Thiền sư An Thiền - Phúc Điền (1784-1863)

thien su an nhien

THIỀN SƯ AN THIỀN - PHÚC ĐIỀN (1784-1863)

ThS. Nguyễn Công Thanh Dung - PGS.TS. Nguyễn Công Lý

(Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM)

 

Thiền sư An Thiền - Phúc Điền là một vị danh tăng Việt Nam thế kỷ XIX, một bậc tùng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam dưới triều Nguyễn. Bài viết này sẽ giới thiệu về hành trạng sự nghiệp và một số trước tác của ngài.

1. Hành trạng và sự nghiệp

Từ hơn nửa thế kỷ qua, giới nghiên cứu vẫn băn khoăn về thân thế của Thiền sư Phúc Điền, không rõ Thiền sư Phúc Điền và Sa-môn An Thiền là một người hay hai người. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang viết thành hai đề mục, như vậy ngầm hiểu là hai người khác nhau. Nhưng theo Lê Mạnh Thát thì An Thiền - Phúc Điền chỉ là một người. Trong Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam tập 3 (2002), Lê Mạnh Thát đã khẳng định Sa-môn An Thiền chính là Phúc Điền Hòa thượng. Trong khoảng gần hai chục năm trở lại đây, qua một số bài nghiên cứu, các khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Phật học, các luận văn Thạc sĩ Phật học, Thạc sĩ Sử học[1], Tiến sĩ Hán Nôm[2] đã chứng minh rằng Sa-môn An Thiền và Hòa thượng Phúc Điền đều là danh xưng của mt người. Qua đó, hành trạng của Hòa thượng Phúc Điền được biết đến như sau:

Hòa thượng An Thiền - Phúc Điền sinh vào tháng 7 năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng năm 45 (1784) dưới đời vua Lê Hiển Tông, thế danh không rõ, nhưng được biết thân phụ của ngài họ Vũ và thân mẫu của ngài họ Lê; ngài là người thôn Trường Thịnh, xã Bạch Sam, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Năm 12 tuổi (1795), ngài xuất gia học đạo với Thiền sư Viên Quang Hải Tiềm tại chùa Đại Bi (chùa Sét). Sau khi sư Hải Tiềm viên tịch, ngài sang chùa Phúc Thung [ngày nay là chùa Nam Dư hạ tại phường Trần Phú, TP Hà Nội] cầu thọ giới Sa-di với Hòa thượng Từ Phong Hải Quýnh, lúc đó ngài được 15 tuổi (1798). Hòa thượng Hải Quýnh ban cho ngài pháp danh Tịch Tịch. Năm 20 tuổi (1803, năm thứ hai đời vua Gia Long), ngài sang chùa Pháp Vân xã Phú Ninh cầu Tổ Từ Quang Tịch Giảng xin được thế pháp, thọ Tỳ-kheo Bồ-tát giới và được ban pháp danh An Thiền. 

Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), bấy giờ đã 51 tuổi, ngài vào kinh đô Huế dự kỳ sát hạch Tăng sĩ, được triều đình ban giới đao và độ điệp, lúc này ngài được tặng sắc hiệu Phúc Điền Hòa thượng. Trong lúc ở Huế, ngài đã bỏ nhiều thời gian đến viếng thăm, tìm hiểu các ngôi chùa ở miền Trung và miền Nam, thu thập được nhiều tư liệu về tình hình Phật giáo đương thời. Cũng chính trong thời gian này, một số Nho sĩ tại đây đã thụ giáo ở ngài, nhận là tục gia đệ tử. Những vị này đã chịu ảnh hưởng tư tưởng của ngài để sau này hết lòng giúp ngài trong việc trước tác, dịch thuật và ấn loát các tác phẩm Phật giáo.

Sau khi trở về Bắc, ngài tích cực tham gia vào các hoạt động tu bổ chùa chiền, thu thập tài liệu lịch sử, biên soạn dịch giải ấn loát kinh sách, giáo hóa đồ chúng. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), ngài được mời về trùng tu và trụ trì chùa Đại Giác xã Bồ Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc thôn Bồ Sơn, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Công việc của ngài được thuận lợi nhờ sau đó, vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), một vị đại thần triều Nguyễn là Nguyễn Đăng Giai được bổ về làm Tổng đốc Ninh Thái (Bc Ninh và Thái Nguyên); vị này là một nhà Nho mộ Phật từng biết đến ngài khi ngài còn ở Huế nên đã hết lòng ủng hộ ngài. Tại đây, ngài bắt đầu biên soạn và ấn tống kinh sách.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ngài tu bổ chùa Phú Nhi, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây. Năm Tự Đức nguyên niên (1848), lại nhờ sự giúp đỡ của Nguyễn Đăng Giai, bấy giờ đã là Thượng thư bộ Hình kiêm Quốc sử quán Tổng tài, ngài đứng ra kiến tạo chùa Liên Trì huyện Thọ Xương, Hà Nội, có quy mô to lớn bậc nhất Hà thành lúc bấy giờ. Chùa Liên Trì sau đó cũng trở thành trung tâm ấn loát kinh sách. Hiện nay bên bờ hồ Hoàn Kiếm còn lại ngôi tháp Hòa Phong, vốn là di tích của chùa Liên Trì. Năm Tự Đức thứ 7 (1854), nhận lời mời của Sư tổ Phổ Minh, ngài sang kế tục trụ trì chùa Liên Phái, tích cực khuyến hóa thập phương trùng tu chùa. Đây cũng là nơi ngài sống những ngày cuối đời mình. Ngài viên tịch năm Tự Đức thứ 16 (1863), thọ 80 tuổi.

Từ khi xuất gia cho đến lúc viên tịch, gần 70 năm, ngài đã đi nhiều nơi, đến nhiều chùa. Hầu hết các chùa ở đồng bằng Bắc Bộ đều in dấu chân của ngài. Đến đâu, ngài cũng nghĩ cách tu tạo chùa tháp, phân phát kinh sách, giảng giải thiền điển, đào tạo Tăng Ni; trong đó, đóng góp lớn nhất phải kể đến hệ thống tư liệu Phật giáo Việt Nam do chính ngài thu thập, sưu tầm và biên tập.

Ngài viết rất nhiều sách và sách của ngài thuộc nhiều thể loại khác nhau. Hoạt động của ngài cho thầy ngài có thiên hướng lịch sử và giáo dục. Những trước tác của ngài cũng như những tài liệu ngài công bố đều có giá trị thiết thực trong việc khuyến khích lòng từ bi, gợi lòng khao khát hiểu biết về những người đi trước và noi theo tiền nhân.    

Bàn về tư tưởng của Thiền sư Phúc Điền, trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam (1988) của Viện Triết học có nhận xét: “Phúc Điền không bàn nhiều đến tư tưởng, nhưng qua tác phẩm của ông, ta vẫn thấy tinh thần tư tưởng của ông. Đó là tinh thần dung hợp, tinh thần thừa nhận tất cả các quan điểm của các học thuyết, các tôn giáo, các tông phái, bất luận là chúng có thực như thế nào” và “tinh thần dung hợp của Phúc Điền còn thể hiện trong việc chấp nhận cả Thiền, Tịnh, Mật, không phân biệt đối xử, chỗ nào sử dụng Phật phái nào có lợi thì sử dụng, không nề hà”[3].

Trong Luận văn Thạc sĩ năm 1988 “Tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam qua bản Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền” của Thích Minh Tâm, tác giả nhấn mạnh đến việc lúc sinh thời, “ngài Phúc Điền rất quan tâm đến việc đào tạo Tăng tài. Nhờ vào sự trợ duyên của Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, Hòa thượng cho xây dựng nhiều ngôi chùa lớn có quy mô hàng trăm gian vừa là nơi khắc in kinh sách để hoằng dương Chính pháp, vừa là nơi cho chư Tăng trong Sơn môn tu tập. Hòa thượng còn biên soạn hàng chục bộ sách dùng làm tài liệu học tập cho chư Tăng, đồng thời còn đứng ra tổ chức khắc ván in kinh ở các chùa Đại Giác, Đại Quang, Liên Trì Hải Hội, Liên Tông. Hiện nay trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và thư viện chùa Quán Sứ Hà Nội còn lưu giữ được 30 đầu sách được in ở các cơ sở in nêu trên”[4].

Cuối đời, ngài có để lại một bài kệ như là một tổng kết về cuộc đời và tư tưởng của mình: “Các thuyết trần ngộ nhập/ Dĩ ngộ hoạch viên thông/ Đạo ngoại nguyên vô đạo/ Không trung cánh bất không/ Vu kim truyền Chánh pháp/ Tụ tích diễn chân tông/ Dĩ vô sở đắc cố/ Bất tại cá ngôn trung.” (Các thuyết đều giải bày sự giác ngộ của mình/ Lấy giác ngộ để đạt tới sự viên thông/ Bên ngoài đạo thì vốn không có đạo/ Trong không thì càng không phải là không/ Như nay truyền bá Chánh pháp/ Là kéo dài chân tông tự ngày xưa/ Do vô mà thu được/ Không phải là ở lời nói).

2. Trước tác của An Thiền Phúc Điền

Như trên đã nói, Thiền sư Phúc Điền viết nhiều sách, những sách được ngài chủ trương ấn loát thuộc nhiều thể loại.

Lê Mạnh Thát trong Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 3 cho biết: Trong bài tựa Quốc âm tiểu luận viết ở đầu sách Khóa hư giải âm, chính ngài Phúc Điền đã ghi 34 bộ kinh sách Phật giáo do ngài dịch quốc âm và được một nhóm Trưởng lão lo liệu việc khắc bản ấn loát từ 1840 đến 1861, gồm: Kim cương kinh 1 quyển, Di Đà kinh 1 quyển, Quy Sơn cảnh sách 2 quyển, Sa-di sớ 2 quyển, Thiền lâm bảo huấn 4 quyển, Đại Đường Từ Ân xuất gia châm 1 thiên, Di Sơn đại sư phát nguyện văn 1 bài, Vân Thê đại sư phát nguyện văn 1 bài, Trúc song 3 quyển, Hộ pháp luận 1 quyển, Sưu tầm khắc in Khóa hư lục của Trần Thái Tông 3 quyển, Thái căn đàm 1 quyển, Tam giáo nhất nguyên 1 quyển, Nhân sinh nhất đán văn 1 bài, Bán điểm văn 1 bài, Hàn lâm sớ 1 quyển, Vương thị cảnh thế lương ngôn 1 thiên, Tân soạn Thích giáo chân ngôn 1 thiên, Tiên nho công luận 1 thiên, Thượng đường quốc ngữ 1 thiên, Phụng Phật Tổ đối liễu kỷ cú Hoa nghiêm phương san kinh 82 quyển, Giải hoặc thượng hạ 2 quyển, Tam giáo quản khuy Nho Thích Đạo 3 tập, Truyền đăng Phật Tổ 5 quyển, Phật Tổ thống chí, Cổ bản Phạn giáp 54 quyển, Kim vi phương sam 20 quyển, Tại gia tu trì, Đạo giáo nguyên lưu 2 quyển, Tiểu Du-già 1 quyển, Lễ thiên địa tướng tinh cập âm hồn bài vị 22 bài, Trùng khắc đại giới điệp 1 trương, Tân biên ngũ giới thập giới điệp 1 trương.

Lê Mạnh Thát cũng cho biết ông đã sưu tập được một số tác phẩm, trong đó có Đạo giáo nguyên lưu ba quyển, Tân tập tại gia nhật dạ tu trì nghi thức một quyển, Phóng sinh giới sát văn một tập, Tiểu Du-già, Hàn lâm sớ… Tất cả đều bằng Hán văn.

Hòa thượng đặc biệt quan tâm đến những bộ sách do người Việt Nam biên soạn, nên đã chú ý việc diễn giải sách Khóa hư lục của Hoàng đế Trần Thái Tông, sách Tam giáo nhất nguyên của Trạng nguyên Trịnh Tuệ đời Hậu Lê. Do số lượng tác phẩm của ngài đa dạng, ở đây sẽ giới thiệu hai tác phẩm là Thiền uyển truyền đăng lục Đạo giáo nguyên lưu, được giới nghiên cứu đánh giá là hai tác phẩm xuất sắc của ngài. 

(1). Sách Thiền uyển truyền đăng lục được Hòa thượng Phúc Điền biên tập tại chùa Liên Phái ở Hà Nội, gồm một bộ có tất cả 5 quyển: Quyển thượng còn có tên là Đại Nam Thiền uyển truyền đăng tập lục biên tập lại dựa vào Thiền uyển tập anh; ba quyển kế tiếp sao lại quyển Thiền uyển kế đăng lục của Thiền sư Như Sơn, còn quyển hạ có tên là Thiền uyển kế đăng lược lục do chính Phúc Điền biên soạn. Nội dung của sách Thiền uyển kế đăng lược lục trình bày khái quát lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, thuật truyện của ba vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, ghi chép tình hình Phật giáo đương thời, trong đó nhấn mạnh đến sự truyền thừa của hai phái Tào Động và Lâm Tế, chép lại truyện một số danh tăng của các đời trước cùng những hoạt động trùng tu, sửa sang chùa chiền của một số vua quan… Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Viện Triết học cho rằng  Thiền uyển kế đăng lược lục có giá trị như một cuốn lịch sử, giúp ích nhiều cho việc tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam trước đó cũng như tình hình sinh hoạt Phật giáo đương thời của nước ta”[5].

(2). Sách Đạo giáo nguyên lưu, còn được gọi là Tam giáo Quản khuy lục (theo bài Tựa do Nguyễn Đăng Giai viết) hay Tam giáo thông khảo (theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận) gồm ba quyển Thượng, Trung và Hạ, dày 549 trang, ngoài phần giải thích về nguồn gốc của ba tôn giáo Nho, Thích, Lão đang thịnh hành thời bấy giờ ra, sách còn là phần hướng dẫn người sơ cơ nhập đạo, học chữ Hán, học giáo lý. Là một vị thiền sư nên khi viết Đạo giáo nguyên lưu, ngài Phúc Điền tập trung vào tán dương công đức của Đức Phật, còn đạo Nho và đạo Lão chỉ là thứ yếu. Vì là các bài giảng được viết để phục vụ việc học tập trong lúc an cư của chư Tăng Ni đương thời, nội dung sách không được sắp xếp theo thứ tự thời gian hay chuyên mục nào; nhưng ngài Phúc Điền đã sử dụng nhiều tài liệu quý trong kinh điển đạo Phật cũng như kinh thư của Nho, Lão. Đặc biệt, ngài Phúc Điền có lập các bảng tra cứu ở cuối quyển Hạ cũng được xem là những tài liệu giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy và học tập chữ Hán, đặc biệt là các bản Phạn Hoa danh nghĩa, Bảng tra chữ khó, Bảng quốc âm. Đạo giáo nguyên lưu còn được coi là bộ sách nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam có niên đại sớm nhất mà chúng ta biết được. Hòa thượng Phúc Điền đã tập trung trình bày vấn đề Phật giáo du nhập vào Việt Nam bắt đầu từ thời Hùng Vương, đã sử dụng một hệ thống kinh Phật viết bằng chữ Hán, chữ Nôm hết sức phong phú, lần lượt giới thiệu về các tông phái chính truyền pháp ở Việt Nam. Qua sách này, ta thấy ngài Phúc Điền chủ trương Tam giáo nhất nguyên. Đạo giáo nguyên lưu được khắc in năm 1845 và đã được sử dụng làm sách giáo khoa trong các trường Phật học đương thời[6].

Có thể thấy Đạo giáo nguyên lưu là một đóng góp lớn cho lịch sử tư tưởng của người Việt từ thời lập quốc.

3. Tư tưởng và văn chương của ngài Phúc Điền

Qua việc tìm hiểu sơ lược hai tác phẩm quan trọng của ngài Phúc Điền, có thể thấy ngài là một nhà hoạt động, chú trọng việc giáo dục hàng hậu học. Điều này cũng dễ hiểu vì khi ngài bắt đầu có điều kiện để trước tác và ấn loát thì ngài đã 57 tuổi. Ngài trước tác với mục đích hoằng pháp và giáo dục, nhưng các trước tác còn lại của ngài hiện hầu hết được lưu trữ bằng Hán văn hoặc văn Nôm, chỉ có thể được phổ biến rộng rãi khi đã được dịch giải hoặc phiên âm, và đó là một nhu cầu cấp thiết để lớp hậu bối chúng ta có thể tiếp cận được tư tưởng và văn chương của ngài.

Nhìn chung, có thể thấy rằng ngài Phúc Điền đã tiếp thu tư tưởng Thiền học của các thiền sư Việt Nam đời trước, có khuynh hướng dung hợp mọi tư tưởng nhưng luôn luôn lấy các giá trị từ bi, trí tuệ, giải thoát của Phật giáo làm xương sống.

Xét về thời đại, ngài Phúc Điền đã trưởng thành trong loạn lạc. Năm 1795, khi ngài bắt đầu cuộc sống tu tập thì triều đình Tây Sơn ở Phú Xuân đang rối ren cực độ, chỉ vài năm sau đã phải nhường vai trò lãnh đạo cho triều Nguyễn. Ngài thực sự trở thành một vị Tỳ-kheo vào lúc vua Gia Long mới trị vì được hai năm. Mặc dù vua Gia Long tích cực ủng hộ Phật giáo, nhưng trong đời vua Gia Long ngay tại Huế, Phật giáo mới chỉ được coi là bắt đầu phục hồi chứ chưa thể nói đến phát triển; huống chi ngài Phúc Điền lại tu tập và hành đạo ở Bắc Hà.

Năm 1835, khi ngài Phúc Điền vào Phú Xuân dự kỳ khảo hạch Tăng sĩ thì ngài cũng đã 52 tuổi. Ở tuổi đó, chấp nhận cuộc khảo hạch tại một nơi xa và thành công để được nhìn nhận là một vị Tăng có thẩm quyền hành đạo, giáo giới, truyền pháp… ngài Phúc Điền phải có một chí hướng lớn lao trên con đường hướng dẫn chúng sinh đến chỗ an lạc giải thoát. Và công nghiệp của ngài trong suốt 28 năm còn lại từ lúc chính thức được cấp độ điệp đã chứng minh cho chí hướng ấy.

Hai mươi tám năm hành đạo của ngài Phúc Điền trải suốt ba đời vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Trong luận án Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng, tác giả Nguyễn Duy Phương có nhận xét “Giai đoạn này có rất ít tác phẩm nghiên cứu triết lý Phật học ra đời, phần lớn là các bộ sách có tính biên tập lại các tác phẩm cũ, hệ thống hóa tư liệu và khảo cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới. Về tư tưởng, quan điểm của các tác giả thời k này cũng không có sự đột phá hay đổi mới đáng kể nào, tựu trung vẫn là tinh thần dung hợp các quan điểm của các học thuyết Phật, Lão, Nho đã có từ nhiều thế k trước. Tăng sĩ là lực lượng chủ yếu biên soạn, khắc in kinh sách, chứ không thấy sự góp mặt của vua quan hay tầng lớp tri thức như các thời k trước. Điều đó đã phần nào phản ảnh sự trầm lắng trong đời sống học thuật của Phật giáo đương thời”. Nhận định này có thể chấp nhận được, nhưng về mặt tư tưởng, mặc dù chưa phát hiện những dẫn xuất rõ rệt, chúng ta cũng có thể cảm nhận rằng chính việc các tác phẩm như Đạo giáo nguyên lưuThiền uyển truyền đăng lục được lưu truyền trong các đạo tràng lớn thời bấy giờ đã góp phần tạo sự thăng hoa ở phong trào Chấn hưng Phật giáo vào thập niên 30 của thế kỷ XX.

Về mặt ngôn từ, chúng ta đọc lại nhận định của nhà Nho Nguyễn Đăng Giai, một vị trọng thần triều Nguyễn, viết trong bài tựa Đạo giáo nguyên lưu mà ông gọi là Tam giáo quản khuy lục rằng,Tuy lời lẽ không mạch lạc lắm, tuy văn lý không được đẹp đẽ lắm, nhưng trích lục quần thư, sưu tập chúng kiến làm thành một sách, hợp với các cuốn ghi về nhân quả, cũng đủ là tài liệu quan trọng dùng hàng ngày của hai tông phái Thiền, Tịnh… Sách này xứng đáng được những kẻ hiền giả nơi cửa Phật đón đọc, cũng xứng đáng là cuốn sách của các cư sĩ thiện tu”[7].

Như trên đã nói, ngài Phúc Điền trước tác với mục đích hoằng pháp và giáo dục, hẳn là ngài không chú trọng quá nhiều đến việc trau chuốt văn chương, nhất là như chúng ta đã biết, các tác phẩm của ngài có nhiều phần được gom góp lại từ những bài giảng trong các kỳ an cư, có thể văn phong của ngài thiếu tính nghệ thuật, nhưng hẳn đã làm lay động học giới Phật tử, nên đã được gìn giữ và truyền đến chúng ta.

Việc tìm hiểu về hành trạng, tư tưởng và văn chương của Hòa thượng Phúc Điền cho phép ta hình dung trước mắt một vị lão tăng suốt đời cặm cụi nghiên tầm kinh điển, miên mật hành trì với một chí nguyện lớn lao là đem những hiểu biết của mình đóng góp cho sự an lạc của chúng dân vừa mới bắt đầu ổn định cuộc sống sau bao nhiêu năm loạn lạc thì đã thấy ở chân trời những đe dọa một cuộc xâm lược mới, lần này là của một thế lực mới có sức mạnh của công nghệ mới, điều mà người Việt chưa từng có kinh nghiệm. Thái độ nhập thế của Hòa thượng Phúc Điền là hết sức cụ thể. Không nề hà tuổi tác. Ngài không từ nan bất kỳ công việc nào, đã tổ chức được cả một hệ thống ấn loát rộng khắp để phổ biến kinh sách nhà Phật, xây dựng được những giảng đường lớn để diễn giảng tư tưởng nhà Phật theo cái nhìn của Phật tử Việt Nam. 

Hẳn là chí nguyện và tư tưởng của ngài đã được ngài gói ghém trong mấy câu thơ của bài kệ Thị tịch mà chúng ta cần đọc lại thật kỹ. Bài kThị tịch của Thiền sư Phúc Điền như sau:

Các thuyết trần ngộ nhập

Dĩ ngộ hoạch viên thông

Đạo ngoại nguyên vô đạo

Không trung cánh bất không.

Vu kim truyền Chánh pháp

Tụ tích diễn chân tông.

Dĩ vô sở đắc cố

Bất tại cá ngôn trung.”

(Các thuyết đều giải bày sự giác ngộ của mình/ Lấy giác ngộ để đạt tới sự viên thông/ Bên ngoài đạo thì vốn không có đạo/ Trong không thì càng không phải là không/ Như nay truyền bá Chánh pháp/ Là kéo dài chân tông tự ngày xưa/ Do vô mà thu được/ Không phải là ở lời nói).

Vấn đề của chúng ta là vẫn phải làm thế nào để thực sự tiếp cận được với tư tưởng của ngài.

Tóm lại, qua trình bày về hành trạng cùng giới thiệu những trước tác, có thể khẳng định Thiền sư An Thiền - Phúc Điền là một danh tăng Việt Nam thế kỷ XIX, là một bậc tùng lâm thạch trụ của Phật giáo Việt Nam triều Nguyễn. Chính nhờ giới hạnh và uy đức của ngài nên triều đình nhà Nguyễn mới ban giới đao độ điệp và ban tặng sắc hiệu Phúc Điền Hòa thượng.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Tuấn Cường (Thích Minh Nghiêm) (2016).Nghiên cứu tác phẩm Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền”. Luận án Tiến sĩ Hán Nôm, Học viện KHXH, Hà Nội.

2. Nguyễn Lang (1994). Việt Nam Phật giáo sử luận. 3 tập. Hà Nội: Văn Học tái bản.

3. Nguyễn Công Lý (cb), Nguyễn Công Thanh Dung (2022). Văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn: diện mạo, thành tựu, đặc điểm, tác gia tiêu biểu. Hà Nội: Khoa học Xã hội.

4. Nguyễn Duy Phương (2019). Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng. Luận án Tiến sĩ Sử học.

5. Thích Minh Tâm (1988).Tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam qua bản Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền. Luận văn Thạc sĩ Triết học.

6. Lê Mạnh Thát trong Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập 3. TP.HCM: TP.HCM.

7. Nguyễn Tài Thư (cb, 1988). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Hà Nội: Viện Triết học xuất bản.

8. Viện Sử học (1976). Lịch sử Việt Nam tập 1, tập 2. Hà Nội: Khoa học Xã hội.

 

 

 

 

 



[1] Xem Thích Minh Tâm (1988), “Tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam qua bản Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền”, luận văn Thạc sĩ Sử học.

[2] Nguyễn Tuấn Cường (pháp danh Thích Minh Nghiêm) (2016) “Nghiên cứu tác phẩm Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền”, luận án Tiến sĩ Hán Nôm, Học viện KHXH, Hà Nội.

[3] Nguyễn Tài Thư chủ biên. 1988. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Viện Triết học xuất bản. Hà Nội.

[4] Thích Minh Tâm. 1988. “Tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam qua bản Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền”. Luận văn Thạc sĩ Sử học. Hà Nội.

[5] Nguyễn Tài Thư chủ biên. 1988. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Viện Triết học xuất bản. Hà Nội.

[6] Xem Nguyễn Tuấn Cường (pháp danh Thích Minh Nghiêm) (2016) “Nghiên cứu tác phẩm Đạo giáo nguyên lưu của Hòa thượng Phúc Điền”, luận án Tiến sĩ Hán Nôm, Học viện KHXH, Hà Nội.

 

[7] Dẫn lai: Xem Nguyễn Duy Phương (2019), “Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng”, luận án Tiến sĩ Sử học.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác