Người xuất gia cần chọn bạn như thế nào? - Vài xem xét từ các bản kinh Pāli

nguoi xuat gia

Người xuất gia cần chọn bạn như thế nào? - Vài xem xét từ các bản kinh Pāli

Thích Nữ Như Nghiêm

 

Trong kinh Giáo thọ thi-ca-la-việt, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Bất k ai có hành vi làm tổn hại mình và xã hội, đó không phải là bạn; trái lại, ai không gây hại cho mình và xã hội đồng thời khiến mình hạnh phúc, tráng kiện, đó chính là bạn”[1]. Từ đó cho thấy,bạn là người hướng chúng ta đến những điều tốt đẹp, trong sáng, hướng thượng và vững chãi.

Phẩm chất của một người bạn đích thực

Người ta thường nói giàu vì bạn. Vì sao vậy? Bởi lẽ ai có một người bạn tốt như có một kho báu vô giá. Cái giàu ở đây không phải là giàu về vật chất mà giàu về tinh thần. Vậy, một người bạn tốt cần có phẩm chất gì?

Trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Thế Tôn dạy chúng ta luôn “che chở cho bạn..., che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật; là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi và khi bạn có công việc họ sẽ giúp đỡ của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu”[2]. Thêm nữa, người ấy còn luôn “chung thủy cùng bạn trong khổ cũng như vui, nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn[3].

Trong tình bạn, niềm tin là điều kiện tiên quyết làm cho mối quan hệ trở nên bền vững lâu dài. Tuy nhiên, để có được sự tin tưởng tuyệt đối, đòi hỏi tình bạn ấy phải trải qua một thời gian dài tìm hiểu, đồng hành và cùng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Như lời Phật dạy: Chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể khác được”[4]. Bởi vì như cha ông ta thường nói: “Lúc gian nan mới biết ai là bạn. Có những người chỉ biết thêu hoa trên gấm mà chẳng biết đốt than những ngày đông giá rét, và cũng có những người chỉ biết thêm dầu vào lửa chứ không hề biết đối đãi chân thành là gì. Một người bạn tốt là người luôn xem khổ đau và hạnh phúc của bạn như khổ đau hay hạnh phúc của chính mình; người ấy “không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn, hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chặn những ai nói xấu bạn và khuyến khích những ai tán thán bạn”[5]. Trong đời sống xã hội ngày nay, khi các mối quan hệ dần bị vật chất hóa, yếu tố trung kiên càng được coi trọng. Đây là yếu tố then chốt làm cho tình bạn gắn bó bền chặt trước sóng gió cuộc đời.

Đặc biệt, với những người bạn có giới hạnh kiên cố, có trí tuệ sáng suốt, họ sẽ như lửa sáng soi đườngcho ta vững chãi bước qua những ngày tăm tối. Thế nên Đức Phật luôn tán thán và khuyên bảo các Tỷ-kheo:

“Thân hơn người thân khác

Như mẹ hiền thân con

Muốn thân người đáng thân

Hãy thân bạn kiên cố

Người bạn đủ giới hạnh

Như lửa sáng soi đường”[6].

Ngoài ra, trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật còn dạy bảy đức tính nơi một người bạn mà các Tỷ-kheo nên kết giao: “Cho những gì khó cho; làm những gì khó làm; nhẫn những gì khó nhẫn; nói lên những gì bí mật của mình; che giấu bí mật của người khác; không từ bỏ khi gặp bất hạnh và không khinh rẻ khi tài sản khánh tận”[7]. Thật vậy, bạn tốt không những chia sẻ, nâng đỡ và giúp ta vượt qua những giới hạn của tự thân, hoàn thiện mình ngày mỗi tốt đẹp hơn, mà còn giúp ta xây dựng lý tưởng, niềm tin hướng đến đời sống đạo đức cao thượng và đi trọn con đường giải thoát. Tình bạn cao quý của Tôn giả Sariputta và Moggallana[8] là minh chứng cho hình mẫu tình bạn lý tưởng luôn hướng đến những gì cao thượng nhất trong cuộc đời. Tình bạn ấy xứng đáng để chúng ta học tập, noi theo và lấy làm mục tiêu khi kết giao bạn bè; đồng thời ứng dụng những ứng xử đẹp ấy vào đời sống tu tập, giao thiệp, góp phần làm đẹp cho tự thân và Tăng đoàn.

Điểm quan trọng là người bạn chúng ta chọn thân cận phải có chí nguyện hướng thượng, thanh cao, luôn hướng đến mục tiêu tối thượng của sự xuất gia và quyết tâm thành tựu lý tưởng giải thoát. Người có những phẩm chất như vậy mới đáng để gần gũi, như Đức Phật từng dạy:

“Không thân cận kẻ ngu

Nhưng gần gũi bậc trí

Đảnh lễ người đáng lễ

Là điềm lành tối thượng”[9].

   Chọn bạn mà chơi

 Theo quan điểm của đạo Phật, việc chọn được người bạn tốt để thân cận cũng giống như “làm bạn với thiện”, “do pháp ấy, các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sinh được đoạn tận”[10]. Khi biết làm bạn với thiện, “như ánh hừng đông là dấu hiệu của một ngày mới”, dự báo rằng“Thánh đạo tám ngành sẽ được tu tập và làm cho sung mãn”[11]. Chính vì vậy, chọn được một người bạn cùng lý tưởng sẽ giúp chúng ta hoàn thiện tự thân, tăng trưởng đạo đức, sống hướng thiện, hướng thượng và thăng tiến trên con đường tâm linh.

Mặt khác, đời sống của người xuất gia là sống theo Tăng đoàn, thế nên việc giao tiếp, học tập với bạn đồng phạm hạnh là chất liệu quý cho sự phát triển giới thân huệ mạng. Vì vậy Đức Phật dạy khi chọn bạn ta phải chọn người đồng đẳng với mình về giới, định, tuệ và người thù thắng về giới, định, tuệ”[12]. Bởi vì khi gần gũi với người đồng đẳng về giới, định tuệ, cả hai sẽ giúp cho nhau thành tựu Tam vô lậu học; còn với người thù thắng, họ sẽ là bậc minh sư hỗ trợ cho ta với trí tuệ thấu suốt về giới, định tuệ, là ruộng phước điền màu mỡ cho chúng ta gieo trồng thiện nghiệp, trưởng dưỡng thiện căn và cũng là mảnh đất tâm vững chắc cho ta nương tựa trên lộ trình tu tập giải thoát.

Thêm nữa, bạn đồng tu là người tác thành phạm hạnh và tuệ giác cho chúng ta, cho nên trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy năm pháp khiến các vị Tỷ-kheo đáng được chọn làm một người bạn tốt. Đó là: “Không bảo làm việc đồng áng, không ưa thích kiện tụng, không chống đối các Tỷ-kheo lãnh đạo, không sống đời sống không có mục đích và có khả năng trình bày hoặc khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp”[13]. Với năm pháp này yêu cầu vị đồng tu trước khi muốn làm bạn tốt, làm chỗ nương tựa cho người khác, “hãy là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa cho chính mình”[14]. Vì một khi biết nương vào tự thân, ta sẽ biết sống một mình, tự độ mình không để bị trói buộc trước các dục, càng không đánh mất mình trong tham ái. Như thế, dù sống ở đâu vị Tỷ-kheo vẫn luôn thanh tịnh, hướng thượng và làm an lạc cho chúng sinh. Lúc đó:

“Cha mẹ hay bà con

Không ai làm gì được

Chính nhờ tâm hướng thượng

Đưa ta lên cao cả”[15].

 Ý nghĩa và tầm quan trọng của tình bạn

   Quy Sơn cảnh sách dạy: “Sinh ta ra là do cha mẹ, làm nên ta là do bằng hữu. Gần gũi người lành như đi trong sương móc, tuy không ướt áo nhưng lúc nào cũng được thấm nhuần”[16]. Thật vậy, người học đạo, muốn thành tựu được ắt phải nhờ thầy lành, bạn tốt. Căn cứ vào thứ tự các nhóm đối tượng mà Đức Phật giáo hóa sau ngày thành đạo ghi lại trong kinh Thánh cầu[17], quan hệ bạn bè chỉ đứng sau tình thầy trò. Thầy bạn tốt giúp chúng ta thấm nhuần những điều thiện lành, nhờ đó nuôi lớn giới thân, tăng trưởng huệ mạng, trở thành người có ích cho bản thân và xã hội; bởi vì trong khi giao tiếp, cả hai đang học tập, đang bồi đắp cho nhau ngày một hoàn thiện và hướng thượng.

Đời sống của người xuất gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường sống trong Tăng đoàn. Môi trường xấu sẽ khiến chúng ta dễ bị cám dỗ, sa ngã; không giữ được chí nguyện giải thoát nếu không sáng suốt, trí tuệ và chánh kiến. Trong kinh có đưa ra ví dụ về tấm vải nhớp nhúa dính bụi được giặt sạch sẽ nhưng vẫn còn dư tàn mùi muối, mùi tô, nhưng khi người chủ đem bỏ vào cái hòm ướp hương thơm thì dư tàn mùi muối, mùi tô được đoạn trừ[18]. Điều đó nói lên mối liên hệ mật thiết giữa chủng tử nghiệp thức cá nhân với môi trường xung quanh trong sự hình thành nhân cách, đạo hạnh của một người xuất gia.

Giá trị cốt lõi của tình bạn

Có một tình bạn tốt là động lực cho việc phát triển tâm linh. Bởi vì người bạn tốt, có cùng lý tưởng, mục đích sống sẽ giúp ta hoàn thiện tự thân, phát triển tuệ giác, hướng đến đời sống cao thượng giải thoát khỏi các khổ. Trong kinh Tương ưng, Đức Phật dạy rằng: Không có yếu tố nào khác có thể dễ dàng đưa đến Bát chánh đạo bằng tình bạn tốt đẹp”[19]. Bát chánh đạo là cứu cánh của phạm hạnh[20], cũng là con đường đưa hành giả đến Niết-bàn, cho nên tình bạn tốt đẹp sẽ là phương tiện giúp người xuất gia thành tựu giải thoát tối thượng. Mặt khác, việc “T-kheo có những người bạn tốt, đồng chí hướng tốt”[21] là một trong năm pháp làm chín muồi và thuần thục khi tâm giải thoát chưa được thuần thục. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm của Đức Phật, Ngài biết rằng những người này sẽ giúp chúng ta điều phục tâm để thành tựu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thấy rõ sự sinh diệt của các pháp cao thượng, thâm sâu đưa đến đoạn tận hoàn toàn mọi khổ đau, chứng đắc Niết-bàn.

Không những thế, để nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bạn đối với đời sống của người xuất gia, trong kinh Tương ưng 5, khi Tôn giả Ananda đến gặp Đức Phật và bạch: Tình bạn tốt đẹp là một nửa đời sống xuất gia, thì Đức Phật nói rằng: “Không phải như vậy,... tình bạn tốt đẹp là toàn bộ đời sống xuất gia”[22]. Qua đây một lần nữa Đức Thế Tôn khẳng định giá trị của tình bạn đối với đời sống xuất gia; nó không chỉ là một nửa của đời sống phạm hạnh mà là toàn bộ đời sống ấy. Đó là giá trị cốt lõi mà một tình bạn cao đẹp sẽ mang đến cho người xuất gia trên con đường tu tập hướng đến giải thoát.

 


 

[1] Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Kinh Trường b, tập 2, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, NXB.TP.HCM, 1991, tr.539.

[2] Sđd., tr.539.

[3] Sđd.

[4] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng 1, thiên Có kệ, chương III, Tương ưng Kosala, II. Phẩm thứ hai, VNCPHVN, TP.HCM, 1991, tr.181.

[5] Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, tr.540.

[6] Thích Tuệ Sỹ (Việt dịch), Kinh Trường A-hàm, kinh Thiện Sinh, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, tr.369.

[7] ĐTKVN, Kinh Tăng chi bộ 3, chương 7, phẩm Chư thiên, phần Bạn hữu, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.322.

[8] ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ 6, chuyện Sắc đẹp, NXB.Tôn Giáo, 1999, tr.550.

[9] ĐTKVN, Kinh Tiểu bộ 1, Kinh Tập, kinh Điềm lành lớn, NXB.TP.HCM, 1999, tr.549.

[10] HT. Thích Minh Châu dịch,  Kinh Tăng chi bộ 1,  chương I - Một pháp, phẩm Làm bạn với thiện, VNCPHVN,  TP. HCM, 1996, tr.30.

[11] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng 5, Đại phẩm, chương I - Tương ưng đạo, VNCPHVN TP.HCM, 1991, tr.51.

[12] ĐTKVN, Kinh Tăng chi bộ 1, chương 3, phẩm Người, phần Cần phải thân cận, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.221.

[13] ĐTKVN, Tăng chi bộ 2, chương 5, phẩm Tikandati, phần Người bạn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.589.

[14] Thích Tuệ Sỹ (Việt dịch), Kinh Tạp A-hàm, kinh 639. Bố-tát, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, tr.2561.

[15] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Pháp cú, kệ 43, tr.41.

[16]《緇門警訓》卷1:「生我者父母。成我者朋友。親附善者如霧露中行。雖不濕衣時時有潤。」(CBETA, T48, no. 2023, tr.1043, a19-20).

[17] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ 1, 26, kinh Thánh cầu, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr.223.

[18] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng 3, thiên Uẩn, chương I - Tương ưng uẩn, Năm mươi kinh ở giữa IV, phẩm Trưởng lão, VNCPHVN, TP. HCM, 1991, tr.237.

[19] ĐTKVN, Kinh Tương ưng bộ 5, chương 1 - Tương ưng đạo, kinh Thiện hữu, NXB.Tôn Giáo, 2002, tr.51.

[20] ĐTKVN,  Kinh Tương ưng bộ 5, chương 1 - Tương ưng đạo, phẩm Vô minh, VI, Một Tỷ-kheo khác, NXB.Tôn Giáo, 2002, tr.11.

[21] ĐTKVN, Kinh Tương ưng bộ 5, chương IX, Tương ưng thiền, III, phẩm Làm việc cần sức mạnh, NXb.Tôn Giáo, 2002, tr.72-74.

[22] ĐTKVN, Kinh Tương ưng bộ 5, chương 1 - Tương ưng đạo, I, phẩm Vô minh, NXb.Tôn Giáo, 2002, tr.10-12.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác