Tôn tượng Phật trong hai trường phái nghệ thuật Mathura và Gandhara

ton tuong

Tôn tượng Phật trong hai trường phái nghệ thuật Mathura và Gandhara

 

Nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ bắt đầu từ triều đại Aśoka với nội dung vô cùng phong phú phản ánh đời sống tín ngưỡng tôn giáo. Trong quá trình truyền bá Chánh pháp, giáo nghĩa Phật giáo được thể hiện thành các hình thức điêu khắc, nghệ thuật nhằm biểu hiện một phần triết lý, tư tưởng. Thông qua đó, Chánh pháp được lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của con người. Vào buổi ban sơ, trong các tác phẩm nghệ thuật của Phật giáo chưa có hình tượng Đức Phật; Đức Phật chủ yếu được thể hiện bằng các biểu tượng như hoa sen, bánh xe pháp luân, cây bồ-đề… Đỉnh cao của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ là vào triều đại Kushan, trong đó Gandhara và Mathura là hai trường phái nghệ thuật lớn, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển nghệ thuật Phật giáo ở giai đoạn này. Tuy nhiên, hai trường phái ảnh hưởng và tạo nên hình tượng Đức Phật với hai phong cách hoàn toàn khác nhau.

 Khái quát hai trường phái nghệ thuật thời kỳ Kushan

Triều đại Kushan đạt đến đỉnh cao về mọi mặt dưới sự cai trị của vua Kanishka: “Lãnh thổ của ông bành trướng từ Gandhara đến Kashmir, đến tận Sanchi ở phía Nam và mãi tít đến Banara ở phía Đông.”[1] Trong đó, Peshawas (nằm ở Gandhara) được xem là kinh đô thứ nhất và Mathura được xem là kinh đô thứ hai. Chính hai trung tâm này đã hình thành nên hai trường phái nghệ thuật lớn của Ấn Độ, mỗi trường phái mang một phong cách khác nhau, thể hiện đặc trưng riêng biệt của mình.

- Trường phái nghệ thuật Gandhara

Gandhara là một vùng đất thuộc Tây bắc Ấn Độ, ngày nay thuộc về Afghanistan và một phần của Pakistan. Từ thế kỷ III tr.TL dưới sự cai trị của Đại đế Aśoka đến thế kỷ I TL của vương triều Kushan, Gandhara trở thành trung tâm hoạt động mạnh mẽ của Phật giáo. Bên cạnh, Gandhara còn là nơi hội tụ của nhiều nền văn minh khác nhau như Bactria, Hy Lạp, Ấn Độ, Phật giáo và Iran. Những điều kiện thuận lợi này đã sản sinh ra một nền văn hóa mới được biểu hiện qua hình thức nghệ thuật được gọi là trường phái Gandhra hay Hy Lạp-Phật giáo. Do đó, Gandhara được xem là “phong cách đặc biệt của nghệ thuật Phật giáo, một hệ quả của sự hợp nhất các nghệ thuật truyền thống Hy Lạp, Syria, Ba Tư và Ấn Độ”.[2]

Nghệ thuật Gandhara ra đời từ thế kỷ I tr.TL và phát triển đến thế kỷ VII TL. Nó phát triển mạnh mẽ và đạt đến đỉnh cao trong khoảng thời gian từ thế kỷ I-III (Tiền Gandhara) và được thay thế bởi trường phái Hy Lạp-Phật giáo vào thế kỷ V-VII (Gandhra hậu kỳ). Nhìn chung,“Nét đặc trưng nghệ thuật của Gandhara được thể hiện bằng hai chất liệu cơ bản chính, đá-đá phiến màu xanh xám hoặc đen xám và vữa stucco.”[3] Tác phẩm bằng đá chấm dứt vào cuối thế kỷ III hoặc thế kỷ IV; những tác phẩm sau này được thực hiện chủ yếu bằng vữa Stuco. Trong thời gian làm, những bức tượng còn được phủ một lớp sơn quét và mạ vàng.

Gandhra có sự tham gia của nhiều nghệ nhân Hy Lạp. Họ mượn những đường nét và kỹ thuật của La Mã cổ điển như cuộn dây leo, cherubs vòng hoa mang, tritons và nhân mã kết hợp với truyền thống Ấn Độ. Nhưng một phần lực lượng chính vẫn là người địa phương nên họ được mô tả như là:“Người nghệ sĩ Gandhara có bàn tay của người Hy Lạp-La Mã nhưng có trái tim của người Ấn Độ.”[4] Sự kết hợp và ảnh hưởng Hy Lạp-La Mã đã đưa nghệ thuật Gandhara đạt đến đỉnh cao.

 Gandhara còn được xem là viên ngọc quý của Phật giáo, bởi nội dung chính của trường phái này chủ yếu xoay quanh cuộc đời Đức Phật. Vào giai đoạn đầu,“Ảnh hưởng của người La Mã tác động lớn đến nghệ thuật Gandhara ở biên giới Tây bắc của đế chế Kushan, chắc hẳn đã kích thích sự phát triển hình ảnh Đức Phật bằng dáng dấp con người.”[5] Gandhara đã tạo ra tượng Đức Phật sớm nhất, với phong cách đại diện là Apollo (thần Hy Lạp). Ngài có một khuôn mặt trẻ trung, hình quả hạnh, với đôi môi đầy đủ, mũi thẳng dài, cơ thể nam tính. Mái tóc xoăn gợn sóng, áo mặc trên người và các phần khác đều được xác định ảnh hưởng của Hy Lạp. Về sau, Gandhara Hậu kỳ chủ yếu ảnh hưởng bởi nghệ thuật La Mã, các đường nét cũng trở nên tinh tế và mềm mại hơn bởi các loại chất liệu dẻo.

Gandhara được xem là có sự đóng góp nhiều nhất cho Phật giáo, tái hiện nhiều sự kiện trong cuộc đời Đức Phật thông qua những bức phù điêu. Gandhara xoáy sâu minh họa cuộc đời Đức Phật hơn là trang trí, mang tính chất siêu thế tục hơn là thế tục. Có thể nói, ở giai đoạn này “không có nơi nào hình tượng của Đức Phật ấn tượng hơn so với nghệ thuật ở Gandhara.”[6]

- Trường phái nghệ thuật Mathura

Mathura là một thành phố ở miền Bắc Ấn Độ, vào thời kỳ cổ đại nơi đây là một trung tâm kinh tế nằm ở ngã ba quan trọng Caravan. Trường phái nghệ thuật Mathura phát triển mạnh mẽ tại thành phố Mathura vào khoảng thế kỷ I-III TL. Trước khi có sự xuất hiện của Phật giáo, Mathura đã là trung tâm tôn giáo văn hóa lớn thờ các vị thần bản địa là Yaksha và Yakshi. Do đó, khác với Gandhara ảnh hưởng phong cách nghệ thuật từ phương Tây, Mathura hoàn toàn ảnh hưởng từ tôn giáo bản địa là Bà-la-môn và Kỳ-na: “Khoảng thời gian mà các nghệ sĩ Gandhara tạo ra phiên bản La Mã hóa về Đức Phật, các nghệ sĩ thuộc vùng Mathura đang phát triển một hình tượng có tính Ấn Độ tiêu biểu hơn về Đức Phật và Bồ-tát.”[7] Nghệ nhân Mathura đều là người Ấn Độ. Họ tạo ra tượng Đức Phật với nhiều hình dạng, đặc biệt Đức Phật với nụ cười huyền bí, được xem là sự chịu đựng và nhẫn lại đối với nhân gian.

Mathura sử dụng chất liệu khác với Gandhara: “Những tác phẩm điêu khắc ở vùng Mathura thực hiện bằng một loại sa thạch đỏ mịn, có thể được khai thác ở một chi tiết nào đó nhưng không đạt đến sự tinh xảo tột bậc.”[8] Rất dễ nhận biết tượng của Mathura, nhờ tạc bằng đá vôi/limestore Sikri địa phương màu đỏ với những vết đốm màu kem. Do ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ lâu đời, những tác phẩm điêu khắc đầu tiên về Đức Phật được thực hiện dựa theo nguyên mẫu thần Yaksha với hình dáng mạnh mẽ, tay phải nâng lên trong việc bảo vệ, tay trái trên thắt lưng. Mathura vào triều đại Kushan chưa thực sự đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Qua thời kỳ Gupa, Mathura mới thực sự tỏa sáng với tượng Đức Phật đẹp đến mức tinh xảo được kế thừa đến tận ngày nay.

So sánh tượng Đức Phật ở Gandhara và Mathura

- Những điểm tương đồng

Cả hai trường phái đều xây dựng tôn tượng Đức Phật ban đầu như một vị Bồ-tát nhằm thể hiện triết lý Phật giáo Đại thừa. Về tổng thể, tượng Phật mang dáng dấp của một vị tu sĩ, trên đầu có búi tóc, có vòng hào quang và tay bắt ấn. Về những đường nét cơ bản bắt buộc phải có của hình tượng một Đức Phật, cả hai trường phái đều đã xây dựng được, đặc biệt là hình dáng tai Đức Phật của cả hai trường phái đều là hình một tam giác dài, đây là kiểu đặc trưng của người Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn thể hiện sự khác biệt rõ ràng, chỉ riêng về phong cách nghệ thuật ảnh hưởng khác nhau giữa hai trường phái đã nói lên điều đó.

- Những điểm dị biệt

Nguyên liệu: Gandhara sử dụng hai chất liệu cơ bản chính, đá-đá phiến màu xanh xám hoặc đen xám và vữa stucco. Mathura làm bằng sa thạch màu đỏ bóng, thường được gọi là Sikri.

Y áo: Đức Phật ở Gandhara khoác y dài rũ xuống thành nếp gấp, vải dày nặng nề, trùm kín hai vai giống hoàng đế La Mã. Mathura tạo thành chiếc y mỏng theo kiểu địa phương, những đường chạm khắc thưa và nhẹ nhàng. Y bên trong và y thượng giống như vị cư sĩ, nhưng không rộng mà bó sát đến những đường viền của thân.

Hào quang: Hào quang Đức Phật ở Gandhara đơn giản, dạng dẹt; Mathura phức tạp và nhiều hoa văn, viền xung quanh như hình vỏ sò.

Búi tóc: Đức Phật Gandhara có búi và gợn sóng, còn ở Mathura giai đoạn đầu này đầu giống như cạo không có tóc.

 Chân mày: Ở Gandhara, chân mày thường là đường cong chính giữa bề mặt của trán, không rộng lắm. Ở Mathura, chân mày Đức Phật được đắp nổi, bề mặt trán rộng hơn và không kéo dài xuống giữa sống mũi.

Đôi mắt: Ở Gandhara, mắt mở phân nửa, vì thế chúng thon dài và trên tân cùng mí mắt có đường nét rõ ràng, dưới tận cùng mí mắt lõm không có đường nét. Ở Mathura, mắt nhìn xuống và mở 2/3 giống như đang thiền định, xung quanh phần trên mắt rộng, dưới mí hẹp và những đường kẻ rất rõ.

Miệng và tai: Ở Gandhara, môi trên và môi dưới khép lại, không dày lắm. Tai dài hơn người bình thường, có hình dáng tam giác dài, đây là kiểu của người Ấn Độ. Còn ở Mathura, môi dưới rộng, hai bên khóe miệng trũng xuống sâu, vì thế khi nhìn khuôn mặt Ngài giống như đang mỉm cười, tai cũng là hình một tam giác dài.

Ngoài ra, tôn tượng Phật của Mathura còn có đôi vai rất rộng, tượng trưng cho cơ thể khỏe mạnh, được diễn tả trong tư thế ngồi tham thiền, tuy có sức mạnh tâm linh cao siêu nhưng vẫn gần gũi với thế gian. Đây là nguồn gốc cơ bản cho hình tượng Phật về sau trên khắp Á châu. Có thể thấy rằng: “Phong cách của Mathura rất đơn giản theo truyền thống Ấn Độ, thể hiện qua những ý tưởng được kiểm soát bằng yoga, được xem là vật chứa ‘hơi thở cần thiết cho sự sống’, hơn chỉ đơn thuần là những mô hình của xác thân.”[9] Ngược lại, Gandhara ảnh hưởng từ La Mã bởi chủ nghĩa hiện thực thể hiện qua nét mặt là sự kết hợp giữa miệng và má, tuy nhiên mắt cắt sâu theo tính cách cổ truyền, đặc biệt là tôn tượng Đức Phật gầy gò hiếm thấy xuất hiện trong nghệ thuật Ấn Độ. Về sau xuất hiện thêm những bức tượng mạ vàng làm cho những pho tượng đá xanh mang phong cách huyền bí và cổ điển hơn, tạo nên ấn tượng hoàn toàn khác biệt với Đức Phật khiêm tốn trầm ngâm suy tưởng. Có thể thấy, “Đức Phật đã trở thành hình ảnh cao siêu làm người ta khiếp sợ trong trí tưởng tượng, về tầm cỡ cũng như độ huy hoàng.”[10]

 Thay lời kết

Về thời điểm hai trường phái nghệ thuật Mathura và Gandhara điêu khắc tôn tượng Đức Phật đã từng là vấn đề tranh luận: Mathura tạc hình tượng Đức Phật sớm hơn hay Gandahra sớm hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: “Mathura chịu ảnh hưởng của Gandhara bắt đầu điêu khắc tượng Phật, ví dụ như tượng Phật đứng khai quật được ở Jamalpur của Mathura vào thế kỷ II.”[11] Hay những giả thuyết cho rằng: “Nơi đầu tiên điêu khắc tượng Phật là Gandhara, vì lúc bấy giờ trường phái này ảnh hưởng phong cách điêu khắc của tượng thần Hy Lạp.”[12] Gandhara cho ra đời tôn tượng Đức Phật sớm hơn, do họ chịu ảnh hưởng và tác động của nền văn hóa Hy Lạp-La Mã, nhưng có lẽ Mathura cũng điêu khắc tượng Đức Phật không bao lâu sau Gandhara.

Qua so sánh, chúng ta thấy hai dạng tôn tượng Đức Phật hoàn toàn khác nhau, thật khó để nhận ra nét chung đặc biệt. Bắt nguồn từ phong cách nghệ thuật của hai trường phái, một bên thiên về truyền thống Ấn Độ và một bên chịu ảnh hưởng La Mã cổ đại, đã nói lên sự khác biệt về những bức tượng mà hai trường phái này tạo ra. Có thể thấy, tôn tượng Đức Phật do Mathura tạo ra được xem như truyền thống của người dân Ấn Độ trước kỷ nguyên Tây lịch. Mẫu tượng Phật xuất phát từ nguyên mẫu tượng Yaksha, phát triển thêm ở vành miệng được đẽo gọt môi trên và môi dưới rộng hơn. Ngày nay, nghệ thuật Phật giáo vẫn còn thừa hưởng từ Mathura về cách làm pháp y của Đức Phật với những đường nét tinh tế và chỉ che vai bên trái. Đức Phật ngồi trên tòa sen hay hình Pháp luân trong lòng bàn tay cũng có nguồn gốc từ Mathura. Mặc dù xuất hiện và có những bước phát triển đáng kể vào triều đại Kushan, nhưng thời kỳ hoàng kim và đạt đến đỉnh cao của Mathura là vào thời kỳ Gupta về sau.

Như vậy, rõ ràng vào giai đoạn này, Gandhara có những thành tựu đáng kể hơn, được biểu hiện qua tượng Phật theo phong cách Gandhara phổ biến rộng trên lãnh thổ Ấn Độ. Mặt khác, tôn tượng Đức Phật được mô tả chi tiết hơn, có những đặc điểm mà Mathura không đề cập đến, như Gandhara xây dựng chi tiết tỉ lệ khuôn mặt Đức Phật là 142:137, cổ ngang lõm vào không có đường khắc chạm, tư thế gồm cả đứng và ngồi, tư thế nằm chỉ có khi diễn tả Đức Phật nhập Niết-bàn. Họ sử dụng rất ít màu sắc, chỉ duy nhất màu gạch đỏ do stucco tạo nên hoặc màu vàng do vàng lá tạo thành. Bệ Phật ngồi phần nhiều được làm bằng đá, hình vuông với nhiều hoa văn trang trí xung quanh, rất hiếm khi thấy hoa sen. Tuy không thuần túy là mỹ thuật Ấn Độ, nhưng phong cách Gandhara là nền tảng căn bản cho nghệ thuật sau này. Gandhara không chỉ thành công, đóng góp cho nghệ thuật Phật giáo của Ấn Độ mà còn đưa nghệ thuật Ấn Độ nói chúng lan tỏa rộng trên thế giới, vì “Nghệ thuật Gandhara được phương Tây vô cùng ái mộ.”[13]

Mặc dù những pho tượng khổng lồ của Gandhara đã bị Hồi giáo tàn phá, nhưng “những tàn tích của các pho tượng đã sống còn với thời gian như là nhân chứng câm lặng cho nghị lực và sức sáng tạo của Phật giáo ở Afghanistan.”[14] Bên cạnh đó, tuy cũng gặp nhiều biến động vào thế kỷ III, nhưng “Kiểu thức mỹ thuật Kushan tại Mathura đã sống còn với thời gian và các phẩm chất của nó cuối cùng đã dẫn đến sự phát triển hoàn thiện hình tượng Đức Phật trong thời kỳ Gupta.”[15] Nói chung, cả hai trường phái Gandhra và Mathura đã đóng góp rất nhiều cho Phật giáo, không chỉ làm phương tiện giúp giáo lý đạo Phật được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ này mà có giá trị đến tận ngày nay. Hơn hết, những tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần là trang trí, chúng chính là những bức thông điệp mà thông qua đó người nghệ sĩ muốn thể hiện những triết lý nhân sinh vĩ đại của Đức Phật.

Tôn tượng Đức Phật, trong thực tế như là chứng tích về sự xuất hiện của một nhân vật lịch sử có thật. Về mặt tín ngưỡng, tôn tượng không nhằm mục đích trang trí mà mang ý nghĩa truyền bá tư tưởng, giáo lý mà Phật giáo muốn truyền tải. Mỗi tôn tượng Đức Phật của các trường phái khác nhau đều mang một sắc thái riêng thể hiện yếu tố tâm linh, đều thu hút người chiêm ngưỡng trở về nội tâm an bình.

Hai trường phái nghệ thuật Gandhara và Mathura đều xuất hiện và phát triển song song vào triều đại Kushan ở Ấn Độ. Tuy mỗi trường phái mang phong cách khác nhau, từ kiểu thức, hình dáng đến văn hóa ảnh hưởng nhưng đều chung một điểm duy nhất đó là tạo nên tôn tượng Đức Phật, đều vì một mục đích chung là mang tư tưởng, triết lý Phật giáo phổ biến rộng hơn. Qua khảo luận, phần nào đã làm rõ phong cách khác nhau của hai trường phái, đồng thời thấy được quá trình phát triển của nghệ thuật Phật giáo cũng như những đóng góp to lớn mà lĩnh vực này mang lại. Ngày nay, chúng ta không chỉ được thừa hưởng và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất, mà thông qua đó chúng ta phần nào biết được tình trạng Phật giáo vào lúc bấy giờ.

 

 

 

 

 

 



[1]. Roy C. Craven, Nguyễn Tuấn-Huỳnh Ngọc Trảng dịch,  Mỹ thuật Ấn Độ, NXB.Mỹ Thuật, năm 2005, tr.102.

[2]. Thích Trung San, Tài liệu giáo thọ môn Nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ khóa XIII.

[3]. Sherman E. Lee, Lịch sử mỹ thuật Viễn Đông, NXB.Mỹ Thuật, 2007, tr.123.

[4]. Thích Trung San, Sđd.

[5]. Sherman E. Lee, Sđd., tr.123.

[6]. Thích Trung San, Sđd.

[7]. Phan Quang Định dịch, Những nền mỹ thuật ngoài phương Tây, NXb.Mỹ Thuật, năm 2005, tr.80.

[8]. Sherman E. Lee, Sđd., tr.129.

[9]. Robert E. Fisher, Nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.67.

[10]. Robert E. Fisher, Sđd., tr.73.

[11]. Nguyễn Tuệ Chân dịch, Nghệ thuật Phật giáo, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.17.

[12]. Thích Hạnh Bình - Phương Anh dịch, Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB.Phương Đông, 2017, tr.165.

[13]. Sherman E. Lee, Sđd., tr.122.

[14]. Roy C. Craven, Nguyễn Tuấn-Huỳnh Ngọc Trảng dịch, Sđd., tr.123.

[15]. Sđd., tr.135.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác