Điều kiện nào cho chữ Hiếu?

dieu kien nao

Điều kiện nào cho chữ Hiếu?

Khi cha mẹ đối xử bất công

Có câu chuyện kể rằng một cô gái trong thành phố (xin không nêu tên) không muốn chăm sóc người cha già ngay cả khi ông bị bệnh và không thể tự chăm sóc bản thân, cô nói rằng cô hoàn toàn do một mình mẹ nuôi nấng, bố không những không là nơi nương tựa che mưa che nắng cho cô mà còn mang lại muôn vàn đau khổ và tủi hổ. Mọi chuyện bắt đầu từ thời trẻ của bố cô khi ông là “người đàn ông phong lưu”, dù đã có vợ con nhưng lại đèo bòng các cô gái khác, hất hủi mẹ con cô. Cô đã mất đi sự tôn trọng và tình yêu dành cho bố. Mẹ cô đã nói chuyện nghiêm túc, hy vọng ông bố kiềm chế bản thân và ông đã hứa hẹn đủ kiểu nhưng vẫn chứng nào tật đó. Cuối cùng, bà đành lựa chọn ly hôn, từ đó sống một mình với con gái. Và rồi đến một ngày cô gái thẳng thừng từ chối phụng dưỡng cha già vì quá khứ “phong lưu” không thể tha thứ được - dù cô sở hữu nhiều cửa hàng bán đồ nội thất trong thành phố, cùng mẹ sống sung túc còn ông bố bị tai biến mạch máu não cách đây 5 năm, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, hàng ngày chỉ có thể ăn cháo và dưa muối, nếu không có hàng xóm đến cứu giúp thì ông đã không qua khỏi. Hầu hết hàng xóm đều không biết về câu chuyện năm xưa. Mà trong con mắt của họ, cô gái không đáng làm con. Họ đã giúp ông tìm đến cửa hàng của cô để hy vọng cô đoái hoài. Thế mà cô không nhượng bộ, thẳng thừng nói: "Tôi không có bố". Mọi người đều khuyên cô mỗi tháng chu cấp 8-9 triệu đồng. Nhưng cô vẫn từ chối.[1]

Công thức báo hiếu phải chăng là 2 dấu ++, tức là cha tận tụy và mẹ hy sinh, còn nếu một trong hai người không tốt (+- hay -+) thì… từ chối báo hiếu tương ứng; nếu cả hai không tốt (- -) thì miễn bàn.

Có người viết: “Oán giận vì những đối xử bất công của mẹ trong quá khứ, tôi chỉ gửi tiền về cho xong trách nhiệm. Tôi có cùng hoàn cảnh bị cha mẹ đối xử bất công nên rất hiếu cảm giác này. Lúc trước, tôi cũng cảm thấy căm ghét những ai nói với mình câu ‘công ơn cha mẹ như trời cao biển rộng’ hay ‘cha mẹ đánh con nhưng lòng đau như cắt’. Suốt những năm thơ ấu, tôi không thể hiểu được câu nói đó và cũng không hiểu họ sinh tôi ra làm gì? Rồi tôi cũng lớn lên và rời khỏi nhà. Tôi vẫn làm tròn một phần trách nhiệm của người con là gửi tiền cho mẹ hàng tháng. Nhưng tất cả những gì tôi làm chỉ là vì nghĩa vụ, ngoài ra tôi không hề biểu lộ tình thương do những tổn thương từ thời thơ ấu đã tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ của tôi và mẹ.”[2]

Chúng ta phải hiểu mọi thứ đều có nhân duyên. Đều do nghiệp lực thiện ác mình đã gây tạo trong đời. Có vô số duyên không tốt làm nhân để cho cái quả nghịch xảy ra. Tùy nhân tùy duyên mà thuận và nghịch đan xen. Có khi cha mẹ không thương yêu đùm bọc mà con vẫn hiếu thuận; hoặc có khi dù cha mẹ thương yêu đùm bọc mà con lại không hiếu thuận; tệ hơn là con không hiếu thuận mà cha mẹ cũng không có sự đùm bọc thương yêu, v.v.

Cần điều kiện để thực hiện hiếu hạnh?

Thế nên dù chúng ta hiểu rằng đạo hiếu như trong nhiều bài viết trước đây chúng tôi đã nói rõ là phi thời gian, phổ quát và vô điều kiện thì cũng phải hiểu nó đòi hỏi từ hai phía. Cha mẹ phải yêu thương những đứa con của mình - cả những đứa trẻ tật nguyền, tự kỷ, down, chậm phát triển…- bằng hay thậm chí nhiều hơn những đứa con bình thường vì chúng sinh ra với một cơ thể hay tâm hồn bất toàn, để chúng có thể lớn lên trong yêu thương và đủ trí khôn để đáp đền chữ hiếu như những đứa con khác. Một người bạn tôi, BS Đỗ Hồng Ngọc có lần nói: “Cha mẹ đừng bắt các con phải báo hiếu khi lớn lên vì ngay khi sinh ra nó đã báo hiếu bằng cách đem lại cho chúng ta niềm vui mỗi ngày khi được chơi, đùa nhìn ngắm nó”.

Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong số ít đệ tử xuất chúng của Ðức Phật, có thần thông đệ nhất. Khi tưởng nhớ tới người mẹ đã qua đời của mình, ngài dùng thần thông quan sát "bốn phương tám hướng" và thấy mẹ đang chịu cảnh tội đồ, thân thể gầy héo, khổ đau. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác mẹ đã gây nên, ngài vẫn không khỏi thương xót và tìm mọi cách cứu mẹ khỏi cảnh khổ dưới âm ty. Nếu ngài cho rằng mẹ phải trả quả cho những gì bà đã gây ra thì cũng… công bằng sao?

Có người đã suy nghĩ lại, ân hận khi cha mẹ qua đời. Ngay nhiều độc giả VnExpress khi được thăm dò ý kiến cũng khẳng định việc con cái lấy oán hận để trả lại những bất công mà cha mẹ gây ra không bao giờ là điều đúng đắn:

Ngay người viết những đoạn văn nói trên sau này cũng suy nghĩ lại: “Mẹ tôi đã qua đời đầu năm nay. Tôi vô cùng đau xót và hối hận. Tôi ước gì mình đã bao dung hơn và ghi nhận những gì tôi đã nhận được từ mẹ. Ít ra tôi cũng được ăn học và lớn lên đàng hoàng. Ít ra khi tôi bệnh, lúc tôi còn nhỏ mẹ cũng đã chăm sóc. Nếu không thì làm sao tôi có thể lớn lên được như ngày hôm nay? Nhưng khi mẹ còn sống, những oán giận đó đã chiếm hết tâm trí, tôi không thể quên những bất công và đòn roi đã phải nhận trong quá khứ.”[3]

Phải ước gì mình bao dung hơn! Bạn thử một lần lấy giấy bút ra và ghi lại những gì đã nhận được từ cha mẹ trước khi quyết định sẽ cắt đứt quan hệ với họ. Tôi hy vọng các bạn sẽ có suy nghĩ đúng đắn để đừng bao giờ phải hối tiếc vì quyết định của mình. Nếu bạn cắt đứt quan hệ với cha mẹ, bạn có áy náy về việc mang tiếng là bất hiếu không, chưa kể con cái bạn sẽ đối xử với bạn như cách bạn đối xử với ba mẹ.

Công sinh thành và dưỡng dục, dù ít hay nhiều, liệu bạn đã trả hết chưa? Một người có học và tâm rộng lớn sẽ thấy mình được may mắn hơn rất nhiều người khác. Chỉ những người ích kỷ, nhỏ nhen và vô ơn mới có suy nghĩ từ bỏ cha mẹ đã sinh ra mình. Có độc giả viết: “Ba tôi cũng là người trọng nam khinh nữ, từng nói thẳng với tôi rằng toàn bộ tài sản chỉ để cho con trai (anh tôi), bởi tôi là nữ, không phải người nối dõi tông đường... (lúc tôi 13 tuổi). Nghe điều đó, tôi cũng rất buồn, nhưng sau đó mọi việc tôi đều tự lực, thành công là sự nỗ lực của bản thân. Gần 20 năm nay, tôi là người lo hết mọi việc cho cha mẹ, vẫn vui vẻ báo hiếu, lòng thanh thản, cũng chẳng oán giận ai bao giờ... Hiện tại, tôi lo tất tần tật cho cha mẹ (họ đã trên 90 tuổi). Tôi nổi tiếng là người con có hiếu, con dâu hiền thảo, người mẹ hy sinh... Bây giờ, tôi sống thanh thản, vui vẻ tuổi xế chiều. Tôi không ủng hộ cha mẹ đối xử không công bằng với con cái nhưng cũng không đồng tình với việc con cái lấy bất hiểu để trả nợ bố mẹ. Vì tôi tin chẳng có cha mẹ nào hoàn hảo cả. Ai cũng có khuyết điểm mà thôi. Nếu cha mẹ nào cũng có khuyết điểm, vậy con cái chúng ta đều lìa bỏ hết hay sao? Nếu bạn thấy "muốn sống", bạn sẽ phải cảm ơn họ trước hết vì đã "cho bạn vào đời" và để bạn được sống. Cái ơn này bạn trả cách nào cũng không hết.”[4]

 Đạo hiếu: nền tảng của mọi nền văn hóa

Trở lại với những tính chất của đạo hiếu, chúng ta phải thấy rằng đó là nền tảng của mọi nền văn hóa. Kinh Thi, một trong những bản kinh cổ xưa của Nho giáo đã không ngần ngại tuyên ngôn “Hiếu đạo” là cơ sở thiết lập, mở đầu văn hóa tình người một cách thiết thực mà ai cũng có thể cảm nhận: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ sinh ta khó nhọc, muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời cao không lường).

Thế nên, Khổng Tử từng nói: “Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế đến là thờ vua giúp nước và sau cùng là lập thân”. Đó chính là suối nguồn văn hóa mà mỗi cá nhân hiện hữu ở cõi đời này đều khát khao thực thi. Lịch sử thường minh chứng như thế, một người được tiếp nhận nguồn giáo dục khởi đầu bằng sự hiếu thảo với mẹ cha khi ở nhà, cũng có thể là người nỗ lực đóng góp cho đất nước. Và như thế, đây chính là mẫu người trung hiếu lưỡng toàn của mỗi gia đình, của mỗi quốc gia dân tộc.

Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, sữa mẹ mà các ngươi đã uống trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài nhiều hơn nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao đếm được. Vì vô minh che đậy, vì tham ái trói buộc, tất cả các nghiệp hành của chúng sinh”. Trong vòng luân hồi sinh tử đó, chúng ta thọ ơn cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, tính không thể hết. Thế nên chúng ta hiểu nhân duyên giữa cha mẹ và con cái kéo dài nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta thọ nhận ân đức đầu tiên, là thân này sinh ra nhờ “duyên” cha mẹ. Như đã nói ở trên, con trẻ là hy vọng, là hạnh phúc của đấng sinh thành. Cha mẹ nào cũng lo lắng, đùm bọc, yêu thương và buồn rầu khi con đau yếu, nhưng không bao giờ khởi niệm than van, oán trách. Con vui cha mẹ vui. Con buồn cha mẹ cũng buồn. Rồi cứ thế theo dõi con lớn lên từng ngày cho đến khi dựng vợ gả chồng rồi sau đó đến đời cháu cũng vẫn lo toan.

Thế nhưng có khi do nhân bất thiện quá khứ mà có cái quả trái ý trong hiện tại. Nhưng theo giáo lý Phật, nếu ta hiểu về nhân quả, tỉnh giác làm chủ hay “tịnh hóa” thân, khẩu, ý nghiệp của mình, thì vẫn có thể chuyển được nghiệp của cả con cái và cha mẹ. Chính vì chỗ này, ta hiểu nghiệp không phải là định mệnh. Phật dạy tu tập biết nhân quả để mà định tâm. Nó là nguyên nhân giúp ta không bị cuốn vào dòng xoáy buồn vui thương ghét vì những nghịch cảnh. Nhờ đó mới thay đổi được những gì cần hay phải thay đổi.

 Cho nên, Phật dạy cần phải hiểu biết nhân quả để luôn tỉnh giác. Muốn thoát khỏi vòng oan nghiệt khi mọi chuyện không thuận duyên: con cái bất hiếu hay cha mẹ thiếu trách nhiệm thì không chỉ buồn phiền trách móc là giải quyết được vì Phật giáo không nhìn cha mẹ hay con cái dưới hình ảnh quyền lực hay tôn ty phải tuân thủ mà dưới lăng kính từ bi. Hình ảnh rõ nhất là Mục Kiền Liên sau khi đắc thần thông, ngài nghĩ ngay đến việc cứu mẹ.  Nếu cha mẹ làm sai thì sao? Theo Luận ngữ, “Thờ cha mẹ nên nhỏ nhẹ khuyên can, nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm, tuy khó nhọc, lo buồn, song không được oán hận” (IV.18). Trong Lễ ký, Không Tử vẫn luôn cho rằng vâng lời cha mẹ là nguyên tắc tối hậu của chữ hiếu, cho dù khuyên răn không được. Vậy nếu cha mẹ sai quấy thì con cái cứ phải phục tùng (!).

Giáo lý nhà Phật thì không như vậy, được thể hiện bằng quan niệm đạo hiếu của người Việt từ xưa có nét đặc thù riêng như được đề cập trong Lục độ tập kinh: Hiếu không phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ vượt qua sai lầm, giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, như thế là đứng đầu của trăm hạnh.

 Hơn nữa, một nguyên lý quan trọng trong giáo lý nhà Phật là nghiệp lực. Tôn giả Mục Kiền Liên, dù thần thông đệ nhất, cũng không thể biến chén than hồng mẹ đang ăn trở lại thành cơm được! Thế nên tốt nhất vẫn là không tạo nghiệp ác. Chữ hiếu của Khổng giáo gắn liền với chữ trung - ngày xưa là trung với vua, với triều đại trị vì, còn chữ hiếu của nhà Phật chính là lòng từ bi ở cấp độ đầu tiên, vì một người không chia sẻ yêu thương với cha mẹ mình thì không thể yêu ai khác được. Đức Phật từng dạy các vị Tỷ-kheo: “Một vị Tỷ-kheo nghỉ dưới một bóng cây vào buổi trưa hè nóng bức, khi rời bóng cây ra đi cũng phải nhớ ơn bóng cây đó đã che mát cho mình”. Hiếu đạo là chân lý thuộc về tục đế. Đông phương hay Tây phương đều như nhau. Bill Gates, người sáng lập Microsoft đã có lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Chance của Ý, được người phóng viên hỏi: "Ngài cho rằng điều gì trong nhân sinh không thể chần chừ nhất?"

Tưởng rằng sẽ được chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh, nhưng người phóng viên không ngờ lại nhận được câu trả lời: "Sự việc mà con người không được phép chần chừ, không gì khác ngoài việc kính hiếu với cha mẹ".

Chúng ta phải thấy mình may mắn là vẫn có khả năng xoay chuyển nghiệp của mình. Hiểu mọi chuyện dưới lăng kính nhân duyên và tin vào nguyên lý nhân quả mà Phật đã dạy. Định tâm và quán chiếu lòng mình để hiểu và thoát ra dòng nghiệp lực một cách chủ động và tự giác. Như vậy, bản chất của hiếu là từ bi, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất như Hiếu kinh mà còn phải đánh thức Tứ vô lượng tâm trong cha mẹ nếu như ta không may làm con những người thiếu đức. Cha mẹ có bổn phận tuyệt đối với con cái và con cái đối với cha mẹ cũng vậy.

Gìn giữ đạo hiếu là gìn giữ cương thường trong mối quan hệ cha - mẹ - con, rộng hơn nữa là giữa các thế hệ và giữa các phần tử trong xã hội. Có những tế bào yêu thương là gia đình và hiểu bản chất của hiếu đễ như đã nói ở trên là từ bi, xã hội nhân ái sẽ vững mạnh vì những đứa con hiếu thảo chắc chắn sẽ là những công dân yêu cộng đồng và tổ quốc. Thế nên đạo hiếu chính là cương thường của muôn đời và nó vô điều kiện, phi thời gian và phổ quát.

Nguyên Cẩn

 


 

[1] https://phunuvietnam.vn/con-gai-thang-thung-tu-choi-phung-duong-cha-gia-bi-tai-bien-vi-qua-khu-khong-the-tha-thu-20230627164842439.htm

[2] https://vnexpress.net/khi-con-cai-lay-bat-hieu-de-tra-no-bat-cong-cua-cha-me-4168386.html

[3] Nguồn đã dẫn.

[4] https://vnexpress.net/khi-con-cai-lay-bat-hieu-de-tra-no-bat-cong-cua-cha-me-4168386.html

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác