Luận bàn về các lỗi của Tôn giả A Nan

luan ban ve

Luận bàn về các lỗi của Tôn giả A Nan

Thích Hạnh Chơn

 

Tôn giả A Nan (Ananda) là một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Gautama Buddha hay Sakyamuni). Ngài là vị thị giả, người phụ tá, người thư ký vĩ đại của Đức Phật bởi không ai có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao hơn ngài. Tôn giả A Nan cũng được tôn xưng với tôn hiệu Đa văn đệ nhất, tức là vị học rộng hiểu nhiều bậc nhất trong Tăng đoàn của Đức Phật. Tuy nhiên, Tôn giả được sử liệu ghi lại là chứng thánh quả A-la-hán chỉ sau khi Đức Phật nhập diệt ba tháng và còn bị Tăng đoàn quy kết một số lỗi tại kỳ Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất. Hành trạng hay cuộc đời và đạo nghiệp của Tôn giả đã được chư tôn đức, học giả viết thành sách. Trong bài này, người viết chỉ luận bàn về các lỗi mà Tôn giả A Nan bị quy kết và từ đó đưa ra vài ý thảo luận dựa trên nội dung các lỗi này.

Sơ lược về Tôn giả A Nan

Tôn giả A Nan là em chú bác với Thái tử Tất-đạt-đa (Sĩ-đạt-ta, Siddhartha), tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sinh trong dòng tộc Thích Ca (Sakya). Có hai thuyết nói về năm sinh của ngài. Thuyết thứ nhất cho rằng Tôn giả sinh cùng năm với Đức Phật, tức bằng tuổi với Đức Phật. Thuyết thứ hai cho rằng ngài sinh vào đêm Thái tử Tất-đạt-đa thành đạo (chứng Phật quả, thành Phật Thích Ca Mâu Ni), tức nhỏ hơn Đức Phật 35 tuổi.[1] Theo thuyết thứ nhất thì Tôn giả A Nan xuất gia năm 37[2] tuổi và 55 tuổi làm thị giả Đức Phật. Với độ tuổi lớn ngang bằng Đức Phật, liệu ngài có thể chu toàn phận sự thị giả chăng? Với thuyết thứ hai, Tôn giả xuất gia năm hai tuổi là điều không thể được, và khi 20 tuổi, vừa mới trở thành Tỷ-kheo, liền được đề cử ngay làm thị giả cho Đức Phật cũng không đáng tin cậy. Có thể, Tôn giả sinh vào năm khác ngoài hai thuyết trên?

Tôn giả A Nan trở thành thị giả của Đức Phật theo ý định của Thế Tôn. Trong 20 năm đầu sau khi thành đạo, Đức Phật không có vị thị giả cố định mà các đệ tử thay nhau làm thị giả. Đến tuổi 55, Đức Phật tuyên bố cần chọn một thị giả cố định để trợ giúp. Tất cả đệ tử lớn, trừ Tôn giả A Nan, bày tỏ mong muốn làm thị giả Đức Phật nhưng Ngài đều từ chối. Cuối cùng, Đức Phật chọn Tôn giả A Nan làm thị giả cho đến khi nhập diệt. Tôn giả chấp nhận trọng trách thị giả Đức Phật với tám điều kiện và được Phật chấp thuận.[3] Trong 25 năm làm thị giả, Tôn giả đã tận tụy hết lòng bên Đức Phật và được chính Đức Phật khen ngợi về nhiều mặt, như đầy đủ ức niệm, tối thắng, đầy đủ cử chỉ tốt đẹp tối thắng, đầy đủ sự kiên trì tối thắng, thị giả tối thắng.[4] Ngài được cho là sống thọ đến 120 tuổi.

Các lỗi Tôn giả A Nan bị chất vấn và sự giải trình

Tôn giả A Nan làm thị giả Đức Phật 25 năm nhưng vẫn chưa chứng thánh quả A-la-hán và còn bị Tăng đoàn quy kết các lỗi sau khi Đức Phật nhập diệt. Dù gần gũi Đức Phật và có sự học rộng, hiểu biết nhiều nhưng điều kiện đó chưa đủ giúp Tôn giả chứng thánh quả A-la-hán. Mãi sau khi Đức Phật nhập diệt, nhờ nỗ lực thực hành Tôn giả mới đạt được thánh quả đó. Đó cũng là điều kiện để Tôn giả được phép tham gia Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất với trọng trách tuyên đọc lại tạng kinh. Cũng trong kỳ đại hội này, Tôn giả bị quy kết bảy lỗi như sau: Một là không hỏi Phật điều luật nào là không quan trọng có thể bỏ được. Hai là giẫm đạp lên y Phật trong khi may vá y. Ba là dành ưu tiên cho phái nữ đến lễ bái nhục thân Phật trước. Bốn là không thỉnh cầu Đức Thế Tôn sống thêm một kiếp nữa. Năm là cầu Phật cho phép phái nữ xuất gia, gia nhập Tăng đoàn. Theo nguồn Luật tạng Tây Tạng, Tôn giả còn bị thêm hai lỗi nữa là không đem nước uống cho Đức Phật dù Phật ba lần yêu cầu và để cho người thuộc giai cấp thấp xem những bộ phận kín của Đức Phật.[5]

Sau khi bị Tăng-già luận các lỗi (tội), Tôn giả A Nan giải trình từng điều một. Điều thứ nhất, Tôn giả quên hỏi Phật các điều luật có thể bỏ vì đau buồn, tâm tư bối rối khi biết Phật sắp nhập diệt. Điều thứ hai, Tôn giả giẫm lên y để giữ y không bị gió mạnh thổi bay thì mới có thể may vá được. Điều thứ ba, Tôn giả cho nữ giới đảnh lễ nhục thân Phật trước vì thấy họ chờ lâu tội nghiệp. Điều thứ tư, Tôn giả không thỉnh Phật sống thêm một kiếp nữa vì bị ma vương ám ảnh nên tâm trí tăm tối. Điều thứ năm, Tôn giả xin cho phái nữ xuất gia vì muốn báo đáp công ơn dưỡng dục của bà Kiều-đàm-di (Pajapati Gotami) đối với Đức Phật. Điều thứ sáu, Tôn giả không lấy nước cho Phật vì nước sông quá đục. Điều thứ bảy, Tôn giả cho người thuộc giai cấp thấp thấy các bộ phận kín của Đức Phật nhằm giúp họ loại trừ tính dâm dục.[6]

Tôn giả A Nan đã giải trình đầy đủ trước hội đồng Tăng-già và không cho rằng mình có lỗi. Tuy nhiên, Tôn giả vẫn sám hối trước hội đồng Tăng-già vì tôn kính Tăng-già.[7] Các lỗi quy kết cho Tôn giả thực sự không thuộc giới điều nào để gọi là phạm giới và cũng không thể gọi là phạm tội.

Luận bàn về các lỗi của Tôn giả A Nan

Cũng như tất cả các tôn giáo, nếu Phật giáo được xem như là một tôn giáo thì bên cạnh giáo pháp tu tập còn có phần tín ngưỡng. Trong các lỗi quy kết cho Tôn giả có yếu tố tôn giáo tín ngưỡng. Lỗi thứ tư không thỉnh Phật sống thêm một kiếp nữa. Phật với lòng từ bi vô lượng thì cần gì phải có người thỉnh mời mới sống thêm, không thỉnh thì nhập diệt. Phật hứa với ma vương là nhập diệt nên không thất hứa sống thêm có thể hiểu Phật sống phù hợp với chân lý vô thường mà Ngài giảng dạy, ma được hiểu là sự chết. Sự thật thì không thể xảy ra hiện tượng dùng thần thông để giữ thân tứ đại này mãi được. Lỗi thứ sáu không lấy nước cho Phật uống vì cho rằng Phật có năng lực làm cho nước đục thành nước trong. Yếu tố này cũng mang tính tín ngưỡng, tôn giáo vì nó không theo quy luật mà lại đi theo hướng niềm tin, hay thần thông can thiệp. Đã có năng lực thần thông biến nước đục thành trong thì cần gì phải uống nước mới hết khát. Chỉ có điều là tại sao ngài A Nan không múc nước để lọc hay để lắng cho trong sạch rồi cho Phật uống.

Các lỗi khác có khuynh hướng bị ảnh hưởng bởi tập tục, văn hóa tín ngưỡng. Lỗi thứ hai liên quan đến việc giẫm y Phật khi may vá. Nếu không có người phụ giúp, muốn giữ y để may vá thì không có cách nào ngoại trừ vào phòng kín không có gió. Lỗi thứ ba cho nữ giới đảnh lễ trước là bị ảnh hưởng bởi văn hóa trọng nam khinh nữ. Lỗi thứ năm xin cho nữ giới xuất gia cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này vẫn còn là vấn đề tranh luận bởi Đức Phật là bậc thầy của trời người thì biết rõ khi nào đủ nhân duyên mà hóa độ chứ đâu phải chờ Tôn giả A Nan “năn nỉ, phân tích lý sự” rồi “đuối lý” mà chấp nhận. Lỗi thứ bảy cho người thuộc giai cấp thấp thấy các bộ phận kín của Phật có vẻ không hợp lý và phản cảm.

Tôn giả A Nan là nhân vật tối quan trọng cho vị trí trùng tuyên kinh tạng. Rất may là Tôn giả đạt thánh quả A-la-hán để đủ tư cách tham dự đại hội, nếu không thì đại hội không thể diễn ra.

Ngang đây, một câu hỏi đặt ra là thánh quả A-la-hán vẫn còn hạn chế hay nói cách khác, vị A-la-hán vẫn còn hạn chế? Qua sự kiện Đại hội kiết tập kinh điển, câu trả lời rất rõ ràng là vị A-la-hán còn hạn chế. Bởi vì, 499 vị và còn nhiều vị A-la-hán khác không tham dự đại hội không thể thay thế Tôn giả A Nan. Nếu một vị A-la-hán bằng Phật hay biết mọi thứ thì đâu cần chờ Tôn giả A Nan. Lại nữa, sau khi Tôn giả A Nan trình bày ý của Phật cho phép được bỏ các điều luật không quan trọng (mang tính thích nghi văn hóa, tín ngưỡng) thì hội đồng các vị A-la-hán, bao gồm luật sự Upali cũng không biết điều nào là không quan trọng. Vì không biết nên mới bắt lỗi Tôn giả không hỏi Phật. Trừ lý do tôn giáo hay lý do nào đó, sự thật người trí có thể nhận ra những điều luật nào có thể thay đổi tùy thời gian và không gian mà các điều luật đó được áp dụng, ví dụ như “giới tự mang lông dê quá ba do tuần” có thể bỏ hoặc thay cho “mang đồ cấm” (điều 16, 30 pháp xả đọa, Tỷ-kheo giới kinh).

Qua các lỗi được luận bàn ở trên, chúng ta thấy rằng sau Phật nhập diệt mọi sinh hoạt mang tính tập thể trong Phật giáo đều phải thực hiện bằng pháp “yết-ma” (tức hỏi đáp để lấy ý kiến thống nhất) bởi chư Tăng đủ tư cách. Pháp và luật được xem như bậc thầy để làm căn cứ xử lý các tình huống trong sinh hoạt tập thể. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là sự hiểu biết của tập thể tới mức độ nào và việc ứng dụng pháp luật như thế nào cho phù hợp trong đời sống thực tế. Điều này đã xảy ra từ Đại hội kiết tập lần hai với kết quả phân thành hai bộ phái do quan điểm của hai tập thể không thống nhất, tức là sự hiểu biết và ứng dụng khác nhau.

Là người đa văn đệ nhất, Tôn giả A Nan vẫn cần phải tu tập để đạt thánh quả A-la-hán và cao hơn theo tinh thần Đại thừa. Việc chỉ lỗi và sám hối là pháp tu tập trong Phật giáo (tinh thần tự tứ). Người chỉ lỗi và người được chỉ lỗi đều thực hiện với tâm hoan hỷ, hòa hợp và tôn trọng Tăng đoàn. Tôn giả A Nan đã thể hiện rất tốt tinh thần này và xứng đáng là một trong những tấm gương quý báu cho các thế hệ noi theo.

 



[1] Hellmuth Hecker, (Nguyễn Điều soạn dịch), Cuộc đời Thánh tăng Ananda, XB: 1994, tr.5; https://www.palikanon.com/english/pali_names/aa/aananda.htm

[2] Đức Phật thành đạo năm 35 tuổi và 2 năm sau về thăm quê hương, thu nhận nhiều đệ tử xuất gia, trong đó có thân bằng quyến thuộc như Đề-bà-đạt-đa (Devadatta), A Nan…

[3] Tám điều kiện ngài A Nan đưa ra gồm 1. Đức Phật không ưu tiên tặng y phục cho A Nan, 2. Đức Phật không ban vật thực của Đức Phật cho A Nan, 3. Đức Phật không dành tịnh thất tốt cho A Nan, 4. Đức Phật không ưu tiên cử A Nan đi trai tăng cúng dường, 5. Ai thỉnh Đức Phật thọ trai thì thưa qua ngài A Nan để ngài thưa lại Phật, 6. Ngài A Nan được phép đưa khách phương xa đến vào yết kiến Phật, 7. Ngài A Nan được phép hỏi Phật khi có điều hoài nghi, 8. Đức Phật lặp lại bài pháp mà ngài A Nan vắng mặt chưa nghe.

[4] Kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Người tối thắng.

[5] P.V Pabat, 2500 Years of Buddhism, Ministry of Information and Broadcasting Government of India, 1956, tr.40; Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Đại cương văn điển Phật giáo, NXB.Phương Đông, 2017, tr.21. https://www.palikanon.com/english/pali_names/aa/aananda.htm, truy cập, 9.9.2022.

[6] Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Đại cương văn điển Phật giáo, NXB.Phương Đông, 2017, tr.22; Hellmuth Hecker, (Nguyễn Điều soạn dịch), Cuộc đời Thánh tăng Ananda, XB: 1994, tr.174.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác