Vai trò của chư thiên vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật
Vai trò của chư thiên vào những
Vai trò của chư thiên vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật
Susan Elbaum Jootla - Vô Ưu dịch
Vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, chư thiên thường
đóng vai hỗ trợ. Trong các bản kinh, chúng ta thấy chư thiên thường có mặt tại
những thời điểm bước ngoặt của Đức Phật; họ thể hiện sự hoan hỷ, tôn kính đối
với Ngài và truyền thông điệp của Ngài đến khắp mọi nơi.
Vào lần sinh cuối cùng của Bồ-tát
Vào thời điểm thụ thai cuối cùng của Bồ-tát, chư thiên rất vui mừng. Họ biết
rằng có một vị Phật sắp xuất hiện kể từ sau khi Đức Phật Ca-diếp (Kassapa)
diệt độ. Sau khi đã hoàn thiện tất cả các ba-la-mật, mỗi vị Bồ-tát đều sinh vào
cõi trời Đâu Suất (Tusita)
trong lần hiện hữu cuối cùng của mình. Ở đó, Ngài chờ đợi đản sinh ở cõi Ta-bà
khi tất cả các điều kiện cần thiết trên trái đất chín muồi cho việc truyền bá
Chánh pháp. Sau đó, Bồ-tát nhập vào bụng mẹ, và sau mười tháng thì được sinh ra.
Việc đạt được Phật quả đòi hỏi phải sinh ở thế giới loài người, nơi đặc trưng
với đau khổ và khoái lạc.
Từ Tôn giả A Nan (Ananda),
thị giả của Đức Phật, chúng ta biết được những phẩm hạnh tuyệt vời và kỳ diệu
của Như Lai mà chính Tôn giả đã nghe trực tiếp từ Đức Phật: “Chánh niệm tỉnh
giác, này A Nan, Bồ-tát sinh trong thiên chúng (Kaya)
Đâu Suất… Chánh niệm tỉnh giác, này A Nan, Bồ-tát an trú trong thiên chúng Đâu
Suất… Chánh niệm tỉnh giác, này A Nan, Bồ-tát an trú tại thiên chúng Đâu Suất
cho đến trọn thọ mạng… Chánh niệm tỉnh giác này A Nan, Bồ-tát sau khi từ thiên
chúng Đâu Suất mạng chung, nhập vào mẫu thai… Chánh niệm tỉnh giác này A Nan,
Bồ-tát sau khi từ thiên chúng Đâu Suất mạng chung, nhập vào mẫu thai… Khi Bồ-tát
nhập vào mẫu thai, này A Nan, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa
oai lực của chư thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới ở trên chư
thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn,
Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Cho đến các thế giới ở giữa các thế giới,
tối tăm, u ám không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại
thần lực, với đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh
giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư thiên hiện ra. Khi
Bồ-tát nhập mẫu thai, này A Nan, bốn vị thiên tử đến canh gác bốn phương trời và
nói: ‘Không cho một ai, người hay không phải loài người được phiền nhiễu Bồ-tát,
hay mẹ của Bồ-tát’”.
Khi một vị Phật đản sinh sẽ gây ra các hiện tượng vật lý khác thường ở các cảnh
giới khác nhau. Một số hiện tượng tự nhiên được cho đã xảy ra vào các thời điểm
quan trọng trong cuộc đời của tất cả chư Phật, quá khứ, hiện tại và tương lai: "Đó
là quy luật, này các Tỷ-kheo, khi một vị Bồ-tát từ cõi trời Đâu Suất [Tusita]
nhập vào thai mẹ, khi ấy một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của
chư thiên hiện ra cùng khắp thế giới” (DN
14.1.17).
Chư thiên bảo vệ bào thai Bồ-tát bên trong bụng mẹ để Ngài có thể phát triển
hoàn hảo. Họ che chở cho người mẹ để bà được bình yên, không bị dục vọng và được
thoải mái, tạo điều kiện cho thai nhi phát triển trong điều kiện lý tưởng.
Mô tả về lần sinh cuối cùng của Ngài trong bản kinh này cho thấy tầm quan trọng
của chư thiên đối với vị Phật sẽ thành. Hoàng hậu Mahamaya hạ sinh Ngài khi đứng
dưới một cội cây trong khu rừng gần làng Lumbini: “Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh
ra, này A Nan, chư thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người… Khi Bồ-tát
từ bụng mẹ sinh ra, này A Nan, Bồ-tát không đụng đến đất. Có bốn thiên tử đỡ lấy
Ngài, đặt Ngài trước bà mẹ và thưa: ‘Hoàng hậu hãy hoan hỷ! Hoàng Hậu sinh một
bậc vĩ nhân’… Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sinh ra, này A Nan, khi ấy một hào quang vô
lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư thiên, hiện ra cùng khắp thế giới… Và
mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô
lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư thiên hiện ra ở thế giới” (MN
123.17-21).
Ẩn sĩ Asita, người có mối liên hệ mật thiết với triều đình của thân phụ Bồ-tát,
đã chứng kiến những sự tán dương này của chư thiên. Bấy giờ, Asita đang viếng
thăm các thế giới của chư thiên nên ông hỏi họ: "Tại sao các vị lại hạnh phúc và
vui mừng như vậy? ... Tôi chưa bao giờ thấy sự phấn khích như thế này". Chư
thiên giải thích với ông: “Ở một ngôi làng có tên Lumbini, ở đất nước của dòng
tộc Sakya… có một Bồ-tát vừa đản sinh! Một đấng sẽ thành Phật vừa đản sinh, một
đấng cao cả nhất không có gì so sánh được, một viên ngọc quý của thế giới loài
người. Đó là lý do tại sao chúng tôi hoan hỷ, vui mừng, hân hoan. Trong tất cả
chúng sinh, đây là đấng hoàn hảo nhất, là đỉnh cao, tối thượng, anh hùng của
chúng sinh! Đây là người sẽ chuyển vận bánh xe pháp - tiếng rống của sư tử, vua
của các loài thú!” (Sn).
Một số trong các vị thiên này đã biết trước được tương lai của Bồ-tát sơ sinh.
Họ vui mừng vì con đường chấm dứt đau khổ sẽ sớm được khai mở; và Asita, bị kích
thích bởi sự tiết lộ của họ, đã đến gặp Bồ-tát sơ sinh.
Vào thời kỳ xuất gia và khổ hạnh
Sau khi sống đời vương tử trong nhiều năm, Bồ-tát dần không hài lòng với những
thú vui giác quan tẻ nhạt này. Các ba-la-mật được Ngài thực hành trong vô lượng
kiếp nay đã chín muồi cho việc chứng đắc Phật quả. Nhận thấy cần phải tìm con
đường giải thoát khỏi đau khổ, Ngài đã quyết định từ bỏ cuộc sống gia đình để
trở thành một ẩn sĩ. Trong sáu năm tiếp theo, Ngài đã tinh thông các loại thiền
dưới sự hướng dẫn của nhiều vị đạo sư khác nhau và hành hạ thân thể với những
pháp tu khổ hạnh khốc liệt. Từ các cõi trời, chư thiên quan sát sự tu hành của
Ngài và thỉnh thoảng can thiệp.
Ví dụ, khi Bồ-tát tuyệt thực, chư thiên đã đến và truyền thức ăn cõi trời qua
các lỗ chân lông của Ngài, nhưng Bồ-tát từ chối: "Rồi này Aggivessana, chư thiên
đến Ta và nói như sau: ‘Này Thiện hữu, Hiền giả chớ có hoàn toàn tuyệt thực. Này
Thiện hữu, nếu Hiền giả hoàn toàn tuyệt thực, chúng tôi sẽ đổ các món ăn chư
Thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Hiền giả, và nhờ vậy Hiền giả vẫn sống’.
Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ như sau: ‘Nếu Ta hoàn toàn tuyệt thực và chư
thiên này đổ các món ăn chư thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Ta và nhờ vậy
Ta vẫn sống, thời như vậy Ta tự dối Ta’. Này Aggivessana, Ta bác bỏ chư thiên ấy
và nói: ‘Như vậy là đủ’” (MN
36.27).
Chư thiên, khi quan sát việc tu hành của Bồ-tát, không muốn Ngài tự sát bằng
cách tuyệt thực; nhưng về phần mình, Bồ-tát không muốn từ bỏ pháp tu khổ hạnh,
vì vậy Ngài không chấp nhận lời đề nghị của họ. Mặc dù Bồ-tát trải qua những
cuộc tuyệt thực khiến sức khỏe kiệt quệ, nhưng Ngài vẫn không tiến gần hơn đến
điều mà Ngài thực sự tìm kiếm: con đường đoạn tận các nguyên nhân gây ra đau khổ
và chấm dứt tái sinh một lần và mãi mãi.
Dưới cội bồ-đề
Sau khi trải qua sáu năm theo đuổi các thực hành khổ hạnh, cuối cùng Bồ-tát đã
quyết định thực hành một phương pháp khác để chứng đạt mục tiêu của mình. Ngài
nhận ra rằng tự hành hạ bản thân không phải là giải pháp, vì vậy Ngài bắt đầu ăn
uống bình thường trở lại. Bấy giờ Ngài đi đến một nơi mà hiện nay được gọi là
Bồ-đề Đạo tràng (Bodhgaya).
Ở đó, Ngài bắt đầu thiền định dưới một cội cây, sử dụng phương pháp mà Ngài nhớ
lại từ trải nghiệm thiền định thời thơ ấu. Ngài phát nguyện rằng nếu không đạt
được giải thoát sẽ không rời khỏi chỗ ngồi. Theo truyền thống, khi Bồ-tát nỗ lực
cho sự giác ngộ cuối cùng dưới cội Bồ-đề, Ma vương (Mara)
đã ra sức phá hoại Ngài. Bấy giờ chư thiên và Phạm thiên đã đến bảo vệ Ngài. Sau
đó, Ma vương cùng với đội quân xấu xa của mình đã bỏ trốn.
Vào tuần thứ tám sau khi giác ngộ, trong khi vẫn còn ở gần cội Bồ-đề, Đức Phật
do dự về việc giảng dạy giáo pháp, e ngại rằng nó quá thâm sâu và con người
không thể hiểu được. Khi ấy Phạm thiên Sahampati biết được suy nghĩ của Đức Phật
nên đã tìm đến Ngài. Vị Phạm thiên này, theo các luận giải, đã chứng được quả vị
Bất lai vào thời một vị Phật quá khứ và cư ngụ tại một cõi Tịnh độ. Lo âu trước
sự do dự của Đức Phật, vị này nghĩ: "Than ôi, thế giới sẽ tiêu diệt, thế giới sẽ
bị hoại vong, nếu tâm của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác hướng về vô vi
thụ động, không muốn thuyết pháp". Vì vậy ông hiện ra trước Đức Phật, cung kính
quỳ chân phải xuống, đảnh lễ và bạch với Ngài: “Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp!
Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sinh ít nhiễm bụi trần sẽ bị
nguy hại nếu không được nghe Chánh pháp. [Nếu được nghe], những vị này có thể
thâm hiểu Chánh pháp" (MN
26.20).
Sau khi nghe lời thỉnh cầu của Phạm thiên, vì lòng từ bi đối với chúng sinh, với
Phật nhãn, Đức Phật nhìn quanh thế giới và thấy rằng có những chúng sinh “với ít
bụi trong mắt” có thể hiểu được giáo pháp, vì vậy Ngài tuyên bố “mở cho họ cánh
cửa đưa đến bất tử” - một món quà đã trao lại cho chúng ta qua hàng thế kỷ. Phạm
thiên Sahampati hoan hỷ nghĩ rằng "Ta đã tạo cơ hội cho Thế Tôn thuyết pháp",
sau đó đảnh lễ Ngài và biến mất. Người ta có thể thắc mắc rằng tại sao Đức Phật,
người trong nhiều kiếp đã chuẩn bị cho việc giảng dạy giáo pháp, lại cần sự
thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati để bắt đầu sứ mệnh của mình. Luận giải đưa ra
hai cách giải thích: (1) Chỉ sau khi đạt được quả vị Phật, Đức Phật mới có thể
thấu hiểu hoàn toàn phạm vi thực tế của những phiền não bao trùm tâm trí chúng
sinh và sự thâm sâu của giáo pháp; (2) Ngài muốn một Phạm thiên thỉnh cầu Ngài
chỉ dạy để nhiều người theo Đại Phạm thiên sẽ hướng đến nghe Pháp.
Vào thời điểm chuyển Pháp luân
Bấy giờ Đức Phật quyết định truyền bá Chánh pháp, và Ngài tìm những người cần
nên giáo hóa trước tiên. Ngài thấy rằng năm nhà khổ hạnh từng tu tập với mình
trong những năm trước đó là những người thích hợp nhất. Khi biết rằng cả nhóm
đang ở Isipatana, tại một khu vườn nuôi nai của hoàng gia không xa Varanasi,
Ngài bèn đi đến đó. Khi những người khổ hạnh nhìn thấy Ngài từ xa, họ quyết định
không chào đón Ngài, vì nghĩ rằng Ngài đã trở lại cuộc sống tiện nghi và từ bỏ
việc tìm kiếm chân lý. Tuy nhiên, khi Đức Phật đến gần, phong thái uy nghiêm của
Ngài đã xua tan suy nghĩ này và họ đã nghe Ngài thuyết giảng.
Ngài dạy cho họ con đường Trung đạo tránh xa hai thái cực là chủ nghĩa khổ hạnh
và sự đắm chìm trong những thú vui giác quan, con đường mà chính Ngài đã đi khi
từ bỏ những khổ hạnh vô ích. Tiếp theo, Đức Phật thuyết giảng về Tứ diệu đế và
Bát chánh đạo. Trong khi Ngài thuyết giảng, chư thiên và Phạm thiên đã chú ý
lắng nghe. Kết thúc bài pháp, chư thiên ở các cõi trời đã nói lớn: "Nay vô
thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn
Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn,
chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời". (SN
56:11; Vin. I, 10).
Bấy giờ “mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào
quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư thiên.” Và
chư thiên là sứ giả đã truyền tải tin tức tuyệt vời này đến khắp mọi nơi.
Vào thời điểm Đức Phật đau bệnh
Chư thiên đã đến viếng Đức Phật nhiều lần khi Ngài đau bệnh. Một lần,
Đề-bà-đạt-đa (Devadatta),
người muốn dùng vũ lực chiếm quyền lãnh đạo Tăng đoàn, đã lăn một tảng đá lớn
vào Đức Phật. Tảng đá đã vỡ vụn trước khi chạm vào Thế Tôn, nhưng một mảnh nhỏ
đã găm vào chân Ngài. Bấy giờ Đức Phật đã nằm xuống “chánh niệm tỉnh giác” và
quán sát những cảm thọ đau đớn (SN
1:38).
Sau đó, một nhóm lớn chư thiên đã đến gặp Thế Tôn, lo lắng cho sức khỏe của
Ngài. Cảm kích trước sự tĩnh giác của Ngài dù vết thương gây nên đau đớn, họ lần
lượt lên tiếng tán dương Ngài.
Vài tháng trước khi nhập Niết-bàn, Đức Phật đã trải qua kỳ an cư mùa mưa gần
Vesali, ở đó Ngài bị bệnh kiết lỵ. Theo
Chú giải kinh Pháp cú,
Đế-thích (Sakka),
vua của chư thiên, khi phát hiện Đức Thế Tôn bị bệnh đã đến chữa bệnh cho Ngài.
Đức Phật bảo ông đừng bận tâm vì có nhiều Tỷ-kheo đảm trách nhiệm vụ này, nhưng
Đế-thích vẫn chăm sóc sức khỏe cho Ngài cho đến khi Ngài bình phục. Một số
Tỷ-kheo rất ngạc nhiên khi thấy vua trời Đế-thích đã làm những việc như vậy, và
Đức Phật giải thích cho họ rằng Đế-thích rất sùng mộ Như Lai bởi vì ông đã đạt
được quả Dự lưu nhờ học pháp từ Ngài. Sau đó, Đức Phật dạy rằng thân cận với
người trí là điều tốt, vì sẽ được học hỏi từ họ những việc làm cùng lời nói tốt.
Vào thời điểm nhập Niết-bàn
Chư Thiên và Phạm thiên luôn có mặt khi Đức Phật nhập Niết-bàn tại Kusinara, như
được ghi lại trong kinh
Đại bát-niết-bàn
(DN
16).
Sự kiện này không chỉ là sự ra đi của một bậc rất được tôn kính mà nó còn tượng
trưng cho sự hoàn thành viên mãn việc truyền bá Chánh pháp. Đó là sự chấm dứt
hoàn toàn thân thể ngũ uẩn của một người đã khám phá và giảng dạy con đường đưa
đến đoạn diệt khổ đau.
Trước khi nhập Niết-bàn vô dư, Đức Phật nằm xuống nghỉ ngơi giữa hai cây sa-la.
Bấy giờ các cây này dù trái mùa nhưng trổ hoa rất nhiều. Sau một lúc, Đức Phật
bảo vị Tỷ-kheo Upavāna đang đứng trước mặt mình hay đứng sang một bên. Khi ấy,
Tôn giả A Nan, thị giả tận tụy của Ngài, hỏi Ngài tại sao lại bảo Tỷ-kheo
Upavāna đứng sang một bên. Đức Phật đáp: “Này A Nan, rất đông các vị thiên thần
ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như Lai. Này A Nan, cho đến mười
hai do tuần xung quanh Kusinārā, Upavattana, rừng Sālā thuộc dòng họ Mallā,
không có một chỗ nào, nhỏ cho đến đầu một sợi tóc có thể chích được mà không đầy
những thiên thần có uy lực tụ họp. Này A Nan, các vị thiên thần đang than phiền:
‘Chúng ta từ rất xa đến chiêm ngưỡng Như Lai. Thật rất là hy hữu, các Như Lai,
bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác xuất hiện ở đời, và tối hôm nay, trong canh cuối
cùng, Như Lai sẽ nhập diệt. Và nay Tỷ-kheo có oai lực này lại đứng ngang trước
Thế Tôn, khiến chúng ta không thể chiêm ngưỡng Như Lai trong giờ phút cuối
cùng’. Này A Nan, các chư Thiên than phiền như vậy”. (DN
16.5.5)
A Nan, người được phép hỏi Đức Phật bất kỳ câu hỏi nào, tiếp theo muốn biết
những hạng chư thiên nào đang đứng xung quanh Ngài. Đức Phật đáp rằng: “Này A
Nan, có hạng chư thiên ở trên hư không nhưng có tâm tư thế tục, những vị này
khóc than, với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân
bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: ‘Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập
diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm’. Này A Nan, có hạng thiên
thần ở trên đất với tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối...
Có chư thiên đã diệt trừ ái dục, những vị này bình thản, tỉnh giác chịu đựng,
với tâm suy tư: ‘Các hành là vô thường, làm sao sự kiện có thể khác được?’" (DN
16.5.6).
Sau khi trải qua các giai đoạn định nối tiếp nhau, Đức Phật cuối cùng đã nhập
Niết-bàn vô dư, sự chấm dứt tái sinh mãi mãi. Vào lúc đó, trái đất rung chuyển,
một hiện tượng xảy ra khi chư Phật nhập diệt. Phạm thiên Sahampati, người đã
thỉnh cầu Đức Phật giảng dạy bốn mươi lăm năm trước đó, đã nói một bài kệ như
một bài điếu văn ngắn:
Chúng sinh ở trên đời,
Từ bỏ thân ngũ uẩn
Bậc Đạo sư cũng vậy,
Ðấng Tuyệt luân trên đời.
Bậc Ðại hùng giác ngộ
Như Lai đã diệt độ.
Khi Thế Tôn diệt độ, Thiên chủ Sakka đã thốt lên bài kệ nói về sự vô thường:
Các hành là vô thường,
Có sinh phải có diệt
Ðã sinh, chúng phải diệt,
Nhiếp chúng là an lạc.
(DN
16.6.10)
Tất cả những thứ hợp thành tạo nên con người và vạn vật đều có sinh, có diệt.
Chỉ khi nào chúng hoàn toàn không tái xuất hiện thì mới có thể đạt được an lạc
viên mãn, Niết-bàn. Bài kệ này của vị thiên chủ cho thấy chúng sinh trên các cõi
trời có cái nhìn rất sâu sắc về vô thường và khổ đau như thế nào, ngay cả đối
với Niết-bàn của Bậc Đạo sư.
Sau khi phụng cúng nhục thân của Đức Phật được một tuần, những người Malla xứ
Kusinara đã quyết định tổ chức tang lễ. Họ bắt đầu chuẩn bị cho việc hỏa táng
nhưng không tài nào nhấc được nhục thân để khiêng ra cổng phía Nam thành phố.
Bối rối, họ hỏi Tôn giả A-nậu-lâu-đà (Anuruddha)
về nguyên do. Vị Đại Trưởng lão nổi tiếng với thiên nhãn đã nói với họ rằng chư
thiên có ý tưởng riêng về cách tổ chức tang lễ. Ngài nói, chư thiên trước hết
muốn “tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá-lợi Thế Tôn với các điệu
múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương” và sau đó chở thân xá-lợi Thế Tôn ra ngoài
thành về phía Nam và làm lễ thiêu thân tại chỗ ấy. Chư thiên dự định hỏa táng
tại ngôi đền của người Malla, được gọi là Makuta-Bandhana. Những người Malla
hoan hỷ thay đổi kế hoạch của họ và tiến hành tổ chức tang lễ theo mong muốn của
chư thiên.
Chư thiên đã tham gia vào tất cả các giai đoạn tổ chức tang lễ với sự tôn kính.
Kinh viết rằng: “Lúc ấy, khắp cả Kusinārā cho đến đống bụi, đống rác, được rải
la liệt lên đến đầu gối toàn hoa Mandarāva. Rồi chư thiên và các dân Mallā ở
Kusinārā, sau khi đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường thân xá-lợi Thế
Tôn với các điệu múa, hát, nhạc, tràng hoa, hương của chư thiên và loài người,
liền khiêng thân xá-lợi Thế Tôn về phía Bắc của thành. Sau khi khiêng qua cửa
phía Bắc, liền khiêng qua trung tâm của thành, rồi hướng về phía Ðông, khiêng
đến phía Ðông của thành. Sau khi khiêng qua cửa phía Ðông, liền khiêng đến phía
Ðông của thành, tại đền của dân Mallā tên là Makuta-bandhana và đặt thân xá-lợi
của Thế Tôn tại chỗ ấy”.
Họ chở nhục thân Thế Tôn đến đền thờ Makuta-Bandhana và đặt ở đó. Họ quấn nhục
thân nhiều lần trong nhiều lớp vải tốt nhất, dựng giàn thiêu bằng gỗ thơm, và
đặt nhục thân của Đức Phật lên trên. Nhưng khi họ châm lửa, lửa không bốc cháy.
Một lần nữa nguyên nhân lại do chư thiên. Tôn giả A-nậu-lâu-đà giải thích rằng
chư thiên sẽ không cho phép châm lửa cho đến khi nào Tôn giả Đại Ca-diếp (Maha
Kassapa)
đến hỏa táng. Khi Tôn giả Đại Ca-diếp và nhóm Tỷ-kheo đến bày tỏ lòng tôn kính
đối với nhục thân của Đức Thế Tôn, giàn thiêu tự bốc cháy, cho đến khi chỉ còn
lại xá-lợi và tro bụi.
Như vậy chúng ta thấy, vào những thời khắc quan trọng trong cuộc đời của Đức Thế
Tôn, chư thiên luôn có mặt. Họ thể hiện thiện ý đối với những công việc cũng như
những sự kiện liên quan đến Ngài.
Nguồn: buddhivihara.org