Tinh thần Đại sư Khuông Việt trong cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963

tinh than dai su

 

Lê Cung

 

Từ khi truyền vào nước ta, Phật giáo nhanh chóng bắt rễ sâu rộng trong quần chúng và đã có những đóng góp to lớn đối với công cuộc phục hưng và xây dựng đất nước. Có không ít sử liệu để khẳng định cho lập luận này, xin được dẫn một trong những sử liệu tiêu biểu nhất: Năm 544, sau khi giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương, Lý Bí lên ngôi, lấy hiệu là Lý Nam Đế, tuyên cáo dựng nước với quốc hiệu là Vạn Xuân, dựng chùa lớn đặt tên là chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc, Hà Nội). Theo Giáo sư Trần Văn Giàu, sự kiện Lý Nam Đế dựng chùa Khai Quốc cho thấy “mối quan hệ giữa Phật giáo với cuộc vận động độc lập, nói lên rằng nhà chùa thuở nọ là một trong những cơ sở quan trọng cho tư tưởng dân tộc phát triển”[1], còn nhà nghiên cứu Phật học Lý Khôi Việt thì khẳng định: “Ngay từ thế kỷ thứ VI, qua các triều đại độc lập đầu tiên của dân tộc sau 600 năm lệ thuộc, Phật giáo không những đã ở trong dân tộc mà còn là nền tảng tâm linh và tinh thần của dân tộc”[2]. Rõ ràng là trên cả hai bình diện cả lý luận và thực tiễn, có thể khẳng định rằng từ đây Phật giáo đã trở thành mạch sống của dân tộc.

Với những nét “chấm phá” trên đây giúp chúng ta hiểu được tại sao ngay khi đất nước bước vào kỷ nguyên tự chủ, các triều Đinh, Tiền Lê đều trọng dụng các nhà sư trong trọng trách “hộ quốc, an dân”, tiêu biểu là Đại sư Khuông Việt, một trong hai ngôi sao sáng chói[3] trên bầu trời Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X. Bài viết này giới thiệu khái quát về công án Đại sư Khuông Việt và sự hiện thực hóa tinh thần Đại sư Khuông Việt trong cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963.

Đại sư Khuông Việt, thế danh là Ngô Chân Lưu (933 - 1011), một người tài đức lỗi lạc, thông bác chữ nghĩa, lãnh đạo phong trào truyền bá Chánh pháp. Việc Đại sư được Đinh Tiên Hoàng phong chức Tăng thống đã nói rõ công án của ngài đối với Phật giáo. Về công án của Đại sư Ngô Chân Lưu, cần phải lưu tâm đến bài kệ nói về “Phật tính”“sự thị hiện Phật tính” mà ngài đã trao truyền cho các đệ tử trước lúc viên tịch:

Mộc trung nguyên hữu hỏa

Nguyên hỏa, hỏa hoàn sanh

Nhược vị mộc vô hỏa

Toản toại hà do manh?

(Trong cây vốn có lửa

Có lửa, lửa mới sinh

Nếu bảo cây không lửa

Cọ xát sao lại ra?)

Nhớ lại lời dạy Đức Thế Tôn: “Mỗi chúng sinh đều có Phật tính”. Nhưng để “Phật tính thị hiện”, cũng theo lời dạy của Đức Thế Tôn thì: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Phật ví “Phật tính” như một tấm gương trong sáng, nếu không thường xuyên chăm sóc, lau chùi thì bụi mờ vô minh sẽ che lấp. Điều này được hiểu là để “Phật tính” xuất hiện, tức là đạt được minh tâm, kiến tánh đi đến bến bờ giác ngộ, đòi hỏi mỗi chúng sinh phải không ngừng nỗ lực rèn luyện, tu tập. Có thế, chính mình cùng chúng sinh mới đóng góp, xây dựng quốc gia thái bình, xã hội an lạc, phồn vinh và phú cường.

Là một nhà sư đạt đến “ngôi vị” Tăng thống, hơn ai hết, Ngô Chân Lưu nhận chân giá trị siêu việt lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, trước lúc thị tịch, Ngô Chân Lưu đã xuất ngôn với bài kệ trên đây, được xem như là một thông điệp, nhắc nhở Tăng chúng vượt lên chính mình, biết dứt bỏ những cám dỗ danh lợi, vật chất tầm thường mà nỗ lực tu tập, rèn luyện để đạt được “Phật tính” ngay trong cõi ta-bà này, góp phần tích cực vào việc “hộ quốc, an dân”.

Cao hơn nữa, Đại sư Khuông Việt đã gắn bó cuộc đời mình trong việc giúp triều Đinh và triều Tiền Lê trên cả hai lãnh vực nội trị và ngoại giao nhằm phục hưng đất nước sau hơn 1.000 năm bị phong kiến phương Bắc thống trị. Sách Thiền uyển tập anh viết: “Năm bốn mươi tuổi, danh tiếng vang dội triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng mời về kinh đô (Hoa Lư) hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong chức Tăng thống. Năm thứ 2 niên hiệu Thái Bình (971), sư được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư”[4]. Tư liệu này cho thấy Ngô Chân Lưu đã phò giúp Đinh Tiên Hoàng những kế sách nhằm giữ vững sơn hà xã tắc. Có vậy, thiền sư mới được vua ban hiệu là Khuông Việt, tức là “khuông phò, giúp đỡ nước Việt”. Theo Lê Mạnh Thát: “Với một tước phong như thế, rõ ràng Đại sư phải có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp đế vương của Đinh Tiên Hoàng”[5]. Điều này không có gì cần phải bàn thêm bởi Ngô Chân Lưu được ban hiệu Khuông Việt Đại sư cùng một lần với những người có công lớn như Định quốc công Nguyễn Bậc, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cùng những người phò tá Đinh Tiên Hoàng dẹp được loạn “Thập nhị sứ quân”, thống nhất đất nước.

Về vai trò của Đại sư Khuông Việt đối với nhà Tiền Lê, sách Thiền uyển tập anh viết: “Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự”[6]. Khi biết quân Tống do Hầu Nhân Bảo cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành đã nhờ thiền sư cầu nguyện ở chùa Vệ Linh (tức chùa Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay). Hành động này là đòn binh pháp về mặt tư tưởng, cốt để quân sĩ giữ vững ý chí cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước sắp diễn ra. Sách Thiền uyển tập anh viết: “Năm Thiên Phúc thứ nhất (981), quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó, vua đã biết chuyện này, bèn sai (Ngô Chân Lưu - TG chú thích) đến cầu đảo xin thần phù hộ. Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây, bọn chúng lại thấy gió to nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy”[7].

Trên mặt trận ngoại giao, Đại sư Khuông Việt nổi tiếng với bài Ngọc lang quy tiễn sứ Tống là Lý Giác về nước mà về sau Lê Qúy Đôn đã hết lời ca ngợi: “Nước ta từ khi gây dựng, văn minh không kém gì Trung Quốc. Bài Từ vua Tiền Lê tiễn Lý Giác nhà Tống, lời lẽ nõn nà, có thể vốc được...”[8].

Tiếp nối tinh thần Đại sư Khuông Việt, trong thời kỳ mà cả dân tộc quật khởi, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975), hàng hàng lớp lớp Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách, kể cả hy sinh chính bản thân mình, để cùng với nhân dân cả nước đạt được mục tiêu đề ra. Nổi bật nhất trong sự hiện thực hóa tinh thần Đại sư Khuông Việt ở thời kỳ này là cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963.

Ngay khi Ngô Đình Diệm được các thế lực ngoại bang đưa về đứng đầu “Quốc gia Việt Nam” với chủ thuyết “Cần lao nhân vị” do Ngô Đình Nhu chủ xướng, bằng “cái nhìn Phật tính”, giới lãnh đạo Phật giáo đã chỉ ra rằng: “Dưới chế độ Diệm cuộc sống sẽ trở nên hiểm nghèo hơn so với bất cứ thời gian nào dưới thời Pháp. Chúng ta chắc chắn phải trải qua những ngày tháng khó khăn hơn”[9].

Đúng như giới lãnh đạo Phật giáo đã nhận định, liền sau khi nắm lấy chính quyền, Ngô Đình Diệm đã thi hành nhiều chính sách gian manh, lắm biện pháp tàn bạo. Đối với Phật giáo, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị hết sức khốc liệt, nhằm cố đẩy lùi phong trào cách mạng Việt Nam. Chỉ riêng “Quốc sách ấp chiến lược” của chính quyền Ngô Đình Diệm, giới lãnh đạo Phật giáo xem như là “những chiếc nơm sắt, lớn và chắc, chụp xuống tất cả tư tưởng, nhất là tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam”[10]. Hệ thống chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm “là một cuộc tấn công Phật giáo Việt Nam một cách quy mô, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng - chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa - giáo dục”[11]. Trên thực tế, chính quyền Ngô Đình Diệm “có nhiều cố gắng theo hướng ‘Công giáo hóa’ nhân dân ta, biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo ở miền Nam”[12].

Đỉnh điểm của chính sách kỳ thị Phật giáo là khi chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Công điện 9195 ngày 6-5-1963, ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo thế giới vào dịp Đại lễ Phật đản năm 1963 (PL. 2507). Lập tức, chính quyền Ngô Đình Diệm vấp phải sự phản đối quyết liệt của Phật giáo Việt Nam. Trước hết, tại Huế, chiều ngày 7-5-1963, quần chúng, tín đồ Phật giáo bao vây tỉnh tòa với khí thế: “Phố phường như bừng dậy trong một cuộc động quân. Khắp các đường phố, từ trong thành, Đông Ba, Gia Hội từng đoàn người lũ lượt kéo qua cầu Trường Tiền. Từ Vĩ Dạ lên, ở trên Ga xuống, phía Kho Rèn,
An Cựu về, dân thị xã và phụ cận đổ xô về phía tỉnh đường đông nghịt cả người, đông một cách đáng sợ, như cuồng phong tới, như bão tố lên”
[13].

Bất chấp sự đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm, cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam từ Huế lan vào Sài Gòn và rộng ra khắp cả nước. Tăng Ni, Phật tử cả nước đã lấy “Phật tính” để đối trị chế độ gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm, tiêu biểu nhất là ngọn lửa Hòa thượng Thích Quảng Đức đốt lên giữa đường phố Sài Gòn (11-6-1963) với tâm nguyện:

“Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình

Làm đèn soi sáng nẻo vô minh

Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác

Tro trắng phẳng san hố bất bình

Thân cháy nát tan ra tro trắng

Thần thức nương về giúp sinh linh

Hỡi ai mộng ảo đang còn mộng

Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình”[14].

Hòa thượng Thích Quảng Đức đã hành động đúng theo hạnh nguyện Bồ-tát:

“Bể khổ lấp bằng là đại nguyện.

Từ bi bao quản mọi hy sinh”[15].

Với sự hy sinh cao cả của Thích Quảng Đức, “uy thế của Mỹ - Diệm bị một cú đánh tinh thần mạnh như trời giáng”[16]. Trên thực tế, ngọn lửa Thích Quảng Đức đã tạo ra một bước ngoặt hết sức quan trọng. Nó đã chuyển cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 sang một thế mới, trên cả hai bình diện quốc nội và quốc tế.

Ở trong nước, “cái chết vô uý của Hòa thượng Thích Quảng Đức là một hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người, một tiếng gọi đàn cho hàng tứ chúng”[17], được xem như là một lời kêu gọi khẩn thiết đối với tất cả những ai có lương tri hãy đứng lên đấu tranh chống lại chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm. Ngày 12-6-1963, giới lãnh đạo cao cấp của Phật giáo từ Huế vào Sài Gòn trực tiếp lãnh đạo cuộc vận động tại đây. Cũng trong ngày này, tại vùng giải phóng, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ truy điệu Hòa thượng Thích Quảng Đức. Xã luận báo Nhân Dân số ra ngày 13-6-1963 viết: “Gương hy sinh anh dũng của Hòa thượng Thích Quảng Đức là một sự tố cáo, lên án trước dư luận toàn thế giới chế độ độc tài cực kỳ tàn bạo của bọn Mỹ - Diệm. Chế độ ấy phải bị đánh đổ. Mười bốn triệu đồng bào miền Nam quyết đánh đổ chế độ ấy”[18]. Báo chí miền Bắc đăng tin chi tiết và hình ảnh về cuộc tự thiêu và cho đây là “sự hy sinh gan dạ của Hòa thượng Thích Quảng Đức để chống chính sách của tập đoàn Ngô Đình Diệm đàn áp tự do tín ngưỡng”[19].

Về sau nhìn lại cuộc tự thiêu của Thích Quảng Đức, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng[20] viết: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tôn vinh Hòa thượng Thích Quảng Đức, mặc dù trong tuyên bố nói rõ Mặt trận không cổ vũ cho hình thức tự thiêu, song quyết định của Hòa thượng mang ý nghĩa rộng lớn hơn một sự hy sinh bình thường. Ý nghĩa rộng lớn ấy nằm ở chỗ Hòa thượng Thích Quảng Đức không chỉ ‘Vị Pháp thiêu thân’ mà là ‘Vị quốc thiêu thân’. Trong trường hợp này, Hòa thượng Thích Quảng Đức là một anh hùng”[21]. Chính ở đây “cái tinh tuý của đạo Phật được phát huy, được luân lý dân tộc chấp nhận,… là hun đúc của lịch sử, là tinh hoa của Phật giáo, với tầm cỡ thế giới… ”[22].

Trên bình diện quốc tế, “bằng hành động cao quý, Hòa thượng Thích Quảng Đức, đại biểu cho Phật giáo Việt Nam, đã làm rung chuyển không những cả dân tộc mà cả thế giới”[23]. Đây là “một hành động tiêu biểu vĩ đại. Nó không chỉ chống lại Diệm, để chỉ sự hiện hữu của Phật giáo và được để ý tới, mà nó còn có ý nghĩa chống lại sự bất công, bất chính của toàn thế giới… Với một hành động lặng thinh, không nói một lời, một vị Hòa thượng Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng rùng rợn, một kháng nghị cao đẹp, lộng lẫy, chống lại mọi xấu xa đê hèn của loài quỷ sứ đang còn tồn tại trong thế giới ngày nay”[24].

Về dư luận của thế giới trước việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, chúng ta có thể hình dung qua đoạn tư liệu mà Malcoln W. Brown đã cung cấp trong “The New Face of War”: “Vụ Phật giáo năm 1963 đã làm chấn động các quốc gia ngoài châu Á kể từ khi xảy ra vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Úc, Đức… Tấm hình tự thiêu của Hòa thượng đã được phổ biến khắp thế giới, từ trên bàn giấy của Tổng thống Hoa Kỳ tới văn phòng các lãnh tụ Trung Quốc và chính nước cộng sản này đã cho in ra hàng triệu tấm hình ấy để phân phát đi khắp Á Phi với lời ghi chú: Một Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tự thiêu trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ - Diệm”[25].

Cuộc hy sinh phi thường của Thích Quảng Đức vượt qua cả trăm nghìn lời tố cáo hoặc kêu gọi, có sức thúc đẩy quần chúng tiến lên bất chấp bạo quyền. Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Kết tinh trong một vị chân tu những nỗi căm hờn đối với chế độ độc tài cá nhân gia đình trị, vô nhân đạo và bạo ngược, hành động dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức là một bản án không gì bôi được đối với chế độ bù nhìn của Mỹ ở Sài Gòn, đồng thời là một lời kêu gọi đồng bào Phật tử đấu tranh chống phát-xít, dù chết không chịu lùi bước. Thật không phải thường có những cái chết kích động nhân tâm sâu sắc và rộng rãi như cái chết của Hòa thượng Thích Quảng Đức”[26].

Ngày 16-6-1963, ngày dự định đưa tang Thích Quảng Đức, mặc dù được thông báo hoãn lại đến ngày 20-6-1963 sau khi Thông cáo chung được ký kết giữa giới lãnh đạo Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm, bất chấp sự phong tỏa từ các trục đường trong thành phố, từ 5 giờ sáng, 700.000 người đã tấp nập đổ về chùa Xá Lợi (Sài Gòn), nơi đặt thi hài Thích Quảng Đức, “ngoài thanh niên ra, hầu hết những người đến dự đều là đàn bà. Họ trẻ, khá hấp dẫn và duyên dáng trong bộ áo dài và quần trắng, hoặc cả bà già nhăn nheo, răng nhuộm đen vì ăn trầu. Tất cả đều đính băng nhỏ màu vàng ở ngực, một biểu tượng thương tiếc Hòa thượng Thích Quảng Đức”. “Quần chúng hòa vào nhau như những giọt nước trong đại dương và trong tình yêu người ta tự thấy mình lớn lên và không còn sợ hãi nữa”[27]. “Đây là cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt nhất ở Sài Gòn trong mấy năm nay. Nó đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ độc tài phát xít Mỹ - Diệm, đẩy chúng vào tình thế bị cô lập hơn bao giờ hết”[28]. Điều này dẫn đến một miền Nam, không chỉ nông thôn, rừng núi mà “cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm lung tận gốc chế độ bù nhìn”[29].

Để cứu nguy cho chế độ, đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm cho tiến hành “Kế hoạch nước lũ”, tấn công đồng loạt hầu hết các ngôi chùa được dùng làm trụ sở đấu tranh của Phật giáo trên khắp miền Nam. Hầu hết giới lãnh đạo Phật giáo, giáo sư và sinh viên tham gia đấu tranh đã bị bắt đưa vào trại giam. Với việc tấn công chùa, chế độ gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm đã “thực sự dẫm trúng võ chuối do Phật giáo quăng ra”[30] và đã chọn cho mình một tuyệt lộ.

Những ngày sau “Kế hoạch nước lũ”, cả thành phố Sài Gòn rung động trước sự phát triển dữ dội của cuộc vận động. Nhiều bộ trưởng, khoa trưởng, giáo sư đại học từ chức. Sinh viên, học sinh bãi khóa, nghỉ học đấu tranh cho tự do tín ngưỡng. Tình hình này khiến sự chần chừ, do dự của Mỹ về việc thủ tiêu chính quyền Ngô Đình Diệm đã được vượt qua. Sau khi nhận nhiệm sở thay Frederik Nolting, Cabodge Lodge, tân đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, đã tiếp xúc với Ngô Đình Diệm và Lodge đã phúc trình với Washington rằng Ngô Đình Diệm có lẽ đã mất khả năng lãnh đạo đất nước và kết luận rằng trừ trường hợp vợ chồng Ngô Đình Nhu rời khỏi xứ, Diệm có thể coi như là hết thuốc chữa. Ngày 24-8-1963, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, Xử lý Thường vụ Bộ trưởng Ngoại giao ký gởi cho Lodge điện văn với nội dung: “Rõ ràng Nhu đã tiếm quyền. Hãy cho Diệm cơ hội gạt Nhu và bè nhóm ra một bên. Nếu đã cố gắng hết cách mà Diệm vẫn khăng khăng chối từ thì chúng ta đành phải đối đầu với khả thể là Diệm cũng không cứu được”[31]. Bản án tử hình chính quyền Ngô Đình Diệm đã trong gang tấc, thời điểm thi hành là ngày 1-11-1963. Rõ ràng là “trước sự lớn mạnh và thế tiến công cách mạng, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi tay sai, phế bỏ Ngô Đình Diệm hòng để cải thiện tình hình chính trị và quân sự để cứu vãn thất bại”[32].

Trong bối cảnh miền Nam dưới sự thống trị của chế độ Ngô Đình Diệm, “một chế độ mà kẻ thù của nhân dân đinh ninh rằng không một lực lượng nào dưới quyền thống trị của chúng dám đã động đến”[33], thì “cú hích” năm 1963, xóa bỏ chế độ độc tài gia đình trị, giáo trị Ngô Đình Diệm được xem như là một bước ngoặt có tầm vóc to lớn, mở ra một lỗ hỏng được đột phá rất to cho mọi giai tầng xã hội ở các đô thị miền Nam luồn qua, để cùng với nhân dân cả nước đánh đổ từng bộ phận, tiến lên đánh đổ hoàn toàn chính sách xâm lăng của Mỹ và chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm. Tình hình chính trường và chiến trường miền Nam sau chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ đã minh chứng cho nhận định này. Đúng như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới”[34].

Trong hơn ba thập kỷ trở lại đây, với nhiều hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế, cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 tiếp tục được phân tích, đánh giá dựa trên những nguồn tư liệu mới phát hiện, với sự khẳng định rằng: “Trong thực tế, ý nghĩa của phong trào này còn vượt xa hơn, trong đó vấn đề nổi trội nhất chính là ở chỗ phong trào bước đầu góp phần làm phá sản chính sách can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, tạo đà cho phong trào cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975”[35]. Điều này giúp chúng ta hiểu được vì sao dấu ấn của cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963 trong lịch sử dân tộc là hết sức đậm nét. Ngay khi phong trào vừa kết thúc, “Báo cáo về tôn giáo” của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II ngày 01-01-1964 viết: “Trong phong trào chung của các tôn giáo chống chế độ phát-xít tàn bạo của Mỹ - Diệm và đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật vừa qua đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam”[36].

Tóm lại, từ Triều Đinh, Triều Tiền Lê với Đại sư Khuông Việt đến cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam năm 1963, với hình tượng nổi bật là Bồ-tát Thích Quảng Đức, Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp “hộ quốc, an dân”, tuy được thể hiện khác nhau, âu đó chính là cái cốt tủy của tinh thần “khế lý khế cơ”, “tùy thời tùy quốc độ” của Phật giáo, song điều khẳng định là Phật giáo Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào vẫn đi cùng với dân tộc, vì dân tộc mà xiển dương Chánh pháp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1] Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám, tập I, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974, tr.491.

[2] Lý Khôi Việt, Hai ngàn năm Việt Nam và Phật giáo, Phật học viện Quốc Tế, North Hills, CA, USA, 1988, tr.76.

[3] Ngôi sao thứ hai là Đỗ Pháp Thuận. Bài kế tiếp sẽ luận bàn về vị thiền sư này.

[4] Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Tộ và Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích), NXB.Văn Học, Hà Nội, 1990, tr.42-43.

[5] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 2, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr.415.

[6] Thiền uyển tập anh, Sđd., tr. 43.

[7] Sđd., tr.43.

[8] Thơ văn Lý - Trần, Tập I, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.24.

[9] Jerrold Schecter, The New Face of the Buddha. John Weatherhill, Tokyo, p.156.

[10] Thích Trí Quang, “Cuộc vận dộng của Phật giáo Việt Nam”, Tuần báo Hải Triều Âm, số 13, ngày 16-7-1964, tr.2.

[11] Lê Cung, Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 (bản in lần thứ tư),  NXB.Thuận Hóa, Huế, 2008, tr.130-131.

[12] Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam (1954-1965), NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr.174.

[13] Quý Linh, “Mở đầu cuộc đấu tranh Phật giáo” trong Trước cơn sóng gió, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung Phần xuất bản, Huế, 1964, tr.13-26.

[14] Bài kệ “Kính dâng thập phương chư Phật” của Hòa thượng Thích Quảng Đức viết trước lúc tự thiêu 11-6-1963.

[15] Bài minh trong tháp Ấn Quang dựng tại chùa Hòe Nhai (Hà Nội) ngày 20-7-1963 để ghi nhớ tinh thần hộ quốc, an dân của Hòa thượng Thích Quảng Đức.

[16] Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II, NXB.Khoa Học, Hà Nội, 1966, tr.343.

[17] Diễn từ của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết - Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, sau lễ hỏa thiêu nhục thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức, hồ sơ lưu tại chùa Từ Đàm - Huế.

[18] “Lửa căm hờn đang rực cháy”, Xã luận báo Nhân Dân, ngày 13-6-1963, tr.1.

[19] Báo Nhân Dân, ngày 13-6-1963, tr. 1.

[20] Thời điểm năm 1963, Trần Bạch Đằng đang công tác ở Trung ương cục miền Nam.

[21] Trần Bạch Đằng, “Tưởng nhớ Hòa thượng Thích Quảng Đức”, trong Bồ tát Quảng Đức - Ngọn lửa và trái tim, Lê Mạnh Thát (Chủ biên), NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, 2005, tr.156.

[22] Trần Bạch Đằng, “Mấy vấn đề về nghiên cứu Phật giáo và lịch sử tư tưởng dân tộc”, trong Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội, 1986, tr.22.

[23] Phát biểu của Đại tướng Mai Chí Thọ tại Hội thảo về “Bồ tát Quảng Đức vị Pháp thiêu thân” do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức ngày 27-5-2005 tại TP. Hồ Chí Minh, trong Bồ-tát Quảng Đức - Ngọn lửa và trái tim, Lê Mạnh Thát (Chủ biên), NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, 2005, tr.154.

[24] Thích Mãn Giác, Ông René De Berval, Nguyệt san Liên Hoa, Huế, ngày 27-2-1964, tr.37-38.

[25] Hoàng Xuân Hào, Phật giáo và chính trị tại Việt Nam ngày nay, quyển 1 (Luận án Tiến sĩ Luật khoa - Ban Công pháp, Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, 1972, tr.266.

[26] Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II, NXB.Khoa Học, Hà Nội, 1966, tr.343.

[27] Tâm Phong, “Nhớ lại cuộc vận động của Phật giáo”, Tuần báo Hải Triều Âm, số 18, ngày 24-8-1963, tr.10.

[28] Những sự kiện lịch sử Đảng, tập III, NXB.Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1985, tr.268.

[29] Lê Duẩn, Thư vào Nam, NXB.Sự Thật, Hà Nội, 1985, tr.248.

[30] Tâm Phong, Tuần báo đã dẫn, tr.10.

[31] The Pentagon Papers, New York: Bantam Books, 1971, tr.194.

[32] Lê Duẩn, Sđd., tr.248.

[33] Phan Lạc Tuyên, “Hương thơm cuộc đời”, trong Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cả nước tôn vinh anh, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.223.

[34] Lê Duẩn, Sđd., tr.248.

[35] Lê Cung, “Bàn về Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” trong giáo trình Lịch sử Việt Nam hiện đại ở bậc đại học và cao đẳng, Nghiên cứu Lịch sử, số 1 (369), 2007, tr.69-70.

[36] Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 12-1963 đến tháng 10-1964, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1964, tr.64.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác