TÍNH THỜI GIAN, TÙY DUYÊN SÁNG TẠO VÀ TỒN TẠI TRONG DI SẢN VĂN HÓA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH

tinh thoi gian

TÍNH THỜI GIAN, TÙY DUYÊN SÁNG TẠO VÀ TỒN TẠI  TRONG DI SẢN VĂN HÓA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH

 

Thích Thanh Tâm

Tóm tắt: 

Tôn giáo không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà còn làm cho văn hóa các dân tộc được bảo tồn. Thông qua sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người mà tôn giáo đã tô đượm cho văn hóa dân tộc nhiều sắc màu. Vì vậy, di sản văn hóa tôn giáo là một loại di sản khơi nguồn từ quá khứ, nhưng có tính hiện tại. Cái gọi là “di sản văn hóa tôn giáo” chính là một thực thể tồn tại nào đó từ trong quá khứ được chuyển di tới hôm nay và hướng đến tương lai như một giá trị đích thực.

Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những di sản văn hóa tôn giáo, mang giá trị cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Do đó, khi nhìn từ góc độ di sản văn hóa tôn giáo, có thể nhận chân giá trị của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh từ ba khía cạnh: Thứ nhất, tính thời gian, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ là sự kiện tồn tại trong quá khứ kéo dài mãi tới hôm nay, mà còn là sự kiện xuất phát từ ngày hôm nay hướng về quá khứ và hướng tới tương lai. Thứ hai, tính tùy duyên sáng tạo, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ là quá khứ tồn di trong hiện tại mà còn được cấu trúc lại trong hiện tại, không chỉ được kế thừa mà còn luôn tùy duyên sáng tạo và phát triển từ quốc nội cho đến quốc ngoại. Thứ ba là tính tồn tại, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ là một hiện tượng cô lập, mà là sự kiện tồn tại với những sai biệt của một chỉnh thể hóa tôn giáo ở Việt Nam cũng như thế giới. Như vậy có thể thấy Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và di sản văn hóa tôn giáo có quan hệ gắn bó hữu cơ giữa tính chung và tính riêng, giữa chủ thể và khách thể, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bộ phận và chỉnh thể hệ thống. Do đó, bài viết này đề cập đến ba khía cạnh, tính thời gian, tùy duyên sáng tạo và tồn tại của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh từ góc độ di sản văn hóa tôn giáo để làm sáng tỏ Thiền phái trong từng nội dung lẫn ảnh hưởng hỗ tương văn hóa tôn giáo trong ngôi nhà tâm linh hiện nay.

Từ khóa: Lâm Tế Chúc Thánh, di sản văn hóa tôn giáo, quá khứ - hiện tại - vị lai.

1. Khái niệm di sản văn hóa tôn giáo

Di sản văn hóa là di sản thuộc tính phi vật thể được thừa kế lại từ các thế hệ đi trước, duy trì cho đến hiện tại và có thể dành cho cả các thế hệ tương lai. Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo Peter Howard,[1]Di sản rõ ràng là một vấn đề và nó trở nên như vậy ngay khi người ta gắn cho nó những giá trị khác nhau. Những giá trị mà có thể được thấy trước như là một loạt các lăng kính đặt trước mắt chúng ta, phù hợp với một vài thuộc tính của chúng ta, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về di sản”[2].

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội.”[3] Như vậy, văn hóa phản ảnh những lề lối, tổ chức sinh hoạt trong sự phát triển tinh thần, đạo đức, nghệ thuật sống trong những hài hòa chung giữa con người và xã hội. Những điều này hoàn toàn phù hợp với chức năng của tôn giáo, vì thế văn hóa chính là nền tảng thực thi của tôn giáo hướng đến chân trời văn minh nhân bản. Cho nên, văn hóa là tài sản, là di sản những thành tựu của lao động và tư duy, những tinh hoa của con người thể hiện thành vật thể hay những giá trị tinh thần phi vật thể, tất cả đem lại cái đẹp, cái thiện, cái chân lý phổ quát trong quá trình tiến hóa của loài người. Vì thế tôn giáo cũng là văn hóa bởi vì tôn giáo có nguồn gốc nhân bản, có những bản sắc nhân văn. Nói cách khác, tôn giáo gắn liền với con người và tác động vào quá trình thăng hoa, tiến hóa của con người.

Do vậy, từ góc độ di sản văn hóa tôn giáo có thể thấy ở Phật giáo Việt Nam những giá trị văn hóa tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật, sự sáng tạo, ý niệm về sự thiêng liêng, nuôi dưỡng đức tin của nhân dân. Di sản văn hóa Phật giáo đóng góp rất lớn trong lĩnh vực kiến trúc và mỹ thuật theo từng thời kỳ lịch sử, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu, đánh giá những biến đổi về diện mạo của các di tích Phật giáo.

“Tôn giáo giữ vai trò tiền phong trong việc khai sáng nền văn minh nhân loại, điều này đối với các nhà chân tu mang lý tưởng cứu đời, ai cũng đều nghĩ như vậy; nhưng việc khai sáng đó có đúng với khả năng và tầm vóc hiện có của tôn giáo hay không đó chính là những khó khăn mà tôn giáo cần phải vượt lên: khai triển giáo lý thật sâu rộng, thích ứng phù hợp được với toàn diện đời sống, nơi gặp nhau của mọi nền tôn giáo, mọi trào lưu tư tưởng tinh hoa của nền văn minh nhân loại còn đang tồn tại trong dung hợp khai phóng.”[4]

Tóm lại, di sản văn hóa Phật giáo cũng đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Hệ thống triết lý cao siêu của Phật giáo khi truyền vào Việt Nam đã được dân gian hóa thành những biểu tượng, những chuẩn mực hết sức gần gũi và thân thuộc với con người Việt Nam. Phật giáo trở thành một tôn giáo ăn sâu vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân ở mọi giai tầng và ngày càng phát triển, là bởi tôn giáo này với một hệ thống giáo lý, quan điểm triết học, tâm lý, đạo đức gần với con người Việt Nam, hơn nữa trong quá trình tồn tại nó đã dung hợp, thích ứng với tín ngưỡng bản địa, trở thành điểm tựa đức tin của người dân.

2. Những góc nhìn về Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh

Từ trình tự nghiên cứu, trước hết cần xác định nghiên cứu khách thể rồi mới tiếp tục đi sâu nghiên cứu nội dung và hình thức giá trị di sản, tức là khảo sát đối tượng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh từ góc độ lý luận quan niệm về di sản văn hóa tôn giáo.

2.1 Hướng nghiên cứu di sản:

Kể từ khi Tổ Minh Hải - Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua hơn 300 năm lịch sử hình thành và phát triển. Qua ngần ấy thời gian có mặt trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc.

Tổ Minh Hải chọn một địa điểm hoang vắng, thưa người ở phía Bắc thương cảng Hội An dựng lên một thảo am để tu đạo, thu nhận đệ tử. Sau đó ngài lập nên Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và xuất kệ biệt truyền riêng cho đệ tử kế thế. Các Thiền sư thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã đem ý chỉ của Tổ truyền bá khắp mọi nơi. Ngày nay, Thiền phái Chúc Thánh có mặt khắp các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam, thậm chí còn phát triển mạnh tại các nước Âu - Mỹ. 

Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Cùng với sự phát triển của thiền môn, là những cảnh quan tôn giáo chùa miếu am, tháp được xây dựng theo triết lý Thiền, rộng khắp trong không gian Chúc Thánh, đáp ứng cho việc tu thiền và sinh hoạt lễ hội của tín đồ trong nước cũng như nước ngoài. Như vậy, trên cơ sở lý luận về di sản văn hóa, chúng ta có thể xác định hướng nghiên cứu giá trị “di sản” của Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh. Đó là lịch sử được kế thừa, là tư tưởng triết học, sinh thái văn hóa cả về vật chất và tinh thần, cách thức tổ chức, nghi thức tu tập, v.v.

2.2. Về mặt ra đời Thiền phái Chúc Thánh:

Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được hình thành từ ngài Minh Hải Pháp Bảo. Ngài nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của ngài Vạn Phong-Thời Ủy. Trước khi Thiền phái Chúc Thánh ra đời, tại Quảng Nam đã có nhiều vị Thiền sư danh tiếng giáo hóa như: Minh Châu, Thạch Liêm, Hưng Liên, v.v. Tuy nhiên, các ngài chỉ trụ một thời gian rồi ra đi. Ngài Minh Châu cùng với 50 đệ tử vượt biển ra Đàng Ngoài vào tháng 3 năm Nhâm Tuất (1682). Kế đến là hai thầy trò ngài Thạch Liêm và Hưng Liên của dòng Tào Động. Ngài Thạch Liêm qua chỉ một thời gian ngắn, còn ngài Hưng Liên được phong Quốc sư và trụ tại chùa Tam Thai. Sự hoằng hóa của các Thiền sư kể trên đã làm cho người dân đất Quảng thấm nhuần Phật pháp, nhưng các Ngài tùy duyên giáo hóa, chợt đến chợt đi khiến cho người con Phật nơi đây cảm thấy hụt hẩng, thiếu thốn. Chính vì lẽ đó, khi Thiền sư Minh Hải quyết định trụ lại Quảng Nam hoằng hóa đã đáp ứng được niềm khát khao mong đợi của đa số tín đồ quần chúng. Nếu như các ngài Minh Châu, Thạch Liêm là người có công xây dựng nền móng thì ngài Minh Hải là người có công kiến tạo tòa nhà Phật giáo Quảng Nam.

2.3 Về phương diện tư tưởng:

Ngài khai sơn chùa Chúc Thánh và xuất kệ truyền pháp như sau:


                                               
                                         
                                         
                                         
                                          滿
 
Truyền pháp danh kệ:                           Truyền pháp tự kệ:

Minh thiệt pháp toàn chương                  Đắc chánh luật vi tông
Ấn chơn như thị đồng                             Tổ đạo giải hạnh thông
Chúc thánh thọ thiên cửu                        Giác hoa bồ-đề thọ
        Kỳ quốc tộ địa trường.                             Sung mãn nhân thiên trung.


            Bài kệ này bao gồm bốn mươi chữ và được chia ra làm hai phần. Phần đầu gồm bốn câu đầu được dùng để đặt pháp danh và phần còn lại để dặt pháp tự. Ngài Minh Hải có pháp danh chữ Minh và pháp tự là chữ Đắc. Tiếp đến, hàng đệ tử của ngài theo thứ tự có pháp danh chữ Thiệt và pháp tự chữ Chánh như: Thiệt Diệu-Chánh Hiền, Thiệt Dinh-Chánh Hiển, Thiệt Đăng-Chánh Trí, v.v. Chính sự truyền thừa có thứ tự như vậy nên chúng ta dễ dàng nhận ra vị Thiền sư nào là đệ tử ngài Minh Hải. Thiền phái Chúc Thánh là lấy theo tên ngôi chùa Chúc Thánh do Tổ sư Minh Hải khai sơn. Từ đây, sữa Pháp lại được khơi dòng tại đất Quảng, lan tỏa khắp các tỉnh thành, góp phần rất lớn trong sự nghiệp hoằng truyền Chánh pháp.

Ở bài kệ truyền pháp danh, hai câu đầu là nói về chân đế. Nghĩa là các pháp xưa nay vốn dĩ sáng tỏ tròn đầy, cùng với thể tánh Chơn như không có sự sai biệt. Hai câu sau nói về tục đế, cầu cho Thánh quân sống lâu muôn tuổi và vận nước được dài lâu muôn thuở. Ở bài kệ truyền pháp tự, hai câu đầu mang ý nghĩa lấy giới luật làm tông, nên tuyên dương giới luật.

Về chữ Chúc Thánh, mặt Đạo pháp, là một người trưởng tử của Như Lai, chư Tổ thuở quá khứ cũng như các thế hệ chúng ta ngày nay, ai ai cũng muốn cho Chánh pháp cửu trụ thế gian để lợi lạc nhân quần xã hội. Ở đây, Thiền sư Minh Hải lấy hai chữ Chúc Thánh để đặt tên cho ngôi chùa cũng có ý nghĩa như vậy. Thánh ở đây có nghĩa là Thánh đạo. Ngài muốn Thánh giáo luôn luôn tồn tại ở thế giới Ta-bà này để xoa dịu những nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh. Về mặt Dân tộc, mỗi người chúng ta ai cũng muốn có những vị vua anh minh cai trị đất nước, đem lại hòa bình an lạc cho muôn dân. Vì thế, Chúc Thánh ở đây còn có nghĩa là Chúc cho Thánh quân thọ lâu muôn tuổi để trị vì thiên hạ. Họ chính là những vị hộ pháp đắc lực cho chư Tăng trong sự nghiệp truyền bá Chánh pháp.

Giá trị của di sản văn hóa không chỉ là giá trị lịch sử, mà quan trọng là giá trị hiện tại của nó. Nhận thức được thuộc tính thời gian của di sản văn hóa tôn giáo có thể đem lại cho chúng ta những hiểu biết mới về nó.

Trước hết, nhận thức mới này sẽ chỉ cho thấy kết cấu thời gian liên tục của di sản văn hóa. Có thể cường điệu những nhận thức về giá trị thực tại của di sản văn hóa tôn giáo, song về cơ bản chủ yếu vẫn xuất phát từ nhu cầu, lập trường, quan niệm của con người hiện tại, để xác định loại nội hàm văn hóa và đối tượng cần được bảo hộ. Nội hàm của hiện tại, đã bao quát cả hiện tại và tương lai. Muốn biết nguyên nhân đời trước, hãy nhìn những thụ hưởng ngày hôm nay; muốn biết kết quả trong tương lai, hãy xem những hành vi hiện tại. Hiện tại của chúng ta chính là kết quả của quá khứ, tương lai của chúng ta chính là kết quả của hiện tại. Chỗ đứng ở hiện tại đã ngầm chứa cả ba giai đoạn quá khứ, hiện tại và tương lai. Cho nên chúng ta không những phải nhận thức tính hiện tại của di sản văn hóa tôn giáo từ thời điểm hiện tại, mà còn phải khẳng định giá trị lịch sử của di sản và nhận thức di sản từ hiện tại hướng về tương lai.

3.1. Xét về nguồn gốc trực tiếp

Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những chi nhánh của dòng thiền Lâm Tế tại Trung Hoa. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh được Tổ sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sáng vào những năm cuối thế kỷ XVII tại chùa Chúc Thánh tỉnh Quảng Nam. Vì thế, dòng thiền này còn có tên gọi khác là Thiền phái Minh Hải - Pháp Bảo.

Các Thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân nên dòng thiền này nhanh chóng phát triển. Hội An là chiếc nôi khai sinh của dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Lúc bấy giờ Hội An là một thương cảng trù phú nên có nhiều người ngoại quốc đến sinh sống làm ăn, trong đó cộng đồng người Hoa chiếm đại đa số. Với một lực lượng kế thừa hùng hậu, các Thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được cả hai cộng đồng người Việt lẫn người Hoa. Các ngài Thiệt Diệu, Thiệt Thọ và Thiệt Mẫn là người Hoa nên ngụ tại Chúc Thánh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng người Hoa. Còn Thiền sư Thiệt Dinh ra khai sơn Phước Lâm với sự hỗ trợ của các ngài Thiệt Đạo và Thiệt Gia, đã thu hút sự quy ngưỡng cũng như đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người Việt. Như vậy, trong hàng đệ tử xuất gia của Tổ Minh Hải có cả người Hoa và người Việt. Các vị người Hoa ở Chúc Thánh và các vị người Việt ở Phước Lâm đã tạo thành hai trung tâm hoằng pháp đầu tiên của dòng Chúc Thánh.

Với tư tưởng phóng khoáng của tông Lâm Tế, cộng với nếp sống giản dị, thanh bần, các thiền sư dòng Chúc Thánh gần gũi với nhân dân nên dễ dàng tiếp cận đi sâu vào lòng quần chúng. Thời bấy giờ dân Quảng Nam phần lớn là dân di cư từ Bắc vào. Từ lâu họ đã sống trong tư tưởng gò bó của Nho giáo nên rất chán ngán. Nay có một trào lưu mới với những tư tưởng phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết nên họ nhanh chóng tiếp nhận. Sự giản dị trong cách sống, chân tình trong giao tiếp của các Thiền sư nơi đất Quảng đã tạo nên sự gần gũi thân mật dễ dàng hòa nhập cùng cộng đồng.

3.2. Những nét cơ bản về  phương pháp tu tập và tôn chỉ hành đạo

Qua bài thuật sự tích của Thiền sư Pháp Chuyên, đời 36 Lâm Tế Chúc Thánh, có thể thấy được sự tu tập của các Thiền sư thời bấy giờ: “Ngài ngày ăn một bữa, xa lìa tài sắc, không màng đến chuyện thế sự, thường xem kinh luật, tinh tấn cầu đạo, tụng chú Đại bi một tạng, đảnh lễ Tam thiên, Vạn Phật, Hồng danh mỗi loại năm lần, đem thiện căn này cầu cho tội chướng tiêu trừ, sớm  thành Phật đạo”.[5] Điều đó cho thấy phương pháp tu tập là kết hợp hài hòa giữa Thiền-Tịnh, theo chủ trương Thiền-Tịnh song tu của Thiền sư Vĩnh Minh-Diên Thọ (904-975). Nghĩa là các Thiền sư tụng đọc kinh văn, lạy Phật sám hối để cầu tội chướng tiêu trừ theo pháp môn Tịnh độ. Đồng thời thực tập thiền định, tham thoại đầu, vấn đạo để cầu thầy ấn chứng sở đắc theo truyền thống Thiền tông. Sự vận dụng kết hợp Thiền-Tịnh song tu đã đem lại sự lợi lạc cho hành giả và tha nhân. Về tự thân, các Thiền sư đạt được sự an lạc do thiền định đem lại, thân tâm an lạc, nội lực tăng trưởng nên thấy rõ thật tướng của mọi sự, mọi việc. Với pháp môn Tịnh độ, các ngài đã giúp cho dân chúng ổn định tinh thần, có một niềm tin hướng về Tam bảo.

Về tôn chỉ hành đạo, có thể khẳng định qua hai câu kệ sau: Chúc Thánh thọ thiên cửu. Kỳ quốc tộ địa trường. Ngoài việc tu hành chứng ngộ tâm linh, các Thiền sư dòng Chúc Thánh chủ trương nhập thế tích cực với tinh thần vô nhiễm. Tôn chỉ hành đạo của Thiền phái Chúc Thánh kể từ ngày Tổ sư khai sơn cho đến nay vẫn không thay đổi. Nhập thế tích cực cứu đời nhưng vẫn thong dong tự tại trước mọi lợi danh. Tùy duyên hành đạo và bất biến giữ đạo luôn được áp dụng tùy từng hoàn cảnh đã thể hiện được bản hoài của người Thích tử theo tinh thần: “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật.”

Di sản văn hóa tôn giáo là một loại tồn tại có từ trước, được con người hiện tại tiếp thu và cấu trúc lại; di sản không chỉ được kế thừa mà còn được sáng tạo. Di sản văn hóa tôn giáo được những chủ thể hiện tại gắn cho những ý nghĩa của thời hiện tại. Cái gọi là “di sản” kỳ thực là những xác nhận được đưa thêm vào giá trị của di sản từ nhu cầu của con người hiện tại. Quá trình xác nhận này được tiến thêm một bước là di sản được tăng thêm ý nghĩa mới. Cho nên, dựa vào quan niệm ngày càng phát triển của “di sản văn hóa tôn giáo”, thì những giá trị chân chính của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng ngày càng được phát hiện nhanh chóng, và luôn được “sáng tạo” thêm, vì nhu cầu ngày càng cao của con người, trong cuộc sống luôn biến đổi theo xu hướng hiện đại.

Trước hết quan niệm tu tập “tùy duyên tác Phật sự” trong sinh hoạt sơn môn. Kể từ khi thiền sư Minh Hải xuất kệ truyền thừa, trong vòng một thế kỷ, Thiền phái Chúc Thánh phát triển mạnh ở Quảng Nam và lan rộng theo bước chân Nam tiến vào đến miền Gia Định. Tại Quảng Nam, đến cuối thế kỷ XVIII, các Thiền sư dòng Chúc Thánh đảm nhiệm công việc hoằng hóa tại các chùa trong tỉnh và hình thành ba trung tâm hoằng pháp: trung tâm Hội An nằm ở phía Đông với các tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm; trung tâm Ngũ Hành Sơn nằm ở phía Bắc với hai ngôi quốc tự Tam Thai và Linh Ứng; trung tâm Đại Lộc nằm ở phía Tây với tổ đình Cổ Lâm. Cả ba trung tâm hoằng pháp của dòng Chúc Thánh tại Quảng Nam có sự liên hệ mật thiết và hỗ tương cho nhau. Trong đó, các chùa Chúc Thánh, Phước Lâm giữ vai trò trung tâm đào tạo Tăng tài, phân bổ đến các chùa trong tỉnh. Bấy giờ, việc sinh hoạt của sơn môn cũng còn đơn giản. Thiền tông với chủ trương “Bất lập văn tự” nên các Thiền sư không có mở trường dạy học mà chủ yếu là thầy trò truyền dạy cho nhau, thực tập thiền định và ấn chứng sở ngộ.

Sau đó là tổ chức hệ phái. Những ngày đầu hình thành, môn phái Chúc Thánh chỉ sinh hoạt đơn giản với danh xưng Chư tự sơn môn. Lúc đó, sự tổ chức còn sơ sài, chùa nào có bậc cao tăng thạc đức, uyên thâm giáo điển là Tăng chúng quy tụ về theo học. Thông thường, các Thiền sư danh tiếng đều trụ tại đạo tràng Phước Lâm. Vì thế Phước Lâm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của môn phái Chúc Thánh. Đến năm Nhâm Thân (1992), nhân dịp khánh thành bảo tháp Tổ sư Minh Hải, môn phái Chúc Thánh mới chính thức thành lập. Đây là nhu cầu thiết yếu để duy trì truyền thống và phát triển tông môn. Chư Tăng Ni thuộc môn phái khắp các tỉnh thành trong cả nước đều vân tập về Chúc Thánh tổ chức hội nghị thành lập môn phái. Danh xưng chính thức được gọi là Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh và đặt trụ sở tại tổ đình Chúc Thánh-Hội An.

Xuyên suốt 300 năm truyền thừa trên đất Quảng, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh hình thành và phát triển theo thời gian. Dần theo năm tháng, với những chuyển biến của đất nước, môn phái Chúc Thánh có những tổ chức cụ thể để duy trì truyền thống tông môn. Sự thành lập môn phái Lâm Tế Chúc Thánh vào năm Nhâm Thân (1992) là đỉnh cao của tinh thần hòa hợp của Phật giáo. Đây là một tổ chức kiện toàn nhất của dòng Lâm Tế Chúc Thánh từ trước đến nay.

Sự hiện tồn mọi sự vật, hiện tượng đều nằm trong tổng thể của nhiều mối quan hệ. Từ nguyên lý hệ thống, cấu trúc nội tại của mọi sự vật và hiện tượng là một tổng thể hoàn chỉnh, để định hình và quan trọng hơn để sự vật, hiện tượng vận động và phát triển. Vì vậy khi xem xét sự tồn tại của mọi sự vật khách quan, không thể không quan tâm tới những mối quan hệ bên trong và bên ngoài, tạo thành tính chỉnh thể của sự vật, hiện tượng ấy.

Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không hề tồn tại cô lập, mà bản thân Thiền phái này tồn tại trong tính sai biệt của một chỉnh thể. Trước hết Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh có cội nguồn từ Phật giáo Ấn Độ. Thiền phái này đã kế thừa và sáng tạo từ tinh hoa của chi phái Thiền Lâm Tế tại Trung Hoa, sau đó còn dung hợp với cả văn hóa dân tộc Việt Nam, gần nhất là văn hóa bản địa Quảng Nam. Hơn nữa, Thiền phái này còn có cả một quá trình đồng hành cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam. Độ lan tỏa ảnh hưởng của nó không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Ở đây, rõ ràng có sự sai biệt trong sự thống nhất về tinh thần của Phật giáo. Sự sai biệt này có thể tìm thấy từ triết lý Thiền, cách thức tu tập, tổ chức hệ thống hoằng dương Phật pháp, đến những yếu tố cảnh quan môi trường tâm linh, lễ hội Phật giáo và cả quá trình hiện đại hóa Thiền phái này, trong trường kỳ lịch sử.

Sự tập hợp thống nhất, hoàn chỉnh của nhiều yếu tố, từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể, từ sinh hoạt cộng đồng, lịch sử truyền thống đến đương đại, từ địa phương cho tới quốc gia trung ương, kể cả trong khu vực và quốc tế…, tất cả được gắn kết mật thiết trong một chỉnh thể rộng lớn về không gian - thời gian, về cả nhân lực và vật lực. Tất cả gắn kết chặt chẽ hơn cả về tính tự giác, lẫn những quy định rõ ràng, về quyền lợi và nghĩa vụ của từng cá nhân và của từng khu vực, trong việc tu tập, vận hành Thiền phái. Điều đáng quan tâm là vị thế của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ ảnh hưởng trong lịch sử giữ nước của dân tộc, mà còn lan tỏa sang nhiều nước trên thế giới, với nhiều tu viện, chùa được xây dựng và thu hút nhiều tín đồ tu tập.

6. Kết luận

Kể từ ngày Tổ sư Minh Hải chấn tích khai sơn, các đệ tử của ngài đã kế thừa xứng đáng sự nghiệp của thầy tổ nên môn phong Chúc Thánh nhanh chóng hình thành và phát triển. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, các Thiền sư dòng Chúc Thánh đã đóng vai trò chủ đạo trong việc truyền pháp tại Quảng Nam, khiến cho Phật giáo tại nơi đây sớm ổn định và phát triển rực rỡ. Các tổ đình Chúc Thánh, Phước Lâm, Tam Thai, v.v. trở thành những trung tâm hoằng pháp chính tại Quảng Nam. Từ những tổ đình này, các vị Tổ sư dòng Chúc Thánh đã đào tạo nhiều thế hệ “Như Lai sứ giả” đem tư tưởng của Tổ cũng như pháp kệ truyền bá rộng rãi từ đất Quảng vào đến các tỉnh miền Nam. Ngày nay, theo bước chân người Việt xa xứ, Tăng nhân Chúc Thánh có mặt khắp các châu lục để làm tròn sứ mệnh “Che chở hồn dân tộc” của mình, góp phần đem ánh sáng Chánh pháp cũng như giới thiệu 2.000 năm lịch sử thăng trầm truyền bá Phật giáo Việt Nam đến với các nước phương Tây.

Tóm lại, nhận thức về di sản văn hóa tôn giáo không chỉ cần quan tâm tới bản thân sự tồn tại của di sản, mà quan trọng hơn là phải hết sức coi trọng phương thức sinh tồn. Điều này đã đem lại nhận thức hoàn chỉnh, sâu sắc khi chúng ta muốn bảo tồn và phát huy giá trị của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trong thời đại hiện nay.

Tài liệu tham khảo

2.      Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London - New York.

5.      Thích Giải Nghiêm, Tìm hiểu sự hình thành và phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam, https://www.chuabuuchau.com.vn/luan-van-hoi-thao/tim-hieu-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-thien-phai-lam-te-chuc-thanh-tai-quang-nam-thich-giai-nghiem_1111.html

6.      Đinh Kiều Nga, Bản sắc văn hóa Việt Nam qua Di sản văn hóa tôn giáo, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3589/Ban_sac_Van_hoa_Viet_Nam_qua_Di_san_van_hoa_ton_giao_Phan_I_

7.      Đặng Thị Lan, Về vai trò của đạo đức tôn giáo trong đời sống xã hội, http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Triet-hoc-tinh-than/Ve-vai-tro-cua-dao-duc-ton-giao-trong-doi-song-xa-hoi-382.html

8.      Lê Văn Lợi, Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc đổi mới đất, http://lyluanchinhtri.vn/ home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/562-bao-ton-phat-huy-nhung-gia-tri-van-hoa-dao-duc-tot-dep-cua-ton-giao-trong-cong-cuoc-doi-moi-dat.html

9.      Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Chúc Thánh, http://hoavouu.com/images/file/9xUXfvQW0wgQALtq/lich-su-truyen-thua-thien-phai-chuc-thanh-thich-nhu-tinh.pdf

10.  http://www.danchimviet.info/archives/28751/th%E1%BB%B1c-t%E1%BA%A1i-van-hoa-v%E1%BB%9Bi-ton-giao/2011/02)

 


 

[1] Nhà địa lý học tiếp cận với di sản từ các nghiên cứu về cảnh quan, biên tập viên của tạp chí quốc tế “Nghiên cứu di sản” (Heritage Studies), có nhiều năm giảng dạy về di sản tại Trường Đại học Plymouth, hiện đang đảm nhiệm việc nghiên cứu và giảng dạy tại một số viện nghiên cứu ở Vương quốc Anh.

[2] Peter Horward (2003), Heriatge: Mangement, Interpretation, Identity; Continuum, London - New Yorktr.216.

[3] Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển tiếng Việt, NXB.Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản.

[4] http://www.danchimviet.info/archives/28751/th%E1%BB%B1c-t%E1%BA%A1i-van-hoa-v%E1%BB%9Bi-ton-giao/2011/02)

[5] Thích Giải Nghiêm, Tìm hiểu sự hình thành và phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam, https://www.chuabuuchau.com.vn/luan-van-hoi-thao/tim-hieu-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-thien-phai-lam-te-chuc-thanh-tai-quang-nam-thich-giai-nghiem_1111.html

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác