Công tác từ thiện trong Phật giáo Việt Nam hiện nay

Công tác từ thiện trong Phật giá

Công tác từ thiện trong Phật giáo Việt Nam hiện nay

Thích Hạnh Chơn

 

Khi nói đến Phật giáo Việt Nam là nói đến tổng thể các hoạt động có liên quan đến Phật giáo, từ chùa chiền đến sinh hoạt của các tổ chức và cá nhân Tăng Ni, Phật tử; từ sự tu tập, sự sinh hoạt theo hình thức tôn giáo đến sinh hoạt mang tính xã hội. Trong các hoạt động xã hội của Phật giáo, có lẽ từ thiện là mảng có ảnh hưởng nhanh và sâu rộng trong cộng đồng cư dân. Theo thống kê hằng năm và nhiệm kỳ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, con số được báo cáo cho thấy nguồn lực Phật giáo thực hiện qua công tác từ thiện khá nổi bật, đóng góp vào việc khẳng định Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc ít nhất ở khía cạnh an sinh xã hội tính đếm được.

Nhận thấy đây là công tác rất được quan tâm và góp phần khẳng định vị thế Phật giáo đối với dân tộc, bài viết này sẽ trình bày về công tác từ thiện trong Phật giáo Việt Nam hiện nay theo bốn khía cạnh: các hình thức hoạt động từ thiện, các tổ chức thực hiện từ thiện, việc thống kê đánh giá kết quả từ thiện, và đề xuất một số giải pháp góp phần cho công tác từ thiện Phật giáo tốt hơn.

Các hình thức hoạt động từ thiện

Từ thiện là một mảng hoạt động rất mạnh trong Phật giáo. Từ thiện được biểu hiện qua nhiều hình thức nhằm đem đến niềm vui cho những người khó khăn, nghèo khổ do thiếu thốn điều kiện sống; giúp cho những người khó khăn vượt qua bệnh tật, đói khát, thất học… Các hình thức Từ thiện được thực hiện trong Phật giáo gồm có khám chữa bệnh tại các phòng khám nói chung được gọi là Tuệ Tĩnh đường, nuôi các cụ già neo đơn tại nhà dưỡng lão, nuôi trẻ mồ côi tại các trại mồ côi, mở lớp mầm non, mở trung tâm tư vấn HIV/AIDS, mở trung tâm dạy nghề, xây cầu nông thôn, xây nhà tình thương, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, hiến máu nhân đạo, phát cơm hay cháo chay bằng nhiều hình thức, cứu trợ thiên tai lũ lụt, phát quà cho đối tượng chính sách và cho đối tượng là đồng bào nghèo vào các dịp lễ lớn như Phật đản, Vu lan…, phát quà cho đồng bào dân tộc ở vùng xa xôi…

Các tổ chức thực hiện từ thiện

Từ thiện được thực hiện bởi các tổ chức và cá nhân trong Phật giáo. Từ nhiệm kỳ II (1987-1992) của GHPGVN đến nay, Ban Từ thiện xã hội Trung ương và các tỉnh thành được thành lập. Ban Từ thiện Trung ương do vị Trưởng ban và các thành viên chủ chốt vận động tài chính để thực hiện công tác từ thiện. Nhìn chung, Ban không có cơ chế nào để liên kết, trợ giúp pháp lý, quản lý các Ban trực thuộc tại các tỉnh thành. Cũng vậy, Ban Từ thiện các tỉnh thành cũng phải tự lực tìm nguồn lực ủng hộ từ nhiều người để thực hiện công tác từ thiện theo khả năng của vị Trưởng ban và các thành viên, và hiệu quả của nó thường phụ thuộc vào vị trí địa lý thành phố hay tỉnh lỵ. Ngoài ra, phần lớn công tác từ thiện trong Phật giáo do các tự viện thực hiện. Các hình thức từ thiện được nêu ở trên hầu như đều do các tự viện chứ không phải do Ban Từ thiện Trung ương hay địa phương thực hiện. Ban Từ thiện Trung ương và các tỉnh thành tự thân vận động khó có thể thực hiện hết các hoạt động nêu trên ngoại trừ cá nhân các tự viện của các vị trong ban thực hiện rồi báo cáo cho ban.

Việc thống kê đánh giá kết quả từ thiện

Con số báo cáo về công tác từ thiện của Ban Từ thiện Trung ương, của các Ban Trị sự và các ban viện rất lớn. Tuy nhiên, con số ấy được tính như thế nào là điều còn bỏ trống. Theo bảng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 5 năm (2017-2022), trong 61 tỉnh thành có một thành phố thực hiện công tác Từ thiện trên 3.000 tỷ đồng, 11 tỉnh thành trên 300 tỷ đồng, ba tỉnh trên 200 tỷ đồng, 12 tỉnh trên 100 tỷ đồng, 14 tỉnh trên 50 tỷ đồng, sáu tỉnh trên 30 tỷ đồng, 10 tỉnh trên 10 tỷ đồng và bốn tỉnh dưới 10 tỷ đồng.[1] Con số thống kê ấy được các Ban Trị sự các tỉnh thành báo cáo lên Giáo hội Trung ương nhưng hầu như không có bảng chứng từ cụ thể, rõ ràng để đối chiếu. Lấy ví dụ, một tỉnh báo cáo thực hiện từ thiện 100 tỷ đồng thì phải có chứng từ mỗi năm thực hiện mấy lần, số lượng các lần thực hiện là bao nhiêu, giá trị thực hiện nhiều ít, đơn vị thực hiện là tự viện hay tổ chức nào, ngày tháng thực hiện, địa điểm thực hiện, đối tượng được hưởng trong mỗi đợt từ thiện. Căn cứ vào chứng từ báo cáo cụ thể thì con số báo cáo mới khả tín (Giáo hội nên thiết kế hay mua phần mềm rồi cúng dường hay phát hành cho các Ban Trị sự, các ban viện để phát hành xuống các tự viện cho thống nhất) và không bị chồng chéo trong các báo cáo (một đợt từ thiện với số tiền đó nhưng nhiều tự viện cùng lấy để báo cáo) hay báo cáo theo cảm tính ước lượng.

Đề xuất một số giải pháp

Công tác từ thiện rất đa dạng và cần nguồn lực rất lớn nên việc thực hiện bài bản gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, công tác từ thiện mặc dù có ảnh hưởng mạnh đến xã hội nhưng đây không phải là sở trường của Phật giáo. Do đó, việc thực hiện công tác từ thiện có chiến lược thì sự phối hợp giữa các tổ chức là rất cần thiết để công tác từ thiện đạt hiệu quả hơn. Bài viết xin đưa ra một số đề xuất góp phần làm cho công tác từ thiện Phật giáo mạnh hơn.

Về y tế, theo báo cáo hiện có 208 cơ sở khám chữa bệnh, 206 lượng y, 40 bác sĩ. Giáo hội, Ban Từ thiện Trung ương và Ban Từ thiện tỉnh thành cần quan tâm, hỗ trợ cho các cơ sở khám chữa bệnh duy trì và phát triển ổn định. Danh sách bệnh nhân đến khám chữa bệnh cần phải được quản lý cụ thể như hệ thống y tế đang làm. Ở cấp Trung ương, Giáo hội và Ban Từ thiện Trung ương nên đầu tư xây dựng các bệnh viện cho tu sĩ hay khả thi hơn là hợp tác với các bệnh viện như bệnh viện Vinmec để khám chữa bệnh cho Tăng Ni chính quy (có giấy tờ Giáo hội công nhận) với giá ưu đãi hay miễn phí từ thiện. Công tác này Phật giáo Thái Lan đã thực hiện được từ lâu.

Về cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, người già neo đơn và các trung tâm dạy nghề, tư vấn, mẫu giáo…, các tổ chức, tự viện mở các cơ sở cần phải có lập hồ sơ với các số liệu báo cáo cụ thể. Ban Trị sự và Ban Từ thiện cần nắm số lượng cụ thể để quan tâm hỗ trợ.

Các hoạt động như hiến máu, hiến mô, xây nhà tình thương thì các Ban Trị sự và Ban Từ thiện địa phương nên kết hợp với các tự viện thực hiện một vài lần trong một năm.

Việc cấp phát học bổng cho Tăng Ni, các sinh viên, học sinh nghèo hiếu học cần phối hợp thực hiện để có quy mô và lâu dài ít nhất là một khóa từ ba năm trở lên. Nên đào tạo nguồn nhân lực này để cống hiến cho xã hội và Phật giáo.

Việc phát quà cứu trợ được tất cả các tổ chức Phật giáo, các tự viện thực hiện hằng năm. Do đó, cần phải có báo cáo theo mẫu thống kê quy định rõ ràng bao gồm tên tổ chức hay tự viện, thời gian, địa điểm, đối tượng, số lượng, vật phẩm, tổng giá trị một đợt… Căn cứ vào số liệu này, Giáo hội đánh giá hoạt động từ thiện của các Ban Trị sự và các tự viện. Các báo cáo không đủ thông tin cụ thể thì không đưa vào danh sách xem xét khen thưởng.

Thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được thành lập hơn 40 năm và hiện nay trong giai đoạn thuận lợi để tiến hành số hóa các dữ liệu nên Giáo hội cần tận dụng thời cơ để thực hiện. Công việc ban đầu sẽ khó khăn nhưng sẽ đưa đến lợi ích lâu dài khi đi vào ổn định. Công tác từ thiện ở các nơi sinh hoạt hằng ngày như nuôi trẻ, người già, phòng khám… mất thời gian nhiều hơn cho việc báo cáo; còn lại, các hình thức từ thiện theo quý, kỳ thì không khó để thống kê số liệu.

 

 

 


 

[1] Xem Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Nk 2022-2027, tr.59-61.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác