Làm sao có được tâm từ?
lam sao co duoc
Hỏi: Tôi thực tập theo con
đường của Phật cũng được mười lăm năm. Mỗi ngày tôi vẫn đều đọc sách Phật, ngồi
thiền và tụng kinh. Nhưng sao tôi vẫn không cảm thấy mình có được tâm từ như lời
Phật dạy. Tôi cảm thấy như là mình tu tập chỉ để giải thoát cho chính mình thôi.
Tôi đã rất cố gắng để thay đổi, nhưng tôi không biết làm thế nào. Tôi cảm thấy
mình không chân thật và có mặc cảm tội lỗi. Bà có lời khuyên gì không?
Narayan Helen Liebenson: Tôi
nghĩ có lẽ bạn không nhận thấy rằng tâm từ ấy đã được biểu hiện trong câu hỏi
chân thành và trung thực của bạn. Khi bạn quan tâm và đặt ra câu hỏi ấy là thật
ra bạn đang có tâm từ với tất cả rồi. Nếu không thì nó chẳng là vấn đề đối với
bạn. Bạn sẽ vẫn vui vẻ tiếp tục đi theo con đường của mình, và hài lòng với sự
thực tập của mình.
Bạn hãy ghi nhận lại những giây phút mình tử tế với người khác trong cuộc
sống hằng ngày. Có bao giờ bạn dửng dưng với khổ đau của người chung quanh không,
xem hạnh phúc của mình trong những giây phút đó là quan trọng hơn tất cả? Tôi
nghi ngờ điều đó!
Bạn hãy ý thức những giây phút mà bạn hành xử với tình thương, nói những lời
tử tế hay là có ý nghĩ tốt lành, mà không hề chấp chúng là mình. Trong những
khoảnh khắc này, ta có thiếu tâm từ nào đâu?
Trong một vài tông phái Phật giáo, các hành giả được nhắc nhở là họ tu tập
vì lợi ích của tất cả mọi loài. Và trong vài truyền thống Phật giáo khác, thì
động lực ban đầu là để chuyển hoá những khổ đau của chính mình, và đồng thời
cũng thực hành lòng từ bi đối với tất cả mọi người.
Mặc dù lý tưởng thì có vẻ như khác nhau, nhưng đối diện với thực tế thì tôi
không thấy có sự khác biệt nào hết. Không có truyền thống nào là từ bi hơn
truyền thống nào. Tất cả chúng ta đều chỉ muốn sống sao, hành xử sao cho được
tốt lành nhất mà thôi.
Bạn hãy nhớ rằng, tâm từ là một biểu hiện tự nhiên của con tim. Ta không
cần phải nỗ lực theo đuổi hay mong cầu đạt đến nó. Hãy ghi nhận những khi
điều kiện chung quanh thúc đẩy ta phản ứng theo tập quán, thói quen và đóng kín
con tim mình lại, trước những khổ đau của chính mình và người chung quanh. Khi
ta trốn tránh những nỗi đau, tâm từ cũng sẽ bị ngăn chặn lại. Khi ta có thể đối
diện với nỗi đau của chính mình, không sợ hãi hay chống cự, thì ta cũng sẽ thấu
hiểu và cảm thông được với nỗi đau của người khác.
Khi ta có can đảm đối diện với nỗi đau của mình, bất cứ ở một nơi nào, tâm
từ sẽ phát sinh lên một cách tự nhiên mà không cần một nỗ lực nào hết.
Cho dù lý tưởng tu tập của chúng ta là gì, ta bao giờ cũng bắt đầu với ý
định muốn chuyển hoá khổ đau cho chính mình. Và rồi tất cả sẽ nở hoa, nó trở
thành nguyện vọng muốn mang lại lợi lạc cho tất cả mọi người.
Trong sự tu tập, bao giờ bạn cũng hãy nhớ quân bình giữa sự lợi lạc cho
chính mình và người chung quanh. Tất cả đều ngang như nhau. Tâm từ chỉ thật sự
biểu hiện khi nó tuông chảy ra mọi phía, mọi nơi, không ngăn ngại.
Minh Tánh Nguyễn Duy
Nhiên