Hiếu đạo trong Phật giáo: Lời dạy và thực hành

HIEU DAO

HIẾU ĐẠO TRONG PHẬT GIÁO: LỜI DẠY VÀ THỰC HÀNH

Quảng Hưng – Nguyên Hiệp dịch

Một số học giả Phật giáo, chẳng hạn như Kenneth Ch'en, đã cho rằng việc đề cao hiếu đạo ở trong Phật giáo là một đặc điểm của Phật giáo Trung Quốc, như một phản ứng đối với văn hóa Trung Quốc.[1] Nhưng những người khác, trong số đó có John Strong và Gregory Schopen, đã chỉ ra rằng hiếu đạo cũng được nhấn mạnh trong Phật giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, Strong khẳng định rằng đó là “một sự thỏa hiệp của Phật giáo với đạo đức Bà-la-môn về hiếu đạo ở cấp độ đại chúng”;[2] còn Schopen, người chủ yếu sử dụng tư liệu văn khắc Phật giáo Ấn Độ trong nghiên cứu của mình, lại cho rằng đã không thể tìm thấy sự ủng hộ rõ ràng từ các văn bản Phật giáo sơ kỳ.[3]

Trong bài viết này, ngang qua việc phân tích các nguồn Phật giáo sơ kỳ, các bộ Nikāya và A-hàm, tôi chứng minh rằng việc thực hành hiếu đạo được xem là thiện nghiệp quan trọng ở trong những lời dạy đạo đức của Phật giáo từ buổi đầu.[4] Trong thực tế, Đức Phật khuyên mọi người nên tôn kính cha mẹ như Phạm thiên, vị thần tối cao và là đấng sáng tạo ra con người ở trong Ấn Độ giáo, vì cha mẹ đã làm rất nhiều cho con cái. Do đó, Phật giáo dạy tín đồ của mình phải báo đáp công ơn cha mẹ bằng cách phụng dưỡng và kính trọng họ, những việc làm được xem là quan trọng nhất trong tất cả những việc làm phước thiện. Ngoài ra, theo giáo lý nghiệp của Phật giáo, giết mẹ và giết cha được xem là hai trong năm ác nghiệp nặng nhất, và quả báo là tái sinh vào địa ngục. Phật giáo Đại thừa đã phát triển thêm tư tưởng hiếu đạo và hình thành nên giáo lý tứ trọng: ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân đất nước và ân Tam bảo. Giáo lý này rất phổ biến ở trong Phật giáo Trung Quốc và truyền sang các nước Đông Á khác.

Tôi sẽ bắt đầu với việc phân tích các nguồn văn bản dạy về hiếu đạo ở trong Phật giáo sơ kỳ và lập luận rằng hiếu đạo là một trong những khía cạnh quan trọng của đạo đức Phật giáo sơ kỳ. Sau đó, tôi sẽ thảo luận về hiếu đạo trong Phật giáo Đại thừa, tập trung vào Trung Quốc, bởi vì hiếu đạo đã được dạy và thực hành đặc biệt ở đó. Tôi cũng sẽ bổ sung cho những luận cứ của mình những phát hiện từ các nghiên cứu về nghệ thuật, khảo cổ học và thậm chí cả các lễ hội dân gian. Mặc dù một số học giả hiện đại có thể nghĩ rằng bởi vì có nhiều thực hành khác nhau ở trong Phật giáo, nên kinh điển và sách vở có một vai trò hạn chế; nhưng với tư cách là một học giả về văn bản, tôi nhận thấy rằng kinh điển đã đóng - và vẫn đóng - một vai trò quan trọng trong Phật giáo, như đã được chứng minh bởi các hội nghị kết tập kinh điển mà ở đó các Tăng sĩ đã tụng đọc lại các bản kinh.

Hiếu đạo trong Phật giáo sơ kỳ

Trong những tuyển tập văn học Phật giáo sớm nhất, các bộ Nikāya Pāli và các bộ A-hàm Hán ngữ, hiếu được giảng dạy và thực hành theo ba cách: thứ nhất, như một cách thức báo đáp công ơn cha mẹ; thứ hai, như một việc làm đạo đức quan trọng, là thiện nghiệp; và thứ ba, như một phần của pháp (dharma), trật tự xã hội.[5] Ở phân loại đầu, báo đáp công ơn cha mẹ, có ba bản kinh đặc biệt tập trung vào hiếu đạo, và do đó cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này.

Ba bản kinh nói về hiếu

Bản kinh đầu tiên, và cũng quan trọng nhất, nói về hiếu đạo là kinh Biết ơn  (Kataññu Sutta). Bản kinh này ngắn nên có thể trích dẫn toàn bộ ra đây:

Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt một trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cho có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.

Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, an trú, hướng dẫn các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.[6]

Đây là một bản kinh nói về hiếu đạo, và nó được trích dẫn bởi nhiều bản văn từ các tông phái và truyền thống Phật giáo khác nhau được phát triển về sau. Điều này cho thấy hiếu đạo là một vấn đề được Phật giáo quan tâm ngay từ buổi đầu, và được tiếp tục với sự nhấn mạnh ngay cả trong Phật giáo Ấn Độ sau khi Phật giáo Đại thừa sinh khởi thừ thế kỷ I TL. Bản kinh này nhấn mạnh lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ cũng như việc khó đáp đền được công ơn cha mẹ chỉ bằng cách cung cấp vật chất hay thể hiện sự kính trọng đối với họ vì cha mẹ đã làm rất nhiều cho con cái. Thay vào đó, có bốn cách đền đáp công ơn cha mẹ được khuyến nghị, mà tất cả đều đưa đến sự tiến bộ tâm linh: niềm tin, thiện giới, thực hành bố thí và phát triển trí tuệ. Bốn cách báo hiếu này được xem là con đường đưa đến một đời sống hạnh phúc ở đời này và đời sau, như được dạy trong kinh Dı̄ghajāṇu (Tăng chi bộ).[7] Niềm tin ở đây có nghĩa là tin vào Tam bảo; thiện giới có nghĩa là tuân thủ năm giới; bố thí có nghĩa là tránh sự keo kiệt và nên rộng lượng; và trí tuệ có nghĩa là thấy rõ các quy luật của con người và vũ trụ, nhận ra được bản chất thật của con người và vạn pháp. Bản kinh này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc hơn về giáo thuyết nghiệp của Phật giáo, đó là chỉ khi cha mẹ làm việc thiện thì họ mới có thể thọ hưởng kết quả của những việc làm tốt của họ ở nơi thế giới này và đời sau. Nói cách khác, việc giúp cha mẹ tiến bộ về tâm linh như một cách để đền đáp công ơn được xem là quan trọng hơn nhiều so với việc giúp đỡ cha mẹ về mặt vật chất. Tuy nhiên, như tôi thảo luận dưới đây, điều này không có nghĩa rằng Phật giáo chỉ nhấn mạnh khía cạnh tâm linh trong việc thực hành hiếu đạo.

Bản kinh thứ hai nói về hiếu đạo đó là kinh Sabrahmā:

Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, ở đó con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, ở đó con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, ở đó con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.

Phạm thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.

Mẹ cha gọi Phạm thiên,

Bậc Ðạo sư thời trước,

Xứng đáng để con cháu,

Nuôi dưỡng và cúng dường.

Do vậy, bậc hiền triết,

Ðảnh lễ và tôn trọng,

Dâng đồ ăn đồ uống,

Vải mặc và giường nằm,

Thoa bóp cả thân mình,

Tắm rửa cả chân tay,

Với sở hành như vậy,

Ðối với mẹ và cha,

Ðời này người hiền khen,

Đời sau hưởng Thiên lạc.[8]

Ở câu thứ nhất, bản văn có một sự chơi chữ: báo hiếu cha mẹ, những người thật sự tạo ra bạn vì họ đã sinh ra bạn, thì tốt hơn là báo đáp Phạm thiên, đấng đã tạo ra con người theo giáo thuyết của Bà-la-môn giáo. Bản văn cũng nhấn mạnh tư tưởng rằng cha mẹ là người giáo dục con cái trong những năm đầu đời, và do đó cha mẹ có vai trò trong việc hình thành tính cách và khí chất của con cái. Đó là lý do tại sao cha mẹ được gọi là những người xứng đáng được cúng dường. Trong các phiên bản khác của bản kinh này, cha mẹ cũng được kính trọng như các bậc A-la-hán và chư Phật.[9] Trong Bà-la-môn giáo, mẹ, cha cùng với thầy giáo và khách nên được xem là thần linh, như được nói trong Taittirı̄ya Upanishad.[10]

Lời dạy về việc hiếu kính đối với cha mẹ trở nên rất quan trọng khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, nơi Nho giáo là hệ tư tưởng thống trị. Theo giáo lý Nho giáo, sự kính trọng của con cái đối với cha mẹ trong thực hành hiếu đạo được đề cao hơn nhiều so với việc hỗ trợ vật chất cho họ. Như Luận ngữ nói, “Ngày nay, thấy ai có thể nuôi dưỡng được cha mẹ thì người ta gọi là có hiếu. Nhưng đến như giống chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nếu không có lòng hiếu kính cha mẹ trong khi nuôi dưỡng, thì nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có gì khác nhau?”[11] Trong hoàn cảnh như vậy, bản kinh Sabrahmā này rất quan trọng ở chỗ nó cho người Trung Quốc thấy rằng Phật giáo cũng dạy con cái phải kính trọng cha mẹ của họ.

Bản kinh thứ ba là kinh Mahāyañña, ở đó một Bà-la-môn hỏi Đức Phật về một buổi tế lễ liên quan đến việc giết nhiều bò và các loài thú vật khác. Đức Phật mô tả, với thuật ngữ hiến tế, ba loại lửa nên được chăm sóc cẩn thận và thể hiện sự kính trọng, thay vì thờ phụng ngọn lửa thực sự. Ngọn lửa đầu tiên là mẹ và cha, là những người nên được tôn kính và chăm sóc vì họ xứng đáng được cúng dường; ngọn lửa thứ hai là vợ con, người làm công và những người phụ thuộc; và ngọn lửa thứ ba tượng trưng cho những Tăng sĩ chứng ngộ hay những người đã đoạn trừ những trạng thái tâm tiêu cực.[12] Đức Phật nói với vị Bà-la-môn rằng, “ba ngọn lửa này, khi được quý trọng, được tôn kính, tôn trọng, chắc hẳn sẽ mang lại hạnh phúc tốt nhất.”[13] Rõ ràng là thay vì thờ lửa và thực hiện tế lễ, Phật giáo khuyên mọi người nên tôn kính và phụng dưỡng cha mẹ, các thành viên trong gia đình và những người xuất gia, điều này được xem là có lợi ích và ý nghĩa hơn.

Do đó, Đức Phật khuyên hàng cư sĩ phải hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ bằng năm cách:

Có năm cách mà người con nên phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông. “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ thực hiện bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ tổ chức tang lễ khi cha mẹ qua đời”.[14]

Nghiệp và Hiếu

Trong khi ba bản kinh trên cho thấy rằng Phật giáo đề cao đạo lý biết ơn khi giảng dạy về hiếu đạo và do đó lòng kính trọng là điều quan trọng trong việc báo đáp công ơn cha mẹ, thì hiếu đạo cũng được thực hành như một việc làm đạo đức theo giáo lý nghiệp và kết quả của việc thực hành hiếu đạo là tái sinh vào một trong các cõi trời của Phật giáo.

Phước đức của việc phụng dưỡng cha mẹ được Đức Phật ca ngợi nhiều nơi trong các bản kinh sơ kỳ. Trong một bản kinh có thuật lại sự việc rằng, một thanh niên Bà-la-môn, phân vân về việc hỗ trợ mẹ của mình bằng thực phẩm mà mình khất thực được nên đã hỏi Đức Phật rằng liệu việc làm của ông có được phép đối với một Tăng sĩ hay không.[15] Theo truyền thống Ấn Độ, thực phẩm khất thực được từ các thí chủ chỉ dành cho người xuất gia. Đức Phật nói với ông rằng: “Này Bà-la-môn, khi làm như vậy ông đang thực hiện bổn phận của mình. Một người khất thực đúng pháp và theo đó phụng dưỡng cha mẹ của mình thì tạo ra nhiều phước đức.”[16] Sau đó, Đức Phật nói rằng việc làm như vậy được người trí khen ngợi và sẽ được tái sinh vào cõi trời sau khi qua đời.

Kinh Vatapada nói rằng phụng dưỡng cha mẹ là điều đầu tiên trong bảy thiện nghiệp mà Đế thích (Sakka) đã thực hiện khi ngài là một con người, và kết quả là, ngài được sinh lên cõi trời Phạm thiên và trở thành người đứng đầu của chư thiên.[17] Các việc thiện khác là kính trọng người lớn tuổi; nói lời ái ngữ, không nói ác ngữ, không nói vu khống; nói sự thật; và bố thí. Vấn đề quan trọng là rằng phụng dưỡng cha mẹ là việc làm đầu tiên trong bảy việc thiện. Trong Tăng nhất A-hàm có nói rằng cúng dường cha mẹ thì giống như cúng dường một vị Bồ-tát.[18]

Tầm quan trọng của hiếu đạo ở trong Phật giáo còn được thể hiện nơi năm tội trọng (ngũ nghịch tội). Theo giáo lý Phật giáo, có năm loại ác nghiệp nghiêm trọng nhất, và sát hại cha mẹ là hai trong số đó:

Có năm nghịch tội này, này các Tỷ-kheo, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không có thể chữa trị. Thế nào là năm? Ðoạt mạng mẹ, đoạt mạng cha, đoạt mạng vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, phá hòa hợp Tăng. Này các Tỷ-kheo, năm pháp ngũ nghịch này, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị.[19]

Theo đoạn kinh này, những ai đã phạm năm loại ác nghiệp này sẽ lập tức bị đọa vào địa ngục và chịu khổ đau cùng cực. Như vậy, rõ ràng rằng hiếu đạo chiếm một vị trí quan trọng trong đạo đức Phật giáo và việc phát triển đời sống tâm linh của người Phật tử.

Cùng với những việc làm phước đức khác, kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ cũng được xem là pháp (dharma) -  cách mà mọi thứ nên là, hay trật tự và hòa bình xã hội - ở trong kinh điển Phật giáo. Nếu cha mẹ không được kính trọng và phụng dưỡng, nhiều điều tồi tệ sẽ xảy ra. Tư tưởng này được tìm thấy ở nhiều nơi trong Tạp A-hàm, Trường A-hàm, Tăng nhất A-hàm Hán ngữ, cũng như Tăng chi bộ Pāli.

Những câu chuyện về thực hành hiếu đạo

Đức Phật không chỉ dạy hiếu đạo mà Ngài còn thực hành nó; điều này có thể tìm thấy trong kinh điển Phật giáo. Chúng ta có thể phân loại thành ba nhóm: (1) Những câu chuyện nói về việc Đức Phật đã thực hành hiếu đạo trong đời hiện tại; (2) Những câu chuyện nói về việc thực hành hiếu đạo của Ngài trong những kiếp trước; (3) Những câu chuyện nói về việc thực hành hiếu đạo của các đệ tử của Ngài.[20]

Có ba câu chuyện kể về việc Đức Phật thực hành hiếu đạo đối với mẹ của mình, hoàng hậu Mahāyāyana; và cha Ngài, vua Suddhodana; cùng di mẫu của Ngài, Mahāpajāpatı̄ Gotami. Theo truyền thống Phật giáo, hoàng hậu Mahāmayā qua đời và sinh lên cõi trời sau khi hạ sinh Bồ-tát. Sau giác ngộ vài năm, Đức Phật đã lên cung trời Đao Lợi (Tāvātimsa) để thuyết pháp cho mẹ.[21] Đây là một câu chuyện điển hình minh họa việc thực hành hiếu đạo của Đức Phật.

Ở một câu chuyện khác, theo truyền thống Theravāda của Nam và Đông Nam Á, Đức Phật đã nhiều lần trở về gặp phụ vương của Ngài là vua Suddhodana. Vào lần đầu, vua Suddhodana đã cử Kāludāyı̄ đến mời Đức Phật, và Ngài đã trở về thăm quê nhà Kapilavatthu. Sau đó, vào năm thứ năm sau giác ngộ, Đức Phật từ Vesāli trở về quê hương để gặp phụ vương trước khi ông qua đời và Ngài đã thuyết pháp cho ông. Theo truyền thống phương Bắc, Đức Phật đã trở về quê hương và dự tang lễ của phụ vương, và đây được xem như một cách thực hành hiếu đạo.[22] Điều này đặc biệt phù hợp với ngữ cảnh truyền thống Nho giáo Trung Quốc, ở đó dự tang lễ của cha mẹ là một phần của việc thực hành hiếu đạo. Không giống như truyền thống phương Tây, thực hành hiếu đạo ở cả hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc cũng như các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của hai truyền thống lớn này cũng bao gồm việc thờ cúng tổ tiên, và mọi người phải thờ cúng cha mẹ, ông bà của mình và thậm chí cả cửu huyền thất tổ.

Ở câu chuyện thứ ba, theo truyền thống Phật giáo, Mahāpajāpatı̄ Gotami, di mẫu của Đức Phật, người đã kết hôn với vua Suddhodana, đã nuôi dưỡng Thái tử Siddhartha sau khi hoàng hậu Mahāmāya qua đời. Mahāpajāpatı̄ Gotami xuất gia sau khi chồng bà qua đời và bà đã nhanh chóng chứng đắc Thánh quả. Theo học giả Phật giáo Reiko Ohnuma, việc Đức Phật cho phép Mahāpajāpatı̄ Gotami gia nhập Tăng đoàn là cách thực hành hiếu đạo của Ngài.[23] Khi Mahāpajāpatı̄ Gotami bị bệnh, không có vị Tỷ-kheo nào đến thăm và thuyết pháp cho bà vì điều đó trái với giới luật, nhưng chính Đức Phật đã đến thăm bà với lòng từ bi vô hạn và làm cho bà hoan hỷ bằng một bài pháp thoại. Và từ sự việc này, Đức Phật đã sửa đổi giới luật bằng cách cho phép các Tỷ-kheo thuyết pháp cho các Tỷ-kheo-ni.[24] Bản dịch Hán ngữ Phật thuyết Đại Ái Đạo bát-niết-bàn kinh của Bạch Pháp Tổ vào thời Tây Tấn (290-307) cũng kể câu chuyện về việc Mahāpajāpatı̄ Gotami đã qua đời như thế nào và Đức Phật đã đến nhận tro cốt của bà như một sự thực hành hiếu đạo.

Những câu chuyện kể về việc Đức Phật đã thực hành hiếu đạo trong những kiếp trước của Ngài được tìm thấy trong nhiều bộ kinh Phật giáo. Câu chuyện đầu tiên và quan trọng nhất là, trong một tiền kiếp, Đức Phật là một người con hiếu thảo có tên là Śyāma; Ngài đã phụng dưỡng cha mẹ mù lòa của mình, những người đã tu hành khổ hạnh khi về già.[25] Để hoàn thành mục đích của mình, Śyāma đã sống độc thân và hết lòng phụng dưỡng cha mẹ mà không có bất kỳ sự than phiền nào. Câu chuyện này rất phổ biến trong giới Phật giáo Ấn Độ và được tìm thấy nơi các bức phù điêu ở Gandhara được tạo tác vào thế kỷ II đến thế kỷ III trên cửa phía Tây của bảo tháp Sānchi; trong hang động số 2 và số 10 ở Ajanta, được tạo tác vào thế kỷ I.[26] Câu chuyện về Śyāma rất phổ biến ở Trung Quốc đến nỗi nó được đưa vào trong Nhị thập tứ hiếu của truyền thống Nho giáo.

Các đệ tử của Đức Phật cũng thực hành hiếu đạo, và câu chuyện nổi tiếng về việc Mục Kiền Liên (Maudgalyāyana) cứu mẹ mình khỏi địa ngục là một ví dụ điển hình nhất. Mục Kiền Liên, một trong những đại đệ tử của Đức Phật, khi quán sát thấy mẹ mình đang chịu khổ đau trong địa ngục do vì những nghiệp ác của bà, đã cố gắng cứu bà bằng thần thông của mình nhưng không thành công. Vì vậy, ngài đã thỉnh cầu Đức Phật giúp đỡ, và Đức Phật đã nói với ngài rằng chỉ có công đức của Tăng đoàn mới có thể cứu được mẹ của ngài. Vì vậy, Mục Kiền Liên, theo chỉ dẫn của Đức Phật, đã cúng dường cho Tăng đoàn vào ngày tự tứ và nhờ vậy mẹ của ngài đã được cứu thoát. Câu chuyện này rất phổ biến ở Trung Quốc và một lễ hội Phật giáo có tên là Vu lan bồn (Ullambana) đã được hình thành ở Trung Quốc vào thế kỷ VI dựa trên câu chuyện này. Và lễ hội này vẫn được tổ chức trong các cộng đồng người Hoa bên ngoài Trung Quốc đại lục ngày nay. Câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ thậm chí còn được chuyển thể thành kịch để dạy về hiếu đạo. Lễ hội này nổi tiếng đến mức nó thậm chí còn ảnh hưởng đến Đạo giáo, và Đạo giáo đã tổ chức lễ hội Trung Nguyên vào cùng ngày với lễ Vu lan Phật giáo.

Từ các các bản chữ khắc ở Ấn Độ, chúng ta biết rằng các Phật tử Ấn Độ cũng thực hành hiếu đạo bằng cách hồi hướng những phước đức của họ cho cha mẹ.[27] Ví dụ, bản chữ khắc ở Bhārhut viết, “Hiến vật của Saṅgharakhita, vì lợi ích của cha mẹ (ông).”[28] Ở đây, người cúng dường là một tu sĩ Phật giáo đã hồi hướng phước đức cúng dường vì lợi ích của cha mẹ mình. Chúng ta cũng thấy nơi các bản chữ khắc bằng tiếng Kharosṭḥı̄ vào thế kỷ I TL rằng, phần lớn những người hiến cúng đã hồi hướng công đức cho cha mẹ của họ. Gregory Schopen nói: “Rõ ràng là việc 'làm lợi ích' cho cha mẹ, cả cha mẹ còn sống và đã khuất, ở nơi các bản chữ khắc bằng tiếng Kharosṭḥı̄, là mục đích thường được nhắc đến nhất của việc bố thí. Có vẻ như đó là mối quan tâm chính của những người tham gia vào các hoạt động như vậy.”[29] Ở nơi các bản chữ khắc ở Mathurā, gồm 39 bản, một phần tư trong đó cho biết rằng việc hiến cúng được thực hiện vì cha mẹ của những người hiến cúng.[30]

Hiếu đạo trong Phật giáo Đại thừa

Phật giáo Đại thừa đã phát triển thêm tư tưởng hiếu đạo và hình thành giáo lý Tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân đất nước (ân vua chúa) và ân Tam bảo, điều này rất phổ biến trong Phật giáo Trung Quốc và truyền bá sang các nước Đông Á khác. Phật giáo đã phải đối mặt với nhiều thách thức và chỉ trích khi nó được truyền vào Trung Quốc vào thời nhà Hán, nơi có nền văn hóa phát triển cao, đặc biệt là Nho giáo rất đề cao hiếu đạo trong những lời dạy đạo đức của nó. Kết quả là, lời dạy về hiếu đạo của Phật giáo Đại thừa Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh lòng biết ơn đối với bốn nhóm người này.

Chúng ta tìm thấy trong kinh Chánh pháp niệm xứ, một bản kinh được Cù Đàm Bát Nhã Lưu Chi (Gautama Prajñāruci) dịch sang Hán ngữ vào năm 538-541, rằng một người nên đền đáp bốn ân này cho: mẹ, cha, Đức Phật và các vị thầy dạy giáo pháp.[31] Bản kinh này không giải thích nhiều về tứ ân. Nhưng 250 năm sau, kinh Đại thừa bổn sinh tâm địa quán, một bản kinh được Bát Nhã (Prajñā) dịch sang Hán ngữ vào năm 790, nói về việc đền đáp bốn ân cho bốn nhóm người: cha mẹ, chúng sinh, vua chúa, và Phật giáo.[32] Trong bản kinh này, toàn bộ chương 2 được dành để giải thích chi tiết về bốn ân này.

Người ta cho rằng việc xem các vị vua như một nhóm cần báo đáp trong bản kinh thứ hai là một sáng tạo của Trung Quốc, không phải là một truyền thống của Ấn Độ, vì vào thời cổ đại, các vị vua Ấn Độ luôn kính trọng các tu sĩ.[33] Ở Ấn Độ, các nhà cai trị ủng hộ sự độc lập của các nhóm tôn giáo bởi vì các tu sĩ được xem là làm việc vì lợi ích tinh thần, trong khi những người cai trị làm việc vì lợi ích vật chất, và lợi ích tinh thần được xem là cao quý hơn lợi ích vật chất. Hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ phản ánh quan niệm này khi các Bà-la-môn - các tu sĩ, là đẳng cấp cao nhất, cao hơn cả các vị vua. Nhưng ở Trung Quốc, vua hay hoàng đế là người đứng đầu nhà nước, không một thần dân nào có thể vượt lên trên quyền lực của nhà vua ở bất kỳ lĩnh vực nào. Như Kinh Thi Trung Quốc nói, “Dưới bầu trời bao la không có vùng đất nào không phải là của vua, bên trong biên giới biển của vương quốc không ai không phải là thần dân của vua.”[34] Kết quả là không có tổ chức tôn giáo độc lập nào ở Trung Quốc cổ đại, và tất cả các tôn giáo đều nằm dưới sự giám sát của nhà nước.

Khi Phật giáo lần đầu được truyền vào Trung Quốc, nó đã phải đối mặt với nhiều thách thức và chỉ trích từ người dân Trung Quốc, đặc biệt là các Nho gia. Những lời chỉ trích của các Nho gia chủ yếu dựa trên nền tảng đạo đức, bởi vì lối sống của Phật giáo chủ yếu tập trung vào sự giải thoát cá nhân thông qua sự hoàn thiện giới-định-tuệ, rất khác với Nho giáo, vốn chủ yếu tập trung vào đời sống gia đình và xã hội. Đặc biệt, cuộc sống của các Tăng sĩ Phật giáo, những người được yêu cầu phải độc thân, cạo đầu và từ bỏ đời sống gia đình, là không phù hợp với quan niệm hiếu đạo của Nho giáo như được thấy ở trong Hiếu kinh. Điều này đã trở thành một vấn đề chính trị vào thời Đông Tấn (265-420), khi Dữu Băng (庾冰), một Trung thư giám, lần đầu tiên đề xuất rằng các Tăng sĩ Phật giáo nên tuân theo thể thức Trung Quốc là phải quỳ trước hoàng đế hoặc các đại diện của ông để thể hiện sự tôn kính, nếu không thì Lễ bị phá vỡ.[35] Do vậy, vấn đề liệu các Tăng sĩ có bái lạy hoàng đế hay không đã trở thành một vấn đề chính trị và tiếp tục trong vài trăm năm cho đến triều đại nhà Đường (618-907).[36] Điều mà Dữu Băng nhấn mạnh là nghi thức truyền thống của Trung Quốc được truyền lại từ thời cổ đại, với sự gia cố của giáo lý Nho giáo.

