Chùa Kim Chương qua các bản in kinh sách xưa
chua kim chuong
CHÙA KIM CHƯƠNG QUA CÁC
BẢN IN KINH SÁCH XƯA
Hậu học Thích Đồng
Dưỡng
Chùa Kim Chương, mà sách Đại Nam nhất thống chí ghi trong mục Tự quán là Thiên Trường tự, là
một ngôi cổ tự của Gia Định, có vị thế và cảnh quan đẹp, lại nằm gần đền Hiển
Trung. Hiện nay chùa không còn, nhưng được các sách như Gia Định thành thông chí, Đại
Nam nhất thống chí ghi chép. Trong quá trình tìm đọc tư liệu Phật giáo,
chúng tôi tiếp cận các kinh sách cũ, một bản do chùa khắc ván, các bản khác ghi
lại công đức của chư Tăng của chùa cúng kinh, nhờ đó mà biết thêm về ngôi chùa
này, nhằm bổ sung sử liệu cho những ai quan tâm đến lịch sử ngôi chùa.
Gia Định thành
thông chí là tập ghi chép sớm về chùa. Quyển 6 Thành trì chí chép:
“Chùa Kim
Chương: cách trấn về phía Tây nam hơn 4 dặm, ở phía Bắc của đường cái quan. Ở
giữa là điện thờ Phật, trước sau có đông tây đường, sơn môn, phương trượng, nhà
chứa kinh, hương viện và nhà ăn, chạm trổ sơn son thếp vàng, trang nghiêm đẹp
đẽ, phía bắc chùa có dòng suối nước ngọt ngầm, bốn mùa chảy rịn thấm ướt cả
đường đi. Năm Ất Hợi (1755), đời Thế Tông năm thứ 18 (Nguyễn Phúc Khoát) có nhà
sư Đạt Bản từ Quy Nhơn vân du, dựng gậy trụ tại chùa này, được vua ban tấm biển
là Sắc tứ Kim Chương tự. Khi Đạt Bản viên tịch, truyền giáo pháp lại cho đồ đệ
là Quang Triệt. Năm Ất Mùi (1775), Lý tướng quân đạo Hòa Nghĩa tôn lập Mục
Vương (Nguyễn Phúc Dương) tại chùa này (xem mục Sơn xuyên chí). Chùa lại được
ban sắc tứ một lần nữa. Quang Triệt mất, Quang Trạm kế tục. Quang Trạm mất,
Quang Tuệ kế tục theo. Năm Qúy Dậu niên hiệu Gia Long 12 (1813), Thần võ quân
Phó tướng Trần Nhân Thái vâng di chỉ Cao hoàng hậu ban tiền 10.000 quan để
trùng tu chùa và sửa sang kinh tạng trống chuông cho thêm phần trang nghiêm.
Hiện nay, đây là ngôi chùa có tiếng của đất Gia Định”.
Chùa truyền được bốn đời trụ trì. Hòa thượng Đạt Bản
là vị tổ khai sơn chùa. Chính ngài là người tổ chức khắc bộ ván Pháp hoa khoa chú. Bài tựa trước kinh đề
năm Nhâm Ngọ (1762) Cảnh Hưng thứ 23. Bản lưu tại chùa Diên Phước dinh Trấn
Biên phủ Gia Định. Sau niên
đại ghi người soạn tựa như sau:
歸仁府寳光方丈沙門際真達本道人序.
Phương
trượng [chùa] Bảo Quang ở Quy Nhơn là Sa-môn Tế Chân Đạt Bản đạo nhân [soạn] tựa.
Phía
bên hàng chữ còn có khắc hai triện vuông đề tên ngài “Tế Chân” và “Đạt Bản”.
Qua đây, xác nhận Sa-môn Tế Chân Đạt Bản vốn là phương trượng chùa Bảo Quang ở
Quy Nhơn. Theo bài tựa, tháng xuân năm Mậu Dần (1758) đi chơi xa đến Gia Định.
Trần Đình Sơn dựa theo ý này bác năm Ất Hợi (1755) là năm làm chùa Kim Chương.
Vì đạo nhân Đạt Bản chưa đến Gia Định thì sao lập chùa. Tiết thu năm Canh Thìn
(1760) tại chùa Châu Lâm ngài được cung thỉnh giảng bộ kinh trên trong một tuần.
Ngài khắc ván kinh lúc được 66 tuổi. Bộ Pháp
hoa khoa chú, tìm trong thông tin thì không ghi chép gì về chùa Kim Chương,
có nhiều thông tin từ vị Hòa thượng khai sơn. Ba vị trụ trì kế nhiệm là Quang
Triệt, Quang Trạm, Quang Tuệ, chưa thấy xuất hiện trên tư liệu nào. Sách dùng đạo
hiệu, nên cũng không rõ tông phái.
Tại Thư
viện Huệ Quang có tập Kim cương như nghĩa.
Một bản in do nhóm cư sĩ tại chùa Kim Chương thực hiện. Bài Tục tự trước kinh do “cư sĩ Lê Nguyên Trinh pháp danh Đạo Thuỵ
kính tục tự” vào ngày đoan dương năm Canh Thân (1800) Cảnh Hưng thứ 61. Bài
tựa chỉ ca ngợi nghĩa lý của kinh Kim cương.
Cuối sách có bài “Duyên dẫn” cũng do Đạo Thuỵ soạn năm Kỷ Mùi (1799) có nói đến
duyên khởi gặp sách và tổ chức khắc ván. Xin trích đoạn:
“於
玆年四月,有陪賛司馬官自大清朝來携金剛如義壹卷,示余永喜不自勝。奉呈日光和尚,和尚云,如是真了義,佛法切要,不可思議,如居士有力者當爲之重鐫。若
未能,可合衆緣,結寳筏以豋彼岸。余唯而未遂。時七月初八日,和尚已入涅槃。余日夕思惟,願報佛恩,續承慧命,以慰和尚之付嘱。玆謀諸居士善男信女等捐貲
重刻,同種福田…”
Tạm
dịch:
Tháng 4 năm nay có Bồi Tán ty mã
quan từ nước Đại Thanh đến, đem theo một quyển Kim cương như nghĩa, bảo với ta
rằng: mãi vui không gì bằng. Vâng trình lên Hòa thượng Nhật Quang, Hòa thượng dặn:
chân liễu nghĩa như vậy là điều cần thiết trong Phật Pháp không thể nghĩ bàn. Nếu
như cư sĩ dư sức thì nên tự làm khắc lại. Nếu như chưa có thể, đáng cùng mọi
người tập hợp, kết bè báu để lên bờ kia. Ta vâng dạ mà chưa toại. Ngày mồng 8
tháng 7, Hòa thượng đã vào Niết-bàn. Ta ngày đêm suy nghĩ, mong báo ơn Phật, vâng
nối Tuệ mạng để uỷ thác lời dặn dò của Hòa thượng. Nay mưu cùng các vị cư sĩ
thiện nam tín nữ bỏ của khắc in lại, cùng trồng ruộng phúc…”
Sự
kiện tháng 4 năm 1799, tập Kim cương như
nghĩa đến được Gia Định do một vị Mã quan từ Trung Quốc mang theo. Mồng 8
tháng 7 năm đó thì Hòa thượng Nhật Quang viên tịch, nên mới bắt đầu tổ chức khắc
ván. Quan trọng là phía sau niên đại của bài “duyên dẫn” có ghi:
“大越國嘉定府新平縣柴棍處金章勅賜普光天長寺比丘寳懷,居士道瑞道行道意道瑾等發心重鐫。日光和尚證明。寳印大師證明…”
Tạm
dịch: Tỷ-kheo Bảo Hoài, nhóm cư sĩ Đạo Thuỵ, Đạo Hạnh, Đạo Ý, Đạo Cẩn chùa Kim
Chương Sắc tứ Phổ Quang Thiên Trường xứ Sài Gòn, huyện Tân Bình, phủ Gia Định,
nước Đại Việt phát tâm khắc ván lại. Hòa thượng Nhật Quang chứng minh; Đại sư Bảo
Ấn chứng minh…
Sau
lời “thượng chúc” chiếm 3 hàng, đến niên đại và nơi tàng bản.
景興六十一年歲次庚申仲呂月榖日。普光天長寺藏板。
Tạm dịch: Ngày lành tháng Trọng Lữ năm Canh Thân, Cảnh
Hưng thứ 61, chùa Phổ Quang Thiên Trường tàng bản.
Đây là bản in do chính chùa Kim Chương thực hiện từ
năm Kỷ Mùi (1799), đến năm Canh Thân (1800) thì hoàn thành, tổ chức in ra lưu
thông. Lúc này chùa đã được ban biển sắc tứ lần thứ hai là Sắc tứ Phổ Quang
Thiên Trường tự. Chữ “Kim Chương” vẫn đề trước tên chùa, ngầm lưu tên cũ và lúc
đó chùa thuộc xứ Sài Gòn, huyện Tân Bình. Bốn vị cư sĩ Đạo Thuỵ, Đạo Hạnh, Đạo
Ý, Đạo Cẩn ghi theo pháp danh, thuộc kệ phái Liễu Quán. Chùa có hai vị Đại sư
Bảo Hoài và Bảo Ấn. Hòa thượng Nhật Quang viên tịch nhưng vẫn được ghi hàng chứng
minh.
Bản in Quy
nguyên trực chỉ thực hiện xong năm Nhâm Tuất (1802) có
ghi “Quang Minh tự Nhật Quang Hòa thượng”, tức Hòa thượng Nhật Quang trụ trì
chùa Quang Minh. Cùng sách này có cho biết “Sắc
tứ Phổ Quang Thiên Trường tự Bảo Ấn Đại sư”. Như vậy, ngài Bảo Ấn trụ trì
chùa Phổ Quang Thiên Trường. Đây là tư liệu thứ hai ghi về tên chùa cùng vị Đại
sư trụ trì. Hai bản in cách thời gian gần nên phản ánh trung thực về tên chùa. Sách
Đại Nam nhất thống chí ghi về chùa
Thiên Trường có đoạn: “Vâng sắc cho tên là Phổ Quang Thiên Sơn tự”.
Thiên Sơn chúng tôi ngờ đó là lỗi chép sai của sách. Phía trước sách ghi rõ
Thiên Trường tự. Trần Đình Sơn có đưa ra ý kiến: “Theo chúng tôi, lúc đầu Hòa thượng Đạt Bổn khai sơn đặt tên là Kim
Chương và được Định Vương ban sắc tứ. Đến lúc Nguyễn Phúc Dương chạy vào Nam,
Lý Tài rước về chùa Kim Chương tôn lên làm Tân chính vương thì chùa được ban
biển sắc tứ lần hai: Phổ Quang Thiên Sơn tự. Thời Gia Long, năm Ất Hợi (1815),
tuân theo di chúc của bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu (Tống Thị Lan), phó tướng
thần võ Trần Nhân Thái lo việc đại trùng tu chùa. Từ đó chùa được đổi thành
Thiên Trường tự”. Đoạn đầu lập luận hay, nhưng đến việc ban biển sắc
tứ lần hai và tên chùa Thiên Trường thì ngộ nhận. Theo như tư liệu chúng tôi
công bố ở trước, chùa Kim Chương đến khi Ất Mùi (1775) được ban biển “Sắc tứ
Phổ Quang Thiên Trường tự”, tên Thiên Sơn tự ngờ do lỗi sao tả, chép nhầm từ
Thiên Trường sang Thiên Sơn.
Đến triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Phật giáo Gia Định gần
như không tổ chức khắc bản in kinh. Thư viện Huệ Quang cho đến các tủ sách cá
nhân của quý thầy mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, vẫn chưa tìm ra ấn bản nào. Cuối
thế kỷ XVIII đến triều Gia Long, qua điều tra sơ bộ, các chùa ở phủ Gia Định
chú trọng công việc khắc ván in kinh. Thế hệ tiếp nối sau, gần như bỏ trống,
chưa rõ lý do.
Dưới triều Tự Đức, Thiền sư Hải Bình Bảo Tạng (1818-1872),
một du tăng gốc Phú Yên, đã vào hành hóa Bình Thuận cũng như Đồng Nai. Ngài đến
núi Châu Viên hành đạo và tổ chức khắc ván trùng san bộ Kim cương chú giải. Sách in hiện nay có một số chùa còn lưu bản. Sách
do Thiền sư Bảo Tạng trùng thuyên (khắc lại) ngày lành trung thu năm Mậu Ngọ
(1858) niên hiệu Tự Đức, chùa Châu Viên sơn tàng bản.
Cuối kinh, sau bài Tự bạt có in 7 tờ phương danh công đức và một mặt khắc tranh
Hộ Pháp Vi Đà. Tờ 3b phần “Gia Định tỉnh” hàng đầu ghi “Kim Chương Sắc tứ Phổ
Quang Thiên Trường tự Minh Giác Hòa thượng chứng minh”. Chư Tăng tại Gia Định
chiếm gần một mặt sau của tờ 3. Hòa thượng Minh Giác, vị trụ trì chùa lúc này,
được cung thỉnh chứng minh. Đây là một vinh hạnh cho ngài cũng như ngôi chùa.
Cách ghi tên chùa giống với bản in Kim
cương như nghĩa, tức để hai chữ “Kim Chương” lên trên “Sắc tứ Phổ Quang
Thiên Trường tự”. Hình như cách ghi này trở thành quy cách chung cho chùa. May
thay, chúng ta tiếp cận được Kim cương
chú giải, lúc mà chùa Kim Chương chưa “bị chiếm đoạt, triệt phá mất tích” bởi
giặc Pháp.
Tập sách Những
ngôi chùa ở Nam Bộ, mục “Chùa Hội Thọ” có ghi: “Chùa có tiền thân là chùa sắc tứ Kim Chương, ngôi chùa cổ nổi tiếng ở
Gia Định. Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, chùa Kim Chương đồng chịu
chung số phận với các ngôi chùa khác, đặc biệt là đền Hiển Trung, nằm cạnh chùa
Kim Chương. Chùa bị phá huỷ, chư Tăng ly tán, tượng Phật và bài vị các Tổ được
đưa về chùa Hội Thọ mà nhân dân quanh vùng quen gọi là tổ đình Cái Cỏ (tên con
rạch cạnh chùa)”.
Vị Tăng di tản các tượng thờ và long vị chư Tổ không ai khác là Hòa thượng Minh
Giác, vị Hòa thượng xuất hiện trên bản in Kim
cương chú giải năm 1858. Ngài về xã Mỹ Thiện, huyện Phong Hòa, tỉnh Định
Tường lập chùa Hội Thọ làm nơi hành đạo. Các di vật của chùa Kim Chương được Hòa
thượng mang theo. Hiện nay, tại tổ đường chùa Hội Thọ có bức tiếu tượng của Hòa
thượng Minh Giác, cùng khắc niên đại hai bên trên khung gỗ. Tiếc rằng chúng tôi
chưa đến được chùa Hội Thọ nên chưa tiếp cận được hệ thống long vị phụng thờ
chư Tổ, để xem có còn thờ phụng các vị trụ trì chùa Kim Chương không.
Tóm lại, qua bổ sung các ấn phẩm kinh sách xưa, giúp
chúng ta hiểu biết thêm về chùa Kim Chương, một ngôi chùa nổi tiếng của Gia
Định mà nay không còn. Chùa thuộc loại quan tự, được hai lần ban biển sắc tứ và
đổi tên. Chùa luôn được ưu ái của triều Nguyễn, xứng đáng là ngôi chùa danh
tiếng bậc nhất của phủ Gia Định. Bài viết chỉ mong cái khuất mờ có dịp tỏ sáng,
góp vào đính chính một vài ngộ nhận nhỏ về chùa Kim Chương.