Người đi tìm hạnh phúc
nguoi di tim
NGƯỜI
ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Tôi có biết một bài thiền ca của Làng Mai, nó như thế
này: Ta hạnh phúc liền giây phút này,
lòng đã quyết dứt hết âu lo, không đi đâu nữa, có chi để làm, học buông bỏ sống
không vội vàng. Ta hạnh phúc liền giây phút này, lòng đã quyết dứt hết âu lo.
Không đi cũng tới thấy chi cũng làm, lòng thanh thản sống trong nhẹ nhàng...
Nhưng
tôi hay quên. Quên là một sự thiệt thòi. Lãng quên hạnh phúc. Khi hết tiền, tôi
nghĩ đến khi có tiền tôi sẽ hạnh phúc. Có thể. Nhưng rồi vấn đề lại phát sinh.
Tôi sẽ lại đưa ra một điều kiện hạnh phúc mới. Ví dụ vì tôi rất thích tiếng
Anh, tôi nghĩ khi giỏi tiếng Anh rồi tôi sẽ hạnh phúc. Tiền bạc, kiến thức... tôi đặt cược niềm vui
và hạnh phúc của đời mình vào đó. Đức Phật dạy như vậy là sai lầm. Đúng là có niềm
vui trong tài, danh, sắc, thực và thụy. Chẳng hạn chúng ta có một cảm thọ dễ
chịu khi có tiền, được khen, được ăn ngon... Tuy nhiên theo đuổi
những hạnh phúc đó là một sai lầm vì sẽ không bao giờ được thỏa mãn. Cho nên
Đức Phật gọi đó là dục lạc. Có những hạnh phúc chân thật hơn nhưng ít ai để ý.
Còn sống là một hạnh phúc. Có đủ mắt tai mũi lưỡi thân và ý đã là hạnh phúc. Có
sức khỏe đã là một hạnh phúc. Nếu đến bữa có cơm ăn đã là một hạnh phúc. Ta nên
trân trọng và biết ơn những điều tưởng chừng như giản đơn đó. Bạn luôn có lý do để hạnh phúc và
biết ơn, dù bạn có sắp chết đi nữa thì cũng nên cảm thấy biết ơn cái chết, vì
sẽ ra sao nếu chúng ta cứ sống mãi hoài? Cái chết giúp mình trân quý sự sống. Biết
ơn cũng chính là điều kiện cần và đủ để có hạnh phúc. Dù có ai nguyền rủa hay
ghét bỏ bạn, hãy cảm ơn sự tồn tại của mình. Hạnh phúc là một điều quan trọng
vì nó là toàn bộ ý nghĩa đời sống của chúng ta. Đó là món quà ai cũng muốn nhận
nhưng trước hết người cho phải được sở hữu. Mình không có hạnh phúc thì không
thể làm cho ai hạnh phúc được, nếu có chỉ là đồ dỏm.
Hãy chế lấy mây
gầy lấy nắng
Chế đi đừng vay
mượn đất trời
Để khi nhật
nguyệt còn xa vắng
Đầu hè còn có
bóng trăng soi. (Thơ Mai Thảo)
Hạnh
phúc đích thực là an lạc. Tôi có một trải nghiệm an lạc khi niệm danh hiệu Bồ-tát
Quán Thế Âm. Lúc đó tôi bị tâm bệnh, thường xuyên cảm thấy phiền não, bế tắc,
vô vọng. Mỗi buổi sáng thức dậy tâm trạng rất đen tối, nặng nề. Tôi niệm danh
hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm trong suốt hai ngày hai đêm. Trong quá trình niệm vẫn
tạp loạn. Nhưng sáng ngày thứ ba thức dậy, tôi cảm nhận được một niềm an lạc mà
trước đây chưa bao giờ có, vì tôi đã quen với những tâm niệm nặng nề. An lạc
buổi sớm mai đó như một bầu trời trong xanh sau cơn giông bão. Không mấy ai bắt
đầu niệm Phật mà được nhất tâm. Ban đầu có tạp niệm và niệm Phật là một quá
trình loại bỏ những tạp niệm đó. Tâm niệm là tốt, nhưng chưa được nhất tâm thì
miệng niệm vẫn tốt hơn so với việc tâm không niệm mà miệng cũng không niệm. Tôi
không cho rằng pháp môn niệm Phật là không đáng tin. Có lúc khổ sở vì oán hận
một người, tôi đóng cửa phòng niệm Phật A Di Đà trong hai ngày đêm. Trong khi
niệm Phật tôi chợt nhớ lại tôi đã từng làm một người khác khổ đau trong quá
khứ. Lòng thương xót trỗi lên trong tôi. Tôi đã khóc vì ân hận và oán thù cũng
theo tiếng niệm Phật mà tiêu tan. Niệm Phật chính là chánh niệm, chánh niệm có
công năng làm mình nhớ lại. Và tôi bắt đầu tin những khổ đau mình đã, đang và
sẽ gánh chịu đều là cơ hội để trả những ác nghiệp mà mình gây tạo. Những người tưởng
là thù oán đều chính là những ân nhân. Nghĩ như vậy, mình biết ơn khổ đau, mình
không còn chối bỏ khổ đau. Khổ đau là một người thầy.
Kho báu chất đầy
thế giới
Tôi mang tặng
bạn sáng nay
Một vốc kim
cương sáng chói
Long lanh suốt
cả đêm ngày.
Mỗi phút một
viên ngọc quý
Tóm thâu đất
nước trời mây
Chỉ cần một hơi
thở nhẹ
Là bao phép lạ
hiển bày
Chim hót thông
reo hoa nở
Trời xanh mây
trắng là đây
Ánh mắt thương
yêu sáng tỏ
Nụ cười ý thức
đong đầy
Này người giàu
sang bậc nhất
Tha phương cầu
thực xưa nay
Hãy thôi làm
thân cùng tử
Về đi tiếp nhận
gia tài
Hãy dâng cho
nhau hạnh phúc
Và an trú phút
giây này
Hãy buông thả
dòng sầu khổ
Về nâng sự sống
trên tay.
(Viên ngọc kinh Pháp Hoa - Nhất Hạnh)
Sư ông
Nhất Hạnh là một người giàu có, giàu có về hạnh phúc. Và Sư ông ban phát khắp nơi.
Đó là pháp môn chánh niệm mà ngài
đã tự mình chứng ngộ. Chánh niệm, tỉnh thức mang lại hạnh phúc. Đó là ý nghĩa
câu thơ Một vốc kim cương sáng chói/ Long
lanh suốt cả đêm ngày. Khi mình tỉnh thức, mình có hạnh phúc cho mình và
cho người. Còn tiền bạc thì sao? Tôi rất thích kinh Kim cương.
Kinh Kim cương
dạy rằng nếu đem châu báu đầy cõi tam thiên đại thiên thế giới mà bố thí thì
phước đức cũng không bằng thọ trì kinh Kim
cương
dù chỉ một bài kệ bốn câu. Tôi rất hạnh phúc khi đọc kinh Kim cương
hồi hướng cho những người mình thương yêu, cúng dường những bậc tôn quý. Tu tập
là để nhận ra mình là một người giàu có rất nhiều, sẵn có châu báu trong thân.
Châu báu đó là Phật tính của mình, là hạnh phúc mình có thể đạt được. Lãng quên
thì mình là người cùng tử.
Này người giàu
sang bậc nhất
Tha phương cầu thực
xưa nay
Hãy thôi làm
thân cùng tử
Về đi tiếp nhận
gia tài.
Có
khi mình đi rất xa để tìm hạnh phúc, như người cùng tử đi kiếm ăn mà không biết
mình vốn rất sang giàu. Nhưng thường chúng ta thích đi hoang, không chịu trở về
nhà, không chịu về với chính mình. Bao phiền muộn, đau thương, thống khổ trên
bước tha phương của chúng ta. Một ngày kia đau quá, hoặc là chúng ta chết, hoặc
là giác ngộ:
Về đi lữ khách
đường xa lắm
Cát bụi sầu
thương vướng đã nhiều
Thanh thản ngủ
trong lòng đạo cả
Cho hồn thơ ấu
được nâng niu.
Đôi
khi bản ngã xui khiến ta muốn làm cái rốn của vũ trụ. Không có sự chú ý của
người khác, ta không sống được, ta bất an đau khổ. Ta quên mất rằng cái người
mà ta cần gây sự chú ý nhất đó là chính mình. Mình phải là người chú ý đến mình
trước tiên. Ta sẽ bớt phiền muộn. Không còn theo đuổi bên ngoài. Đóng tất cả
các căn lại, thắp lên ngọn đèn chánh niệm, ta sẽ đầy đủ, bình yên. Chú ý đến
chính mình là pháp môn chánh niệm. Luôn phải tự hỏi mình ta đang làm gì, tâm ta
đang ở đâu. Như vậy ta không cần mong cầu sự chú ý của người khác nữa. Hạnh
phúc ta có được khi chú ý đến chính mình là một hạnh phúc chân thật, không đến
từ bên ngoài. Nếu phiền muộn là gia tài thì tôi là người giàu có. Đôi khi phải
chua xót mà thú nhận điều đó. Tuy nhiên dưới ánh sáng của Phật pháp thì phiền
não tức Bồ-đề. Nếu biết ơn phiền não cho ta cơ hội tu tập, ngay lúc đó ta đã bớt,
hoặc là hết phiền não rồi.
Câu
hỏi đặt ra là, Đức
Phật có còn khổ đau không. Nếu thành Phật mà vẫn khổ đau thì thành Phật để làm
gì. Kinh điển ghi lại khi sắp nhập diệt Đức
Thế
Tôn bị bệnh đau đớn tưởng chết đi. Tuy nhiên đó chỉ là cảm thọ về thể xác. Về
mặt tâm linh, Đức Phật đã hoàn thiện. Nếu nghĩ rằng Đức Phật vẫn có khổ đau về
mặt tâm thức thì đó chính là một sự phỉ báng lớn nhất. Vì kinh Nikāya đã nói
rằng: “Một người, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa
số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc,
vì an lạc cho chư thiên
và loài người. Một người ấy là ai? Chính
là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác”.
Tuệ Anh