Sự tranh luận về việc các Tăng sĩ Phật giáo có nên bái lạy hoàng đế hay không thực ra là sự tiếp nối những lời chỉ trích về hiếu đạo. Hiếu kinh của Nho giáo thảo luận về hiếu đạo với trọng tâm là chính trị: “Phục vụ vua chúa với tâm hiếu là trung; phụng dưỡng người lớn tuổi với tâm hiếu là lễ.” Như vậy, hiếu được xem là trung khi đối tượng của lòng kính trọng là hoàng đế thay vì cha mẹ. Phật tử Trung Quốc, cả cư sĩ lẫn tu sĩ, chẳng hạn như ngài Huệ Viễn (334-416), được hỗ trợ bởi một số quan lại và cả những Phật tử tại gia, đã lập luận rằng các Tăng sĩ cũng thể hiện lòng tôn kính của họ đối với các hoàng đế, nhưng ở trong tâm trí của họ mà không biểu hiện ra ngoài.[37] Những đề xuất yêu cầu Tăng sĩ phải bái lạy người cai trị đã không bao giờ trở thành hiện thực bởi vì các Phật tử, cả tu sĩ và cư sĩ, đều phản đối.

Phật giáo cũng tự biến đổi thành một tôn giáo Trung Quốc với nhiều đặc điểm Trung Quốc thông qua sự tương tác với triết học và văn hóa Trung Quốc vào cuối thế kỷ VI. Các Tăng sĩ Phật giáo Trung Quốc bày tỏ lòng kính trọng của họ đối với các hoàng đế bằng nhiều hoạt động nghi lễ khác nhau để cầu nguyện cho hoàng đế và quốc gia. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy trong bản kinh có tựa đề Chư Phật cảnh giới nhiếp chân thật kinh, cũng được dịch bởi Bát Nhã vào đời Đường, rằng các bậc đế vương được đặt lên hàng đầu trong tứ trọng ân, tiếp theo là cha mẹ, thí chú và chúng sinh.[38] Tất nhiên, danh sách này không trở thành tiêu chuẩn. Tứ trọng ân tiêu chuẩn vẫn là cha mẹ, chúng sinh, vua chúa và Phật giáo, điều này đã trở thành thông lệ trong các tu viện trên khắp Trung Quốc vào thời nhà Đường.

Kết quả là, ở các triều đại về sau, không hề có sự tranh luận nào về việc các Tăng sĩ có nên bái lạy hoàng đế hay không.

Vào thời nhà Đường, các Phật tử Trung Quốc đã sáng tác bản kinh Phật thuyết phụ mẫu ân trọng dựa trên bài kinh Biết ơn đã thảo luận ở trước để dạy tín đồ thực hành hiếu đạo.[39] Bản kinh này đã và vẫn còn khá phổ biến trong các ngôi chùa ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Những câu chuyện về cha mẹ nuôi dạy con cái được thảo luận trong bản kinh cũng được thể hiện bằng tranh minh họa. Chúng tôi tìm thấy sáu bức tranh minh họa về bản kinh trên ở Đôn Hoàng: bốn bức tranh tường, ở trong các hang động 156 và 238, được thực hiện vào thời nhà Đường, và các hang động 170 và 449, được thực hiện vào thời nhà Tống; và hai bức tranh lụa được lưu trữ ở bảo tàng Anh và Cam Túc.[40] Chủ đề chính trong những bức tranh minh họa này là việc thuyết giảng của Đức Phật và nội dung của bản văn được vẽ xung quanh nhân vật trung tâm, Đức Phật. Việc minh họa bản kinh cũng được tìm thấy ở nơi công trình chạm khắc trên đá Đại Túc (大足石刻) ở thành phố Trùng Khánh, phía Tây nam Trung Quốc, được thực hiện dưới triều nhà Tống bởi một Tăng sĩ Phật giáo có tên là Tông Trách (宗賾). Điểm nhấn của những hình khắc này khác với những điều được mô tả ở trên: những khó khăn của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái được đánh giá cao, đặc biệt là đức tính của người mẹ.[41] Ngày nay, những minh họa như vậy về bản kinh Phật thuyết phụ mẫu ân trọng vẫn còn được tìm thấy trong nhiều tu viện Phật giáo.

Như vậy, ở Trung Quốc và các nước Đông Á khác, hiếu đạo đã và vẫn đang được giảng dạy trong các buổi pháp thoại và các dịp khác, và được thực hành như một phẩm hạnh rất quan trọng. Do đó, Phật giáo thường được xem là một tôn giáo đề cao hiếu đạo, giống như Nho giáo.

Kết luận

Hiếu đạo là một lời dạy đạo đức quan trọng trong Phật giáo khi hiếu được xem là thiện nghiệp quan trọng bậc nhất, là nền tảng của đạo đức Phật giáo. Lời dạy về hiếu đạo vẫn được giảng dạy và thực hành ở các quốc gia Phật giáo ở châu Á ngày nay vì đây là một phần rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em và sự thực hành Phật giáo đối với người lớn. Tại các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á như Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Campuchia…, nơi Phật giáo Theravāda được thực hành, các Tăng sĩ và cư sĩ dạy hiếu đạo cho trẻ em bằng những bài kinh và đoạn kinh chọn lọc như kinh Biết ơn (Kataññu Sutta) và kinh Giáo giới Thi-ca-la-việt (Sigālovāda sutta) từ Kinh tạng Pāli. Ở các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, nơi Phật giáo Đại thừa phổ biến, các Tăng sĩ dạy hiếu đạo bằng cách lấy tài liệu từ các bản kinh Đại thừa như kinh Phật thuyết phụ mẫu ân trọng và kinh Vu lan bồn, những bản kinh tương thích hơn với lời dạy của Nho giáo về hiếu đạo. Những lời dạy về hiếu đạo này của Phật giáo tập trung vào bản chất con người và tình cảm đối với cha mẹ, nhấn mạnh những khó khăn và tình thương của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Giảng dạy về hiếu đạo vẫn còn phù hợp và quan trọng trong các xã hội châu Á hiện đại, đặc biệt là trong việc chăm sóc người già, vì không có hệ thống phúc lợi xã hội tốt ở hầu hết các nước đang phát triển. Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc dạy người trẻ biết phụng dưỡng cha mẹ già ở các nước Nam Á và Đông Nam Á, nơi Phật giáo là tôn giáo chính, trong khi ở các nước Đông Á, việc dạy con cái về hiếu đạo có khác do Nho giáo vẫn đóng vai trò quan trọng và hiếu đạo là cốt lõi của giáo lý đạo đức Nho giáo. Phật giáo kết hợp hài hòa với Nho giáo trong việc giảng dạy và thực hành hiếu đạo ở trong các xã hội này vì hai tôn giáo có nhiều điểm tương đồng trong triết lý sống của họ.[42]



[1] Xem Kenneth Chen, Filial Piety in Chinese Buddhism”, Harvard Journal of Asiatic Studies 28 (1968): 81-97.

[2] John Strong, “Filial Piety and Buddhism: The Indian Antecedents to a ‘Chinese’ Problem”, trong Traditions in Contact and Change, ed. Peter Slater and Donald Wiebe (Waterloo: Wilfred Laurier University Press, 1983), 171-86.

[3] Gregory Schopen, “Filial Piety and the Monks in the Practices of Indian Buddhism: A Question of “Sinicization” Viewed from the Other Side”, T’oung Pao 70, no. 1/3 (1984): 110-26, at 124. Cũng xem, Gregory Schopen, Bones, Stones, and Buddhist Monks: Collected Papers on the Archaeology, Epigraphy, and Texts of Monastic Buddhism in India (Honolulu: University of Hawai’i Press, 1997), 56-71.

[4] Xem Guang Xing, “Early Buddhist and Confucian Concepts of Filial Piety: A Comparative Study”, Journal of the Oxford Centre for Buddhist Studies 4 (2013): 846.

[5] Xem Guang Xing, “Filial Piety in Early Buddhism”, Journal of Buddhist Ethics 12 (2005): 82-106.

[6] Aṅguttaranikāya (2.31), 1:62. Sử dụng bản dịch của HT. Thích Minh Châu.

[7] Được tìm thấy trong Aṅguttaranikāya 8.54, 4:281. Cũng được đặt tên là Vyagghapajja Sutta; bản kinh dạy những điều đưa đến hạnh phúc của người Phật tử tại gia ở đời này và đời sau.

[8] Bản kinh xuất hiện hai lần: một lần trong Aṅguttaranikāya, 1:132, và một lần trong Aṅguttaranikāya, 2:70. Ở đây sử dụng lại bản dịch của HT. Thích Minh Châu.

[9] Trong phiên bản ngắn hơn của bản dịch Hán ngữ Saṃyuktāgama T2, 404a, bản kinh tương tự cũng được tìm thấy. Ở đó, ngoài việc cha mẹ được phụng thờ như Phạm thiên, các đạo sự và tất cả các vị thiên (deva), hai mục khác được thêm vào: (1) cha mẹ cũng được phụng thờ như Mahādeva, và (2) gia đình cũng được những người khác tôn trọng nếu cha mẹ được hỗ trợ mọi thứ. Mục cuối cùng có nghĩa là mọi người sẽ nghĩ rằng đây là một gia đình tốt với những người con yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ. Bản kinh tương tự cũng được trích dẫn trong Saṃyuktaratnapitaka Sūtra T4, 455b (do Kekaya và Tanyao dịch năm 472), ở đó cha mẹ được phụng thờ như chư Phật.

[10] Trong bản dịch Taittirı̄ya Upanishad của Max Müller, đoạn văn được viết: “Đừng bỏ bê các công việc (tế lễ) dành các vị Thần và Tổ tiên! Hãy đối xứ với mẹ ngươi như đối với một vị thần! Hãy đối xử với cha ngươi như đối với một vị thần! Hãy đối xử với thầy của ngươi như đối với một vị thần! Hãy đối xử với khách như đối với một vị thần! “The Upanishad 2.52”, Sacred Books of the East (London: Clarendon Press, 1879), 14:494. Ở đây chúng ta có thể thấy rằng cả cha và mẹ đều được xem như những vị thần.

[11] The Analects 2.7.

[12] Bản kinh này cũng được tìm thấy trong cả hai bản dịch Hán ngữ của Saṃyuktāgama 93, T2, 24c-25a và T2, 464c.

[13] Aṅguttaranikāya (7.47), 4:44.

[14] Dı̄ghanikāya vol. 3 (1911; repr. Oxford: Pali Text Society, 1976), 189.

[15] Mātuposaka Sutta được tìm thấy trong cả SaṃyuttanikāyaSaṃyuktāgama, T2, no. 99 (88). Nó cũng được tìm thấy trong phiên bản ngắn hơn của Saṃyuktāgama, T2, no. 100 (88).

[16] Saṃyuttanikāya, 1:181.

[17] Saṃyuttanikāya, 1:228; cũng xem Saṃyuktāgama, T2, no. 99, at 1104, 1105, 1106; Saṃyuktāgama, T2, no. 100, tại 33.

[18] Ekottarāgama, T2, no. 125, 600c.

[19] Aṅguttaranikāya, 5:129. Năm loại ác nghiệp cũng được đề cập nhiều nơi trong các A-hàm Hán ngữ: Saṃyuktāgama, T2, no. 99 (792), 205a; Madhyamāgama, T1, no. 26 (200), 769a, 724a.

 

[20] Xem Guang Xing, “Chinese Translation of Buddhist Sutras Related to Filial Piety as a Response to Confucian Criticism of Buddhists Being Unfilial”, trong Buddhism in East Asia: Aspects of History’s First Universal Religion Presented in the Modern Context, ed. Anita Sharma (New Delhi: Vidyanidhi Prakashan Press, 2012), 75-85.

[21] Câu chuyện này được tìm thấy trong Saṃyuktāgama, kinh số 506, và Ekottarāgama, phần 36, kinh số 5. Nó cũng được tìm thấy hai lần trong luận giải Pāli của truyền thống Theravāda: Atthasālinı̄: Buddhaghosa’s Commentary on the Dhammasaṅgañı̄, ed. E. Muller, vol. 1 (1897; repr. Oxford: Pāli Text Society, 1979), 15; Dhammapada Atthakathā (Commentary to the Dhammapada), ed. H. C. Norman, vol. 3 (1912; repr. London: Pāli Text Society 1993), 216f.

[22] Câu chuyện này được tìm thấy trong kinh Tịnh Phạn vương bát-niết-bàn, T14, no. 512, Tự Cừ Kinh Thanh dịch vào năm 455.

[23] Xem Reiko Ohnuma, “Debt to the Mother: A Neglected Aspect of the Founding of the Buddhist Nuns’ Order”, Journal of the American Academy of Religion 74, no. 4 (2006): 861-901.

[24] Câu chuyện này được tìm thấy trong cả hai truyền thống Nam và Bắc truyền. Mahāsāmghikavinaya, T22, no. 1425, 347a. I. B. Horner, trans., The Book of Discipline (Oxford: Pāli Text Society, 1997), 2:277.

[25] Ấn bản Pāli Sāma Jātaka (no. 540) được tìm thấy trong Jātaka Pāli. Cũng xem J.J. Jones, trans., Mahāvastu: Translated from the Buddhist Sanskrit (London: Luzac and Company, 1952), 2:199-231. Bản dịch Hán ngữ là Bồ-tát Thiểm Tử kinh, T03, số 174.

[26] B. Subrahmanyan, Jātaka in Buddhist Thought and Art (Delhi: Bharatiya Kala Prakashan, 2009), 2:286-93.

[27] Về một nghiên cứu chi tiết, xem Schopen, “Filial Piety and the Monk in the Practice of Indian Buddhism”.

[28] Ibid., 113.

[29] Ibid., 114.

[30] Ibid., 115.

[31] Kinh Chánh pháp niệm xứ viết: “Có bốn ân khó đền đáp. Bốn ân gì? Thứ nhất là mẹ, thứ hai là cha, thứ ba là Như Lai và thứ tư là thầy dạy giáo pháp. Nếu cúng dường bốn vị này thì được nhiều công đức, đời này được người khen ngợi, đời sau chứng đắc giác ngộ.” Xem T17, số 721, 359b.

[32] Xem T3, no. 159, 297a.

[33] Kinh Samaññāphala của Trường bộ đưa ra một ví dụ rằng ngay cả một nô lệ làm việc cho một vị vua và khi người này trở thành một Sa-môn (Samana) thì cũng sẽ được nhà vua kính trọng. Ví dụ này cũng được tìm thấy trong Trường A-hàm Hán ngữ, T1, no.1, 109a.

[34] James Legge, trans., The Book of Poetry (Taipei: SMC Publishing, 1991), 2:360, và Wang Rongpei, trans., The Book of Poetry, trans. Wang Rongpei (Changsha: Hunan People’s Publishing House, 2008), 2:431.

[35] Xem E. Zurcher, Buddhist Conquest of China: The Spread and Adaptation of Buddhism in Early Medieval China (Leiden: Brill, 2007), 281-85; Kung-chuan Hsiao, History of Chinese Political Thought (Princeton: Princeton University Press, 1979), 1:658-62.

[36] Xem Stanley Weinstein, Buddhism under the Tang (London: Cambridge University Press, 1987), 32-34.

[37] Xem Guang Xing, “A Buddhist-Confucian Controversy on Filial Piety”, Journal of Chinese Philosophy 37, no. 2 (2010): 248-60.

[38] T18, no. 868, 284b.

[39] Xem Guang Xing, “A Study of the Apocryphal Sūtra: Fumu Enzhong Jing”, International Journal of Buddhist Thought and Culture 11 (2008): 105-46.

[40] Xem Guang Xing, “Popularization of Stories and Parables on Filial Piety in China”, Journal of Buddhist Studies 8 (2010): 129-37.

[41] Xem Hu Wenho, “A Re-study of the Stone Carving of Parental Love at Paoding, Dazu”, Journal of Chinese Buddhist Studies 15 (2002): 115-40.

[42] Xem Guang Xing, “Buddhist and Confucian Attitudes toward Life: A Comparative Study”, International Journal of Buddhist Thought and Culture 23 (2014): 7-48.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle