Duy Ma Cật – Vị Bồ tát dùng phương tiện thuyết pháp
duy ma cat a
DUY MA CẬT - VỊ BỒ-TÁT DÙNG PHƯƠNG TIỆN THUYẾT PHÁP
Thích Nữ Liên Thuận
Vài nét về tiểu sử
Duy Ma Cật (Vimalakirti), một thương gia giàu có ở thành Vệ-xá-ly
(Vaiśālī, Vesāli), có biện tài, giỏi tranh luận
và trí nhớ phi thường. Ông là một người đầy quyến rũ và bí ẩn. Không giống như
những Đại đệ tử của Đức Phật mà họ hầu như tách rời hẳn với đời sống thế tục,
Duy Ma Cật sống đời sống của một cư sĩ trọn vẹn và không ràng buộc. Đời sống đó
là một hiện thân của tinh thần Đại thừa, khước từ tinh thần tu viện hạn hẹp và
nhấn mạnh vào việc đi vào xã hội của Phật giáo.
Đối với giới Phật tử ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt
Nam…, đặc biệt là những cư sĩ tại gia, Duy Ma Cật đã trở thành một nhân vật được
nhiều người biết đến. Điều này được minh chứng khi chúng ta thấy rằng kinh Duy Ma Cật ngày càng được đọc tụng rộng
rãi hơn trong giới Phật tử. Trái với hình ảnh của tu sĩ, những vị sống nghiêm
ngặt trong giới luật và thực hành giáo pháp của Đức Phật để chứng Thánh quả,
Duy Ma Cật là một thương gia giàu có, một công dân nổi bật của thành Vệ-xá-ly, được nhân dân thương mến
và ông cũng rất gần gũi với họ. Ông có vợ và gia đình, dấn thân trong những hoạt
động thương mại, và thỉnh thoảng ông cũng có mặt trong các khu vui chơi, cờ bạc
trong thành phố, để truyền bá giáo pháp Đại thừa. Ông là một người thực hành loại
giáo pháp mà Tăng đoàn trước kia, với sự nhấn mạnh vào tinh thần tu viện, không
thể chấp nhận được.
Trưởng giả là sự nhân cách hoá, là điển hình cụ thể
cho trường hợp cá biệt, ở đó Bồ-tát vận dụng phương tiện vào một thế giới mà chúng
sinh có xu hướng hưởng thụ vật chất, chìm đắm trong đam mê ngũ dục. Tuy sống
trong đời ngũ trược, nhưng Duy Ma Cật điển hình cho một vị Bồ-tát đi vào đời
hoá độ chúng sinh mà hình tướng là một vị cư sĩ tại gia. Đây chính là tinh thần
nhập thế sinh động của một vị Bồ-tát đã đem đạo vào đời dưới nhiều hình thức
khác nhau, nhưng vẫn toát lên một nhân cách cao thượng của bậc trượng phu. Trong
kinh diễn tả: “Trong hàng Trưởng lão, ông là bậc tôn trưởng diễn thuyết những
pháp tối thắng. Trong hàng cư sĩ, ông là cư sĩ bậc nhất, dạy họ đoạn trừ đam mê
ái dục. Trong hàng Sát-đế-lợi, ông là bậc tôn quý, dạy họ biết nhẫn nhục. Ở giữa
chúng Bà-la-môn, ông là bậc tôn quý của Bà-la-môn, khiến họ dứt trừ ngã mạn. Giữa
hàng đại thần, ông là bậc tôn quý của đại thần, dạy họ thực thi chánh đạo. Được
tôn kính giữa những vương tử, ông dạy họ bằng trung hiếu. Được tôn kính trong
các nội quan, ông giáo hóa các cung nữ bằng sự chân chánh. Được tôn kính trong
hàng thứ dân, ông hướng dẫn họ hướng đến phước nghiệp”.
Như vậy, hình ảnh Duy Ma Cật đã nói lên tinh thần nhập
thế của Phật giáo Đại thừa, rằng không chỉ những vị tu sĩ mới có thể tu tập và
chứng đắc giáo pháp của Như Lai, mà một cư sĩ có vợ con, hưởng thụ dục lạc,
nhưng nếu tâm hoàn toàn vô nhiễm, sống đời thánh thiện như một tu sĩ xuất gia, thì
họ vẫn có thể giải thoát ngay trong cuộc đời này.
Ý nghĩa về phương tiện
Phương tiện được hiểu như là một phương cách mà chư Phật
và Bồ-tát sử dụng trong việc thuyết giảng giáo pháp cho những đối tượng khác
nhau, tuỳ theo căn cơ, đưa họ đến giác ngộ theo một cách hiệu quả nhất. Vì thế,
người sử dụng phương tiện là người có thể biết được căn cơ và tâm thức của những
đối tượng cần giáo hóa, qua đó truyền trao cho họ những giáo lý và phương pháp
tu tập thích hợp với khả năng của họ. Nói cách khác, người thực hành phương tiện
là người có đủ trí tuệ và từ bi: trí tuệ thấy rõ căn cơ của chúng sinh và truyền
trao cho họ những giáo pháp thích hợp; từ bi là động lực thúc đẩy việc cứu độ chúng
sinh.
Một vị Bồ-tát theo Phật giáo Đại thừa luôn luôn đầy đủ
ba đặc tính: trí tuệ, từ bi và phương tiện. Trí tuệ là nội dung, lòng từ bi là
sự thể hiện nội dung đó và phương tiện là cách chuyển đổi nội dung đó thành một
hành động cụ thể.
Duy Ma Cật hiện thân
thuyết pháp
Bồ-tát Duy Ma Cật là một vị trưởng giả, từng cúng dường
vô lượng Phật, trồng sâu gốc rễ thiện, chứng đắc vô sinh pháp nhẫn, có tài biện
thuyết vô ngại, hiện du hý thần thông, nắm vững các tổng trì, đạt được vô sở
uý, khuất phục mọi thù nghịch quấy nhiễu của ma, thấu hiểu mọi pháp môn sâu thẳm
đưa đến giác ngộ, thiện xảo trong trí độ và biết diệu dụng các phương tiện
thích hợp để giáo hóa, hoàn thành được mọi đại nguyện của Bồ-tát. Ông biết rõ
tâm của chúng sinh, có thể phân biệt căn tính bén nhạy hay chậm lụt. Từ lâu tâm
của ông đã thành thục trong Phật đạo. Mọi hành động của ông đều dựa trên tư duy
chân chánh. An trú trong oai lực nhiệm màu của Phật, tâm ông luôn trải rộng như
đại dương. Được chư Phật ca ngợi; hàng Đế thích và Phạm thiên kính phục.
Bồ-tát đã phương tiện chọn Vệ-xá-ly làm nơi thường trú để hóa độ chúng sinh. Bằng
gia sản của mình, ông cứu giúp người cùng khổ. Bằng sự thanh tịnh của giới, ông
nhiếp phục người phá giới. Bằng sự nhu hòa thuận nhẫn, ông nhiếp phục người sân
hận. Bằng đại tinh tấn, ông nhiếp phục người biếng nhác. Bằng tâm thiền tịch tịnh,
ông nhiếp phục những kẻ có tâm ý vọng động. Bằng tuệ quyết định, ông nhiếp phục
những hạng vô trí. Tuy là hàng bạch y, ông vẫn tuân hành mọi luật tắc của
Sa-môn. Tuy là cư sĩ, ông vẫn tự tại không vướng mắc trong ba cõi. Tuy thị hiện
có vợ con, ông luôn sống đời tịnh hạnh. Tuy hiện thân giữa các thuộc hạ, ông vẫn
thường vui thú viễn ly. Tuy mang ngọc vàng châu báu, nhưng ông trang điểm thân
mình bằng phẩm hạnh oai nghiêm. Dù ăn uống như tục gia, nhưng ông chỉ thưởng thức
vị thiền. Ông chơi với cờ bạc để đưa người vượt thoát; tiếp nhận dị đạo mà
không huỷ chánh tín; thông hiểu kinh điển thế gian nhưng thường hâm mộ pháp Phật.
Ai gặp ông đều kính nể, tôn kính vào hàng bậc nhất. Tuy cũng gặt hái những lợi
ích trong các hoạt động thế tục của mình, ông không lấy đó làm mừng. Rong chơi
trên các ngõ đường vẫn không quên giúp ích mọi người; vào chốn công đường để bảo
vệ kẻ cô thế; tham gia các hội nghị để đưa người vào Đại thừa; đến các trường học
để khai sáng tâm mọi người; vào nơi kỹ viện để cho thấy tai hoạ của dục vọng; vào
trong tửu lâu mà vẫn vững vàng ý chí. Trong hàng Trưởng lão, ông là bậc tôn trưởng
có thể diễn thuyết những pháp tối thắng. Trong hàng cư sĩ, ông là cư sĩ bậc nhất,
dạy họ đoạn trừ đam mê ái dục. Trong hàng Sát-đế-lợi, ông là tôn trưởng Sát-đế-lợi,
dạy họ biết khoan hòa. Trong giới Bà-la-môn, ông là tôn trưởng Bà-la-môn, dạy họ
cách chế ngự ngã mạn. Trong các đại thần, ông được tôn kính bậc nhất, dạy họ
pháp luật công chính. Trong các vương tử, ông được tôn kính bậc nhất, dạy họ đạo
trung hiếu của vương tử. Trong chốn cấm cung, ông là nội quan tôn quý, giáo hóa
hết thảy cung nữ đức hạnh. Trong giới bình dân, ông được tôn kính bậc nhất,
khích lệ họ vun trồng phước đức. Trong hàng Phạm thiên, ông được tôn kính bậc
nhất, khuyên bảo họ bằng tuệ tối thắng. Trong hàng Đế thích, ông được tôn kính
bậc nhất vì ông chỉ cho họ thấy rõ tính vô thường. Trong hàng hộ thế, ông được
tôn kính bậc nhất vì ông bảo vệ hết thảy chúng sinh.
Như vậy, Bồ-tát Duy Ma Cật đã sử dụng vô vàn phương tiện
để giảng dạy Chánh pháp vì lợi ích của chúng sinh. Ông cũng phương tiện bị bệnh
để thuyết pháp giáo hóa. Vì ông bệnh mà vương hầu, khánh tướng, Trưởng lão, cư
sĩ, Bà-la-môn, hoàng thân quốc thích… đã đến thăm viếng ông. Nhân đó, bằng những
bệnh tật nơi thân, Duy Ma Cật đã giảng giải pháp Phật rộng rãi cho những người
đến thăm.
Ông nói:
“Các nhân giả, thân này là vô thường, yếu đuối, cũng
chẳng bền lâu; là pháp chóng mục nát, không đáng tin cậy. Nó là sự khổ, là sự
ưu não, là nơi tập hợp của các loại tật bệnh. Thân này không phải là chỗ đáng
nương tựa cho người minh trí. Thân này như bọt biển, không thể vốc nắm. Thân
này như bong bóng nước, không tồn tại lâu dài. Thân này như ngọn lửa bùng cháy
từ khát vọng yêu đương. Thân này như cây chuối, ruột không lõi chắc. Thân này
như huyễn, hình thành bởi ý nghĩ đảo điên. Thân này như giấc mộng, do hư vọng
mà thấy có. Thân này như bóng, theo duyên nghiệp mà có. Thân này như tiếng
vang, tuỳ thuộc nhân duyên. Thân này như đám mây trôi, chợt biến chợt diệt.
Thân này như ánh chớp lóe, thoáng chốc tiêu tan. Thân này không chủ tể, như đất.
Thân này không tự ngã, như lửa. Thân này không thọ mạng, như gió. Thân này
không con người, như nước. Thân này không thật, lấy bốn đại làm nhà. Thân này rỗng
không, không ngã cũng không ngã sở. Thân này vô tri, như cỏ, cây hay gạch ngói.
Thân này không hành động, chỉ chuyển động vì sức gió. Thân này bất tịnh vì chứa
đầy uế tạp. Thân này hư nguỵ, tuy nhờ bởi tắm rửa, y phục, ẩm thực, rồi sẽ trở
về tàn hoại diệt vong. Thân này là tai họa, bị bức bách bởi mọi thứ tật bệnh.
Thân này như cái giếng trên gò, vì sự già vây khốn. Thân này vô định, nhất định
sẽ chết. Thân này như rắn độc, như kẻ thù, như xóm hoang. Nó được tập thành bởi
các uẩn, các xứ, các giới.”
Rồi trưởng giả nói tiếp:
“Chư Tôn giả, thân này đáng chán như vậy, ta nên tầm cầu
Phật thân. Vì sao? Vì Phật thân tức Pháp thân, sinh từ vô lượng công đức và trí
tuệ; sinh từ giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến về giải thoát; từ, bi, hỷ,
xả; từ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhu hòa, cần hành tinh tấn, thiền định giải
thoát, tam muội; sinh từ đa văn, trí tuệ, các ba-la-mật; sinh từ phương tiện;
sinh từ sáu thông; sinh từ ba minh; sinh từ ba mươi bảy đạo phẩm; sinh từ chỉ
quán; sinh từ mười lực, bốn vô uý, mười tám pháp bất cộng; sinh từ sự đoạn trừ
hết thảy pháp bất thiện, tập hết thảy pháp thiện; sinh từ sự chân thật; sinh từ
sự không buông lung. Từ vô lượng pháp thanh tịnh như vậy sinh ra thân Như Lai.
Các nhân giả, nếu muốn được thân Phật hầu chấm dứt hết thảy tật bệnh của chúng
sinh, các ngài nên phát tâm cầu giác ngộ tối thượng” (2, tr.74).
Qua đây chúng ta thấy rằng Bồ-tát Duy Ma Cật đã sử dụng
rất nhiều phương pháp thích hợp khác nhau để hóa độ chúng sinh. Với đầy đủ
phương tiện thiện xảo và thần lực bất khả tư nghì, trưởng giả đã khéo sử dụng mọi
phương tiện thuận nghịch để hóa độ chúng sinh thuộc mọi thành phần của xã hội, đưa
họ về với Phật đạo.
Tham khảo
1.
Thích
Chơn Thiện (2018), Tư tưởng kinh Đại thừa, NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh.
2.
Tuệ
Sỹ (2008), Huyền thoại Duy Ma Cật, NXB.Phương Đông.
3.
Thích
Thái Hòa (2018), Tư tưởng Duy Ma Cật từ một góc nhìn, NXB.Hồng Đức.