờ hành thiền, hai nguyên tắc đơn giản sau đây là tất cả những gì bạn cần phải biết: (1) Hãy quán tưởng về những phẩm chất của Đức Phật; và (2) Hãy nghĩ đến việc đem chúng vào tâm của bạn. Điều này có nghĩa là, chánh niệm để làm cho tâm thiết lập vững chắc trên hơi thở, và không quên hơi thở hoặc để cho bản thân bị phân tâm.

Không quên hơi thở có nghĩa là luôn chánh niệm về hơi thở vào và ra. Không bị phân tâm có nghĩa là bạn không nắm chấp bất cứ điều gì khác để suy nghĩ. Nếu tâm tập trung nhưng bạn đang suy nghĩ về điều gì khác, thì nó không được gọi là chánh định. Sự chánh niệm của bạn phải nằm trong giới hạn của công việc bạn đang làm, nói cách khác, trụ vào hơi thở.

Đừng gây áp lực lên hơi thở, đè nén hoặc nắm giữ nó. Hãy để nó chảy dễ dàng, thoải mái, như thể khi bạn để quả trứng tươi lên vải bông mềm. Nếu bạn không ném, hoặc ấn quả trứng xuống mạnh, nó sẽ không bị móp hoặc nứt. Theo cách như thế, việc hành thiền của bạn sẽ tiến triển suôn sẻ.

Hơi thở là một chuyện, chánh niệm là chuyện khác, và nhận thức của bạn, lại là một chuyện khác nữa. Bạn phải xoắn ba sợi dây thừng này lại với nhau để chúng không bị tách rời nhau. Nói cách khác, nhận thức của bạn phải trụ nơi chánh niệm, và tác ý đến hơi thở. Cả nhận thức và chánh niệm của bạn phải trụ trên hơi thở. Chỉ khi đó bạn mới có thể nói rằng những điều này là những yếu tố của thiền định.

Khi bạn có thể xoắn ba dây thừng này thành một sợi dây duy nhất, hãy tập trung nhận thức của bạn vào việc quan sát hơi thở vào và ra để xem nó có thoải mái hay không, mở rộng hay hạn chế, rộng hay hẹp. Cách thở nào thoải mái, hãy tiếp tục thở theo cách đó. Nếu hơi thở không thoải mái, hãy tiếp tục thay đổi nó cho đến khi hoàn hảo.

Nếu bạn ép tâm quá sức, chắc chắn nó sẽ bung. Nếu bạn nới lỏng tay cầm, nó sẽ bị lạc. Vì vậy, hãy cố gắng chăm sóc nó theo cách vừa phải. Điểm quan trọng là chánh niệm và sự tỉnh thức của bạn phải trọn vẹn, điều chỉnh chúng trong suốt hơi thở. Đừng để tâm chạy đuổi theo những mối bận tâm khác.

Chánh niệm giống như một người tỉnh táo, sống động. Nếu tâm thiếu chánh niệm thì giống như ta đang ngủ bên những xác chết trong nghĩa trang. Không có gì ngoài mùi hôi và sự sợ hãi. Đó là lý do tại sao chúng ta được dạy phải luôn chánh niệm về bản thân trong thời điểm hiện tại. Hãy cắt bỏ tất cả những suy nghĩ về quá khứ và tương lai, chứ không bám chấp chúng để nghĩ suy, vì những điều này là lọc lừa, ảo tưởng, giống như các linh hồn và ma quỷ. Chúng làm lãng phí thời gian của bạn và kéo bạn xuống vực sâu. Vì vậy, chỉ nhận biết hơi thở, vì hơi thở là sự sống và nó sẽ đưa bạn đến hạnh phúc cao thượng.

Chánh niệm giống như xà phòng diệu kỳ cọ rửa cho hơi thở. Sự tỉnh thức cũng là một thanh xà phòng diệu kỳ khác để cọ rửa tâm. Nếu bạn liên tục có chánh niệm và tỉnh thức kết hợp với hơi thở và tâm, thân tâm của bạn sẽ thanh tịnh, cao quý, để khi nào bạn còn sống trong thế gian bạn sẽ luôn tự tại; khi chết, bạn cũng sẽ không bị sa đọa.

Nếu tâm tập trung nhưng quên hơi thở và phóng tâm đến những điều khác, thì đó được gọi là tà định (wrong concentration). Nếu tâm buông bỏ được một số chướng ngại như ái dục bằng cách ngủ gục, thì đó được coi là tà giải thoát (wrong release). Chỉ khi tâm an trụ vững chắc vào chánh niệm và hơi thở thì đó mới là chánh định (right concentration). Chỉ khi tâm buông bỏ được các chướng ngại bằng trí tuệ, biết rõ các mánh khóe của chúng, thì mới được coi là giải thoát đúng.

Nếu chánh niệm và tỉnh giác liên tục được thiết lập trong tâm, quan điểm của chúng ta sẽ trở nên ngay thẳng, định tâm sẽ đúng, giống như khi hai chùm ánh sáng gặp nhau: chúng phát sinh ánh sáng rực rỡ của trí tuệ. Có những lúc trí tuệ chỉ phát sinh thoáng qua trong tâm, tuy nhiên nó có thể giết chết các ô nhiễm thô trược. Thí dụ, nó có thể buông bỏ tất cả các thủ uẩn. Nó có thể từ bỏ ngã chấp bằng cách buông bỏ thân; nó có thể từ bỏ bám chấp vào giới cấm thủ bằng cách buông bỏ cảm thọ; và nó có thể từ bỏ nghi hoặc bằng cách buông bỏ tưởng, các hành uẩn và thủ uẩn.

Chúng ta được dạy rằng để phát triển loại trí tuệ này, ta phải thực hành chánh định (right concentration). Ngay cả khi trí tuệ phát sinh chỉ trong nháy mắt, nó vẫn có thể mang lại cho chúng ta nhiều, rất nhiều lợi ích. Giống như một quả bom nguyên tử: mặc dù rất nhỏ bé, nó có thể hủy diệt thế giới một cách đáng kinh ngạc.

Trí tuệ phát sinh từ bên trong tâm là điều không thể diễn tả được. Nó nhỏ bé, không giống như kiến thức đến từ việc học, việc nhớ ở trường. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể diễn tả nó. Đức Phật thậm chí còn đặt ra các giới luật cho quý Tăng Ni, không cho phép họ nói về các thành tựu tâm linh của họ. Đây là lý do tại sao chúng ta không thể biết người khác có là vị Thánh đệ tử. Đó là điều mà mỗi vị Thánh đệ tử tự biết riêng.

Diệu Liên Lý Thu Linh-2023

(Chuyển ngữ từ Three Principles, trong sách Starting Out Small: A Collection of Talks for Beginning Meditators/ Bắt đầu từ những vun vặt: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh mới của ngài Ajaan Lee Dhammadharo)

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác